23/10/2011
2889

QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

VỀ

Vấn đề quỷ nhập - trừ tà

Việc tìm hài cốt khi có sự can thiệp của các nhà “ngoại cảm”

Hiện tượng nhập hồn, gọi hồn & bùa ngải, thư ếm

 

I. VẤN ĐỀ MA QUỶ

1. Sự hiện hữu của ma quỷ

1.1. Thánh Kinh

- Ngay trong từ thời khởi nguyên, ma quỷ đã hiện hữu dưới hình ảnh con rắn để cám dỗ ông bà nguyên tổ bất tuân lệnh Chúa (x. St 2, 16-17). “Ma quỷ phạm tội ngay từ lúc khởi đầu” (1Ga 3,8); “nó là kẻ nói dối và là cha sự gian dối” (Ga 8,44).

- Satan (Tiếng Hebrew: sătan, địch thủ) hoặc quỷ (Tiếng Hy Lạp: dabolos, kẻ vu khống): Kinh Thánh dùng cả hai tên đó để chỉ một nhân vật tự bản chất là vô hình nhưng hành động hay ảnh hưởng được biểu lộ trong hoạt động của kẻ khác (quỷ hay thần ô uế) hoặc trong cơn cám dỗ. Kinh Thánh rất dè dặt, chỉ nhằm cho chúng ta biết có nhân vật đó và các mưu mô của hắn cũng như các phương thế để chống lại các mưu mô đó (x. Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh).

1.2. Sách GLCG

- Ma quỷ, hay còn gọi là satan, hay các thần dữ là những thiên thần sa ngã, tự chúng đã làm cho mình trở nên ác và nên xấu vì khước từ dứt khoát phục vụ Chúa và kế hoạch của Người (x. GLCG 391, 414).

2. Công việc của ma quỷ

- Satan hay quỷ luôn tìm cách dụ dỗ con người chống lại Thiên Chúa (x. St 3,5; 1 Ga 3,8; Ga 8,44), do ghen tương, nó cũng đã ra sức làm cho Chúa Giêsu đi lệch hướng khỏi sứ vụ của Người (x. Mt 4,1-11)

- Trong các hậu quả của các việc làm của quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ dối trá dẫn con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa (x. GLCG 398).

3. Quyền lực của ma quỷ

- Ma quỷ tuy quyền năng, nhưng quyền năng đó không vô hạn vì chỉ là loại thụ tạo, nên không thể ngăn chận công trình xây dựng và cứu độ của Thiên Chúa (x. GLCG 395).

- Hoạt động của satan được cho phép bởi Thiên Chúa quan phòng. Việc này là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng chúng ta phải vững niềm tin, và biết rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).

4. Chúa Giêsu và quyền thống trị của Người trên ma quỷ

- Chúa Giêsu toàn thắng ma quỷ, nhờ sự vâng phục tuyệt đối trong tình con thảo của Người với Thiên Chúa Cha (x. Mc 3, 27, Mt 12, 28, Lc 8, 26-39, GLCG 539. 550)

- “Các Kitô hữu tin rằng trần gian này đã được dựng nên và bảo tồn với tình yêu của Đấng Tạo Hóa, quả thật nó đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng đã được giải thoát bỏi Đức Kitô, Đấng chịu đóng đinh và phục sinh để đập ta quyền lực tử thần.” (GLCG 421, trích Gaudium et Spes s.2).

- Chúa Giêsu cho các môn đệ tham dự vào thừa tác vụ chữa lành của Người: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ…” (GLCG 1506, trích Mc 6,12-13; Mt 10,1.8; Lc 9,1).

5. Các cuộc trừ tà để xua đuổi ma quỷ

5.1. Định nghĩa trừ tà (x. GLCG 1673)

Khi Hội Thánh, một cách công khai và có thẩm quyền, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cầu xin để một người hay một đồ vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó, thì gọi đó là Trừ tà (exorcismus).

5.2. Các hình thức trừ tà

- Hình thức đơn giản, việc trừ tà đã có trong nghi thức cử hành BTRT.

- Còn việc trừ tà long trọng, gọi là “trừ tà đại thể” chỉ được thực hiện bởi một linh mục, với sự cho phép của Giám Mục. Trong việc này, phải tiến hành cách khôn ngoan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hội Thánh.

5.3. Giáo luật điều 1172

§1. Không ai có thể trừ tà cách hợp pháp cho những người bị quỷ ám, trừ khi có phép đặc biệt và minh nhiên của Đấng bản Quyền địa phương.

§2. Đấng Bản Quyền địa phương chỉ ban phép trừ tà cho một linh mục đạo đức, sáng suốt, khôn ngoan, và có đời sống vẹn toàn.

5.4. Lưu ý

- Việc trừ tà nhằm trục xuất ma quỷ hoặc giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền bính thiêng liêng Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội Thánh của Người. Trường hợp bệnh tật, nhất là các bệnh tâm thần, thì việc chữa trị là công việc của y khoa. Vì vậy, điều hết sức quan trọng là trước khi cử hành nghi thức trừ tà, phải rất chắc chắn đây là trường hợp quỷ ám chứ không phải là một bệnh tật nào đó.

- Theo bác sĩ Hélot trong cuốn Névroses et Possessions, Le diagnostic (Bệnh thác loạn thần kinh và chứng quỷ nhập, Cách chẩn đoán), thì có thể nghi ngờ về sự hiện diện của ma quỷ nếu có những dấu hiệu sau đây:

* Bệnh nhân bị co giật, khiến ta có thể nhận ra có một trí tuệ khác với trí tuệ của bệnh nhân, và có lúc bệnh nhân bình thường, có lúc bất thường xen kẽ nhau.

* Bệnh nhân có những cử động dị thường kéo dài như: nhảy, múa, mất thăng bằng, bò lê dưới đất, đập phá, đau đớn, té ngã mà không có nguyên nhân rõ rệt, vặn cổ, vặn gáy....

* Bệnh nhân có những biến chứng, đau đớn không chịu nổi, đột nhiên được chữa lành bằng nước thánh, bằng dấu thánh giá, bằng Mình Thánh Chúa,...

* Bệnh nhân đột nhiên bị mất cảm giác, giác quan và cảm tính, và có thể lấy lại được trong chốc lát nhờ cầu nguyện.

* Bệnh nhân kêu la giống như thú vật, bị buộc phải tru tréo lên một cách vô ý thức, nghĩa là sau đó bệnh nhân không còn nhớ gì nữa.

* Khi nhìn một người bình thường, bệnh nhân lại thấy người đó dị thường, hay thấy người đó là quỷ.

* Bệnh nhân tự nhiên nổi giận khi thấy những vật dụng đã được làm phép, hay khi thấy một linh mục, hay khi đi ngang qua một nhà thờ mà thấy người ta muốn vào.

* Bệnh nhân không thể ăn uống hay gìn giữ được những đồ ăn thức uống đã được làm phép.

- Và đây là những dấu hiệu xác nhận:

* Bệnh nhân nói tiếng lạ, hay hiểu được người nói tiếng đó.

* Bệnh nhân nói cho biết những chuyện ở xa hay còn trong vòng bí mật.

* Bệnh nhân biểu lộ những khả năng vượt quá tuổi tác hay vượt quá điều kiện của mình, như lơ lửng trên không mà không bám hay dựa vào đâu cả, đi lộn ngược đầu trên vòm nhà hay trần nhà, vẫn khư khư bất động bất chấp những nỗ lực đẩy hay kéo của những người mạnh hơn hợp lại...

5.5. Nghi thức trừ tà

- Hiện nay chưa thấy có một bản nghi thức trừ tà chính thức nào tại Việt Nam, Chỉ có công thức trừ tà trong Nghi Thức Rửa Tội.

- Đề nghị Ủy Ban Phượng Tự dịch sách Nghi thức trừ tà để dùng thống nhất trong GH tại VN.

5.6. Tóm lại

- Theo giáo huấn Giáo Hội trình bày trên, cũng như theo LM chính thức giữ chức trừ quỷ ở Roma thì có ba điều cần nhớ:

* có ma quỷ, hiện tượng ma quỷ là có thật

* ma quỷ có nhiều khả năng phi thường, và ma quỷ có thể gây ảnh hưởng trên con người, kể cả thân xác, như: quấy, phá, hành, hại, ám và nhập.

* Chúa mạnh hơn ma quỷ, nên ta cần giữ lòng tin. Không nên nhờ ma quỷ bảo vệ mình.

- Ngoài ra để ngăn chặn sự tấn công của ma quỷ, cần giữ mình sạch tội trọng và năng lãnh các bí tích. Hơn nữa nên tuyệt đối tránh mọi hình thức tiếp xúc với ma quỷ.

II. VẤN ĐỂ NGOẠI CẢM

1. Định nghĩa (theo trungtâm nghiên cứu Lý Học Đông Phương)

- Ngoại cảm là một khả năng đặc biệt của con người. Người có khả năng ngoại cảm không sử dụng những giác quan bình thường, mà khả năng cảm nhận bằng giác quan thứ sáu rõ ràng và liên tục hơn những người thường, như khả năng nói chuyện với người chết, khả năng theo dõi con người, tiên đoán tương lai, biết được quá khứ của một thực thể nào đó v.v…

- Thực ra, khả năng ngoại cảm của con người được biết đến từ thời xa xưa. Các nước trên thế giới, từ lâu, đã nghiên cứu và ứng dụng ngoại cảm vào nhiều lĩnh vực của đời sống, trong đó có cả quân sự. Đối với các bậc chân sư Phật giáo, khả năng đặc biệt của các nhà ngoại cảm là chuyện bình thường, không có gì xa lạ cả. Những thiền sư, nhờ tu tập thiền định mà thành tựu Tam minh và Lục thông.

- Trong khi đó, khả năng của các “nhà ngoại cảm” hiện nay có thể xem như là một phần nhỏ của Thiên nhãn thông (năng lực thấy rõ mọi thứ, không ngăn ngại), Thiên nhĩ thông (năng lực nghe được tất cả các dạng âm thanh) và Tha tâm thông (năng lực biết được tâm ý của người khác).

2. Phân loại (theo trungtâm nghiên cứu Lý Học Đông Phương)

- Theo nguyên nhân, nguồn cơn:

* Ngoại cảm bẩm sinh: Tức là sinh ra đã có khả năng ngoại cảm.

* Ngoại cảm hình thành sau khi phải trải qua một biến cố ngoại cảnh : chấn thương, bệnh tật...

* Ngoại cảm có do rèn luyện theo những phương pháp đặc biệt.

- Theo tính chất, công năng:

* Thần giao cách cảm (telepathy): khả năng giao lưu ý nghĩ giữa những người không giao tiếp với nhau, không nhìn thấy nhau.

* Tiên tri (precognition): khả năng biết trước các việc xảy ra trong tương lai.

* Thấu thị (clairvoyance): khả năng nhìn thấy các vật ngoài tầm mắt hay bị che khuất.

* Tâm vận (psychokinesis): khả năng dùng năng lực tâm linh để di chuyển các vật thể.


3. Hiện trạng “ngoại cảm và việc tìm hài cốt”

Hiện nay, các “nhà ngoại cảm” thường tìm kiếm hài cốt theo hai hướng:

- Khuynh hướng thứ nhất là các nhà ngoại cảm “thấy” được hài cốt, vẽ lại sơ đồ chi tiết khu vực ấy và hướng dẫn thân nhân tìm kiếm. Trường hợp này nhà ngoại cảm chỉ sử dụng khả năng “thiên nhãn thông” của mình để tìm kiếm và phát hiện hài cốt mà không cần trợ giúp của “chủ nhân” chính hài cốt ấy. Tuy nhiên, vì nhà ngoại cảm “thấy khi mờ khi tỏ”, nên có thể phải điều chỉnh nhiều lần mới tìm ra vị trí chính xác của hài cốt.

- Khuynh hướng thứ hai thì ngược lại, có những người tự xưng mình là “nhà ngoại cảm”, có thể tiếp xúc với người “cõi âm” và họ chỉ cho nhà ngoại cảm thấy hài cốt của chính họ hoặc những người khác. Trường hợp này, “nhà ngoại cảm” hoặc thân nhân của người chết cần phải thắp nhang cúng bái, gọi hồn… để có thể biết được mộ phần của người đã khuất, rồi sau khi tìm được “hài cốt”, đôi khi chỉ là “chút đất màu đen”… thì phải lập “Đàn” để cúng tế…

4. Giáo hội và vấn đề ngoại cảm

4.1. Nguyên tắc chung

- Đạo lý: Phạm vi chuyên môn của Giáo Hội là phán đoán hành vi tốt hoặc xấu xét theo luân lý, dựa trên Thánh Kinh và Thánh Truyền. Về phương diện này, những hành vi nào trái ngược lại với việc tôn kính Thiên Chúa đều bị ngăn cấm :

* Không ai được phép thờ lạy ma quỷ, hoặc kêu cầu chúng đến trợ lực.

* Không ai được phép đòi buộc Thiên Chúa phải tỏ cho biết tương lai của mình.

* Không ai được phép kêu hồn người chết. (Linh hồn những người chết ở trong tay Chúa, chứ không đi lang thang đến không trung).

- Khoa học: Giáo Hội không can thiệp vào công việc nghiên cứu của các nhà khoa học. Nói đến chuyện khoa học có nghĩa là tìm hiểu sự thực như thế nào, hay chỉ là chuyện ảo giác, và tệ hơn nữa, chuyện lừa đảo, bịp bợm.

- Tâm lý: Có khi một chuyện không xấu xét về mặt luân lý nhưng có hại cho sức khoẻ (dù thể lý hay tâm lý) thì người có trách nhiệm giáo dục phải khuyên can. Sự ngăn cấm này nằm trong mối quan tâm mục vụ.

4.2. Trường hợp cụ thể

- Có nên cấm giáo dân nhờ các nhà ngoại cảm can thiệp trong việc tìm hài cốt không? - Thưa, cần phải xác định tính cách khoa học của các nhà ngoại cảm. Có đáng tin không? Hay cũng giống như mấy ông thầy bói? Dĩ nhiên là khi nhờ các nhà ngoại cảm tìm hài cốt mà có “màu sắc” mê tín, bói toán, chiêu hồn thì tuyệt đối là không được, vì không phù hợp với Đức Tin Kitô giáo!

- Phải giải thích thế nào về những trường hợp xem ra “rất chính xác” theo chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm? - Thưa, vấn đề ở đây thuộc về lãnh vực khoa học. Tại sao có những người tìm được mạch nước để đào giếng? Thưa là bởi vì họ có những “giác quan đặc biệt”. Như vậy, trong trường hợp chỉ là ngoại cảm thuần tuý mà thôi, cộng với những bằng chứng khoa học xác thực, thì chúng ta có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, dưới khía cạnh mục vụ thì không nên khuyên người giáo dân cậy nhờ những “nhà ngoại cảm” tìm hài cốt, vì người Công giáo chúng ta có những cách thế khác để tưởng nhớ người đã khuất như xin lễ, dâng lời cầu nguyện cho họ.

- Đối với những trường hợp tìm mộ có “màu sắc” mê tín dị đoan, có được cừ hành các lễ nghi an táng Công giáo không? – Xin thưa là không! Lý do là vì lễ nghi an táng chỉ đựơc thực hiện với thi hài người quá cố (Giáo hội bày tỏ lòng tôn kính đối với thân xác đã được thánh hoá nhờ Bí Tích Rửa tội và là đền thờ của Chúa Thánh Thần) chứ không phải với “nắm đất màu đen” (không bộc lộ được những dấu hiệu khả thể của thân xác nữa).

III. HIỆN TƯỢNG GỌI HỒN, BÙA NGẢI, THƯ YẾM

1. Quan niệm về linh hồn của Giáo Hội Công Giáo

- Trong Thánh Kinh, từ linh hồn thường chỉ sự sống con người hoặc toàn bộ nhân vị. Nhưng, từ đó cũng chỉ cái thâm sâu nhất trong con người, giá trị nhất trong con người, nhờ đó con người là hình ảnh của Thiên Chúa một cách đặc biệt hơn: linh hồn là nguyên lý tinh thần trong con người (x. GLCG 363).

- Sự thống nhất xác hồn thâm sâu đến độ linh hồn phải được coi là mô thể của thân xác, nghĩa là nhờ linh hồn thiêng liêng mà thân xác, vốn được cấu tạo bằng vật chất, là một thân xác nhân linh và sống động, tinh thần và vật chất nơi con người không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất (x. GLCG 365).

- Tất cả mọi người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa duy nhất, được phú ban một linh hồn có lý trí như nhau, nên có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc…mọi người đều được hưởng cùng một phẩm giá (x. GLCG 1934).

2. Suy tư

- Theo Kinh Thánh và Giáo lý Công giáo, sau khi chết mỗi người đã thể theo tội phúc mà bị phán xét, số nhận như vậy là được cố định vĩnh viễn đời đời (x. GLCG 1021), và đi vào chốn dành cho mình rồi, sao còn có thể làm cô hồn bơ vơ vất vưởng đi lang thang đây đó được nữa?

- Theo Giáo Lý, Thiên Chúa dựng nên mỗi con người là một hữu thể gồm linh hồn và thể xác, thành một bản vị tự lập, tự chủ, có tự do, bất khả xâm phạm (inviolabilité) bất khả thâm nhập (impénétrabilité). Bởi tính bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập này, không ai có thể nhập vào người khác được.

- Vậy theo lý luận của một số nhà thần học, thì chỉ còn các ác thần, quỉ, vốn là thần linh nhưng đã phản nghịch lại Thiên Chúa và muốn hủy hoại kế hoạch của Thiên Chúa, là kẻ thù ghét tuông hạnh phúc loài người mới bất kể tự do, tự chủ của con người, nghĩa là bất kể họ có muốn hay không muốn - cứ xâm nhập họ, có thể không có lý do gì, có thể do bùa ngải của Thầy bùa, pháp thuật…

- Thường nó không bao giờ tự nhận mình là Satan hay quỉ, mà nó mạo tên người nọ người kia, có khi nó còn dám giả làm thiên thần, hay các thần lành, Đấng Thánh nào đó… để cho người đời đừng sợ và dễ tin nó, nhiều khi còn ban ra những lời rất tốt lành, đạo dức, hoặc thi ân giáng phúc, làm những điềm thiêng dấu lạ, thậm chí có khi chữa lành bệnh, khiến cho chúng ta, nếu thiếu cảnh giác sẽ dễ bị xiêu lòng, bị phỉnh gạt, lầm tưởng nó là hồn người hiện về hay ngôn sứ của Thiên Chúa. Dù nó mạo nhận là ai đi chăng nữa, thì hễ “nhập xác” bất hợp pháp thì chắc chắn chỉ Satan, bè lũ satan, quỉ dữ bộ hạ của nó vốn là thần linh dữ mới làm.

- Như vậy, việc “gọi hồn người chết” cũng có thể được xem xét dưới nhiều khía cạnh:

* Khoa học : Có đúng như vậy không, hay chỉ là bị ám ảnh?

* Đạo lý : Chắc chắn là không được.

* Tâm lý: Gây ra những sợ hãi lo âu, và chắc hẳn là không lành mạnh.

- Sở dĩ Giáo Hội cấm chuyện tiếp xúc với thế giới bên kia, thì lý do là vì con người có thể tiếp xúc được với những thế lực đen tối (occulte). Giáo Hội cấm vì chuyện đó quá nguy hiểm cho con người yếu đuối.

- Giáo Hội cấm chiêu hồn hay những thứ liên hệ khác với bùa ngải. Có thể cấm vì lý do nguy hiểm, bởi để làm được điều đó thì chỉ có Chúa và quỷ mới làm được! Mà ta không nên chơi với quỷ.

IV. NHỮNG GỢI Ý MỤC VỤ

- Lời Chúa vẫn mãi không thay đổi. Mạc khải của Chúa Giêsu Kitô là duy nhất và trọn vẹn. Tìm đến những phương thế như bói toán, cầu cơ, xin xăm, là để làm dịu nỗi lo của con người một cách tạm thời, nhưng tạo dịp cho con người tiếp xúc với quỷ, mất dần lòng tin vào quyền năng và tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Người tín hữu nghiêm túc có niềm tin vào Chúa thì sẽ tránh được lo âu, tránh được thèm muốn tìm biết về tương lai, vì tương lai trong tay Chúa quan phòng.

- Không tin tưởng vào chuyện nhập hồn, oan hồn, người cõi âm (hồn người chết) nhập vào người sống vì linh hồn người đã chết thì về với Chúa đề được phán xét chứ không còn chuyện đi lang thang quấy nhiễu người sống.

- Không để bị mê hoặc bởi những hình thức nhập nhằng giữa đạo và dị đoan thí dụ một trường hợp người bệnh được hướng dẫn thả 7 con vịt vào lúc 12 giờ trưa trong khi đọc Kinh Truyền Tin hay yêu cầu đọc kinh trước khi đốt bùa cho uống. Đó là những cách lừa dối rất tinh vi để dụ dỗ người có đạo tin vào một việc làm tà vạy.

- Có những trường hợp mượn danh nghĩa của một học thuật nào đó (chưa có những nghiên cứu đầy đủ về khoa học) như phong thủy, nhân điện, ngoại cảm... nhưng lại kèm vào đó những hành vi dị đoan như bùa chú, trấn ểm, cầu khẩn thần ngoại giáo làm cho nhiều người hiểu lầm là vô hại. Điều này cần cảnh giác cao vì rất dễ lầm lạc.

- Việc quan trọng là phải giáo dục các tín hữu cách đầy đủ về mặt đức tin để cuộc sống của người Công Giáo phải diễn tả việc tuyên xưng lòng tin cách sống động nhất là từ bỏ những việc làm của ma quỉ cũng như nhưng mưu mô do chúng bày ra.

- Các linh mục phải ý thức mình là người có trách nhiệm săn sóc và bảo vệ đoàn chiên vì thế đừng ngần ngại trong việc trợ giúp các tín hữu khi họ phải đối diện với những mối đe dọa của thế giới tăm tối. Đừng bỏ mặc giáo dân thậm chí có vị còn cho phép giáo dân tìm đến với những thày pháp, phù thủy là tay chân của ma quỉ làm cho giáo dân lầm lạc mất phương hướng và bị ma quỉ khuấy phá sau một thời gian chạy theo những hình thức tà vạy. Có những trường hợp chính các tu sĩ, những người Công Giáo đạo đức lại thực hành những hoạt động dị đoan sai trái làm cho các giáo dân khác hoang mang.

- Các linh mục cần xác tín mạnh mẽ quyền năng của Chúa trên các quyền lực tăm tối nên đừng sợ hãi vì Thiên Chúa không để cho chúng ta thua quyền lực ma quỉ. Điều quan trọng là phải xác tín về quyền năng của Chúa Giêsu Kitô và sống cách  lành thánh.

- Đừng sử dụng những dụng cụ ngoại giáo như roi dâu, dây ngũ sắc, lông chó v.v... mà hãy chạy đến với những phương thế rất hữu hiệu mà Giáo Hội đem đến cho ta như Nước Thánh, Thánh Giá làm phép, ảnh Chúa, Đức Mẹ và các Thánh. Ngoài ra còn việc đọc Phúc Âm cũng là một phương rất uy lực làm cho ma quỉ khiếp sợ, đọc Thánh Vịnh, đọc các kinh mà G iáo Hội đã chuẩn nhận như Kinh Cầu Các Thánh, Kinh Cầu Đức Mẹ, thánh Giuse..., lần chuỗi Mân Côi. Về phần người giáo dân phải cùng nhau ăn năn thống hối, từ bỏ tội lỗi để cho quyền năng của Chúa hoạt động mạnh mẽ nơi bản thân mình.

 

Nhóm Thần học luân lý

UBGLĐT