30/09/2019
1316
Tháng truyền giáo ngoại thường: cầu nguyện theo tông thư Maximum Illud _Tuần II



















 

THÁNG TRUYỀN GIÁO NGOẠI THƯỜNG

CẦU NGUYỆN THEO TÔNG THƯ MAXIMUM ILLUD

(Từ thứ hai 07.10 đến Chúa nhật 13.10.2019)

 

 

THỨ HAI 07.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

[…] Vì thế, tôi hết sức vui mừng khi thấy rằng, dưới sự linh hứng của Thần Khí Thiên Chúa, các cố gắng cổ vũ và phát triển các công cuộc truyền giáo ở hải ngoại đã gia tăng về số lượng và cường độ tại nhiều nơi trên thế giới […] Khi viết thư này, tôi nghĩ đến hai mục đích: khích lệ Chư Huynh, hàng linh mục của Chư Huynh, và dân của Chư Huynh trong các cố gắng này, và thứ hai, vạch ra các phương pháp Chư Huynh có thể sử dụng để đẩy mạnh việc hoàn thành công cuộc vô cùng quan trọng này. (MI số 7)

2. Ưu tư truyền giáo

Bản tính của Giáo hội lữ hành là truyền giáo. Vì thế, mỗi triều đại Giáo hoàng đẩy mạnh hoạt đồng Loan Báo Tin Mừng với nhiều cách thức khác nhau. Nơi mỗi Giáo phận cũng thế, mỗi triều đại Giám mục Chánh tòa của Giáo phận cũng có những hoạt động mục vụ truyền giáo khác nhau. Tùy vào hoàn cảnh và thời cuộc mà các ngài có những hướng dẫn sáng suốt phù hợp.

Nơi mỗi giáo xứ cũng vậy, các cha sở cũng định hình những cách thức truyền giáo khác nhau. Có cha thì tái truyền giáo, gỡ rối, củng cố giáo xứ… có cha thì đọc kinh cầu nguyện, siêng năng chu toàn bổn phận và ban phát bí tích cách khôn ngoan tích cực. Cũng có cha thì hăng hái dấn thân truyền giáo cách cụ thể cho lương dân, bằng những hoạt động bác ái từ thiện, an sinh xã hội… Những phương thức truyền giáo thì phong phú, đa dạng triền miên bất tận, tùy vào hoàn cảnh văn hóa vùng miền địa phương mà áp dụng cho phù hợp.

100 năm qua, giờ đọc lại Tông Thư này, như được khích lệ cách mạnh mẽ hơn cho hoạt động mục vụ truyền giáo. Ước gì, chính anh em linh mục cũng động viên lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm cách chân thành cho nhau nhiều hơn nữa trong hoạt động mục vụ này. Ước gì các Đức giám mục hỗ trợ mạnh mẽ và hướng dẫn cụ thể, linh hoạt cho mục vụ truyền giáo của các linh mục. Và ước gì, mỗi anh chị em giáo dân, tu sĩ nam nữ cùng chung tay chung sức với quý cha trong sứ vụ cao quý này.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, nhiều lúc chúng con đã quá mệt mỏi vì muôn vàn hoạt động mục vụ, đã hao mòn vì dấn thân không ngừng nghỉ, đã cạn kiệt sáng kiến cho những thao thức mục vụ, và thậm chí muốn buông xuôi tất cả mỗi khi đối diện với thất bại, hiểu lầm, chống đối, khước từ… trong khi thi hành sứ vụ mục tử mà Chúa đã trao ban. Những lúc đó, chúng con luôn cần một lời động viên khích lệ hơn là răn bảo sửa dạy. Xin cho chúng con biết nhận ra những khích lệ của Chúa gởi đến qua nụ cười và nghĩa cử cao đẹp của anh chị em. Đặc biệt xin Chúa ban thêm khôn ngoan, sức mạnh, ý chí và nghị lực để chúng con tiếp tục sứ vụ cao quý mà Chúa đã trối lại. Amen.

 

THỨ BA 08.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Trước tiên, tôi muốn nói với những vị đặc trách các xứ truyền giáo, là các Giám Mục hay các vị Đại Diện hay Phủ Doãn Tông Tòa. Tất cả trách nhiệm truyền bá đức tin được đặt trực tiếp trên vai họ, và chính họ là những người được Hội Thánh ủy thác cho việc mở rộng Hội Thánh trong tương lai. Tôi biết rõ nhiệt tình cháy bừng của họ đối với việc tông đồ, và Tôi cũng biết rõ vô vàn khó khăn họ phải vượt qua và các khủng hoảng họ phải đối diện, đặc biệt trong ít năm qua. Đây là cái giá họ phải trả để ở lại nơi tiền đồn xa xôi và tiếp tục mở mang Nước Chúa. Và họ đã vui lòng trả cái giá ấy. (MI số 8)

2. Ưu tư truyền giáo

Giáo hội Á Châu được Tòa Thánh gọi là miền truyền giáo, và lẽ dĩ nhiên Giáo hội Việt Nam thuộc về xứ truyền giáo. Và minh nhiên, mỗi Giáo phận ở Việt Nam cũng phải được gọi là Giáo phận truyền giáo. Với lập luận này, trọng trách truyền bá đức tin thuộc về Đức Giám mục. Chính xác từng li từng chữ là: Tất cả trách nhiệm truyền bá đức tin được đặt trực tiếp trên vai các Đức Giám mục Chánh tòa của mỗi Giáo phận.

Mỗi Giáo phận dù lớn hay nhỏ, dù ít hay nhiều tín hữu vẫn chỉ có một vị Chủ Chăn. Vì thế, các ngài không thể đồng thời cùng lúc bao quát chi tiết, hay hướng dẫn, hiện diện, đồng hành ở mỗi cộng đoàn giáo xứ được. Cho nên, cần phải có các thừa tác viên là các linh mục, được ủy thác san sẻ trọng trách truyền bá đức tin với các ngài. Chính vì thế, các linh mục được sai đến, trực tiếp sinh sống và hoạt động mục vụ ở giữa cộng đoàn giáo xứ.

Vì được sai đến phụ trách một cộng đoàn tín hữu nào đó, nên hiển nhiên khi có khó khăn và khủng hoảng ở nơi cộng đoàn linh mục đang phụ trách, thì chính linh mục là người phải đối diện trước tiên, và đó là cái giá phải trả nếu muốn tiếp tục ở lại với những tiền đồn xa xôi, để truyền bá đức tin và mở mang Nước Chúa.

Ở một góc độ nào đó, có thể nói được: Chịu chức linh mục là để vâng lời và được sai đi. Vì thế, các linh mục luôn sẵn sàng dấn thân, không ngại gian lao khổ cực mỗi khi được sai đi hoặc sai đến với một cộng đoàn, hoặc sứ vụ nào đó. Vì thế, điều anh em linh mục cần không phải là sự thuận lợi, hoặc dễ dàng cho công tác mục vụ, nhưng là cần tình thương của Đức Giám mục. Đó là nguồn động lực vô giá, để có thể tiếp tục dấn thân và ở lại những tiền đồn xa xôi, với đầy dẫy khó khăn và khủng hoảng đang chờ đợi.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Vị Linh Mục Thượng Phẩm đời đời. Xin ban cho các Đức Giám mục trái tim yêu thương của Chúa, để các ngài không ngừng yêu thương nâng đỡ những cộng sự của các ngài. Xin Chúa ban cho các vị linh mục, cách riêng là những linh mục đang miệt mài trong những vùng truyền giáo xa xôi, ơn khôn ngoan can đảm và trung thành, để các ngài đủ sức ở lại với đàn chiên trong việc mở mang Nước Chúa. Amen.

 

THỨ TƯ 09.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Tôi cũng biết rõ sự kính trọng và sự tận tụy các vị ấy dành cho Tông Tòa này, nên tôi không ngại cư xử với họ trong tình cha con, và mở lòng mình ra cho họ. Tôi muốn họ lấy điều này làm nguyên tắc dẫn đường, đó là mỗi người phải là linh hồn của công cuộc truyền giáo dưới sự chăm sóc của họ, có thể nói như thế. Họ phải quan tâm sâu xa tới công việc của các linh mục, cũng như của tất cả những người trợ giúp họ trong việc chu toàn bổn phận. Họ phải sử dụng mọi phương tiện họ có – lời nói, hành động, viết lách – để khuyến khích và kích thích những người trợ giúp này đạt được những thành quả ngày càng cao hơn. (MI số 9)

2. Ưu tư truyền giáo

Đấng Bản Quyền Giáo phận là linh hồn của công cuộc truyền giáo. Với cách nói của tông thư, cho thấy mục vụ truyền giáo ở các Giáo phận được đẩy mạnh, mở rộng hay yếu ớt… Tất cả đều hệ tại ở hướng dẫn, cũng như sáng kiến truyền giáo của các Đấng Bản Quyền Giáo phận.

Mỗi Giáo phận với hoàn cảnh địa lý, kinh tế, văn hóa, tâm thức và thói quen của người dân địa phương khác nhau, dẫn đến trọng tâm mục vụ của từng Giáo phận cũng khác nhau. Cho dù khác nhau như thế nào đi chăng nữa, nhưng giống nhau ở đặc điểm đều mang trong mình bản tính truyền giáo.

Truyền giáo bằng đời sống chứng nhân yêu thương. Truyền giáo bằng dấn thân đến với anh em lương dân, truyền giáo bằng từ thiện bác ái, truyền giáo bằng củng cố, tổ chức sinh hoạt giáo xứ sống động, truyền giáo qua việc tái truyền giáo… Vì thế, công cuộc truyền giáo không chỉ là ra đi đến với muôn dân, nhưng còn là ở nhà và xây dựng gia đình mình thật tốt. Một giáo xứ có hoạt động truyền giáo mạnh mẽ, không chỉ được đánh giá dựa trên số lượng người lương dân được rửa tội, nhưng còn là đời sống sinh hoạt mục vụ, tổ chức, khung cảnh, lễ nghi… ở tại giáo xứ đó nữa.

Vì thế, có thể nói được rằng: Loan Báo Tin Mừng là ý tưởng chủ đạo, chỉ đạo, là linh đạo cho mọi hoạt động sinh hoạt mục vụ của giáo xứ - đó là bổn phận trách nhiệm của các cha sở. Bổn phận trách nhiệm này, được đặt dưới sự quan sát, quan tâm để ý của Đấng Bảng Quyền Giáo phận, nhằm kịp thời điều chỉnh sao cho hoạt động mục vụ mang đến những kết quả tốt đẹp nhất cho phần rỗi linh hồn muôn dân.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng thắp lên ngọn lửa truyền giáo đầu tiên trong lòng các Tông Đồ. Xin Chúa Thánh Thần tiếp tục đốt lên nhiệt tâm loan báo Tin Mừng của Chúa nơi các Đức Giám mục, để các ngài luôn là linh hồn cho mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo phận. Chúa Thánh Thần là Đấng đã thánh hóa linh mục trong ngày chịu chức thánh, xin Ngài tiếp tục ban ơn thánh hóa mọi công việc mục vụ của các cha sở, để các cha luôn là người hướng dẫn chính xác, cho những mục vụ tại giáo xứ và các cộng đoàn đang được chăm sóc, nuôi dưỡng. Amen.

 

THỨ NĂM 10.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Tình trạng và sự thành công của các công cuộc truyền giáo tùy thuộc vào cách mà chúng ta điều hành, đó là điều không thể tranh cãi. Chúng có thể rất tệ hại nếu một người được giao nhiệm vụ này không có đủ khả năng cho công việc hay không phù hợp về một phương diện nào đó. Cá nhân người truyền giáo đã từ bỏ xứ sở và gia đình mình để giúp truyền bá đức tin. Trên nguyên tắc, họ khởi hành chuyến hành trình dài và thường đầy nguy hiểm, nhưng rất háo hức và sẵn sàng đương đầu với những gian nan ghê gớm nhất, với chỉ một ước muốn duy nhất là có cơ hội chinh phục thật nhiều linh hồn về cho Đức Kitô. (MI số 10)

2. Ưu tư truyền giáo

Bối cảnh tông thư được ban hành cách đây 100 năm, hoàn toàn khác với hoàn cảnh xã hội hiện tại hôm nay. Những nhà truyền giáo xưa kia, đã ra đi trên những chuyến đi xuyên quốc gia và lục địa, bằng những chuyến tàu dài ngày. Khi đến một vùng đất lãnh thổ, họ trở thành những nhà khai sáng. Ngoài việc rao truyền Tin Mừng, họ còn là những người mang ánh sáng văn minh đến với muôn dân.

Đời sống xã hội con người hôm nay hoàn toàn khác xa với 100 năm về trước. Tuy nhiên, vẫn còn một ít nơi trong các Giáo phận tại Việt Nam, ánh sáng văn minh vẫn chưa đến được với họ. Chẳng hạn như các vùng dân tộc thiểu số, những buôn làng nơi rừng sâu núi cao, những nhóm dân cư sống tách biệt nơi đồng sâu heo hút… Những hoàn cảnh sống tương tự như vậy, sẽ dễ thuận lợi hơn cho việc đến tiếp xúc và truyền bá đức tin cho họ. Vì dầu sao đi nữa, vẫn là mang một chút văn minh, kèm theo Tin Mừng đến những nơi này.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay tại Việt Nam. Thiết nghĩ truyền giáo không chỉ là chinh phục thật nhiều các linh hồn về cho Chúa không mà thôi, mà truyền giáo còn là việc giữ và cứu các linh hồn hiện có. Cụ thể qua việc chú tâm giáo lý cho người dự tòng theo đạo vì lãnh nhận bí tích hôn phối, hoặc chăm sóc mục vụ cho di dân, huấn giáo cho các thiếu nhi, chú ý đến tầng lớp trí thức công giáo đang tham gia vào các hoạt động kinh tế xã hội – họ sẽ là men trong bột, là muối ướp mặn cho đời, là đốm lửa thắp lên trong đêm tối. Và thậm chí, phải thường xuyên huấn giáo cho anh chị em giáo dân nơi các xứ đạo.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, ngày hôm nay chúng con ít phải thực hiện những chuyến đi dài ngày đến những vùng xa xôi hẻo lánh để truyền giáo. Nhưng hằng ngày, chúng con đi rất nhiều những đoạn đường ngắn, từ nhà đến công sở, từ gia đình đến phố chợ, từ lớp học đến nhà thờ, từ thôn xóm phố phường đến ma chay tiệc đám cưới hỏi… Xin cho mỗi người chúng con, trở thành muối men, trở thành hạt giống nẩy mầm, trên những đoạn đường chúng con bước đi mỗi ngày. Amen.

 

THỨ SÁU 11.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Việc rao giảng Tin Mừng có thể được đem đến trực tiếp hơn và hiệu quả hơn cho mọi người trong vùng nếu có nhiều giáo điểm truyền giáo hơn được thiết lập ngay khi việc này trở thành khả thi. Rồi, khi đến lúc phân chia khu vực truyền giáo, các giáo điểm này sẽ sẵn sàng trở thành các trung tâm cho các Đại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa mới. (MI số 11)

2. Ưu tư truyền giáo

Tầm nhìn của Tông Thư có tính vĩ mô, rộng lớn trên bình diện hoàn vũ, cho những vùng miền thuận lợi về mặt quản lý nhà nước đối với tôn giáo ở nơi đó. Nói cách khác, những đất nước, quốc gia, vùng lãnh thổ tự do tôn giáo tuyệt đối, thì vô cùng dễ dàng để thiết lập các giáo điểm truyền giáo, với tầm nhìn tương lai những giáo điểm này trở thành trung tâm về sau.

Hoàn cảnh đất nước Việt Nam hiện nay, nếu nói không có tự do tôn giáo cũng không đúng, và nếu nói có tự do tôn giáo thì lại càng không đúng hơn nữa. Tự do tôn giáo tại Việt Nam được đặt trong quy định chi chít, chằn chịt của luật pháp. Tôn giáo muốn thực hiện một việc làm nào đó bất kỳ, đều có quy định rõ ràng của luật pháp, được tiến hành đúng quy trình, nhưng kết quả cuối cùng thì chưa chắc đã đạt được.

Lấy ví dụ: Muốn mở một giáo điểm, hoặc xin cử hành thánh lễ bên ngoài nhà thờ, ở một nơi nào đó bất kỳ, hoặc xin mở trường học, bệnh viện, lưu xá, hoặc tổ chức những thánh lễ đột xuất có tính quy mô… Đều có quy định của luật pháp và phải tiến hành xin phép, trình báo, nhưng kết quả cuối cùng có được thực hiện hay không lại là một chuyện khác. Có khi cho, có khi không, tùy cân nhắc quyết định của cơ quan có chức năng phụ trách tôn giáo. Đó là tự do tôn giáo ở Việt Nam – Tự do trong sự không tự do.

Trong hoàn cảnh như vậy, hoạt động truyền giáo có thuận lợi hay khó khăn, tùy thuộc rất nhiều vào mối quan hệ giao tiếp với chính quyền địa phương, cách khôn ngoan sáng suốt của những vị phụ trách truyền giáo. Nhưng nhìn chung, việc phục hồi những nhà thờ trước đây, giờ đã mất dấu vết do chiến tranh, hoặc một lý do nào đó, xem ra tương đối dễ dàng hơn.

Vì thế, công cuộc truyền giáo tại các Giáo phận ở Việt Nam là hoạt động mục vụ dài hơi, không cầu mong thành công ngay tức thì được, phải kiên nhẫn, chờ đợi theo năm tháng. Gieo hạt giống, không cầu mong nẩy mầm kết hạt ngay, nhưng phải chờ đợi theo thời gian, khi thời lúc thuận lợi đến phải nhanh chóng bón phân tưới nước, để nhanh chóng định hình lớn mạnh và trổ sinh bông hạt.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã đang và sẽ tiếp tục thực hiện công cuộc truyền bá đức tin và ơn cứu độ của Chúa cho hết mọi người. Nhưng mỗi hoàn cảnh đất nước, vùng miền, lãnh thổ Giáo phận khác nhau, và muôn vàn khó khăn chúng con phải đối diện. Trong tình thế như vậy, xin cho mỗi người chúng con ơn can đảm và kiên nhẫn, để chúng con mạnh dạn tiếp tục không ngơi nghỉ gieo hạt giống Lời Chúa và kiên tâm chờ đợi. Xin Chúa ban cho chính quyền lãnh đạo quốc gia, những điều mà chỉ có Chúa biết sẽ thuận lợi cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng. Amen.

 

THỨ BẢY 12.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Tôi không thể khen ngợi người nào lấy mảnh vườn Chúa đã giao cho mình chăm sóc rồi bắt đầu coi nó như là tài sản riêng của mình, một lãnh địa mà không một người ngoài nào được đụng tay vào. […] Họ sẽ đón nhận các nữ tu để giúp mở trường học, cô nhi viện, và bệnh viện, mở các lưu xá và thiết lập các cơ sở từ thiện khác. Họ vui mừng và hăng hái làm điều này, vì họ hiểu rằng, với sự giúp đỡ của Chúa, những công việc loại này sẽ góp phần tuyệt vời biết bao để làm cho đức tin được lan truyền rộng rãi. (MI số 12)

2. Ưu tư truyền giáo

Đã có một khoảng thời gian, tại Việt Nam việc mở và điều hành bệnh viện, trường học, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, lưu xá… thật là thuận lợi, dễ dàng. Chứng tích còn lại là cứ mỗi giáo xứ thì kèm theo một trường học, đó là cách thức cộng tác truyền giáo hết sức hữu hiệu.

Tuy nhiên, sau biến cố 1975 phạm vi hoạt động của tôn giáo nói chung và của Công giáo nói riêng đã bị thu hẹp lại. Bệnh viện, trường học, nhà dưỡng lão, cô nhi viện… là môi trường mà tôn giáo khó có thể chen chân vào được, nếu có đi chăng nữa cũng rất nhỏ giọt.

Hiện nay, môi trường y tế, giáo dục, nhà dưỡng lão, lưu xá… đã được chính quyền tạo điều kiện tham gia hoạt động, nhưng sự cởi mở tuyệt đối là chưa có, vẫn còn đó muôn vàn khó khăn trắc trở.

Trong hoàn cảnh như vậy, thiết nghĩ với công cuộc truyền giáo có tính dài hơi, và tầm nhìn xa rộng, cần phải ưu tư cho việc đào tạo nhân sự dự trù cho tương lai phía trước. Thử hỏi, nếu giả như trường học, bệnh viện, nhà hưu dưỡng, cô nhi viện… được cho phép mở ra cách thuận lợi, thì lấy nhân sự đâu mà điều hành hoạt động?

Cũng trong bối cảnh này, hoạt động mục vụ truyền giáo thiết thực nhất là ưu tư về những học bổng trợ cấp cho các em học sinh, sinh viên, các lưu xá để các em có thể tiếp tục con đường học vấn của mình, hoặc bảo hiểm y tế, xã hội cho người nghèo, hay những hình thức hổ trợ vốn xóa đói giảm nghèo… nếu có thể thực hiện được.

Những hoạt động này, đòi hỏi phải có sự phối hợp cộng tác làm việc của nhiều người có trọng trách, cũng như sự đóng góp thật tích cực, mạnh mẽ của anh chị em tín hữu cho những hoạt động thiện ích vừa nêu.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu, mỗi anh em linh mục được phụ trách một xứ đạo, đó là những cánh đồng truyền giáo. Xin cho chúng con, đừng bao giờ nuôi ý tưởng sở hữu xứ đạo mà mình đang chăm sóc mục vụ. Nhưng xin mở lòng chúng con can đảm, mạnh dạn kêu gọi sự cộng tác thật khôn ngoan của nhiều thành phần dân Chúa, cho những hoạt động mục vụ tại giáo xứ chúng con đang chăm sóc. Xin Chúa cũng mở lòng anh chị em giáo dân, để họ quảng đại chia sẻ, đóng góp tài lực sức lực, cho những hoạt động mục vụ thiện ích mà chúng con khởi xướng cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Chúa. Amen.

 

CHÚA NHẬT 13.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Trong khi theo đuổi các mục tiêu của mình, một bề trên truyền giáo tận tâm cũng sẽ không được hạn hẹp các mối quan tâm của mình vào các ranh giới của giáo điểm mình, cũng không được coi mọi chuyện xảy ra ở nơi khác như không hề liên quan đến mình. Cháy bỏng lòng yêu mến Chúa Kitô, họ cảm thấy rằng những gì chạm đến vinh quang Đức Kitô thì cũng chạm đến chính mình, nên họ làm hết sức để phát triển các mối quan hệ gần gũi và thân thiết với các đồng nghiệp của mình tại các vùng lân cận. Bởi vì, thường xuyên xuất hiện các hoàn cảnh ảnh hưởng tới tất cả các khu vực truyền giáo trong một vùng nào đó, và điều này đòi hỏi phải có hành động liên hợp thì mới thành công được. Nhưng ngoài trường hợp này ra, Hội Thánh vẫn có thể được lợi ích rất lớn nếu các vị hữu trách truyền giáo gặp gỡ nhau thường xuyên bao nhiêu có thể để trao đổi và khích lệ lẫn nhau. (MI số 13)

2. Ưu tư truyền giáo

Giáo hội Việt Nam thuộc về các xứ truyền giáo, vì thế mỗi giáo xứ tại các Giáo phận minh nhiên được gọi là giáo xứ truyền giáo. Với bộ giáo luật 1917, đặt nặng tính lãnh thổ của giáo xứ.[1] Khi nói đến lãnh thổ, thì ngầm hiểu phải có ranh giới thì mới giới hạn được vùng lãnh thổ. Tông thư này ra đời vào ngày 30.11.1919, chắc chắn phải chịu ảnh hưởng chi phối của Bộ Giáo Luật 1917.

Với bộ Giáo Luật 1983 hiện nay, điều 515 triệt 1 định nghĩa giáo xứ như sau: Giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu, được thiết lập cách bền vững ở trong Giáo hội địa phương, và việc săn sóc mục vụ được ủy thác cho Cha Sở làm chủ chăn riêng, dưới quyền của Giám mục giáo phận.

Với định nghĩa này, giáo xứ đặt nặng tính cộng đoàn hơn là vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, để thuận lợi trong công tác mục vụ, và có chiến lược hoạch định những chương trình phát triển cho giáo xứ, một số Giáo phận đã quy định ranh giới của mỗi giáo xứ một cách rõ ràng. Việc phân chia ranh giới giáo xứ cũng dẫn đến tình trạng chỉ hạn hẹp những mối quan tâm của cha sở trong vùng lãnh thổ mà các ngài phụ trách, tình trạng này là vấn đề mà tông thư đã nêu.

Thiết nghĩ ngoài ranh giới cứng (ranh giới được ấn định bởi những đường phân chia là con lộ, khúc sông, dòng suối, ấp, xã, huyện, tỉnh…), cần phải thiết lập những ranh giới mềm (ranh giới có thể co giãn sửa đổi tùy thuộc vào nhu cầu mục vụ cho người tín hữu, nhưng không trái với quy định của Hội Thánh). Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các linh mục phụ trách các cộng đoàn giáo xứ với nhau một cách linh hoạt, nhằm giải quyết các vấn đề cách thiên biến vạn hóa, nhưng vẫn không đi ngược với hướng dẫn của Hội Thánh.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu là vị Mục Tử nhân hậu. Xin cho các linh mục đang chăn dắt đàn chiên của Chúa tại các giáo xứ, luôn rộng mở lòng mình, sẵn sàng giải quyết, hướng dẫn, giúp đỡ anh chị em giáo dân mỗi khi họ cần một cách dễ dàng, nhờ đó Tin Mừng của Chúa không còn hạn hẹp trong lãnh thổ giáo xứ nữa, nhưng lan tỏa ra cách rộng rãi với cộng đồng cư dân đang sinh sống. Amen.

Ban Văn hóa Giáo dục Giáo phận Mỹ Tho


[1] Bản Latin và Italiano được đọc và tải tại: http://www.giur.uniroma3.it/?q=node/materialedidattico/1071