06/09/2019
4888
Giáo dục các đức tính nhân bản cho thanh thiếu niên bằng những câu chuyện_Lễ phép
















 

GIÁO DỤC CÁC ĐỨC TÍNH NHÂN BẢN CHO THANH THIẾU NIÊN

BẰNG NHỮNG CÂU CHUYỆN

LỄ PHÉP

 

1. Lời Chúa

Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. (Cl 3,20)

Thánh Phaolô trong thư gởi cộng đoàn tín hữu Côlôxê, ngài đã khuyên các Kitô hữu, cách riêng là những người con cần có thái độ vâng phục cha mẹ, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Vâng phục diễn tả người được giáo dục về sự lễ phép.

2. Lễ phép là gì?

Lễ phép là phương cách cư xử đúng chuẩn mực đối với người khác. Vài bài học lễ phép tiêu biểu thường được áp dụng sau đây:

- Biết dạ thưa: Một người dưới nói chuyện với một người trên bao giờ cũng bắt đầu bằng dạ thưa. Khi được người trên gọi thì phải trả lời dạ và khi được sai bảo thì phải trả lời vâng. Không bao giờ câu trả lời hay OK.

- Nói lời cám ơn: Người nhỏ đối với người trên khi nhận quà, hay làm ơn bất cứ điều gì, cũng phải khoanh tay cúi đầu và nói cám ơn.

- Vâng lời cha mẹ, ông bà, thầy cô: Ở nhà phải vâng lời cha mẹ, ông bà. Ở trường phải vâng lời thầy cô. Nguyên tắc này rất quan trọng và được xem như bổn phận của một người con trong trật tự gia đình và học sinh nơi trường học.

- Thái độ kính trọng người trên: Sự kính trọng đối với người lớn tuổi hay người trên được tục ngữ Việt Nam nói đến: Kính lão đắc thọ. Bề trên ở đây không chỉ là người lớn tuổi, mà bề trên còn hàm ý là đấng bậc sinh thành dưỡng dục, những người có trách nhiệm hướng dẫn, dạy dỗ, những người đạo đức.

Cách đặc biệt đối với thanh thiếu niên công giáo, ngoài thái độ kính trọng người trên còn phải kèm theo sự vâng phục đối với những người hướng dẫn đời sống tâm linh, tinh thần cho mình, đó là: Đức Thánh Cha, Đức Giám mục, linh mục. Ngoài ra còn phải có thái độ kính trọng các tu sĩ, những chức sắc, những nhà tu hành.

- Biết xin lỗi: Biết xin lỗi thể hiện sự tế nhị và quan tâm đến người khác, cũng như một hình thức rèn luyện tính khiêm nhường cho chính bản thân mình. Xin lỗi mỗi khi sai lỗi, xin lỗi mỗi khi muốn bắt đầu trao đổi một điều gì đó, xin lỗi mỗi khi bản thân thiếu xót…

- Thật thà, không nói dối: Thật thà đối với bề trên, thật thà đối với gia đình, với thầy cô, với bạn bè là bước thể hiện đầu tiên của một người tốt, có đức hạnh, có giáo dục.

- Biết chào hỏi khi gặp người khác: Chào hỏi đúng cách là một nghệ thuật trong cách cư xử của người Việt Nam, và là cánh cửa, là hành vi đầu tiên dẫn đưa một người tương tác với xã hội. Một người có được sự kính trọng của người khác hay không bắt nguồn từ điểm này.

- Một vài thí dụ về các hành vi lễ phép có thể được diễn tả sau đây:

- Trong gia đình, trẻ em phải biết biết kính trên nhường dưới: dâng ông tách trà, dâng bà chén nước, giúp mẹ làm việc nhà, biết giữ yên lặng khi cần thiết cho mọi người nghỉ ngơi, không mở cửa mạnh tay, không nghịch phá lúc anh chị đang học…

- Với trường hợp khi có khách đến nhà: trẻ em phải biết chào hỏi, biết rót nước mời khách. Khi khách nói chuyện, trẻ em không ngắt ngang lời khách, không được xen vào chuyện của người trên.

Nếu có lễ phép, thì chúng ta mới có thể có được chỗ đứng trong xã hội. Ai cũng rất vui mừng khi có người khác chào hỏi mình. Cũng thế, nếu như chúng ta chịu chủ động đến chào hỏi người khác, thì người khác cũng sẽ vui mừng như vậy. Một đứa trẻ nếu như từ nhỏ vô cùng có lễ phép, thì cuộc đời của nó sẽ có được rất nhiều sự trợ giúp, sức mạnh giúp đỡ, yêu thương của nhiều người.

Trái lại, một đứa trẻ nếu như từ nhỏ vô lễ, thì cuộc đời của nó không chỉ không có tăng thêm sự trợ giúp, mà còn tăng thêm rất nhiều trở lực, chướng ngại. Bởi vì lúc nhỏ, đứa trẻ thường hay thất lễ. Đối tượng mà đứa trẻ thất lễ nếu như không có tu dưỡng, thì sẽ luôn luôn nghĩ cách muốn kiếm chuyện với nó, muốn chướng ngại cho nó. Cho nên có lễ phép sẽ giúp ích rất lớn đối với đời sống.

Với ý nghĩa và nội dung của lễ phép, thì hẳn lễ phép không phải là những quy tắc hành xử bề ngoài, mà là một trong những phương cách để rèn luyện trở thành người tốt, có đức hạnh. Hành xử cách lễ phép, rõ ràng là phương tiện để giúp một người trở nên tốt và có nhân đức. Bởi thế, lễ phép là điều cần học và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày. Còn hơn thế nữa, lễ phép phải đi đầu trong mọi suy nghĩ, giao tiếp, sinh hoạt, đó gọi là: Tiên học lễ, hậu học văn.

3. Câu chuyện minh họa:

21g00, khi đang ngồi ở cửa hàng gà rán cùng con gái. Tôi gặp những cậu bé này... Thật sự những cậu bé vô gia cư trên khắp nước Việt Nam này không có gì lạ lẫm. Nhưng tôi phải sững sờ khi 1 trong số những cậu bé đó chạy thật nhanh đến bàn bên cạnh tôi khi vị khách vừa rời đi, nhặt vội miếng gà còn sót lại đứng ăn ngon lành. Mọi thứ diễn ra chóng vánh khiến tâm tư tôi như bấn loạn. Cảm giác xót xa khó tả.

Tôi bắt chuyện với 1 cậu bé đang đứng gần tôi nhất. Này nhóc ơi! Con nhà ở đâu? Cậu bé đáp thật to và nhanh như sợ bị cướp lời: Nhà con ở gần trường cấp 2.

Sát bên là 1 cậu bé trắng trẻo nhìn khuôn mặt sáng và khôn lanh nhất. Đôi mắt có chút buồn, và vẫn giữ được nét ngoan hiền trên gương mặt, tay huých nhẹ vào bạn nhắc nhở: Nói chuyện với người lớn mà nạt nộ vậy hả? Nói nhẹ nhàng lịch sự thôi.

Tôi khẽ cười hỏi lại cậu bé:

- Con nói như thế nào thì là nhẹ nhàng? Con nói dạ nhà con ở gần trường cấp 2.

- Ừ ngoan, cô còn phần khoai tây này con muốn ăn không? Dạ có! Con cảm ơn cô...

Rồi cậu bé mang phần ăn chạy thật nhanh qua bàn bên cạnh...

Tôi không dám bàn luận về sự lễ phép, hay thiếu giáo dục của các trẻ bụi đời. Thật sự không biết nói gì hơn nữa... Làm cha mẹ, làm ơn đừng bao giờ để con cái phải có tuổi thơ tủi nhục. Đừng bao giờ để con tìm niềm vui nơi tận đáy của xã hội, có được hay không?

Ban Văn hóa Giáo dục – Giáo phận Mỹ Tho