08/08/2020
4729
60 năm GP Mỹ Tho: Bài 3. Các vị Chủ Chăn đáng kính: Đức Cha Anrê

















 

60 NĂM GIÁO PHẬN MỸ THO

1960 - 2020

 





 

 

Bài 3. CÁC CHỦ CHĂN ĐÁNG KÍNH

ĐỨC CHA ANRÊ NGUYỄN VĂN NAM (1922-2006)
 

 

 

Đối với những người am hiểu bối cảnh biến động của xã hội Việt Nam năm 1975 thì cũng hiểu được ưu tư của Giáo hội trong việc chuẩn bị để thích nghi với hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Do hoàn cảnh đặc thù của Giáo phận Mỹ Tho, mối ưu tư này càng mãnh liệt hơn so với nhiều nơi khác. Một trong những điều quan trọng nhất mà Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện quan tâm là việc chọn một Giám mục phó để trợ giúp ngài chăm sóc giáo phận.

Trong sự cân nhắc của Đức Cha Giuse, cha Anrê Nguyễn Văn Nam là người thích hợp nhất cho hoàn cảnh mới của xã hội và Giáo hội, một linh mục khiêm tốn, giản dị, giàu lòng nhân ái và tận tụy không biết mệt mỏi với sứ vụ truyền giáo. Những đức tính nổi bậc này của cha Anrê cũng sẽ tiếp tục bộc lộ xuyên suốt hành trình sứ vụ của ngài trong cương vị Giám mục phó và Giám mục chánh tòa giáo phận Mỹ Tho.

I. GIAI ĐOẠN LINH MỤC (1952-1975)

Một linh mục đạo đức và nhiệt tâm

Cha Anrê Nguyễn Văn Nam sinh ngày 22.02.1922, tại Thạnh Mỹ, Gia Định - Sài Gòn (Họ đạo Thị Nghè, Gp. Sài Gòn). Ngài thụ phong linh mục ngày 29.03.1952, được sai đi làm cha phó họ đạo Thủ Đức (1952-1953), rồi chuyển đi làm cha phó họ đạo An Đức (1953-1954).

Ngài bắt đầu nhiệm vụ cha sở vào năm 1954 tại Giáo xứ Bình Trưng và Đông Hòa. Đây là thời kỳ chiến tranh và những xứ này được xem là vùng “xôi đậu” nguy hiểm. Cách Đông Hòa khoảng 9 km lại có một họ đạo không còn linh mục đến coi sóc kể từ năm 1954, cũng vì lý do chiến tranh, đó là họ đạo Bà Nhan. Cha Anrê chăm sóc luôn họ đạo này.

Từ năm 1958, cha Anrê Nam kiêm nhiệm luôn họ đạo Giồng Cát, cách Đông Hòa khoảng 6 km. Sử liệu của họ đạo Giồng Cát ghi nhận rất nhiều người theo đạo trong thời gian cha Anrê phục vụ tại đây.

Từ năm 1966, cha Anrê không quản ngại khó nhọc đường xá xa xôi trắc trở và sự nguy hiểm của vùng chiến tranh, ngài gánh vác luôn nhiệm vụ chăm sóc họ đạo Bằng Lăng, cách xa  họ đạo Đông Hòa hơn 40 km, sau khi cha sở họ này phải rởi khỏi nhiệm sở vì sự nguy hiểm của chiến cuộc.

Một linh mục đầy nhiệt huyết truyền giáo

“Ra đi” có lẽ là từ ngữ diễn tả rõ nhất về linh mục Anrê Nguyễn Văn Nam. Giữa vùng “xôi đậu”, người dân phải hết sức hạn chế việc đi lại vì có thể nguy hiểm đến tính mạng, điều đó cũng có nghĩa là bổn đạo không dễ đến tham dự các sinh hoạt tôn giáo nơi nhà thờ. Nhưng chính trong hoàn cảnh này nhiệt huyết nơi cha Anrê mới biểu lộ rõ nét. Những hiểm nguy không ngăn được bước chân của ngài, ngài không ngừng ra đi để thăm viếng giáo dân, giảng dạy và khích lệ họ trong đời sống đức tin. Có những nơi binh lính khuyên can ngài đừng tới vì quá nguy hiểm, nhưng bất chấp hiểm nguy, ngài vẫn tiến bước.

Theo lời kể của cha Phêrô Hồ Bản Chánh: “Thời chiến tranh 60-75, ngài vẫn đi thăm và làm mục vụ trong nhiều họ đạo vùng sâu vùng xa, cả trong vùng giải phóng, hoặc tự ngài đi, hoặc các cha sở nhờ ngài.”[1] Ngài đến cả những nơi mà các cha khác không dám tới, nhất là các cha trẻ.

Lần đi giảng tĩnh tâm ở Long Khốt, vùng biên giới của tỉnh Long An. Phía đất Campuchia là đồng trống, người dân sống cách xa đường biên giới 2-3 km. Cha Anrê Nam nói với thầy Phêrô Chánh và các em thiếu nhi đi qua phần đất Campuchia để cầu nguyện cho người Campuchia được bình an và cho họ được nhận biết Chúa. Khi qua phần đất Campuchia, cha Anrê Nam quỳ gối và mộp đầu trên đất cầu nguyện cho họ.

Một linh mục giàu lòng nhân ái

Là một linh mục không ngừng ra đi thăm viếng giáo dân, nên cha Anrê thấy được hoàn cảnh nghèo khổ của bổn đạo và dân chúng trong vùng thôn quê đang bị chiến tranh tàn phá, chứng kiến bao mảnh đời côi cút đáng thương, khiến cho lòng trắc ẩn thôi thúc ngài phải hành động.

Ngay phía sau nhà thờ Đông Hòa, ngài xây dựng Nhà Bác Ái, hoàn thành vào năm 1960. Đây là ngôi nhà bê tông cốt sắt rất kiên cố, rộng lớn, một tầng lầu, nhằm để tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc các trẻ mồ côi. Đối với những người nghèo túng, ngài tìm cách giúp họ, không phân biệt tôn giáo hay quan điểm chính trị.

Năm 1968, khi chiến tranh trở nên khốc liệt và lan rộng, cha Anrê Nam đã biến khu đất rộng của họ đạo Đông Hòa thành nơi tiếp nhận những người dân di tản đến trú ngụ để tránh bom đạn.

II. GIAI ĐOẠN GIÁM MỤC PHÓ (1975-1989)

Cha Anrê được bổ nhiệm Giám mục phó

Biến cố 30.04.1975 mở ra một giai đoạn mới đối với đất nước và dân tộc Việt Nam cũng như Giáo hội tại Việt Nam. Để thích ứng với hoàn cảnh mới này, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện đã đề cử cha Anrê Nguyễn Văn Nam làm Giám mục phó để trợ giúp ngài trong việc mục vụ.

Theo đề cử của Đức Cha Giuse, ngày 06 tháng 06 năm 1975 cha Anrê Nguyễn Văn Nam được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho với quyền kế vị. Thánh Lễ phong chức Giám mục được cử hành ngày 10.06.1975, tại Chủng Viện Gioan XXIII của Giáo phận Mỹ Tho. Chủ phong là Đức cha Giuse Trần Văn Thiện, phụ phong là Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên, Giám mục Giáo phận Phú Cường. Thánh lễ diễn ra rất âm thầm, chỉ có một vài cha cùng với số ít chủng sinh đang tu học tại Chủng viện này. Thấy trước bối cảnh đầy cam go và thử thách, Đức Tân Giám mục chọn khẩu hiệu: “Vui lên! Hiệp thông vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô.”

Đào tạo chủng sinh

Theo ghi nhận của cha Phêrô Hồ Bản Chánh, sau khi được bổ nhiệm Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho, Đức Cha Anrê được Đức Cha Giuse trao trách nhiệm coi sóc chủng sinh. Dự đoán những khó khăn sẽ xảy ra với chủng viện, nên Đức Cha Anrê lập 3 cơ sở đào tạo chủng sinh: Cơ sở I ở Thủ Đoàn, cơ sở II ở Lương Hòa Hạ, cơ sở III ở Hiệp Hòa. Các cơ sở này được gọi là Chủng Viện Vàm Cỏ, vì chúng nằm dọc theo sông Vàm Cỏ Đông. Chọn vị trí như thế để thuận tiện cho các cha giáo đến dạy.

Cơ sở I được tiến hành đầu tiên với dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 20 chủng sinh. Phương thức đào tạo là vừa học vừa lao động. Khoảng cuối tháng 11 năm 1975, có 6 chủng sinh đến tu học. Các thầy bắt tay vào việc dọn đất hoang ở Kinh Ngay với dự định trồng lúa và mía để sinh sống.

Tuy nhiên, khoảng cuối tháng 03 năm 1976, chương trình chủng viện Vàm Cỏ không còn tiếp tục nữa vì Đức Cha Anrê nhận nhiệm vụ mới, công việc đào tạo chủng sinh được giao lại cho cha Đôminicô Nguyễn Văn Hiệu.

Vị tông đồ truyền giáo

Vì hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ, Đức Cha Giuse đã trao phó hầu như hoàn toàn công việc thăm viếng mục vụ cho Đức Cha phó Anrê. Đây là công việc rất phù hợp với nhiệt huyết tông đồ và thao thức truyền giáo của Đức Cha phó. Trong cương vị Giám mục, những bước chân tông đồ và truyền giáo của ngài không còn giới hạn trong phạm vị một số họ đạo nhưng vươn ra khắp phạm vị rộng lớn của toàn giáo phận.

Trong hoàn cảnh hệ thống giao thông rất thô sơ, chỉ một vài đoạn đường quốc lộ được tráng nhựa, còn lại toàn bộ đường xá trong địa bàn giáo phận được làm bằng đất đỏ hoặc đất ruộng, gồ ghề, trơn trợt, thậm chí nhiều nơi chưa có đường bộ, phải đi bằng ghe xuồng, tất cả những khó khăn đó không làm suy giảm nhiệt tâm tông đồ của Đức Cha; ngài ra đi thăm viếng tất cả các họ đạo, nhất là những họ đạo và những giáo điểm nơi xa xôi hẻo lánh. Hồi tưởng lại những cuộc viếng thăm mục vụ của Đức Cha Anrê ở vùng Đồng Tháp, cha Antôn Nguyễn Văn Tiếng ghi nhận: “Nghe ở đâu có ‘xóm đạo’, đôi khi chỉ dăm ba gia đình, là Ngài muốn tới đó. Có khi thì về, có khi ở lại nhà dân. Thí dụ Giáo điểm Cả Nổ vào khoảng năm 1998, chỉ có thể vào đó bằng ghe xuồng thôi, chưa có cây cối nhiều, rất trống trải, Ngài cũng nhất định vào đó làm lễ. Dân chúng nghe nói có Đức Cha vào rất mừng, nhưng cũng rất lo lắng. Lo lắng nhất là không biết chuyện cơm nước cho Ngài thế nào, nhưng với Ngài, vài con cá kho, một tô bí hầm dừa là xong…”[2]

Để đến với các họ đạo, Đức Cha Anrê sử dụng bất cứ phương tiện nào có thể được: xe đạp ôm, xe lôi, xe bò, xe khách, xuồng ghe, đò dọc…, và thậm chí ngài phải đi bộ nữa, khi không đón được xe.

Trong thời kỳ phương tiện giao thông còn hiếm hoi, lại chưa có điện thoại, những lần lỡ chuyến đò, chuyến xe hay lỡ đường vì sự cố nào đó sẽ phát sinh nhiều trắc trở tiếp theo liên quan đến việc cá nhân và công việc,… không dễ chịu chút nào.

Viết về Đức Cha Anrê, Cha Antôn Vũ Sĩ Hoằng ghi nhận: ‘Đức Cha được dân chúng đặt cho một tên gọi rất thân thương gần gũi: là “ông lão nhà quê”, luôn luôn mang một áo dòng đen đã bạc màu, đầu đội nón cối cyclô trắng, đón xe đò đi trên các nẻo đường 3 tỉnh: Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp.’[3]

Với một thể trạng không khỏe lắm, răng lại yếu, nên lương thực thuận tiện nhất đối với Đức Cha khi đi đường là khoai lang.

Ngài đến thăm các họ đạo không chỉ trong một giờ một buổi, nhưng thường ngài còn ở lại nhiều ngày để dạy giáo lý, giúp tĩnh tâm… Trong thời gian lưu lại nơi vùng sâu vùng xa như thế, thường Đức Cha phải ở trong điều kiện thiếu thốn mọi phương tiện, thậm chí có những nơi tắm sông là cách duy nhất để vệ sinh thân thể cả trong lẫn ngoài, nhưng Đức Cha không hề than khó nhọc, vẫn vui vẻ thích nghi với mọi hoàn cảnh khó khăn.

Hành trình đi đường là dịp để Đức Cha rao giảng về Chúa cho khách lạ. Những khi ngồi chờ xe hay những lúc đi chung trên chuyến đò, ngài luôn để ý hỏi thăm, trò chuyện với những người kề bên về những sự vật xung quanh, giúp họ nhận ra dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong mọi sự vật; ngoài ra, ngài cũng chia sẻ với họ về giáo lý và Kinh Thánh. Nhớ lại những lần chung hành trình với Đức Cha, Cha Antôn Nguyễn Văn Tiếng ghi nhận: “Ngài luôn luôn nói về Chúa, hầu như mọi lúc, mọi nơi.”[4]

Trong thời Giám mục phó Đức Cha Anrê đã “ra đi” thế nào, thì trong thời Giám mục chánh tòa ngài cũng vẫn tiếp tục “ra đi” như thế.

III. GIAI ĐOẠN GIÁM MỤC CHÁNH TÒA (1989-1999)

Ngày 24.02.1989, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện tạ thế, Đức Cha phó Anrê Nguyễn Văn Nam trở thành Giám mục chánh tòa Giáo phận Mỹ Tho.

Thành lập Văn phòng Tòa Giám mục

Từ năm 1975, do hoàn cảnh, Tòa giám mục Mỹ Tho chưa thể bổ nhiệm đầy đủ nhân sự cho các chức năng thuộc Văn phòng Tòa giám mục, chỉ có một linh mục phải gánh vác hết mọi công việc.

Tháng 08 năm 1992, Đức Cha Anrê chính thức thành lập Văn phòng Tòa giám mục; ngài bổ nhiệm ba linh mục đảm trách ba chức năng khác nhau: một vị phụ trách ngoại vụ, một vị phụ trách công việc hành chánh và văn thư lưu trữ, vị thứ ba lo việc quản lý. Ngoài ra còn có Hội đồng tư vấn.

Sau khi Văn phòng Tòa giám mục được thành lập, Đức Cha có được nhân sự cộng tác để dần dần tổ chức lại Tòa giám mục theo chỉ dẫn của Giáo luật. Thành lập Hội đồng linh mục, Hội đồng tư vấn; mặc dù chưa thành lập được Hội đồng mục vụ Giáo phận, nhưng cũng từng bước lập các ban: Ban phụng vụ thánh ca, Ban tu sĩ và giáo dân, Ban kiến thiết,…

Sau khi được thành lập, năm 1993 các ban bắt đầu tổ chức các sinh hoạt: Một ngày tĩnh tâm hàng quý cho các linh mục theo từng hạt hoặc liên hạt, mở tuần bồi dưỡng kiến thức cho các linh mục được thụ phong sau năm 1975, mở lớp Thánh ca cho các ca viên đại diện của các họ đạo. Các sinh hoạt ngày càng được gia tăng và hoàn thiện trong những năm tiếp theo.

Tái thiết và xây dựng các cơ sở vật chất

Từ khi còn là linh mục, cha Anrê Nam đã quan tâm tạo bầu khí trang nghiêm cho nơi thờ phượng. Ngay sau khi về Bình Trưng, ngài đã lo sửa sang nhà thờ bằng tre vách lá để họ đạo có nơi thờ phượng xứng hợp hơn.  

Còn ở họ đạo Đông Hòa, vào năm 1958 cha Anrê Nam mua thêm cho họ đạo một mảnh đất rộng lớn và di dời nhà thờ từ vị trí sâu trong vườn cây ra gần mặt lộ để có thể phát triển họ đạo trong tương lai.

Mối lưu tâm này tiếp tục được thể hiện trong vai trò giám mục của ngài. Trải qua một thời gian khá dài từ năm 1975, các nơi thờ tự không được tu sửa nên nhiều nhà thờ bị hư hỏng và xuống cấp. Quan tâm đến sự an toàn và sự trang nghiêm cho các nơi thờ phượng, Đức Cha Anrê đã động viên và hỗ trợ các họ đạo tu sửa hoặc xây dựng lại các nhà thờ.

Riêng năm 1992, Đức Cha Anrê ký đơn xin chính quyền tỉnh Tiền Giang cho phép xây cất và sửa chữa nhiều nhà thờ trên địa bàn tỉnh: Nữ Vương Hòa Bình, Thủ Ngữ, Hòa Định, Ba Giồng, Thuộc Nhiêu, Hòa Hưng, Mỹ Trung, Cái Thia. Danh sách này tiếp tục được nối dài trong những năm sau đó. Ấy là chưa kể đến các nhà thờ ở tỉnh Long An và Đồng Tháp.

Trước nhu cầu rộng lớn như thế, năm 1993 Đức Cha Anrê đã quyết định thành lập Ban Kiến Thiết để hỗ trợ cho những giáo xứ không đủ khả năng tự thực hiện công trình.

Nhờ sự hỗ trợ của tổ chức bác ái Missio và các ân nhân, cùng với sự cộng tác của Ban kiến thiết, Đức Cha Anrê đã giúp rất nhiều giáo xứ sửa chữa hoặc xây mới nhà thờ, nhà xứ, và nhà sinh hoạt giáo lý.

Bác ái xã hội

Cải tạo đất canh tác

Cảm thông với cảnh cơ cực của nông dân nơi vùng đất ngập phèn, phải vất vả canh tác mà năng xuất thu được chẳng bao nhiêu, Đức Cha Anrê khuyến khích, hỗ trợ và đồng hành với các linh mục ở vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An trong dự án cải tạo đất nông nghiệp để giúp nông dân canh tác hiệu quả hơn và mở rộng thêm đất canh tác. Cụ thể là vùng Kinh Cùng và Bắc Hòa. Những việc thực hiện bao gồm: đào 5 kênh dẫn nước với tổng chiều dài khoảng 20 km để tạo thành hệ thống thủy lợi xả phèn; khuyến nông, giúp vốn và kỹ thuật để chuyển từ phương thức canh tác một vụ sang hai vụ; khai hoang để có thêm đất canh tác.

Đây là dự án lớn, được khởi đầu từ năm 1987 với sự hợp tác của Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Miền Nam (ISA) và một cơ quan nghiên cứu nông nghiệp của Bỉ (FOS) để nghiên cứu đất phèn. Về phương diện nghiên cứu, dự án được tài trợ bởi vương quốc Bỉ;[5] về phương diện hỗ trợ vốn cho nông dân thực hiện, Tòa Giám mục Mỹ Tho đảm trách với sự trợ giúp của cơ quan từ thiện Miserior.

Chăm sóc bệnh nhân và giúp đỡ người nghèo

Năm 1992, Đức Cha gởi đơn xin chính quyền tỉnh Tiền Giang cho phép mở lớp học tình thương và bổ túc sinh ngữ cho học sinh yếu kém tại địa điểm Tòa Giám mục và dự tính sau đó mở thêm phòng phát thuốc miễn phí và lưu xá cho học sinh nghèo. Nhưng đơn xin không được chấp thuận.

Cuối năm 1993, Đức Cha Anrê lập phòng khám và phát thuốc miễn phí cho trẻ em và mở lớp cắt may xã hội để giúp người nghèo tại trường Thiện Tâm cũ, địa chỉ 283 đường Lý Thường Kiệt, phường 5, Tp. Mỹ Tho. Các trang thiết bị đã được mua sắm đầy đủ, thuốc cũng đã có, nhưng vì một trở ngại nào đó khiến dự án này phải bị ngưng lại.

IV. NGHỈ HƯU VÀ TẠ THẾ (1999-2006)

Ngày 09.12.1996, Đức Cha Anrê đã đệ đơn thỉnh cầu Tòa Thánh được nghỉ hưu theo điều khoản 401 của Bộ Giáo luật về tuổi hưu. Nhưng Tòa Thánh đã giữ Đức Cha tại nhiệm cho đến ngày 15.04.1999.

Sau khi chuyển giao nhiệm vụ cai quản Giáo phận cho Đức tân Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Đức Cha Anrê về nghỉ dưỡng tại Nhà Chung Giáo phận Mỹ Tho (Tiểu Chủng Viện XXIII) cho đến khi qua đời. Ngài trút hơi thở cuối cùng vào  lúc 4 giờ sáng ngày 16.03.2006, tại Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình, Sài Gòn; thọ 84 tuổi.

KẾT

Thay cho lời kết, xin được trích lại lời phát biểu của linh mục đại diện trong dịp Đức Cha Anrê chuyển giao nhiệm vụ Giám mục chánh tòa để nghỉ hưu:

“Trong bối cảnh dân trí còn non nớt, kinh tế hoang vu, linh mục chưa đủ, bằng những bước chân không mệt mỏi, bằng nếp sống giản dị- không nhu cầu, và bằng gương sống, Đức cha đã dùng chính con người xương thịt – sức khỏe yếu kém để đến với con chiên, để cảm thông, chia sẻ, để dạy dỗ bổn đạo.

Như mẹ hiền dốc cạn bầu sữa cho đàn con, đời sống khó nghèo, hy sinh, hãm mình của Đức Cha đã làm cho mọi giáo xứ có nơi cầu kinh dâng lễ trang nghiêm xứng đáng, thiếu nhi có nơi học giáo lý thoáng mát, các nhà xứ tương đối thuận tiện bảo vệ sức khỏe các linh mục, cuộc sống kinh tế-xã hội nhiều vùng đã vươn lên.

Hành trình một phần tư thế kỷ của Đức Cha cùng giáo phận đã in sâu vào trí óc, vào tâm hồn của mọi người, đã chỉnh đốn những thánh đường thiêng liêng, đã tái thiết các cơ sở vật chất.

Trong lối nhìn đức tin, các linh mục Giáo phận Mỹ Tho đều nghĩ rằng, chính Thiên Chúa Quan Phòng đã chọn cho Giáo phận Mỹ Tho một vị giám mục rất phù hợp với hoàn cảnh của giáo phận trong giai đoạn sau năm 1975.

Văn phòng Tòa Giám mục

Gp. Mỹ Tho

1 Lm. Phêrô Hồ Bản Chánh, Trả Lời Cha Đương: V/v Vài Điều Trong Giáo Phận Mỹ Tho, viết xong ngày 2 tháng 6 năm 2015.

2 Bài viết “Hình Ảnh Đức Cha Anrê Ở Đồng Tháp” của Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng, nhân Lễ Giỗ năm thứ 10 của Đức Cha Anrê.

3 http://hodaobung.com/Bai-viet/813/duc-cha-anre-nguyen-van-nam.aspx

4 Bài viết “Hình Ảnh Đức Cha Anrê Ở Đồng Tháp” của Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng, nhân Lễ Giỗ năm thứ 10 của Đức Cha Anrê.

5  Đây là chương trình hợp tác nghiên cứu đất phèn thông qua dự án (ISA/FOS/DTM) do Vương quốc Bỉ tài trợ, thực hiện tại Đồng Tháp Mười.