19/09/2019
1390
Nét Văn Hóa trong tên gọi Một số Nhà Thờ Trong Giáo phận Mỹ Tho-Nhà thờ Văn Hiệp



















 

NÉT VĂN HÓA

TRONG TÊN GỌI MỘT SỐ NHÀ THỜ GIÁO PHẬN MỸ THO

 

 

Nhà Thờ Văn Hiệp

 

Giáo xứ Văn Hiệp nằm trên địa bàn khu vực II, thị trấn Hiệp Hòa, Đức Hòa, Long An. Kỷ Yếu 50 năm Giáo phận Mỹ Tho, viết về quá trình hình thành và phát triển giáo xứ Văn Hiệp như sau: Với hiệp định Genève năm 1954, đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền. Trong bối cảnh lịch sử đó, có khoảng gần 4 ngàn giáo dân mà đa số là thuộc xứ Kẻ Bạc và giáo họ Văn Phái của địa phận Hà Nội. Dưới sự dẫn dắt của cha Gioan Bt. Trần Trọng Cung, họ đã đặt chân lên vùng đất Hiệp Hòa vào ngày 24.09.1954.

Nơi đất lạ quê người này, gia tài của họ chỉ là hai bàn tai trắng và một niềm tin Kitô giáo mãnh liệt, để giữ vững niềm tin và duy trì đời sống đạo đức, họ đã lấy ngôi nhà bỏ hoang (mà nay là Chùa Hiệp Phước) để làm nơi cầu nguyện và cử hành thánh lễ. Đến đầu năm 1955, công ty mía đường Việt Nam chiếu cố và cấp cho một lô đất B1, để lập trại định cư và thu họ vào làm công nhân cho nhà máy đường, nhờ đó đời sống của giáo dân dần dần ổn định và phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu về đời sống thiêng liêng cũng đòi hỏi cần phải có nơi thờ tự xứng đáng, sau khi được sự hướng dẫn của cha Gioan Bt. Cung, vào ngày 23.01,1955, toàn thể giáo dân trong giáo xứ đã khởi công và góp sức đào đất đắp nền nhà thờ và đắp đường từ cành đồng ngập nước hoang vu.

Sau một năm thi công vất vả, ngôi nhà thờ khung cây với mái lợp tôn ximăng đã được hoàn thành, và lấy tên là giáo xứ Văn Hiệp (Ghép từ hai địa danh Văn Phái và Hiệp Hòa), và nhận Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng của giáo xứ. Vào ngày 08.12.1955 Đức Cha Simon Hiền về cắt băng khánh thành và dâng lễ tạ ơn cho giáo xứ.[1]

          Hiện nay, giáo xứ Kẻ Bạc ngày xưa tại Hà Nội có thêm tên gọi là Giáo xứ Thượng Thụy, tọa lạc tại Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Hà Nội, có đến 4 nhà thờ giáo họ trực thuộc. Giáo họ Kitô, giáo họ Phú Gia, giáo họ Văn Phái và giáo họ Phú Thọ.2 Đây là một trong những giáo xứ lớn, lâu đời và cổ kính thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội, cũng có bổn mạng nhà thờ là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

          Nếu không có biến cố lịch sử 1954, chắc có lẻ cũng không có giáo xứ Văn Hiệp ngày nay. Nhờ di cư, chia cắt mà giáo xứ Kẻ Bạc và giáo họ Văn Phái ở tận Hà Nội, lại sinh ra giáo xứ Văn Hiệp đến tận Miền Nam hiện giờ. Chắc chắn anh chị em giáo dân tại giáo xứ Văn Hiệp, vẫn còn ông bà tổ tiên, họ hàng thân thuộc còn ở lại tại giáo xứ Thượng Thụy và giáo họ Văn Phái. Nhìn trong suốt chiều dài lịch sử hình thành giáo xứ Văn Hiệp, có thể nói: Ngay từ đầu, cha Gioan Bt. Trần Trọng Cung muốn giữ một mối dây liên lạc với giáo xứ gốc gác của anh chị em giáo dân, cho nên mới chọn Đức Maria Vô Nhiễm làm bổn mạng. Cho dù Thương Thụy, Văn Phái hay Văn Hiệp cũng chỉ là một, khác nhau ở nơi cư ngụ và hoàn cảnh sinh sống mà thôi. Tất cả đều có chung một huyết thống thần linh.

          Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày thế giới truyền giáo 2019, Đức Thánh Cha viết: Mối tương quan con thảo của chúng ta đối với Thiên Chúa không phải chỉ đơn thuần là một cái gì riêng tư, nhưng luôn luôn liên quan đến Hội Thánh. Nhờ mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta cùng với rất nhiều anh chị em chúng ta được sinh ra để sống đời sống mới.[2]

          Đọc lại lịch sử hình thành và phát triển giáo xứ Văn Hiệp, mới thấy sức mạnh của huyết thống thần linh. Đã mang trong mình dấu ấn của bí tích Rửa Tội, thì cho dù có đi đến đâu, khổ cực cách mấy cũng vẫn là người Kitô hữu, vẫn luôn có tài sản không bao giờ bị đánh cắp là Đức Tin, là niềm cậy trông vào Chúa. Phần trách nhiệm của mỗi Kitô hữu, là không giữ đức tin cho riêng mình, nhưng là mang nó vào mỗi hoàn cảnh cuộc sống và san sẻ ra cho nhiều người.

Giáo xứ Văn Hiệp và anh chị em giáo dân ở đây, là minh chứng lịch sử cho huyết thống thần linh: Được Rửa Tội và Được Sai Đi.

 

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho 

 

-----------

1 Kỷ Yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho, p.142-143

2 X. Web Giáo Xứ Giáo Họ Việt Nam