03/07/2019
1187
Nét Văn Hóa trong tên gọi Một số Nhà Thờ Trong Giáo phận Mỹ Tho-Nhà thờ Kinh Cùng

Nét văn hóa trong tên gọi một số nhà thờ Giáo phận Mỹ Tho

 












 

Nhà Thờ Kinh Cùng

 

Giáo xứ Kinh Cùng trải dài trên địa bàn 2 xã Tân Lập và Nhân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Theo Kỷ Yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho viết về quá trình hình thành giáo xứ Kinh Cùng như sau:

Từ năm 1898-1905, cha Phêrô Lê Quang Tự, cha sở họ đạo Ba Giồng đã dẫn một nhóm bổn đạo đi lập nghiệp … Bồng bềnh trên dòng sông Vàm Cỏ Tây, các vị tiền bối lần lượt thăm dò vùng đất Tân Đông, Cái Ràng, Nước Trong (Thủy Đông ngày nay), Sông Xoài (Thuận Nghĩa Hòa ngày nay). Sau thời gian nghiên cứu thử nghiệm vùng đất được một năm và công việc làm ăn thất bại, các vị tiền bối quyết định ra đi, tiến về phía Tây, lần theo con kinh dày đặc lục bình, cảnh vật hoang vu. Các ngài phó thác và đi, khi con kinh đã cùng, không còn di chuyển được nữa, các ngài dừng chân nơi đây. Địa danh Kinh Cùng đã khai sinh từ đây … Năm 1930, con Kinh Cùng được nạo vét thành con kinh La Grange.1 Hiện nay, kinh La Grange được gọi là kênh Dương Văn Dương.2

Kinh Cùng hay kinh La Grange đã thuộc về miền ký ức, tên gọi này không còn xuất hiện trên những văn bản hành chánh pháp lý, của nhà nước Việt Nam bây giờ. Có chăng cũng chỉ là những truyền miệng, gợi nhớ về điển tích Kinh Cùng khi trà dư tửu hậu.

          Cho dù thời gian có xóa nhòa, lịch sử có thăng trầm, thời thế có thay đổi, hai từ Kinh Cùng vẫn luôn là một dấu chứng sống động của linh mục, cùng với những người giáo dân đầu tiên đi tìm kiếm một mảnh đất để xây nhà cho Chúa, tìm kiếm nơi để Chúa được cư ngụ giữa dân, dù cho lối đi đã đến cùng đường.

          Trải qua hơn 120 năm thành lập (1898-2019), giáo xứ Kinh Cùng hôm nay với 2.800 anh chị em giáo dân, một con số khiêm nhường so với những giáo xứ lớn của các giáo phận khác. Nhưng ở giáo phận Mỹ Tho, Kinh Cùng được gọi là xứ lớn và lâu đời của giáo phận. Tên gọi và bề dày lịch sử của giáo xứ Kinh Cùng đã không ngừng truyền đi thông điệp: Dầu cho có đi đến cùng đường, nhưng luôn có Chúa đồng hành và để Chúa hiện diện giữa dân người, thì muôn vàn cánh cửa được mở ra, trăm ngàn lối đi cho sự sống được hình thành, bởi vì Chúa là đường là sự thật và sự sống.

 

          Viết về tên gọi nhà thờ Kinh Cùng, không chỉ để nhớ về những bước chân truyền giáo xa xưa của cha ông ta, nhưng còn để gợi lên thái độ sống giữa biết bao những vất vả gian truân mỗi ngày. Thái độ sống đó là: Tín thác vào Chúa và Ký thác cho Chúa, như lời Thánh Vịnh: Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. (Tv 37,5)

 

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho

 
 

1 Kỷ Yếu 50 năm Giáo Phận Mỹ Tho, p.123-124

2 Kênh Dương Văn Dương là con kênh lớn nhất chảy qua địa bàn huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Dòng kênh được đặt tên anh hùng, liệt sĩ Dương Văn Dương (trước đó, dòng kênh dài gần xuyên suốt vùng Đồng Tháp Mười có tên là kênh La Grandière; sau khi ông Dương Văn Dương hy sinh tại Bến Tre, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truy phong ông hàm thiếu tướng và lấy tên ông đặt cho con kênh này là kênh Dương Văn Dương). (theo Wikipedia)