24/03/2017
1738
Tuần 4 Mùa Chay_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



















THỨ HAI TUẦN IV MÙA CHAY

Is 65,17-21; Ga 4,43-54

VỮNG TIN VÀO CHÚA

 

Trong bài Tin Mừng Ga 4,43-54 hôm nay,Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện bức tranh hạnh phúc thời Mesia mà Ngôn sứ Isaia tiên báo. “Này đây Ta tác tạo trời mới đất mới. Từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa… sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu, không còn người tuổi thọ không tròn”. Ngài thực hiện hạnh phúc đó cho ngay cả một người ngoại như viên sĩ quan thuộc triều đình đang công tác tại Caphacnaum. Khi nghe tin Chúa Giêsu có mặt ở Cana, ông liền thân hành tới gặp Ngài, để xin Ngài chữa bệnh cho đứa con trai ông vì nó sắp chết.

Từ Caphacnaum tới Cana đường dài khoảng 25 cây số. Với phương tiện thời đó đọan đường này không phải mau chóng có thể đi hết. Bởi đó, việc ông thân hành tìm đến diện kiến Chúa nói lên tất cả thiện chí và lòng tin của ông vào Ngài. Chính lòng cậy trông đã thúc đẩy ông tìm đến Chúa chứ không phải thứ gì khác.

Đức tin của viên sĩ quan ngoại giáo.

Nghe lời ông xin, Chúa chưa chấp nhận ngay, nhưng Ngài muốn trắc nghiệm lòng tin của ông, Đức Giêsu nói: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông chẳng tin đâu!”. Nghe thế nhưng ông không nản lòng, chùn bước mà khẩn khoản thêm: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống mau cho, kẻo cháu nó chết mất!” Ông không trả lời đúng câu hỏi, vì trả lời đúng sao được, khi ưu tư ăm ấp trong lòng ông, là con ông phải gặp được Chúa, nếu không nó chết mất. Cảm thông nỗi bấn loạn tinh thần của ông Chúa đáp ứng bằng một lời quả quyết: “Ông cứ về đi, con ông sống”. Nghe lời này ông mừng quýnh lên, tin ngay và ra về. Khi ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là “con ông sống rồi” vào đúng giờ Đức Giêsu nói với ông: “ông cứ về đi con ông sống”.

Đây là một cuộc chữa bệnh từ xa và thái độ của ông sĩ quan cho ta thấy: ông đã đi từ niềm tin nhờ dấu lạ, đến niềm tin vào chính lời Chúa: “ông đã tin và cả nhà ông cũng tin”.

Thế là con trai ông sắp chết, nhưng được chữa cho sống lại, lý do là ông sĩ quan cận vệ nhà Vua đã tin, một đức tin mạnh đến nỗi ông vâng lời Chúa ra về trước khi thấy Ngài chữa bệnh cho con ông. Ông tin chỉ vì nghe mặc dù chưa thấy.

Tin Mừng theo Thánh Gioan trình bày hai cấp độ tin: “Tin vì thấy và tin vì nghe”. Chúa Giêsu muốn người ta tin ở mức độ thứ hai, tức là tin vì nghe, ông sĩ quan trong câu chuyện Tin Mừng đã tin lời Chúa Giêsu nói với mình, và ra về mặc dù chưa thấy Chúa chữa bệnh cho con ông.

Chính các Tông Đồ, mãi tới lúc Chúa Giêsu sống lại mới đạt tới mức độ tin như thế, khi Tôma tuyên xưng đức tin mà không đòi phải xỏ các ngón tay vào các vết thương của Chúa nữa. Khi đó Chúa nói: “Phúc cho kẻ không thấy mà tin”. Trong bài Tin Mừng này, lúc đầu Chúa Giêsu cũng nói: “Nếu các ông không thấy những phép lạ và những việc phi thường hẳn các ông sẽ không tin”.

Đức tin của vị sĩ quan ngoại đạo thật đơn sơ. Bởi vì ông không đặt điều kiện hoặc thắc mắc gì cả. Nghe Chúa nói: “con ông sống” là ông tin, không hỏi lại mà chỉ hồ hởi ra về, vì tin ông được toại nguyện như lòng mong ước.

Phép lạ trong Tin Mừng hôm nay không những Chúa chữa bệnh thể xác, mà còn chữa trị tâm hồn ông sĩ quan và gia đình ông nữa. Khi thực hiện phép lạ chữa bệnh, Chúa không chỉ chữa phần ngọn, mà chữa tận gốc, đó là tội lỗi. Vì tội lỗi là nguyên nhân làm cho con người đau khổ, và bởi tội sự chết mới đột nhập vào trần gian. Đau khổ có thể đưa ta đến thất vọng, nhưng cũng có thể là khởi điểm của tin yêu và phó thác. Muốn ra khỏi tội lệ cần phải có niềm tin. Nhờ niềm tin trong sáng ông sĩ quan đã bừng tỉnh trước một viễn ảnh rực rỡ. Trời mới, đất mới mở ra trước mắt ông. Ở đó Thiên Chúa là nguồn vui là hạnh phúc của những ai tin tưởng nơi Ngài. Tiếng khóc than nơi họ sẽ không còn, cảnh chết chóc sẽ tiêu tan và họ sẽ an hưởng thái hòa. (bài đọc 1)

Mùa chay là thời gian để chúng ta thêm lòng tin vào ơn cứu độ của Đức Giêsu mang đến. Do đó, chúng ta cầu xin Chúa củng cố đức tin còn non yếu của chúng ta, tăng thêm đức cậy, thanh luyện việc thờ phượng, cho chúng ta lòng mến đậm đà hơn, bác ái chân thật hơn; xin Ngài hướng dẫn chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống, mà không đòi hỏi một dấu chỉ hay một điều kiện nào để trung thành với Ngài. Chúng ta hoàn toàn phó thác vào Ngài vì tin rằng Ngài đang che chở nâng đỡ ta trong những lúc gian truân. Đồng thời chúng ta cũng xin Chúa củng cố đức tin của những người anh em chúng ta, để tất cả chúng ta cùng giúp nhau tiến về quê trời một cách hân hoan, với lòng tin tưởng vào sự sống lại vinh quang sau này.

Nguyện xin Đấng là đường là sự thật và là sự sống củng cố niềm tin của chúng ta, để biến những đau khổ đang đè nặng nơi thân xác và tâm hồn, những tiếng kêu than khóc của chúng ta thành những lời kinh của tin tưởng phó thác và cậy trông vào Thiên Chúa là Cha nhân từ hay xót thương.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN IV MÙA CHAY

Ed 47,1-9.12; Ga 5,1-3a.5-16

CHỮA NGƯỜI BẤT TOẠI

 

Ở Việt Nam các thị trấn và thành phố, mùa nắng cúp nước hay thiếu nước dân đã thấy khổ. Ở vùng quê, nhất là tại cao nguyên, giếng sâu ít nước, mùa nắng thật là tội nghiệp cho cả người dân lẫn cây cối. Ở đất Yuda, quê hương Chúa Giêsu, nước còn quí hơn vàng vì đó đây toàn là sa mạc cát đá, và ở giữa địa lý thiên nhiên ấy, còn có biển chết, nước mặn đắng chẳng một con cá hay sinh vật nào có thể sống được. Chính vì vậy mà Ngôn sứ Edekien đã nói đến một thời đại Chúa ban cho dân dòng nước từ cửa Đông Đền thờ chảy ra, dòng nước khử độc và làm phát sinh sự sống: “Nước chảy về miền đất phía đông, xuống vùng Araba, rồi đổ ra biển chết và làm cho nước biển hóa lành. Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó. Sẽ có nhiều cá, cây cối tươi mát và đầy hoa trái mới. Vì nước chảy đến đâu thì ở đó có sự sống”  (Ed 47,8-12). Sách bài đọc phụng vụ đã tóm thị kiến của Ngôn sứ Edekien lại thành một câu: “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai thì tất cả đều được cứu rỗi”. Còn bài Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bất toại nằm chờ bên hồ Betsaida đã 38 năm nhưng chưa có cơ hội xuống được nước hồ để khỏi bệnh. Chúa Giêsu chỉ nói một câu: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về” thì tức khắc anh khỏi bệnh. Từ phép lạ này, Thánh Gioan đã cho biết Chúa Giêsu là mạch nước hằng sống, là nguồn nước cứu độ nhân loại.

Hôm nay trong bài Tin Mừng, Thánh Gioan đã nói về hồ nước Betsaida có sức chữa lành mọi bệnh tật theo truyền tụng của người Do Thái. Đồng thời Thánh Gioan cũng cho ta biết Chúa Giêsu tỏ mình còn vượt xa hồ nước thiêng và lạ lùng Betsaida. Hồ nước này hằng năm có Thiên Thần xuống đánh động nước. Bệnh nhân nào chạm vào nước lúc ấy trước hết sẽ được khỏi bệnh tức thì. Tội nghiệp cho người bất toại nọ nằm ngay ở mép hồ, nhưng nước vừa động đã có người xuống trước rồi. Và hết năm này qua năm khác, anh cứ kiên trì. Thấy tình trạng anh như vậy Đức Giêsu hôm nay chữa anh bằng một lời nói: “Anh hãy trỗi dậy vác chõng mà đi”. Lời ám chỉ Ngài còn là suối nước thiêng hơn là nước hồ kia và nước mà Ngôn sứ Edekien đã loan báo.

“Hôm đó lại là ngày Sabat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “chính Người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi” “anh hãy vác chõng mà đi” nên tôi vác. Họ chất vấn: “Ai bảo anh”, nhưng anh chẳng biết là ai. Lúc ấy Chúa cũng đã lánh vào Đền thờ, nên anh không thể chỉ điểm. Sau khi gặp lại anh trong Đền thờ, Chúa bảo anh: “Này anh đã được khỏi bệnh, đừng phạm tội nữa”. Anh liền đi nói với người Do Thái biết “chính ông Giêsu đã bảo tôi vác” thế là người Do Thái chống Đức Giêsu, vì Ngài hay chữa bệnh ngày Sabat.

Được khỏi bệnh, anh ta đi vào Đền thờ, hành xử của anh có thể là để tôn vinh Thiên Chúa, vì đã cứu anh khỏi sự khốn khổ đã 38 năm. Tại Đền thờ câu cuối cùng Chúa bảo anh: “Đừng phạm tội nữa” điều đó có ý nghĩa là có một mối liên quan nhân quả giữa bệnh tật và tội lỗi. Xác tín điểm này ta có thể hiểu câu hỏi của Chúa “Anh có muốn được khỏi bệnh không?” theo một câu nói khác “Anh có muốn được tha không?”

 Trong mùa chay thánh, chúng ta nhìn về bản thân mình. Con người chúng ta có thể nói luôn bị áp lực bởi nhiều mãnh lực: xác thịt, đam mê thế gian, quỉ dữ… và nhiều lúc ta cảm thấy như bất lực để có thể thoát khỏi những cạm bẫy đó. Muốn chữa lành những tật nguyền này chỉ có thể cậy dựa vào tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa. Bởi vì chính Chúa là nguồn nước phát sinh sự sống, để tẩy rửa mọi nhơ nhớp của con người, thể xác cũng như tâm hồn. Bởi đó, mọi thành quả phải qui về Chúa, chứ đừng nghĩ đó là công trạng của ta.

Lạy Chúa, xin thương dẫn dắt con để con bước đi trên đường ngay nẻo chính, luôn suy nghĩ nói năng hành động theo sự thật, luôn đứng về phía sự sống đích thật. Xin Chúa đừng để con vì ngoan cố ương ngạnh đi theo những bước đường nẻo gian tà dẫn đến diệt vong.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN IV MÙA CHAY

Is 49,8-15; Ga 5,17-30

TIN NGÀI SẼ ĐƯỢC SỐNG

 

Đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan 5,17-30 hôm nay tiếp theo việc Chúa Giêsu chữa lành người bất toại như đoạn Tin Mừng hôm qua đã kể. Chúng ta thấy một số người Do Thái trách cứ Ngài đã làm việc trong ngày Sabat, một ngày lẽ ra phải nghỉ việc. Trước phản ứng của họ, Chúa Giêsu liền khai thông và mặc khải cho họ và cho chúng ta nhiều chân lý quan trọng.

Trước hết người ta không hiểu luật giữ ngày Sabat. Đúng là Chúa muốn dân Chúa có một ngày nghỉ trong tuần. Và để củng cố luật này, sách Thánh xếp đặt việc tạo dựng trời đất trong sáu ngày để ngày thứ bảy Chúa nghỉ ngơi làm gương sáng cho con người cũng nghỉ ngày hưu lễ. Nhưng như vậy là để cứu con người chứ không phải để làm khổ họ, để họ không phải lúc nào cũng đầu tắt mặt tối, làm việc quần quật, làm hại sức khỏe, và nhất là không biết gì ngoài việc làm ăn hằng ngày. Luật hưu lễ, do đó có ý nghĩa giải phóng con người, ban cho con người được thời gian nghỉ ngơi bồi dưỡng và mở đời sống của con người sang nhiều lãnh vực của đời sống tinh thần và tâm linh. Như vậy, ngày hưu lễ là ngày nghỉ việc chứ không phải là ngày ngưng nghĩ tới con người và yêu thương thăng tiến họ. Chính vì thế, để trả lời cho người Do Thái, Chúa Giêsu nói: “Cha tôi làm việc liên lỉ. Tôi cũng làm việc như vậy. Điều gì Chúa Cha làm thì Chúa Con cũng làm y như vậy”.

Lời Chúa trong bài đọc I trích sách Ngôn sứ Isaia làm sáng tỏ công việc mà Chúa Cha và Chúa con vẫn làm liên lỉ là biểu lộ lòng thương xót, cứu giúp loài người, nhất là người cùng khổ, giống như một người mẹ không bao giờ ngưng thương con cái mình: “Nào người mẹ có thể quên con mình được chăng? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta chẳng quên ngươi bao giờ”.

Khi tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu biện minh cho việc chữa bệnh trong ngày Sabat, bằng lý chứng: Cha Ngài làm việc liên lỉ nên Ngài cũng làm giống Cha Ngài là Ngài đã minh nhiên mặc khải cho họ biết: Ngài ngang hàng với Chúa Cha: “Điều gì Chúa Cha làm thì Chúa con cũng làm như vậy”. Người Do Thái hiểu rất rõ điều này, nên họ cho Ngài phạm thượng và rắp tâm giết Ngài.

Quyền xét xử thuộc về Thiên Chúa. Quyền đó Chúa Cha ban lại cho Chúa Giêsu: “Chúa Cha làm cho kẻ chết chỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì Người con cũng ban sự sống cho ai tùy ý và Chúa Cha… ban cho Người con mọi quyền xét xử”.

Bởi thế, việc bài bác công việc của Chúa Giêsu trong ngày Sabat trở thành khởi điểm của sự mặc khải về căn tính của Chúa Giêsu. Vì thế, nếu người Do Thái tin Chúa Cha, thì họ cũng phải vâng phục Chúa Con, là Chúa Giêsu. Hai sự kiện này gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể phân ly. Bởi đó, khước từ Chúa Giêsu cũng có nghĩa là chối từ Chúa Cha.

Hành động của Chúa Giêsu, như thế đã biểu lộ thần tính của Ngài. Ngài biểu lộ bằng quyền năng của Ngài. Chọn môn đệ, ban sự sống mình cho họ, trao cho họ sứ mệnh loan báo Tin Mừng, và khẳng định: ai nghe và tiếp nhận sẽ được sự sống đời đời.

 Chúng ta sẽ sống đúng tinh thần mùa chay nếu ngày nào cũng theo gương Chúa tận tụy làm việc đem lại hạnh phúc cho người khác. Càng vất vả nhiều cho người khác chúng ta giống Cha trên trời và càng quan tâm đến sự sống đời đời của người khác, chúng ta càng mật thiết kết hợp với Đức Giêsu và tiếp nối sứ mạng của Ngài.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa, cho chúng ta biết góp phần vào việc làm cho đời sống của xã hội loài người ngày càng bớt đau khổ, để mọi người được hạnh phúc hơn trên con đường tiến về quê hương đích thực là nước trời.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY

Xh 32,7-14; Ga 5,31-47

LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT

 

Bài đọc I trích sách Xuất hành mô tả ông Môsê là một người rất có uy tín đối với Chúa. Khi dân It-ra-en đúc tượng con bê vàng, rồi sụp lạy nó, dâng hương cho tà thần chối bỏ Thiên Chúa độc nhất của mình, Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ muốn tiêu diệt dân. Nhưng nhờ Môsê cầu xin: “Xin Chúa thương đừng hại dân”. Thiên Chúa đã nguôi giận và không phạt dân nữa. Ngày xưa Môsê rất vất vả với con cái It-ra-en, Đức Giêsu cũng gặp nhiều khó khăn với người đồng thời với Ngài. Trong bài Tin Mừng của Thánh Gioan 5,31-47 hôm nay trình thuật Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận với những người Biệt phái sau việc Ngài chữa lành một người bất toại vào ngày Sabat. Ngài đã nói với họ rằng sở dĩ Ngài làm việc trong ngày Sabat là vì Ngài noi gương Thiên Chúa Cha của Ngài. Họ không tin, Chúa Giêsu lại nói: Chính Thánh Kinh và Môsê làm chứng rằng Ngài chính là Mesia, con Thiên Chúa. Nếu họ tin Môsê thì họ phải tin lời chứng của Môsê.

Trong khi toàn bộ Kinh thánh cựu ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, người Do Thái đã không thật sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến. Sở dĩ có thảm kịch này là vì người Do Thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Mesia hợp với sở thích của họ: một Đấng Thiên sai quyền thế, giải phóng dân tộc và đem lại một It-ra-en hùng cường. Chính quan niệm về Đấng cứu thế theo óc vị kỷ của họ, nên đã che khuất hình ảnh đích thực của Đấng Mesia.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra ba chứng từ để minh định việc làm và thân thế của Ngài:

Trước nhất là Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giêsu “Đây là chiên Thiên Chúa”. Ngài phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại; Tôi chỉ rửa anh em bằng nước, nhưng Ngài sẽ rửa anh em bằng lửa và Thánh Thần. Chính Chúa Giêsu đã nói về Gioan: “Gioan là ngọn đèn cháy sáng và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian”.

Chúa Cha hai lần long trọng giới thiệu Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17). Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Lời Người (Chúa Cha) làm chứng về tôi là lời chứng thật”.

Các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều làm chứng rằng Chúa Cha đã sai Ngài. Ngoài ra Kinh Thánh mà người Do Thái rất trân trọng cũng làm chứng về Ngài. Toàn bộ Kinh Thánh Cựu ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu thế. Điều này Chúa Giêsu cũng xác nhận: “Chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi”.

Tuy có những nhân chứng thế giá như vậy làm chứng, người Do Thái vẫn ngoan cố không tin Ngài. Thái độ này chính Môsê là người tố cáo: “Kẻ tố cáo các ông chính là ông Môsê” vì chính ông đã nói về Đấng Mesia.

Như vậy, điều cốt yếu để được cứu độ, là tin vào Chúa Giêsu, là nhận ra hình ảnh và lời nói của Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu. Có tin vào Chúa Giêsu, lời của Thiên Chúa mới ở trong chúng ta. Cho nên một trong những cố gắng ưu tiên hàng đầu trong mùa chay Thánh là người tín hữu chúng ta phải để cho lời Chúa lưu lại trong chúng ta, để giữa cuộc sống của ta và lời Chúa có một sự liên hệ mật thiết với nhau và gắn bó với nhau, hầu cuộc sống của chúng ta luôn luôn bộc lộ khuôn mặt, tinh thần và tình yêu của Thiên Chúa cho mọi người được nhìn thấy. Và một trong những phương thế hữu hiệu để giúp cho lời Chúa có thể ngự trị nơi chúng ta, đó là hãy biết siêng năng suy gẫm lời Chúa. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta tình yêu thiết tha và mặn nồng đối với Chúa, để chúng ta có thể nhận ra Chúa, lắng nghe được tiếng nói của Chúa, hầu chúng ta luôn được sống trong đường lối của Chúa.

Lạy Chúa, xin thương ban tràn đầy Thánh Thể của Ngài xuống trong tâm hồn con, để con biết lắng nghe lời Chúa và trung thành chu toàn thánh ý Ngài cho đến cùng. Amen.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN IV MÙA CHAY

Kn 2,1a.12-22; Ga 7,1-2.10.25-30

SỰ CỨNG LÒNG CỦA NGƯỜI DO THÁI

 

Sau khi Chúa Giêsu cứu chữa một người bị bệnh bất toại đã 38 năm được lành bệnh ngày hưu lễ, những người Do Thái không những oán ghét Chúa Giêsu vì Ngài đã vi phạm ngày hưu lễ, nhưng còn bởi vì Ngài tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giêsu đã phải rời bỏ xứ Giuđêa để sang hoạt động tại Galilê. Ở đây, Thánh Gioan không kể lại cho chúng ta những hoạt động của Chúa Giêsu tại Galilê. Người đưa chúng ta thẳng đến giai đoạn của Lễ Lều, được diễn ra vào giữa mùa thu. Vào dịp lễ này, Chúa Giêsu cũng đi lên Giêrusalem, mặc dù Ngài biết các vị lãnh đạo Do Thái giáo có ý định muốn giết Ngài. Cho nên dân chúng rất đỗi ngạc nhiên, khi họ thấy Chúa Giêsu dám ngang nhiên rao giảng một cách công khai trong dịp lễ, mà các vị lãnh đạo lại không có một hành nào động để chống đối Ngài: “Kìa ông Ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả, phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Đấng Kitô”.

Thật ra dân chúng không hiểu lý do vì sao các vị lãnh đạo tôn giáo lại có thái độ như vậy, họ nghĩ có thể là các vị đã thay đổi quan niệm của họ về Chúa Giêsu. Trong khi đó thật ra các vị ấy đã không dám ra tay bắt Chúa Giêsu, vì họ sợ dân chúng ủng hộ Chúa Giêsu và có thể nổi loạn chống lại họ. Mặc dù dân chúng suy nghĩ như thế, nhưng họ lại đưa ra nhận định về Chúa Giêsu: “Ông ấy, chúng ta biết xuất thân từ đâu rồi, còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả”. Họ thấy Chúa Giêsu là người xuất thân từ Galilê và Ngài xuất hiện một cách quá tầm thường thì làm sao có thể gọi Ngài là Đấng Thiên sai. Trong khi đó, theo như lời tiên báo của tiên tri Mikê (Mk 5,2) Đấng Thiên sai phải xuất thân từ làng Bêlem, Ngài có một nguồn gốc bí ẩn và Ngài xuất hiện trong sa mạc một cách tuyệt vời.

Trong khi đó, Chúa Giêsu đọc được những suy nghĩ của họ, nên Ngài đã mạnh mẽ chống đối lại kiểu phán đoán quá hời hợt của các vị lãnh đạo Do Thái. Bởi vì họ chỉ biết nguồn gốc trần tục của Ngài mà không cố gắng tìm hiểu xem, ngoài nguồn gốc trần thế đó, Ngài còn có nguồn gốc bởi trời hay không. Bởi vì quả thực, mặc dù xuất thân từ Galilê, Chúa Giêsu cũng đến từ Thiên Chúa. Do đó, Ngài là sứ giả của Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa Cha là Đấng sai Ngài đến thế gian để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại: “Ta bởi Ngài và chính Ngài đã sai Ta”.

Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Biệt Phái kéo dài rất dai dẳng nhưng vì họ cố chấp, nên Ngài chẳng thể làm cho họ tin Ngài.

Khác với những người Do Thái, Chúa Giêsu biết rõ Thiên Chúa Cha bằng một tri thức chân thật. Sự hiểu biết này không nằm trên bình diện trí tuệ hay lý trí, nhưng hệ tại ở mối tương giao liên vị, ở một sự hiệp thông tình yêu giữa Ngài với Thiên Chúa Cha. Do đó, Chúa Giêsu lớn tiếng vạch rõ cho các vị lãnh đạo thấy là họ không biết Thiên Chúa. Bị Chúa Giêsu tố cáo một cách thẳng thừng như vậy, các vị ấy tìm cách bắt Ngài, nhưng họ không thể ra tay được, vì giờ của Ngài chưa đến.

Bài đọc 1 trích sách Khôn ngoan nói lên sự thật phũ phàng là kẻ gian ác không ưa thích người công chính và tìm cách bách hại họ, bởi vì người công chính không bao giờ toa rập với mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối nhơ nhớp của tội nhân, không đồng tư tưởng với kẻ thất đức. Trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu chính là Người công chính bị quân gian ác bách hại. Bản thân Ngài đã hiện thực tất cả những gì Sách Khôn ngoan vừa nói. Ngài đã giảng dạy đường lành, chỉ dẫn lối thoát và thực hiện biết bao việc lạ để cứu giúp con người. Nhưng thật xót xa, việc làm của Ngài thay vì đánh động họ sám hối ăn năn và thay đổi lối sống, thì lại đưa Ngài đến cái chết bi thảm. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta hãy học với Ngài sống đơn sơ, khó nghèo, chất phác, không cậy quyền nhưng biết yêu thương. Chúng ta còn nhiều khuyết điểm, nhưng nếu chúng ta có lòng khiêm tốn ăn năn, đó là thái độ có thể dọi ánh sáng Tin Mừng sang kẻ khác để nhiều người nhận biết và tin theo Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin giải thoát con khỏi sự mù quáng tinh thần, nhất là đừng để con vì những lợi lộc ích kỷ mà xa Chúa hay chống đối từ bỏ Chúa. Xin thương mở rộng tâm hồn và đôi mắt con, để con được nhìn ra Chúa. Xin Chúa thay đổi cái nhìn của con để con biết tôn trọng và lắng nghe tiếng Chúa nơi tất cả mọi người con gặp hằng ngày.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN IV MÙA CHAY

Gr 11,18-20; Ga 7, 40-53

NGƯỜI CÔNG CHÍNH BỊ BÁCH HẠI

 

Bài đọc 1 trích sách Ngôn sứ Giêrêmia tường thuật bối cảnh lịch sử sau khi nước phía Bắc thất thủ, Ngôn sứ Giêrêmia xuất hiện kêu gọi Dân Thánh thực hiện một cuộc cải cách tôn giáo, đổi mới đời sống. Vì vị ngôn sứ và các người đạo đức ý thức rằng chính do đời sống tội lỗi của Dân mà tai họa đang đe dọa dân. Cuộc cải cách này đòi người ta triệt hạ các nơi thờ kính ngẫu tượng ở các địa phương. Do đó, ngôn sứ bị người đồng hương và thậm chí cả anh em họ hàng mưu toan ám hại. Họ nói: “hãy bỏ thuốc độc vào bánh nó ăn”. Hoặc họ bảo nhau: “cây đương sức nào ta chặt nó đi”. Giêrêmia thấy mình như “con chiên hiền lành bị bầy sói hung ác vây quanh”. Ông cô thân cố thế, không có phương tiện gì trong tay để tự vệ, ngoài sự phù trì của Thiên Chúa. Ông so sánh mình với con chiên hiền lành bị đem đi giết. Cuộc đời Giêrêmia là muôn vàn hình ảnh báo trước về Chúa Giêsu.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự có mặt của Chúa trong dịp lễ Lều đã tạo nên nhiều dư luận về Ngài. Người thì nói: “Ông này thật là vị Ngôn sứ” kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Kitô”, nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao?”. Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: “Đấng Kitô xuất thân từ dòng dõi Vua Đavít và từ Bêlem, làng của Vua Đavít sao?”.

Qua những dư luận về Chúa Giêsu ta thấy xuất hiện mỗi người một ý. Từ đó phát sinh những phản ứng khác nhau. Có những kẻ thiện cảm với Ngài hoặc tin vào Ngài. Họ nhìn nhận con người và lời giảng của Ngài như những vệ binh Đền Thờ tường thuật lại những gì liên can tới Chúa cho các Thượng Tế và Biệt Phái và đưa ra nhận định: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như Người ấy”. Nhận xét này đã gây nhức nhối cho người Biệt Phái, vì nó quá sáng suốt và phải lẽ. Nhưng thay vì chấp nhận sự thật, họ lại dùng biện pháp trấn áp để lên án đám vệ binh: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao?”. Chỉ có bọn dân đen không biết lề luật, thứ bị nguyền rủa mới tin như thế, còn trong hàng lãnh đạo hay trong giới Pharisiêu đã có ai tin vào tên ấy đâu.

Sự chống đối của các Thượng Tế và Biệt Phái, vì thế trở thành phi lý hời hợt khi họ nói: “Từ Galilê làm gì có Đức Kitô xuất hiện”. Họ ngoan cố trong lý luận ấy. Họ dùng uy thế và độc đoán lấn áp kẻ khác, bịt miệng đám dân đen chất phác. Họ tìm mọi cách để khai trừ Chúa Giêsu. Giữa lúc đó, có một người đứng lên bênh vực Chúa Giêsu. Đó là ông Nicôđêmô, ông là người Biệt Phái và là một vị tiến sĩ lỗi lạc là một thành viên của Hội Đồng Công Tọa đã lên tiếng: “lề luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi phiên tòa chính thức nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” Để chống chế cho sự sai trái của mình, các vị lãnh đạo Do Thái đã mỉa mai là phải chăng ông Nicôđêmô này cũng là người thuộc xứ Galilê, nên ông đã bị người cùng quê hương là Chúa Giêsu dụ dỗ.

Qua lời Chúa hôm nay, với tư cách là kẻ thuộc về Chúa, ta hãy có thái độ kết hợp với Chúa. Nếu trong đời sống ta bị người khác chê bai, ghen tức, ám hại, nhất là khi ta sống hiền lành, sống theo sự thiện mà bị khó khăn, chỉ vì lối sống của ta khác với quan niệm mong muốn của kẻ khác, những lúc đó ta đang được thông phần vào số phận với Đức Kitô. Đặc biệt ta tránh những gì làm khổ nhau trong đời sống chung, như tránh những lời nói chỉ trích, ánh mắt lên án… Chúa Giêsu đã mang thân phận tôi tớ và con chiên hiền lành là để thiết lập trên cõi thế một vương quốc của sự an hòa, của tình yêu thương huynh đệ. Do đó, ta đừng có dùng bất cứ hình thức gì để làm khổ nhau, làm khổ kẻ hiền lành, vì họ không sống theo ý nghĩ nhiều khi rất hẹp hòi, ích kỷ sai lầm của ta.

Trong mùa chay, xin Chúa ban cho chúng con hồng ân Chúa Thánh Linh soi sáng lương tâm để chúng con biết nhận lỗi lầm hơn là kết án, biết tha thứ hơn là chỉ trích và biết yêu thương nhiều hơn là thù ghét.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho