09/06/2017
1263
Tuần 10 Thường Niên_Sống Lời Chúa hằng ngày_Lm Giuse Minh



















THỨ HAI TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Mt 5,1-12

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI

 

Bắt đầu từ hôm nay, phụng vụ chọn đọc Tin Mừng theo Thánh Matthêu.

Các bài Tin Mừng từ hôm nay đến thứ sáu Tuần XII (từ chương 5 đến chương 7) nằm trong bài giảng trên núi, trong đó Chúa Giêsu công bố những giáo lý then chốt của Ngài để ai sống theo thì sẽ được vào Nước Trời.

Người ta đã quen gọi Tám Mối Phước Thật là Hiến Chương Nước Trời. Nước Trời là Nước Hạnh Phúc, muốn vào Nước đó con người phải coi các mối phúc đó như chương trình sống của mình.

Ba mối phúc đầu dạy để được hạnh phúc con người phải có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, sầu khổ. Thật vậy: nếu tin vào Chúa Giêsu và lời của Ngài thì nghèo khó, hèn mọn, sầu khổ không hẳn là bất hạnh, mà trái lại, của cải, danh vọng và sung sướng lại có thể trở thành trở ngại cho con người tiến lên hạnh phúc. Do đó để được hạnh phúc con người phải vượt qua được những trở ngại đó.

Ba mối phúc tiếp theo là: khao khát nên người công chính, xót thương người, tâm hồn trong sạch giúp con người xây dựng đời sống trên ba cơ sở vững chắc, theo 3 hướng căn bản:

- Với Thiên Chúa, ta khát khao nên người công chính.

- Với tha nhân, ta phải biết xót thương để được Chúa xót thương.

- Với bản thân, ta phải có tâm hồn trong sạch để được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thứ bảy là ai “xây dựng hoà bình”, nói lên sứ mệnh hòa giải của người môn đệ: biến cả thế giới thành một gia đình, trong đó, mọi người đều là anh em cùng một cha với nhau trong Chúa Giêsu.

Cuối cùng phúc thứ tám là tuyệt đỉnh người môn đệ được đồng hoá với Thầy.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa nói đến Tám Mối Phúc Thật. Vậy hạnh phúc là gì?

Có thể nói hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình con chim ở trong lồng son không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhẩy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó Chúa dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.

Niềm tin của người Kitô  hữu thiết yếu là hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về quê hướng đích thực là Thiên quốc. Tuy nhiên, niềm tin hướng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô sao nhãng những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị của Nước Trời, chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Đây là một thách đố lớn lao cho người Kitô ở mọi thời.

Người Kitô hữu còn có thể bị bách hại vì sống công chính giữa đời, như trường hợp các Thánh Tử Đạo Việt Nam, mà ngày 19.6.1988, cả Giáo hội Việt Nam đều hân hoan vui sướng vì 117 vị Tử Đạo đã được phong hiển thánh. Những nỗi đau đớn tủi nhục vì Chúa Kitô của các Ngài đã được chúc phúc.

Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi những khó khăn, đau đớn và tủi nhục trong cuộc chiến cam go, loại bỏ tật xấu, dứt bỏ với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải can đảm.

Xin các Thánh Tử Đạo Việt Nam thông truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các Ngài và giúp chúng con biết chiếu tỏa tôn nhan nơi chính con người và cuộc sống chúng con.

 

 

 

 

 

THỨ BA TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Mt 5,13-16

MUỐI CHO ĐỜI VÀ ÁNH SÁNG CHO TRẦN GIAN

 

 “Chính anh em là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian”.

Muối, ánh sáng và thành xây trên núi là những hình ảnh nói lên vai trò chứng tá của người môn đệ trên trần gian.

l Muối có hai công dụng chính: ướp cho khỏi hư và làm gia vị. Người môn đệ phải giữ cho xã hội khỏi suy thoái, đồng thời phải giúp cho thăng tiến.

l Ánh sáng là cái gì rất tự nhiên; nguyên nó đã kéo chú ý của người ta, cũng như người Việt Nam có câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Đời sống người môn đệ tất nhiên ảnh hưởng đến người khác. Điều Chúa nói ở đây. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ” không nghịch với lời cảnh giác phải tránh phô trương (6, 1tt).

Trong một buổi suy niệm lời Chúa của giới gia trưởng có một người cha của một gia đình chia sẻ đại khái như sau:

“Lời Chúa nói hôm nay nói về muối dạy tôi điều tôi phải làm và cách tôi phải làm”.

- Điều tôi phải làm là hãy yêu thương đến cùng như muối phục vụ đồ ăn đến mức độ chịu hy sinh tan mình ra.

- Cách tôi phải làm là hãy phục vụ một cách khiêm nhường như muối lặng lẽ tan ra thấm vào đồ ăn.

Kinh thánh cựu ước coi muối là biểu tượng của sự khôn ngoan. Muối ướp thực phẩm cho khỏi hư hại, và làm cho đồ ăn thêm đậm đà hấp dẫn.

Kinh Thánh cũng hay nói tới đề tài ánh sáng như mạc khải chân lý Đức tin của Thiên Chúa – Sách ngôn sứ Isaia gọi người “tôi tớ của Giavê” là ánh sáng muôn dân; Israel là ánh sáng dân ngoại; chính Chúa Giêsu đã tự xưng mình là “Ánh sáng thế gian”.

Dân Chúa là Giáo hội phải trờ thành muối cho đời và ánh sáng cho trần gian. Đời sống của người tín hữu phải có sức tác động đến môi trường mình sinh sống. Người ta thuật lại câu chuyện sau đây để làm nổi bật sứ mệnh chứng tá Đức tin của một người tín hữu: có một cô xướng ngôn viên đài phát thanh ở tỉnh nọ tự nhiên đến xin học đạo với một linh mục. Nguyên nhân cô theo đạo như cô kể là nhờ sống gần gia đình Công giáo tốt mà cô thấy hấp dẫn và đánh động: họ sống đầm ấm yên vui, giữ đạo chân thành, thân thiện với hàng xóm. Gia đình này không những đã tìm được hạnh phúc cho chính họ, cho vợ chồng con cái an vui, mà còn làm chan hòa hạnh phúc sang lối xóm. Không giảng đạo, mà cụ thể đã lôi kéo được người khác đến với Chúa, Đấng là nguồn sống đích thực cho mọi người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi gia đình Công giáo chúng ta hãy xây dựng hạnh phúc gia đình của mình trên những nét đẹp của gia đình Kitô giáo:

- Vợ chồng, cha mẹ con cái phải sống trong tình yêu thương gắn bó đùm bọc nhau.

- Làm sáng lên niềm tin yêu vào Chúa, lòng trung thành với Ngài và niềm hy vọng vào cõi phúc mai sau.

- Trổi trang về các Đức tính công bình, thật thà, nhân ái.

Nguyện xin Chúa ban thêm sức mạnh, để dù chỉ là một thiểu số, chúng ta vẫn là muối cho đời qua công việc yêu thương và phục vụ hàng ngày.

 

 

 

 

 

THỨ TƯ TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Mt 5,17-19

ĐỨC GIÊSU KIỆN TOÀN LUẬT MÔSÊ

 

Trong khi giảng dạy, Chúa Giêsu đã dạy một số điều xem ra không đúng với luật Môsê và giáo huấn của các ngôn sứ theo lối giải thích của những người Pharisiêu, nên có một số người tưởng Ngài muốn huỷ bỏ luật Môsê. Vì thế Ngài phải giải tỏa sự hiểu lầm ấy, Ngài nói: “Thầy đến không phải là để huỷ bỏ luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ, nhưng là để kiện toàn”. Qua đó chúng ta thấy được mối tương quan và lập trường của Chúa Giêsu với Cựu ước. Những câu nói này rất quan trọng, cho thấy chính Người là Đấng Mê-si-a phải đến và Israel đang mong chờ. Ngài là đích điểm của tất cả lịch sử dân Chúa, là ý nghĩa của tất cả sách Thánh cựu ước, nơi Ngài mọi lời Thiên Chúa hứa và tiên báo qua các ngôn sứ đều được thực hiện. Ngài có quyền chính thức giải thích ý của Thiên Chúa về tất cả những gì Thiên Chúa đã phán và đã thực hiện trong qúa trình mạc khải cho đến bây giờ.

l Lề luật hay các ngôn sứ  là một kiểu nói chỉ tất cả cựu ước – không chỉ hiểu như bộ sách mà như chế độ ông Môsê đã thiết lập.

l Kiện toàn ở đây hiểu theo hai bình diện:

- Chúa Giêsu đưa luật tới ý nghĩa toàn hảo, ý nghĩa thật, ý nghĩa cánh chung của lề luật.

- Đồng thời Chúa Giêsu thực hiện những lời tiên báo của các ngôn sứ về cánh chung.

Cái chấm, cái phết không phải hiểu như những dấu để phân câu trong câu văn, mà phải hiểu đó là chữ nhỏ nhất trong mẫu tự Do Thái và những nét nhỏ như cái chấm để phân biệt chữ này với chữ khác. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói lên tầm quan trọng đích thực của luật (mọi luật) vì đó là ý muốn của Thiên Chúa. Đã là ý muốn của Thiên Chúa thì không có gì là nhỏ bé, tầm thường.

Cuộc sống xã hội cần được luật pháp bảo đảm, cuộc sống càng phức tạp thì mạng lưới pháp luật càng gia tăng. Một đàng con người cảm thấy được luật pháp bảo vệ, nhưng đàng khác cũng cảm thấy bị  pháp luật đe dọa, và sự đe dọa đáng sợ nhất là cái chết của tình người. Chúa Giêsu đến để chỉ cho con người thấy đâu là giá trị cao cả nhất và cũng là cao cả nhất cuả cuộc sống. Giá trị và qui luật chính là tình yêu. Một ngôi nhà đẹp đẽ đến đâu mà thiếu vắng tình yêu, sự thuận hoà trong gia đình thì cũng giống như địa ngục. Như Jane Paul Sartre đã nói: “Tha nhân là địa ngục”; một xã hội tiến bộ đến đâu mà thiếu tình người thì chẳng khác nào một bãi sa mạc.

Chúa đến không phải là để dẹp bỏ lề luật nhưng để kiện toàn, bằng cách đem lại cho nó một linh hồn, một sức sống. Linh hồn và sức sống ấy chính là tình yêu thương, như Thánh Phalô đã nói: “yêu thương chính là chu toàn lề luật”.

Lề luật vốn là lời loan báo của các tiên tri về Đấng cứu thế, do đó lề luật có tính Tiên tri. Khi chu toàn lề luật, Giáo hội chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Đức Giêsu chính là Đấng các tiên tri đã loan báo. Như vậy, khi người Kitô hữu tuân hành lề luật họ cũng loan báo về chính Chúa Kitô, nhưng dĩ nhiên họ chỉ có thể loan báo về Ngài khi việc tuân giữ của họ thể hiện được chính tinh thần của Ngài. Do đó, đối với người Kitô hữu, tuân giữ lề luật là mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô, là sống như Ngài, là trở thành hiện thân của Ngài.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn ý thức sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống chúng ta và ban sức mạnh để chúng ta chu toàn lề luật của Ngài.

 

 

 

 

 

THỨ NĂM TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Mt 5,20-26

ĐỨC CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

SỰ THÁNH THIỆN ĐÍCH THỰC

Chúa Giêsu đề ra lý tưởng sống cho người môn đệ.

 

Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisiêu thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

- Sự công chính … phải hiểu trước hết là công chính do Tin vào Chúa Giêsu (ơn Thiên Chúa), sau đó mới đến ăn ở theo lòng tin ấy (nghĩa luân lý đạo đức).

l Không phải chỉ tránh sống đạo hình thức kiểu các kinh sư và nhóm Pharisiêu, mà hơn nữa, cho dù trong các kinh sư, Pharisiêu cũng có những người sống đạo Môsê thật tình, thì từ đây sống như vậy không đủ nữa để được hạnh phúc bởi vì Đấng Mêsia đã đến.

l Từ đây phải tin vào Ngài, sống theo như Ngài dạy mới được vào Nước Trời.

Sau đó, Chúa Giêsu đưa ra thí dụ về cách giữ một số khoản luật:

- Luật “không được giết người”: người môn đệ Chúa không chỉ tránh giết người mà còn phải cố gắng sống với mọi người bằng tình anh em: “Tứ hải giai huynh đệ” – Anh em bốn bể đều là một nhà. Vì thế không nên phẫn nộ với anh em, không nên chửi anh em.

- Luật “Dâng lễ vật”: người ta thường quan tâm đến bổn phận thờ phượng, nhưng lại bỏ bổn phận tha thứ và yêu thương. Lễ vật đẹp lòng Chúa nhất là cuộc sống đầy tình thương yêu. Do đó, trước khi dâng lễ vật phải lo hòa giải với anh em có chuyện bất hoà với mình.

Chúa Giêsu đến để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của những người biệt phái và luật sĩ, tức là những nhà lãnh đạo Tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được qui định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện nhưng lại sẳn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.

Đả phá quan niệm và cách thực hành của những người biệt phái và luật sĩ , Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật, hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người biệt phái và luật sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn những người biệt phái và kinh sư thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.

Khi Chúa Giêsu giải thích khoản luật “chớ giết người” Ngài cho chúng ta thấy thêm được rằng giận, mắng, và chửi một người anh chị em cũng là cách giết chết người đó, bởi vì chúng ta không còn coi người đó là người anh em nữa, và trong lòng ta hình ảnh người anh em đã chết rồi, chỉ còn là một người dưng, một kẻ thù.

Còn các bạn trẻ, lời Chúa hôm nay muốn nhắn gởi các bạn điều gì? có lẽ hầu hết các bạn trẻ chưa bao giơ dám “giết người”, nhưng nhiều bạn trẻ lại đang “giết chính mình” khi đắm say với men rượu, men tình … trong những cuộc ăn chơi phóng túng. Kết cuộc là huỷ hoại thể xác và tâm hồn, trí não và tương lai của mình một cách thảm hại.

Lạy Chúa, xin cho giới trẻ chúng con biết quí trọng sự sống, và giúp nhau vun trồng sự sống, sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng con để chúng con luôn biết tìm kiếm và cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong yêu thương và phục vụ.

 

 

 

 

 

THỨ SÁU TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Mt 5,27-32

CHỚ NGOẠI TÌNH, ĐỪNG LY DỊ

 

Chúa Giêsu tiếp tục giải thích về tinh thần mới trong khi giữ luật. Hôm nay Ngài bàn đến luật hôn nhân và khiết tịnh.

Hôn nhân không phải là một sự phối hợp tạm thời để có thể đễ dàng phân ly, vì sự thay đổi hoặc vì đam mê của con người. Chúa Giêsu lên án những phóng đãng luân lý, như sự bất trung ngoại tình, ly dị do pháp luật cho phép.

Chống lại sự bất trung, Chúa Giêsu lên án cách nhìn không trong sạch của những ước muốn xác thịt, liều mình đi đến chỗ phạm tội trong tâm hồn: Anh em đã nghe luật dạy rằng: “chớ ngoại tình, còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. (c. 27, 28).

Rồi, với giọng điệu gắt gao, Chúa Giêsu nhắc lại việc cần phải dấn thân một cách nghiêm chỉnh và ý chí phải cương quyết không chiều theo những thèm muốn tội lỗi. Chính hình ảnh: móc mắt chặt tay, những kiểu nói mạnh để cứu vãn và tăng cường tình yêu hôn nhân bằng mọi giá.

Chống lại việc ly dị, Chúa Giêsu đã trả lời các người biệt phái rằng: “vì các ngươi lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu” (Mt 19,8)

Đối với Chúa Giêsu lý do là hôn nhân một vợ một chồng và bất khả phân ly, là sự lựa chọn của một tình yêu dâng hiến, với tình yêu này người nam và người nữ dấn thân sống chung với nhau suốt đời. Đôi bạn sống chung là để giúp đỡ nhau đạt tới mục đích hôn nhân là trọn đời yêu thương giúp đỡ lẫn nhau và sinh sản giáo dục con cái. Sự giúp đỡ này chỉ đạt được hiệu quả cao nhất khi họ chung thủy với nhau. Còn nếu họ chia sẻ tình cảm với người khác hoặc chỉ tạm bợ giúp nhau một thời gian thì sự giúp đỡ ấy không thể tận tình và hữu hiệu được.

Đối chiếu lời Chúa dạy với thời đại ngày nay, chúng ta phải thừa nhận rằng nền văn minh, văn hóa thời nay đề câp quá nhiều đến giới tính, và đề cao giới tính, nhưng thực chất là con người đang hạ thấp giới tính, vì nó khiến người ta không còn tôn trọng giới tính nữa, coi đó là một thú vui, một nhu cầu mà mình không có quyền thỏa mãn một cách dễ dàng…sống trong bầu khí thiếu trong sạch đó, không ít thì nhiều con người, nhất là giới trẻ dễ dàng bị lây nhiễm. Đức Hồng Y Roncalli (sau trở thành ĐGH Gioan 23) thuật lại rằng: một ngày kia, khi dự buổi tiếp tân, Ngài được xếp đặt ngồi bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kỳ ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt bữa tiệc làm ra vẻ không biết gì đến bà. Cuối bữa, Ngài đưa cho bà một trái táo. Bà nói: rất hân hạnh, Tôi không biết phải cám ơn Ngài như thế nào.  Nhờ đâu tôi được Ngài ưu ái như thế?

Ngài chăm chăm nhìn bà công tước rồi nói: sau khi Eva ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo.

Xin Chúa cho chúng ta bước đi theo Thánh Thần thúc đẩy, để chúng ta không chiều theo những ước muốn và hành động của xác thịt; trái lại biết sống trong tự do của Chúa, nhờ đó, lề luật của Chúa sẽ trở nên nguồn an vui và sức mạnh của chúng ta.

 

 

 

 

 

THỨ BẢY TUẦN X THƯỜNG NIÊN

Mt 5,33-37

ĐỪNG THỀ CHI CẢ, CÓ THÌ NÓI CÓ,

KHÔNG THÌ NÓI KHÔNG

 

Tiếp tục giải thích về sự công chính mới, hôm nay Chúa Giêsu dạy về sự trung thực trong lời nói. Điều cốt yếu của lời nói là trung thực “có thì nói có, không thì nói không, nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”. Một khi đã trung thực trong lời nói thì không cần thề nữa.

Đây là câu nói rất thời danh của Đức Kitô, và sau này Thánh Giacôbê cũng lập lại giáo huấn này, Ngài nói: “nơi anh em có thì hãy nói là có, không thì hãy nói là không để khỏi sa vào  án phạt”.(Yac 5,12)

Thành thật là đức tính hàng đầu trong xã giao xử thế. Thế nhưng, ngày nay lời nói để thông đạt sự thật, đã trở thành phương tiện giúp đạt được điều người ta mong muốn, nói sao cũng được kể cả nói dối, vu khống, xuyên tạc miễn sao đạt được mục đích thôi. Từ đó dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, và nhiều người công giáo cho rằng trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, giới răn thứ 8 “chớ làm chứng dối” không còn ràng buộc nữa! mọi người đều dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì thôi.

Chúa Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này, bởi vì nền tảng của giới răn này chính là phẩm giá của con người, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản của con người cũng phải là chân thật.

Do đó, đón nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người kitô hữu phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không là tuỳ ở mức độ trung thực của họ.

Bản sắc của người kitô hữu có được thể hiện hay không là tuỳ ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ.

Niềm tin của người kitô hữu có khả tín hay không là tuỳ họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.

Những vần thơ sau đây của thi sĩ Phùng Quân quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ.

Yêu ai cứ bảo rằng yêu

Ghét ai cứ bảo rằng ghét

Dù ai ngon ngọt nuông chiều

Cũng không nói yêu thành ghét

Dù ai cầm dao dọa giết

Cũng không nói ghét thành yêu”.

Là người kitô hữu, tôi phải sống thật thà không dối mình, dối Chúa, không gạt người; trong cách cư xử lúc nào cũng tỏ ra thật tâm, thật tình. Đối với Chúa cũng như đối với mọi người trong xã hội luôn tín nghĩa tín thành.

Để thực hiện điều Chúa dạy: “có-có, không-không” người tín hữu còn phải loại trừ tận gốc rễ sự dối trá, vì chúng là tên giặc của đạo đức, như Khổng Tử đã nói: “hương nguyện, đức chi tặc giả” nghĩa là hạng người giả cách đạo đức mà làng xóm tưởng lầm và khen lầm là người đạo đức, nhưng kỳ thực là những tên giặc của đạo đức vậy.

Hơn nữa người sống xảo trá gian lận thì luôn bị người đời coi khinh và tránh xa, vì ai cũng sợ hạng người “miệng lằn lưỡi mối, miệng thì nói như rồng mà bụng thì độc như rắn” hay như cụ Nguyễn Du nói; “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Lạy Chúa xin dạy chúng con biết làm chủ suy nghĩ và làm chủ miệng lưỡi con, vì thật thà là dấu chỉ của con cái Chúa, quanh co gian lận là sản phẩm của Satan.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho