14/08/2016
1014
Tuần 20 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh






















THỨ HAI TUẦN THỨ XX THƯỜNG NIÊN

Mt 19, 16-22

ĐƯỜNG ĐẾN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

- Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy rằng con đường hoàn thiện dẫn tới sự sống đời đời không phải là việc người ta làm, nhưng là tin theo Chúa Giêsu.

- Đối tượng câu chuyện này là một thanh niên giầu có và thiện chí. Anh tự tìm đến với Chúa Giêsu để hỏi cách cho được sự sống đời đời.

- Qua đối thoại với Chúa Giêsu, anh còn cho biết anh đã tuân giữ tất cả các giới răn từ thuở nhỏ.

Thấy thiện chí của anh, Chúa Giêsu mời anh tiến một bước xa hơn nữa: bán tài sản, bố thí cho người nghèo, rồi trở lại theo làm môn đệ Ngài.

Điều này đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao. Anh không đáp ứng được, nên anh buồn rầu bỏ đi.

Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên giầu có. Người thanh niên tìm đến với Chúa Giêsu xin Chúa Giêsu chỉ cho con đường dẫn đến sự sống đời đời, vì anh nhận thấy Ngài là một tôn sư có sự khôn ngoan hơn những bậc thầy trong dân Israel mà anh thường gặp. Anh chưa nhận ra Chúa Giêsu chẳng những là tôn sư dạy sự khôn ngoan, mà còn chính là sự khôn ngoan; Ngài không chỉ đưa ra một lời dạy khôn, mà còn là lời ban sự sống đời đời; ai đón nhận và thực hiện lời Ngài sẽ được sống đời đời. Chính vì thế, anh đã sầm nét mặt, buồn sầu bỏ đi khi Chúa Giêsu bảo anh: “anh chỉ còn thiếu một điều, hãy về bán hết cả tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Và hãy đến theo tôi”. (Mt. 19, 21). Nói rõ hơn: điều anh còn thiếu chính là tin nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là liên kết với Ngài thực hiện lời Ngài, là đi theo làm môn đệ Ngài.

Qua câu chuyện đối thoại giữa Chúa Giêsu và người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu đòi hỏi mỗi người chúng ta nếu muốn trở nên trọn lành, hãy từ bỏ của cải làm vướng bận chúng ta bước đi theo Chúa. Thật ra, tự nó của cải không cản trở người ta vào Nước Trời, nhưng sự dính bén và đam mê của cải cản trở con người yêu mến Thiên Chúa, làm cho chúng ta dễ khép kín tấm lòng đối với cảnh cùng khổ của người khác. Cần phải có một tinh thần sẵn sàng từ bỏ mọi của cải, mọi đam mê, để được tự do nghe tiếng Chúa dạy dỗ trong tâm hồn. Thái độ từ bỏ của cải và đam mê không nhất thiết đòi buộc chúng ta trở thành nghèo nàn, bởi vì khi từ bỏ mọi sự vì Chúa và vì Tin Mừng, chẳng những không làm người ta bị thiệt thòi, mà còn mở rộng tương giao xã hội của họ, vì họ sẽ được đại gia đình nhân loại, và rồi với những thử thách đã vượt qua, họ sẽ được hưởng sự sống đời đời.

Nhà vua bị bệnh nặng. Quan ngự y lo lắng, nhưng đành bó tay. Một nhà chiêm tinh đến bảo vua chỉ khỏi bệnh khi nào mặc chiếc áo của một người hạnh phúc nhất.

Quan quân đổ xô đi khắp nước để tìm người hạnh phúc nhất. Cuối cùng thì họ cũng tìm được một người hạnh phúc thật sự. Nhưng khổ thay người ấy quá nghèo, chẳng có lấy một chiếc áo!

Nguyện xin Chúa kiện toàn nơi chúng con những gì Ngài đã khởi sự, và cho chúng con đạt tới lý tưởng là sống theo Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống đời đời của chúng con.







 

THỨ BA TUẦN THỨ XX THƯỜNG NIÊN

Mt 19, 23-30

NGƯỜI GIÀU CÓ KHÓ VÀO NƯỚC TRỜI

- Sau câu chuyện người thanh niên giầu có từ chối bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo và đi theo Chúa, Chúa Giêsu tuyên bố: “Người giầu thật khó mà vào Nước Trời

- Các môn đệ quá bỡ ngỡ nên than: “Vậy thì ai mà có thể được cứu độ”.

- Chúa Giêsu an ủi: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được”.

- Sau đó Chúa hứa phần thưởng cho các môn đệ đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài: họ sẽ được gấp trăm và được sống đời đời.

Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa lắng nghe là một trong rất nhiều diễn từ của Chúa Giêsu về việc sử dụng của cải vật chất. Cộng đồng tiên khởi tại Jerusalem mà phần lớn đều là những người nghèo cảm thấy bối rối khi phải đối phó với những người giầu. Người thanh niên giầu có không đón nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu để bán hết tài sản bố thí cho người nghèo rồi đi theo Chúa, đây là trường hợp điển hình của rất nhiều người giầu có trong cộng đồng tiên khởi.

Quả thật, sự giầu có nhất là sự giầu có do biển lận khó có thể dung hợp với Nước Chúa. Chúa Giêsu đã báo trước: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim là một kiểu nói mạnh theo lối Do Thái; nhưng rất điển hình để diễn tả điều Chúa muốn nói: Tin là ơn siêu nhiên Thiên Chúa ban (Ga. 6, 40: Việc Thiên Chúa  muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Ngài đã sai đến) chỉ ai sẵn sàng nên nghèo khó về bản thân và của cải, mới biết đón nhận ơn đó.

Thật ra giàu có không phải là một điều xấu, làm cho của cải vật chất sinh lợi phải chăng không phải là một mệnh lệnh được ủy thác cho con người ngay từ khởi thủy. Giàu có chỉ trở thành xấu khi con người biến của cải vật chất thành cứu cánh của cuộc sống và khước từ mọi giá trị Nước Trời. Đây là cơn cám dỗ triền miên của tất cả mọi người, bất luận kẻ giầu, người nghèo đều chịu ảnh hưởng của cơn cám dỗ này.

Chúa Giêsu không đến để bần cùng hóa nhân loại, Ngài đến là để cho con người được sống và sống sung mãn. Một cuộc sống sung mãn trong nhân cách dĩ nhiên không đồng hóa với bần cùng, của cải vật chất là phương tiện cần thiết để phục vụ cho cuộc sống con người. Con người có một thân xác rất cần của ăn để nuôi thân xác. Tuy nhiên, chọn sinh ra, lớn lên và sống nghèo, Chúa Giêsu muốn chứng minh rằng con người có thể sống sung mãn mà không lệ thuộc vào của cải vật chất.

Đối với Chúa Giêsu, siêu thoát của cải vật chất là điều kiện tiên quyết để được vào Nước Chúa. Đây là lý do tại sao mối phúc thật đầu tiên, căn bản bao gồm mọi mối phúc thật khác: “phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ”. Càng sống siêu thoát với của cải vật chất, con người càng trở nên sung mãn và giàu có.

Các Kitô hữu tiên khởi đã hiểu được điều Chúa nói, nên họ đã sống phó thác và quảng đại, họ để chung của cải lại, chia sẻ với nhau và yêu thương đùm bọc nhau như cùng một gia đình. Họ cũng lấy sự phục vụ người nghèo làm ưu tiên hàng đầu.

Do đó, nếu những người cùng khổ chưa phải là nỗi thao thức trăn trở của chúng ta, thì có lẽ chúng ta còn quá xa vời với Giáo hội của Chúa Kitô. Nếu cuộc sống đức tin của chúng ta chưa phải là cuộc sống liên đới, chia sẻ với người khốn khổ, thì có lẽ chúng ta chỉ là những Kitô hữu hữu danh vô thực.

Xin Chúa giúp sức cho chúng con để chúng con biết trung thành với Chúa, và sống hy sinh vì Chúa.


 

 



 

THỨ TƯ TUẦN THỨ XX THƯỜNG NIÊN

Mt 20, 1-16a

DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO

Dụ ngôn những thợ làm vườn nho. Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn này là lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ:

- Lối suy nghĩ của một số thợ làm nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều.

- Lối suy nghĩ của ông chủ: ông trả công vì thương cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.

Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người Do Thái và của Chúa Giêsu. Người Do Thái làm việc đạo đức để tính công với Chúa. Họ nghĩ họ làm càng nhiều thì Chúa phải ban cho họ càng nhiều; đối với Chúa Giêsu: Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.

- Dụ ngôn này chỉ được Tin Mừng thánh Matthêu tường thuật.

- Ông chủ vườn nho chính là hình ảnh Thiên Chúa mà Chúa Giêsu muốn giới thiệu.

- Hội thánh là vuờn nho.

Dụ ngôn trình bầy cho ta thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa  dành cho mọi người cách đồng đều như nhau. Thế nên, điều quan trọng đối với mọi người là thành tâm đón nhận tình yêu cao cả của Thiên Chúa, chứ đừng nhìn sang người khác để so bì hoặc phê phán theo não trạng nhân loại.

Có lẽ ai trong chúng ta đều chưng hửng trước cách ứng xử của ông chủ vuờn nho. Thoạt đầu chúng ta có cảm tưởng ông chủ này là một con người bất bình thường, đối xử bất công, và tình cảm tùy hứng. Bởi lẽ, ông ta trả tiền công đồng đều cho mọi người thợ, bất chấp kẻ nào làm trước, kẻ nào làm sau, thậm chí người mới vào làm giờ thứ 11 (17 giờ chiều) tức là mới làm được một tiếng mà cũng lãnh được một đồng y như những người đã làm từ sáng, từ trưa…vất vả cực nhọc suốt ngày. Và phản ứng của những người thợ làm trước là một điều tự nhiên, có lẽ đó cũng là phản ứng của mỗi người chúng ta trong trường hợp như thế. Xã hội nào cũng chủ trương: “làm nhiều thì hưởng nhiều”. Việc làm và nỗ lực phải được tưởng thưởng cân xứng!

Những người thợ làm trước, từ sáng tinh sương cằn nhằn trách cứ ông chủ, đòi ông chủ lý giải thắc mắc của họ:  “mấy người sau chót này chỉ làm duy có một tiếng đồng hồ, thế mà ông lại trả công cho họ bằng chúng tôi, là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. (Mt 20,12)

Câu trả lời của ông chủ làm cho những người thợ và chúng ta phải ngạc nhiên và thán phục: “này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Há bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền đó sao?, cầm lấy phần bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người làm sau chót bằng anh, chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý sử dụng của cải của tôi sao? Hay bạn đâm ra ganh tị, vì tôi đối xử tốt lành?” (Mt 20,13-15)

Qua dụ ngôn này cho thấy Thiên Chúa tình yêu, Ngài không những đối xử công bằng với mọi người mà còn tốt và hào hiệp nữa!

Ngài công bằng đối với tốp thợ thứ nhất, Ngài tốt và hào hiệp đối với tốp thợ mà Ngài mướn trễ hơn. Ngài hào hiệp vì yêu thương. Ngược lại, ý thức công bằng của ta có thể pha trộn mầu sắc ghen tuông ích kỷ. Qua đó, chúng ta  khám phá được một điều quan trọng là suy nghĩ và hành động của Thiên Chúa khác xa với suy nghĩ và hành động của chúng ta. Chúa nói: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của Ta không như đường lối của các ngươi: trời cao hơn đất bao nhiêu thì tâm tưởng ta cũng xa cách cảm nghĩ các ngươi bấy nhiêu” (Is. 55, 8)

Bởi vì:

- Chúa không xét theo bề ngoài, Ngài thấy tận tâm can, còn ta chỉ thấy có bề ngoài, nên thường xét đoán sai và bất công.

- Chúa xét với thước đo của tình yêu, Ngài không theo nguyên tắc của một nền công lý cứng nhắc. Chúa là Đấng từ bi và lòng từ bi chỉ có một đòi hỏi là cho đi không hề tính toán.

Còn chúng ta phải có thái độ nào trước bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay.

Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta chỉ đối xử với nhau ở mức công bằng mà thôi thì tương quan giữa chúng ta vẫn hời hợt, lạnh lùng. Cần phải có cái gì vượt lên trên tất cả sự công bằng: đó là yêu thương, bác ái thì cuộc sống mới chan hòa tình người, đầy niềm vui và hạnh phúc.

Hãy phục vụ tha nhân bằng một con tim rộng mở và hào hiệp như Chúa dạy chúng ta. Hãy luôn sống và hành động bằng những tâm tình của chính Chúa Giêsu.





 

THỨ NĂM TUẦN THỨ XX THƯỜNG NIÊN

Mt 22, 1-14

DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI

Dụ ngôn tiệc cưới:

- Tiệc cưới là Nước Trời

- Những khách được mời đợt đầu nhưng từ chối là dân Do Thái

- Những khách được mời đợt sau là chư dân

Trong dụ ngôn này có hai chi tiết hơi khó hiểu là:

- Vua ra lệnh phá hủy thành phố của những người không đáp lời mời: ám chỉ việc thành Giêrusalem bị phá hủy năm 70.

- Một người vào dự tiệc mà không mặc áo cưới nên bị phạt: áo cuới chỉ nếp sống mới. Được gia nhập Nước Trời mà không có một nếp sống mới thì cũng sẽ bị phạt trong ngày phán xét.

Vua mở tiệc cưới cho hoàng tử: Thiên Chúa khai mở thời Mêsia cho Con Một của Ngài nhập thể.

Gia nhân đi mời khách là các Ngôn sứ và các Tông đồ.

Những người được mời trước đã không đến, lại còn làm nhục và giết gia nhân, đó là những người Do Thái.

Những người được tập hợp lại từ các ngả đường là dân ngoại và những người tội lỗi.

Cuộc thiêu hủy thành phố  của những kẻ bất nhân là sự tàn phá Giêrusalem năm 70 sau này.

Israel khước từ ơn cứu độ, thì Tin Mừng được bung ra cho khắp mọi dân.

Chi tiết hơi lạ là gia nhân ra các nẻo đường, gặp ai bất luận tốt xấu, cũng tập họi cả lại vào phòng tiệc. Nhưng đây chính là thái độ của Thiên Chúa mời gọi và ban phát tình thương và ân sủng cho mọi người cách vô giới hạn.

- Dụ ngôn tiệc cưới và chiếc áo cưới trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta mặc lấy một trong những tâm tình cơ bản nhất của Kitô giáo, đó là hân hoan, vui mừng. Kitô giáo thiết  yếu là đạo của Tin Mừng.

Trong nhiều hình ảnh và sinh hoạt của cuộc sống, Chúa Giêsu đã chọn bữa ăn như dấu chỉ ưu việt nhất để rao giảng Tin Mừng của Ngài, Nước Trời giống như một tiệc cưới, đây là một trong những hình ảnh được Chúa Giêsu sử dụng nhiều nhất để nói lên niềm vui của Nước Trời. Chúng ta còn nhớ tiệc cưới Cana, trong đó Chúa Giêsu biến nước thành rượu hảo hạng cho các thực khách tiếp tục cuộc vui. Trong những bữa cơm thân mật Ngài đã chia sẻ với các môn đệ, với đủ mọi hạng người trong xã hội.

Bữa ăn là nơi thể hiện của những giá trị cao quí nhất trong cuộc sống con người, như gặp gỡ, hiệp thông, trao ban, chia sẻ, hân hoan. Chính vì ý nghĩa cao quí ấy, Chúa Giêsu đã muợn hình ảnh bữa tiệc để nói lên những thực tại Nước Trời. Đến đây, chúng ta hiểu được ý nghĩa của hình ảnh chiếc áo cưới mà thực khách phải mặc vào khi dự tiệc cưới. Chiếc áo cưới ấy chính là tâm tình gặp gỡ, chia sẻ, trao ban, hân hoan mà con người phải mặc lấy để thuộc về Nước Trời.

Được nhà vua mời  dự tiệc cưới của hoàng tử, còn danh dự nào lớn lao hơn,  vậy mà nhiều người đã khước từ, không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn… Chúa Giêsu đã mượn hình ảnh này để nói lên thái độ người Do Thái khước từ sứ điệp của Ngài: sứ điệp giải phóng; Ngài loan báo tin vui nhưng họ không đón nhận.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta duyệt lại thái độ sống của chúng ta. Trong thánh lễ, Chúa dọn sẵn cho chúng ta bàn tiệc là Thánh thể và Lời Chúa. Ta hãy đến để được Chúa bồi dưỡng và hãy để cho Ngài chiếm ngự tâm hồn chúng ta, sự hiện diện của Chúa mang lại sức mạnh, giúp chúng ta thắng được mọi thử thách của cuộc sống, ngõ hầu chúng ta có thể loan truyền niềm vui ơn cứu độ của Chúa cho mọi người.

Napoléon, một vị tướng tài giỏi, đã chiến thắng không biết bao nhiêu là trận chiến, dành được nhiều vùng đất và nhiều chiến lợi phẩm khác. Vào một ngày nọ, người ta tổ chức một buổi tiệc để tôn vinh những công lao mà ông mang lại cho nước nhà. Sau phần ôn lại những chiến tích hào hùng, có một câu hỏi được đặt ra cho ông: “kỷ niệm nào sâu đậm nhất và đáng quí nhất trong cuộc đời của ông?

Người ta cứ tưởng ông sẽ kể một trong những chiến công của ông. Nhưng sau một hồi suy nghĩ, ông chậm rãi trả lời: “kỷ niệm sâu đậm nhất ghi vào tâm trí tôi và tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là ngày tôi được Rước Lễ Lần Đầu”. Cả hội trường ngỡ ngàng một lúc sau, tiếng vỗ tay mới dồn dập vang lên, cùng với những ánh mắt thán phúc dành cho vị tướng của mình.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết đến người anh chị em, xóa bỏ mặc cảm tự ti, để có thể hòa nhịp với dòng người vào tiệc cưới trong nhà Cha.






 

THỨ SÁU TUẦN THỨ XX THƯỜNG NIÊN

Mt 22, 34-40

GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

- Trả lời cho một luật sĩ hỏi “giới răn nào trọng nhất?”, Chúa Giêsu đưa ra hai giới răn mến Chúa và yêu người.

- Đặc biệt, Ngài nói “giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất”, và “toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

Câu hỏi “ Điều răn nào trọng nhất?” của người thông luật là một trong những vấn đề các thầy Rap-bi hay tranh luận nhất. Các ông phân ra 613 điều răn khác nhau, gồm 248 điều truyền và 365 điều cấm. Các cuộc tranh luận của họ về điều răn lớn, điều răn nhỏ thì rất tỉ mỉ và bất tận.

Điểm độc đáo của Chúa Giêsu khi trả lời câu hỏi của nhà thông luật “giới răn nào trọng nhất”, ở chỗ là Chúa Giêsu đã gắn liền điều răn thương người với điều răn mến Chúa bằng cách là cho cả hai có tầm quan trọng như nhau: “giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất”. Và Chúa Giêsu tập trung tất cả luật vào hai điều răn đứng đầu này “Toàn thể lề luật và các sách tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó”.

Người Do Thái thời Chúa Giêsu tuân giữ từng chi tiết nhỏ nhặt để trung thành với lề luật của Thiên Chúa, nhưng lại sẵn sàng chà đạp  và chối bỏ tha nhân. Thật ra luật pháp được lập ra vì con người và để bảo vệ con người chứ không phải để chối bỏ con người. Tình yêu với Thiên Chúa  không thể đối lập với tình yêu con người, và tình yêu đích thực đối với con người phải dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa; con người chân đạp đất đầu đội trời là thế. Chúa Giêsu vừa là người vừa là Chúa, Ngài đã đến để nối kết con người vừa chiều ngang vừa chiều dọc trong cuộc sống của con người. Ngài đã qui tụ tất cả mọi giới răn về tình yêu “Mến Chúa và Yêu Người”, đó là tất cả sứ điệp Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Yêu thương là đặc điểm của con người. Thú vật có thể có cảm giác, nhưng đó không hẳn là tình yêu. Chỉ có con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa tình yêu mới thực sự được mời gọi yêu thương mà thôi. Tin Mừng hôm nay nhắc lại cho chúng ta ơn gọi cao cả của con người: Mến Chúa và yêu người. Yêu thương là kiện toàn lề luật; yêu thương là cốt lõi, là linh hồn của đạo. Đi Đạo, sống Đạo, giữ Đạo, xét cho cùng chính là yêu thương. Không yêu thương thì con người chỉ là thứ người máy vô hồn. Thánh Gioan Tông đồ, người mà suốt đời sống đã suy tư về tình yêu, vào cuối đời, Ngài đã tóm gọn tất cả thành một công thức: “Thiên Chúa là Tình yêu”. Và Ngài dẫn giải: “Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em thì đó là kẻ nói dối. Bởi lẽ vì kẻ không yêu thương người anh em nó thấy trước mắt, tất không thể yêu mến Đấng nó không thấy”. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu được giao phó trông coi một chị nữ tu lớn tuổi. Chị này nổi tiếng là khó tính trong nhà dòng. Đến giờ ăn Têrêsa phải dìu chị đi xuống nhà ăn. Một thiếu sót nhỏ cũng đủ cho Têrêsa bị trách móc. Chị ấy bực bội, không bằng lòng, nhưng Têrêsa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả, vì thánh nữ yêu mến Chúa, thánh nữ yêu mến người nữ tu đáng thương này.

Tình yêu đối với Chúa phải được tỏ hiện qua dấu hiệu bên ngoài là tình yêu đối với tha nhân. Và chúng ta phải chứng tỏ tình yêu ấy đối với tha nhân không những bằng lời nói nhưng còn bằng hành động bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông.

Nguyện xin cho cuộc sống đạo của chúng con ngày càng  được thanh luyện và gần gũi hơn với cốt lõi của Đạo là yêu thương, để chúng con chu toàn mọi lề luật và mưu cầu hạnh phúc đích thực cho chính bản thân và anh chị em của chúng con.






 

THỨ BẢY TUẦN THỨ XX THƯỜNG NIÊN

Mt 23, 1-12

KINH SƯ VÀ PHARISIÊU GIẢ HÌNH

Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài về Luật sĩ và biệt phái:

Các kinh sư là những chuyên viên về luật: đa số thuộc nhóm Pharisêu (biệt phái) là nhóm quan trọng nhất trong đời sống chính trị và tôn giáo lúc bấy giờ và có uy tín đối với dân. Chúa Giêsu dặn các môn đệ:

- Vì họ “Ngồi tòa Môsê”, nghĩa là nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ

- “Nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm”.

Những gương xấu của họ là:

- Ra luật cho người khác giữ, còn bản thân không giữ

- Làm những việc đạo đức chỉ cốt cho người ta thấy mà khen.

- Ham danh vọng: thích ngồi chỗ nhất, thích được chào nơi công cộng, và được thiên hạ gọi bằng “Thầy

Vua Cảnh Công hỏi các vị lãnh đạo trong triều đình về việc quốc dân, có vị đã trả lời vua: “ở chốn triều đình, vua hết đạo làm vua, tôi hết đạo làm tôi. Ở trong gia đình, cha hết đạo làm cha, con hết đạo làm con. Vua – tôi – cha – con ai nấy đều hết đạo của mình thì chính sự mới có thể thành công được.

Vua Cảnh Công nói “phải lắm”, một câu nói ấy thật là thiết yếu. Quả thế, nếu vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con thì cương vị rối loạn mà nước phải diệt vong. Thóc gạo tuy có nhiều, liệu có yên mà ăn được chăng?.

Sống cho đúng danh phận của mình đó là điều mà Chúa Giêsu nói cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Mặc dù, Chúa Giêsu nhìn nhận những luật sĩ, biệt phái là những người kế thừa Môsê. Ngài khuyên dân hãy nghe theo họ khi họ giảng dạy đạo lý chân truyền của ông Môsê. Nhưng những giải thích cá nhân của họ thì đã hơn một lần Ngài chỉ trích mạnh mẽ (x. 9, 3-9; 15, 1-20; 16, 6) và nhất là Ngài căn dặn phải đề phòng lối sống của họ, bởi vì nó mâu thuẫn với giáo lý họ dạy: “họ bó những gánh năng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Những việc đạo đức họ làm chỉ cốt cho người ta thấy mà khen:

- Họ đeo những hộp kinh thật lớn: người ta đựng những lời trọng yếu của Luật trong những chiếc hộp nhỏ xíu và cột vào tay và trán để nhớ.

- Mang những tua áo thật dài để cho người ta chú ý đến mình.

- Ham danh vọng: thích ngồi chỗ nhất, thích được chào hỏi ngoài đường phố và thích được gọi là “Thầy

Chúa Giêsu đã kết án thái độ giả hình của những người biệt phái: họ giảng dạy một đường nhưng sống một nẻo; cuộc sống và sứ mệnh của họ không đi đôi với nhau. Vừa kết án gay gắt thái độ giả hình của biệt phái, Chúa Giêsu vừa kêu gọi các môn đệ hãy sống tinh thần của Ngài, đó là tinh thần “quên mình-hy sinh-phục vụ”.

Dường như trong chúng ta ai cũng có tính giả hình biệt phái, sự cách biệt giữa những gì chúng ta tuyên xưng và cách sống của chúng ta vẫn còn quá lớn, chúng ta cố gắng tạo cho mình một bộ áo đạo đức bên ngoài hơn là sống Chân Lý Tin Mừng. Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày; khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bước tường nhà thờ; khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ; khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo hội, thì nếp sống ấy phải chăng đó không phải là một cuộc sống giả hình biệt phái sao?

Xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng con để chúng con không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu chúng con biết noi theo gương Chúa Giêsu, Đấng đến không phải được phục vụ nhưng để phục vụ. (Mt 20, 28).

=====//////=====

Lm Giuse Phạm Thanh Minh
Gp. Mỹ Tho