09/02/2017
1068
Tuần 6 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh


















THỨ HAI TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

Mc 8,11-13

BIỆT PHÁI XIN DẤU LẠ

 

Chuyện này xảy ra sau phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Trước đó, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, trong đó có những phép lạ lớn (Mc 4,35 - 5,43):

- Dẹp yên bão táp

- Xuất quỉ ám ra khỏi người ta

- Chữa một bà loạn huyết

- Làm cho đứa con gái ông Giairô sống lại.

Thế mà những người Pharisêu vẫn chưa tin Ngài. Hôm nay họ lại thách Ngài làm một “dấu lạ từ trời”, nghĩa là những phép lạ xuất phát từ Thiên Chúa.

Thật ra, những phép lạ lớn vừa kể trên đã đủ chứng minh Ngài là Đấng có quyền phép “từ trời”. Sở dĩ họ không tin là chỉ vì họ ngoan cố.

Thánh Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt những phép lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa Giêsu nhưng họ không tin vì họ quá vô tâm, hoặc cố chấp.

Ở đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người:

- Chúa Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật. Ngài làm phép lạ trước hết là để biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu gọi lòng tin nơi con người. Do đó, phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng bách.

- Khi những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gọi là sự thử thách mà người Do Thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên Chúa.

- Trước sự cứng lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài trên thập giá. Bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa.

Dấu lạ cả thể mà con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ của tình thương. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan 23; hoặc chỉ như một sao băng, người ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Đức Gioan Phaolô I; lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.

Trong sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với những người chưa nhận biết Chúa Kitô.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

Mc 8,14-21

MEN BIỆT PHÁI

 

Câu chuyện này có liên quan tới phép lạ bánh hóa ra nhiều mà Marcô vừa tường thuật phía trước (Mc 8,1-10).

- Phép lạ ấy đã chứng tỏ uy quyền của Chúa Giêsu. Ngài là Môsê mới, ban lương thực dư dật không những cho người Do Thái mà còn cho cả lương dân.

Nhưng những người Pharisêu vẫn không tin Chúa Giêsu. Họ còn đòi Ngài làm một dấu chỉ từ Trời (Mc 8,11-13). Còn những người phái Hêrôđê chỉ lo chuyện chính trị và bảo vệ quyền lợi vật chất của họ. Phép lạ hóa bánh ra nhiều (và cách chung là tất cả những phép lạ của Chúa Giêsu) chẳng giúp cho họ hiểu gì cả.

- Bởi đó Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ của mình: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê”. Hình ảnh “men” ám chỉ những gì gây nên tình trạng biến chất, hư hại. Do đó ý chúa Giêsu bảo các môn đệ đừng vì thành kiến như Pharisêu hay vì sự thù nghịch như phái Hêrôđê mà mù quáng không nhận ra ý nghĩa phép lạ.

- Cũng chính vì thế nên một lần nữa Chúa Giêsu nhắc các môn đệ hai lần hóa bánh ra nhiều và giúp họ nhận ra ý nghĩa của chúng.

Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, chúa Giêsu  ngồi trên thuyền với các môn đệ để đi về hướng Betsaiđa. Ngài lợi dụng những phút rảnh rỗi để trắc nghiệm phản ứng của các ông về những phép lạ Ngài đã thực hiện, đặc biệt là phép lạ hóa bánh và cá hóa ra nhiều. Để cảnh giác các môn đệ Ngài nói: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê”.

Nói đến men ai cũng nghĩ tới men rượu, men bột làm bánh mì… và hiểu ngay công dụng của nó là làm biến thể vật chất (đặc biệt là làm ngũ cốc) hòa trộn với nó.

Vậy khi chúa Giêsu nói dến men Biệt Phái và men Hêrôđê, Ngài cũng muốn diễn tả tinh thần không lành mạnh đã từng làm biến chất chính con người họ, và còn có khả năng lây lan cả tới người khác.

Khi cảnh giác các môn đệ phải tránh xa men của Biệt Phái và men của Hêrôđê, Chúa Giêsu có ý ám chỉ đến sự mù quáng và những thành kiến của những nhóm người này. Thế nhưng các môn đệ đã không hiểu được kiểu nói bóng bẩy ấy, đầu óc các ông còn đầy những bận tâm về vật chất.

Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy ra khỏi những bận tâm về vật chất ấy để hiểu được ý nghĩa các phép lạ và đi vào chiều sâu sứ điệp của Ngài. Điều đó có ý nghĩa là tin vào quyền năng của Ngài, hoàn toàn phó thác cho Ngài, tuyên xưng niềm tin vào tình thương của Ngài. Bởi vì tình yêu của Ngài vượt trên mọi tính toán và chờ đợi của chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta một niềm tin như thế, để trong mọi sự chúng ta luôn biết dâng lời cảm tạ Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

Mc 8,22-26

CHỮA NGƯỜI MÙ Ở BẾT-XAI-ĐA

 

Muốn hiểu ý nghĩa phép lạ này (Chúa Giêsu chữa một người mù), ta phải đọc trong văn mạch những chuyện phía trước: Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mc 8,1-10) nhưng những người Pharisêu chẳng những không tin vào quyền năng của Ngài lại còn thách Ngài làm một dấu lạ từ trời (Mc 8,11-13). Chính các môn đệ cũng không thấy được những điều gì cao cả hơn là những miếng bánh (Mc 8,14-21). Họ đúng là những người mù không đọc ra ý nghĩa những dấu chỉ.

- Người mù trong chuyện này là hình ảnh của những người không hiểu (Pharisêu, các môn đệ, và chúng ta ngày nay):

+ Việc làm cho họ hiểu rất là khó. Vì thế Chúa Giêsu phải đặt tay vào mắt anh mù tới hai lần thì anh mới thấy.

+ Tuy nhiên phép lạ này cũng khuyến khích chúng ta: nếu kiên trì tìm hiểu Chúa thì cuối cùng  cũng sẽ thấy được Ngài. Người mù ban đầu không thấy gì cả, sau khi được Chúa Giêsu sờ vào mắt thì anh thấy mờ mờ, sau khi Ngài dặt tay lần thứ hai thì anh hoàn toàn thấy rõ.

Tin mừng theo thánh Marcô mà chúng ta lắng nghe hôm nay, thuật lại việc Chúa Giêsu cho người mù được thấy. Đặt câu truyện vào bối cảnh cuộc tranh luận của Chúa Giêsu với nhóm Biệt Phái cũng như với các môn đệ, thánh Marcô cho chúng ta thấy rằng đức tin - tức ơn sáng mắt – là một ơn nhưng không của Thiên chúa. Những người Biệt Phái đã tự giam hãm mình trong sự mù quáng để khước từ Thiên Chúa; trong khi đó, các môn đệ lại lơ đễnh đến độ không thể thấy được ý nghĩa các phép lạ của Chúa Giêsu, đó là khi Chúa làm cho người mù, Chúa Giêsu vừa tỏ quyền năng của Ngài, vừa cho thấy chỉ mình Ngài mới có thể ban cho con người ánh sáng mới, nhờ đó con người có thể thấy được Thiên Chúa.

Qua phép rửa, chúng ta nhận đươc ánh sáng của Thiên Chúa. Ngài ban cho chúng ta chính đôi mắt của quả tim để có thể nhìn thấy Ngài trong mọi sự và trong từng giây phút của cuộc sống. Ước gì chúng ta luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa, để chúng ta có thể vượt thắng mọi gian nan thử thách trong cuộc sống và luôn tín thác nơi Tình Yêu của Chúa.

Lạy Chúa, xin tiếp tục mở mắt linh hồn chúng con để mỗi ngày chúng con thấy Chúa hiện diện rõ hơn trong trần thế và trong cuộc đời mỗi người chúng con.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

Mc 8,27-33

PHÊRÔ TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN.

BÁO TRƯỚC CUỘC THƯƠNG KHÓ LẦN THỨ NHẤT

 

Bài Tin Mừng hôm nay có hai phần:

a. Chúa Giêsu dò hỏi các môn đệ xem dư luận nghĩ sao về Ngài. Các môn đệ phản ảnh: có nhiều dư luận hơi khác nhau, nhưng tựu trung mọi người đều nghĩ Chúa Giêsu là một ngôn sứ. Phần Phêrô thì lên tiếng nói thay cả nhóm 12: “Thầy là Đức Kitô”.

b. Sau đó Chúa Giêsu tiên báo về cuộc chịu nạn của mình. Phêrô ngăn cản liền bị Chúa trách nặng nề là Satan.

Đoạn tin mừng hôm nay thường được mệnh danh là cuộc tuyên tín tại địa hạt Cêsarê thuộc quyền Philip.

Chúa Giêsu đã làm rất nhiều phép lạ và rao giảng nhiều điều mới mẽ so với các Rabbi Do Thái. Dân chúng đã bắt đầu bàn tán về con người và sứ mệnh của Ngài: Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả đã sống lại, kẻ thì cho là Êlia hay một tiên tri nào đó. Riêng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giữ thinh lặng về con người và sứ mệnh của Ngài: cứ sau mỗi phép lạ, Ngài thường bảo kẻ được thi ân giữ kín tông tích của Ngài.

Nhưng đã đến lúc Chúa Giêsu muốn phá vỡ sự thinh lặng ấy, Ngài đặt câu hỏi một cách rõ ràng với các môn đệ. Câu trả lời của các ông vừa là phản ánh dư luận của đám đông, vừa là trắc nghiệm về chính lòng tin của họ. Chúa hỏi: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” lời đáp của Phêrô quả là một tuyên tín: “Thầy là Đấng Kitô” nghĩa là Đấng Thiên Chúa sai đến để giải phóng dân tộc. Dĩ nhiên trong cái nhìn của Phêrô và trong giấc mơ của các môn đệ thì Đức Kitô mà các ông mong đợi là Đấng sẽ dùng quyền năng của mình mà đánh đuổi ngoại xâm và biến đất nước thành một vương quốc cường thịnh. Chính vì thế, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn Ngài phải trải qua, Phêrô đã can gián Ngài. Tuyên xưng một Đức Kitô Cứu Thế, nhưng không chấp nhận con đường thập giá của Ngài, Chúa Giêsu gọi đó là thách đố của Satan. Vì thế, khi Phêrô vừa can gián Ngài từ bỏ ý định cứu rỗi bằng con đường thập giá, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô là Satan.

Mang danh hiệu Kitô, tuyên xưng Chúa Kitô cũng có nghĩa là chấp nhận đi theo con đường thập giá của Ngài. Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta”. Cuộc sống hằng ngày, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại hơn bao giờ hết là một lời mời gọi tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài. Chúa Giêsu bảo chúng ta vác lấy thập giá mình mà theo Ngài: mỗi người một thập giá, mỗi ngày một thập giá. Thiên Chúa không bao giờ đặt một thập giá nặng hơn đôi vai chúng ta.

      Lạy Chúa, xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

Mc 8,34 - 9,1

ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA GIÊSU

 

Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường thập giá, Chúa Giêsu dạy các môn đệ:

- Làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường thập giá như Ngài: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo”.

- Xem ra, từ bỏ và vác thập giá là đi vào con đường chết. Nhưng thực ra, đó là con đường dẫn đến sự sống thật: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật “Thầy là Đức Kitô” thì Chúa Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô theo quan điểm của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô của mình, đó là một Đấng Kitô theo hình ảnh của người tôi tớ Giavê như được nhắc đến trong sách tiên tri Isaia. Ngài sẽ không là Đấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Giavê và ngày càng được mặc khải rõ hơn nơi người con yêu dấu của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra phải được các môn đệ đón nhận, cảm thông và chia sẻ.

Phêrô đã đại diện các Tông đồ để tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô”, nhưng chỉ tiếc là liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, mà theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Chúa Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô.

Chúa Giêsu chẳng những quở trách Phêrô, Ngài còn đưa ra một giáo huấn quan trọng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Từ nay cả Phêrô lẫn những ai muốn làm môn đệ Chúa đều phải sống thân phận tôi tớ như Chúa. Nhưng Ngài còn thêm: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”. Làm tôi tớ Thiên Chúa, từ bỏ chính mình, vác thập giá đồng nghĩa với chấp nhận hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng. Nếu có bao giờ con người cảm thấy ngại ngùng với những yêu sách đó, thì cần phải nhớ một lời cảnh giác của Chúa cũng trong bối cảnh đó: “Ai hổ thẹn chối Ta và các lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó khi Ngài đến trong vinh quang Cha Ngài với các Thánh Thiên Thần”.

Xin Chúa cho chúng ta dám sống đúng tư cách môn đệ của Chúa, mạnh dạn thực hiện những đòi hỏi của Tin Mừng, để ngày nay Danh Chúa được mọi người nhận biết và mai sau chúng ta được Chúa đón nhận vào Nước Trời.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN VI THƯỜNG NIÊN

Mc 9,2-13

BIẾN HÌNH

 

Việc Chúa Giêsu biến hình xảy ra sau khi Chúa Giêsu báo tin Ngài sẽ chịu nạn chịu chết và bảo các môn đệ của Ngài cùng đi theo con đường thập giá của Ngài. Như vậy, việc biến hình nhằm an ủi các môn đệ: sau thập giá là Phục Sinh, sau đau khổ sẽ tới vinh quang.

Tin Mừng hôm nay hé mở cho chúng ta thấy vinh quang mà Con Thiên Chúa đã có trước khi đến trần gian. Vinh quang mà Chúa Giêsu hé mở cho các Tông đồ thân tín được thể hiện sáu ngày khi Ngài loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết mà Ngài sắp trải qua. Qua cuộc biến hình này, Ngài muốn củng cố niềm tin của các Tông đồ vào sứ mệnh của Ngài: Ngài phải chịu chết rồi mới sống lại vinh hiển. Ngài phải trẩy đi từ sự sống qua sự chết và đạt tới sự phục sinh vinh hiển. Và đó cũng là con đường tất yếu của những ai muốn theo Ngài: Con đường Chúa Giêsu sẽ đi qua cũng sẽ là con đường mà các môn đệ Ngài phải đi qua.

Cuộc biến hình nào cũng là một cuộc trẩy đi, một cuộc đổi đời. Cuộc sống của người Kitô hữu là một chuỗi những ra đi, những cái chết từng giây từng phút. Đó là điều Chúa Giêsu đòi hỏi nơi chúng ta: “Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng đáng làm môn đệ ta”.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nghiêm chỉnh tự đặt cho mình câu hỏi: Tôi có thực sự muốn được biến hình, muốn sống sự sống thần linh của Chúa, muốn trở thành môn đệ của Chúa không? Đức tin của tôi có đủ mạnh để biến đổi cuộc sống của tôi không? Mỗi quyết định của tôi trong cuộc sống có là một bước tiến để đưa tôi đến gần cuộc sống vĩnh cửu không?

Ước gì Lời Chúa hôm nay soi sáng cuộc sống hiện tại của chúng ta. Những vất vả khổ đau mà chúng ta đang trải qua trong cuộc sống này cần phải được sống và được nhìn với niềm hy vọng vào cuộc biến hình vinh hiển đang chờ đón chúng ta. Từng bước một, Chúa Kitô Phục Sinh thêm sức để chúng ta vững tin tiến tới.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho