23/07/2019
1546
Nét Văn Hóa trong tên gọi Một số Nhà Thờ Trong Giáo phận Mỹ Tho-Nhà thờ Bắc Hòa



















 

NÉT VĂN HÓA

TRONG TÊN GỌI MỘT SỐ NHÀ THỜ GIÁO PHẬN MỸ THO

 

Nhà Thờ Bắc Hòa

 

Năm 1954, cha Đaminh Đinh Duy Khiêm cùng với một số đông giáo dân từ miền Bắc di cư vào miền Nam định cư tại Bình Đại, An Hóa nay là Bến Tre. Sau thời gian hơn 4 năm, nhận thấy đời sống giáo dân không bảo đảm, cha cùng với một số người đại diện giáo dân đi vào vùng Đồng Tháp Mười để thăm dò tìm đất lập Dinh Điền vào tháng 5 năm 1958.

Từ Cai Lậy tới Kiến Bình đi dọc theo Kinh Dương Văn Dương khoảng 40 km là gặp ngã tư Kinh Quận, rẽ phải là đi Mộc Hóa (Kiến Tường) khoảng 3km gặp ngã tư cắt qua Kinh 7 mét phía tay phải. Đây là điểm đầu tiên được chọn làm trung tâm của xứ đạo, là vùng còn hoang hóa, rộng mênh mông, bát ngát, cánh đồng chỉ toàn lau sậy, cỏ đế, cỏ lăn, cỏ lác, cỏ mồm. Đây là địa hạt thuộc xã Nhơn Hòa, Kiến Bình, Kiến Tường. Cha đã lấy tên là dinh điền Nhơn Hòa và tới năm 1962 đổi tên là Bắc Hòa (Bắc: là người miền Bắc, Hòa: hòa hợp để sống hòa thuận, hay người miền Bắc ở xã Nhơn Hòa).

Những ngày tiếp theo sau là những ngày nhộn nhịp tấp nập với ghe xuồng, chở đồ đạc, vật liệu cùng với những người lớn khỏe mạnh đi trước để dựng trại, và tới mùa hè 1959, toàn bộ nhà thờ, trường học được tháo dỡ hết đưa về Bắc Hòa, và mọi người chính thức di chuyển về trại mới.[1]

Trong tiểu luận: Bắc di cư: Dân Công giáo tị nạn từ miền Bắc và vai trò của họ tại Việt Nam Cộng Hòa, 1954-1959, tác giả Peter Hansen [2] viết: Người Công giáo tại miền Bắc bắt đầu di cư về các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng trước khi Hiệp định Genève được công bố, khi quân đội Pháp rút khỏi các giáo xứ Bùi Chu, Phát Diệm để củng cố hành lang Hà Nội - Hải Phòng sau thất bại tại Điện Biên Phủ. Khi Hiệp định Genève được công bố, nhiều người dân miền Bắc bắt đầu di cư vào Nam.[3]

Không chỉ giáo xứ Bắc Hòa không mà thôi, mà còn rất nhiều những giáo xứ khác trong và ngoài Giáo phận Mỹ Tho, đang hiện diện ở các Giáo phận miền Nam, đã từng tham dự vào dòng người di cư Bắc Nam, sau khi hiệp định Genève được ký vào ngày 20.07.1954. Dòng chảy di cư của ngày xa xưa ấy, có đến hơn 80% là người Công giáo.

Điều dễ nhận thấy ở người Công giáo sau khi di cư vào Nam, đó là tên gọi của giáo xứ. Khuynh hướng chung và phần lớn, tên gọi này được lấy lại từ tên gọi cũ ở miền Bắc, chẳng hạn như: giáo xứ Hà Nội, giáo xứ Kẻ Sặt, giáo xứ Bùi Chu, giáo xứ Phát Diệm, giáo xứ Lạng Sơn… Điều muốn nói ở đây là tên gọi giáo xứ Bắc Hòa, cũng như một vài tên gọi nơi một số giáo xứ khác sau khi định cư trong Nam, đã lấy tên địa phương mà đặt cho giáo xứ của mình. Bắc Hòa: Là người miền Bắc, Hòa: Hòa hợp để sống hòa thuận, hay người miền Bắc ở xã Nhơn Hòa.

Từ trong tên gọi Bắc Hòa, diễn tả những tâm tư và khát vọng sâu kín. Tâm tư đó là: Người giáo dân Bắc Hòa từng là một phần lịch sử của cuộc di dân Bắc Nam thuở nào. Khát vọng đó là: Chúng tôi luôn yêu chuộng hòa bình, và giờ đây đã hòa nhập, hội nhập vào môi trường mới với tâm thế xây dựng hòa bình và chung sống hòa thuận với nhau: hòa thuận với thiên nhiên, với con người và với chính mình.

Trong Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 01.01.2019 vừa qua. Đức Thánh Cha viết: Trao tặng hòa bình là điều ở trọng tâm sứ mạng các môn đệ của Chúa Kitô. Và món quà này được gửi đến tất cả những người nam nữ đang khao khát hòa bình giữa những thảm trạng và bạo lực trong lịch sử nhân loại. Nhà mà Chúa Giêsu nói, chính là mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, mỗi quốc gia, mỗi đại lục, với những đặc thù và lịch sử của họ; trước tiên đó là mỗi người, không phân biệt cũng chẳng kỳ thị...[4]

Dừng lại đôi phút, để nhìn lại, đọc lại lịch sử hình thành nhà thờ giáo xứ Bắc Hòa, không chỉ là lịch sử hình thành, không chỉ là những giai đoạn xây dựng phát triển, không chỉ là những cơ cấu tổ chức giáo xứ… mà còn ẩn giấu, che kín trong đó vẻ đẹp văn hóa kiến tạo hòa bình, đã trở thành máu thịt của người dân Bắc Hòa.

Ước mong nét đẹp văn hóa này, đừng bao giờ chìm vào quên lãng, trái lại luôn được duy trì, vun đắp, xây dừng mỗi ngày, không chỉ ở Bắc Hòa không mà thôi, mà còn nơi đời sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Như lời khuyên của thánh Têrêsa Calcutta: Bạn có thể làm gì để xây dựng hòa bình thế giới? Hãy về nhà và yêu thương gia đình của mình.

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho


[1] Kỷ Yếu 50 năm Giáo Phận Mỹ Tho, p.125
[2] Peter Hansen, có tên Việt Nam là Hàn Sơn Thạch, nguyên là một luật sư, đã có thời gian làm việc thiện nguyện tại một số trại tỵ nạn Hồng Kông và Philippinnes trong những năm đầu thập niên 90, nơi ông làm quen với cộng đồng Việt Nam và từ đó dẫn đến việc đam mê nghiên cứu tìm hiểu các vấn đề Việt Nam và châu Á. Trở về Úc, ông từ bỏ nghề luật sư để vào tu viện và thụ phong chức linh mục Công giáo năm 1996. Peter Hansen tốt nghiệp MA tại Đại học Monash, Tiến sĩ thần học về lịch sử Giáo hội tại Đại học Melbourne.

[3] Peter Hansen (2009). “Bac Di Cu: Catholic Refugees from the North of Vietnam, and Their Role in the Southern Republic, 1954–1959”, Journal of Vietnamese Studies, Vol.4, No.3, pp. 173-211.

[4]Sứ Điệp của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới 01.01.2019, số 1