17/09/2020
2592
60 năm GPMT: Các Gx:  Xoài Mút, Hòa Hưng, Cai Lậy, Vĩnh Kim, và Kinh Gãy















 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA MỖI GIÁO XỨ TRONG GIÁO PHẬN MỸ THO

(WGPMT) Tiếp theo bài giới thiệu tổng quát những chuyển biến của các giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho qua dòng thời gian từ ngày thành lập giáo phận cho đến nay, đề mục này sẽ trình bày rất sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của mỗi giáo xứ trong giáo phận. Nội dung chính yếu trong phần trình bày này được sao chép hoặc biên soạn lại từ quyển kỷ yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho và dựa vào quyển Sưu Tập Gốc Tích Các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho do linh mục Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tập từ báo Nam Kỳ Địa Phận, báo Les Missions Catholiques và báo của Hội nghiên cứu Đông Dương. Ngoài ra, một ít thông tin của các giáo xứ trong những năm gần đây cũng được thêm vào để cập nhật cho nội dung. Mặc dù với chủ ý trình bày rất sơ lược về mỗi giáo xứ, nhưng nội dung vẫn còn nhiều giới hạn vì sự hiếm hoi về tài liệu tham khảo. Hy vọng những nội dung này sẽ được bổ sung hoàn chỉnh hơn trong tương lai.
 

Các Giáo xứ: Xoài Mút, Hòa Hưng, Cai Lậy, Vĩnh Kim, và Kinh Gãy:







 

GIÁO XỨ XOÀI MÚT

 

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Xoài Mút trải dài ở xã Thạnh Phú và rải rác ở các xã: Phước Thạnh, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

- Địa chỉ nhà thờ: Ấp Bờ Xe, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

                   Số giáo dân: 380 người

Số gia đình công giáo: 157 gia đình

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Thánh Giuse Marchand Du là linh mục thừa sai Paris, đã được diễm phúc tử đạo năm 1835. Theo sử liệu, ngài đã từng đến thăm họ đạo Xoài Mút.[1] Chứng cứ này xác nhận họ đạo Xoài Mút đã được hình thành trước năm 1835.

- Họ Xoài Mút cũng đã được vinh dự đón tiếp thánh Philípphê Phan Văn Minh đến thăm và giảng dạy.

- Thuở đầu, cộng đoàn Xoài Mút bao gồm các làng Thạnh Phú, An Phước và An Thạnh. Cộng đoàn này đã có khá đông tín hữu, nhưng từ khi có sự hiện diện của người Pháp trong miền này thì các tín hữu di tản đến các khu trung tâm.

- Từ rất xưa nhưng không rõ thời điểm nào, ở ngay vị trí ngôi nhà thờ Xoài Mút hiện nay, đã có một ngôi nhà thờ nhỏ, bên trong có mộ của một linh mục với dòng chữ được khắc ghi:

   “Jacet – Antonnius Triêm – sacerdos - 38 annos – natus anno DNI. MDCCCLXIX DEFUNCTUS”

   (Nơi đây an nghỉ: linh mục Antôn Triêm, qua đời năm 1869, hưởng dương 38 tuổi)

- Năm 1997, khi xây dựng lại nhà thờ, hài cốt của cha Antôn Triêm đã được cải táng, đưa ra phía trước bên phải mặt tiền của nhà thờ.

- Năm 1954, cha Phanxicô Xaviê Hồ Đức Nhượng đưa một cộng đoàn tín hữu từ miền Bắc di cư vào Nam đến định cư ở Xoài Mút. Nhưng từ năm 1963, do chiến tranh, hầu hết các tín hữu di tản đi nơi khác, cha Phanxicô Xaviê Nhượng được thuyên chuyển đến Giáo xứ Long Định I.

- Kể từ đó, thỉnh thoảng mới có cha từ Giáo xứ An Đức đến dâng thánh lễ hoặc cử hành Bí tích Rửa Tội.

- Năm 1988, cha Phêrô Hà Văn Quận được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo Chợ Bưng kiêm nhiệm họ đạo Xoài Mút. Cha đã xây dựng lại nhà thờ và khánh thành vào ngày 10 tháng 12 năm 1997. Đây cũng được coi là thời điểm thành lập Họ Đạo Xoài Mút.

- Ngày 02 tháng 10 năm 2001, thầy Phó tế Luca Nguyễn Hữu Khanh, Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT), thuộc giáo phận Sàigòn, được cử đến giúp họ đạo. Sau khi thụ phong linh mục cha Luca Khanh tiếp tục phục vụ họ đạo.

- Năm 2008, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc ký văn bản cho phép Dòng Chúa Cứu Thế được thành lập một cộng đoàn tu sĩ tại họ đạo Xoài Mút, để làm việc tông đồ trong giáo phận.

 

 

GIÁO XỨ HÒA HƯNG

 

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Hòa Hưng thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè.

- Địa chỉ nhà thờ: ấp Thống, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019              

Số giáo dân: 610 người

Số gia đình công giáo: 121 gia đình

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Giáo xứ Hòa Hưng được thành lập năm 1947 do cha Adolphe Keller, và được gọi là họ đạo Cầu Xây rạch nhà thờ. Sau đó nhà thờ Hòa Hưng trực thuộc giáo xứ Cái Tàu Hạ một thời gian, rồi được trao lại cho cha sở Cái Bè.

- Đến năm 1960, do đất lở nên cha Phêrô Thấy chở cây từ Cái Bè đến dựng lại nhà thờ, tọa lạc gần phà Mỹ Thuận cũ. Thầy Tư (Benoit Thái Văn Hoàng) dòng Kitô Vua được nhờ trông coi việc dựng lại nhà thờ này.

- Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, nhà thờ không có linh mục phụ trách, phải nhờ hai cha dòng Chúa Cứu Thế là Nguyễn Quang Duy và Gioan Bt. Nguyễn Minh Sang từ nhà thờ Cái Tàu Hạ đến dâng Thánh Lễ vào các ngày Chúa nhật.

- Đến tháng 10 năm 1978, nước lũ tràn về làm một góc nhà thờ sạt lở rơi xuống sông, và nhà thờ được dời đến phần đất của bà Clara Nguyễn Thị Sâm cạnh quốc lộ 1A. Kể từ đó, nhà thờ Hòa Hưng được giao cho các cha giáo phận Mỹ Tho coi sóc.

- Năm 1986, nhà thờ cũ bị hư nhiều. Đức Cha Anrê cho tiền mua 07 công đất và cha Phêrô Thành đã xây dựng lại ngôi thánh đường như hiện nay, còn nhà thờ cũ được sửa lại làm nhà xứ.

- Ngày 22 tháng 04 năm 2010, giáo họ Hoà Hưng được nâng lên thành giáo xứ.

 

 

GIÁO XỨ CAI LẬY

 

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Cai Lậy thuộc thị xã Cai Lậy. Nằm cách thành phố Mỹ Tho hơn 30 km, cách cầu Mỹ Thuận 35 km, là cửa ngõ dẫn vào Đồng Tháp Mười mênh mông trên 600.000 ha, là điểm nối kết với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.   

- Địa chỉ nhà thờ: khu 5, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. 

Theo báo cáo mục vụ năm 2019                

Số giáo dân: 976 người

Số gia đình công giáo: 305 gia đình

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Vào năm 1933, cha Keller đã mua được khoảng 2 mẫu đất, hiện tại nằm ở khu 7, nơi đây cha đã cất một trường học và một nhà thờ nhỏ.

- Năm 1958 là năm đánh dấu cột mốc lịch sử đáng ghi nhớ của họ đạo Cai Lậy. Cha Antoine Pezeu thuộc Hội Thừa Sai Paris được chính thức bổ nhiệm về làm chánh sở Cai Lậy.

          Với một tinh thần truyền giáo theo đúng truyền thống của các vị thừa sai, cha lập tức qui tụ những người giáo dân đang sống rải rác ở địa phương này lại, mua một thửa đất khá rộng nhưng lại trũng và sình lầy và cha đã biến nó thành một vùng đất bằng phẳng, trên đó, mọc lên một ngôi nhà thờ bằng gỗ với kích thước 14m x 28m.

Không dừng lại ở phương diện thiêng liêng, cha nghĩ đến tương lai của các con em trong họ đạo nên đã xây một ngôi trường tiểu học có tên là Minh Đức, giao cho các nữ tu MTG Chợ Quán coi sóc.

- Năm 1960, cha lại tiếp tục xây một dãy nhà hai tầng với 10 phòng vừa làm nơi ở và cũng là trung tâm truyền giáo cho vùng Đồng Tháp mênh mông này. Cha hăng say lặn lội khắp cả một vùng mênh mông rộng lớn để rao giảng Tin Mừng và tìm kiếm những con chiên lạc.

- Vào thập niên 60, khi Đức cố Giám Mục Giuse Trần Văn Thiện được giao nhiệm vụ đặc trách về Phúc Âm hóa của Hội Đồng Giám Mục VN, ngài đã chọn Cai Lậy làm trung tâm truyền giáo cho vùng Đồng Tháp Mười. Chính vì thế tại đây, một tòa nhà kiên cố được xây dựng, nhằm làm nơi nghỉ ngơi cho các linh mục lo việc truyền giáo, các ngài sẽ ra đi rao giảng vào mùa nước nổi, lúc dân chúng rảnh rang với công việc đồng áng. Tuy nhiên, chương trình này đã không được thực hiện trọn vẹn.

- Do tình trạng xã hội bất ổn của năm 1975, bề trên đã gọi cha Antoine Pezeu trở về Pháp.

- Cha Philipphê Trần Bá Lộc được cử về chăm sóc họ đạo quê nhà, thế nhưng chỉ được bốn tháng. Sau đó cha sở họ Bà Tồn là Carôlô Lô, kiêm nhiệm luôn họ đạo Cai Lậy.

- Tháng 2 năm 1982, cha Phêrô Nguyễn Phước Tường bổ nhiệm về họ đạo Cai Lậy. Thời gian này, các hoạt động của họ đạo bị giới hạn rất nhiều, số giáo dân bị phân tán chỉ còn khoảng 180 người. Nhưng sau nhiều nỗ lực cố gắng, cha đã dần dần quy tụ được đàn chiên tản mác. Số giáo dân càng ngày càng đông, mà cơ sở vật chất lại không đáp ứng được.

- Năm 2005, cha Alphongsô Khuất Đăng Tôn được bổ nhiệm làm cha sở Cai Lậy. Sau khi vượt qua nhiều khó khăn về đất đai, cha đã tiến hành xây dựng nhà thờ. Ngày 08 tháng 12 năm 2012, giáo xứ hân hoan cử hành Lễ khánh thành và cung hiến nhà thờ mới.

 

 

 

HỌ ĐẠO VĨNH KIM

VỊ TRÍ

- Họ đạo Vĩnh Kim tọa lạc trên địa bàn xã Vĩnh Kim và một phần xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

- Địa chỉ nhà thờ: ấp Bình Thới A, xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 234 người

Số gia đình công giáo: 68 gia đình

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Họ đạo Vĩnh Kim được thành lập năm 1945, do các thầy giảng dòng Kitô Vua Cái Nhum. Nhà thờ được dựng lên tại đất của ông bà Cả Yến, thuộc ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim. Nhà thờ lúc ấy chỉ là một ngôi nhà nguyện nhỏ, có vài gia đình tụ lại đọc kinh và học giáo lý do các thầy dòng ở nhà thờ Bình Trưng đến giảng dạy. Trong thời gian này việc cử hành các bí tích do cha Giuse Đặng Ngọc Linh (Bà Bèo) đến giúp.

- Năm 1955, cha Anrê Nguyễn Văn Nam về làm cha sở họ đạo Bình Trưng, ngài mua được khoảng nửa công đất tại ấp Vĩnh Quý, xã Vĩnh Kim, ở cạnh ngã ba sông Cả Cấm và ngài dời nhà nguyện Vĩnh Kim về phần đất mới mua này.

- Năm 1965, chiến tranh bùng nổ, nhà thờ Vĩnh Kim bị bom dội cháy rụi, bổn đạo di tản đến nhà thờ Đông Hòa trú ẩn, đất đai nhà thờ bị chiếm mất.

- Năm 1975, tu sĩ Đamianô Nguyễn Văn Phước thuộc dòng Kitô Vua Cái Nhum, quê quán ở Bình Trưng, xin chính quyền cho tái lập nhà thờ Vĩnh Kim trên 4 công đất do Bà Bảy Miêng hiến tặng, ở tỉnh lộ 876, cách chợ Vĩnh Kim khoảng một cây số. Nhà thờ được làm bằng khung sắt tiền chế, mái lợp và vách bằng tôn.

- Trải qua gần 40 năm tồn tại, nhà thờ đã hư hỏng, họ đạo lại nghèo, số giáo dân ít ỏi. Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc muốn họ đạo Chánh Tòa liên kết và hỗ trợ họ Vĩnh Kim, nên ngày 25.03.2014, ngài bổ nhiệm Cha sở Gx Chánh Tòa, Giacôbê Hà Văn Xung, kiêm nhiệm họ đạo Vĩnh Kim.

Sau khi nhận trách nhiệm, cha Giacôbê và Ban Mục vụ Vĩnh Kim lo tiến hành xây dựng lại ngôi thánh đường, Đài Đức Mẹ và Nhà sinh hoạt.

Ngày 18.04.2015, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã cử hành Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Nhà thờ Vĩnh Kim.

Ngày 28.11.2015, Đức Cha Phêrô chủ sự Thánh Lễ Tạ ơn và Cung hiến nhà thờ mới trong bầu khí hân hoan của họ đạo Vĩnh Kim.

 

 

GIÁO XỨ KINH GÃY

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Kinh Gãy tọa lạc tại xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy.

- Địa chỉ nhà thờ: ấp 4, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:             

- Số giáo dân: 1.013 người

- Số gia đình công giáo: 202 gia đình

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Họ đạo Kinh Gãy được thành lập năm 1906, do cha Phanxicô Xaviê Lê Văn Truyền, cha sở họ đạo Cái Bè. Tuy nhiên, trước đó đã có thầy Giuse Bạch đến dạy giáo lý.

- Năm 1935 đã có các Dì Mến Thánh Giá Chợ Quán đến giúp.

Trải qua những giai đoạn chiến tranh, họ đạo Kinh Gãy đã chứng kiến nhiều lần nhà thờ bị phá hủy: nhà thờ đầu tiên bị đốt năm 1940, nhà thờ thứ hai bị bom phá sập năm 1949, nhà thờ thứ ba lại bị bom đánh sập năm 1965. Từ đây, vì là vùng oanh kích tự do, giáo dân phải bỏ nhà cửa lưu lạc tản mác khắp nơi, phần đông tản cư về họ đạo Bà Tồn. Nhiều người ra tận Vũng Tàu lập nghiệp. Để bảo vệ tính mạng cho những giáo dân còn lại, cha Antôn Peuzeu dời Nhà Thờ về khu Mỹ Phước Tây.

- Sau năm 1975, cha Carôlô Lê Văn Lô cùng giáo dân dời nhà thờ trở lại địa điểm cũ bằng vật liệu thô sơ tre lá tạm bợ.

- Đến năm 1982, một nhà thờ bán kiên cố được dựng lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều năm lũ lụt, nhà thờ xuống cấp trầm trọng. Năm 1999 cha Phêrô Nguyễn Phước Tường khởi công xây lại nhà thờ kiên cố hơn. Và ngày 11 tháng 01 năm 2000 công trình đã tạm hoàn thành, đặt dưới sự bảo trợ của “Đức Mẹ Mông Triệu”.

- Ngày 27 tháng 4 năm 2006, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc ra quyết định nâng họ đạo Kinh Gãy lên hàng  giáo xứ.

Vp. TGM Mỹ Tho
 

[1] Xem Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng, Sưu Tập Gốc Tích các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho, tr. 27.