24/09/2019
2144
Chương trình đọc kinh tối cầu nguyện cho việc Truyền Giáo trong gia đình_Tuần I

LỜI GIỚI THIỆU

 

Theo định hướng chung của Hội Thánh toàn cầu về tháng 10 – tháng đặc biệt truyền giáo, Ban Truyền giáo của Giáo phận Mỹ Tho biên soạn tài liệu này để đồng hành và thúc đẩy việc truyền giáo trong địa bàn Giáo Phận.

Xin các cha, các tu sĩ, chủng sinh và tất cả anh chị em giáo dân tích cực đón nhận và thực hiện những đề nghị được gợi ý trong tài liệu này, để chúng ta sống đúng với tư cách Kitô hữu là “người được rửa tội và sai đi”, đồng thời góp phần vào sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh.

 

Ngày 4 tháng 9 năm 2019

                   (Đã ký)

+ Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Giám mục Giáo phận Mỹ Tho

 

 

 

LỜI MỞ ĐẦU

Chúa Giêsu trước khi về trời đã giao phó nhiệm vụ truyền giáo cho Hội Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 15,15-16). Song song với lệnh truyền đó, Chúa Giêsu còn dạy chúng ta: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Lc 10,2). Từ đó đến nay Hội Thánh luôn ý thức và thực thi sứ mạng đó. Trong dòng lịch sử của Hội Thánh, các Đức Thánh Cha đã ra nhiều thông điệp, tông thư, sắc lệnh để chỉ dạy cũng như hướng dẫn thực thi lệnh truyền của Thầy Giêsu Chí Thánh.

Một cách đặc biệt vào Tháng Mười năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề nghị là Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo nhân dịp kỷ niệm 100 năm Đức Thánh Cha Bênêđictô XV ban hành Tông thư Maximum Illud (Sứ vụ cao cả) nói về việc truyền bá đức tin trên khắp thế giới. (1919-2019). Ngài đã gởi một sứ điệp nhân ngày thế giới truyền giáo lần thứ 93 cho Dân Chúa với chủ đề: được rửa tội và được sai đi: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”.

Để chuẩn bị và sống tháng đặc biệt truyền giáo, tháng 10 năm 2019. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra 4 chiều kích để thực hiện, trong đó Đức Thánh Cha mời gọi các thành phần Dân Chúa hãy kết hợp với Chúa Kitô qua đời sống cầu nguyện cá nhân và cộng đoàn.

Nhằm giúp các gia đình có thể cầu nguyện, ý thức và đào sâu sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh theo lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng tôi mạo muội biên soạn lại tập tài liệu mà chúng tôi đã biên soạn vào năm 2014 dịp Hội đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi thực thi việc Tân Phúc Âm hóa gồm các bài suy niệm được trích dẫn từ các giáo huấn của Hội Thánh về truyền giáo và những lời cầu nguyện để dùng vào giờ kinh tối trong gia đình.

 

Nhóm Biên Tập

 

 

 

 

CHƯƠNG TRÌNH ĐỌC KINH TỐI

CẦU NGUYỆN CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO

TRONG GIA ĐÌNH

 

Xin đề nghị giờ kinh tối trong gia đình như sau:

 

1. Các kinh khai mạc:

- Dấu Thánh Giá.

- Hát: Kinh Chúa Thánh Thần

- Ba kinh: Tin- Cậy- Mến

- Kinh Tin Kính

2. Lần chuỗi Mân Côi hoặc chuỗi Lòng Thương Xót

(Có thể thay đổi chuỗi Mân Côi hoặc chuỗi Lòng Thương Xót và có thể đọc hết chuỗi hoặc10 kinh, 20 kinh… tùy thời gian)

3. Lắng nghe Lời Chúa

- Suy niệm và cầu nguyện

- Đọc kinh cầu cho việc truyền giáo

4. Kết thúc

- Kinh Ăn năn tội.

- Kinh phó dâng

- Kinh cám ơn - Trông cậy

- Hát: Bài hát về Đức Mẹ

 

 

CẦU NGUYỆN

CHO VIỆC TRUYỀN GIÁO

 

TUẦN 1

CHÚA NHẬT

TẠI SAO PHẢI TRUYỀN GIÁO?

 

Lắng nghe Lời Chúa: Ep 3,1-10

Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Êphêsô

Tôi, Phaolô, người tù của Đức Kitô Giêsu vì anh em, những người dân ngoại. Hẳn anh em đã được nghe biết về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô như tôi vừa trình bày vắn tắt trên đây. Anh em đọc thì có thể thấy rõ tôi am hiểu mầu nhiệm Đức Kitô thế nào. Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Người. Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa. Tôi đã trở nên người phục vụ Tin Mừng đó, nhờ ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho tôi, khi Người thi thố quyền năng của Người. Tôi là kẻ rốt hết trong toàn thể dân thánh, thế mà Thiên Chúa đã ban cho tôi ân sủng này là loan báo cho các dân ngoại Tin Mừng về sự phong phú khôn lường của Đức Kitô, và soi sáng cho mọi người được thấy đâu là mầu nhiệm Thiên Chúa đã an bài. Mầu nhiệm này đã được giữ kín từ muôn thuở nơi Thiên Chúa là Đấng tạo thành vạn vật, để giờ đây, nhờ Hội Thánh, mọi quyền năng thượng giới được biết sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.

Suy niệm: Tại sao phải truyền giáo?

Trước khi về trời Chúa Giêsu đã ủy thác nhiệm vụ truyền giáo cho Hội Thánh. Từ đó đến nay Hội Thánh luôn ý thức và thực thi sứ mạng đó. Trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải thích lý do tại sao người Kitô hữu phải hăng say truyền giáo, chúng ta hãy lắng nghe lời giải thích của ngài:

Tại sao phải truyền giáo? Thưa bởi vì, chúng ta cũng như Thánh Phaolô “được ân sủng là để rao giảng cho dân ngoại về sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô” (Ep 3,8). Sự sống mới trong Chúa Kitô là một “Tin Mừng” cho con người nam nữ ở mọi thời đại: tất cả mọi người được kêu gọi đến sự sống mới này và được ấn định để thừa hưởng sự sống ấy. Thật vậy, tất cả mọi người đang tìm kiếm sự sống ấy, mặc dù có những lúc tìm kiếm bằng một đường lối lầm lẫn, và mọi người đều có quyền biết đến giá trị của tặng ân này, cũng như được tự do tiến đến với tặng ân ấy. Hội Thánh cũng như mọi người Kitô hữu ở trong Hội Thánh không được giữ kín hay độc quyền trên sự sống mới và trên kho tàng họ đã lãnh nhận bởi lòng lành Thiên Chúa là để thông truyền cho toàn thể loài người ấy.

Đó là lý do tại sao việc truyền giáo của Hội Thánh phát xuất chẳng những từ lệnh Chúa truyền, mà còn từ những đòi hỏi sâu xa nơi sự sống của Thiên Chúa ở trong chúng ta nữa. Những ai được tháp nhập vào Hội Thánh Công Giáo phải cảm nhận được đặc ân này, và chính vì lý do đó, họ càng buộc phải làm chứng cho đức tin cũng như cho đời sống Kitô giáo, như là một việc phục vụ anh chị em của mình và như là một đáp ứng tương xứng với Thiên Chúa. Họ luôn luôn phải nhớ rằng, “họ có được vị trí nổi nang không phải là do công lao của họ, mà là do ân sủng đặc biệt của Chúa Kitô; và nếu họ không đáp ứng ân sủng này trong tư tưởng, lời nói và việc làm, thì chẳng những họ sẽ không được cứu độ, họ còn bị phán xét nghiêm ngặt hơn nữa” (x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 11).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ủy thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân và chúng con đang cố gắng thực thi sứ mạng Chúa đã giao phó. Chúa đã cho chúng con được thừa hưởng sự sống của Chúa, xin cho chúng con biết thông truyền sự sống ấy cho mọi người để họ cũng được ơn cứu độ. Xin cho chúng con cố gắng sống trọn luật Chúa dạy là yêu mến Chúa và thương yêu mọi người để ánh sáng Tin Mừng được chiếu tỏa. Xin cho chúng con luôn biết nhiệt thành phụng sự Chúa và biết trợ giúp mọi nỗ lực tông đồ nơi cộng đoàn giáo xứ chúng con. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

-----------------------------------------------

 

TUẦN 1

THỨ HAI

ƠN GỌI LÀM KITÔ HỮU TỰ BẢN CHẤT

CŨNG LÀ ƠN GỌI LÀM TÔNG ĐỒ

 

Lắng nghe Lời Chúa: Mc 16,14-16;19-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Máccô

Sau cùng, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án".

Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

Suy niệm: Ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ

Ơn gọi căn bản của Hội Thánh là làm tông đồ, nghĩa là rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Người Kitô hữu được gia nhập vào Hội Thánh qua bí tích Rửa tội. Vì thế ơn gọi của người Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Người Kitô hữu thực thi ơn gọi này bằng chính cuộc sống thường ngày trong môi trường xã hội hôm nay như men trong bột. Chúng ta hãy nghe lời dạy của các nghị phụ trong sắc lệnh Tông đồ Giáo dân:

Hội Thánh được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha: tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi, để rồi nhờ họ, toàn thể vũ trụ thực sự được qui hướng về Chúa Kitô. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể hướng về mục đích này gọi là việc tông đồ, công việc mà Hội Thánh thực hiện nhờ tất cả các chi thể, tùy theo những cách thức khác nhau. Thật ra ơn gọi làm Kitô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ. Cũng như toàn bộ một cơ thể sống động, không chi thể nào hoàn toàn thụ động, nhưng cũng tham dự vào đời sống và công việc của toàn thân. Cũng thế, trong Nhiệm Thể Chúa Kitô tức là Hội Thánh, toàn thân tùy theo công dụng khả năng từng phần tử khiến thân thể này gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau (x. Ep 4,16), đến nỗi chi thể nào không hoạt động đúng tầm mức của mình trong việc tăng triển toàn thân đều bị coi là vô dụng đối với Hội Thánh cũng như với chính mình.

Trong Hội Thánh có nhiều tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ mệnh. Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông đồ và những người kế vị các ngài nhiệm vụ nhân danh và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn phần giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào nhiệm vụ tư tế, tiên tri và vương đế của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân. Thiên Chúa trong Hội Thánh và ở giữa trần gian. Giáo dân thực sự thi hành việc tông đồ bằng công việc của mình để rao giảng Phúc Âm và thánh hóa nhân loại, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhuần và hoàn hảo hóa những việc thuộc phạm vi trần thế, sao cho công việc của họ thuộc lãnh vực này làm chứng tỏ tường về Chúa Kitô và góp phần vào việc cứu độ nhân loại. Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột (x. Cđ. Vaticanô II, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 2).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, trong những giây phút cuối cùng trước khi từ giã thế gian để trở về cùng Chúa Cha, Chúa đã trao cho các Tông đồ, là cộng đoàn Hội Thánh ban đầu, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Cứu độ của Chúa. Chúng con tin rằng đó là lệnh truyền cuối cùng của Chúa, phát xuất từ nỗi thao thức sâu sắc nhất, vì những lời ấy được thốt ra trong những giây phút chia tay các môn đệ. Mỗi người chúng con đây là những thành viên của Hội Thánh , nhưng bấy lâu nay chúng con rất thờ ơ với nỗi thao thức của Chúa. Chúng con chỉ giữ đạo cho bản thân mình, coi việc truyền giáo là nhiệm vụ của các giáo sĩ và tu sĩ. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con từ nay biết chia sẻ với nỗi thao thức cứu độ của Chúa, cố gắng giúp cho nhiều người nhận biết và tin vào Chúa, nhờ đó họ cũng được thông phần trong niềm vui cứu độ. Amen.

 

TUẦN 1

THỨ BA

ƯU TIÊN CHO VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG

 

Lắng nghe Lời Chúa: Cl 1,24-29

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côlôsê

Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa. Người đã muốn cho họ được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang. Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi.

Suy niệm: Ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2012 đã một lần nữa nhấn mạnh đến việc ưu tiên loan báo Tin Mừng. Ngay cả không bao giờ được gạt mối quan tâm loan báo Tin Mừng ra khỏi mọi hoạt động của Hội Thánh. Chúng ta hãy lắng nghe lời dạy của ngài:

Sứ mạng đến với muôn dân phải là chân trời thường xuyên và là khuôn mẫu của mọi hoạt động của Hội Thánh. Bởi vì chính căn tính của Hội Thánh được hình thành nhờ niềm tin vào Mầu Nhiệm của Thiên Chúa được Chúa Kitô mạc khải, để mang lại cho chúng ta ơn cứu độ và nhờ sứ mạng làm chứng cho Ngài và loan báo Ngài cho thế giới cho đến khi Ngài lại đến. Như Thánh Phaolô, chúng ta phải để ý đến những người đang còn ở xa, những người vẫn còn chưa biết Chúa Kitô và vẫn còn chưa cảm nghiệm được tình phụ tử của Thiên Chúa, ý thức rõ rằng “sự cộng tác được mở rộng ngày nay khi mang lấy những hình thức mới, mà bao hàm không chỉ việc trợ giúp kinh tế nhưng còn cả việc tham dự trực tiếp vào việc Phúc Âm hóa” (x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 82).

Mối quan tâm loan báo Đức Kitô cũng thúc đẩy chúng ta đọc lịch sử để từ đó nhận ra những vấn đề, những khát vọng và hi vọng của nhân loại mà Đức Kitô phải chữa lành, thanh tẩy và kiện toàn bằng sự hiện diện của Người. Vì vậy mọi thành phần trong Hội Thánh phải ý thức rằng “các chân trời bao la của sứ mạng Hội Thánh và tình hình phức tạp hiện nay đòi hỏi những phương thức mới để có thể truyền đạt hiệu quả Lời Thiên Chúa” (x. Bênêđictô XVI, Tông huấn hậu THĐGM, Lời Chúa, số 97). Điều này trước hết đòi hỏi phải gắn bó với Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô bằng đức tin được canh tân nơi mỗi cá nhân cũng như các cộng đoàn “lúc nhân loại đang sống giữa những thay đổi sâu xa như hiện nay” (x. Tông thư Cánh cửa Đức Tin, số 8).

Thực vậy, một trong các trở ngại cho việc đẩy mạnh hoạt động rao giảng Tin Mừng chính là cơn khủng hoảng đức tin, không chỉ của thế giới phương Tây, mà của phần lớn nhân loại; họ cũng đói khát Thiên Chúa và phải được mời gọi và dẫn đưa tới bánh sự sống và nước hằng sống, như người phụ nữ Samaria đến giếng Giacóp và nói chuyện với Đức Kitô. Như tác giả Tin Mừng Gioan đã kể lại, câu chuyện về người phụ nữ này có một ý nghĩa đặc biệt (x. Ga 4,1-30): bà gặp Chúa Giêsu, Người xin bà nước uống, nhưng sau đó Người nói về một thứ nước mới, có khả năng làm cho bà không bao giờ còn khát nữa. Thoạt đầu bà không hiểu, bà vẫn dừng lại trên bình diện vật chất, nhưng dần dần bà được Chúa dẫn đi trên con đường đức tin giúp bà nhận ra Người chính là Đấng Mêsia. Về điểm này, Thánh Augustinô quả quyết: “Sau khi đã đón nhận Chúa Kitô vào tâm hồn mình, người phụ nữ này còn có thể làm gì khác hơn là bỏ lại thùng nước ở đó để chạy đi loan báo Tin Mừng?” (Bài giảng 15,30). Một khi gặp được Đức Kitô hằng sống, là Đấng làm thỏa cơn khát của trái tim, người ta không thể không mong muốn chia sẻ với người khác niềm vui có Đức Kitô đang hiện diện và giúp họ nhận ra Người để tất cả đều cảm nghiệm được sự hiện diện ấy… Không bao giờ được gạt mối quan tâm loan báo Tin Mừng ra khỏi mọi hoạt động của Hội Thánh cũng như đời sống cá nhân của người Kitô hữu, nhưng phải ý thức rõ mình là đối tượng đón nhận Tin Mừng, đồng thời cũng là những thừa sai của Tin Mừng… (x. Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo năm 2012).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con noi gương thánh Phaolô, vị tông đồ được Chúa kêu gọi đem Tin Mừng cho dân ngoại. Xin cho chúng con biết chấp nhận mọi đau khổ, mọi gian nan thử thách nhất là những đau khổ và gian nan thử thách trong cuộc hành trình đem Tin Mừng Chúa đến cho mọi người. Xin giúp chúng con hăng say thi hành lệnh truyền của Chúa, dám hy sinh thời giờ và công sức để mọi người ở khắp nơi nhận biết Tin Mừng yêu thương cứu độ của Chúa. Amen.

 

TUẦN 1

THỨ TƯ

TRUYỀN GIÁO LÀ LÀM CHỨNG CHÂN THẬT CHO CHÚA

 

Lắng nghe Lời Chúa: Ep 4,17-25

Lời Chúa trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Êphêsô

Vậy đây là điều tôi nói với anh em, và có Chúa chứng giám, tôi khuyên anh em: đừng ăn ở như dân ngoại nữa, vì họ sống theo những tư tưởng phù phiếm của họ. Tâm trí họ đã ra tối tăm, họ xa lạ với sự sống Thiên Chúa ban, vì lòng chai dạ đá khiến họ trở nên dốt nát. Họ đã mất ý thức nên đã buông thả, sống phóng đãng đến mức làm mọi thứ ô uế cách vô độ. Còn anh em, anh em đã chẳng học biết về Đức Kitô như vậy đâu; ấy là nếu anh em đã được nghe nói về Đức Giêsu và được dạy dỗ theo tinh thần của Người, đúng như sự thật ở nơi Đức Giêsu. Vì thế, anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện. Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau.

Suy niệm: Truyền giáo là làm chứng chân thật cho Chúa

Truyền giáo là làm chứng chân thật cho Chúa, thể hiện qua việc giữ và sống những điều mình tin. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong tông huấn Loan báo Tin Mừng như sau:“Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy và nếu người ta cần thầy dạy thì thầy dạy đó cũng là chứng nhân”. Những lời giáo huấn sau đây giúp chúng ta hiểu rõ về việc làm chứng chân thật cho Chúa:

Giờ đây, chúng ta nhìn đến chính bản thân người rao giảng Tin Mừng. Thời nay, người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng thế kỷ này thèm khát sự chân thực. Nhất là đối với giới trẻ, người ta nói rằng họ ghê tởm sự giả trá, ngụy tạo và trên hết mọi sự họ tìm kiếm sự thật, sự trong suốt.

Những “thời điểm này” phải làm cho chúng ta tỉnh thức. Người ta vẫn luôn luôn đặt câu hỏi cách âm thầm hay lớn tiếng: “Anh có thực sự tin điều anh loan truyền không? Anh có sống điều anh tin không? Anh có thực sự rao giảng điều anh sống không? Hơn bao giờ hết, cái chứng tích đời sống đã trở nên một điều kiện thiết yếu cho hiệu quả thâm sâu của việc rao giảng. Chính vì thế, chúng ta đây, trong một mức độ nào đó, đều có trách nhiệm về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta loan truyền.

Ngay ở đầu bài suy niệm này, ta đã tự hỏi: “Mười năm sau khi công đồng kết thúc, Hội Thánh hiện như thế nào? Hội Thánh có cắm neo giữa lòng thế giới chưa? Hội Thánh có khá tự do và độc lập để ngỏ lời với thế giới không? Hội Thánh có làm chứng cho sự liên đới giữa người với người và đồng thời làm chứng cho Thiên Chúa Tuyệt Đối không? Hội Thánh có hăng say hơn trong việc chiêm niệm và thờ lạy, có nhiệt thành hơn trong việc truyền giáo, bác ái và giải phóng không? Hội Thánh có càng ngày càng dấn thân vào các nỗ lực nhằm tái lập sự hợp nhất hoàn toàn giữa các Kitô hữu không, vì chính sự hiệp nhất này sẽ là một chứng tá hiệu nghiệm “để thế giới tin” (Ga 17,21). Tất cả chúng ta có trách nhiệm trả lời những câu hỏi này. (x. Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 76)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ chúng con, Chúa đã dạy chúng con phải biết làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Nhưng nhiều lần đức tin chúng con còn non yếu, chưa sống đúng với những điều Chúa dạy. Xin Chúa tha thứ những thiếu sót của chúng con. Xin củng cố lòng tin nơi chúng con, và ban cho chúng con ơn can đảm, để lời nói và việc làm của chúng con trở thành lời rao giảng chân thật cho Tin Mừng, nhờ đó ngày càng có nhiều người tin nhận Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian. Amen.

 

TUẦN 1

THỨ NĂM

TRUYỀN GIÁO LÀ TIẾP TỤC KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

 

Lắng nghe Lời Chúa: Ga 20,19-21

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."

Suy niệm: Truyền giáo là tiếp tục kế hoch của Thiên Chúa

Thiên Chúa tạo dựng con người để con người được hiệp thông với Thiên Chúa trong niềm vui và hạnh phúc. Nhưng con người đã đánh mất hồng ân cao quý đó khi phạm tội phản nghịch lại Thiên Chúa. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn không ngừng yêu thương thực thi chương trình cứu độ con người. Mọi tín hữu đều được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào chương trình cứu độ của Ngài. Lời mời gọi này được Hội Thánh nhắc lại trong hiến chế Tín lý về Giáo Hội như sau:

Chúa Cha đã sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông đồ như vậy (Ga 20,21) khi Người phán: “Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, lệnh mà Chúa Kitô long trọng truyền giảng chân lý cứu rỗi, Hội Thánh đã nhận lãnh từ các Tông đồ để chu toàn khắp cõi đất (Cv 1,8).

Vì thế, Hội Thánh không ngừng tiếp tục việc rao giảng Phúc Âm. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Hội Thánh cộng tác với Ngài để hoàn thành trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới. Bằng việc rao giảng Phúc Âm, Hội Thánh sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Thánh tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhận họ vào thân thể Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi trong Người cho đến khi đạt tới viên mãn” (x. Cđ. Vaticanô II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội, số17).

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, dù con người buông mình theo tội lỗi và xa lìa Chúa, Chúa không bỏ mặc con người, nhưng vẫn kiên trì tiếp tục kế hoạch yêu thương bằng cách sai các ngôn sứ đến dạy bảo và từng bước chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế. Khi thời gian tới lúc viên mãn, Chúa đã sai chính Con Một yêu dấu đến hoàn tất công trình cứu độ, bằng cách hiến thân chuộc tội cho nhân loại và dạy cho con người biết Tin Mừng cứu độ của Chúa. Trước khi kết thúc cuộc đời trần thế, Người đã trao cho Hội Thánh nhiệm vụ tiếp nối việc loan báo Tin Mừng yêu thương. Xin Chúa cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, hầu mọi người được hưởng ơn cứu độ như lòng Chúa mong ước. Amen.

 

TUẦN 1

THỨ SÁU

TRUYỀN GIÁO LÀ LOAN BÁO SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA KITÔ

BẰNG LỜI NÓI, VIỆC LÀM VÀ NHẰM CHUYỂN THÔNG ÂN SỦNG

 

Lắng nghe Lời Chúa: 1Pr 2,11-12

Lời Chúa trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ

Anh em thân mến, anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn. Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm.

Suy niệm: Truyền giáo là loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng

Ngôi Lời đã nhập thể, mang lấy xác phàm và sống giữa trần gian để thi ân giáng phúc cho con người, để con người có thể nhìn thấy được cuộc sống của Ngài và nghe được những lời Ngài rao giảng. Chính chứng tá của đời sống Kitô hữu, những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên và cùng với việc loan báo Tin Mừng có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa. Giáo huấn của Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã dạy:

Sứ mệnh của Hội Thánh nhằm cứu độ con người, sự cứu độ thành đạt được nhờ đức tin vào Chúa Kitô và nhờ ân sủng Người. Vậy việc tông đồ của Hội Thánh và của tất cả các chi thể trong Hội Thánh trước hết nhằm loan báo sứ điệp của Chúa Kitô bằng lời nói, việc làm và nhằm chuyển thông ân sủng của Người cho trần gian. Công việc này được thực hiện chính là do tác vụ giảng lời Chúa và ban các bí tích, đặc biệt được trao phó cho hàng giáo sĩ, trong tác vụ đó, cả giáo dân cũng phải hoàn tất phần quan trọng của mình để trở nên "những kẻ hợp tác với chân lý" (3Ga 8). Nhất là trong lãnh vực này, việc tông đồ giáo dân và tác vụ chủ chăn bổ túc cho nhau.

Người giáo dân có rất nhiều cơ hội làm việc tông đồ: rao giảng Phúc Âm và thánh hóa. Chính chứng tá của đời sống Kitô và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: "Sự sáng các con phải soi trước mắt người ta, như vậy để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5,16).

Tuy nhiên việc tông đồ này không chỉ ở tại việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ đến đức tin, hoặc cho các tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn "vì tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta" (2 Cr 5,14) và trong lòng mọi người phải âm vang lời Thánh Tông đồ: "Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Cr 9,16) (x. Cđ. Vaticanô II, Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 6).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, rất nhiều người chưa biết Chúa đang sống xung quanh chúng con và hằng ngày chúng con đều gặp gỡ và tiếp xúc với họ. Chúng con ý thức rằng mỗi lời nói, thái độ, hành vi và cách xử sự của chúng con, đều ảnh hưởng đến cách nhìn của họ đối với Đạo Chúa và Hội Thánh. Xin Chúa thương tha thứ cho chúng con nếu chúng con đã làm cho một ai trong họ thiếu thiện cảm đối với Đạo Chúa và Hội Thánh vì cách sống không tốt của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết dùng lời nói, việc làm để xử sự thật khiêm tốn, hiền hòa và nhân ái, nhờ đó chúng con có thể giới thiệu Chúa cho những người sống chung quanh chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.

 

TUẦN 1

THỨ BẢY

NGƯỜI GIÁO DÂN HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO

 

Lắng nghe Lời Chúa: Ep 5,15-20

Lời Chúa trong thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Êphêsô

Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì chúng ta đang sống những ngày đen tối. Vì thế, anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.

Suy niệm: Người giáo dân hoạt động truyền giáo

Để Tin Mừng được thấm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống nhân loại, đòi hỏi người giáo dân trước hết phải thấm nhuần Tin Mừng, mà cụ thể là nơi cách ăn nết ở của mình: Sống như người khôn ngoan, xa tránh tội lỗi và biết ca tụng Thiên Chúa. Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trong tông huấn Loan báo Tin Mừng cho thấy người tín hữu góp phần quan trọng trong việc làm chứng nhân cho Tin Mừng, bằng việc tham dự cách tích cực vào những hoạt động của cuộc sống trần thế như sau:

Với ơn gọi đặc biệt, người giáo dân sống giữa lòng đại chúng hay điều khiển những công việc trần gian khác nhau, vì thế, họ phải thực hiện một hình thức truyền giáo đặc biệt. Nhiệm vụ đầu tiên và tức thời của họ không phải là thành lập và phát triển giáo đoàn, đó là nhiệm vụ riêng của các chủ chăn, nhưng là phát huy tất cả những khả năng của Kitô giáo và Tin Mừng còn đang ẩn giấu nhưng cũng đã hiện diện và tác động trong các thực tại trần thế.

Cánh đồng dành cho hoạt động truyền giáo của giáo dân là cả một thế giới rộng rãi và phức tạp của chính trị, xã hội, kinh tế và cả văn hóa, khoa học nghệ thuật, đời sống quốc tế, những phương tiện truyền thông cũng như một số thực tại khác đang được mở rộng chờ được Phúc Âm hóa như tình yêu, gia đình, giáo dục thiếu nhi và thanh niên, nghề nghiệp, đau khổ

Càng có nhiều giáo dân thấm nhuần Tin Mừng, thấy mình có trách nhiệm về những thực tại này và thực sự dấn thân vào đó với khả năng điều động và ý thức mình phải biểu dương toàn năng lực của Kitô giáo thường bị chôn vùi và bóp nghạt, thì những thực tại này càng góp phần xây dựng nước Chúa và sự cứu rỗi trong Đức Kitô mà không đánh mất hay hy sinh giá trị nhân loại của chúng, nhưng trái lại còn biểu lộ được tính cách siêu việt thường ít người biết đến. (x. Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 70)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa đã thương chọn và sai chúng con đi làm tông đồ của Chúa giữa lòng xã hội hôm nay. Xin ban cho chúng con ơn can đảm và sức mạnh của Thánh Thần Chúa, để chúng con đủ sức ra đi, dấn thân đem Tin Mừng thấm nhuần vào mọi sinh hoạt thường ngày. Xin cho đời sống chúng con trở nên muối ướp mặn cho đời, thành ánh sáng chiếu soi trần gian, nhờ đó có thêm nhiều người tin nhận Chúa và được hưởng ơn cứu độ mà Chúa thương ban. Amen.