18/06/2019
1808
Nét Văn Hóa trong tên gọi Một số Nhà Thờ Trong Giáo phận Mỹ Tho-Nhà thờ Chánh Tòa

Nét văn hóa trong tên gọi một số nhà thờ Giáo phận Mỹ Tho

 








 

Nhà Thờ Chánh Tòa

 

Ngày 24.11.1960, Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ban hành sắc chỉ Venerabilium Nostrorum quyết định thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đồng thời tổ chức lại các giáo phận cũ và mới, trong đó có việc thiết lập Giáo phận Mỹ Tho, tách ra từ Giáo phận Sài Gòn [...] Cũng theo sắc chỉ trên của Tòa Thánh, nhà thờ Mỹ Tho được nâng lên thành Nhà Thờ Chánh Tòa Mỹ Tho, với tước hiệu Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội[1].

Tên gọi Nhà Thờ Chánh Tòa Mỹ Tho chỉ bắt đầu từ khi Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Mỹ Tho. Nhưng trước đó từ rất lâu, khoảng năm 1861 đánh dấu sự hiện diện của người Pháp tại Mỹ Tho và những người Công giáo thuộc các tỉnh đồng bằng tìm về Mỹ Tho cư trú [2]. Bắt đầu từ đó hình thành họ đạo và gọi là họ đạo Mỹ Tho.

Vậy tên gọi Mỹ Tho có nghĩa là gì? Tại sao lại đặt tên họ đạo Mỹ Tho mà không phải là tên một vị thánh? Chẳng hạn như: họ đạo thánh Phaolô, họ đạo thánh Phêrô... Thử tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa từ Mỹ Tho sẽ nhận ra nét văn hóa thú vị của nó.

Có nhiều ý kiến về nguồn gốc địa danh Mỹ Tho. Đa số ý kiến cho rằng Mỹ Tho bắt nguồn từ phương ngữ gốc Khmer như Mi Sâr biến thể thành Mỹ và Tho, có nghĩa là xứ có người con gái da trắng, đẹp. Mỹ: chữ Hán nghĩa là đẹp, nhưng từ Tho không có trong chữ Hán nên có lối viết khác nhau qua chữ Nôm. Có hai lối viết, dùng để chỉ vùng nước thơm hay cỏ thơm.[3]

Sự kết hợp hai thành tố có ngữ âm hoàn toàn Việt Nam, "mỹ" và "tho", không tạo nên một ý nghĩa nào theo cách hiểu trong Tiếng Việt. Những tài liệu về lịch sử và sinh hoạt của người Khmer trong vùng thời xa xưa đã xác định địa phương này có lúc đã được gọi là "Srock Mỳ Xó" (xứ nàng trắng). Người Việt gọi là Mỹ Tho, đã bỏ đi chữ Srock, chỉ còn giữ lại Mỳ Xó.[4]

Mỹ Tho trong lịch sử là một vùng đất quan trọng được sớm khai phá bởi người Hoa, là một thành phố có tổ chức, trích dẫn như sau:

Theo "Gia Định Thành Thông C": Mỹ Tho đồn: Đồn Mỹ Tho tại phía nam trấn, xưa là rừng hoang, hổ báo làm hang ổ… (Tại trấn Nam nhất lý hứa, cựu vi hoang lâm, hổ báo quần huyệt...). Mỹ Tho sông ngòi: Sông Mỹ Tho ở trước mặt trấn, là con sông lớn của trấn, bắt nguồn từ nội địa tỉnh Vân Nam… (Tại trấn tiền, vi bản trấn đại giang, kỳ nguyên phát ư nội địa Vân Nam tỉnh...).

Theo "Đại Nam Nhất Thống C": Mỹ Tho phố lớn: chợ, quán: chợ Mỹ Tho tại huyện Kiến Hưng, thường gọi là chợ là phố lớn. Nhà ngói, rui chạm, đình cao, chùa rộng. Sông sâu, tàu thuyền buồm qua lại như dệt cửi… (Mỹ Tho thị tại Kiến Hưng huyện, tục danh đại phố thị, ngõa ốc, điêu manh, cao đình, quảng tự. Dương hà thuyền sưu phẩm tường, vãng lai như chức ty...). Mỹ Tho quan thuế: Cửa ải Mỹ Tho ở huyện Kiến Hưng, năm thứ mười sáu Minh Mạng lập ra cửa ải thu thuế. Đến năm thứ ba Thiệu Trị thì bãi bỏ… (Tại Kiến Hưng huyện, Minh Mạng thập lục niên, thiết quan chinh thuế. Thiệu Trị tam niên đình...)

Theo "Lịch SCuộc Viễn Chinh Nam Kỳ" (Histoire de la conquête de la Cochinchine) tác giả người Pháp viết: Sài Gòn là trung tâm quân sự, Mỹ Tho là trung tâm thương mãi. Các ghe thuyền của người Nhật, người Tàu, người An Nam, người Xiêm có đáy cạn dễ di chuyển trên sông gần nơi sản xuất gạo, thêm vào truyền thống người dân địa phương từ bao thế kỷ, khiến cho Mỹ Tho trở thành trung tâm buôn bán lớn nhất của Nam kỳ, trước khi người Âu đến... Mỹ Tho là một vùng có nhà cửa rộng lớn, lợp bằng lá dừa nước theo tập quán. Nhưng dọc theo bờ kinh Bưu điện (Arroyo de la Poste hay kinh Bảo Định) nhà cửa thanh nhã hơn nhiều, mái lợp ngói giữa những vườn dừa vườn cau, tất cả có vẻ trang nhã, phong lưu, đôi khi giàu có. Có thể so sánh với cảnh phồn hoa đô hội của Chợ Quán và kinh người Tàu ở Sài Gòn...

Theo Địa Phương Chí Mỹ Tho 1902(Monographie de Mỹ Tho 1902), tác giả người Pháp viết: ...Vị trí của Mỹ Tho thật tuyệt diệu. Nó chiếm một vị thế trung chuyển quan trọng vào bậc nhất cho các loại ghe chài to lớn từ miền Tây lên Chợ lớn (Sài Gòn) qua con kinh Bảo Định và con kinh Chợ Gạo. Mỹ Tho lại có con đường sắt đầu tiên của Đông Dương, con đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho và con đường thủy nối liền Sài Gòn và các tỉnh miền Tây lên tận Pnôm Pênh qua bến Tàu Lục Tỉnh Mỹ Tho...

Lược qua một số tài liệu nói về lịch sử hình thành địa danh Mỹ Tho, có thể nói: Mỹ Tho là vùng đất đẹp: đẹp về con người, đẹp về vị trí địa lý và có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, thương mại, chính trị, văn hóa… ở những năm 1861-1902, khi dân cư tập trung sinh sống ở vùng đất này. Vì thế, khi những người Công Giáo đầu tiên đến đây sinh sống và hình thành nên họ đạo với tên gọi là họ đạo Mỹ Tho, cũng hàm ý rằng: một họ đạo được hình thành trên vùng đất xinh đẹp hữu tình từ địa lý cho đến con người, cũng như sự phồn thịnh gắn liền với đời sống văn hóa chính trị, thương mại đang phát triển.

Cho nên không phải ngẫu nhiên, khi Tòa Thánh đặt họ đạo Mỹ Tho làm nhà thờ Chánh Tòa Giáo phận Mỹ Tho, lại lấy tước hiệu: Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tước hiệu này diễn tả vẻ đẹp của Mẹ Maria, như lời bài hát: Mẹ Tuyệt Mỹ của linh mục Nhạc sĩ Kim Long: Mẹ tuyệt mỹ không hề vấn vương tội tình, diễm lệ như ánh bình minh. Mẹ hoàn toàn trong sạch tinh khiết như muôn hoa tươi xinh.

Gọi là nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho, vì trong ngôi thánh đường này có đặt ngai tòa của Đức Giám mục Giáo phận Mỹ Tho. Nhưng hai từ Mỹ Tho gắn với nhà thờ, còn chứa đựng trong đó lời nhắc nhớ và mời gọi anh chị em giáo dân, sống một cuộc đời thật đẹp, thật hữu ích. Đẹp từ lối sống cho đến suy nghĩ, hữu ích từ tư duy cho đến việc làm.

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho


[1] Kỷ Yếu 50 năm Giáo Phận Mỹ Tho, p.68
[2] Ibid, p.66

[3] X. Mỹ Tho Xưa (1861-1945)

[4] X. Wikipedia