10/03/2017
1286
Tuần 2 Mùa Chay_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



















THỨ HAI TUẦN II MÙA CHAY

Đn 9,4b-10; Lc 6,36-38

ĐỪNG XÉT ĐOÁN

 

Hôm nay, Chúa Giêsu dạy về sự đoán xét:

1. Thiên Chúa sẽ xét đoán chúng ta tùy theo cách chúng ta xét đoán người khác: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa đoán xét như vậy. Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng đong cho anh em đấu ấy.”

2. Thay vì đoán xét người khác, mỗi người hãy lo đoán xét chính mình: “sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới”.

Nền Đạo Đức mới do Chúa Giêsu dạy có thể làm cho người môn đệ tự mãn và có thái độ dạy đời đối với kẻ khác. Chúa Giêsu đề cao cảnh giác các môn đệ về điểm này. Chúa không cấm nhận xét phải trái về người khác, nhưng qui tội và lên án lương tâm người ta là vi phạm lãnh vực dành riêng cho Thiên Chúa. Đàng khác, xét đoán kẻ khác như vậy, người ta dễ coi mình là tiêu chuẩn: ở đây ít ai không mắc chứng bệnh chủ quan. Vì thế Chúa Giêsu dạy người môn đệ phải dè dặt trong khi phê phán kẻ khác.

Bởi vì con người không ai có thể tự cho mình quyền xét đoán, lên án người khác, mà chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, Ngài hiểu hơn chính họ và mời gọi con người hãy nhìn vào bản thân mình: hãy nhìn vào mắt mình để lấy cái xà đã đóng chặt vào đó, cái xà được kết tinh bằng bao lỗi lầm, thành kiến, ác ý. Lấy được cái xà, mắt sẽ trong sáng, con người sẽ nhìn rõ sự vật.

Khi đối nghịch giữa “cái xà” trong mắt mình với “cái rác” trong mắt người, Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ hiểu rằng người bới móc khuyết điểm và phán đoán kẻ khác lại thường không nhận ra, hay tự mãn, với những lỗi lầm rành rành của họ. Họ kể ra lỗi lầm của người khác trong khi cố ý làm cho người ta thấy rằng chính họ mới là những kẻ biết tuân giữ lề luật.

Vậy là môn đệ của Chúa, chúng ta hãy có cái nhìn như Chúa, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu và hy vọng. Lêvi, người thu thuế sẵn sàng bỏ mọi sự để theo Chúa; Zakêu, người thu thuế trưởng đã thành tâm hoán cải; Madalena dứt khoát từ bỏ con đường tội lỗi, tất cả đã chuyển hướng cuộc đời bởi cái nhìn từ ái bao dung của Chúa Giêsu.

Ước gì lời cầu nguyện của thánh Augustinô xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con cũng là lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta. Biết Chúa để thấy lòng quảng đại yêu thương vô bờ của Chúa, biết mình để ý thức về sự yếu đuối bất toàn của mình, nhờ đó chúng ta dễ dàng rộng lượng với người khác như Chúa đã đối xử cách đại lượng với chúng ta.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN II MÙA CHAY

Is 1,10.16-20; Mt 23,1-12

KINH SƯ VÀ PHARISÊU GIẢ HÌNH

 

Chúa Giêsu nói với các môn đệ Ngài về Luật sĩ và biệt phái:

Các kinh sư là những chuyên viên về luật: đa số thuộc nhóm Pharisêu (biệt phái) là nhóm quan trọng nhất trong đời sống chính trị và tôn giáo lúc bấy giờ và có uy tín đối với dân. Chúa Giêsu dặn các môn đệ:

- Vì họ “Ngồi tòa Môsê”, nghĩa là nắm quyền giảng dạy, cho nên “những gì họ nói, các con hãy làm và tuân giữ”.

- “Nhưng đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm”.

Những gương xấu của họ là:

- Ra luật cho người khác giữ, còn bản thân không giữ

- Làm những việc đạo đức chỉ cốt cho người ta thấy mà khen.

- Ham danh vọng: thích ngồi chỗ nhất, thích được chào nơi công cộng, và được thiên hạ gọi bằng “Thầy”.

Vua Cảnh Công hỏi các vị lãnh đạo trong triều đình về việc quốc dân, có vị đã trả lời vua: “ở chốn triều đình, vua hết đạo làm vua, tôi hết đạo làm tôi. Ở trong gia đình, cha hết đạo làm cha, con hết đạo làm con. Vua – tôi – cha – con ai nấy đều hết đạo của mình thì chính sự mới có thể thành công được.

Vua Cảnh Công nói “phải lắm”, một câu nói ấy thật là thiết yếu. Quả thế, nếu vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con thì cương vị rối loạn mà nước phải diệt vong. Thóc gạo tuy có nhiều, liệu có yên mà ăn được chăng?.

Sống cho đúng danh phận của mình đó là điều mà Chúa Giêsu nói cho chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Mặc dù, Chúa Giêsu nhìn nhận những luật sĩ, biệt phái là những người kế thừa Môsê. Ngài khuyên dân hãy nghe theo họ khi họ giảng dạy đạo lý chân truyền của ông Môsê. Nhưng những giải thích cá nhân của họ thì đã hơn một lần Ngài chỉ trích mạnh mẽ (x. 9,3-9; 15,1-20; 16,6) và nhất là Ngài căn dặn phải đề phòng lối sống của họ, bởi vì nó mâu thuẫn với giáo lý họ dạy: “họ bó những gánh nng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào” (Mt 23,4). Những việc đạo đức họ làm chỉ cốt cho người ta thấy mà khen:

- Họ đeo những hộp kinh thật lớn: người ta đựng những lời trọng yếu của Luật trong những chiếc hộp nhỏ xíu và cột vào tay và trán để nhớ.

- Mang những tua áo thật dài để cho người ta chú ý đến mình.

- Ham danh vọng: thích ngồi chỗ nhất, thích được chào hỏi ngoài đường phố và thích được gọi là “Thầy”.

Chúa Giêsu đã kết án thái độ giả hình của những người biệt phái: họ giảng dạy một đường nhưng sống một nẻo; cuộc sống và sứ mệnh của họ không đi đôi với nhau. Vừa kết án gay gắt thái độ giả hình của biệt phái, Chúa Giêsu vừa kêu gọi các môn đệ hãy sống tinh thần của Ngài, đó là tinh thần “quên mình-hy sinh-phục vụ”.

Dường như trong chúng ta ai cũng có tính giả hình biệt phái, sự cách biệt giữa những gì chúng ta tuyên xưng và cách sống của chúng ta vẫn còn quá lớn, chúng ta cố gắng tạo cho mình một bộ áo đạo đức bên ngoài hơn là sống Chân Lý Tin Mừng. Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày; khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bước tường nhà thờ; khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ; khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo hội, thì nếp sống ấy phải chăng đó không phải là một cuộc sống giả hình biệt phái sao?

Do đó trong mùa chay, người tín hữu cần phải cảnh giác  thái độ giả hình của người Biệt phái vẫn còn tràn lan trong Giáo Hội. Đồng thời tích cực thực hiện lời Chúa trong sách Ngôn sứ Isaia: “hãy làm điều lành, tìm kiếm công lý”, đó là cách để ta được Chúa thứ tha: “Cho dù tội lỗi các ngươi như máu đỏ thắm cũng trở nên trắng như tuyết, cho dù đỏ như vải điều cũng sẽ trở nên trắng như len”.

Xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng con để chúng con không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu chúng con biết noi theo gương Chúa Giêsu, Đấng đến không phải được phục vụ nhưng để phục vụ. (Mt 20,28).

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN  II MÙA CHAY

Gr 18,18-20; Mt 20,17-28

LOAN BÁO CUỘC TỬ NẠN

 

Bài Tin Mừng của Thánh Matthêu 20,17-28 hôm nay cho thấy các Tông Đồ chưa hiểu đúng sứ mạng của Chúa Giêsu: Họ theo Chúa Giêsu nhưng để được vinh dự và địa vị, như trường hợp bà mẹ của các con ông Dê-bê-đê đến xin Chúa Giêsu cho hai người con, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả trong nước mà bà nghĩ là Chúa Giêsu sắp thành lập. Nghe vậy mười người môn đệ kia bực tức vì nghĩ họ muốn chơi trội hơn mình trong cuộc chạy đua tranh giành quyền lực địa vị. Trong bối cảnh đó, để giáo dục họ Chúa Giêsu làm hai việc: một là loan báo cho các ông biết “Ngài sẽ bị nộp cho các Thượng tế và Kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử ngài”. Hai là dạy cho họ bài học phục vụ “ai muốn cầm đầu thì hãy làm đầy tớ… Con Người đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Chúa Giêsu loan báo cuộc tử nạn

Dù không ghi lại những chỉ dẫn địa lý chính xác, người ta cũng biết rằng Chúa Giêsu đang tiến đến gần các biến cố trọng yếu của dịnh mệnh Ngài. Ngài đã băng ngang vùng Galilê từ Bắc tới Nam, dẫn đầu các môn đệ, tiến về Giêrusalem, nơi người sẽ bị nộp vào tay kẻ thù để hiến thân chuộc tội cho loài người. Thánh sử Matthêu đã nhấn mạnh hành trình lên Giêrusalem này qua 3 lần loan báo về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, và đây là lần loan báo thứ ba.

Thật vậy trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến cái chết của Ngài, như một con đường tất yếu phải đi qua. Giữa lúc mọi người đang thán phục về những lời rao giảng và các phép lạ của Ngài, giữa lúc mọi người đang chờ những điều phi thường hơn nữa, thì Chúa Giêsu lại tuyên bố: “Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Ngài”.

Khi loan báo về cái chết của mình, Chúa Giêsu muốn nối kết nó với sứ mệnh của Ngài. Sứ mệnh của Ngài chỉ được thực hiện bằng con đường sự chết. Người ta chống đối Ngài, giết chết Ngài vì đời sống lời nói và việc làm của Ngài là một tố cáo tội ác của con người.

Trong khi đó các Tông Đồ chưa hiểu được sứ mệnh của Chúa Giêsu, các ông nghĩ rằng Chúa Giêsu sắp thành lập nước It-ra-en, nên các ông bắt đầu tranh giành quyền lực địa vị… chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu dạy các ông về nước Thiên Chúa và Nước Trần gian, và về cách cư xử của những người lớn trong nước đó. Trong nước Trần gian người làm lớn lấy quyền mà trị dân, bắt dân phục vụ mình. Còn trong nước Thiên Chúa người làm lớn là làm đầy tớ, càng làm lớn thì càng phải phục vụ.

Quyền bính và phục vụ

Muốn phục vụ đích thực, phải nhìn sâu vào cách sống của Chúa Kitô. Ngài đã từng khẳng định: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người”.

Cuộc đời của Chúa Giêsu, quả thực là chuỗi dài phục vụ. Phúc âm ghi nhận rằng từ sớm tinh sương, Ngài đi cầu nguyện, sau đó rong ruổi từ cao nguyên xuống đồng bằng, từ núi rừng xuống bờ biển, từ sa mạc tới thị thành, để giảng dạy và cứu nhân độ thế. Tóm lại toàn bộ sứ mạng của Ngài là phục vụ.

Mỗi người Kitô hữu chúng ta trong mùa chay đều được mời gọi sống tinh thần phục vụ như Đức Kitô. Muốn thế phải có một quyết tâm sống như người tôi tớ. Thân phận người tôi tớ thì cái hiện hữu duy nhất là sống cho và sống vì người khác. Sống như thế cũng đồng nghĩa với quên mình, với chết đi cho bản thân, để sống cho người khác. Sống phục vụ như Đức Kitô cũng có nghĩa là vâng lời, vâng lời đến chết và chết trên thập giá.

Người Kitô hữu đích thực cũng không thể tránh được số phận ấy, là chứng nhân của Đấng đi ngược dòng đời, họ cũng không thể thoát khỏi những chống đối. Cái chết âm thầm, từng giây từng phút chống lại tội lỗi và sự dữ là điều tất yếu trong cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô, có chết như thế họ mới biết rằng mình đang đi con đường của Chúa Kitô, con đường dẫn tới sự sống đích thực.

Lạy Chúa, chúng con sợ hãi trước cảnh cơ cực khổ đau, nhưng xin Chúa nâng đỡ chúng con để chúng con kiên trì theo chân Chúa cho đến cùng, đến cõi phúc trường sinh như Chúa hứa ban cho môn đệ của Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN II MÙA CHAY

Gr 17,5-10; Lc 16,19-31

DỤ NGÔN ÔNG NHÀ GIÀU

VÀ ANH LAZARÔ NGHÈO KHÓ

 

- Bài trích sách Giêrêmia đề cập đến hai hạng người: hạng tin tưởng cậy dựa vào những giá trị đời này, và hạng đặt niềm cậy trông nơi Chúa. Giêrêmia nói khốn cho hạng thứ nhất và phúc cho hạng thứ hai.

- Trong Tin Mừng, người phú hộ thuộc hạng thứ nhất. Khi ông chết thì những chỗ ông cậy dựa vào cũng tiêu tan luôn, cho nên ông rơi vào cảnh huống rất khốn khổ. Lazarô là đại diện của hạng thứ hai nên sau khi chết đã được hưởng hạnh phúc trong vòng tay Thiên Chúa.

Dụ ngôn này muốn gởi một lời cảnh báo đến hạng người thứ nhất chỉ biết nương tựa vào những giá trị đời này để họ sớm thấy sai lầm của họ mà kịp thời quay về trông cậy vào Chúa. Đừng chờ đến khi chết, thấy rõ đâu là chỗ dựa vững chắc rồi mới sám hối, vì tới lúc đó, mọi sự đều không thể đảo ngược.

Ý nghĩa dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó

Sự phân biệt giàu – nghèo luôn là một vấn đề xã hội. Tự nó đã hàm chứa một sự mâu thuẫn với nhau chăng? Có tiền thì không nghèo mà nghèo thì không có tiền. Thông thường người đời cho rằng: giàu là một cái phúc, và nghèo là một tai ương. Nhưng câu đầu tiên trong tám mối phước thật Chúa nói: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Lời Chúa hôm nay sẽ là một giải đáp cho cách sống của người tín hữu như thế nào để được cõi phúc đời đời.

 Tin Mừng Luca 16,19-31, hôm nay là dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó” được trình thuật linh động, sâu sắc khắc họa lên hình ảnh hai cảnh đời trái ngược nhau trong xã hội loài người muôn nơi muôn thuở: Giàu và nghèo. Và số phận của họ cũng đảo ngược nhau sau khi chết. Vì cái khốn khổ của người giàu kia, điều mà Môsê và các ngôn sứ đã cảnh báo và Chúa Giêsu đã răn dạy mới nổi rõ lên: chính khi chết là kết cục cho ông ta dưới âm phủ, bị ngăn cách bởi một vực thẳm khủng khiếp không thể vượt qua, nhưng lại là khởi đầu cho Lazarô trong bữa tiệc Nước Trời với Abraham và các ngôn sứ.

Kết cục xấu cho người phú hộ kia không phải vì ông “lắm tiền nhiều của”, cũng không phải vì ông ta làm ra nhiều của cải, nhưng chính là lối sống hưởng thụ, ích kỷ và vô tâm của ông trước người nghèo khó Lazarô ngày ngày lê lết bên cổng nhà ông, thèm được những thứ trên bàn ăn rơi xuống mà ăn cho no. Dụ ngôn này còn hướng tới chủ đích sửa sai quan niệm của người Biệt phái coi thịnh vượng vật chất là dấu chỉ phúc lành của Thiên Chúa, còn nghèo khổ là dấu chỉ bị ruồng bỏ. Cảnh ngộ trần thế không phản ánh trạng thái tâm hồn và càng không thể quyết định vận mạng vĩnh cửu.

Cách sống của người tín hữu để được vào cõi phúc

Từ dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn kêu gọi những người Do Thái và người Pharisêu ăn năn sám hối, nếu không họ cũng sẽ bị chung số phận như người giàu có vô tâm và ích kỷ kia. Đó cũng là bài học cho mọi tín hữu: hãy cảnh giác và sám hối, vì đã từ lâu, chúng ta thường sống bo bo chỉ cho mình mà quên đi những người thiếu thốn chung quanh ta.

Thật vậy, trong bối cảnh nhân loại hôm nay, chúng ta chứng kiến những cảnh sống chênh lệch thật quá đáng: “người ăn không hết kẻ lần không ra”. Bác sĩ Albert Schweitzer, người đã bán hết gia tài kếch xù của ông, xây một bệnh viện và dấn thân cứu giúp những con người cùng khổ nhất Châu Phi đã đặt ra câu hỏi cho chính mình: “làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc trong khi biết bao người đang đau khổ”. Hàng ngày chúng ta thường có dịp tiếp xúc với đời sống xã hội trước mắt, loài người còn đầy rẫy những cảnh khổ: từ một ông lão sống kiếp đời hành khất, sống bằng lòng nhân đạo bố thí, đến hình ảnh một đứa trẻ tuổi còn thơ, đời còn quá bé bỏng, lại phải sống bằng cách đi nhặt từng mẩu bánh ăn dở, thay vì đứa bé ấy phải được cha mẹ nuông chiều dạy dỗ.

Từ bài Tin Mừng hôm nay, đặc biệt qua số phận trầm luân muôn đời của người phú hộ, luôn luôn nhắc nhở người tín hữu phải biết quan tâm đến những người sống chung quanh mình, biết khôn ngoan sử dụng những đồng tiền chóng qua mau hết vào những công việc từ thiện bác ái và những công trình xây dựng của Giáo Hội. Đừng tiếc đồng tiền bát gạo khi có thể cứu sống mạng người. Đừng tiếc thời giờ, tiếng nói, tấm lòng, nếu đem lại hạnh phúc cho người khác. Phương châm có câu: “Kẻ nào tặng người khác bông hoa hồng, trên tay người đó phảng phất mùi thơm”.

Mùa chay, cũng là mùa tỉnh thức. Với những thực hành của mùa chay như cầu nguyện ăn chay, hãm mình. Chúng ta được mời gọi để trau luyện tâm hồn được nhạy cảm hầu luôn biết nhận ra bao nhiêu người đau khổ đang cần được giúp đỡ.

Trong tâm tình và ý nghĩa đó, chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau tham dự bàn tiệc lễ tạ ơn sốt sắng và ra đi dấn thân thực thi lời hy vọng này: “Điều các con làm cho người bé mọn nhất trong anh em là các con làm cho chính Ta vậy”.

Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đang tự đồng hóa với những người nghèo khổ mở rộng đôi mắt và lòng bàn tay của chúng ta để chúng ta luôn biết mau mắn nhận diện và phục vụ Ngài trong họ.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN  II MÙA CHAY

St 37,3-4.12-13a.17b-28; Mt 21,33-43.45-46

DỤ NGÔN TÁ ĐIỀN SÁT NHÂN

 

Đây là một dụ ngôn:

Ông chủ vườn nho ám chỉ Thiên Chúa.

Vườn nho đó là những gì thuộc Israel được giao phó cho họ.

Các tá điền làm vườn nho sát nhân là các thượng tế, các kinh sư và các kỳ mục nói trong Mc 11,27. Những người này có trách nhiệm về dân Israel, nhưng đã không biết làm cho vườn nho sinh hoa lợi. Họ đã ngược đãi các đầy tớ của ông chủ vườn nho là các ngôn sứ: đánh đập, hạ nhục rồi đuổi đi, giết chết… Nhân vật cuối cùng được cử đến là chính Đức Giêsu, người con yêu dấu của ông chủ (c. 6. x. Mc 1,11; 9,7). Họ muốn chiếm đoạt tài sản, nên đã bắt Người, giết chết ở ngoài Giêrusalem (c. 8: bên ngoài vườn nho).

Vì thế vườn nho sẽ được giao cho người khác (c.9) là các tín hữu gốc dân ngoại, không phải gốc Do Thái.

Phần Chúa Giêsu, tuy bị giết chết nhưng Ngài sẽ sống lại và làm nền tảng cho Giáo hội (Ngài là đá tảng góc tường).

Tin Mừng hôm nay nói về vườn nho của Chúa được giao cho các tá điền để làm sinh lợi thêm những hoa trái mới.

Vườn nho cũ là Israel đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng, nhưng những kẻ có trách nhiệm chăm sóc vườn nho ấy đã không chu toàn bổn phận của mình; còn vườn nho mới chính là Israel mới, tức Giáo hội đã được Chúa Giêsu thiết lập và trao cho những tá điền mới.

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn các vị lãnh đạo Do Thái thời đó hiểu rằng giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã bắt đầu, và không còn ngược lại được nữa; lòng độc ác của những tá điền không thể phá hủy chương trình hành động của Thiên Chúa, Đấng nhân từ, kiên nhẫn, nhưng cũng rất công bằng, và đòi hỏi sự cộng tác của con người.

Những chi tiết trong dụ ngôn vườn nho gợi lên những giai đoạn của lịch sử cứu độ Thiên Chúa thực hiện cho nhân loại.

Như những tá điền muốn giết người con được sai đến để cướp vườn nho khỏi tay ông chủ, những kẻ thù nghịch Thiên Chúa cũng muốn loại bỏ Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa, để tự do làm chủ vận mệnh nhân loại.

Qua hình ảnh tảng đá xây đã trở nên đá tảng góc tường, Chúa Giêsu mở ra chìa khóa để con người có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa liên hệ đến việc cứu chuộc của Ngài.

Chúa Giêsu phục sinh sau biến cố Vượt qua của Ngài đã trở thành nền tảng cho vườn nho mới là Giáo hội. Giáo hội và mỗi thành phần Giáo hội đều thuộc về Chúa Kitô. Mỗi người xây dựng và phát triển đời sống mình trên nền tảng duy nhất là Chúa Kitô. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” đó là bí quyết của mỗi môn đệ Chúa Kitô ở mọi thời và mọi hoàn cảnh, đó là bí quyết duy nhất để Chúa Kitô trở thành đá tảng nâng đỡ đời sống người Kitô hữu.

Lời của Chúa hôm nay cảnh tỉnh chúng ta trước trách nhiệm làm sao để dung mạo của Chúa được chiếu tỏa trong đời sống chúng ta và trong Giáo hội. Chúa Giêsu là đá tảng góc tường là nền tảng và sức sống cho cuộc đời chúng ta, xin cho chúng ta đừng bao giờ lìa xa Chúa.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN II MÙA CHAY

Mk 7,14-15.18-20; Lc 15,1-3.11-32

DỤ NGÔN NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

 

Tất cả những dụ ngôn này đều đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Dụ ngôn con chiên bị mất: hình ảnh người mục tử với đoàn chiên là một đề tài cổ điển của Cựu ước để nói lên quan hệ giữa Thiên Chúa và dân riêng Người (x 12,32 CT I) Lc 12,32: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước Trời của Người cho anh em”. Hình ảnh đồng quê này là điển hình trong Cựu ước để tượng trưng cho dân Chúa. Đức Giêsu áp dụng hình ảnh này cho Israel (Mt 9,36; Mc 6,34) cho người Do Thái tội lỗi (Mt 10,6; 15,24; Lc 15,4-6; 19,10) hoặc ở đây cho môn đệ (Mt 26,31; Mc 14,27)

- Con chiên tìm lại được là biểu tượng của ơn cứu độ (Mk 4, 6-7; Gr 23, 1-4; Ed 34, 11-16)

Matthêu cũng thuật lại dụ ngôn này, nhưng trong khi Mt nhắm đến trách nhiệm các vị lãnh đạo cộng đoàn đối với kẻ nhỏ hèn trong cộng đoàn, thì Luca lại cho thấy chính Thiên Chúa đi tìm người tội lỗi. Có thể nói Luca gần với ý nghĩa nguyên thủy của dụ ngôn hơn.

       - Dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất: một phụ nữ có mười đồng quan: đơn vị tiền tệ Hy Lạp này tương đương với quan tiền Roma (x. 7,41), tiền công nhật người ta trả cho một người làm việc canh nông. Đối với người chỉ vỏn vẹn có mười, bị mất một là một mất mát lớn.

       - Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu: dụ ngôn nổi tiếng này là của riêng Luca. Dụ ngôn gồm hai phần được nối kết với nhau bởi nhân vật chính là người cha và thái độ bao dung của ông, cũng như bởi cùng một lời kêu mời kết thúc (cc 24.32) vì thế tựa đề quen dùng là đứa con hoang đàng không thích hợp lắm. Phần thứ hai của dụ ngôn kết thúc cả bài tường thuật và cũng là câu trả lời cho vấn đề đặt ra ở đầu chương (cc 1-2): đó là bài học nòng cốt của dụ ngôn, kêu mời nhóm Pharisêu chia sẻ niềm vui với Thiên Chúa, biết mở rộng tâm hồn và niềm nở đón tiếp những người tội lỗi sám hối ăn năn.

Trước Đức Kitô và ngoài Đức Kitô, đã có những khái niệm khác nhau về tình yêu, nhưng tình yêu của Đức Kitô hoàn toàn mới mẻ, độc đáo. Đó là một tình yêu cứu độ, với những đặc điểm:

       - Trọn vẹn: vô điều kiện, yêu cho đến cùng, như người mục tử tốt lành lo cho con chiên tới cùng, sẵn sàng thí mạng vì con chiên.

       - Phục vụ: đáp ứng mọi nhu cầu của người khác với thái độ tế nhị, âm thầm.

       - Cá vị: yêu thương từng cá nhân, từng con chiên một Chúa Giêsu luôn luôn chú ý đến từng con người.

       - Phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa đối với thụ tạo: tùy hoàn cảnh, Chúa Giêsu tỏ ra dịu dàng, thẳng thắn hay cương quyết, chỉ với một ý hướng là đi đúng kế hoạch Thiên Chúa nhằm cứu độ loài người.

Chúng ta hiểu được vì sao thánh Phaolô đã reo lên: “Tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi”. Chúng ta sắp được diễm phúc rước Đức Giêsu vào lòng, chúng ta hãy ý thức ơn cao trọng vô cùng ấy và hãy để cho người uốn nắn, dạy dỗ, khích lệ chúng ta.

Chúng ta có thể nói sự trở lại của Phaolô được coi là một bước tiến đi từ Thứ Tôn Giáo dựa trên những phương thế loài người, để tiến đến một thứ tôn giáo dựa trên cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu. Trước kia cũng giống như mọi người biệt phái khác, Phaolô đã cố gắng sống một cách vô phương trách cứ. Trước đó, Phaolô chỉ biết cậy dựa vào những tước hiệu của mình, hay cậy dựa vào việc mình thuộc giáo phái này, dân tộc kia. Thế nhưng giờ đây Phaolô thấy tất cả những tước hiệu đó chỉ là tạm thời, không đáng kể, giờ đây đối với Phaolô, chỉ còn có một điều quan trọng mà thôi, đó là được biết Chúa Giêsu, không phải là biết trên lý thuyết hay là sách vở, nhưng là được gặp gỡ con người của Đức Kitô. Cho nên kể từ giây phút ấy, Phaolô không còn coi những giá trị của trần gian này có ích lợi gì cho sự cứu độ, nhưng thậm chí nó còn trở nên những con chiên lạc đàn, bởi vì chúng ta chạy theo những giá trị trần thế. Nó làm cho chúng ta không những xa rời đàn chiên, nhưng còn xa cách Chúa Giêsu. Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Ngài để lại 99 con chiên để đi tìm kiếm con chiên lạc. Qua hình ảnh đó chúng ta có cảm tưởng là người chăn chiên quên đi 99 con chiên. Bởi vì giờ đây, con chiên lạc đường như chiếm trọn tâm trí của ông. Đối với ông, chỉ có con chiên lạc này mới là đáng kể.

Như vậy, chúng ta có một Thiên Chúa đây tình thương yêu vẫn còn tiếp tục nghĩ đến những kẻ bỏ rơi Ngài, không yêu mến Ngài. Ngài sẵn sàng ra đi tìm kiếm những con chiên lạc loài, muốn lìa bỏ Ngài và khi đã tìm được rồi, Ngài lại vui mừng, hớn hở vác nó lên vai và mang về.

Lm. Giuse Phạm Minh Thanh

Gp. Mỹ Tho