16/05/2012
1258

SUY TƯ VỀ SỨ ĐIỆP

NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 44

 

WGPSG -- Đã gần đến ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 46 (20-05-2012), BBT trang web tgpsaigon.net xin lần lượt giới thiệu cùng quý độc giả những bài suy tư của ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm (Chủ tịch Ủy ban Truyền thông xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam) về những Sứ điệp Truyền thông của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI (năm 2010, 2011 và 2012).

Trước hết, BBT xin giới thiệu bài suy tư về sứ điệp nhân ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 44 (năm 2010):

LOAN BÁO TIN MỪNG QUA CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG HIỆN ĐẠI

Từ kinh nghiệm dấn thân của một tín hữu

Xin bắt đầu bằng chứng từ của Tom Peterson, người thành lập chương trình kêu gọi những người Công giáo đã bỏ đạo trở về với Giáo hội (Catholics come home). Trong khuôn khổ hội nghị tại Đại học Thánh Giá ở Rôma với đề tài Những phương tiện truyền thông của Giáo hội: căn tính và sứ mạng, thông tấn xã Zenit đã thực hiện cuộc phỏng vấn Tom Peterson và ông đã chia sẻ kinh nghiệm thật quý báu cho tất cả những ai quan tâm đến công tác truyền thông của Giáo hội.

Tom Peterson cho biết mọi sự bắt đầu từ cuộc tĩnh tâm cách đây 13 năm. Ông vẫn là người Công giáo tốt, chưa bao giờ bỏ lễ Chúa nhật, tuy nhiên ông tự nhận là đi lễ nhưng lại không chú tâm lắm, chỉ làm cho xong bổn phận rồi vội vã lao vào công việc làm ăn hàng ngày của một chuyên viên trong ngành quảng cáo. Trong cuộc tĩnh tâm đó, quỳ trước Thánh Thể, ông đã có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa là Chúa vũ trụ, không khác gì kinh nghiệm của thánh Phaolô ngày xưa. Ngay sau đó, ông thay đổi lối sống. Xác tín rằng Chúa là trên hết và Ngài phải là mối ưu tiên hàng đầu trong đời sống của mình, nên ông đi lễ hằng ngày, xưng tội thường xuyên, bắt đầu đọc Thánh Kinh và cầu xin Chúa chỉ cho mình con đường phục vụ. Là chuyên viên trong ngành quảng cáo, ông ước mong sử dụng khả năng Chúa ban để phục vụ Giáo hội chứ không chỉ kiếm tìm tư lợi. Thế rồi ông có hai giấc mơ. Giấc mơ thứ nhất về một đứa bé nằm trong nôi và bị một cái gối đè lên mặt đến nỗi không thở được, còn ông cố gắng đẩy cái gối ra và làm dấu Thánh giá trên đứa bé. Giấc mơ thứ hai về một chương trình quảng cáo việc truyền giáo của Giáo hội.

Theo dòng thời gian, cả hai giấc mơ đó trở thành hiện thực. Ngay sau giấc mơ, chương trình Virtue Media ra đời với trang web virtuemedia.org. Chương trình này phát sóng trên khắp nước Mỹ và đôi khi trên toàn thế giới nhằm mục đích đề cao sự sống, hướng dẫn mọi người về sự thánh thiêng của sự sống, chống phá thai, giúp đỡ các phụ nữ đang mang thai cũng như những gia đình gặp khó khăn sau phá thai.

Tiếp đó là chương trình kêu gọi những người Công giáo đã bỏ đạo trở về với Giáo hội. Chương trình được phát sóng trước hết trong giáo phận Phoenix năm 1997. Chương trình được phát sóng liên tục trong hơn hai tuần và điều lạ lùng là 3.000 người đã trở về với Giáo hội. Tom Peterson nói đùa khi tính chi phí sản xuất chương trình, “Mỗi linh hồn chỉ mất 10 đô la. Một cuộc đầu tư tuyệt vời”! Từ đó, chương trình càng ngày càng phát triển: truyền thanh, truyền hình, internet. Tính cho đến nay, nhờ chương trình này, đã có khoảng 200.000 người Công giáo trở về với Giáo hội. Hơn thế nữa, còn có những anh chị em thuộc các tôn giáo khác, kể cả vô thần, đã nhờ chương trình này mà đến với Chúa và Giáo hội. Một người kể lại, ông sinh ra trong một gia đình Công giáo nhưng rồi bỏ đạo và trở thành vô thần, cả vợ con cũng thế. Tình cờ gặp được trang web Catholics come home, ông xem được những hình ảnh và tư liệu về lịch sử, vẻ đẹp, linh đạo, những công trình của Giáo hội. Bị đánh động, khi nhìn thấy dòng chữ “Chúng ta là người Công giáo, chào mừng bạn đã về nhà”, ông cảm thấy như Chúa Thánh Thần chạm đến mình. Ông tiếp tục tìm hiểu thêm và một năm sau, cả gia đình ông trở về với Giáo hội. Ông nói, “Lúc trước, tôi toàn thúc đẩy người ta bỏ Giáo hội, bây giờ tôi giúp người khác hiểu về Giáo hội và đưa họ về với Giáo hội”. Nhiều người đã chia sẻ những chứng từ tương tự.

Tom Peterson kết luận: “Điều chúng ta học được ở đây là cũng như những người làm quảng cáo ngoài đời, nếu chúng ta làm truyền thông cách chuyên nghiệp, vận dụng những tài năng Chúa ban, ta có thể thực hiện công việc loan báo Tin Mừng mà Đức Gioan Phaolô II đã nói rất hay. Qua tông huấn Kitô hữu giáo dân, ngài kêu gọi người giáo dân chúng ta sống và phục vụ Giáo hội bằng chính những công việc trần thế của mình. Khi ta kết hợp kiến thức, kinh nghiệm và tài năng Chúa ban cho ta ở đời với đức tin, sự cầu nguyện và sự hướng dẫn của Thánh Thần, thì những hoa quả lạ lùng sẽ nẩy sinh như công việc tông đồ của chúng tôi đã làm và những thành quả của công việc đó”.

Đến sứ điệp của Đức Thánh cha Bênêđictô XVI

nhân ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 44

Bất cứ hoạt động truyền thông nào cũng bao gồm 4 yếu tố chính: nguồn, phương tiện, sứ điệp, đối tượng. Nguồn truyền thông là người cung cấp thông tin. Thông tin này được gửi đến độc giả hay thính giả bằng những phương tiện khác nhau như lời nói, chữ viết, hình ảnh… Cung cấp thông tin bao giờ cũng hàm chứa một sứ điệp mà người cung cấp muốn trao gửi, thể hiện qua cách chọn lựa, sắp xếp, trình bày của người cung cấp. Cuối cùng, thông tin bao giờ cũng nhắm đến một đối tượng cụ thể và chính đối tượng này sẽ ảnh hưởng đến cách cung cấp thông tin (tuổi tác, giới tính, trình độ văn hoá…).

a. Phương tiện truyền thông kỹ thuật số

Trong Sứ điệp nhân ngày Thế giới Truyền thông xã hội lần thứ 44, Đức Thánh cha Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến việc sử dụng phương tiện truyền thông, cụ thể là lãnh vực truyền thông kỹ thuật số. Nội dung này được thể hiện ngay trong tên gọi của sứ điệp: Linh mục và việc mục vụ trong thế giới kỹ thuật số: những phương tiện truyền thông hiện đại phục vụ Lời Chúa. Rồi trong suốt sứ điệp, ngài đưa ra nhiều lý do để khuyến khích ta quan tâm đến việc sử dụng truyền thông kỹ thuật số.

Trước hết là thời đại ta đang sống, thời đại bùng nổ thông tin với những phương tiện truyền thông hiện đại chưa từng có trong lịch sử, cụ thể là truyền thông kỹ thuật số: “Các công nghệ hiện đại tạo ra những hình thức quan hệ sâu xa hơn, vượt qua được những khoảng cách lớn hơn, nên các linh mục được mời gọi đáp ứng lại trong công việc mục vụ của mình, bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông cách hữu hiệu hơn bao giờ hết để phục vụ Lời Chúa”.

Vận dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số để phục vụ Lời Chúa chính là một cách nối dài màu nhiệm nhập thể, nghĩa là để Thiên Chúa có thể đi vào đời sống con người cách cụ thể như Đức Thánh cha diễn tả bằng thứ ngôn ngữ đầy hình ảnh: “Nhờ những phương tiện truyền thông hiện đại, Thiên Chúa có thể đi dạo trên những nẻo đường thành phố của chúng ta, dừng chân trước ngưỡng cửa ngôi nhà và con tim chúng ta, và một lần nữa lên tiếng gọi: “Này đây, Ta đứng trước cửa mà gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

Ngoài ra, phương tiện truyền thông kỹ thuật số là phương thế tiếp cận rất tốt với giới trẻ, đối tượng cần được quan tâm đặc biệt. Sau khi nhắc lại lời thánh Phaolô: “Làm sao tin Đấng mà họ không được nghe? Làm sao nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,15), Đức Thánh cha nói: “Giữa những biến chuyển văn hoá ngày nay mà người trẻ đặc biệt nhạy cảm, câu trả lời thích đáng cho lời thách đố trên cần phải bao hàm việc sử dụng những kỹ thuật hiện đại”.

Hơn thế nữa, đây còn là cách thế đặc biệt để đến với anh chị em ngoài Giáo hội: “Đúng như tiên tri Isaia đã có thị kiến về ngôi nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc (x. Is 56,7), làm sao chúng ta lại có thể không nhìn thấy mạng web – giống như hành lang của dân ngoại trong Đền Thờ Giêrusalem – đang mở ra một không gian dành cho những người chưa biết Chúa?”

b. Sứ điệp và mục đích của truyền thông Công giáo

Đúng là Đức Thánh cha nhấn mạnh đặc biệt đến việc sử dụng truyền thông kỹ thuật số, và tất cả anh chị em ở đây là những người đang tham gia vào trang web của giáo phận, đang học hỏi những kỹ năng cần thiết để làm công việc này. Thế nhưng không vì thế mà ta quên mất câu hỏi hết sức căn bản và mang tính định hướng cho công việc ta đang làm: Sử dụng truyền thông kỹ thuật số để làm gì? Phải chăng để làm ăn buôn bán? Hay để kích thích những thú vui bản năng? Để phục vụ một lập trường chính trị? Đặt những câu hỏi trên để tất cả chúng ta cùng nhau xác định mục đích của việc mình làm. Không xác định rõ mục đích thì có nguy cơ sử dụng những phương tiện truyền thông để làm những điều ngược lại Thánh Ý Chúa và sứ mạng của Giáo hội. Chính vì thế, cùng với lời kêu gọi sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, Đức Thánh cha không ngừng nhắc nhở chúng ta rằng: Bổn phận hàng đầu của Giáo hội là “loan báo Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể và thông truyền ân sủng cứu độ trong các bí tích”. Sứ mạng của Giáo hội là phục vụ sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người: “Giáo hội là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông mà Thiên Chúa thực hiện với mọi người” và tất cả chúng ta được mời gọi để xây dựng sự hiệp thông đó, trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Vì thế, chúng ta có trách nhiệm giới thiệu Giáo hội cho mọi người: “Sử dụng những kỹ thuật truyền thông hiện đại, chúng ta có thể giới thiệu cho mọi người biết đời sống của Giáo hội, và giúp người đương thời khám phá khuôn mặt Chúa Kitô”.

c. Để mỗi Kitô hữu là nguồn truyền thông

Để có thể thực hiện sứ mạng và mục đích cao cả trên, bản thân người làm công tác truyền thông phải được chuẩn bị không chỉ về mặt kỹ thuật, nhưng còn cần có những tâm tư, khả năng và thái độ thích hợp. Đức Thánh cha nói với các linh mục và cũng nói với mỗi chúng ta rằng: “Không phải chỉ hiện diện trên web là đủ hoặc xem nó chỉ như một không gian được lấp đầy. Đúng ra, chúng ta phải hiện diện trong thế giới kỹ thuật số như những chứng nhân trung thành của Tin Mừng”. Chưa hết, Đức Thánh cha còn nói thêm: khi linh mục hiện diện trong thế giới kỹ thuật số, người ta không để ý đến các ngài về mặt hiểu biết những phương tiện truyền thông cho bằng quan tâm đến “sự gần gũi của linh mục với Chúa Kitô và con tim linh mục của các ngài”. Cho nên tham gia viết blogs, viết bài trên các websites, thực hiện những cuốn phim video… tất cả là điều rất tốt với điều kiện phải có mặt ở đó như những chứng nhân trung thành của Phúc Âm, những người bạn của Chúa Kitô, mang trong mình tâm tư của Chúa. Quả là một lý tưởng cao vời và cũng là một thách đố lớn.

Hiểu như thế, sử dụng thông thạo những kỹ thuật hiện đại mà thôi chưa đủ, người làm công tác truyền thông còn cần phải có “sự thấu hiểu thần học lành mạnh, một linh đạo vững vàng, đặt nền trên cuộc đối thoại liên lỉ với Chúa”. Nghĩa là người làm công tác truyền thông phải được chuẩn bị về mọi mặt: trí thức, thiêng liêng, nhân bản. Câu chuyện của Tom Peterson được nhắc đến từ đầu là minh hoạ rất cụ thể cho những gì nói đến ở đây. Là chuyên viên quảng cáo và là một tín hữu đạo đức, chưa bỏ lễ Chúa nhật bao giờ; thế nhưng ông đâu có quan tâm gì đến việc loan báo Tin Mừng. Chỉ khi có kinh nghiệm gặp Chúa rồi, ông mới được thúc đẩy vận dụng khả năng chuyên môn của mình để phục vụ Tin Mừng. Khi đó, những khả năng chuyên môn của ông được triển khai theo một hướng khác với một động lực khác và đã đem đến những kết quả hết sức tốt đẹp.

Vì thế, để kết thúc bài nói chuyện này, không phải là vô ích khi nhắc lại chia sẻ của Tom Peterson: “Điều chúng ta học được ở đây là cũng như những người làm quảng cáo ngoài đời, nếu chúng ta làm truyền thông cách chuyên nghiệp, vận dụng những tài năng Chúa ban, ta có thể thực hiện công việc loan báo Tin Mừng mà Đức Gioan Phaolô II đã nói rất hay. Qua tông huấn Kitô hữu giáo dân, ngài kêu gọi người giáo dân chúng ta sống và phục vụ Giáo hội bằng chính những công việc trần thế của mình. Khi ta kết hợp kiến thức, kinh nghiệm và tài năng Chúa ban cho ta ở đời với đức tin, sự cầu nguyện và sự hướng dẫn của Thánh Thần, thì những hoa quả lạ lùng sẽ nẩy sinh như công việc tông đồ của chúng tôi đã làm và những thành quả của công việc đó”.

Hàm chứa trong những chia sẻ của Peterson là lời nhắn gửi đến mỗi người chúng ta. Hãy vun trồng hiểu biết, hiểu biết trong lãnh vực chuyên môn về truyền thông kỹ thuật số, song hành với hiểu biết về Chúa Kitô và Giáo hội của Người. Hãy vun đắp tâm hồn bằng đời sống cầu nguyện, chiêm nghiệm nội tâm. Hãy vun trồng lòng yêu mến Giáo hội Chúa Kitô, đồng cảm với Giáo hội và vận dụng khả năng Thiên Chúa ban để xây dựng Giáo hội của Chúa và góp phần tích cực vào sứ mạng loan báo Tin Mừng.

Lễ Thăng Thiên 2010

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Nguồn: WGPSG