07/04/2017
2209
Tuần Thánh_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh


















THỨ HAI TUẦN THÁNH

Ga 12,1-11

HÀNH ĐỘNG NGÔN SỨ

 

“Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. (Ga 12,7)

Suy niệm: Ngày ba nhà đạo sĩ Đông Phương đến thờ lạy Chúa Hài Đồng, ba lễ vật vàng, nhũ hương, mộc dược mà họ dâng lên, đã ngầm nói lên phẩm tính hoàng vương của Hài Nhi mới sinh, đồng thời tiên báo cái chết của Ngài. Ngày hôm nay, hành động của cô Ma-ri-a lấy dầu thơm xức chân Chúa Giê-su, được chính Ngài công nhận là một hành động mang tính ngôn sứ: “Dầu thơm này có ý dành cho ngày mai táng Thầy.” Dù trước mặt mọi người, hành động của Ma-ri-a có vẻ khó hiểu, nhưng đối với cô điều đó không quan trọng, bởi vì cô đã hành động theo sự thúc đẩy của tình yêu dành cho Đức Ki-tô. Chính tình yêu giúp cô đồng cảm sâu xa với Ngài; và ngay từ lúc này, cô đã cùng Đức Ki-tô đi vào cuộc khổ nạn với Ngài.

Mời Bạn: Albert Nolan viết: “Ta sẽ không thể nào đánh giá cách đầy đủ về Chúa Giê-su trong những lao lung của đời sống hiện tại nếu ta không đi sâu vào linh đạo của Ngài”, nói cách khác, ta phải ngụm lặn vào tâm trạng của Chúa trong những giây phút cận kề với cái chết, ta mới hiểu được Ngài muốn điều gì nơi ta. Hành động của chúng ta sẽ mang tính ngôn sứ khi chúng được thúc đẩy bởi động lực tình yêu.

Sống Lời Chúa: Dành những phút thinh lặng, đặt mình vào vị trí của Mác-ta, Ma-ri-a, La-da-rô, Giu-đa… để chiêm ngắm Chúa Giê-su những ngày trước lúc Ngài chịu khổ hình… và xin ơn được đồng cảm với Chúa để biết hành động sao cho đẹp lòng Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con cảm nhận được những ưu tư khắc khoải của Chúa và của anh chị em để con biết an ủi, giúp đỡ.

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN THÁNH

Ga 13,21-33.36-38

TỈNH THỨC ĐỂ NHẬN RA

 

Đức Giê-su nói với Phê-rô: “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư? Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần.” (Mt 16,15)

Suy niệm: Thật đúng như lời Chúa Giê-su đã nói: “Tinh thần thì mau mắn, còn xác thịt thì yếu đuối” (Mt 26,41). Phê-rô đã không bao giờ nghĩ rằng mình trở thành kẻ phản bội cho đến ‘đêm hôm ấy’ ông nghe được tiếng gà gáy. Đối với nhiều người, tiếng gà gáy chẳng mấy liên hệ, nhưng với Phê-rô, tiếng gà trở nên tiếng gọi để thức tỉnh. Nếu trước đó ông vênh vang, tự đắc, hăm hở tìm xem ai là kẻ phản bội (c.24) thì sau khi chối Thầy, Phê-rô đã khiêm tốn khóc lóc ăn năn trước cái nhìn yêu thương và cảnh tỉnh của Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Thói thường, truy tìm và hạch tội người khác thì dễ hơn nhận biết tội lỗi của chính mình. Vì thế, vấn đề nơi mỗi chúng ta không cần phải tìm xem ai là kẻ có tội, mà cần sự thức tỉnh để nhận ra mình chính là tội nhân. Để giúp chúng ta làm được công việc khẩn thiết đó, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta phương thế: đó là “tỉnh thức và cầu nguyện” để khỏi sa chước cám dỗ.

Chia sẻ kinh nghiệm về một lần bạn được thức tỉnh bởi Lời Chúa.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày trong Tuần Thánh này, bạn dành thời gian tạo bầu khí lắng đọng, bình tâm để lắng nghe tiếng Chúa vang vọng từ đáy lòng, có thể một tiếng gà gáy không đụng đến ai nhưng nó lại làm ta thức tỉnh.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa dạy chúng con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, bởi tinh thần thường mau mắn, còn xác thịt thì yếu đuối. Xin cho chúng con học được bài học thất bại của các Tông Đồ trong cuộc Vượt Qua với Chúa, để không ai chểnh mảng vì tưởng rằng mình đứng vững.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN THÁNH

Mt 26,14-25

TRẢ GIÁ CHO TÌNH YÊU

 

“Quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Tôi đây sẽ nộp ông ấy cho quý vị.” (Mt 26,15)

Suy niệm: Vào tháng 3.2011, một thảm họa kép động đất và sóng thần đã tàn phá một vùng rộng lớn tại vùng đông bắc Nhật Bản. Khi đội cứu hộ tiếp cận đống đổ nát của một ngôi nhà, họ phát hiện một người phụ nữ trẻ đã chết cơ thể cúi gập nghiêng về phía trước như đang cầu nguyện. Căn nhà đổ sập trên lưng chị, cơ thể đã cứng đờ của chị đang che chở cho một đứa bé ba tháng tuổi được quấn trong một chiếc chăn bông nằm trong lòng chị. Đứa bé được cứu sống. Khi mở chiếc chăn quấn đứa bé, người ta tìm thấy chiếc điện thoại, trong đó có dòng tin nhắn “Nếu con có thể sống sót, con phải biết rằng mẹ rất yêu con”. Người mẹ trẻ đã trả giá cho tình yêu dành cho con bằng chính mạng sống của mình.

Mời Bạn: Đức Giê-su đã phải trả giá cho Tình Yêu dành cho con người bằng chính mạng sống của mình, dù Ngài biết rằng Tình Yêu ấy đang bị phản bội bởi chính tội lỗi, bởi sự thờ ơ và vô tâm của chúng ta. Hôm nay, bạn được mời gọi biết ăn năn hối lỗi vì đã phản bội Tình Yêu ấy, để nhận ra mình luôn được yêu thương và để biết sống thế nào cho xứng đáng với Tình Yêu ấy.

Chia sẻ: Bạn sẽ làm gì để hối lỗi về những tội lỗi mình đã xúc phạm đến Tình yêu của Chúa dành cho mình?

Sống Lời Chúa: Nghiền ngẫm câu này “Ngài đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20) để cảm nhận Tình Yêu Chúa dành cho tôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin tha thứ những tội lỗi con đã xúc phạm đến Tình yêu lớn lao Chúa dành cho con. Xin ban cho con sức mạnh để quyết tâm không phạm tội và biết sống quảng đại với Tình yêu của Chúa hơn. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

THÁNH LỄ TIỆC LY

Xh 12,1-8.11-14: Ga 13,1-15

YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ

 

I. Dẫn vào Thánh Lễ

Hàng năm, dân Do Thái vẫn ăn bữa tiệc Vượt Qua để tưởng niệm việc họ được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, lập giao ước với họ và đưa họ về miền đất hứa. Đó là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Do Thái. Hôm nay, Chúa Giêsu Kitô đã khai mào cuộc thương khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa Vượt Qua đó. Nhưng Người đã muốn cho bữa ăn này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Người, Người đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá.

- Hôm nay, Giáo hội cử hành bữa tiệc ly của Chúa. Trong bữa tiệc này, Đức Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học khiêm nhường và bác ái. Người cũng thiết lập Bí tích Thánh Thể và thừa tác vụ linh mục, Người cũng trao ban cho các môn đệ điều răn mới là tình bác ái huynh đệ.

- Vì thế Phụng vụ chiều thứ năm tuần thánh là một lời ca tụng tình yêu vô biên của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô.

II. Thánh lễ Tiệc Ly

Trong bầu khí thân thương của Thánh Lễ Tiệc ly hôm nay, chúng ta xác tín rằng: Tất cả cuộc đời của Đức Giêsu là một hành động yêu thương. Mọi việc Người làm đều thể hiện tình yêu của Người với nhân loại. Đặc biệt trong bữa Tiệc Ly, bữa ăn sau cùng trước khi nộp mình chịu chết, Chúa Giêsu bày tỏ “tình yêu thương của Người đối với những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng”.

Người đời thường quan niệm, thương yêu là muốn trở nên giống nhau, muốn ngang tầm bên nhau, như ca dao Việt Nam có câu: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Ở tầm cao hơn thì thương yêu là cho đi, là hiến dâng, là hy sinh cho người mình yêu: “Tình yêu là một đoá hoa, sắc là dâng hiến, hương là hy sinh”. Chúa Giêsu đã thể hiện một tình yêu đối với nhân loại như thế: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu”. Nhưng cái bằng chứng sau cùng: chết cho người yêu, chưa diễn tả hết tình yêu của Chúa, chưa làm thoả lòng Chúa yêu thương, vì Ngài chỉ có một cuộc sống và chỉ có thể chết một lần. Bởi vậy, để thể hiện sâu xa hơn nữa tình yêu nhân loại, Chúa đã muốn nên của ăn của uống cho hết mọi người qua mọi thế hệ. Và Chúa đã thực hiện đúng như thế mà chúng ta long trọng nhắc lại những việc làm ấy trong ngày Đại Lễ hôm nay.

Hôm đó là ngày thứ năm trong tuần “Lễ ăn bánh không men” của người Do Thái. Khi trời đã về chiều, Chúa Giêsu cùng các Tông Đồ đến dùng tiệc trong một căn phòng rộng rãi mà Phêrô và Gioan đã mượn được của một gia đình trong thành Giêrusalem. Bữa tiệc ấy được tổ chức long trọng và diễn ra đúng thủ tục, gồm những tuần rượu, những món ăn cổ truyền, xen lẫn với việc đọc những bài Thánh Vịnh. Giữa bữa tiệc, Chúa Giêsu lên tiếng bộc lộ niềm xúc động, lý do vì đây là lần cuối cùng Chúa Dự tiệc mừng “Lễ Vượt Qua” chung với các môn đệ, sau bữa ăn Chúa sẽ bị bắt do sự đồng loã chỉ điểm của một môn đệ phản bội, và rồi Ngài sẽ bị giết chết vào ngày hôm sau.

Trong bữa ăn đầy ý nghĩa này, Chúa muốn gởi lại các Tông Đồ những lời trăn trối đầy tình yêu thương. Cũng như “con chim trước khi chết thì cất tiếng hót bi thương, con người trước khi chết thì lời nói rất chân thật”. Ở đây Chúa Giêsu cũng dặn dò các Tông Đồ: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Dạy dỗ bằng lời nói xong, Chúa còn muốn để lại cho các Tông Đồ bài thực hành cụ thể, sống động, đó là rửa chân cho các ông. Rửa chân cho các ông xong, Chúa ngồi vào bàn tiệc và tiếp tục bài giảng yêu thương. Người nói: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm. Vậy Thầy là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”. Rõ ràng Chúa muốn dạy các môn đệ và tất cả mọi người bài học khiêm tốn, yêu thương, phục vụ nhau… Bởi vì yêu thương bằng lời nói thì có thể bị coi là đầu môi chót lưỡi, yêu thương bằng thái độ có thể bị coi là giả hình, chỉ có yêu thương bằng hành động mới là tình yêu chân thật.

Hơn nữa, trước giờ biệt ly, trước khi đi xa, người đời thường lưu lại cho người thân một kỷ vật để ghi nhớ: một cuốn sách một khăn tay, một tấm hình, một cái áo một chiếc nhẫn… Đối với Chúa, cũng trong ý nghĩa yêu thương, thì những kỷ vật đó tầm thường quá, hời hợt quá, không đủ nói lên tấm lòng yêu thương quá nồng nàn của Chúa Giêsu đối với nhân loại. Kỷ vật Chúa muốn lưu lại cho nhân loại phải hết sức đặc biệt là chính bản thân của Chúa. Và Chúa đã thực hiện ý muốn đó bằng một thể thức vô cùng linh diệu nhiệm mầu: Chúa đã lấy bánh và rượu biến đổi thành Mình và Máu Chúa, rồi phân phát cho các Tông Đồ như của ăn thức uống thiêng liêng bồi dưỡng linh hồn. Quả thật đây là một việc làm chứa rất nhiều ý nghĩa yêu thương, nhưng cũng mang đầy tính chất đức tin. Chúa còn trao quyền cho các Tông Đồ được làm lại sự việc cao quý này để tưởng niệm đến Chúa. Như thế, trong bữa tiệc lịch sử này, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và ban quyền chức linh mục cho các Tông Đồ.

Chiều hôm nay, chúng ta làm lại việc Chúa Giêsu, Thầy chí thánh đã truyền dạy, chúng ta nhớ đến tình yêu thương bao la đã thúc đẩy Ngài hy sinh cho chúng ta. Ước gì nghi lễ rửa chân và tưởng niệm việc thành lập Bí tích Thánh Thể giúp chúng ta sống trong tình đoàn kết yêu thương để phục vụ nhau và phục vụ anh em một cách hữu hiệu hơn: “Như Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em cũng hãy rửa chân cho nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em, và đã thí mạng sống mình vì anh em”.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Is 52,13-53,12; Ga 18,1-19,42

THẬP GIÁ NGUỒN ƠN CỨU ĐỘ

 

I. Dẫn vào cử hành Phụng Vụ

Hôm nay, thứ sáu tuần thánh, Hội thánh tưởng niệm và sống mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu, qua sự chết đi vào sự sống, qua Thập giá đến vinh quang.

Đức Giêsu tự hiến thân mình đến chết và chết trên thập giá. Vì thế Thánh giá là trung tâm điểm ngày lễ hôm nay. Phụng vụ hôm nay đều bao trùm Thánh giá. Từ chiều hôm nay đến ngày Chúa sống lại chúng ta chỉ thấy hình bóng của Thánh giá. Giáo hội mời gọi các tín hữu đến dưới chân Thánh giá, vì Thánh giá là biểu tượng của vinh quang. Thánh Phaolô nói: “người Do Thái đòi những điềm thiêng dấu lạ, người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, còn chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh trên Thập giá”.

Phụng vụ hôm nay cử hành lại sự vinh quang của Thiên Chúa qua mầu nhiệm thập giá chứ không chỉ tưởng niệm lại một biến cố quá khứ đã diễn ra cách đây trên hơn 2000 năm.

Theo truyền thống từ ngàn xưa, việc Giáo hội không cử hành thánh lễ hôm nay, không phải là dấu hiệu tang tóc, nhưng là tập trung hơn vào những biến cố diễn ra trước biến cố phục sinh, đó là Đức Ki-tô đã đi đến tột cùng của thử thách là sự chết, và chết trên thập giá để cứu độ nhân loại.

Vì thế thập giá đã trở nên nguồn sống cho nhân loại, khí cụ chiến thắng tội lỗi, và nguyên nhân giải hòa chúng ta với Thiên Chúa. Chính nhờ cây gỗ thập giá mà niềm hân hoan tràn ngập địa cầu.

Bằng tâm tưởng, chúng ta hãy lần bước theo Chúa Giêsu trên con đường thương khó và tử nạn của Ngài.

Xin Chúa cho chúng ta được ăn năn thống hối chân thành: sẵn sàng chết đi với tội lỗi và sống cho Chúa, vui lòng vác thập giá hàng ngày đi theo Chúa, với hy vọng sẽ được cùng Người sống lại vinh quang.

II. Cử hành cuộc thương khó của Chúa

Thánh Gioan, người môn đệ được Đức Giêsu quí yêu, là người duy nhất trong các Tông đồ đã đi theo Đức Giêsu đến tận đồi Canvê. Bởi thế, ông tường thuật cuộc khổ nạn của Chúa do mắt thấy tai nghe. Trình thuật của ông không có gì lừa dối và làm xúc động tận tâm can con người chúng ta.

Khi tường thuật sự thương khó của Chúa, thánh Gioan muốn minh chứng rằng Đức Kitô hoàn toàn tự do chọn lựa vận mạng của mình, và nét nổi bật được minh giải là lễ hy sinh của Đức Kitô là vì tình thương:

- Vì yêu mến Chúa Cha mà Người muốn chu toàn tôn ý cho đến cùng.

- Và vì tình thương loài người là anh em mà Người hy sinh mạng sống cho họ.

Trong ngày Thứ Sáu tử nạn, Đức Giêsu, trước tòa án Cai-pha đã tuyên xưng danh tánh bằng lời tiên báo của Đanien “Rồi đây, các ngươi sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng tối cao và sẽ đến trong mây trời”. (Đn 7,13). Chính lời tuyên bố đó đã định đoạt số phận của Người: “Nó đáng chết”.

Đức Kitô đã chấp nhận biết bao đau khổ và cả cái chết thê thảm nhục nhã trên Thập giá như một tội nhân, dù rằng người vô tội. Người không chỉ chết thay cho một người hay chết vì một gia đình, nhưng Người chết vì tất cả mọi người trên khắp dương gian, trong đó có chúng ta. Người đã gánh lấy tất cả tội lỗi vì sự đáng tội của chúng ta trên thân thể Người, để giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ của tội lỗi là sự chết. Nhờ Người chúng ta được sống lại trong tình nghĩa với Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha.

Tin Mừng đã làm chứng: Toàn thể cuộc đời của Đức Kitô là một cuộc sống cho tình yêu nhân loại, một tình yêu đạt đến tột đỉnh vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Một tình yêu Đức Kitô nói đến trong bữa Tiệc ly là “Không có tình yêu nào trọng đại cho bằng tình yêu này: hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu”. Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ hiểu thấu được hy tế đồi Canvê, cũng như chẳng bao giờ hiểu được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Chúng ta đã phản nghịch với Thiên Chúa, và lẽ ra chúng ta phải chết, nhưng Chúa đã chết cho chúng ta được sống và sống viên mãn.

Chúng ta hãy đáp đền tình thương của Chúa mà sẵn sàng hy sinh vì Người, từ bỏ tội lỗi xấu xa để sống trọn tình với Chúa. Đồng thời chúng ta cũng yêu thương tôn trọng tha nhân và đem Chúa đến cho họ.

Hôm nay tưởng niệm cuộc tử nạn của Chúa. Chúng ta cử hành suy tôn Thánh Giá Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá Chúa Kitô để tin, thông hiệp và liên kết với Đức Kitô chịu khổ nạn. Chúng ta hãy hồi tâm, thinh lặng mà suy nghĩ: Tại sao Chúa phải chết nhục nhã như vậy? Vì ai mà Chúa phải treo trên thập giá? Lạy Chúa, vì yêu thương chúng con mà Chúa phải chết nhục nhã như vậy, vì tội lỗi chúng con mà Chúa phải chết treo trên thập giá. Ôi tình yêu tuyệt vời. Ôi Thánh Giá diễm phúc. Chúng ta hãy đáp đền tình thương của Ngài bằng cách sẵn sàng hy sinh vì Ngài, đồng hành với cây thập giá của Ngài. Người ta thuật lại rằng:

Dưới thời hoàng đế Néron, Giáo hội bị bắt bớ gắt gao. Phêrô vị thủ lãnh Giáo hội bị tầm nã định tâm rời khỏi thành Roma một thời gian cho qua cơn sóng gió; thế rồi trên con đường Anania, Ngài gặp hình bóng Thầy đi vô.

- Phêrô hỏi: “Thầy đi đâu” (quo vadis)

- Chúa trả lời: “Thầy đi vào thành Rôma để chết thay cho con”

- Phêrô hiểu ý quay gót trở lại chấp nhận mọi gian khổ, củng cố đức tin anh em và chết năm 67.

Cũng như Phêrô, mỗi người chúng ta khi tham dự cử hành cuộc thương khó của Chúa đều được mời gọi đi lại con đường thương khó của Chúa, mỗi người chúng ta đều có một ngày Thứ Sáu tử nạn.

Xin Chúa cho chúng con biết noi theo bài học nhẫn nhục của Người, và được thông phần sự sống của Người.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CANH THỨC VƯỢT QUA

Mt 28,1-10

ĐỨC KITÔ ĐÃ TRỔI DẬY TỪ CÕI CHẾT

 

I. Dẫn vào Phụng Vụ

Suốt ngày thứ bảy hôm nay là ngày đại tang: Đức Giêsu đã chết trên thập giá và được chôn cất trong huyệt đá vào lúc hoàng hôn. Từ chiều thứ sáu và suốt ngày thứ bảy, các Tông đồ tụ họp tại nhà tiệc ly, lòng tan nát và sợ hãi. Còn Mẹ Maria vẫn luôn ở trong thái độ “ghi nhớ và suy niệm” trong lòng mọi biến cố xảy ra cho con của Mẹ. Nhưng từ sáng sớm tinh sương ngày lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết như lời Ngài đã báo trước. Ngài đã chiến thắng sự chết trỗi dậy ra khỏi huyệt đá mới.

Như dân Do Thái xưa kia trong tư thế tỉnh thức sẵn sàng, chờ đợi cột mây, cột lửa của Đức Chúa xuất hiện là lên đường; như các người dự tòng xưa kia đêm nay tỉnh thức đợi chờ giờ lãnh nhận phép rửa được khai tâm về Đức tin Ki-tô giáo, và được dìm mình vào trong cái chết của Đức Kitô để được tái sinh vào chính lúc Chúa Kitô phục sinh. Giờ đây chúng ta cùng canh thức chờ Chúa đến dẫn chúng ta vào ánh sáng phục sinh

Ngay từ các thế kỷ đầu, các Kitô hữu đã cử hành đêm nay như một cuộc rước long trọng khải hoàn: Chúa Kitô, đêm nay đi từ tối tăm qua ánh sáng, đi từ cõi chết âm u tang tóc tiến vào cõi sống tưng bừng hoan hỉ.

II. Suy niệm Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết

Đây là đêm canh thức, đêm phản tỉnh và đêm hy vọng. Đức Giêsu đã chết và được chôn cất trong huyệt đá mới. Thân xác Người đã tan nát, máu Người đã đổ từng giọt cho đến hết, và tất cả tội lỗi của chúng ta đã được đền bồi.

Nay Người đã sống lại ra khỏi mồ. Các người phụ nữ đã được Chúa đón gặp trên đường và đã đi loan báo tin vui Phục Sinh cho các môn đệ. Do đó, người ta không thể tìm gặp Đấng Phục Sinh trong mồ sâu được, Người hẹn gặp những kẻ tin tưởng mến yêu Người nơi Galilêa cuộc đời này. Vì thế, ánh nến Phục Sinh chúng ta vừa thắp lên cũng phải chiếu soi mọi bước đường sống đạo của chúng ta, chứ không chỉ dọi sáng ở đây và trong thánh lễ này.

Cộng đoàn chúng ta đang hân hoan trong bầu khí cử hành mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục Sinh. Ánh sáng chan hoà, hoa nến rực rỡ, thánh ca vui tươi, nghi lễ trang trọng, tất cả hoà nhịp phát huy và nuôi dưỡng lòng sốt sắng êm ái trong tâm hồn chúng ta. Bởi vì Chúa Giêsu đã bước vào vinh quang Phục Sinh, Người trở nên linh thiêng để có thể tiếp cận và thấu nhập vào cuộc đời của từng người chúng ta trong mọi khoảnh khắc. Chúng ta không chỉ được gọi mời để mừng kỷ niệm biến cố Phục Sinh, nhưng là làm sáng lên mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng ta, bằng cách luôn biết chết đi cho tội lỗi để sống một cuộc đời mới nhờ Người và cùng với Người, bởi vì: như thánh Phaolô: “Nếu chúng ta đã chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ sống lại với Người”.

Tuy nhiên, niềm vui Phục Sinh hôm nay mới chỉ là bước đầu, chúng ta còn phải đưa sâu mầu nhiệm Chúa sống lại vào trong tâm hồn để mọi sự sau khi trở lại về im lặng, ánh sáng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh vẫn cháy tỏ trong tâm hồn và đời sống chúng ta, để chúng ta trở thành tông đồ của Chúa sống lại giữa lòng cuộc đời, đem niềm tin Phục sinh để cho mọi người được sự sống của Chúa Kitô phục sinh.

Xin Chúa thêm lòng tin mến cho chúng con, để trong thánh lễ này và qua mọi bước đường đời chúng con có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh và trung kiên nên chứng nhân cho Người ngõ hầu tôn vinh Thiên Chúa và thắp sáng tin yêu trong đời sống người Kitô hữu.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho