19/10/2019
2312
100 năm tông thư Maximum Illud và hướng tới 60 năm truyền giáo tại Giáo phận Mỹ Tho

 











 

Ban Truyền giáo – Giáo phận Mỹ Tho

(WGPMT) Chỉ còn không ít giờ nữa thôi, vào Chúa nhật ngày 20.10, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ Ngày Truyền giáo tại quảng trường thánh  Phêrô, với sự tham dự của các tham dự viên Thượng Hội đồng Giám mục Amazon.   

Trong tinh thần hiệp thông với toàn thể Hội Thánh cử hành tháng Đặc Biệt Truyền Giáo (10/2019) để mừng Kỷ niệm Bách chu niên Tông thư “Maximum Illud” của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XV về việc Truyền bá đức tin trên khắp thế giới (1919-2019), và sống sứ điệp truyền giáo 2019 với chủ đề: “Được Rửa Tội và được sai đi: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới”. Ban Truyền giáo Giáo phận Mỹ Tho đã tổ chức rất nhiều chương trình hội thảo và họp mặt khắp các giáo hạt. Đây là dịp đặc biệt để làm sống lại ơn gọi truyền giáo của Bí tích Rửa Tội; đánh thức sứ mạng truyền giáo cho muôn dân; nhắc nhớ lại trách nhiệm loan báo Tin Mừng của tất cả những ai đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội; và nhấn mạnh đến tính năng động và sứ mạng truyền giáo của Chúa Giêsu là tâm điểm và sức sống của Giáo Hội. Trong Tháng truyền giáo đặc biệt này, Đức Giám mục cũng đã mời gọi các gia đình trong  giáo phận tham gia và dấn thân vào một hành trình cầu nguyện, làm chứng và suy tư về đặc tính trung tâm của sứ vụ “đến với muôn dân” trong cuộc đời của mỗi Kitô hữu.

Cách riêng, đối với Giáo phận Mỹ Tho, năm 2020 sắp tới là dịp Giáo phận Mỹ Tho hướng đến Kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận (1960-2020) với lịch sử của những biến cố thăng trầm. Qua bài viết này, Ban Truyền giáo Giáo phận Mỹ Tho xin ôn lại vài nét về lịch sử hình thành Giáo phận và sơ lược tình hình truyền giáo của Giáo phận trong 60 năm qua.

I. Năm 2020: 60 năm thành lập Giáo phận Mỹ Tho

Giáo phận Mỹ Tho (tiếng Latinh: Dioecesis Mythoensis) gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang và hai phần ba tỉnh Đồng Tháp. Giám mục chính tòa của Giáo phận hiện nay là Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm (từ 2014).

Tài liệu truyền giáo ghi nhận, từ khi linh mục F. José Garcia (dòng Phanxicô) coi sóc vùng Chợ Quán năm 1723, ông đã cho mở rộng vùng truyền giáo xuống các tỉnh miền Tây như: Cái Mơn, Cái Nhum, Cà Hom (Thủ Ngữ), Mi-tho (Mỹ Tho), La-nung, Lan-loc, Ke-be (Cái Bè), Ruot-ngua (Ruất Ngựa), Rac-la (Rạch Lá), Rach-mieu (Rạch Miếu). Bấy giờ, những điểm truyền giáo này thuộc về Giáo phận Đàng Trong, từ năm 1844, thuộc Giáo phận Tây Đàng Trong.

Đến năm 1938, phần đất thuộc Giáo phận Mỹ Tho ngày nay (bấy giờ thuộc giáo phận Sài Gòn) có 18 giáo xứ, 61 giáo họ, 20 linh mục Việt, 2 linh mục Pháp và 16.702 giáo dân.

Ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII công bố sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, trong đó có nói đến việc thành lập 3 giáo phận mới là Mỹ Tho, Đà Lạt, và Long Xuyên. Theo sắc chỉ này, ĐTC đã nâng nhà thờ họ đạo Mỹ Tho lên thành nhà thờ Chánh tòa Mỹ Tho với tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và đặt Cha Giuse Trần Văn Thiện là Giám mục tiên khởi giáo phận.

Ngày 27 tháng 11 năm 1960, ĐTC Gioan XXIII ký Sắc chỉ Quod Venerabilis Fratres và công bố ngày 08.12.1960 chính thức thiết lập Giáo phận Mỹ Tho. Giáo phận Mỹ Tho gồm 5 tỉnh: Ðịnh Tường, Long An, Hậu Nghĩa, Gò Công, Kiến Tường (Mộc Hóa) và 2/3 tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh).

Khi thành lập, giáo phận Mỹ Tho có 39 giáo xứ, 32 nhà thờ, 54 nhà nguyện; 50.249 giáo dân, 43 linh mục, 28 đại chủng sinh học tại Giáo hoàng Học viện Piô X Ðà lạt và Ðại chủng viện Saigòn, 77 tiểu chủng sinh học ở Cần Thơ và Saigòn. Khoảng 153 tu sĩ thuộc các dòng: Sư huynh La San, Mến Thánh Giá Cái Nhum. Ðến năm 1974, Giáo phận Mỹ Tho có 186 giáo xứ và họ đạo, 71 linh mục, 78 đại chủng sinh và 63.158 giáo dân.

Sau ngày Việt Nam thống nhất, do địa giới hành chính được điều chỉnh, địa bàn Giáo phận Mỹ Tho được tính ổn định đến nay gồm các tỉnh: Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Ðồng Tháp (gồm thị xã Cao Lãnh, các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông và Tháp Mười). Đây là một vùng đất rộng lớn thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm phía tả ngạn sông Tiền: phía Đông Bắc giáp giáo phận Sàigòn và Phú Cường, phía Tây Nam giáp giáo phận Vĩnh Long và Long Xuyên. Đa số dân sinh sống bằng nông nghiệp.{C}{C}{C}[1]

Theo báo cáo mục vụ năm 2017, với diện tích 9.262 km2 và số dân khoảng 4.194.184 người, trong đó có 138.415 giáo dân (chiếm 3,3) thuộc 37.317 gia đình, Giáo phận Mỹ Tho đứng thứ 7 về số người Công giáo và thứ 11 về diện tích trong tổng số 27 giáo phận của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Qua những nét sơ lược về lịch sử hình thành, Giáo phận Mỹ Tho đang chuẩn bị đón mừng kỷ niệm 60 năm thành lập. Thật trùng hợp và là cơ hội hữu ích để trong lúc này, chúng ta có dịp nhìn lại tình hình truyền giáo của Giáo phận dưới cái nhìn của Thông thư Maximum Illud và Sứ điệp Truyền giáo của ĐTC Phanxicô "Được Rửa tội và được Sai đi"

II. Tông thư Maximum Illud và Sứ điệp Truyền giáo "Được Rửa tội và được Sai đi"

1- Cái nhìn từ Tông Thư Maximum Illud

Hai trụ cột quan trọng được Tông thư Maximum Illud nhắc đến là tư cách của người làm công tác truyền giáo và những phương thế tham gia sứ mạng truyền giáo. Đối với những người làm công tác truyền giáo, Tông thư nhấn mạnh đến khái niệm ‘bề trên truyền giáo’; tránh óc cục bộ, độc quyền và tránh tìm kiếm lợi lộc vật chất; gương thánh thiện trước giáo hữu và tấm lòng bác ái của nhà truyền giáo đối với anh chị em lương dân; vai trò của việc đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc và sự thủ đắc kiến thức đạo đời của nhà truyền giáo.

Đối với phương thế tham gia sứ mạng truyền giáo, Tông thư nhấn mạnh sự tham gia của anh chị em giáo hữu. Họ có thể góp phần mình vào công tác truyền giáo bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ, bằng việc nuôi dưỡng ơn thiên triệu và đóng góp vật chất cho công cuộc truyền giáo. Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi thành phần phải có những hành động thiết thực đối với công tác loan báo Tin Mừng, tránh tình trạng thờ ơ hoặc hô khẩu hiệu rồi không thực hiện những chương trình đã hoạch định. Công cuộc Phúc Âm hóa là sứ mạng khẩn thiết của Giáo hội trong mọi thời và mọi nơi, kể cả ngày nay. Một trăm năm trước, tông thư đã đề ra những điểm nhấn quan trọng nhằm hướng dẫn Giáo hội thi hành sứ mạng này cho có kết quả. Một trăm năm sau, đọc lại tông thư, chúng ta thấy tính ngôn sứ và thời sự của nó vẫn còn ảnh hưởng trên sứ mạng loan báo Tin Mừng trong giáo hội. Những vấn đề tông thư trình bày vẫn cần được lưu ý và thực hành.

2- Sứ điệp truyền giáo 2019 "được rửa tội và sai đi"

"Được Rửa tội và được Sai đi – Người tín hữu Chúa Kitô tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng" là chủ đề của Sứ điệp Truyền giáo được Đức Giáo Hoàng Phanxico gửi đến toàn thể dân Chúa trong tháng truyền giáo năm nay. Mỗi người được nhận Bí tích Rửa Tội là một sứ mạng trong thế giới để mang lại hoa trái của tình yêu Thiên Chúa, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em" (Ga 20,21). Đây là một thông điệp mạnh mẽ và hết sức nóng bỏng trong xã hội ngày nay. Tất cả mọi Kitô hữu có bổn phận và có quyền hoạt động để cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền đạt tới toàn thể nhân loại trong mọi thời và mọi nơi (Giáo luật $ 211).

Với những chỉ dẫn nêu trên thì trong một bài viết gần đây có suy tư rằng: "Nếu thử làm một phép tính trong số những người được “rửa tội” có bao nhiêu phần trăm được “sai đi”, chắc rằng sẽ là một kết quả rất đáng buồn. Lướt qua thống kê dân số thế giới năm 2017 là 7 tỷ 408 triệu người, trong đó chỉ có 1 tỷ 313 triệu người Công giáo được rửa tội, chiếm 17,7% dân số thế giới. Và rằng có bao nhiêu trong số họ đến nhà thờ Chủ Nhật hằng tuần, số người giữ đạo còn lại bao nhiêu? Hiện tượng nhà thờ trống vắng người là rất đáng báo động ở các nước Âu Mỹ, thậm chí một số nhà thờ phải đóng cửa vì không có giáo dân. Điều này cho thấy nhu cầu bức bách của việc truyền giáo và tái truyền giáo ở mức độ toàn cầu.

Còn tại Việt Nam có khoảng 4.500 giáo xứ với hơn 4.000 linh mục, 22.000 tu sĩ nam nữ thuộc hơn 240 dòng tu, hơn 2.400 đại chủng sinh với hơn 7.000.000 giáo dân, chiếm khoảng dưới 8% dân số. Vậy thì cánh đồng truyền giáo của chúng ta thật là bao la với hơn 92% dân số Việt Nam chưa biết Chúa. Trong suốt hơn 400 năm từ khi Tin Mừng được các giáo sĩ dòng Tên mang đến thì chúng ta đã trải qua lịch sử đau thương đầy máu và nước mắt. Phần lớn là thời gian bị bách hại, bị quấy phá và bị chống đối không những bởi chính quyền mà còn bởi cộng đồng xã hội. Họ xem Đạo Chúa là cái gai trong mắt nhà cầm quyền, là dấu chấm hỏi trong đạo thờ cúng ông bà tổ tiên và là kẻ ngoại lai trong các tục thờ cúng của lễ hội truyền thống thì việc thực hành tôn giáo và truyền giáo là một điều hết sức khó khăn.

III. Tình hình về công cuộc Truyền giáo của Giáo phận Mỹ Tho

1- Những con số biết nói

Thống kê dưới đây[2] nói sơ qua về những con số cho thấy được tình hình của giáo phận Mỹ Tho trong suốt gần 50 năm qua:

Năm

Số giáo dân

Tổng dân số

Tỉ lệ người Công giáo

Linh mục Triều

Linh mục Dòng

Tổng số Linh mục

Linh mục/ Giáo dân

Số giáo xứ

1970

56.9

1.437.000

4,0%

62

 

62

917

 

1974

86

1.567.320

5,5%

52

1

53

1,622

3

2000

102.1

4.602.095

2,2%

79

 

79

1,292

100

2001

103.6

3.901.140

2,7%

75

 

75

1,381

103

2002

107.7

4.230.000

2,5%

77

 

77

1,398

63

2003

108.6

4.033.309

2,7%

84

 

84

1,292

63

2004

111.5

4.278.000

2,6%

82

 

82

1,359

63

2013

126.6

5.280.320

2,4%

121

4

125

1,012

110

2016

136.9

4.241.000

3,2%

131

3

134

1,021

106

2017

138.4

4.194.184

3,3%

147

4

151

917

103

 



Từ khi thành lập năm 1960 cho đến nay, Giáo Phận Mỹ Tho luôn cố gắng để phát triển, tuy từng lúc, từng giai đoạn có những khó khăn riêng. Số giáo dân tăng lên gần gấp 3 lần, nếu như năm 1970 số giáo dân là 56.900 thì đến năm 2017, số người công giáo là 138.415. Tỉ lệ người công giáo có tăng qua các năm từ lúc mới thành lập Giáo Phận cho đến sau giải phóng. Tuy nhiên từ sau giải phóng đất nước cho đến nay, tỉ lệ này có phần tăng nhưng chậm và gần như không thay đổi trong suốt gần 20 năm nay. Có thể nói con số tỉ lệ 3,3% số người công giáo trong tổng dân số cả giáo phận là một con số còn quá thấp và đáng suy nghĩ.

Nhìn lại 60 năm lịch sử của Giáo phận, đời sống đức tin của Dân Chúa đã trải qua những bước thăng trầm:

- Giai đoạn trước 1975, những năm sau khi thành lập Giáo phận, đời sống đức tin mở ra với những niềm hy vọng, những cố gắng xây dựng giáo phận, loan báo Tin Mừng. Sức sống của buổi đầu thành lập Giáo phận đã thúc đẩy mọi thành phần Dân Chúa chung tay xây đắp. Hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ cũng tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển Giáo phận.

- Sau 1975, do hoàn cảnh xã hội biến đổi, các hoạt động mục vụ của Giáo phận và đời sống đức tin của Dân Chúa đã trải qua một thời kỳ đầy khó khăn.

- Giai đoạn hiện nay, xã hội chuyển mình, đời sống đức tin của người Công giáo ngày càng được củng cố. Giáo Hội nhận ra bổn phận phải đào tạo đời sống đức tin của người giáo dân ngày một trưởng thành hơn, để họ có thể sống niềm tin kiên vững giữa lòng xã hội phức tạp hôm nay.

Có thể nhận thấy tình hình truyền giáo của Giáo phận Mỹ Tho có vẻ đi lên và có những bước phát triển nhất định, nhất là trong những năm gần đây. Tuy nhiên, công việc truyền giáo của Giáo phận chưa thực sự phát triển mạnh mẽ, ý thức truyền giáo của giáo dân còn rất mờ nhạt. Tuy nhiên, cũng có những giáo dân quan tâm cộng tác với các linh mục, đặc biệt là hội Légio Mariae và một vài nhóm truyền giáo.

2- Nguyên nhân và thách đố

Những nguyên nhân, những thách đố và khó khăn trong công việc truyền giáo của Giáo phận có thể kể đến là:

- Chưa có được những đầu tư mạnh mẽ và quan tâm cho công cuộc truyền giáo nên hiệu quả của hoạt động truyền giáo chưa cao.

- Các linh mục trong Giáo phận chưa quan tâm đủ và có những chương trình cụ thể để truyền giáo cho lương dân, nhất là ở những vùng sâu vùng xa.

- Đa số giáo dân còn hờ hững, thiếu sáng kiến, thiếu tinh thần dấn thân đối với việc truyền giáo.

- Về vấn đề nhân sự và huấn luyện cũng thiếu hụt trầm trọng. Những người trực tiếp tham gia các công việc tông đồ không nhiều. Người có chuyên môn và trình độ càng hiếm. Người hoạt động tông đồ ở các giáo xứ chủ yếu là thành viên của các hội đoàn. Nhưng ngay cả việc chiêu mộ nhân sự vào các hội đoàn cũng gặp rất nhiều những khó khăn, nhất là nơi những người trẻ.

- Chưa có và thiếu những hoạt động chung. Và nếu có thì thường chỉ là những hoạt động riêng lẻ, thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết.

Ngoài ra, có thể kể đến những khó khăn trong bối cảnh của thời đại hôm nay như: Nhiều giáo dân sống rải rác trong vùng sâu vùng xa giữa các lương dân, việc giữ đạo hết sức khó khăn, nhiều người trở nên nguội lạnh trễ nải hoặc rối rắm, có những người bỏ đạo lâu năm; hiện tượng “di dân” bỏ quê lên thành phố để làm ăn sinh sống hoặc học hành, nhất là nơi những người trẻ. Hiện tượng này cũng tạo nên khan hiếm nhân sự cho nhiều giáo xứ.

3- Hướng về tương lai

Nhu cầu truyền giáo trong Giáo phận của chúng ta là rất lớn. Theo tinh thần của Tông Thư Maximum Illud và sứ điệp truyền giáo 2019, mục đích của Ban truyền giáo và trách nhiệm của các linh mục chính là khơi dậy tinh thần truyền giáo trong cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận.

- Để nâng cao hiệu quả của việc truyền giáo, chúng ta phải liên kết các hoạt động, sáng kiến cá nhân và tập thể để tạo thành sức mạnh. Từ đó, có thể hoạch định chương trình chung cho Giáo phận (ví dụ như từ trước đến nay việc phát triển giáo điểm phát xuất từ ý kiến cá nhân, nhưng nay đó là chương trình chung cho các giáo hạt và Giáo phận).

- Cần có những buổi họp mặt giao lưu truyền giáo giữa các hội đoàn hay giữa các giáo xứ để chia sẻ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

- Cần phải có những khoá huấn luyện chuyên biệt về truyền giáo cho giáo dân, đặc biệt cho những người tham gia trực tiếp công việc truyền giáo. Cần đưa ra những phương pháp thích hợp và hiệu quả...

Trong tháng 10 năm nay, Giáo Hội vẫn dành tuần thứ ba Khánh Nhật Truyền Giáo để kêu gọi mỗi người nhận thức bổn phận truyền giáo của mình. Truyền giáo ở đây không chỉ dành riêng cho các tu sĩ nam nữ, các linh mục đã thánh hiến cuộc đời mình cho Giáo hội mà là chính bản thân mỗi giáo dân chúng ta. Không cần chúng ta phải có kiến thức uyên bác, không phải hiểu thật rộng về giáo lý Chúa mà cần những hành động cụ thể, tấm gương sáng đối với những người xung quanh, để cho mọi người thấy người giáo dân là những người tốt, những người đạo đức, từ đó họ có cảm tình với đạo Chúa và rồi sẽ tìm hiểu về đạo Chúa.[3]

Mỹ Tho là nơi thấm máu nhiều vị anh hùng tử đạo, như các tín hữu ở Ba Giồng, ở Mỹ Quí (gần Cai Lậy). Nhờ những giọt máu đào anh dũng của các thánh tử đạo mà Giáo Hội Việt Nam đã tồn tại và không ngừng lớn mạnh cho đến hôm nay. Công cuộc truyền giáo của Giáo phận gắn liền với quá khứ lịch sử hào hùng và đáng kiêu hãnh của những giáo dân tiên khởi dám hy sinh và quên mình để làm chứng cho Chúa. Chắc chắn rằng công cuộc truyền giáo của Giáo hội nói chung và cách riêng Giáo phận Mỹ Tho nói riêng còn không ít những khó khăn và thử thách. Chúng ta không quá lạc quan cho những gì đạt được nhưng cũng không bi quan trong tương lai sắp tới. Ước mong rằng với những định hướng mà Giáo hội và Giáo phận đã đề ra, công cuộc truyền giáo sẽ đạt được những kết quả khả quan hơn.


}[1] https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_ph%E1%BA%ADn_M%E1%BB%B9_Tho

[2] http://www.catholic-hierarchy.org/diocese/dmyth.html
[3] https://www.giaoxuchinhtoadanang.org/mot-thoang-suy-nghi-ve-duoc-rua-toi-va-duoc-sai-di/