01-12-23
THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 34 TN
Lc 21,29-33
ĐỂ CHO “NƯỚC CHA TRỊ ĐẾN”
“Khi thấy những điều ấy xảy đến, thì [anh em] hãy biết rằng Triều Đại của Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 21,31)
Suy niệm: Vào dịp cuối năm, người ta hay bàn tới những lời được cho là của các ‘nhà tiên tri’ về những diễn biến sắp xảy tới, đặc biệt về ‘ngày tận thế’. Lạ một điều là lời tiên báo về những biến cố ấy càng gây hoang mang lo sợ người ta lại càng tò mò thích nghe. Phúc Âm Lu-ca cho biết “những điều sẽ xảy đến” ấy báo trước ngày tận thế làm “người ta sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc” (Lc 21,26). Nhưng đối với những môn đệ của Chúa, những biến cố đó không phải là lý do để kinh hoàng sợ hãi mà là dấu hiệu “Triều đại của Thiên Chúa đã đến gần” và Chúa Ki-tô sẽ trở lại trong vinh quang. Vì thế, họ vui mừng hy vọng, kiên vững sống công chính với tư thế “đứng thẳng và cất cao đầu lên” vì biết mình sắp được cứu chuộc (x. Lc 21,28).
Mời Bạn: Một khi quá đam mê những sự đời này, bạn sẽ sợ phải dứt bỏ chúng. Bạn sẽ càng sợ hãi hơn nữa khi thấy dấu chỉ Triều đại Thiên Chúa sắp đến nếu như bạn đang sống trong tư thế thù địch với Ngài. Ngược lại, khi bạn sống trong tình thân nghĩa thiết với Chúa, là xa lánh tội lỗi, luôn kết hiệp với Ngài, bạn sẽ được bình an và tràn đầy hy vọng khi Ngày của Chúa đến. Hơn nữa, mỗi khi bạn hành động theo Tin Mừng Chúa dạy, bạn đang góp phần làm cho thế giới này được tốt đẹp lên và như thế, Nước Chúa đã bắt đầu hiện diện trên trần gian này rồi.
Sống Lời Chúa: Tôi luôn xác tín sống theo lời thánh Phao-lô: “Phần anh em, hãy làm việc thiện không sờn lòng nản chí” (2Tx 3,13).
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha chúng con, xin cho Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
02-12-23
thứ bảy đầu tháng tuần 34 tn
Lc 21,34-36
tỉnh thức và cầu nguyện luôn
“Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,36)
Suy niệm: Nhiều người cho rằng lịch sử nhân loại và vũ trụ cứ trôi nổi xuôi theo thời gian và sẽ không đưa về đâu cả. Những người khác lại cho rằng lịch sử đó quay theo chu kỳ: cứ ba ngàn năm lại bắt đầu lại từ đầu!... Và sẽ còn biết bao nhiêu dự đoán khác nữa! Còn Đức Giê-su dạy rằng: Ngài sẽ lại đến thế giới này lần thứ hai vào ngày Tận Thế, khi đó “Giáo Hội kết thúc trong vinh quang trên trời, khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Ki-tô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt được cùng đích của mình” (Hiến chế GH, số 48). Vì Ngày đó sẽ đến bất ngờ, Chúa Giê-su kêu mời chúng ta đừng để mình đắm chìm trong cuộc sống hưởng thụ, trong những lo toan cho cuộc sống tạm bợ mà không sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến.
Mời Bạn: Nếu Chúa đến với tôi “lúc này và ở đây”, tôi đang là gì hay đang làm gì? Tôi có đang “chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, đang “nghiện ngập” thứ gì (ham mê xác thịt, nghiện games, rượu chè, cờ bạc, ma tuý…) không? Thật tình tôi muốn cuộc sống tôi đi về đâu?
Sống Lời Chúa: Tôi quyết nói “không” với một thứ “nghiện ngập” nào đó hay với một tư tưởng, một hành vi đen tối... Tôi dành thì giờ cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, hồi tâm kiểm điểm đời sống mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin cho lòng con được no đầy Thánh Thần của Chúa để con luôn thức tỉnh giữa cuộc sống hôm nay nhiều cám dỗ và quyến rũ, nhờ đó con luôn hướng về Chúa, sống theo Chúa và sẵn sàng khi Chúa đến với con.
03-12-23
CHÚA NHẬT TUẦN 1 MV – B
Mc 13,33-37
CANH THỨC
“Người giữ cửa phải canh thức.” (Mc 13,34)
Suy niệm: Truyện cổ Hy Lạp có kể chuyện người Hy Lạp, để chiếm thành Troa, dùng kế dâng cho vua thành ấy một con ngựa gỗ khổng lồ. Nào ngờ trong bụng con ngựa gỗ ấy chứa đầy quân lính. Nửa đêm toán lính chui ra, mở cửa thành cho đại quân tiến vào chiếm thành. Ngày nay người ta dùng điển tích ấy - gọi là “trojan” - để đặt tên một thứ vi-rút ngụy trang có vẻ vô hại, nhưng một khi đột nhập vào hệ thống máy tính rồi, nó sẽ phá hoại dữ liệu, đánh cắp thông tin máy chủ, tác hại khôn lường. Chúa Giê-su dùng hình ảnh “người giữ cửa phải canh thức” có ý nhắc ta phải sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào, và cũng để đề phòng kẻ trộm nhằm lúc bất ngờ nhất đào ngạch khoét vách, lẻn vào căn nhà tâm hồn tác hại từ bên trong.
Mời Bạn: Thực trạng xã hội cho thấy người ta đã mở ‘cổng sau; cho những “trojan” đột nhập và ngấm ngầm tác hại lên nếp sống của cá nhân, cộng đoàn. Các công ty dám xả nước thải ra sông ra biển mà không áy náy vì đã từ lâu, người ta vẫn ‘vô tư’ quét rác rưởi ra đường phố hay xuống cống rãnh. Báo chí dám đưa thông tin dối trá, nhà trường dám gian lận bài thi, giả bằng cấp, vì đã từ lâu người ta cầu an hưởng thụ, không dám chấp nhận thách đố để sống chân thật, công bằng. Lương tâm là người giữ cửa tâm hồn bạn phải canh thức, để không lẫn lộn coi điều xấu thành điều tốt. Để người giữ cửa tâm hồn của bạn tỉnh thức cần có một nếp sống tiết độ và chuyên cần cầu nguyện.
Sống Lời Chúa: Lấy “Trung thực và Công bằng” làm châm ngôn sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Danh Chúa vinh hiển, cho Nước Chúa trị đến.
04-12-23
THỨ HAI TUẦN 1 MV
Th. Gio-an Đa-ma-xê-nô, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 8,5-11
ĐỨC TIN HOẠT ĐỘNG NHỜ ĐỨC ÁI
“Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh.” (Mt 8,8)
Suy niệm: Chính vì tin vào Đức Giê-su mà viên đại đội trưởng mới xin Chúa chữa cho người đầy tớ của ông; và cũng vì tin vào quyền năng vô song của Ngài nên ông mới xin Chúa không cần đến nhà ông mà “chỉ nói một lời là người đầy tớ khỏi bệnh.” Chúa Giê-su khen lòng tin của ông thật đặc biệt vì nó được thể hiện qua một lòng nhân ái và khiêm tốn hiếm có: Chẳng những ông quan tâm và cảm thương nỗi đau của người đầy tớ của mình, ông lại còn khiêm tốn tế nhị, không đòi hỏi phải phiền Chúa đến tận nhà ông vì muốn tránh cho Chúa phải mang tiếng là ô uế khi vào nhà ông, một người ngoại giáo.
Mời Bạn: Thánh Phao-lô dạy: “Đức tin hoạt động nhờ đức ái” (Gl 5,6). Trước khi rước Thánh Thể trong thánh lễ, Giáo Hội mời gọi bạn nhắc lại lời tuyên xưng này của viên đại đội trưởng để xin Chúa củng cố đức tin bạn; đồng thời Ngài cũng biến đổi bạn để bạn mở lòng ra với tha nhân và phục vụ họ cách quảng đại. Với lòng khiêm tốn, vững tin vào Chúa và tình yêu thương, quan tâm đến người khác như thế, bạn có thể cầu thay nguyện giúp cho nhiều người đang cần đến sự chữa lành của Chúa Giê-su.
Sống Lời Chúa: Mỗi khi rước lễ, bạn nhớ tới một người đang đau khổ, một gia đình khó khăn, hoặc đang sống xa lìa với đức tin hoặc chưa nhận biết Chúa, và bạn cầu nguyện cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin ban thêm lòng tin, bồi dưỡng thêm lòng mến Chúa yêu người nơi con mỗi khi con lặp lại lời nài van của viên đại đội trưởng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”
05-12-23
THỨ BA TUẦN 1 MV
Lc 10,21-24
PHÚC VÌ MẮT THẤY TAI NGHE
“Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.” (Lc 10,23-24)
Suy niệm: Bậc vua chúa như Đa-vít cũng không có vinh dự được nhìn thấy Chúa tận mắt, nghe Chúa nói tận tai. Đến như Ê-li-a, vị ngôn sứ vĩ đại trong Cựu Ước, cũng chỉ biết “lấy áo choàng che mặt” đón Chúa đi qua trong “tiếng gió hiu hiu” (x. 1V 19,12-13). Mà ngay những người đương thời, thấy Chúa bằng xương bằng thịt, nhưng họ ‘có phúc mà không biết hưởng’: những người bà con cho Ngài bị “mất trí” (Mc 3,21), giới lãnh đạo Do Thái nói Chúa “bị quỷ ám và điên khùng” (Ga 10,20). Họ không nhận ra vị Con Thiên Chúa trong hình dáng phàm nhân. Bởi vì Chúa “mạc khải mầu nhiệm ấy cho những người bé mọn” mà các môn đệ là những người được chọn hưởng diễm phúc ấy.
Mời Bạn: Sáng mắt thính tai là ao ước của bao người. Nhưng lại cần có cặp mắt và đôi tai đức tin để không rơi vào tình trạng “nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu” mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. Lc 8,10). Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, bạn được ban cho ‘bộ đôi tai-mắt đức tin’ nhờ đó bạn có được diễm phúc vô đối là đón nhận chính Thân Mình Đức Giê-su nơi bí tích Thánh Thể. Cũng với bộ đôi ‘tai-mắt’ ấy, bạn có thể nhận ra Chúa nơi tha nhân, đặc biệt người nghèo khổ, bé mọn.
Sống Lời Chúa: Luôn cư xử trân trọng với mọi người cách riêng người nghèo khó, bé mọn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con cặp tai-mắt đức tin để con nhận ra Chúa nơi anh chị em con. Amen.
06-12-23
THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Ni-cô-la, giám mục
Mt 15,29-37
CỘNG TÁC VỚI CHÚA
Đức Giê-su hỏi: “Anh em có mấy chiếc bánh?” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ.” (Mt 15,34)
Suy niệm: Với “bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ”, các tông đồ đã thú nhận sự bất lực của mình khi phải đáp ứng nhu cầu khổng lồ của hơn 4.000 miệng ăn. Là Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng muôn loài từ hư không, Chúa Giê-su có thể làm cho đám đông dân chúng được ăn no mà không cần đến số bánh và cá ít ỏi đó. Nhưng Ngài đã muốn sự tham gia cộng tác của các tông đồ, cho dù, xét về số lượng, sự đóng góp đó rất khiêm tốn và nhỏ bé. Qua đó, Chúa đã bày tỏ quyền năng và lòng thương xót của Ngài đối với con người. Đồng thời, Ngài cũng mời gọi con người cộng tác với Ngài từ những điều nhỏ nhặt bình thường trong cuộc sống, để làm cho quyền năng và lòng thương xót của Ngài được tỏ hiện.
Mời Bạn: Chúng ta không có quyền năng để làm phép lạ nhưng chúng ta có thể góp phần để làm giảm bớt những đau khổ của người khác. Chúng ta không thể làm cơm bánh hóa ra nhiều nuôi sống anh em trong cơn đói khổ nhưng chúng ta có thể chia sẻ cơm bánh với người anh em. Chúng ta cũng không thể làm phép lạ chữa lành người anh em mình khỏi đau ốm bệnh tật nhưng chúng ta có thể viếng thăm, an ủi và chăm sóc họ.
Sống Lời Chúa: Thăm viếng một người đau yếu ở gần bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở rộng lòng chúng con để chúng con luôn nhạy bén nhận ra nỗi khổ của tha nhân và sẵn sàng yêu thương phục vụ họ. Xin giúp chúng con biết cộng tác với Chúa trong những khoảnh khắc đơn giản hàng ngày để chúng con đem lại niềm vui và an bình cho những người xung quanh.
07-12-23
THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Am-rô-xi-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Mt 7,21.24-27
ĐỢI CHỜ BẰNG HÀNH ĐỘNG
“Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,23)
Suy niệm: Sống tinh thần Mùa Vọng là sống tâm tình của người đợi chờ. Như người nông dân đợi chờ ngày gặt thu, họ đợi chờ bằng việc làm: bón phân, làm cỏ, diệt sâu rầy... Như người chuẩn bị đón một vị khách quý, họ đợi chờ bằng việc dọn dẹp, lau chùi, trang hoàng nhà mình cho sạch đẹp. Tương tự như thế, chúng ta đợi chờ ngày Chúa đến không phải bằng cách ‘ôm cây đợi thỏ’, mà là thi hành ý muốn của Chúa như lời Chúa nói: “Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” Người thực hành ý muốn của Chúa là “người khôn xây nhà trên đá” biết chuẩn bị cho mình một ngôi nhà vĩnh cửu trên Nước Trời.
Mời Bạn: Sách Tin Mừng nhiều lần cho biết Chúa dạy đừng nói suông nhưng hãy hành động theo thánh ý Chúa: đừng như người con nói làm rồi không làm, nhưng hãy như người con lỡ nói ‘không’ nhưng rồi hối hận và đi làm vườn nho cho Cha (x. Mt 21,28-32); cũng đừng như người kinh sư chỉ thông thạo Lề luật, mà “hãy đi và làm” như người Sa-ma-ri hết lòng giúp người đang cần giúp đỡ (x. Lc 10,29-37). Và bạn nhớ, Chúa sẽ ân thưởng hạnh phúc Nước Trời cho chúng ta tuỳ theo những việc làm bác ái chúng ta đã làm cho anh chị em mình (x. Mt 25,31-40). Thế đó! Việc làm mới đánh giá một con người làm theo ý Chúa hơn là lời người đó nói ra.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày chọn một câu Kinh Thánh để suy niệm và đem ra thực hành.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con trong Mùa Vọng này biết sống tỉnh thức để chờ đón Chúa bằng cách chuyên cần lắng nghe và thực hành Lời Chúa.
08-12-23
THỨ SÁU TUẦN 1 MV
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Lc 1,26-38
TUYỆT TÁC CỦA THIÊN CHÚA
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)
Suy niệm: Vài bước thưởng lãm các tác phẩm gốm nghệ thuật của các nghệ nhân tại làng gốm cổ truyền Phù Lãng (Bắc Ninh), người ta không khỏi ngạc nhiên về sự kết hợp độc đáo giữa thần trí và đất sét. Trong tay nghệ nhân, đất sét được nhào quyện với thần trí: dáng dấp tầm thường, vô hồn, trở nên sinh động và thể hiện được mình bằng một thứ ngôn ngữ mới. Công đồng Va-ti-ca-nô II khi diễn tả tín điều Đức Ma-ri-a được tràn đầy thánh thiện từ lúc mới thụ thai, đã lấy lại hình ảnh nhào nặn và tác thành của ngày sáng thế được các giáo phụ dùng để xác tín rằng: “Mẹ không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần nhào nặn và tác thành”. ‘Bụi tro’ không còn là bụi tro, nhưng được trở nên ‘khanh tướng’; ‘nữ tì’ không còn là phận nhỏ, nhưng được trở nên diễm phúc, quyền thế. Trong bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa, Mẹ Ma-ri-a trở thành tuyệt tác tình yêu của Ngài.
Mời Bạn: Mẹ nhận ra ngay Thiên Chúa can dự vào cuộc đời của Mẹ với tất cả tình yêu, nên Mẹ cất lời cảm tạ Thiên Chúa, vừa bằng lời ca lẫn đời sống. Thiên Chúa can dự vào đời bạn, đặc biệt lúc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, vậy bạn có thường xuyên ngợi khen Ngài không? Bạn và gia đình bạn đã ngợi khen Chúa thế nào?
Sống Lời Chúa: Sau khi rước lễ, bạn dành ít phút thinh lặng để cám ơn Chúa cách sốt sắng. Và bạn đọc kinh ‘Cám Ơn’ thật chậm rãi và sốt sắng
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, lòng con ước được cùng với Mẹ cất lời cảm tạ ơn Chúa. Xin giúp cho trọn cả cuộc sống con kết dệt nên bài ca tri ân Thiên Chúa.
09-12-23
THỨ BẢY TUẦN 1 MV
Th. Gio-an Đi-đa-cô
Mt 9,35-10,1.6-8
CHÚA MỜI CỘNG TÁC
“Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít.” (Mt 9,37)
Suy niệm: “Chúa Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” Phúc Âm Mát-thêu vẽ lên hình ảnh Đức Giê-su đang quần quật ngược xuôi vất vả với công cuộc rao giảng Nước Trời! Nhưng có vẻ như một mình Người không làm xong hết mọi chuyện! Người cần được tiếp tay: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa về.”
Mời Bạn cảm nghiệm vinh dự được cộng tác với Chúa Giê-su trong công cuộc loan báo Tin Mừng hôm nay. Được đức giám mục hay đức giáo hoàng mời cộng tác, đó là một vinh dự thật lớn; huống chi đây là cộng tác với chính Chúa Giê-su! Gặt lúa chỉ là khâu cuối cùng của nông vụ, và thường được làm một cách hưng phấn, quên mệt mỏi, vì thành quả của nhiều tháng nhọc nhằn trước đó đang hiển hiện trước mắt nhà nông. Để có được đồng lúa chín vàng hôm nay, nhà nông đã phải vất vả cày, bừa, xới, gieo mạ, cấy, làm cỏ… Từ nhận xét đó, bạn có thắc mắc: Tại sao Chúa mời gọi ta ‘gặt lúa’? Phải chăng Người thực sự không đủ sức làm nốt khâu cuối cùng này? Người ‘cần’ sự cộng tác của ta vì Người chủ yếu nhắm đến ta hay nhắm đến công việc?
Sống Lời Chúa: Hiện nay, Chúa đang đặt bạn phụ trách (những) cánh đồng nào? Hãy qui chiếu mọi nỗ lực và hoạt động các loại của bạn vào mục tiêu gặt lúa trên (những) cánh đồng cụ thể này.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt…” Xin Chúa cứ sai con đi vào cánh đồng truyền giáo, để con được tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng.
10-12-23
CHÚA NHẬT TUẦN 2 MV – B
Mc 1,1-8
DỌN ĐƯỜNG ĐỂ CHÚA ĐẾN
“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” (Mc 1,3)
Suy niệm: Để xây dựng đất nước văn minh, việc phát triển hệ thống đường sá hiện đại là một yêu cầu tiên quyết. Muốn biến các vùng đất hoang vu thành đô thị, khu công nghiệp, v.v… thì việc đầu tiên là phải làm đường; còn ở chính các đô thị, nếu hệ thống đường sá không kịp nâng cấp, mở rộng thì sẽ xảy ra cảnh ùn tắc giao thông làm chậm trễ mọi sinh hoạt, chưa nói tới hậu quả là tai nạn giao thông gia tăng, gây hại cho biết bao nhân mạng và tài sản. Nhưng đó là chuyện những con đường vật chất để phát triển cuộc sống ở đời này. Trong mùa Vọng, Tin Mừng mời gọi chúng ta “sửa đường” nhưng là sửa những con đường tâm linh để chuẩn bị mừng kỷ niệm việc Chúa nhập thể làm người hơn hai ngàn năm nay và đón tiếp Ngài sẽ đến với chúng ta bây giờ và trong ngày quang lâm.
Mời Bạn: Dọn đường! Bạn đừng nghĩ là chỉ đi xưng tội, trong khi con đường giao lưu giữa người với người đã bị tắc nghẽn vì giận hờn, ghen ghét… Ở bên nhau mà vẫn như nghìn trùng xa cách. Sửa đường! Bạn hãy nghĩ đến những ơ hờ lạnh nhạt đối với Chúa, gian dối với Ngài, với người khác và với chính mình, những hố sâu của tham lam, những khúc quanh của dối trá, những gồ ghề của ngang ngạnh… Chúa đang cần đi trên những con đường lòng chính trực, đơn sơ, hiền hòa, khiêm tốn đón nhận giáo huấn của Chúa, biết hi sinh chính mình để phục vụ tha nhân.
Sống Lời Chúa: Xét mình xem tôi đang đi trên con đường nào, và cần sửa chữa ra sao.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, mỗi khi tham dự Thánh lễ, xin cho con biết dọn mình xứng đáng để rước Chúa vào lòng.
11-12-23
THỨ HAI TUẦN 2 MV
Th. Đa-ma-sô I, giáo hoàng
Lc 5,17-26
LÒNG KHAO KHÁT CHÚA
Họ lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su. (Lc 5,18)
Suy niệm: Mấy người khiêng anh bạn bại liệt không nói một lời, nhưng hành động của họ lại diễn tả mạnh mẽ họ khát khao gặp Chúa như thế nào. Chiếc cáng cồng kềnh, cùng với đám đông đã bít kín mọi lối dẫn họ đến với Đức Ki-tô; nhưng tất cả mọi chướng ngại đó đều không thể ngăn cản họ đem người bạn bại liệt đến với Chúa để được chữa lành. Họ đã tìm ra một cách không tưởng để đạt được điều họ khao khát: dỡ cả mái nhà, đưa bạn mình xuống để gặp được Ngài. Thấy lòng tin mạnh mẽ của họ, Chúa ban ơn gấp bội phần điều họ kêu xin: Ngài chữa lành bệnh phần xác lại còn tha thứ tội lỗi phần hồn. Về phần mình, anh bại liệt không chỉ đáp lại bằng một lời cám ơn, anh về nhà “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 5,25).
Mời Bạn: Có lẽ số phận ngồi tù là một trong những hoàn cảnh bế tắc nhất của một người, thế nhưng điều đó cũng không thể ngăn cản tâm hồn khao khát Chúa như ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm chứng: “Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau thờ lạy Chúa. Với sự hiện diện lặng lẽ, Chúa Giêsu Thánh Thể đã làm nên những việc kỳ diệu… Và thế là đêm tối của nhà tù đã trở thành ánh sáng Phục sinh… Nhà tù trở thành trường dạy giáo lý.” Với cuộc sống hiện đại dư thừa tiện nghi vật chất, người ta dửng dưng không cần đến Chúa. Phần bạn, điều gì thúc bách bạn khao khát tìm đến Chúa để được Ngài cứu độ?
Sống Lời Chúa: Trong ngày, bạn dành ít phút hồi tâm hoặc viếng Thánh Thể để khơi dậy lòng khao khát Chúa.
Cầu nguyện: Như nai rừng mong mỏi, tìm về suối nước trong, hồn con luôn mong mỏi, tìm gặp Ngài, lạy Chúa.
12-12-23
THỨ BA TUẦN 2 MV
Đức Mẹ Gua-đa-lu-pê
Mt 18,12-14
CÁCH TÍNH TOÁN CỦA CHÚA
“Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc?” (Mt 18,12)
Suy niệm: Nếu không coi con chiên lạc là quý thì người mục tử ắt hẳn đã không lặn lội đi tìm. Vả lại nếu tính toán theo giá trị kinh tế, thì người ấy ắt hẳn không chấp nhận công thức 1 > 99 để bỏ cả đàn chiên lại trên núi mà đi tìm con chiên lạc. Đối với Thiên Chúa, mỗi một con người đều có một giá trị không thể thay thế cho dù người đó là tội nhân. Bởi thế bất cứ ai lầm đường lạc lối, đều được Ngài yêu thương, và lặn lội đi tìm như thể trên thế gian này chỉ có một người ấy: “Con Người đến để tìm cứu chữa những gì hư mất” (Lc 19,10).
Mời Bạn: Nếu suy nghĩ với một đầu óc thực dụng, chúng ta sẽ không thể hiểu được tại sao “1” lại có giá trị hơn “99.” Trái lại, điều này sẽ trở nên rất dễ hiểu nếu chúng ta suy nghĩ theo lý lẽ của con tim; tựa như người mẹ lạc con, bà cũng sẽ coi mọi sự khác là không đáng kể và tất tả đi tìm đứa con bị lạc vậy.
Chia sẻ: Khi trong cộng đoàn có người làm điều sai lỗi, chúng ta dễ có thái độ nóng nảy kết án, tranh cãi hơn thua, từ đó, đánh mất tình bác ái huynh đệ, xúc phạm danh dự của nhau. Để tránh tình trạng đó, chúng ta phải làm gì?
Sống Lời Chúa: Để mở đường cho người tội lỗi hối cải, trước tiên bạn biết sám hối tội lỗi của mình và thường xuyên cầu nguyện cho người tội lỗi có lòng ăn năn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không muốn con đi lạc xa đường lối Chúa và Chúa cũng không muốn con cầu an thụ động khi anh em con lầm đường lạc lối. Xin cho con luôn biết dấn thân phục vụ vì vinh danh Chúa và vì lợi ích thiêng liêng cho anh chị em con. Amen.
13-12-23
THỨ TƯ TUẦN 2 MV
Th. Lu-xi-a, trinh nữ, tử đạo
Mt 11,28-30
NGHỈ NGƠI BÊN CHÚA
Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)
Suy niệm: Trong thế giới hiện đại, của cải vật chất dồi dào và tiện nghi về mọi mặt không ngừng phát triển, nhờ đó, đời sống được nâng cao hơn bao giờ hết. Thế nhưng đồng thời người ta lại bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, khiến họ thường xuyên phải chịu biết căng thẳng và mệt mỏi. Từ đó nảy sinh nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn để ‘xả stress’. Cũng từ đó, các dịch vụ vui chơi, giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng mọi hình thức nở rộ để đáp ứng nhu cầu này. Chúa Giê-su chạnh lòng thương “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” của cuộc sống như vậy; Ngài mời gọi hãy đến với Ngài là địa chỉ tối ưu để đáp ứng cách triệt để nhất nhu cầu đó của con người: Ngài sẽ “nâng đỡ bổ sức cho”.
Mời Bạn: Chúa Giê-su là Thầy và là Đấng Cứu độ, Ngài còn gọi chúng ta là bạn hữu của Ngài. Hãy đến với Ngài để được an ủi, đỡ nâng, bổ sức cho; để trút bỏ gánh nặng cuộc đời, hay nói đúng hơn, để gánh đó không còn mang sức nặng huỷ diệt của nó nữa. Phương thuốc Ngài đưa ra là học với Ngài nhân đức “hiền hậu và khiêm nhường” và mang lấy “ách thập giá” của Ngài mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Đến và nghỉ ngơi bên Chúa bằng cách dành thời gian mỗi ngày thinh lặng cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, chiêm ngắm thập giá Đức Ki-tô để cảm nghiệm và lãnh nhận sức mạnh thần linh từ Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con luôn biết tìm đến với Chúa mỗi khi lao nhọc, luôn biết tin tưởng cậy trông trên mỗi bước đường con đi và cho con biết tín thác vào tình yêu Chúa mỗi ngày. Amen.
14-12-23
THỨ NĂM TUẦN 2 MV
Th. Gio-an Thánh giá, linh mục, tiến sĩ HT
Mt 11,11-15
cuộc chiến đấu thiêng liêng
“Từ thời ông Gio-an Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được.” (Mt 11,12)
Suy niệm: Wendell Philips mô tả cuộc đời Ki-tô hữu ở trần thế như sau: “Ki-tô giáo là một cuộc chiến đấu chứ không phải là một giấc mơ”. Ông họa lại lời Chúa Giê-su hôm nay bằng kinh nghiệm theo Chúa của mình. Không có chiến thắng cho những người vừa lâm trận đã đầu hàng; không có vinh quang cho những kẻ hèn nhát; và phải là người mạnh sức mới chiếm được Nước Trời. Sức mạnh ở đây không là sức mạnh hay thế lực thế gian, nhưng là sức mạnh của Thiên Chúa. Các nhân vật lớn trong Kinh Thánh thường nài xin được ơn sức Chúa ban để giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh. Thánh Phao-lô chia sẻ: “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết” (Pl 4,13). Sức mạnh thiết yếu và nguồn sống cho mọi Ki-tô hữu chính là sức mạnh của Đức Ki-tô phục sinh, Đấng chiến thắng sự dữ và sự chết.
Mời Bạn: Bạn được tham dự vào thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô phục sinh khi lãnh bí tích Thánh Tẩy, được sống nhờ sự sống của Ngài khi rước lễ, vậy bạn có sử dụng sức mạnh Ngài ban để chiến đấu chống trả mọi cám dỗ không?
Chia sẻ: Mời bạn chia sẻ cho người khác kinh nghiệm chống trả tội lỗi.
Sống Lời Chúa: Sau khi rước Chúa vào lòng, bạn nài xin Chúa ban cho bạn ơn sức mạnh để chống trả một thứ tội nào đó đang hoành hành trong đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, con xin dâng trọn con người yếu đuối, dễ sa ngã của con cho Chúa, để con hoàn toàn thuộc về Chúa, sống bằng ơn Chúa ban, nhờ đó, cuộc đời con là dấu chỉ sức mạnh của Chúa Phục Sinh.
15-12-23
THỨ SÁU TUẦN 2 MV
Mt 11,16-19
CHỌN SỐNG ĐÚNG
Đức Giê-su nói: “Ông Gio-an đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: ‘Ông ta bị quỷ ám’. Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ bảo: ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi’. Nhưng đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.” (Mt 11,18-19)
Suy niệm: Sứ mạng của Gio-an Tẩy Giả là dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Nên ông không chỉ kêu gọi người ta sám hối, mà chính ông cũng phải sẵn sàng cho Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần. Ông không chỉ rao giảng về điều sắp xảy đến, mà còn tiên phong trong lĩnh vực dọn đường. Ông sống kiêng khem, nhiệm nhặt, vì đó là sứ mạng của ông. Còn Đức Giê-su, Ngài là Đấng Cứu Thế. Sứ mạng của Ngài là “tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Thế nên Ngài dấn thân, gần gũi những người bị coi là tội lỗi, vì “ai khỏe mạnh thì không cần thầy thuốc” (Mt 9,12). Vậy nên, sống thế nào là do đòi hỏi của sứ mạng, bởi “đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động” (c. 19).
Mời Bạn: Đức Giê-su và Gio-an Tẩy Giả mà còn bị thiên hạ lời ra tiếng vào, thậm chí chê bai lối sống của các Ngài, chỉ vì người ta cố chấp trong lối sống sai trái của họ. Huống chi là chúng ta, có phải hứng chịu ‘búa rìu dư luận’ hay ‘gạch đá trên mạng’ cũng là chuyện bình thường. Chúa dạy phải kiên định trước những cơn bão thị phi, khôn ngoan nhận định đúng dưới ánh sáng Lời Chúa, để chọn lựa đúng và minh chứng điều đó bằng hành động đúng của mình.
Sống Lời Chúa: Trước mỗi hành động, tôi dừng lại một giây để hỏi Chúa: “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”
Cầu nguyện: Đọc hoặc hát: “Xin chỉ cho con đường đi. Xin dạy bảo con nước bước của Ngài…”
16-12-23
THỨ BẢY TUẦN 2 MV
Mt 17,10-13
ĐẤNG MÊ-SI-A ĐAU KHỔ
“Con Người cũng sẽ phải chịu đau khổ vì họ như thế.” (Mt 17,12)
Suy niệm: Có người thích chơi chữ nên giải thích “Mùa Vọng” (adventus) theo nguyên ngữ La Tinh là mùa “phiêu lưu” (adventurus), –cả hai từ đều chung một gốc advenire, có nghĩa là “đến”– mùa “phiêu lưu” của Chúa! Quả thật Thiên Chúa đã làm một cuộc phiêu lưu khi thực hiện cuộc giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Để làm điều đó, chưa kể đến cuộc chuẩn bị kéo dài miên viễn, mà “khi thời gian tới hồi viên mãn” (Gl 4,4) Con của Ngài sinh xuống làm người, cuộc giải cứu đã có nguy cơ bị bóp vỡ từ trong trứng nước. Nhưng bi đát nhất là chính những con người mà Ngài đến để giải cứu lại không nhận ra Ngài. Sở dĩ ta không nhận ra Ngài vì ta thường ép nặn ra một Thiên Chúa cho vừa cái khuôn theo ý riêng mình, lấy đường lối của mình thay thế đường lối của Thiên Chúa và bắt Ngài phải đi theo con đường của mình. Cho nên khi Chúa sinh ra trong hang đá nghèo hèn, sống khó nghèo với người nghèo, chết chôn nhờ mộ của người khác, thì con người không thể nhận ra Ngài. Thật đáng tiếc thay!
Mời Bạn: Có thể bạn đã quen với hình ảnh một Hài Nhi “được vấn tã đặt nằm trong máng cỏ;” thế nhưng khi Chúa đến theo đường lối khiêm hạ, nghèo hèn giữa muôn người nghèo để có thể sống với và sống cho người nghèo, bạn có bị che khuất không nhận ra Ngài không?
Chia sẻ: kinh nghiệm về việc nhận ra một lần Chúa đến trong đời bạn.
Sống Lời Chúa: Sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ những người nghèo hèn, bất hạnh vì Chúa đến trong những người đó.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ ý riêng và có tâm hồn rộng mở để con có thể nhận ra Chúa đang đến với con. Amen.
17-12-23
CHÚA NHẬT TUẦN 3 MV – B
Ga 1,6-8.19-28
CHỨNG NHÂN ÁNH SÁNG
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng. (Ga 1,6-7)
Suy niệm: Hãy tưởng tượng một đường hầm của mỏ than bị sập, và bạn cùng nhiều người khác bị kẹt ở dưới đó. Mọi người tìm kiếm lối thoát trong bóng tối dày đặc. Bỗng người dẫn đường thông báo đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Đó quả là một tin mừng bùng nổ, tin mừng đem lại hi vọng sự sống. Gio-an là vị ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến để loan báo Tin Mừng như thế. “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng.” Đức Giê-su chính là “ánh sáng thế gian” nhưng vì Ngài “đang ở giữa các ông mà các ông không biết” nên Gio-an vẫn còn phải làm chứng.
Mời Bạn: Cũng vậy, mỗi Ki-tô hữu đều được kêu gọi để trở thành “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14), và có sứ mạng tiếp tục “làm chứng cho ánh sáng”. Cha Teilhard de Chardin đã ví von rất sống động: “Ánh sáng xuyên qua những đám mây, người ta đoán là có mặt trời trên đó. Nhìn vào đời sống chúng ta, mọi người cũng đoán được có Đức Ki-tô”. Vì là chứng nhân ánh sáng, người Ki-tô hữu luôn sống trong niềm vui, vui vì Đấng Cứu độ chúng ta đã đến, niềm vui đó phải luôn tỏ hiện, lan truyền để ở bất cứ nơi đâu người Ki-tô hữu hiện diện, ở đó đều ngập tràn niềm vui.
Sống Lời Chúa: Bằng chứng bạn đang vui vì có Đức Ki-tô ở với bạn, đó là bạn không buồn giận, ghét ghen; trái lại bạn luôn vui tươi, hiền hoà, vì ý thức mình là chứng nhân ánh sáng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức mình được kêu gọi để làm chứng cho Chúa là ánh sáng ban sự sống “để con đem yêu thương vào nơi oán thù… đem an hoà vào nơi tranh chấp”. Amen.
18-12-23
thứ hai tuần 3 mv
Mt 1,18-24
GIU-SE NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Ông Giu-se, chồng bà [Ma-ri-a], là người công chính. (Mt 1,19)
Suy niệm: Là người công chính, thánh Giu-se ắt phải làm theo luật là tố giác Đức Ma-ri-a về tội ngoại tình vì “đã có thai trước khi hai ông bà về chung sống”. Nhưng sự công chính của thánh Giu-se vượt lên trên cái nhìn xét đoán theo bề ngoài. Ngài xác quyết cách tuyệt đối sự thánh thiện của Đức Ma-ri-a, không thể phạm tội tày đình đó. Người công chính không thể lên án người vô tội, vì thế, ngài quyết định “lìa bỏ bạn mình cách kín đáo” để chờ đợi thánh ý Chúa thể hiện. Thế nhưng, ‘người tính không bằng Trời tính’, Chúa đã truyền tin cho Ma-ri-a, Ngài cũng truyền tin cho Giu-se: “Người con mà Ma-ri-a cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”. Sự công chính của thánh Giu-se không dựa trên suy tính của mình nữa, mà là thực thi ý Chúa được tỏ ra qua lời của sứ thần Gáp-ri-en: “Ông đã làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”.
Mời Bạn: Không ít lần chúng ta rơi vào những tình huống bất ngờ, mà khi đó dường như Thiên Chúa đến phá vỡ mọi dự tính của chúng ta. Đó là trong đêm tối Đức Tin; như trong giấc chiêm bao mà thánh Giu-se gặp phải. Chúng ta hãy noi gương ngài sống công chính bằng cách từ bỏ ý riêng mình, dù nó có tốt đẹp mấy đi nữa, để tín thác vào Chúa và thi hành thánh ý Ngài.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên suy gẫm Lời Chúa để dễ dàng nhận biết thánh ý Chúa hơn.
Cầu nguyện: Lạy thánh Giu-se, ngài là đấng đã luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, và đưa ra những chọn lựa được hướng dẫn bởi sự quan phòng của Người, xin dạy chúng con đừng quá cậy dựa vào các kế hoạch của mình nhưng vào kế hoạch yêu thương của Chúa. Amen.
19-12-23
THỨ BA TUẦN 3 MV
Lc 1,5-25
CON NGƯỜI BẤT LỰC NHƯNG THIÊN CHÚA QUYỀN NĂNG
“…Nhưng họ lại không có con, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Vả lại, cả hai đều đã cao niên.” (Lc 1,7)
Suy niệm: Hai ông bà Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét quả là một cặp vợ chồng gương mẫu: họ sống “công chính trước mặt Thiên Chúa;” còn trước mặt mọi người thì “không ai chê trách điều gì” và chắc hẳn được mọi người thương mến (x. Lc 1,57-58). Thế nhưng điều đáng buồn là “họ lại không có con”. Có lẽ hai ông bà đã tìm đủ mọi phương thế, nhưng sự son sẻ vẫn đeo đẳng mà họ thì đã cao niên. Nỗi đau thầm kín của bà Ê-li-sa-bét khi những năm tháng tuổi thanh xuân lần lượt trôi đi, những bước chân trĩu nặng của vị tư tế già Da-ca-ri-a trước những con mắt soi bói của người đời như xác nhận rằng sự hiếm muộn là dấu chỉ Gia-vê trừng phạt một tội lỗi nào đó của họ. Nhưng trước cái tưởng chừng như bất lực và vô vọng của con người, Thiên Chúa có chương trình riêng của Ngài, đã làm cho ông bà sinh hoa trái trong tuổi về chiều già nua. Một con trẻ làm cho nhiều người được hỉ hoan, một con trẻ đầy tràn thần khí và quyền năng của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Có khi nào bạn đứng trước tình huống mà mọi giải pháp đều tỏ ra bế tắc và bạn cảm nhận được sự bất lực của mình? Đó chính là dịp để bạn khám phá tình thương của Chúa và tin cậy vào quyền năng của Ngài.
Sống Lời Chúa: Mời bạn thưa với Chúa như bà Ê-li-sa-bét: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lắm lúc con đã ngã lòng, mọi hi vọng tưởng như đã lịm tắt. Xin cho con luôn kiên định cậy trông nơi tình thương của Ngài.
20-12-23
thứ tư tuần 3 mv
Lc 1,26-38
cuộc gặp gỡ có một không hai
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1,35)
Suy niệm: Cuộc gặp gỡ hôm nay đối với Đức Ma-ri-a là quá bất ngờ, nhưng đối với Chúa lại là “giờ” hành động để thực hiện lời hứa cứu độ. Đây được coi như cuộc gặp gỡ chia đôi lịch sử giữa hai đối tác không hề tương xứng: giữa trời với đất, giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đấng Tạo thành và loài thụ tạo. Cuộc gặp gỡ và trao đổi hôm nay minh chứng Thiên Chúa vẫn luôn ưu ái và đánh giá cao sự góp phần của con người, là thụ tạo được dựng nên “giống hình ảnh của Thiên Chúa”, đúng như lời Thánh Âu-tinh nhận xét: “Để tạo dựng nên con, Chúa không cần có con. Nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần có con.” Bằng lời thưa “Xin Vâng”, Đức Ma-ri-a là người đầu tiên góp phần vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Mời Bạn: Mỗi khi chúng ta bằng lòng làm theo những gì Thánh Thần và Hội Thánh hướng dẫn là chúng ta cũng góp phần làm cho ơn cứu chuộc của Chúa thấm nhập và lan toả ra với những anh chị em chung quanh.
Chia sẻ: Tôi xét lại có khi nào mình thiếu tinh thần “xin vâng” để rồi có những hành động tự cao, thiếu bác ái gây ảnh hưởng xấu đến tình hiệp nhất của cộng đoàn và cản trở cho công việc truyền giáo không.
Sống Lời Chúa: Tôi không tự cao đặt mình ngồi ‘chiếu trên’ mỗi khi cần nói về Chúa cho người khác, và ngược lại, tôi cũng không tự ti nhưng luôn quảng đại góp phần trong công việc tông đồ.
Cầu nguyện: Đọc hoặc hát: “Mẹ ơi, đời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng ‘xin vâng’.”
21-12-23
THỨ NĂM TUẦN 3 MV
Th. Phê-rô Ca-ni-xi-ô, linh mục, tiến sĩ HT
Lc 1,39-45
ĐỨC MA-RI-A ĐI THĂM BÀ Ê-LI-SA-BÉT
“Bởi đâu tôi được Thân mẫu Chúa đến với tôi thế này?” (Lc 1,43)
Suy niệm: Thánh Kinh cho biết mỗi cuộc thăm viếng của Thiên Chúa đều mang một sứ điệp Ngài muốn trao gởi cho con người. Nhìn bề ngoài, việc Đức Ma-ri-a đi thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét chỉ là cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ đang mang thai, nhưng bên trong, lại là việc thai nhi Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, thăm viếng và mang ơn cứu độ cho thai nhi Gio-an; nhờ đó, Gio-an được khỏi tội nguyên tổ ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Không lạ gì Gio-an diễn tả niềm vui cứu độ ấy bằng cách nhảy lên trong lòng dạ mẹ mình. Tựa như bất cứ người mẹ nào, Bà Ê-li-sa-bét cũng cảm nhận được đứa con trong bụng vui sướng nhảy lên, để rồi cùng với ơn soi sáng của Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng diễn tả hạnh phúc được người em họ mình, Thân mẫu Chúa, đến viếng thăm, ca ngợi Đức Ma-ri-a và Thai nhi Giê-su.
Mời Bạn: Chỉ còn ít ngày nữa thôi, mầu nhiệm Giáng sinh được tỏ hiện. Những cảm nhận, tán tụng công trình của Chúa nơi hai người phụ nữ trên đây sẽ được sáng tỏ. Mời bạn cùng với Đức Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét chuẩn bị tâm hồn đón nhận hồng ân ban cho nhân loại.
Sống Lời Chúa: Phải chăng bầu khí Giáng sinh rộn rịp, việc trang hoàng năm nay như mọi năm khiến ta mất cảm giác vui mừng đích thực. Hãy tìm khoảng lặng để suy ngắm thêm tại sao Mẹ Ma-ri-a lại vất vả đi thăm người chị họ, đem lại niềm vui cho cả gia đình?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con thinh lặng ngắm nhìn Hài nhi Giê-su, “Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính” mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người và ở giữa chúng con. Amen.
22-12-23
THỨ SÁU TUẦN 3 MV
Lc 1,46-56
BÀI CA TỤNG CỦA ĐỨC MA-RI-A
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa.” (Lc 1,46)
Suy niệm: Chúng ta quá quen thuộc với Bài Ca Ngợi Khen Magnificat của Đức Ma-ri-a. Trong kinh chiều Kinh thần vụ hằng ngày, ta luôn đọc lời kinh tuyệt đẹp này, hòa lời ngợi ca, tụng ca của Mẹ làm lời kinh riêng của mình, để cảm tạ Thiên Chúa. Lời kinh ấy cho thấy rõ hai ý chính: Một là Mẹ tạ ơn Thiên Chúa cho mình làm Mẹ Đấng Cứu thế; hai là ca tụng tình thương Chúa đối với những người bé nhỏ, Ngài là Đấng luôn trung thành giữ lời kết ước. Bài ca quen thuộc này đưa ta vào đỉnh cao của việc chiêm niệm, nhìn ngắm toàn bộ công trình lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, khởi đầu từ tâm tình tạ ơn của Đức Ma-ri-a vì điều kỳ diệu Chúa làm cho mình, cũng như lòng thương xót dành cho người kính sợ Ngài, cuối cùng là mở rộng đến toàn thể dân Chúa, bắt đầu từ lời chúc phúc cho tổ phụ Áp-ra-ham. Dù lịch sử có thăng trầm thế nào đi nữa, rốt cuộc lời Chúa hứa từ ban đầu vẫn thành tựu. Đó là lý do để con người ca tụng Thiên Chúa, dâng lên Ngài lòng cảm mến biết ơn. Mầu nhiệm Giáng sinh là một sự kiện lớn lao cho thấy Chúa là Đấng xót thương và trung tín.
Mời Bạn: Nhận ra Chúa là Đấng mãi trung tín sẽ giúp ta không ngại ngần trao gửi đời ta cho Chúa theo gương Mẹ Ma-ri-a, cũng như khích lệ ta không ngừng dâng lên Chúa lời ca tiếng hát mọi ngày trong đời Ki-tô hữu.
Sống Lời Chúa: Tôi tập cảm nhận tâm tình của Mẹ Ma-ri-a, nỗ lực sống tâm tình tạ ơn ngợi ca ấy. Nhờ đó tôi sẽ tín thác, cậy trông vào Chúa ngày một sâu đậm hơn.
Cầu nguyện: Đọc hoặc hát kinh “Ngợi khen Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…”
23-12-23
THỨ BẢY TUẦN 3 MV
Th. Gio-an Kê-ty, linh mục
Lc 1,57-66
CÓ BÀN TAY CHÚA PHÙ HỘ
“Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Và quả thật có bàn tay Chúa phù hộ em.” (Lc 1,66)
Suy niệm: Ngày cắt bì đặt tên cho trẻ Gio-an đem lại sự kinh ngạc, ngạc nhiên, ân phúc không chỉ cho láng giềng, thân thích, mà còn cho chính cha mẹ của em. Gio-an, nghĩa là Thiên Chúa thi ân. Mẹ em, bà Ê-li-sa-bét, được Thiên Chúa “thương cất nỗi hổ nhục” bà phải chịu trước mặt người đời (c.25); cha em, ông Da-ca-ri-a, bị câm và nói lại được khi đặt tên cho con mình. Có bàn tay Chúa phù hộ nên đôi vợ chồng son sẻ này có con vào lúc tuổi già, đặt tên cho con theo ý định của Thiên Chúa, cũng như loan báo sứ vụ đặc biệt của con mình. Có bàn tay Chúa phù hộ nên miệng lưỡi và tai người cha mở ra để cất lời chúc tụng Thiên Chúa (Benedictus).
Mời bạn: Ông bà Da-ca-ri-a cao niên không có nghĩa là Thiên Chúa ngừng thi thố ân huệ của Người trên cuộc đời họ. Họ đã trải qua nhiều ‘gian nan, thử thách’ trong đức tin để có thể nhận biết ý định của Thiên Chúa và cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Chỉ khi cuộc sống chúng ta đặt nơi Thiên Chúa, thì cuộc sống ấy mới tìm thấy ý nghĩa. Chỉ khi hành động phù hợp với ý định nhân lành của Thiên Chúa, chúng ta mới bày tỏ được những lời ngợi ca, những tâm tình cảm tạ.
Chia sẻ: Tôi có ngạc nhiên về những công trình của Chúa trong thế giới và trong cuộc sống mình?
Sống Lời Chúa: Dành thời gian để chiêm ngưỡng bàn tay Chúa phù hộ trong cuộc sống của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã cho con thấy có bàn tay Chúa phù hộ đời con và nơi anh chị em con. Xin cho chúng con cộng tác tích cực với chương trình cứu độ của Chúa. Amen.
24-12-23
CHÚA NHẬT TUẦN 4 MV – B
Lc 1,26-38
ĐỨC TIN “XIN VÂNG” TRỌN HẢO
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Đức tin tuyệt vời của Mẹ Ma-ri-a khi nói lên lời “xin vâng” thật đáng ngạc nhiên thán phục. Cùng với lòng khiêm tốn thẳm sâu, lời thưa vâng trong đức tin của Mẹ đã có sức mạnh kéo Thiên Chúa từ trời cao xuống thế để ở với con người. Lời “xin vâng” đầy xác tín của Mẹ đã khơi mào cho Ngôi Lời “vốn dĩ là Thiên Chúa” nhưng đã “hạ mình, vâng lời” làm người trong lòng Mẹ; lời “xin vâng” từ đời đời đó được tiếp tục thể hiện trong tất cả thân phận làm người của Đức Giê-su, cho tới khi Ngài nói lời “xin vâng” tối hậu với Chúa Cha trong vườn Cây Dầu, để bằng lòng chịu chết đền bù tội lỗi nhân loại (x. Pl 2,6-8). Cùng đồng thanh với lời “xin vâng” của Người Con, lời “xin vâng” ban đầu của Mẹ được trở nên hoàn hảo bằng lời “xin vâng” kéo dài đến tận dưới chân thập giá và mãi về sau khi Mẹ để cho Chúa hoàn toàn làm chủ đời mình để đồng hành với Chúa Ki-tô hoàn tất công trình cứu chuộc.
Mời Bạn: Trong Tông thư “Cửa Đức Tin”, Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI mời gọi chúng ta chiêm ngắm và học hỏi mẫu gương đức tin vâng phục đó của Đức Ma-ri-a: “Nhờ lòng tin, Đức Ma-ri-a đã đón nhận lời Thiên thần, và trong tinh thần vâng phục, Mẹ đã tin vào lời loan báo Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa… Với đức Tin, Mẹ theo Chúa lúc Người đi rao giảng và ở với Chúa cho đến tận đồi Golgotha…” (số 7).
Sống Lời Chúa: Nguyện tắt: “Xin cho con nhận ra và vâng theo ý Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gia tăng lòng tin yếu kém của chúng con, để chúng con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a luôn phó thác cho tình yêu Chúa.
25-12-23
thứ hai, ĐẠI LỄ CHÚA GIÁNG SINH
Ga 1,1-18
sứ giả ánh sáng
“Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại. Ánh sáng chiếu soi bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1,4-5)
Suy niệm: “Ánh sáng là sứ giả tuyệt vời nhất của vũ trụ. Chính ánh sáng cho phép chúng ta giao tiếp và kết nối với vũ trụ” (Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận). Là Ki-tô hữu, ta nhận ra ánh sao lạ soi chiếu máng cỏ nơi Hài nhi Giê-su, Con Thiên Chúa làm người, vừa mới sinh hạ. Người chính là Sứ giả Chúa Cha, mang Ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại. Nhờ Người, sự tăm tối do tội A-đam xưa bị hủy diệt, Thiên Chúa đã “viếng thăm cứu chuộc dân Người.” Từ nay, trời đất lại nối kết! Vì vậy, không chỉ là lễ của Ánh sáng, ngày Giáng Sinh còn là ngày của “vui mừng và hi vọng” vì Sứ giả Giê-su đã thực sự đem sự sống đến cho nhân loại. Đấy chẳng phải là Tin Mừng sao?
Mời Bạn: Nếu có dịp dự vở diễn “Ký Ức Hội An,” có thể bạn sẽ có ấn tượng sâu sắc với nhiều kỹ thuật trình chiếu ánh sáng đẹp mắt. Nhưng dù đẹp đến đâu, ánh sáng ấy cũng không thể dẹp tan đêm tối của tội lỗi, đau khổ và sự chết. Có những bóng đêm đang vây bủa nhân loại như ham muốn quyền lực, ích kỷ, hận thù, chiến tranh... khiến nhân loại phải điêu đứng, kinh hoàng, cụ thể như cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Bước đi trong ánh sáng của Đức Giê-su, bận cần khước từ những bóng đêm như thế trong đời.
Chia sẻ: Bóng tối nào là rào cản che khuất bạn đến với Ánh sáng Giê-su ?
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn nỗ lực bỏ đi một thói ích kỷ của bản thân.
Cầu nguyện: Lạy Hài Nhi Giê-su, xin chiếu sáng vào tâm hồn con Ánh sáng cứu độ của Ngài. Amen.
26-12-23
THỨ BA, NGÀY II TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Tê-pha-nô, phó tế, tử đạo tiên khởi
Mt 10,17-22
VÌ DANH CHÚA
“Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 10,22)
Suy niệm: Ai cũng có thể cảm nghiệm được rằng niềm tin của chúng ta được củng cố là nhờ đời sống gương mẫu của các chứng nhân đức tin, nhất là các chứng nhân tử đạo. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su đã tiên báo cho các môn đệ biết dù bị thế gian thù ghét, bách hại, nhưng các ông không được nhượng bộ, thỏa hiệp, mà phải can trường làm chứng tá cho Chúa. Vậy mà các ông chỉ có thể thực hiện vai trò chứng tá ấy khi để Thiên Chúa hoàn toàn chi phối cuộc đời mình vì lòng yêu mến. Nhìn vào đời sống thánh Tê-pha-nô tử đạo, chúng ta thấy rõ trái tim yêu mến một lòng một dạ thực hiện lời Chúa của ngài. Chúng ta hôm nay cũng vậy thôi, khi để cho các giá trị Tin Mừng như lòng chân thành, chung thủy, bác ái… chi phối lối hành xử của mình, là ta đang sống tinh thần tử đạo, làm rạng danh Thiên Chúa.
Mời Bạn: Khao khát, mong ước được nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su phải là tiền đề, kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong đời sống thường nhật của bạn và tôi. Bạn thấy sao khi được mời gọi xây dựng hình ảnh đẹp của một Ki-tô hữu trong thời đại hôm nay? Bạn đáp lại bằng phương thế nào?
Chia sẻ: Bạn đã làm gì để những người xung quanh nhận ra niềm vui mới mẻ của người được Chúa Hài Đồng ở cùng?
Sống Lời Chúa: Luôn tâm niệm chỉ có Hài Nhi Giê-su mới là Hoàng tử Hòa bình đích thực, và nỗ lực sống tâm tình hòa bình ấy với người lân cận.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn can đảm cho mọi người Ki-tô hữu, để họ luôn sống đúng với tên gọi của mình, nỗ lực làm rạng danh Chúa. Amen.
27-12-23
THỨ TƯ, NGÀY III TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Gio-an, tông đồ
Ga 20,2-8
NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA YÊU
Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. (Ga 20,2)
Suy niệm: Người môn đệ Chúa yêu không chỉ là người được Chúa yêu cách đặc biệt, và còn là người môn đệ cảm nghiệm cách đặc biệt tình yêu Chúa dành cho mình. Dĩ nhiên, mọi người đều được Chúa yêu thương. Nhưng Gio-an đã cảm nghiệm được tình yêu đó dành cho mình cách đặc biệt và ngài muốn mời gọi chúng ta cảm nhận tình yêu đó của Thiên Chúa. Vì thế, trong sách Tin Mừng, khi ẩn mình dưới danh xưng người môn đệ Chúa yêu, Gio-an muốn mỗi người chúng ta điền tên của mình vào vị trí đó – vị trí của người môn đệ Chúa yêu. Quả thật, chúng ta là những người được Chúa yêu. Chúng ta được mời gọi cảm nghiệm tình yêu Chúa đầy tràn trong cuộc đời chúng ta. Thế nhưng nhiều khi chúng ta không để ý đến, không nhận ra. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không còn là thứ tình yêu trừu tượng, vô hình nhưng đã trở nên hữu hình khi Ngôi Lời “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14).
Mời Bạn: Bạn có dám nhận mình là người môn đệ được Chúa yêu không? Bạn sẽ thật là hạnh phúc khi nhận biết mình là người được yêu như thế. Mỗi lần bạn nhận biết và nhắc lại tình yêu Chúa dành cho bạn, thì tình yêu của bạn dành cho Chúa lại càng đậm đà hơn.
Sống Lời Chúa: Ôn lại một biến cố mà bạn cảm nhận được tình yêu Chúa dành cho bạn và bạn dâng lời cảm tạ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dù đời con có nhiều sóng gió, xin cho con được đến và tựa nép bên lòng Chúa, như Gio-an tựa đầu vào ngực Ngài, để con cảm nhận được mình được Chúa yêu thương. Amen.
28-12-23
THỨ NĂM, NGÀY IV TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Các Thánh Anh Hài tử đạo
Mt 2,13-18
VUI HƯỞNG MỐI PHÚC THẬT
Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập. (Mt 2,14)
Suy niệm: Tại sao Thiên Chúa lại để cho các trẻ em ở Bê-lem chịu cái chết oan ức như vậy? Thánh Augustinô cho ta câu trả lời qua vài dòng suy niệm về việc tử đạo. Theo ngài, cái chết quý báu của bất cứ vị tử đạo nào cũng đáng được ta trân trọng ca ngợi vì hành vi tuyên xưng anh hùng của các ngài. Cũng vậy, với Thiên Chúa, cái chết của các trẻ này thật quý giá vì các ngài đã mau chóng đạt được Tám mối phúc thật. Ngay lúc khởi đầu cuộc sống, các ngài đã qua đời. Với các ngài, cái kết của cuộc sống hiện tại là khởi đầu của vinh quang thiên quốc. Thật vậy, nếu hạnh phúc muôn đời với Thiên Chúa qua các kiểu nói của Tám mối phúc như Nước Trời là của họ, Đất Hứa làm gia nghiệp, được nhìn thấy và được Thiên Chúa cho thỏa lòng… là cùng đích đời ta, thì Các Thánh Anh Hài ngay tuổi sơ sinh, đã vinh phúc đạt được cùng đích ấy.
Mời Bạn: Trong ánh sao soi chiếu máng cỏ Bê-lem, bạn nhận ra đã cái bóng của thập giá. Từ lúc nằm nôi đến giây phút lìa đời, đời Chúa Giê-su luôn gắn liền với hình bóng thập giá, hình bóng ấy hiện rõ thành thực tại tại trên Núi Sọ, để rồi phục sinh khải hoàn. Là môn đệ của Đấng ấy, bạn được mời gọi đi con đường Ngài đã đi: thập giá- phục sinh.
Sống Lời Chúa: Tôi thêm xác tín về cùng đích tối hậu của đời mình qua các kiểu nói: Nước Trời là của họ, Đất Hứa làm gia nghiệp, được nhìn thấy và được Thiên Chúa cho thỏa lòng. Rồi nỗ lực để cho cùng đích ấy chi phối đời mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, cảm tạ Chúa đã cho con làm môn đệ Chúa, được thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời. Xin giúp con luôn sống niềm xác tín ấy.
29-12-23
THỨ SÁU, NGÀY V TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Th. Tô-ma Béc-két, giám mục, tử đạo
Lc 2,22-35
HẠNH PHÚC ĐƯỢC THẤY CHÚA
“Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân.” (Lc 2,30-31)
Suy niệm: Trong suốt cuộc đời mình, ông Si-mê-on chắc hẳn đã không ít lần nhìn thấy bao cha mẹ đem con đầu lòng tiến dâng cho Chúa như luật Chúa truyền. Tuy nhiên, Hài nhi Giê-su mà ông đang bồng ẵm trên tay lúc này thì khác hẳn, không chỉ là em bé như bao trẻ thơ khác, mà là Đấng “Thiên Chúa đã dành sẵn cho muôn dân, là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en dân Chúa” (Lc 2,30-32). Nhờ đâu ông nhận ra Hài nhi Giê-su là Đấng Cứu độ, để rồi tìm thấy niềm bình an đích thực, trong khi nhiều người có mặt trong Đền thờ lúc đó đã không có được? Thưa, vì ông Si-mê-on không chỉ khao khát chờ mong niềm an ủi của Ít-ra-en, mà còn cố gắng mọi ngày lắng nghe, hành động theo sự soi sáng, thúc đẩy của Thánh Thần.
Mời Bạn: Mỗi ngày Thiên Chúa vẫn ban cho con người được diễm phúc gặp gỡ Ngài, được Ngài ngự đến, ở lại trong tâm hồn. Diễm phúc ấy được hiện thực trong Bí tích Thánh Thể. Thế nhưng, không phải tất cả người Ki-tô hữu đều nhận ra, trân trọng ân huệ to lớn, quý báu này. Còn bạn thì sao?
Sống Lời Chúa: Tôi xin Chúa đổ đầy lòng mình niềm khao khát tìm kiếm, được kết hợp với Chúa trong kinh nguyện mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, mỗi ngày Chúa vẫn đến với chúng con để trao ban sự bình an, niềm hạnh phúc đích thật. Vì mãi khao khát, tìm kiếm những sự thế gian, nên lòng chúng con chưa có bình an thực sự. Xin giúp chúng con biết lắng nghe, vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, để gắn kết với Chúa, tìm thấy an bình trong Chúa luôn mãi.
30-12-23
THỨ BẢY, NGÀY VI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS
Lc 2,36-40
VỊ TIÊN TRI CAO TUỔI
Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na… Bà đã nhiều tuổi lắm… (Lc 2,36)
Suy niệm: Người ta thường nói: “Lão lai tài tận” (đến tuổi già, tài ba cũng hết), thế nhưng ai dám bảo người cao tuổi lại không thể làm ngôn sứ cho Chúa, kể cả khi người đó là một bà già tám mươi tư tuổi như cụ bà An-na? Cuộc sống của bà thật đáng khâm phục: ngày ngày có mặt nơi đền thờ, ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Và việc loan báo của cụ thật là giản dị: bà “cảm tạ Thiên Chúa và nói về Hài Nhi Giê-su” cho những người đang mong chờ ơn cứu độ. Cuộc sống thánh đức làm cho lời loan báo trở thành đầy hiệu lực.
Mời Bạn: Suy niệm Tin Mừng hôm nay, các bạn trẻ sẽ không còn nghĩ người già là lỗi thời, vì với những trải nghiệm của cả một cuộc đời trung thành với niềm tin, lời giáo huấn của họ thật đáng giá hơn vàng bạc. Và quý cụ cũng không mặc cảm mình là vô dụng vì Chúa vẫn đang mời gọi họ tiếp tục làm ngôn sứ cho Ngài. Bất giác, lời sai đi trong Năm Thánh truyền giáo hướng về người cao tuổi lại vang lên: “Các cụ cao tuổi, hãy bước vào năm Thánh truyền giáo với lòng hăng hái, như những chứng nhân trung thành về tình yêu Thiên Chúa.”
Chia sẻ: Thánh Kinh nói: “Người đầu bạc thì khôn ngoan”. Sự khôn ngoan của người cao tuổi hệ tại điều gì?
Sống Lời Chúa: Có ai quanh bạn “đang trông chờ ơn cứu độ” không? Bạn hãy tìm ra họ và nói về Chúa Giê-su cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn trung thành tin vào Chúa trong mọi giây phút và cũng trung thành làm chứng cho Chúa trong mọi hoàn cảnh. Và cả lúc con đã mắt mờ chân chậm, con vẫn luôn đặt trọn đời con trong tay Chúa với một niềm tin của trẻ thơ.
31-12-23
CHÚA NHẬT, NGÀY VII TRONG TUẦN BÁT NHẬT GS – B
Lễ Thánh Gia thất
Lc 2,22-40
LÀ MỘT THÁNH GIA HÔM NAY
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là Thành Na-da-rét. (Lc 2,39)
Suy niệm: “Tình yêu thương khởi đầu từ gia đình, vấn đề không phải ta làm bao nhiêu việc, mà là ta đặt bao nhiêu tình yêu trong mỗi việc làm của mình” (Mẹ Têrêsa Calcutta). Trong Thánh gia ngày ấy, mọi công việc đời thường đều thấm đẫm tình thương. Vì yêu thương thánh Giu-se âm thầm lìa bỏ Đức Ma-ri-a cách kín đáo; rồi sau này đưa Hài nhi trốn sang Ai Cập, thận trọng trở về Na-da-rét, ân cần hướng dẫn trẻ Giê-su thông thạo nghề mộc cũng vì tình thương. Với Đức Ma-ri-a cũng vậy, nhận lời Thiên sứ truyền tin làm Mẹ Đấng Cứu thế, đi thăm viếng Bà Ê-li-sa-bét, sinh con ở Bê-Lem, dâng con trong Đền thờ, đón nhận lời tiên tri của ông Si-mê-on và bà An-na, nhọc nhằn tìm con, chu đáo dưỡng dục con theo đường lối Chúa, tất cả đều từ động lực yêu thương. Với Đức Giê-su cũng vậy thôi. Đến trần gian này vì yêu thương, rồi tình yêu Thiên Chúa và con người ấy như sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời Ngài, từ khi chào đời cho đến ngày về trời, và nay tiếp tục hiện diện mọi ngày với ta cũng vì lòng mến.
Mời Bạn: Nhà nào siêng năng đọc, cầu nguyện với Lời Chúa, nhà ấy được cung cấp năng lượng ân sủng; và nhờ đó, có thể biến đổi môi trường chung quanh bằng đời sống bác ái để loan báo Tin Mừng. Thánh gia ngày xưa cũng vậy, đời sống bình thường, nhưng trở thành phi thường, nhờ nguồn năng lượng yêu mến.
Sống Lời Chúa: Gia đình tôi nhìn ngắm Thánh gia, để biến đổi gia đình mình thành một thánh gia hiện đại.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Đức Mẹ và thánh Giu-se, là mẫu gương đời sống gia đình. Xin cho gia đình chúng con luôn nhìn ngắm và noi gương Ba Đấng.