16/05/2012
1370

SUY TƯ VỀ SỨ ĐIỆP

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 45

 

WGPSG -- Đã gần đến ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 46 (20-05-2012), BBT trang web tgpsaigon.net xin lần lượt giới thiệu cùng quý độc giả những bài suy tư của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam) về những Sứ điệp Truyền thông của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI (năm 2010, 2011 và 2012).

Hôm nay, BBT xin giới thiệu bài suy tư về sứ điệp nhân ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 45 (năm 2011):

MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG PHỤC VỤ NỀN VĂN MINH TÌNH THƯƠNG VÀ SỰ SỐNG

 Tháng 4 năm 2011, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) kết thúc hội nghị thường niên lần 1-2011 và công bố Thư Chung hậu Đại Hội Dân Chúa 2010, kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Là những người làm mục vụ truyền thông, họp nhau trong ngày Quốc Tế Truyền Thông 2011, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là : Cần làm gì để mục vụ truyền thông thực sự phục vụ nền văn minh tình thương và sự sống, đặc biệt là qua mạng internet? Để trả lời câu hỏi này, một trong những cách thế tốt nhất là đọc lại Sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nhân Ngày Quốc Tế Truyền Thông 2011, với tựa đề Sự Thật, việc loan báo và cuộc sống thực của đời sống trong thời đại kỹ thuật số.

Internet phục vụ nền văn minh tình thương và sự sống

Sứ điệp 2011 quan tâm đặc biệt đến mạng lưới truyền thông Internet. Internet được coi là hiện tượng đặc thù của thời đại, đáng so sánh với Cách mạng kỹ nghệ vì tạo nên những thay đổi tận gốc trong truyền thông: không những trong những phương tiện truyền thông mà cả trong cách thức học hỏi và suy tư vì “làm nảy sinh một lối học tập và suy nghĩ mới”, cũng như “những cơ hội chưa từng có trong việc thiết lập những tương quan” vì nó mở ra những tương quan hoàn toàn mới, vượt trên mọi ranh giới địa lý và văn hóa. Chính vì thế, Internet ngày nay đóng vai trò hướng dẫn những phát triển văn hóa và xã hội theo nghĩa tích cực nhất, là phương thế giúp cho sứ điệp tình thương và sự sống lan truyền nhanh nhất và hiệu quả rất lớn.

Có thể lấy vô vàn ví dụ để minh họa sự thật này. Ở đây chỉ muốn nhắc đến một khuôn mặt và hoạt động cụ thể trong thế giới mạng : Mark Zuckerberg, chàng sinh viên Harvard, người đã lập nên Facebook, được coi là trang mạng xã hội có ảnh hưởng hàng đầu thế giới. Báo TIME tháng 05-2011 xếp Mark Zuckerberk vào số 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới. Facebook đã thực sự đem lại nhiều thành quả tốt lành, chẳng hạn báo TIME ghi lại chia sẻ của một người cho biết nhờ Facebook mà có nhiều bệnh nhân về thận được cứu sống, vì qua trang mạng này, họ biết được người chấp nhận hiến thận, nhờ đó được cứu sống. Đây chỉ là một chia sẻ giữa biết bao nhiêu ích lợi khác mà trang mạng này mang lại. Hãy thử nhớ lại sự kiện nước Nhật bị sóng thần và động đất tấn công, sau đó là nguy cơ rò rỉ hạt nhân… Ngay lập tức trên mạng internet xuất hiện biết bao sứ điệp sẻ chia, an ủi, đồng cảm, cùng với những kế hoạch vận động giúp đỡ các nạn nhân. Con người trên khắp thế giới, dù ở đâu và xa nhau cách mấy, cũng được liên kết với nhau nhờ internet. Internet thực sự là phương tiện phục vụ hữu hiệu nền văn minh tình thương và sự sống: “Nếu được sử dụng cách khôn ngoan, internet có thể góp phần làm thỏa mãn niềm khao khát về ý nghĩa, sự thật và sự hiệp nhất vốn vẫn là khát vọng thâm sâu nhất của mỗi con người”.

Internet cũng có thể là đồng minh của thứ văn hóa hận thù, ích kỷ và chết chóc

Bên cạnh những thành tựu lớn lao đó, lại có những giới hạn và nguy cơ hàm ẩn bên trong mà đôi khi người sử dụng internet không ý thức hoặc chưa ý thức đủ. Đức Bênêđictô XVI có những phân tích sâu sắc về khía cạnh này, rất đáng cho những ai sử dụng internet quan tâm.

Trước hết là nguy cơ làm cho con người thành vô danh. Hệ quả là con người tham gia thật nhiều hoạt động truyền thông mà vẫn cô đơn. Lại một lần nữa, có thể nhắc đến Facebook qua bộ phim được đề nghị giải thưởng Oscar 2011: Phim The social network.

Bộ phim được xây dựng dựa trên một cuốn sách về Mark Zuckerberg và trang mạng xã hội Facebook. Trang web này giúp mọi người trên thế giới kết nối với nhau nhưng mỉa mai thay, lại không giúp cho Mark – nhà vua của đế chế Facebook – kết nối được với những cộng sự và cả người bạn thân tình nhất của anh. Những vụ kiện cáo xảy ra liên tục giữa anh và một nhóm khác, cuối cùng là với người bạn thân thiết của anh. Có trong tay cả tỉ đôla nhờ website kết nối bạn bè nhưng chính Mark vẫn là một người cô đơn, không có nổi một người bạn bên cạnh. Thành ra những người thực hiện bộ phim muốn gửi đến mọi người một sứ điệp cụ thể : Dù có những phát minh vĩ đại làm thay đổi cách thế giới giao tiếp, truyền thông mới mẻ chăng nữa, thì con người vẫn sẽ cô đơn nếu không thể chia sẻ được với những người thân quanh họ.

Đây cũng là điều Đức Bênêđictô XVI nhắc nhớ trong Sứ điệp 2011 cho ngành truyền thông: “Những giới hạn điển hình của truyền thông kỹ thuật số là : tính một chiều trong những mối tương tác, khuynh hướng chỉ truyền thông phần nào đó trong thế giới nội tâm của mình, nguy cơ xây đắp hình ảnh giả tạo về bản thân, từ đó có thể trở thành một hình thức phóng túng”.

Nguy cơ kế tiếp là Internet có thể dẫn con người vào thế giới ảo mà quên mất đời sống thật, những tương quan thật, nhất là những gì chính yếu nhất của đời sống. Tôi đọc được một bài báo với những ghi nhận lý thú về thế giới ảo này. (X. bài “Sự nguy hiểm của vĩnh cửu”, Tuổi Trẻ cuối tuần, 27-2-2011)

“Không bằng lời thì bằng hình ảnh, hằng ngày, thậm chí là hằng giờ, hằng phút, giới trẻ (cả giới hết trẻ) đều đang nhiệt thành lắm, báo cáo chi tiết trên mạng Facebook, từ những thứ hữu hình : rằng thì tôi đang ngồi ở quán café này, tôi đang dùng cái điện thoại này, tôi đang uống loại rượu này, tôi đang nói chuyện với nhân vật này, tôi đang đọc cuốn sách này, xem bộ phim này… đến vô hình hơn như : tôi đang suy nghĩ điều này, tôi bức xúc chuyện này, tôi đang say sưa vấn đề này….

“Với thành tích ngày mấy chục lần báo cáo như thế, thế hệ sau hẳn sướng hơn khi muốn tìm hiểu về người đi trước lắm. Nhưng rồi lại thấy thương người cùng thời với mình một chút…

“Bởi, đôi khi, gọi một món ăn, nhiều khi lo chụp hình, lo hỏi xuất xứ, công thức chế biến (để sau đó kể lại) mà quên chuyện bỏ vào miệng mình, để nghe nó mặn, đắng, chát hay chua. Đôi khi, trước một cảnh đẹp, lo giương máy lên, in khoảnh khắc có mình trong đó để “post blog” mà quên ngắm, ngửi, nghe… coi có gì lúc đó. Đôi khi, trước một ca sĩ hát hay, diễn viên diễn giỏi, làm khán giả mà quên thưởng thức tài nghệ, chỉ bàn nhau về khoảnh khắc đứng bên cạnh họ, giơ hai ngón tay, cặp cổ để chứng minh điều gì đó. Thậm chí, đôi khi, cái ấm áp, thiêng liêng của việc nắm tay nhau, hôn nhau cũng nhường chỗ cho nỗi lo phải làm sao cho lên hình thật rõ, thật đẹp…

Từ đó, chẳng lạ gì khi người ta sinh nghi nhau, rằng những mối quan hệ trong đời, khi đi với nhau, nói chuyện với nhau, đùa vui với nhau, thậm chí tỏ tình với nhau không phải là cho riêng chuyện “với nhau” nữa rồi.”

Những ghi nhận trên phát xuất từ những gì rất đời thường mà ít ai quan tâm, đồng thời lại đặt ra một vấn đề ở chiều sâu về cuộc sống. Chính vì thế, Đức Bênêđictô XVI viết: “Trong thế giới mới này của internet, ai là người thân cận của tôi? Lại chẳng có nguy cơ là chúng ta ít hiện diện hơn với những người ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày sao (vì còn lo gặp người quen-mà-lạ ở internet)? Có chăng nguy cơ làm cho cuộc sống của ta bị xao lãng vì còn lo quan tâm đến ‘thế giới khác’ hơn thế giới thật mà ta đang sống? Liệu chúng ta có giờ để suy nghĩ cách nghiêm túc về những chọn lựa của mình và củng cố những mối tương quan sâu xa vững bền không? Phải luôn nhớ rằng những tiếp xúc ảo không thể thay thế được những tiếp xúc trực tiếp với những con người cụ thể ở mọi mặt của đời sống”.

Ấy là chưa kể đến những nguy cơ có tầm vóc lớn lao và tai hại hơn, cũng được Đức Thánh Cha nhắc tới. Chẳng hạn, những hình ảnh, thông tin trên mạng có thể thao túng con người về mặt cảm xúc… tạo ra những cảm xúc chân thành của người xem, người nghe, nhưng lại là những cảm xúc “bị đánh lừa” vì nó dựa trên những sự kiện không có thật. Thế rồi, nhờ có nhiều tiền của và phương tiện kỹ thuật, những người nắm quyền lực trong ngành truyền thông có thể lèo lái suy nghĩ và ý kiến của người khác, làm cho ta mất đi sự độc lập và tự do chính ra phải có.

Để mục vụ truyền thông thực sự phục vụ nền văn minh tình thương và sự sống

Những phân tích trên cho thấy một điều rất cụ thể là: con người là yếu tố then chốt. Internet là do con người làm ra. Chính con người có thể sử dụng nó để phục vụ nền văn minh tình thương và sự sống. Cũng chính con người có thể sử dụng nó để gieo rắc thứ văn hóa hận thù và chết chóc. Vì thế đối với người làm công tác truyền thông công giáo, vấn đề chính là phải khẳng định một lập trường đúng đắn và có những thái độ thích hợp khi dùng internet cũng như những phương tiện truyền thông khác.

Theo Đức Bênêđictô XVI, lập trường căn bản phải khẳng định là: Chân lý không phải là kết quả của sự nổi tiếng hoặc vì lôi kéo được nhiều người. Đây là cơn cám dỗ rất lớn đối với người làm công tác truyền thông: làm sao để trang web của tôi thu hút được nhiều người xem? Làm sao tôi trở thành người nổi tiếng, được nhiều người biết đến và hâm mộ? Thế nên đã có những người tung lên mạng những gì giật gân nhất, gây scandal nhất… để tạo được sự chú ý, dù toàn là chuyện chẳng ra gì! Rồi người ta có khuynh hướng đồng hóa chân lý với số đông. Cứ cái gì được số đông ủng hộ thì là chân lý. Xin hãy chiêm ngắm lại khung cảnh đồi Canvê và tự hỏi : chân lý ở đâu? Chân lý ở nơi Đấng chịu đóng đinh hay ở đám đông đang hò la lên án? Theo quan điểm công giáo, chân lý phải gắn liền với thiện hảo toàn diện. Chân lý phải mang tính toàn diện và là của ăn nuôi dưỡng đời sống: “Chúng ta phải làm cho chân lý ấy được biết đến cách toàn vẹn, thay vì tìm cách làm cho người ta dễ chấp nhận nó hoặc làm dịu nó đi. Chân lý ấy phải trở nên lương thực hằng ngày chứ không chỉ là điều hấp dẫn thoáng qua. Chân lý Tin Mừng không phải là cái gì đó để tiêu thụ hay sử dụng cách hời hợt, nhưng là một quà tặng đòi hỏi sự đáp trả của tự do”.

Khẳng định lập trường mà thôi chưa đủ, còn phải quan tâm đến những thái độ thích hợp với Tin Mừng khi làm công tác truyền thông. Truyền thông công giáo không chỉ là trình bày một nội dung tôn giáo nhưng còn là cách thế truyền thông, cách thế ta hiện diện trong thế giới kỹ thuật số. Làm sao để ta hiện diện trong thế giới đó đúng tư cách là Kitô hữu, người môn đệ Chúa Giêsu?

Đức Bênêđictô XVI dùng 4 tĩnh từ để mô tả thái độ phải có của người làm công tác truyền thông tôn giáo: Trung thực - Cởi mở - Có trách nhiệm - Kính trọng người khác. Trong Sứ điệp của ngài, 4 tĩnh từ này chỉ được nhắc đến trong một câu nên có thể ta chỉ lướt qua mà không chú tâm đủ. Thiết nghĩ đây là những từ quan trọng đến nỗi sau buổi thuyết trình này mà cử tọa nhớ được 4 từ này thôi… thì đã là thành công mỹ mãn rồi.

Để cụ thể hóa những gợi ý của Đức Giáo hoàng, cũng xin minh họa bằng một cuốn phim được Giải Oscar 2011: Phim The King’s speech. Chuyện kể về vua Georges VI, cha của nữ hoàng Elisabeth II hiện nay. Ông là công tước Albert thuộc hoàng tộc, em của Edward. Khi vua Georges V qua đời, người anh là Edward lên ngôi, nhưng rồi trong triều đại ông đã xảy ra chuyện tình hi hữu, nổi tiếng thế giới: ông yêu một người phụ nữ đã ly dị và cương quyết lấy bằng được dù phải hi sinh ngôi vua. Sau khi Edward thoái vị, Albert phải thay thế nhưng bản thân ông không muốn đến nỗi đã khóc lóc với mẹ khi nói đến chuyện này. Lý do là vì ông bị tật nói lắp và rất ngần ngại lãnh trách nhiệm. Một người đứng đầu đất nước mà nói không nên lời thì làm sao?

Điều rất độc đáo là vai trò của bà vợ. Không muốn chồng mình là trò cười trước mặt thiên hạ, bà Elisabeth, vợ của Albert, đã tìm đến một bác sĩ nhờ chữa trị. Thế là ông vua Albert phải tuân theo phương pháp chữa giọng và tập nói của bác sĩ, một trong những thần dân của mình. Để tập luyện như thế, ông phải:

- trung thực: không dấu giếm nhưng nhìn nhận khuyết điểm của mình, có nhìn nhận khuyết điểm thì mới sửa được.

- cởi mở: biết lắng nghe người khác dù người đó dưới quyền mình, phải dẹp bỏ tự ái, uy quyền, thói quen được cung phụng, hầu hạ, ra lệnh hơn là làm theo lệnh của người khác.

- tôn trọng người khác: người khác ở đây là bác sĩ chữa bệnh và cũng là thần dân của ông, nhưng ông phải tôn trọng, làm theo những gì bác sĩ hướng dẫn.

- có tinh thần trách nhiệm: ý thức trách nhiệm trước người dân và đất nước, vì trách nhiệm này mà phải cố gắng tập luyện.

Như thế, khi tập nói, ông không chỉ tập phát âm mà còn tập làm một vị vua biết lắng nghe thần dân của mình, một vị vua khiêm tốn, biết tôn trọng dân và có trách nhiệm với dân. Nhờ đó Albert trở thành vị vua đáng kính, đã chu toàn trách nhiệm đứng đầu đất nước trong một giai đoạn khó khăn là thế chiến II, khôi phục lại uy tín của hoàng gia sau cuộc khủng hoảng trầm trọng người anh để lại.

Cuốn phim chất chứa một sứ điệp quan trọng: Không ai sinh ra đã hoàn hảo mọi sự nhưng phải tập luyện. Để làm công tác truyền thông công giáo, chúng ta phải là những người trung thực, cởi mở, có tinh thần trách nhiệm, biết kính trọng người khác. Ước gì mỗi khi ta viết một bản tin, truyền đi một hình ảnh, kết nối với một người, những tĩnh từ này lại xuất hiện trong tâm trí như lời nhắc nhớ : Bản tin tôi viết như thế này có phản ánh đúng sự thật không hay tôi đã vo tròn, bóp méo cho phù hợp với sở thích của mình? Tôi có sẵn sàng đón nhận và lắng nghe những ý kiến và suy nghĩ khác với quan điểm của mình không? Tôi có dám chịu trách nhiệm về những gì mình viết và thông tin không, có ý thức trách nhiệm của mình là người môn đệ của Chúa và là người loan báo Tin Mừng không? Tôi có kính trọng người đọc không khi viết bài này, khi đưa hình ảnh nọ lên mạng?

Điều đó không tự nhiên mà có nhưng phải tập luyện, cũng không chỉ là tập luyện về kỹ thuật mà là “thể thao thiêng liêng”, linh thao. Nhưng nếu ta cố gắng để thực hiện thì hi vọng công tác truyền thông ta đang làm sẽ góp phần tích cực vào việc bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống: “Tôi muốn mời gọi các Kitô hữu hãy tự tin cùng với tinh thần sáng tạo có ý thức và trách nhiệm, tham gia vào mạng lưới các tương quan mà thời đại kỹ thuật số đã đem lại. Không phải đơn thuần để thỏa mãn ao ước được hiện diện, nhưng vì mạng lưới này là một phần của cuộc sống con người. Mạng lưới internet đang đóng góp vào sự phát triển những chân trời mới mẻ và phức tạp hơn về tâm linh và trí thức, cũng như những hình thức mới trong việc chia sẻ nhận thức. Cả trong lãnh vực này, chúng ta cũng được mời gọi loan báo niềm tin của chúng ta rằng Đức Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Cứu độ nhân loại và lịch sử, Đấng mà nơi Người mọi sự được thành toàn” (x.Ep 1,10).

Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, 2011

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Nguồn: WGPSG