QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA MỖI GIÁO XỨ TRONG GIÁO PHẬN MỸ THO
(WGPMT) Tiếp theo bài giới thiệu tổng quát những chuyển biến của các giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho qua dòng thời gian từ ngày thành lập giáo phận cho đến nay, đề mục này sẽ trình bày rất sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của mỗi giáo xứ trong giáo phận. Nội dung chính yếu trong phần trình bày này được sao chép hoặc biên soạn lại từ quyển kỷ yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho và dựa vào quyển Sưu Tập Gốc Tích Các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho do linh mục Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tập từ báo Nam Kỳ Địa Phận, báo Les Missions Catholiques và báo của Hội nghiên cứu Đông Dương. Ngoài ra, một ít thông tin của các giáo xứ trong những năm gần đây cũng được thêm vào để cập nhật cho nội dung. Mặc dù với chủ ý trình bày rất sơ lược về mỗi giáo xứ, nhưng nội dung vẫn còn nhiều giới hạn vì sự hiếm hoi về tài liệu tham khảo. Hy vọng những nội dung này sẽ được bổ sung hoàn chỉnh hơn trong tương lai.
GIÁO XỨ HIỆP HÒA
VỊ TRÍ
- Giáo xứ Hiệp Hòa trải trên địa bàn khá rộng, bao gồm 3 khu vực liên tiếp của thị trấn Hiệp Hòa thuộc huyện Đức Hòa, và nhiều xã của huyện Đức Huệ.
- Địa chỉ nhà thờ: 83, khu vực 5, thị trấn Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019
Số giáo dân: 2.138 người
Số gia đình công giáo: 657 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Năm 1891, cha Hoàng (P. Frison), chánh sở họ đạo Tha La và Rạch Thiên, đã đưa khoảng 40 giáo dân thuộc họ đạo Rạch Thiên đến vùng đất dọc bờ sông để khẩn đất từ kinh Rạch Thiên đến kinh Rạch Thổ Định. Khi đến ấp Tân Hòa xã Hiệp Hòa, cha dừng chân, khai hoang và thành lập họ đạo. Vì tọa lạc tại ấp Tân Hòa, nên thuở ban đầu họ đạo này có tên gọi là họ Tân Hòa. Mãi sau này mới đổi tên thành họ đạo Hiệp Hòa.
- Năm 1893, cha Quang (P. Clair) được bổ nhiệm làm cha sở Tha La. Cha đưa thêm số giáo dân từ những họ Búng, Lái Thiêu, Bình Sơn, Tân Quy đến Hiệp Hòa và chia đất cho họ canh tác. Lúc đầu, giáo dân dự lễ và đọc kinh tại nhà ông trùm Cứng. Mãi đến năm 1894, cha Tròn, linh mục phó họ đạo Tha La cùng với giáo dân dựng một ngôi nhà thờ nhỏ bằng tre, chính thức khai sinh nhà thờ Hiệp Hòa cho đến nay.
- Tháng 03 năm 1895, cha Giacôbê Nhu được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo Hiệp Hòa, lúc này giáo dân được khoảng 200 người. Cha quan tâm đến đời sống của giáo dân: qui tụ trẻ em để dạy chúng học hành, đưa một số giống cây dừa, cau, từ vùng Cái Mơn về lập vườn trồng trọt để khuyến khích dân trồng cây trái.
- Tháng 08 năm 1898, cha Nhu đổi đi, nên cha Giuse Bổn đang coi họ đạo Rạch Thiên, kiêm nhiệm luôn họ Hiệp Hòa. Cha cho cất lại nhà thờ Hiệp Hòa bằng gỗ lợp tranh vách đất. Đến năm 1899, cha chính thức được bổ nhiệm làm cha sở Hiệp Hòa.
- Năm 1909, cha Phaolô Thắng về thay cha Bổn, số giáo dân lúc này đã tăng lên 435 người. Năm 1913, cha xin các Dì phước Chợ Quán đến dạy ở trường của họ đạo. Tháng 8 năm 1914, cha khởi công xây dựng lại nhà thờ và đã hoàn thành vào tháng 7 năm 1915, mái lợp ngói, cột gỗ, vách xây tường bằng vôi hẳn hoi. Cha cũng đã mua được một số cây và đá với dự định xây lại nhà xứ nữa, nhưng chưa kịp thực hiện thì ngày 10 tháng 07 năm 1916, cha được thuyên chuyển về làm sở họ đạo Tha La. Thời điểm này, họ Hiệp Hòa được 662 tín hữu.[1]
- Khi nhận nhiệm vụ cha sở họ Hiệp Hòa, cha Phêrô Tuyển tiếp tục dự án xây nhà xứ, rồi xây nhà quý dì, và tháp chuông bằng bêtông rất kiên cố.
- Giai đoạn 1934-1956, lần lượt cha Tôma Nguyễn Văn Vàng và cha Phaolô Nguyễn Minh Tri về làm cha sở. Cơ sở vật chất đã ổn định, nên các ngài đặt trọng tâm vào việc rao giảng, và thành lập các hội đoàn Công giáo tiến hành như: hội Trái Tim, hội Con Đức Mẹ, hội Các Bà Mẹ Công Giáo và hội Tống Chung.
- Tháng 09 năm 1956, cha Đôminicô Trần Ngọc Lợi được bổ nhiệm làm chánh sở họ Hiệp Hòa. Trong thời của ngài, nhà xứ, nhà quý dì và đài Đức Mẹ được xây mới lại, nhà thờ cũng được tu sửa lại khang trang hơn; ngoài ra 6 phòng học cũng được xây dựng để nâng cao dân trí.
- Với thời gian, các phần gỗ của nhà thờ bị mối mọt đục khoét, mái ngói xệ dần. Thời cha sở Antôn Nguyễn Văn Đức (1997-2012), cha đã phải kiên trì nhiều lần gởi đơn trong 2 năm trời mới được chính quyền cho phép sửa lại nhà thờ. Sau một năm xây dựng, nhà thờ được hoàn thành và Thánh Lễ cung hiến được cử hành ngày 31 tháng 02 năm 2002. Năm 2007, nhà xứ và tượng đài “Lòng Chúa Thương Xót” cũng được lần lượt được xây dựng.
Năm 2012, cha Tô-ma Bùi Công Dân được bổ nhiệm làm chánh sở họ đạo. Ngày 15.08.2014, cha cho khởi công trùng tu lại nhà thờ, công trình hoàn thành ngày 10.12.2015, dịp lễ giỗ 15 năm cha Đôminicô Trần Ngọc Lợi.
GIÁO XỨ RẠCH THIÊN
VỊ TRÍ
- Giáo xứ Rạch Thiên nằm trên địa bàn ấp Hòa Bình I, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
- Địa chỉ nhà thờ: ấp Hoà Bình I, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019
Số giáo dân: 612 người
Số gia đình công giáo: 168 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Họ đạo Rạch Thiên thành lập vào khoảng năm 1868. Lúc ấy trong làng có vài người lập đội hương quản hiếp đáp dân sự, ép người ta vào đội của họ. Vì quá sợ nên có khoảng ba bốn mươi người rủ nhau lên Tha La xin vào đạo cho khỏi bị hiếp đáp. Lúc này cha Thành và cha Son (P. Le Vincent) đang coi họ đạo Tha La. Ban đầu họ đọc kinh dự Lễ tại nhà ông Hương Thới. Khoảng mười năm sau cha Điện mới về cất nhà nguyện bằng tranh tre, lợp bàng, dựng bồ chung quanh, trải đệm đọc kinh dâng Lễ.
- Gần hai mươi năm đầu, họ đạo không có linh mục, chỉ có các cha ở Tha La đến giúp. Cũng có lúc có các dì thuộc dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán đến dạy dỗ con em trong họ đạo, khi thì các thầy ở trường La-tinh thay đổi nhau đến giúp.
- Đến năm 1897, thầy Bổn chịu chức linh mục, rồi đến ở họ đạo khoảng hai năm, về sau ngài được thuyên chuyển ra Tân Hòa (tức Hiệp Hòa). Lúc này, họ đạo có 3 dì dòng MTG Chợ Quán phụ giúp.
- Từ tháng 10 năm 1907 cho đến năm 1976, họ đạo Rạch Thiên được các cha sở Hiệp Hoà đến dâng Lễ và ban các Bí tích.
- Năm 1938, cha Tô-ma Vàng dựng nhà thờ mới bằng mái ngói.
- Tháng 3 năm 1960, cha Đôminicô Lợi cho tu sửa lại nhà thờ và nới rộng thêm một căn.
- Trong thời cha sở Gioan Nguyễn Huy Muôn (1976-1997), nhà thờ Rạch Thiên được sửa chữa nhiều lần.
- Tháng 09 năm 1999, cha Đôminicô Nguyễn Trọng Dũng được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo Rạch Thiên. Bổn đạo đã cùng với Cha xây dựng lại nhà thờ và Lễ cung hiến thánh đường mới được cử hành ngày 17 tháng 12 năm 2003.
- Năm 2006, khi cha Sylvestrê Phương về làm cha sở đã cho tu bổ lại khuôn viên, đồng thời xây ba tượng đài: Đức Mẹ, Thánh Cả Giuse và Thánh Têrêsa.
HỌ ĐẠO GIỒNG VẢY ỐC
VỊ TRÍ
- Họ đạo Giồng Vảy Ốc thuộc ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
- Địa chỉ nhà thờ: ấp Bàu Công, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019
Số giáo dân: 200 người
Số gia đình công giáo: 70 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Họ đạo Giồng Vảy Ốc được tách ra từ họ đạo Lập Điền năm 1972 do cha Đôminicô Trần Ngọc Lợi.
- Trong giai đoạn 1973-1998, họ đạo Giồng Vảy Ốc được xem như họ lẻ của họ đạo Hiệp Hòa, được các cha phó của họ Hiệp Hòa đến dâng Thánh Lễ và cử hành các Bí tích.
- Từ năm 1998, Giồng Vảy Ốc được giao cho các cha ở họ đạo Rạch Thiên coi sóc. Thời gian làm cha phó họ đạo Rạch Thiên, cha Đôminicô Nguyễn Thanh Liêm ở biệt cư tại họ đạo Lập Điền để coi sóc họ này và họ Giồng Vảy Ốc, cha đã cùng với giáo dân Giồng Vảy Ốc xây dựng nhà thờ mới. Nhà thờ được khánh thành và làm phép ngày 20 tháng 02 năm 2010.
- Từ ngày 05-3-2010, khi họ đạo Lập Điền được nâng lên giáo xứ, thì họ đạo Giồng Vảy Ốc trở thành họ lẻ của họ Lập Điền cho đến nay.
GIÁO XỨ BẾN LỨC
VỊ TRÍ
- Giáo xứ Bến Lức nằm trên quốc lộ 1A, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
- Địa chỉ nhà thờ: 205, Quốc lộ 1A, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019
Số giáo dân: 875 người
Số gia đình công giáo: 327 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Giáo xứ Bến Lức có nguồn gốc là họ đạo Rạch Chanh, rồi nhà thờ được chuyển địa điểm và trở thành họ đạo Long Hiệp;
Họ đạo Rạch Chanh
Có hai tài liệu nói về họ đạo Rạch Chanh, nhưng có chút khác biệt nhau.
1. Tài liệu “TGM Saigon, Monographie, quyển IV, No 8”, do cha Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tầm, trong đó có bản sao “Tờ Khai Lý Lịch Họ Rạch Chanh” do ông phó tổng Long Hưng Hạ viết ra năm 1929 để trình cho Đức Giám mục. Theo tài liệu này thì thời vua Gia Long (1802-1820), có một người Công giáo tên là Nguyễn Văn Phượng, đến Rạch Chanh khai khẩn đất hoang, rồi ông qui tụ dân lập làng, nhờ đó có thêm người Công giáo đến sinh sống tại đây. Ngay trong thời vua Gia Long, ông Phượng đã được chọn làm xã trưởng, rồi 19 năm sau ông được đặt làm ông cả trong làng. Mỗi khi các cha từ Chợ Quán đến thăm cộng đoàn thì cử hành các Bí tích trong nhà ông Phượng.
Khoảng thập niên 1870, cộng đoàn này cất một nhà nguyện nhỏ bằng lá. Những năm này có cha Trí, rồi cha Tôma Nguyễn Biểu Đoan đến giúp.
Khi cha Đoan được thuyên chuyển về Lương Hòa (khoảng năm 1875), cha đưa nhiều bổn đạo theo cha, chỉ còn 8 gia đình ở lại Rạch Chanh.
Năm 1880, nhà nguyện bị mối ăn hư, các gia đình này cùng nhau cất một nhà thờ nhỏ, rộng hai căn hai chái, lợp ngói. Sau đó có thêm một ít gia đình theo đạo.
Khoảng năm 1890, họ Rạch Chanh được giao cho cha sở họ Nha Ràm quản nhiệm.
Năm 1893, do nhà thờ bị hư, cha quản nhiệm cùng với giáo dân cất nhà thờ mới, rộng bốn căn hai chái, cũng lợp ngói.
Năm 1904, một trận bão lớn đã làm bể nhiều ngói, nhưng được Đức Cha thương giúp mua ngói lợp lại.
Đến năm 1924 thì nhà thờ đã bị mối mọt làm hư nhiều, nhưng giáo dân thì nghèo, không đủ khả năng làm nhà thờ mới, nên chỉ gia cố tạm đỡ. Vài năm sau đó, nhờ Đức Cha giúp 700 (tài liệu không ghi rõ đơn vị tiền), cha phó đi xin các nơi trợ giúp và giáo dân trong họ đóng góp thêm, nên xây dựng được một nhà thờ khang trang và rộng lớn hơn trước, trổi hơn các nhà thờ của các xứ đạo chung quanh. Nhà thờ được Đức Cha đến làm phép vào ngày 6 tháng 2 năm 1929.[2]
2. Theo lược sử họ đạo Bến Lức trong quyển kỷ yếu “50 Giáo Phận Mỹ Tho 1960-2010” thì họ đạo Rạch Chanh được nhắc đến với những chi tiết như sau:
- Từ những năm 1892 đến 1912, cha Phêrô Đoàn Công Triệu mở nhiều thí điểm truyền giáo. Năm 1912, nhà nguyện tre lá được cất tại Rạch Chanh.
Phải chăng nhà thờ Rạch Chanh trong tài liệu thứ nhất khác nhà nguyện Rạch Chanh trong tài liệu thứ hai? Nếu hai nhà thờ này chỉ là một thì nội dung tài liệu thứ hai không chính xác vì nó không chỉ ra tài liệu tham khảo, có lẽ chỉ dựa vào những lời truyền miệng của những người cao niên.
Họ đạo Long Hiệp
- Năm 1920, nhà nguyện được chuyển đến địa điểm thuận tiện hơn cho bổn đạo. Nền nhà nguyện này vẫn còn tồn tại đến nay, tại vùng dân cư xã Long Hiệp.
Họ đạo Bến Lức
- Ngày 19 tháng 03 năm 1963, từ Long Hiệp, nhà thờ được chuyển về Bến Lức, tại địa điểm nhà thờ Bến Lức hiện nay.
- Năm 1995, nhà thờ được xây dựng lại và đã khánh thành ngày 26 tháng 11 năm 1998.
[1] Xem Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng, Sưu Tập Gốc Tích các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho, tr. 86-88.
[2] Xem Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng, Sưu Tập Gốc Tích các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho, tr. 95-102.
Vp. TGM Mỹ Tho