27/08/2020
2208
60 năm GPMT: Các Gx:  Ba Giồng, Tân Hiệp, Chợ Bưng, Long Định 1, Kim Sơn.

























QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA MỖI GIÁO XỨ TRONG GIÁO PHẬN MỸ THO

(WGPMT) Tiếp theo bài giới thiệu tổng quát những chuyển biến của các giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho qua dòng thời gian từ ngày thành lập giáo phận cho đến nay, đề mục này sẽ trình bày rất sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của mỗi giáo xứ trong giáo phận. Nội dung chính yếu trong phần trình bày này được sao chép hoặc biên soạn lại từ quyển kỷ yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho và dựa vào quyển Sưu Tập Gốc Tích Các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho do linh mục Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tập từ báo Nam Kỳ Địa Phận, báo Les Missions Catholiques và báo của Hội nghiên cứu Đông Dương. Ngoài ra, một ít thông tin của các giáo xứ trong những năm gần đây cũng được thêm vào để cập nhật cho nội dung. Mặc dù với chủ ý trình bày rất sơ lược về mỗi giáo xứ, nhưng nội dung vẫn còn nhiều giới hạn vì sự hiếm hoi về tài liệu tham khảo. Hy vọng những nội dung này sẽ được bổ sung hoàn chỉnh hơn trong tương lai.
 

Các Giáo xứ: Ba Giồng, Tân Hiệp, Chợ Bưng, Long Định 1, Kim Sơn:




 

GIÁO XỨ BA GIỒNG

 

VỊ TRÍ

- Giáo dân đa số thuộc xã Tân Lý Đông - huyện châu Thành - tỉnh Tiền Giang. Số còn lại rải rác trong các xã Tân Hội Đông, Tân Hoà Thành, Tân Hương, Tân Lý Tây (huyện Chau Thành) Tân Lập 1, Tân Lập 2, Phú Mỹ (huyện Tân Phước), Tiền Giang.

- Địa chỉ nhà thờ: Ấp Tân Quới, xã Tân Lý Ðông, huyện Châu Thành, Tiền Giang

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019                  

Số giáo dân: 2.069

Số gia đình công giáo: 613

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Có thể nói Ba Giồng là họ đạo cổ xưa nhất của giáo phận Mỹ Tho tồn tại đến ngày nay.

- “Bản tường trình của linh mục F. Demarcq, Thừa sai Tông toà, năm 1911” còn lưu trữ tại họ đạo, xác định rằng: “Do tính cách lâu đời của nó, họ đạo này đáng đứng chỗ nhất”.

Tại đất thánh họ đạo Ba Giồng còn một vài mộ chí Kitô hữu niên đại 1663 -1664, được khắc bằng chữ nho, nhưng nay đã lu mờ không thể đọc được. Phải chăng các một chí này là bằng chứng các Kitô hữu đã đến đây sinh sống trước năm 1700? Chưa có người tìm được câu giải đáp.

- Theo những lời lưu truyền của bổn đạo Ba Giồng từ xa xưa thì vào khoảng năm 1700 (Canh Thìn) hoặc 1702, trong thời Minh Vương (1691) ra dụ cấm đạo Thiên Chúa, có chừng 20 ghe biển âm thầm rời Phú Yên, mang theo khoảng 30 gia đình Kitô hữu trẩy về hướng Nam kỳ để trốn cuộc bắt đạo.

Chúa quan phòng dẫn họ đến cửa sông cái, giữa Gò Công và Chợ Lớn. Đây là đoạn sông cuối nguồn, do hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nhập lại kết thành. Các che ngược dòng sông này rồi rẽ vào nhánh sông Vàm Cỏ Tây, cho tới chỗ bắt đầu đồng cỏ rộng lớn, và dừng lại ở ngã ba rẽ vào con rạch gọi là Rạch Chanh, rồi lập cư theo bờ con rạch này.

Các ghe trở về Phú Yên rước thêm các gia đình khác. Sáu tháng sau, ghe trở vào chở thêm nhiều Kitô hữu hơn lần trước. Vì ở gần sông lớn, ghe thuyền quan lớn đi lại thường xuyên nên không an toàn. Có lần một số người trong họ đang đi lưới cá trên sông thì thuyền của quan lớn đi ngang gặp thấy và bắt giam tù. Tất cả Kitô hữu khác khiếp sợ vội vã rời khỏi nơi ấy để đi sâu vào rừng, cho tới chỗ Ba Giồng ngày nay và lập cư tại đó. Về sau, lại có thêm nhiều bổn đạo từ Phú Yên vào đây sinh sống.

- Giáo xứ  Ba Giồng đã trải qua biết bao cảnh thăng trầm:

Năm 1783 khi bị Tây Sơn đánh đuổi, Nguyễn Ánh (Gia Long) có ẩn trốn tại họ Ba Giồng ít lâu, được bổn đạo tiếp rước hậu đãi. Thấy bổn đạo đón tiếp ân cần như vậy, Nguyễn Ánh ban cho họ được làm chủ vĩnh viễn những đất ruộng họ đã khai phá. Được biết bổn đạo tiếp đón Nguyễn Ánh chu đáo, quân Tây Sơn nghi ngờ và giết khoảng 150 tín hữu họ đạo Ba Giồng.

Năm 1836, thời Vua Minh Mạng, quan quân Triều Nguyễn cũng đã truy quét họ đạo Ba Giồng và đã tàn sát trên dưới 1700 tín hữu, số còn sống sót chỉ khoảng 1.100 người.

Đến Triều Vua Tự Đức, cha sở họ đạo lúc đó là cha Thánh Phêrô Nguyễn văn Lựu cũng đã bị chém đầu tại Mỹ Tho năm 1861. Và sang năm sau, 1862, họ đạo bị truy sát, lần này có 25 người đàn ông đã tuyên xưng đức tin tại chợ Củ Chi cách Ba Giồng khoảng 2 cây số. Xác 25 vị này đã được chôn tại một nơi gần đó mà người ta vẫn truyền tụng cho đến ngày hôm nay, gọi là gò Chết Chém. Cùng với 25 người đã tuyên xưng đức tin cách công khai, có 2 người cũng bị chém đầu khi trốn chạy. 10 năm sau cha Hamon vâng lệnh Đức Cha Miche lo việc cải táng hài cốt các vị Tử Đạo về an táng tại đất thánh Ba Giồng ngày 18 tháng 6 năm 1872.

Để ghi nhớ và tôn kính các vị thánh tử đạo, ngày 24.11.2004 Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã chọn Ba Giồng làm Trung Tâm Hành Hương, và ngày 27.11.2009, đặt Thánh Phêrô Lựu làm Bổn Mạng của giáo phận. Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trung tâm hành hương được cử hành ngày 19.11.2011. Công trình được giao cho cha Gioan Bt. Nguyễn Tấn Sang đảm trách.

Ngày Giáo hội mừng kính trọng thể lễ các thánh tử đạo Việt Nam, 24.11.2017, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã cử hành Thánh Lễ khánh thành.

 

 

 

GIÁO XỨ TÂN HIỆP

VỊ TRÍ

 - Giáo xứ Tân Hiệp trải dài trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp và các xã Tân Lý Tây, Lương Hoà Lạc, Mỹ Tịnh An, Phú Kiết, Trung Hoà và Thân Cửu Nghĩa thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

- Địa chỉ nhà thờ: 331/1 ấp Ca, thị Trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019                  

Số giáo dân: 847

Số gia đình công giáo: 338

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Theo báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919, họ đạo Tân Hiệp do cha Đoan lập. Những tín hữu đầu tiên của họ này là giáo dân từ Ba Giồng đến, về sau có khoảng 15 gia đình lương dân theo đạo. Đến năm 1869 họ đạo Tân Hiệp có khoảng 500 giáo dân. Nhưng cuối năm đó họ đạo bị quân binh tấn công, chúng đốt phá nhà thờ và nhà bổn đạo, tìm giết các tín hữu. Nhờ có quân Langsa kịp đến cứu nên chỉ có 11 bổn đạo bị giết, xác được đem chôn ở họ đạo Ba Giồng.

 Năm 1874, cha Nhu cất lại nhà thờ, nhà thờ này tồn tại đến năm 1904 thì bị bão lụt làm hư hỏng.

Khi quân Langsa thiết lập được sự hiện diện ổn định ở Nam Kỳ thì giáo dân họ Tân Hiệp di cư đến Ba Giồng và Mỹ Tho nhiều nơi khác để sinh sống, số còn trụ lại rất ít; chỉ có 65 bổn đạo vào năm 1911. Những người này phải vào Ba Giồng dự Lễ Chúa nhật.[1]

Về sau, các cha phụ trách họ đạo Tân An đến chăm sóc mục vụ. Có giai đoạn nhà thờ bị bão lụt tàn phá, giáo dân không có linh mục đến giúp.

Từ 1950 -1960, cha Antôn Lê Quang Thạnh, chánh sở họ đạo Tân An đến giúp họ Tân Hiệp. Ngài xây dựng lại nhà thờ và lập 4 phòng dạy học.

Năm 1960 -1970, cha Giuse Chu Văn Oanh được bổ nhiệm làm cha sở chính thức họ đạo Tân Hiệp. Cha đã xây dựng lại toàn bộ nhà thờ và chỉnh trang lại khuôn viên. Hòa với đường hướng mục vụ chung của giáo phận trong giai đoạn này là quan tâm đến giáo dục, cha thành lập Trường Từ Thiện để dạy học cho con em nghèo tại địa phương và các vùng lân cận. Sau năm 1975, trường được giao lại cho nhà nước.

- Năm 2008, cha sở Gioan Baotixita Nguyễn Tấn Sang đã cùng với giáo dân xây dựng lại ngôi nhà thờ Tân Hiệp. Lễ khánh thành và cung hiến được cử hành ngày 06-3-2011.

 

 

 

GIÁO XỨ KIM SƠN

VỊ TRÍ

- Giáo xứ hiện nay nằm ở ấp Phú Hòa, xã Phú Phong, huyện Châu Thành-Tiền Giang. Giáo xứ trải rộng trong bốn xã: phía Đông cho đến ấp Đông xã Kim Sơn, phía Tây cho đến xã Tam Bình, phía Bắc cho đến xã Bàng Long, phía Nam giáp Sông Tiền.

- Địa chỉ nhà thờ: số 1, tổ 1, ấp Phú Hòa, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019                  

Số giáo dân: 701

Số gia đình công giáo: 196

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Giáo xứ Kim Sơn khai sinh vào khoảng năm 1932. Lúc đó, có một ân nhân dâng 30.000 m2 đất ruộng tại xã Kim Sơn, để xây dựng nhà thờ. Cha sở An Đức đã cất nhà thờ và quy tụ số giáo dân ít ỏi ở khu vực, làm thành họ Kim Sơn, thuộc giáo xứ An Đức. 

- Gần giáo xứ Kim Sơn còn có họ Bà Nhan thuộc xã Bàng Long. Theo lời kể của ông Lê Văn Sao quới chức: cha Phêrô Lê Đình Hiền thành lập họ Bà Nhan tại khu vực xã Bàng Long. Ban đầu có 12 hộ Công giáo, có nhà thờ trong khuôn viên đất khoảng 1000 m2.

Cha Hiền coi sóc họ đạo từ năm 1945 cho đến 1948. Sau đó cha Anrê Nguyễn Văn Nam tiếp tục.

Năm 1963 nhà thờ bị bom đạn chiến tranh phá hư, đến năm 1975 khu đất nhà thờ bị lấn chiếm và làm trường học của xã. Từ đó giáo dân khu vực Bà Nhan đi lễ ở nhà thờ Kim Sơn.

 

 

GIÁO XỨ CHỢ BƯNG

VỊ TRÍ

- Nhà thờ Chợ Bưng nằm trên địa bàn xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; phía Bắc giáp đường cao tốc Thành Phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, phía Nam giáp khu công nghiệp Long Giang.

- Địa chỉ nhà thờ: ấp 1, xã Tam Hiệp, huyện châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 675 người

Số gia đình công giáo: 135 gia đình

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Cộng đoàn tín hữu Chợ Bưng nằm trong cánh đồng sậy, được thành lập khoảng năm 1840, do thầy giảng tên Phước. Thầy bị giam tại nhà tù ở Mỹ Tho, và đã chết trong tù năm 1860 cùng với một ông câu. Khi họ đạo Mỹ Tho được hình thành, cộng đoàn Chợ Bưng trở thành một điểm truyền giáo của họ Mỹ Tho, có tên là Nhơn Hoà.

- Nhiều tín hữu của cộng đoàn Nhơn Hoà được diễm phúc bị đi đày cùng với cha Phiên ra tận Huế. Vì cao niên, sức yếu, cha đã chết trên đường đi.[2]

- Thời gian đầu, Chợ Bưng tuy chỉ là điểm truyền giáo nhỏ, nhưng nơi đây đã được đón tiếp những cuộc thăm viếng của các cha thừa sai và các Thánh tử đạo như Thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu.

- Lịch sử của cộng đoàn Chợ Bưng có thể chia ra làm hai giai đoạn :

Giai đoạn khai mở và lớn lên

- Năm 1857, Chợ Bưng có 54 người được rửa tội.

- Năm 1871, Cha Sorel, Chợ Bưng có 24 người được rửa tội.

- Năm 1892-1893, khi họ đạo An Đức được nâng lên thành giáo xứ, họ đạo Chợ Bưng trở thành họ lẽ của giáo xứ An Đức. Lúc đó Chợ Bưng có khoảng 107 giáo dân.[3]

- Trước năm 1904, cộng đoàn Chợ Bưng đã có nhà thờ, được xây trên nền cát giồng. Sau năm 1904 nhà thờ dời về đất gò, chỗ nhà thờ hiện nay. Vì là một cộng đoàn nhỏ nơi vùng sâu, không có đường giao thông, chỉ có thể đi lại bằng ghe xuồng, luồn lách trong những con rạch nhỏ hoặc đi bộ trên các bờ ruộng, nên thỉnh thoảng, theo định kỳ, các cha ở Mỹ Tho hay An Đức mới đến thăm mục vụ và ban các Bí tích cho cộng đoàn.

Giai đoạn ổn định và phát triển

- Mãi đến năm 1988 họ đạo Chợ Bưng mới có cha sở tiên khởi, đó là cha Phêrô Hà Văn Quận. Cha đã khởi công xây dựng nhà thờ vào tháng 11 năm 1993 và hoàn thành vào tháng 04 năm 1994.

- Khi cha Phêrô Đinh Sơn Hùng về làm chánh sở họ Chợ Bưng, nhà thờ đã trở nên quá hẹp so với nhu cầu hiện tại và lại bị xuống cấp do bị ngập nước nhiều lần. Cha đã khởi công xây dựng lại nhà thờ, sửa chữa nhà sinh hoạt và đài Đức Mẹ. Ngày 25.10.2014, giáo xứ Chợ Bưng long trọng mừng Lễ Tạ ơn và Cung hiến nhà thờ mới.

 

 

 

 

 

 

GIÁO XỨ LONG ĐỊNH I

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Long Định I trải dài theo tỉnh lộ 867, từ cống Bể, ấp Mới, thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành, cho đến ranh giới huyện Tân Phước.

- Địa chỉ nhà thờ: số 144, ấp Khu Phố, xã Long Định, huyện châu Thành, Tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019                  

Số giáo dân: 806

Số gia đình công giáo: 215

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Giáo xứ Long Định I được thành lập vào năm 1954. Toàn bộ giáo dân là những người di cư từ miền Bắc, thuộc hai giáo phận Phát Diệm và Bùi Chu.

- Những ngày đầu thành lập, giáo xứ được cha Phêrô Đỗ Hoàng Tùng coi sóc. Ngày ấy chỉ dựng được nhà thờ tạm khoảng 150m2. Do số giáo dân di cư vào ngày càng đông, cha Phêrô Tùng đã khẩn trương huy động số giáo dân vừa định cư, người góp của, kẻ góp công, dựng ngay ngôi nhà thờ chiều dài 40 mét, chiều ngang 16 mét, mái lợp tôn, cột, kèo, vách đều bằng cây. Cha đã ấn định ngày 8 tháng 12 năm 1955 là khánh thành, nhân dịp mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội mà giáo xứ Long Định I đã chọn làm bổn mạng của giáo xứ. Thời điểm này số giáo dân trong xứ đã lên tới khoảng 6.000 người.

- Trong giai đoạn 1965-1970, chiến tranh xảy ra rất khốc liệt nên cha Phêrô Dậu đã quyết định đưa khoảng 3.000 giáo dân về Minh Đức lập xứ mới, nay là giáo xứ Minh Đức, thuộc quận 9 - thành phố Hồ Chí Minh.

- Năm 1991, do nhà thờ nằm cạnh bờ sông, nền móng bị sạt lở, nên cha Phêrô Tạ Đức Tiến cùng với giáo dân xây dựng lại nhà thờ mới đối diện bên kia lộ so với nhà thờ cũ. Một năm sau công trình được hoàn thành.

- Theo dự án hiện tại của chính quyền, tỉnh lộ phía trước nhà thờ sẽ được mở rộng với lộ giới vào tận cửa nhà thờ, thêm vào đó nhiều phần trong nhà thờ cũng đã hư hoại và bị mối mọt đục khoét. Cần phải xây dựng nhà thờ mới, Thánh Lễ đặt viên đá đã được cử hành ngày 27.07.2018. Công trình sẽ được hoàn thành trong thời gian gần.

 

 


[1] Xem Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng, Sưu Tập Gốc Tích các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho, tr. 36.
[2]_Publications de la Société des Etudes Indochinoises, Monographie de la province de My Tho, Sai Gon 1902, tr.94

[3] Xem Kỷ Yếu 100 Năm (1907-2007) Nhà Thờ Chánh Toà Mỹ Tho, tr.27,28,30.

MVTT GPMT