22/01/2017
887
Tuần 3 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



















 

 

 

THỨ HAI TUẦN THỨ III THƯỜNG NIÊN

Mc 3,22-30

TỘI NGOAN CỐ

 

          Hoạt động của Chúa Giêsu ở Caphanaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Giêrusalem là trung tâm sinh hoạt Tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Giêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ phơi bày sự ngoan cố của kẻ chống đối Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua trừ ma quỉ ra khỏi con người, mang lại tình trạng sức khỏe cho con người.

      Chúa Giêsu đã rao giảng một cách có  uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Caphanaum, cùng với những dấu chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng minh quyền năng thần linh của Ngài.

      Các luật sĩ từ Giêrusalem đến, lẽ ra hơn ai hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người Tôn giáo chuyên môn về Lời Chúa.

      Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội, Ngài đã ra lệnh cho quỉ dữ ra khỏi nhiều người và chúng ta đã vâng phục.

      Trước những hành động kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa , những kẻ chống đối Ngài nói rằng: “Đức Giêsu bị quỉ Beelzêbul ám và đã dùng quyền của quỉ vương để trừ quỉ”. Chúa Giêsu đã trả lời họ bằng các dụ ngôn: “quỉ làm sao trừ được quỉ, cũng như một nước tự chia rẽ thì nước ấy sẽ điêu tàn. Nhà nào tự chia rẽ thì nhà ấy tan hoang, nếu quỉ chống lại quỉ thì vương quyền Satan sẽ bị sụp đổ, kẻ cướp cũng chỉ có thể cướp phá nhà ai khi nó khống chế được chủ nhà”.

      Ngụ ý Chúa là: Ngài trừ được quỉ là vì quỉ bị Ngài khống chế: vương quốc của quỉ sẽ bị sụp đổ khi Chúa bị treo trên khổ giá.

      Chúa cũng cảnh cáo các kinh sư: nếu họ cứ cố tình không nhình nhận Ngài là Đấng Thiên Sai đến để giải phóng nhân loại, mà cứ bài bác sứ mạng của Chúa bằng những tư tưởng và lời nói phạm thượng thì họ sẽ không được Thiên Chúa thứ tha.

      Nhưng nếu biết sửa sai thì dù tội lỗi nhiều bao nhiêu cũng được tha, vì Thiên Chúa là tình thương, Ngài luôn luôn thương xót mọi người, cả những ai sai lầm nhưng biết sám hối. Chính Thiên Chúa đã nói: tội các ngươi dù có đỏ như son, dù có đen như máu bầm, mà biết sám hối, thì cũng trở nên trắng như lông chiên và sạch như tuyết.

      Xin Chúa cho chúng ta xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài, được thực hiện qua Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.

 

 

THỨ BA TUẦN THỨ III THƯỜNG NIÊN

Mc 3,31-35

AI LÀ MẸ TÔI, AI LÀ ANH EM TÔI ?

          Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đang giảng Lời Chúa cho những kẻ khao khát nghe. Đúng lúc đó, những người bà con đến xin gặp Ngài. Chúa Giêsu tỏ ra coi trọng những người đang nghe Lời Chúa hơn những người bà con: chẳng những Ngài không bỏ việc giảng dạy để ra ngoài gặp bà con, mà còn nói những kẻ đang nghe Ngài giảng mới là gia đình thật của Ngài.

          Mặc nhân tính sinh ra làm người, ở giữa loài người. Đức Giêsu có liên hệ gia đình, tức là Chúa Giêsu cũng có họ hàng bà con, là những người có quan hệ huyết tộc với Đức Maria, hiền mẫu của Chúa – Chúa Giêsu cũng có họ hàng bà con, là những người có liên hệ huyết tộc với Đức Maria, hiền mẫu của Chúa – Chúa Giêsu cũng có liên hệ gia đình theo pháp luật, với những người có liên hệ với vương tộc Đavít về phía Thánh Giuse. Chính Thiên Thần được Chúa sai đến để giải thắc mắc cho Thánh Giuse khi người buồn sầu muốn bỏ đi: “Này Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về”.

          Như thế, tương quan trong tiểu gia đình Nazareth đặt nền tảng trên huyết thống và pháp lý Chúa Giêsu còn có mối tương quan trong đại gia đình đặt trên mối liên kết với Chúa Cha trong tình yêu được thể hiện trong sự “nghe và giữ lời Cha”.

          Với cách nhìn này, thì lời tuyên bố “ai nghe và giữ lời Thiên Chúa là mẹ tôi, là anh chị em tôi” không phải là sự lạnh nhạt, hắt hủi đối với Mẹ Ngài, ngược lại là một lời tuyên dương: Maria đáng là Mẹ nhất ở chỗ tận tụy nghe và giữ lời Thiên Chúa.

          Sinh ra Ngài là ân huệ Chúa ban! Nhưng biết nghe và giữ lời Chúa thì lại là một nỗ lực riêng của Đức Maria, đáng công hơn.

          Lời Chúa hôm nay: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa là mẹ Tôi, là anh chị em Tôi” phải thấm nhập trong suy nghĩ, trong tình cảm, chọn lựa, hành động của chúng ta.

          Nhìn vào mẫu gương Đức Mẹ sống với Thiên Chúa bằng đức tin và sống với tha nhân bằng đời sống bác ái khiêm nhường, để chúng ta noi gương bắt chước sống bổn phận người Kitô hữu của mình đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em mình. Chúng ta được đón nhận vào đại gia đình Thiên Chúa, thuộc về dòng dõi Thánh dựa trên niềm tin. Vì thế, đòi buộc chúng ta sống như một thành viên trong gia đình là luôn ý thức về tình liên đới, hiệp thông và có trách nhiệm với anh em.

          Bất cứ ai sống lời Ngài, người đó cùng kết hiệp mật thiết với Ngài. Chúa Giêsu sẽ nhận chúng ta là môn đệ Ngài, là anh em trong gia đình Ngài không phải vì danh hiệu Kitô chúng ta đang có, mà vì những hoa trái lời Ngài được chúng ta trổ sinh trong cuộc sống. Hoa trái ấy chính là hành động của yêu thương, hòa bình, tha thứ, nhẫn nhục. Cuộc sống càng được dệt bằng những hành động ấy, quan hệ giữa chúng ta và Chúa Giêsu càng trở nên mật thiết hơn.

          Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta luôn biết sống theo thánh ý Chúa, để chúng ta được nối kết trong tình nghĩa với Chúa, với Mẹ, với tất cả mọi người.


 

THỨ TƯ TUẦN THỨ III THƯỜNG NIÊN

Mc 4,1-20

DỤ NGÔN NGƯỜI GIEO GIỐNG

          Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cao những người biết lắng nghe Lời Chúa. Trong đoạn hôm nay, Ngài dùng dụ ngôn về người gieo giống để khuyến cáo: Không chỉ nghe thôi là đủ, mà còn phải “nghe lời và đón nhận rồi sinh hoa kết quả” (c.20). Ngài cũng vạch cho thấy những trở ngại khiến cho việc nghe Lời Chúa không sinh hoa kết quả, đó là:

a. Bị Satan phá (hạt rơi bên vệ đường)

b. Tính nông nổi nhất thời, không kiên trì thực hiện Lời Chúa trong lúc gian nan hay bị ngược đãi (hạt rơi trên đá sỏi)

c. Nhữnglo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quí cùng những đam mê khác (hạt rơi vào bụi gai)

d. Hạt rơi vào đất tốt: là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy lời, và nhờ kiên nhẫn họ sinh được hoa trái.

          Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để giảng về Nước Trời. Việc gieo giống là hình ảnh rất quen thuộc với người Việt Nam, vì 80% dân số Việt Nam sống bằng nghề nông nghiệp. Người gieo giống nào cũng muốn gieo hạt trên đất đã cày bừa cẩn thận. Thiên Chúa cũng muốn tâm hồn con người trở nên như thửa đất tốt để hạt giống lời Ngài có thể mọc lên, phát triển và sinh nhiều hoa trái, làm ích cho mình và cho người khác nữa.

          Nhìn lại cuộc đời mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ trước đến nay chúng ta chưa đón nhận và chưa sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi chúng ta vẫn để tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng  địa vì và của cải làm chết nghẹt Lời Chúa.

          Đấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia đình xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ trong tâm hồn chúng ta, bởi vì: cũng như khi người nông phu giao hạt giống:

- Có hạt rơi bên vệ đường: vệ đường không phải là nơi đón nhận hạt giống nên nó sẽ bị kẻ qua người lại đạp lên, và chim trời sẽ nhặt đi, đó là tâm hồn phóng đãng không hợp cho Lời Chúa.

- Hạt rơi trên đá sỏi: đá sỏi biểu tượng cho tâm hồn khô khan nguội lạnh, hạt rơi vào đó sẽ không có chỗ bén rễ, nắng lên nó sẽ héo.

- Hạt rơi vào bụi gai, mọc được, nhưng sẽ không thể sinh ra hoa trái, bụi gai biểu tượng cho tâm hồn ghen tương, oán thù, hạt giống tốt rơi vào đó sẽ khó có trái.

- Nhưng nếu đất tốt được cày bừa, được tưới nước biểu tượng cho tâm hồn trong sạch, giàu yêu thương sẽ làm cho Lời Chúa sinh hoa kết trái nhiều hạt 100, 60, 30.

          Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa để trở thành những mảnh đất tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời Chúa.

          Mỗi người phải học tính quảng đại và lạc quan của người gieo giống trong dụ ngôn này: không nên tiếc công gieo Lời Chúa, cũng không nản lòng khi thấy Lời Chúa chưa sinh hoa kết quả nơi một số người, cứ lạc quan hăng hái chu toàn nhiệm vụ của mình, như Thánh Phaolô: “Tôi trồng, Apollô tưới, Thiên Chúa cho mọc lên”.

          Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận hạt giống Lời Chúa. Xin làm cho những hạt giống ấy được bám rễ, mọc lên tươi tốt và trổ sinh được nhiều bông hạt, để mỗi ngày chúng ta được lớn lên trong tình yêu Chúa và góp phần xây dựng Giáo hội Chúa ngày một lớn mạnh hơn.

 

 

THỨ NĂM TUẦN THỨ III THƯỜNG NIÊN

Mc 4,21-25

DỤ NGÔN CHIẾC ĐÈN

DỤ NGÔN CÁI ĐẤU

          Hai dụ ngôn nhỏ này tiếp liền những đoạn Tin Mừng của các ngày trước và triển khai thêm chủ đề nghe Lời Chúa.

Dụ ngôn chiếc đèn: kẻ nghe Tin Mừng giống như chiếc đèn: a) Họ phải loan báo Tin Mừng cho những người khác biết nữa. b) Họ phải sống những gì đã nghe, có như thế cuộc sống của họ sẽ chiếu tỏa ánh sáng ra những người chung quanh.

Dụ ngôn cái đấu: Người nào càng biết nghe Lời Chúa càng sống Lời Chúa thì càng được ban thêm ơn; trái lại kẻ chỉ nghe mà không sống thì không được ban thêm ơn gì, mà cả những ơn họ đang có cũng bị lấy mất đi.

          Sau dụ ngôn “Người gieo giống” và lời cắt nghĩa của Chúa Giêsu cho nhóm nhỏ thân tín, chúng ta sẽ tiếp tục nghe những dụ ngôn khác. Giờ đây, chúng ta được lưu ý cách thận trọng rằng: không chỉ những mẩu chuyện bé nhỏ thời thơ ấu, mà ngay cả “những lời bí nhiệm” của Chúa Giêsu, cũng chỉ được trao gởi cho những kẻ biết thực sự sẵn sàng mở rộng tâm hồn lãnh nhận, như khi Ngài nói về mầu nhiệm Nước Trời qua biểu tượng cái đèn:

          “Có ai đem đèn sáng đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao?

          Hẳn chúng ta thấy Chúa Giêsu là người có óc quan sát thực tế. Có thể cả ngàn lần, Ngài đã nhìn thấy mẹ Ngài thắp đèn cháy sáng lúc chiều tối... không phải vô ích đặt dưới gầm giường, nhưng tại giữa nhà, trên một giá đèn, để nó chiếu rạng khắp nơi. Đối với Ngài, mỗi một vật cụ thể đều gợi lên một thực tại vô hình. Chẳng hạn hình ảnh “cái đèn” trong đoạn Tin Mừng này chính là Tin Mừng. Không được giấu kín Tin Mừng. Mới đầu chỉ một thiểu số biết thôi, nhưng theo ý Đức Giêsu, với thời gian, Tin Mừng đó cần chiếu tỏa ra, phải được loan báo cho mọi dân tộc (13,10). Bởi thế, Lời Chúa không thể dành giữ cho riêng mình. Ta chỉ thực sự lãnh nhận Lời Chúa, nếu nuôi ý định truyền thông cho kẻ khác.

          Đối với Chúa Giêsu, sống co cụm vào mình là điều không thể tưởng tượng được. Tính ích kỷ, cho dù được mệnh danh là thiêng liêng có thể chỉ nhằm “chăm sóc cho tâm hồn bé nhỏ đẹp đẽ của riêng mình”, đều chính thức bị lên án: toàn thể nếp sống Kitô, nếu chỉ nhắm đến mình mà không tỏa sáng cho kẻ khác, thì không phù hợp với ý Chúa Giêsu. Do đó, mỗi người chúng ta cũng phải là cây nến trong tay Thiên Chúa. Chỉ cần ta cháy sáng, còn kết quả là ở Thiên Chúa.

          Chúa Giêsu cũng quan sát những người buôn bán thời Ngài, đang cân đong lúa mì với một chiếc thùng hay một cái bình, cái đấu. Người ta dồn nén nhiều ít... hay đổ đầy tới miệng… Từ đó, Chúa Giêsu dạy chúng ta học hỏi tính khí của Ngài: “Các con hãy hành động quảng đại, hãy đong gạt, hãy đổ cho đầy tràn”. Và Ngài đã ứng dụng dụ ngôn này vào cung cách lắng nghe Lời Chúa. Hình ảnh cái đấu là mức độ tâm hồn mở ra để đón nhận. Con người càng mở ra thì càng nhận được hồng ân Thiên Chúa. Ai đã có kho tàng đức tin, đức ái, sức mạnh và thái độ sẵn sàng mở ra, thì còn nhận được thêm; còn kẻ nào không mở ra để nhận thêm thì cũng dần dần mất hết những gì mình đã có.

          Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta suy xét và điều chỉnh lại cuộc sống tương quan với tha nhân với ý thức rằng những gì chúng ta làm cho người anh em là làm cho chính Chúa. Và Chúa sẽ đối với chúng ta theo cung cách chúng ta đối xử với tha nhân, mà Chúa còn đối xử hào phóng hơn nữa cho ta bằng cái đấu đã dằn đã lắc.

 

 

THỨ SÁU TUẦN THỨ III THƯỜNG NIÊN

Mc 4,26-34

DỤ NGÔN HẠT GIỐNG ÂM THẦM

DỤ NGÔN HẠT CẢI

 

          Những dụ ngôn về sức sống và sức lớn lên của Nước Thiên Chúa.

- Dụ ngôn hạt giống âm thầm: Nước Thiên Chúa cũng như hạt giống có sức sống và sức phát triển nội tại. Dù hoàn cảnh thuận tiện hay không thuận tiện (đêm hay ngày), dù người ta có chăm sóc hay không (người ấy ngủ hay thức, bằng cách nào người ấy không biết), Nước Thiên Chúa vẫn cứ phát triển.

- Dụ ngôn hạt cải: mới ban đầu, Nước Thiên Chúa rất nhỏ bé như hạt cải, nhưng rồi nó sẽ phát triển thành cây to.

          Có lẽ những dụ ngôn này nhằm mục đích trấn an:

a) Trấn an các môn đệ thời Chúa Giêsu: có lúc họ ngã lòng vì thấy mình chỉ là một nhóm ít ỏi, nhỏ bé, sợ không đủ khả năng mở mang Nước Thiên Chúa.

b) Trấn an các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai: họ là một tập thể ít ỏi giữa lòng thế giới rộng lớn, họ lại gặp rất nhiều khó khăn. Chúa Giêsu muốn trấn an tất cả rằng, chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ tồn tại và phát triển mạnh.

          Hai dụ ngôn hôm nay đều có chung một “biểu tượng” là sự nảy mầm, là sức mạnh của “sự sống phát sinh”:

- Dụ ngôn hạt giống âm thầm chỉ có trong Marcô. Nó liên kết với dụ ngôn người gieo giống (4,3-8), vì hai dụ ngôn nói về những giai đoạn kế tiếp nhau: gieo hạt giống – hạt giống nảy mầm – cây lúa mọc lên – mùa gặt. Trong Nước Thiên Chúa, hạt giống chỉ Tin Mừng: hạt giống đã gieo xuống đất, Tin Mừng đã được rao giảng. Thiên Chúa âm thầm hoạt động, ban cho Nước Thiên Chúa một sức mạnh thầm kín giúp Nước của Người phát triển cho đến giai đoạn hoàn thành. Trong giai đoạn này, điều cần thiết là phải kiên nhẫn và bình thản chờ đợi, phải tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa đang âm thầm hoạt động trong lịch sử nhân loại.

- Dụ ngôn hạt cải (4, 30-32) cho thấy sức mạnh không thể chống lại của Nước Thiên Chúa và nhấn mạnh đến kết quả cuối cùng. Tác giả dùng hai hình ảnh tương phản nhau: ban đầu, khi Tin Mừng mới được rao giảng, Nước Thiên Chúa giống như hạt cải là loại hạt nhỏ nhất, rồi dần dần trở thành một cây lớn, một nơi có thể đón nhận các dân tộc. Mặc dầu giai đoạn đầu của Nước Thiên Chúa rất khiêm tốn, Tin Mừng phải được loan báo cho mọi dân tộc (13,10). Trước khi Con Người quang lâm, nhiều cuộc bách hại và những cơn gian nan thử thách sẽ xảy ra (13,5-12). Trong hoàn cảnh cụ thể đó, dụ ngôn hạt cải giúp độc giả có một lòng tin bất diệt và một niềm trông đợi bất khuất vào cuộc chiến thắng của Thiên Chúa và sự thành công cuối cùng của Nước Thiên Chúa.

          “Nước Thiên Chúa giống như người gieo kia đã gieo hạt xuống đất”. Chúng ta chiêm ngưỡng Chúa Giêsu đang gieo hạt, một cử chỉ hết sức tự nhiên, đầy vẻ say mê và kỳ diệu. Đó là thái độ vừa hy vọng, vừa phiêu lưu. Bởi vì, liệu hạt giống đó có mọc lên không? Liệu sẽ có mùa gặt hay lại không có? Mùa đông có làm lạnh cứng và tiêu diệt mọi đọt mầm mới nhú không? Và mặt trời có đốt cháy và thiêu hủy những mầm sống không? Điều ấy chúng ta không biết được. Có điều chúng ta biết được là Chúa bảo phải gieo hạt, phải dám làm và kiên nhẫn chờ đợi.

          Cũng thế, “hạt giống nhỏ bé” ngày hôm đó, lúc Chúa Giêsu ở một mình, trên bờ hồ, với nhóm Mười Hai và một vài thính giả miền Galilê... ngày hôm nay đã trở nên một cây lớn vươn đến mút cùng trái đất, để rồi khi chúng ta đọc lại lời hứa của Chúa, chúng ta nghĩ đến nếp sống thiêng liêng của mình, rất yếu đuối và “nhỏ nhoi”; những công việc nhân đạo và tông đồ của chúng ta; với những lúc bị bỏ rơi và nản lòng, chúng ta không thất vọng, mà chứa chan hy vọng, tin tưởng phó thác vào quyền năng yêu thương của Chúa.

Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN THỨ III THƯỜNG NIÊN

Mc 4, 35-41

DẸP YÊN BÃO TỐ

          Các đoạn Tin Mừng từ thứ bảy tuần này đến thứ ba tuần sau lần lượt kể các phép lạ của Chúa Giêsu. Mỗi phép lạ mặc khải một khía cạnh của Mầu nhiệm Chúa Giêsu.

          Phép lạ dẹp yên bão tố này chứng tỏ uy quyền của Chúa Giêsu trên sức mạnh thiên nhiên:

a) Những chi tiết mô tả sức mạnh của thiên nhiên: một trận cuồng phong, sóng ập vào thuyền, thuyền đầy nước, các môn đệ hoảng sợ.

b) Những chi tiết mô tả sức mạnh ưu việt của Chúa Giêsu: Ngài vẫn ngủ, Ngài hăm đe gió và truyền lệnh cho biển. Sau chỉ một lời truyền của Ngài, gió liền tắt và biển lặng như tờ; sau phép lạ các môn đệ hỏi nhau: “người này là ai mà cả đến gió lẫn biển cũng tuân lệnh”.

          Sau một loạt những dụ ngôn, Marcô đề cập đến một chuỗi những phép lạ được kể ở đoạn 4,35 - 5,43:

1) 4, 35-41;  2) 5, 1-20;                        3) 5, 25-34; 4) 5, 22-24.35.43

          Các phép lạ này cho thấy quyền năng của Thiên Chúa có sức giải thoát. Quyền năng này được tỏ bày nơi Đức Giêsu.

          Phép lạ “sóng gió phải yên lặng” không được thực hiện trước đám đông quần chúng, nhưng chỉ diễn ra trước các môn đệ nhằm giáo dục các ông. Chỉ có ít dụ ngôn, mà Marcô đã chăm chú nhắc nhở ta nhiều lần: “còn khi ở riêng, Chúa Giêsu đã giải nghĩa tất cả cho các môn đệ của Ngài”. (Mc 4,10.4,34). Phép lạ này xảy ra trong trường hợp sau khi Chúa Giêsu đã giảng dạy dân chúng... khi chiều đến, Ngài phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bờ bên kia”. Ngài bảo các môn đệ rời Galilêa, nơi mà dân chúng đang báo động và tìm cách quấy rầy Ngài. Từ phía dân ngoại, Ngài tiến đến những người xứ Giêrasa, một xứ mới mà lời Thiên Chúa chưa được vang lên, miền truyền giáo... ở đó đã tiềm tàng những tín hữu mới và hứa hẹn những cuộc trở lại mới cần thực hiện.

          Thế là Ngài trẩy đi cùng với các môn đệ. Đó là những khoảnh khắc êm ả, xa hẳn quần chúng để Chúa Giêsu có dịp hiện diện một mình với nhóm nhỏ của Ngài. Nhưng cũng từ lúc ấy “chợt có một cơn bão lớn”. Những lớp sóng ập vào thuyền đến nỗi thuyền sắp đầy nước. Thật là kinh hồn! Đang khi đó, Đức Giêsu ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Ngài dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Thức dậy, Ngài đe gió và truyền cho biển: “Im đi! Lặng đi! Gió liền ngưng, biển lặng như tờ”, rồi Ngài bảo “sao lại hoảng sợ, anh em vẫn chưa có lòng tin sao?” Rồi các môn đệ nói với nhau: “người này là ai mà gió và biển cũng tuân lệnh”.

          Qua phép lạ này, Chúa Giêsu chứng tỏ thần lực của Ngài bằng cách dẹp sóng gió. Biển động tượng trưng cho những mãnh lực chống đối Thiên Chúa. Quả thật ở đây (4,41b) Marcô cũng dùng một động từ 1,27b (tuân lệnh) khi nói về các thần ô uế. Do đó, việc dẹp sóng gió tương đương với việc trừ quỉ.

          Đời sống của Giáo Hội cũng như của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện, ngay cả khi chúng ta tưởng như Ngài vắng mặt trong những thử thách phong ba của cuộc đời. Điều quan trọng là chúng ta biết chạy đến cầu nguyện với Chúa để Ngài làm yên sóng gió và dẫn đưa con thuyền cuộc đời chúng ta về tới bến bờ bình an. Ước gì chúng ta luôn có được xác tín của Thánh Phaolô tông đồ: Thiên Chúa không để chúng ta bị thử thách quá sức chịu đựng, Ngài sẽ ra tay cứu giúp mỗi khi chúng ta kêu cầu đến Ngài.

          Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khám phá và tin vào quyền năng của Chúa hơn là tin vào những thế lực của sự dữ.

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho