20/02/2017
638
Tông huấn Amoris Laetitia - Chương IV: Tình yêu trong hôn nhân (tt) 

 



Quảng đại (Không tìm tư lợi)

101. Chúng ta đã nói rất nhiều lần rằng để yêu thương người khác, trước hết chúng ta phải yêu thương chính mình. Thế nhưng, bài ca đức mến này quả quyết rằng yêu thương thì “không tìm tư lợi”, hoặc “không tìm kiếm điều thuộc về mình”. Diễn ngữ này cũng được dùng trong một bản văn khác: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4). Trước một khẳng định rõ ràng như thế của Thánh Kinh cần tránh gán ưu tiên cho tình yêu đối với chính bản thân như thể nó cao quí hơn sự quảng đại hiến thân cho người khác. Ưu tiên yêu thương mình chỉ có thể được hiểu như một điều kiện tâm lí, xét vì ai không có khả năng yêu thương chính mình thì sẽ khó yêu thương người khác: “Xấu với bản thân thì tốt với ai được? […] Không ai tệ hơn kẻ làm hại chính mình” (Hc 14,5-6).

102. Nhưng chính Thánh Tôma Aquinô đã giải thích rằng “đức ái hệ tại ở ước muốn yêu thương hơn là ước muốn được yêu thương”;[1] thật vậy, “những người mẹ, là những người yêu thương nhiều nhất, tìm cách để yêu hơn là để được yêu”.[2] Bởi thế, tình yêu có thể vượt lên trên sự công bằng và tuôn tràn một cách vô cầu mà “không hề hi vọng được đền đáp” (Lc 6,35), và đạt tới tình yêu vĩ đại nhất, đó là “việc hiến mạng sống mình” cho người khác (cf. Ga 15,13). Liệu một lòng quảng đại như thế, lòng quảng đại làm ta có thể dâng hiến một cách vô cầu, và dâng hiến cho đến cùng, còn có thể tồn tại không? Chắc chắn là có, bởi vì đó là điều Tin mừng đòi hỏi: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8).

Không nóng giận không nuôi hận thù

103. Nếu diễn ngữ đầu tiên trong bài ca đã mời gọi chúng ta biết nhẫn nhục để tránh không phản ứng gay gắt ngay lập tức trước những yếu đuối và sai lỗi của người khác, thì bây giờ xuất hiện một từ ngữ khác – paroxynetai – diễn tả sự bất bình trong lòng như một phản ứng được khơi lên bởi một cái gì đó từ bên ngoài. Nó diễn tả một phản ứng bạo lực ở bên trong, một sự tức giận không bộc lộ ra ngoài đặt ta vào thế phòng vệ trước người khác, như thể họ là kẻ thù gây phiền hà cần phải tránh xa. Việc nuôi dưỡng thái độ gây hấn trong lòng như thế không có ích gì. Nó chỉ làm ta đau bệnh và rốt cuộc làm người ta xa lánh. Nóng giận chỉ lành mạnh khi nó làm cho ta phản ứng trước một bất công nghiêm trọng, nhưng sẽ tác hại khi có chiều hướng tức giận thấm ngập trong mọi thái độ của ta đối với người khác.

104. Tin mừng mời gọi chúng ta tốt hơn hết hãy nhìn cái xà trong mắt mình (cf. Mt 7,5), và với tư cách là Kitô hữu chúng ta không thể không biết đến Lời Chúa hằng mời gọi đừng nuôi cơn giận: “Đừng để cho sự ác thắng được mình” (Rm 12,21). “Đừng nản chí vì làm điều thiện” (Gl 6,9). Việc chúng ta đột nhiên cảm thấy một nỗi oán hận hung hăng chực trào lên, đó là một chuyện; còn việc chúng ta có ưng thuận và dung dưỡng nó thường xuyên trong tâm hồn mình hay không, thì đó là một chuyện khác: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội; chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26). Vì thế, đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không làm hòa trong gia đình. “Nhưng tôi sẽ làm hòa bằng cách nào? Tôi sẽ quì xuống chăng? Không! Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, một cái gì đó rất đơn sơ thôi, và sự hòa điệu trong gia đình sẽ được vãn hồi. Chỉ cần một chút âu yếm, chẳng cần lời lẽ gì. Nhưng đừng bao giờ để một ngày trôi qua mà không làm hòa trong gia đình”.[3] Phản ứng trong lòng của chúng ta trước phiền nhiễu mà người khác gây ra trước hết phải là một lời chúc phúc tự trong lòng, muốn điều tốt cho người khác, xin Thiên Chúa giải phóng và chữa trị người đó. “Nhưng trái lại, hãy chúc phúc, vì anh chị em được kêu gọi chính là để thừa hưởng lời chúc phúc” (1 Pr 3,9). Nếu chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ, thì hãy chiến đấu; nhưng chúng ta phải luôn luôn nói “không” với bạo lực trong gia đình.

Dung thứ

105. Nếu chúng ta cho phép một tâm tình xấu ngấm sâu vào trong lòng mình, tức là chúng ta đã dành chỗ cho sự oán hận làm tổ trong lòng chúng ta. Cụm từ logizetai to kakon có nghĩa là “chấp nhất sự dữ”, “ghim nó trong lòng”, nói cách khác là “oán hận”. Ngược lại là sự tha thứ, một sự tha thứ được đặt nền tảng trên một thái độ tích cực muốn tìm cách thông cảm sự yếu đuối của người khác và bỏ qua cho họ, như Đức Giêsu đã nói: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24). Thế nhưng, chúng ta thường có khuynh hướng moi móc thêm những sai lỗi, tưởng tượng thêm những điều xấu xa, giả định đủ loại ác ý, và vì thế sự oán hận gia tăng và bén rễ sâu hơn. Do đó mà mọi lỗi lầm hay sa ngã từ người vợ (hay chồng) đều có thể làm tổn hại mối ràng buộc yêu thương và sự ổn định của gia đình. Vấn đề là ở chỗ đôi khi chúng ta xem mọi sự đều nghiêm trọng như nhau, như thế có nguy cơ chúng ta trở nên khắc nghiệt với bất kì sai lầm nào của người khác. Việc đòi hỏi chính đáng các quyền của mình sẽ biến thành một cơn khát dai dẳng và không dứt muốn trả thù thay vì là một sự bảo vệ chính đáng phẩm giá của mình.

106. Khi chúng ta bị xúc phạm hay bị lừa dối, thì sự tha thứ là điều có thể và đáng mong ước, nhưng không ai có thể nói đó là điều dễ dàng. Sự thật là “mối hiệp thông gia đình chỉ có thể được gìn giữ và hoàn thiện với một tinh thần hi sinh rất lớn. Thật vậy, nó đòi hỏi sự cởi mở và sẵn lòng quảng đại của mọi người và từng người, để cảm thông, khoan dung, tha thứ và hòa giải. Không có gia đình nào mà không kinh nghiệm sự ích kỉ, bất hòa, căng thẳng và xung đột tấn công thô bạo và đôi khi đánh chí tử vào chính mối hiệp thông của mình: từ đó xảy ra biết bao chia rẽ và đủ thứ chia rẽ trong đời sống gia đình”.[4]

107. Ngày nay chúng ta biết rằng để có thể tha thứ chúng ta cần trải qua kinh nghiệm giải thoát của sự biết cảm thông và tha thứ cho chính mình. Rất nhiều khi các lỗi lầm của chúng ta, hoặc cái nhìn phê phán của những người thân yêu, có thể làm cho chúng ta đánh mất sự quí trọng đối với chính bản thân mình. Rốt cuộc chúng ta nhìn mình bằng con mắt của những người khác, tránh né tình cảm và luôn sợ hãi các mối tương quan liên vị. Bởi thế, để trấn an mình cách sai trái ta có thể đi đổ lỗi lên người khác. Chúng ta cần đưa lịch sử đời mình vào cầu nguyện, cần biết chấp nhận chính mình, biết cách sống chung với những hạn chế của mình, và ngay cả biết tha thứ cho chính mình, để có thể có cùng thái độ như vậy đối với những người khác.

108. Nhưng điều này giả thiết chính chúng ta đã có kinh nghiệm được Thiên Chúa tha thứ, được công chính hóa cách vô điều kiện bởi ân sủng của Ngài chứ không bởi công trạng của chúng ta. Chúng ta đã đạt đến kinh nghiệm của một tình yêu đi bước trước mọi việc làm của mình, một tình yêu luôn luôn mang đến cho ta những cơ hội mới, một tình yêu thúc đẩy và khích lệ. Nếu chúng ta chấp nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa thì vô điều kiện, rằng tình yêu của Chúa Cha không thể được mua hay bán, bấy giờ chúng ta mới có thể yêu thương vượt trên tất cả, tha thứ cho người khác ngay cả khi họ cư xử bất công với chúng ta. Nếu không, cuộc sống gia đình chúng ta sẽ không còn là một nơi của cảm thông, đồng hành và khích lệ thay vào đó sẽ là một nơi thường xuyên căng thẳng và công phạt lẫn nhau.

Vui với người khác

109. Diễn ngữ chairei epi te adikia cho thấy một cái gì đó tiêu cực ẩn sâu trong lòng người ta. Đó là thái độ độc ác của người vui mừng khi thấy người khác phải chịu sự bất công. Diễn ngữ này được bổ nghĩa bởi cụm từ theo sau: synchairei te aletheia diễn tả điều tích cực, có nghĩa là “vui khi thấy điều chân thật”. Nói cách khác, chúng ta vui mừng về điều tốt lành của người khác, khi phẩm giá của họ được nhìn nhận, khi các khả năng và các việc tốt của họ được trân trọng. Điều này là không thể đối với những ai phải luôn luôn so bì và ganh đua, ngay cả với vợ hoặc chồng mình, đến độ ngầm vui mừng trong lòng trước những thất bại của người ấy.

110. Khi một người yêu thương người ấy có thể làm điều tốt cho người khác, hoặc khi người ấy nhìn thấy mọi sự đều diễn ra tốt đẹp cho người khác, thì chính họ cũng cảm thấy vui, và bằng cách ấy họ tôn vinh Thiên Chúa, vì “ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương” (2 Cr 9,7). Chúa chúng ta đặc biệt trân trọng những ai tìm thấy niềm vui trong hạnh phúc của người khác. Nếu chúng ta không nuôi dưỡng khả năng của chúng ta biết vui hưởng trước những điều tốt lành của người khác mà chỉ chủ yếu tập trung vào các nhu cầu của mình, thì chúng ta đang tự đày đọa mình sống thiếu niềm vui, như Đức Giêsu nói: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Gia đình phải luôn là nơi mà bất cứ ai ở trong đó làm được điều gì tốt đẹp trong cuộc sống, đều biết rằng ở đó mọi người cũng sẽ mừng về điều ấy với mình.

Tha thứ tất cả

111. Bài ca đức mến hoàn tất danh mục với bốn diễn ngữ nói lên tính toàn thể: “tất cả”. [Tình yêu] tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Bằng cách đó người ta khẳng định mạnh mẽ đến sự năng động đi ngược dòng văn hóa của tình yêu, vốn có sức đương đầu với bất cứ gì có thể đe dọa nó.

112. Trước hết, người ta khẳng định rằng [tình yêu thì] “tha thứ tất cả” (panta stegei). Điều này thì khác với việc “không chấp nhất sự dữ”, bởi vì từ này có liên quan tới việc sử dụng cái lưỡi; nó có thể có nghĩa là “giữ thinh lặng” về một điều tiêu cực có thể có nơi người khác. Nó hàm nghĩa hạn chế sự xét đoán, kiềm giữ khuynh hướng muốn làm bật ra một lời lên án nghiệt ngã và bất nhẫn: “Đừng xét đoán thì anh em sẽ không bị xét đoán” (Lc 6,37). Lời Thiên Chúa bảo chúng ta cho dẫu đi ngược lại với thói quen sử dụng cái lưỡi của mình: “Đừng nói xấu nhau, thưa anh chị em” (Gc 4,11). Không ngừng bôi nhọ hình ảnh người khác là một cách tôn tạo hình ảnh của mình, nhằm trút sự oán hận và ghen tị mà không lưu tâm đến tai hại mình có thể gây ra. Rất nhiều khi người ta quên rằng phỉ báng người khác có thể là một tội lớn; một xúc phạm nghiêm trọng đến Thiên Chúa, khi nó xâm phạm nặng nề đến thanh danh của người khác và gây ra những tổn thất rất khó sửa chữa. Vì thế Lời Chúa tuyên bố cứng rắn về cái lưỡi khi nói rằng nó “là thế giới của sự ác”, nó “làm cho toàn thân bị ô nhiễm đốt cháy toàn thể cuộc đời” (Gc 3,6); nó là một “sự dữ không bao giờ ở yên, vì nó chứa đầy nọc độc giết người” (Gc 3,8). Nếu như cái lưỡi có thể được dùng để “nguyền rủa những con người đã được làm ra theo hình ảnh Thiên Chúa” (Gc 3,9), thì tình yêu lại trân trọng hình ảnh của người khác một cách tinh tế đến nỗi cả bảo vệ thanh danh của kẻ thù. Trong khi bảo vệ luật Chúa, chúng ta không bao giờ được quên đòi hỏi  này của tình yêu.

113. Những đôi vợ chồng yêu thương nhau và thuộc về nhau nói tốt về nhau, họ tìm cách nêu lên mặt tốt của người bạn đời chứ không phải điểm yếu hay những sai lầm của người ấy. Bất luận trường hợp nào, họ đều giữ im lặng để không làm hại thanh danh người kia. Tuy nhiên, đây không chỉ là một hành động bên ngoài nhưng xuất phát từ một thái độ nội tâm. Đây cũng không phải là việc của kẻ ngây thơ bảo rằng mình không thấy những khó khăn và những điểm yếu của người kia, mà đúng hơn là mình nhìn những điểm yếu và sai lầm ấy trong một bối cảnh rộng lớn hơn; họ nhắc nhớ rằng những khuyết điểm ấy chỉ là một phần chứ không phải là toàn bộ bản thân của người kia. Một sự bất bình trong quan hệ không là tất cả mối quan hệ. Vì thế chúng ta có thể chấp nhận một cách đơn sơ rằng tất cả chúng ta đều là một hỗn hợp phức tạp của ánh sáng và bóng tối. Người kia không chỉ là người gây cho tôi nỗi bực mình mà còn có nhiều điều khác phong phú hơn thế nữa. Cũng vì thế, tôi không có ý đòi hỏi tình yêu của người ấy phải hoàn hảo thì mới được trân trọng. Người kia yêu tôi bằng chính con người thực tế của người ấy và trong khả năng của người ấy, với những giới hạn của người ấy, nhưng nói rằng tình yêu của người ấy không hoàn hảo không có nghĩa rằng nó giả trá hay không chân thực. Nó vẫn chân thực cho dù giới hạn và phàm trần. Do đó, nếu kì vọng quá nhiều, thì một cách nào đó, người ấy sẽ cho tôi hiểu, người ấy không thể mà cũng sẽ không chấp nhận việc sắm vai Thiên Chúa để mà đáp ứng mọi nhu cầu của tôi. Tình yêu sống chung với sự bất toàn, “dung thứ tất cả” và biết im lặng trước những giới hạn của người mình yêu.

Tin tưởng

114. Panta pisteuei. [Tình yêu] “tin tưởng tất cả”. Do mạch văn ở đây “tin” không được hiểu theo nghĩa thần học, nhưng theo nghĩa “tin tưởng” mà chúng ta vẫn dùng. Vấn đề không chỉ là không nghi ngờ người kia đang nói dối hay lừa lọc ta. Sự tin tưởng căn bản ấy nhận ra ánh sáng được thắp lên bởi Thiên Chúa khuất ẩn đàng sau bóng tối, hoặc như cục than hồng vẫn còn cháy đỏ bên dưới đống tro.

115. Chính sự tin tưởng này làm cho một mối tương quan được tự do. Ta không cần phải kiểm soát người kia, bám theo từng bước chân của người ấy để không cho người ấy thoát khỏi tay ta. Tình yêu thì tin tưởng, để cho nó tự do, từ chối kiểm soát mọi sự, chiếm hữu, thống trị. Sự tự do này, vốn có thể tạo ra những không gian độc lập, mở ra với thế giới và đón nhận những kinh nghiệm mới, giúp các tương quan thêm phong phú và mở rộng. Bằng cách đó, vợ chồng sẽ san sẻ cho nhau niềm vui về tất cả những gì họ lãnh nhận và học được từ bên ngoài phạm vi gia đình. Đồng thời, tự do giúp người ta có được sự chân thành và minh bạch, vì khi biết rằng mình được những người khác tin tưởng và chân tình quí trọng lòng tốt thì sẽ cởi mở mà không giấu diếm điều gì. Một người mà biết rằng những người khác luôn nghi ngờ mình, hoặc xét đoán mà không chút cảm thương và không yêu thương mình vô điều kiện, thì người đó sẽ có khuynh hướng giữ kín các bí mật của mình, che giấu các tội lỗi và yếu đuối của mình, và sống giả dối. Trái lại, một gia đình mà trong đó sự tin tưởng vững vàng đầy yêu thương ngự trị, và là nơi cho người ta luôn quay về trong tin tưởng dẫu cho bất cứ điều gì xảy ra, gia đình ấy sẽ giúp các thành viên sống căn tính đích thật của mình, và đương nhiên loại trừ sự lừa gạt, giả tạo, và dối trá.

Hi vọng

116. Panta elpizei: tình yêu không thất vọng về tương lai. Tiếp nối từ ngữ trước, diễn ngữ này chỉ niềm hi vọng của người biết rằng người khác có thể thay đổi. Luôn hi vọng người khác một ngày nào đó có thể trưởng thành bất ngờ tỏa ra vẻ đẹp cũng như những tiềm năng chưa từng được biết. Điều này không có nghĩa là mọi sự sẽ thay đổi trong cuộc đời này. Từ đó biết chấp nhận rằng, dù mọi sự có thể không xảy ra như ta mong ước, Thiên Chúa vẫn hoàn toàn có thể uốn thẳng những đường cong của người đó và rút ra điều tốt lành nào đó từ sự dữ mà chúng ta phải chịu trong thế giới này.

117. Ở đây niềm hi vọng đạt mức trọn vẹn nhất của nó, vì nó hiểu chắc chắn về sự sống bên kia cái chết. Con người ấy, với tất cả những yếu đuối của mình, được mời gọi đạt đến sự sống viên mãn trên thiên quốc. Nơi đó, con người được biến đổi hoàn toàn bởi sự phục sinh của Đức Kitô, mọi yếu đuối, bóng tối và bệnh tật của con người sẽ không còn tồn tại. Nơi đó, hiện hữu đích thực của con người sẽ chiếu sáng với tất cả quyền lực của sự tốt lành và vẻ đẹp của nó. Điều này cũng cho phép chúng ta, giữa những phiền muộn chồng chất của cuộc đời này, biết chiêm ngắm con người ấy bằng một cái nhìn siêu nhiên, trong ánh sáng của đức cậy, và trông đợi sự viên mãn mà một ngày nào đó người ấy sẽ nhận được trong Nước Trời, mặc dù hiện nay chưa nhìn thấy.

Chịu đựng tất cả

118. Panta hypomenei có nghĩa là [tình yêu] chấp nhận mọi sự trái ý với một tinh thần tích cực. Nghĩa là [tình yêu thì] đứng vững ngay giữa lòng môi trường thù nghịch. Không chỉ liên quan đến việc chịu đựng một số phiền hà, mà còn hơn thế nữa: một sự đề kháng năng động và liên tục, có khả năng vượt qua mọi thách đố. Đó là một tình yêu bất chấp tất cả, ngay cả trong những lúc hoàn cảnh lôi kéo sang hướng khác. Nó chứng tỏ một mức độ anh hùng can trường nào đó, một sức mạnh chống lại mọi trào lưu tiêu cực, một chọn lựa điều thiện không gì có thể lật đổ. Ở đây tôi nhớ đến những lời của Martin Luther King, khi xác nhận lại lựa chọn tình huynh đệ ngay giữa các cuộc bách hại và bị sỉ nhục tồi tệ nhất: “Nơi người ghét bạn nhất cũng có điều tốt lành nào đó; và ngay cả nơi dân tộc ghét bạn nhất cũng có điều tốt lành nào đó; thậm chí nơi chủng tộc ghét bạn nhất cũng có điều tốt lành nào đó. Khi bạn bắt đầu nhìn vào gương mặt của mỗi con người và thấy trong nơi thâm sâu con người ấy điều mà tôn giáo gọi là “hình ảnh của Thiên Chúa”, thì bạn bắt đầu yêu người ấy bất kể mọi sự. Dù người ấy có làm gì đi nữa, bạn vẫn thấy hình ảnh của Thiên Chúa ở đó. Có một yếu tố của sự thiện mà bạn không bao giờ có thể vứt bỏ được… Đây là một cách khác để bạn yêu kẻ thù: khi có cơ hội để bạn đánh bại kẻ thù, thì đó là lúc bạn phải quyết định không được làm thế… Khi bạn vươn lên tới bình diện tình yêu, tới bình diện của vẻ đẹp và sức mạnh lớn lao của tình yêu, thì điều duy nhất bạn tìm cách đánh bại là những hệ thống sự dữ. Đối với những cá nhân bị mắc kẹt trong hệ thống ấy, bạn hãy yêu họ nhưng phải tìm cách đánh bại hệ thống đó […] Lấy oán báo oán thì chỉ gia cố thêm sự tồn tại của oán hận và sự dữ trên đời này. Nếu tôi đánh bạn và bạn đánh tôi, và rồi tôi đánh trả lại bạn, và bạn đánh trả lại tôi, cứ tiếp tục như thế, thì đương nhiên, sẽ tiếp tục mãi không cùng. Đơn giản là sẽ không bao giờ chấm dứt. Từ phía nào đó phải có người biết điều một chút, và đó là người mạnh. Người mạnh là người có thể chặt đứt dây xích oán hận, dây xích của sự dữ… Một ai đó phải có đủ ‘lòng tin’ và có ‘đạo đức’ để chặt đứt dây xích ấy và đưa vào trong chính cấu trúc của thế giới này yếu tố tình yêu mạnh mẽ đầy quyền năng”.[5]

119. Trong đời sống gia đình, cần vun xới sức mạnh của tình yêu này, điều giúp chúng ta chiến đấu chống lại sự dữ đe dọa gia đình. Tình yêu không để mình bị không chế bởi lòng oán hận, bởi sự coi thường người khác, bởi ước muốn gây tổn thương hoặc trả thù. Lí tưởng Kitô giáo, đặc biệt trong gia đình, là tình yêu bất chấp mọi sự. Đôi khi, tôi ngưỡng mộ, chẳng hạn như, thái độ của những người đã phải chia tay với người bạn đời để tự bảo vệ mình khỏi bạo hành, tuy nhiên, vì tình bác ái phu phụ vốn vượt qua cảm tính, họ vẫn cố gắng giúp đỡ người bạn đời, dù qua trung gian nhờ một người khác, trong những khi người bạn đời đau ốm, gặp đau khổ hay hoạn nạn. Đây cũng là một tình yêu bất chấp tất cả.

Lớn lên trong tình bác ái phu phụ

120. Bài ca đức mến của Thánh Phaolô mà chúng ta đã đọc qua, cho phép chúng ta chuyển sang đề tài tình bác ái phu phụ. Đây là tình yêu nối kết giữa vợ và chồng,[6] một tình yêu được thánh hóa, được làm cho phong phú và được chiếu sáng bởi ân sủng của Bí tích Hôn Phối. Đó là một “kết hợp tình cảm”,[7] có tính thiêng liêng và hi sinh, nhưng trong đó kết tụ sự dịu dàng của tình bạn và niềm đam mê tình ái, mặc dù nó vẫn có thể tồn tại cả khi các cảm xúc và đam mê lụi tàn. Đức Giáo Hoàng Piô XI dạy rằng tình yêu này thấm đượm các bổn phận của đời sống hôn nhân và được nhìn nhận là tình yêu ưu việt nhất.[8] Quả thật, được thông ban bởi Thánh Thần, tình yêu mãnh liệt này là một phản ánh của giao ước bền chặt giữa Đức Kitô và nhân loại, mà đỉnh cao là sự tự hiến đến cùng của Người trên thập giá. “Thánh Thần mà Chúa tuôn đổ sẽ trao ban cho chúng ta một quả tim mới và làm cho người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Tình yêu phu phụ đạt tới sự viên mãn vốn đã hàm ẩn nội tại bên trong nó, tức là tình bác ái phu phụ.”[9]

121. Hôn nhân là một dấu chỉ quí giá, vì “khi một người nam và một người nữ cử hành Bí tích Hôn Phối, thì có thể nói, Thiên Chúa được “phản chiếu” nơi họ, và Ngài ghi khắc trong họ những nét phác thảo đặc thù và dấu ấn tình yêu không thể xóa nhòa của Ngài. Hôn nhân là linh ảnh của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Ngay Thiên Chúa, thật vậy, cũng là hiệp thông: Ba Ngôi Vị – Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần – hằng sống từ muôn thuở cho đến muôn đời trong sự hiệp nhất hoàn hảo. Và đây chính là mầu nhiệm Hôn nhân: Thiên Chúa làm cho hai vợ chồng trở thành một cuộc đời duy nhất”.[10] Điều này bao gồm những hệ quả rất cụ thể trong đời sống hằng ngày, vì hai vợ và chồng, “nhờ Bí tích, được mang lấy một sứ mạng đặc thù và đích thực, để khởi đi từ những việc đơn giản thông thường của đời sống, họ có thể làm cho người ta thấy cụ thể tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội thánh trong khi Người vẫn tiếp tục hiến mạng sống mình vì Hội thánh”.[11]

122. Tuy nhiên sẽ không tốt nếu chúng ta lẫn lộn các bình diện khác nhau: không được đặt lên hai con người đầy giới hạn cái gánh nặng to lớn của việc phải thể hiện lại cách hoàn hảo mối kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh, vì hôn nhân – xét như một dấu chỉ – là “một tiến trình năng động dần dần tiến tới hội nhập ngày một hơn các ơn huệ của Thiên Chúa”.

 

[1] ST II-II, q. 27, a. 1, ad 2.

[2] ST II-II, q. 27, a. 1.

[3] HG (13.5.2015): L’Osservatore Romano, 14.5.2015, tr. 8.

[4] FC, 21: AAS 74 (1982), 106.

[5] Martin Luther King Jr., Bài giảng trong Nhà thờ Battista ở Dexter Avenue, Montgomery, Alabama, 17.11.1957.

[6] Thánh Tôma hiểu tình yêu như “sự sống hợp nhất” «vis unitiva» (ST I, q. 20, a. 1, ad 3), theo lối diễn tả của Dionigi Ps.-Areopagita (De divinis nominibus, IV, 12: PG 3, 709).

[7] ST II-II, q. 27, a. 2.

[8] Piô XI, Thđ. Casti connubii (31.12.1930): AAS 22 (1930), 547-548.

[9] FC, 13: AAS 74 (1982), 94.

[10] HG (2.4.2014): L’Osservatore Romano, 3.4.2014, tr. 8.

[11] Ibid.

(Nguồn: Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam)