23/09/2019
1756
Tháng truyền giáo ngoại thường: cầu nguyện theo tông thư Maximum Illud _Tuần I



















 

THÁNG TRUYỀN GIÁO NGOẠI THƯỜNG

CẦU NGUYỆN THEO TÔNG THƯ MAXIMUM ILLUD

(Từ thứ ba 01.10 đến Chúa nhật 06.10.2019)

 

THỨ BA 01.10.2019

 

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Trước khi trở về cùng Cha Người, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã nói với các môn đệ những lời này: “Anh em hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Với những lời này, Người đã ủy thác cho họ một bổn phận, một trách nhiệm quan trọng và thánh thiện, trách nhiệm này không kết thúc với cái chết của các Tông Đồ, nhưng sẽ ràng buộc các vị kế nhiệm các ngài, vị này kế tiếp vị khác, cho tới ngày tận thế - Nghĩa là bao lâu trên thế giới này vẫn còn những con người mà sự thật có thể giải phóng họ. (MI số 1)

2. Ưu tư truyền giáo

Truyền giáo – trách nhiệm quan trọng, cao quý và thánh thiện, được Chúa Giêsu trao gởi, ký thác đầu tiên cho các Tông Đồ, và ràng buộc những người kế nhiệm là các Giám mục hôm nay. Các Đức Giám mục Chánh tòa chịu trách nhiệm trông coi, chăn dắt Giáo hội địa phương là mỗi Giáo phận. Trong mỗi Giáo phận lại có vô số cộng đoàn nhỏ lẻ là các giáo xứ, giáo điểm, nhà dòng, trường học, nhà hưu dưỡng, chủng viện… Những cộng đoàn này lại được trao phó cho những cộng sự của Đức Giám mục là các linh mục coi sóc.

Đặt ở góc nhìn liên kết, các linh mục cũng là những người được thừa hưởng cách minh nhiên trọng trách truyền giáo cao quý và thánh thiện này. Vì thế, hoạt động mục vụ truyền giáo ở mỗi Giáo phận có sinh động, dồi dào sức sống và sáng tạo hay không, phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động mục vụ của các linh mục trông coi xứ đạo và các cộng đoàn.

Tuy nhiên, sự sáng tạo hay thao thức loan báo Tin Mừng phải được đặt trong tinh thần hiệp nhất hiệp thông với Đức Giám mục Giáo phận. Hay nói rộng hơn, bất kỳ một ý tưởng hay hoạt động truyền giáo nào phải là phản ánh tinh thần và đời sống sinh hoạt của Giáo phận. Vì nếu không, có thể dẫn đến những điều đáng tiếc xảy ra.

Nói cách khác, Đức Giám mục là bộ não cho hoạt động mục vụ truyền giáo, các linh mục là những người thừa hành thực hiện những ý tưởng này cách sáng tạo và sống động.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã về trời, nhưng ưu tư truyền rao và mang Lời Tin Mừng của Chúa cho những thế hệ loài người kế tiếp, được Chúa ký thác cho các Tông Đồ và những người kế vị là các Đức Giám mục. Để thực hiện lệnh truyền của Chúa cách hữu hiệu, các Đức Giám mục đã gọi người cộng sự với ngài là các linh mục. Xin Chúa Giêsu Kitô là Đấng khởi sự ý tưởng truyền giáo, ban cho Đức Thánh Cha luôn có sự khôn ngoan sáng suốt của Thánh Thần, ban cho các Đức Giám mục ơn vâng phục và các linh mục đức vâng lời. Nhờ trung tín và vâng phục mà Tin Mừng của Chúa sẽ được loan truyền khắp thế giới. Amen.

 

THỨ TƯ 02.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

[…] một số nhân vật có sự thánh thiện nổi bật đã đóng những vai trò quan trọng. Một trong số đó là Grêgôriô, Người Chiếu Sáng đã đem đức tin đến Armênia. Một người khác là Victorinô, tông đồ của Styria. Người thứ ba là Frumentiô, loan báo Tin Mừng cho Êtiôpia. Sau này, có Patriciô sinh ra dân Ai Len trong Đức Kitô. Augustinô đem đức tin đến dân tộc Anh; và Columba và Palladiô giảng Tin Mừng cho người Tô Cách Lan. Về sau nữa, còn có Clêmentê Willibrord, giám mục tiên khởi của Utrecht, đem ánh sáng Tin Mừng đến Hà Lan. Bônifaciô và Anagar đem đức tin đến cho dân Đức; Cyrillô và Mêtôđiô chinh phục sứ Slavơ cho Hội thánh. (MI số 2)

2. Ưu tư truyền giáo

Sự thánh thiện là yếu tố đầu tiên, cần thiết, quan trọng và không thể thiếu đối với sứ giả Tin Mừng. Nói cách khác, bước đi đầu tiên cho hoạt động truyền giáo là đời sống thánh thiện. Nhờ đời sống thánh thiện mà Tin Mừng của Chúa được chiếu tỏa ra cách tự nhiên.

Những chứng nhân cho Tin Mừng có đời sống thánh thiện như Grêgôriô, Victorinô, Frumentiô, Patriciô, Augustinô, Palladiô, Clêmentê Willibrord, Bônifaciô và Anagar, Cyrillô và Mêtôđiô. Không chỉ làm chứng cho lời rao giảng bằng đời sống thánh thiện đạo đức, mà còn nhờ vào sự thánh thiện đã khai mở ra nền văn minh cho cả một dân tộc, một quốc gia, lãnh thổ và vùng miền.

Làm sao để nhận biết một sứ giả Tin Mừng có đời sống thánh thiện? Hay nói cách khác, là căn cứ vào đâu để gọi một người là thánh thiện? Thưa rằng: Sự thánh thiện có nguồn cội từ nơi Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa là Đấng chí thánh. Một người được gọi là thánh thiện, được gọi là đạo đức khi nhìn đời sống, suy nghĩ, lời nói, việc làm của họ phản ảnh được sự thánh thiện của Thiên Chúa. Nói theo ngôn ngữ tu đức: Thánh thiện của một người tùy thuộc vào sự gắn bó kết hợp với Chúa Giêsu Kitô mà người đó có được.

Nói cách dễ hiểu hơn: Người thánh thiện thì không thể thiếu đời sống nội tâm, đời sống chiêm ngắm Chúa, cầu nguyện kết hợp với Chúa. Một đời sống hướng vào bên trong trước khi hướng ra bên ngoài. Đời sống quỳ gối ngước nhìn lên trên, trước khi cúi xuống đến với tha nhân.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa Giêsu, trước khi tuyển chọn 12 tông đồ là những sứ giả Tin Mừng đầu tiên, Chúa đã thức suốt đêm để cầu nguyện. Trước khi bước vào cuộc thương khó trong vườn cây dầu, Chúa cũng đã dành nhiều giờ để cầu nguyện kết hợp với Chúa Cha. Xin cho mỗi người chúng con, dù là Giám mục, linh mục, tu sĩ hay anh chị em giáo dân, cũng biết từng bước có một đời sống thánh thiện bằng phương thế chiêm ngắm cầu nguyện, liên lỉ không ngừng kết hợp với Chúa để tìm thánh ý Chúa, để hiểu được thánh ý Chúa và đón nhận được thánh ý Chúa. Nhờ đó, chúng con mỗi ngày một trở nên thánh thiện, cho tương xứng với nhiệm vụ thánh thiện là loan báo Tin Mừng của Chúa. Amen.

 

THỨ NĂM 03.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Với thời gian, bắt đầu xuất hiện một cánh đồng truyền giáo rộng lớn bao la. William Rubruck cho thấy điều đó khi ông đem lửa đức tin đến cho dân Mông Cổ. Không lâu sau, Thánh Grêgôriô X sai các nhà truyền giáo đầu tiên tới Trung Quốc. Các môn đệ của Thánh Phanxicô Assisi tiếp bước họ và thành lập tại Trung Quốc một cộng đoàn Kitô hữu khá lớn, nhưng tiếc thay, sau một thời gian ngắn đã suy tàn vì một cuộc bách hại khốc liệt. (MI số 3)

2. Ưu tư truyền giáo

Công cuộc truyền giáo có được đẩy mạnh hay không? Cánh đồng truyền giáo được mở rộng đến đâu? Phần lớn nhờ vào lòng hăng say nhiệt thành, dấn thân loan truyền Tin Mừng của Chúa bởi những sứ giả Tin Mừng.

Những cộng đoàn cơ bản được hình thành, được nuôi dưỡng, lớn lên và phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển của một cộng đoàn đã được hình thành, còn tùy thuộc rất nhiều vào cơ chế quản lý nhà nước của quốc gia, vùng lãnh thổ mà cộng đoàn non trẻ vừa mới hiện diện. Điển hình là cộng đoàn tín hữu ở đất nước Trung Quốc, sau thời gian ngắn phát triển đã suy tàn vì một cuộc bách hại.

Ngày nay, trong bối cảnh đất nước Việt Nam. Công tâm mà nói, thẳng thắn nhìn nhận, công cuộc truyền giáo hay hoạt động mục vụ loan báo Tin Mừng không phải là một hoạt động dễ dàng. Chưa kể ở mỗi Giáo phận, cụ thể trong những tỉnh thành, phường xã… Phải đối diện với những khó khăn hết sức khác nhau.

Nhưng cho dù khó khăn, hay thử thách khốc liệt cách mấy đi chăng nữa, điều cần thiết phải có và luôn duy trì, đó là lòng hăng say nhiệt thành, dấn thân, ra đi nói cho muôn dân được biết về ơn cứu độ của Chúa một cách khôn ngoan, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của đất nước, cũng như cụ thể ở mỗi Giáo phận. Nói theo thư chung của HĐGMVN năm 1980, số 8: Chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, ngày xưa Chúa đã ban lửa hăng say nhiệt thành loan báo Tin Mừng của Chúa cho William Rubruck, cho thánh Grêgôriô X, cũng như các môn đệ của thánh Phanxicô Assisi. Hôm nay, xin Chúa cũng tiếp tục ban cho mỗi người chúng con là những Giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ. Cách đặc biệt là anh chị em giáo dân chúng con, ngọn lửa hăng say nhiệt thành, để chúng con dám can đảm sống, làm chứng nhân cho Tin Mừng, bằng đời sống yêu thương, bác ái, quảng đại, chia sẻ tình thương cơm áo cho nhau, giữa lòng đất nước dân tộc Việt Nam hôm nay, một cách khôn ngoan sáng suốt. Amen.

 

THỨ SÁU 04.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Khi có cuộc khám phá Châu Mỹ, một đạo quân tông đồ lên đường đến Tân Thế Giới. Đạo quân lớn này, trong đó có người con vinh quang của Thánh Đaminh, Bartôlômêô de Las Casas, đã thực hiện tại đó hai nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ các dân tộc bản địa kém may mắn khỏi sự áp bức của con người và đấu tranh để họ không bị nghiền nát dưới thế lực của bóng tối. (MI số 4)

2. Ưu tư truyền giáo

Khi khám phá ra Châu Mỹ, một mảnh đất màu mỡ cho hoạt động gieo hạt giống Tin Mừng, thì ngay lập tức các sứ giả Tin Mừng lên đường đến Tân Thế Giới. Nói theo ngôn ngữ của tông thư là: Một đạo quân tông đồ lên đường đến Tân Thế Giới.

Trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam nói chung, và cách riêng là nơi mỗi Giáo phận, phải đối diện mỗi ngày với muôn vàn khó khăn cản trở trong hoạt động mục vụ truyền giáo như: Xây dựng cộng đoàn cơ bản, thiết lập, định hình các giáo điểm… thì vẫn còn đâu đó le lói, chợt hiện lên những thuận lợi, những vùng đất dễ dàng dấn thấn thành lập cộng đoàn, hoặc cơ chế chính quyền địa phương tương đối phóng khoáng, đối thoại cách thuận lợi ở một vài tỉnh thành, phường xã, xóm ấp nào đó.

Ngay lập tức, phải dồn nổ lực thực hiện hoạt động mục vụ loan báo Tin Mừng cho nơi đó tức thì, cũng như bố trí, đặt để nhân sự cho phù hợp, có khả năng mở rộng vùng biên giới của cánh đồng truyền giáo nơi đây.

Việc đẩy mạnh và mở rộng truyền giáo ở những nơi thuận lợi này, cần chú ý đến việc khai mở văn minh cho người dân tại địa phương. Chẳng hạn như cổ võ giáo dục, đón nhận những nét văn hóa nào phù hợp với Tin Mừng của Chúa, tham gia vào hoạt động dân trí, an sinh xã hội cho người dân, góp phần phòng chống tệ nạn bằng con đường giáo dục đức tin qua việc huấn giáo, dạy giáo lý… Và như thế, đã giúp người dân phần nào thoát khỏi quyền lực của bóng tối tội lỗi, cũng như gánh nặng của dốt nát và nghèo đói.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, giữa muôn vàn khó khăn, với trăm chiều thử thách, nhưng vẫn còn đâu đó những thuận lợi nhỏ nhoi. Xin ban ơn soi sáng trí lòng chúng con, để có thể nhận ra và tận dụng những thuận lợi bé nhỏ này, như những nắm men đã được vùi trong bột, như que diêm được thắp lên giữa màng đêm giá rét. Hầu chúng con có thể làm cho danh của Chúa được cả sáng, ý của Chúa được thể hiện giữa trần gian và cuộc sống hôm nay. Amen.

 

THỨ BẢY 05.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

Những năm gần đây đã chứng kiến những vùng đất mới cuối cùng chưa từng được biết đến – Châu Úc và bên trong lục địa Châu Phi – phát sinh những cuộc tấn công không ngừng nghỉ của cuộc khai phá thời cận đại. Những năm này cũng đã chứng kiến các sứ giả của Hội Thánh đi theo những nẻo đường mới mở để vào các vùng đất rộng lớn của Thái Bình Dương, bây giờ sẽ khó có thể tìm thấy một hải đảo xa xôi nào mà các nhà truyền giáo của chúng ta không thể đặt chân đến và hăng hái thi hành sứ vụ […] Và nhiều vị cũng đã tôn vinh việc tông đồ của họ bằng cái chết tử đạo vinh quang, lấy máu đào của mình để bảo vệ Đức Tin. (MI số 5)

2. Ưu tư truyền giáo

Cách đây 100 năm, những nhà truyền giáo đã đặt chân đến mọi miền châu lục địa cầu, cho đến những hải đảo xa xôi. Không chỉ ra đi truyền giáo, các ngài còn là chứng nhân sống động cho việc tông đồ của mình bằng cái chết tử đạo, bảo vệ đức tin.

Vậy có thể nói, cho đến hôm nay Tin Mừng của Chúa đã được loan truyền đến tận cùng bờ cõi trái đất – không có nơi nào mà không có người Công giáo sinh sống. Nếu đã như vậy thì truyền giáo làm gì nữa? Thưa rằng: Hoạt động truyền giáo hôm nay, mà cụ thể là tại đất nước Việt Nam này, gần gũi hơn nữa là mỗi Giáo phận, sát sườn hơn là nơi mỗi cộng đoàn giáo xứ nằm rải rác khắp nơi trên toàn đất nước Việt Nam, phải làm cho Tin Mừng mỗi ngày lan tỏa rộng ra.

Một xứ đạo toàn tòng, thì làm cách nào đó để ranh giới xứ đạo được nới rộng sang những vùng dân cư mà người lương dân đang sinh sống. Một gia đình Công giáo sống giữa trăm gia đình lương dân, cũng tìm cách thức nào đó để những gia đình lương dân này nhận biết đạo của Chúa Giêsu. Một người tham gia vào làm việc ở một môi trường nào đó, cũng phải ưu tư, tìm cách để môi trường sống và làm việc này dậy men Tin mừng.

Nói cách khác, truyền giáo ngày hôm nay là làm tăng tỉ lệ người công giáo so với mật độ dân số ở nơi đó. Nghĩa là có sự phát triển về số lượng, nhưng cũng đồng thời chú ý về chất lượng, bằng cách huấn luyện và dạy giáo lý cách kỹ lưỡng cho những anh chị em mới gia nhập đạo.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, những nhà truyền giáo ngày xưa đã can đảm bảo vệ và làm chứng nhân cho Tin Mừng, cho đức tin bằng mạng sống của mình. Xin cho mỗi người chúng con hôm nay, cũng biết làm chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa bằng đời sống yêu thương đối với nhau. Nhờ đó, mà đạo của Chúa mỗi ngày được lan tỏa rộng ra nơi môi trường chúng con sinh sống và làm việc. Amen

 

CHÚA NHẬT 06.10.2019

1. Đọc Tông Thư Maximum Illud

[…] Và bất cứ ai suy gẫm về những sự kiện này thì không thể không choáng váng khi thấy rằng ngay bây giờ, trên thế giới vẫn còn những đám đông vô kể những con người đang ở trong chốn tối tăm và trong bóng tối sự chết. Theo một ước tính mới đây, những người không có đức tin trên thế giới đã lên đến con số xấp xỉ một tỉ người. (MI số 6)

2. Ưu tư truyền giáo

Xấp xỉ 1 tỉ người không có đức tin trên toàn thế giới cách đây 100 năm. Quả thật, một con số đáng phải suy nghĩ vào thời bấy giờ. Còn hiện nay thì sao? Theo thống kê dân số toàn thế giới vào ngày 01.11.2018 là 7,7 tỉ người. Còn thống kê của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016, số tín hữu Công giáo trên toàn thế giới chỉ hơn 1,2 tỉ.

Riêng ở Châu Á dân số là 4,2 tỉ, số tín hữu Công giáo chỉ hơn 136 triệu. Đặc biệt ở Việt nam, theo thống kê mới nhất của Liên Hợp Quốc ngày 13.09.2019, dân số Việt Nam là 97.617.286 người, trong đó số tín hữu Công giáo chỉ hơn 6 triệu.

Cách riêng tại Giáo phận Mỹ Tho, theo báo cáo mục mục năm 2017, toàn Giáo phận chỉ có 138.415 người tín hữu. Trong khi đó dân số cả ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp là hơn 6 triệu người.

Đọc và so sánh những con số thống kê này, với cái nhìn lạc quan thì quả thật cánh đồng truyền giáo vẫn còn bát ngát mênh mông, nhưng cũng chợt buồn vì còn quá nhiều anh chị em đang sống trong tăm tối, ánh sáng đức tin và Tin Mừng chưa soi chiếu được vào tâm hồn và đời sống của họ. Đó là chưa kể một số đông đáng kể người tín hữu nguội lạnh, bê trễ, bỏ đạo, rối rắm… đang cần và chờ đợi hoạt động mục vụ tái truyền giáo cho họ.

3. Cầu nguyện cho truyền giáo

Lạy Chúa, đúng là càng suy gẫm về hoạt động truyền giáo chúng con càng cảm thấy choáng váng. Choáng váng vì: 100 năm trước số người chưa nhận biết Chúa là 1 tỉ người, để rồi 100 năm sau số người chưa nhận biết Chúa không phải là 1 tỉ mà là 6 tỉ người. Chúng con xin cúi đầu tạ lỗi trước mặt Chúa, vì di chúc truyền giáo của Chúa trối lại chúng con thực hiện chưa tròn. Xin Chúa ban thêm tinh thần tông đồ cho mỗi người chúng con, xin ban cho cộng đoàn và mỗi gia đình chúng con biết làm tông đồ, xin Chúa mở lòng trí mọi người nhận biết và yêu mến Phúc Âm.

Xin sai nhiều thợ tốt đến những cánh đồng đầy lúa chín, và khiến nhiều người cầu nguyện hy sinh quảng đại cho việc truyền giáo. Xin Đức Mẹ dẫn đưa chúng con trên những nẻo đường truyền giáo, xin các thánh truyền giáo phù trợ chúng con, xin các thánh Tử Đạo Việt Nam cầu bàu cho chúng con. Amen.

Ban Văn hóa Giáo dục Giáo phận Mỹ Tho