31/03/2021
716
Suy niệm Lễ Tiệc Ly-Năm B_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Thánh Lễ Tiệc Ly

Lời Chúa: Ga 13,1-15

 

Hôm nay là một ngày trọng đại. Giáo Hội mời gọi chúng ta tưởng nhớ đến hai biến cố cực kỳ quan trọng là Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể và bài học bác ái của Chúa.

Thánh Gioan viết: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến tận cùng”. Gioan đã nói lên tất cả.

Đây là thời gian trước lễ Vượt Qua của người Do thái. Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến. Ngài là Thiên Chúa, Ngài biết phải làm gì, vào lúc nào và ở đâu. Cuộc sống của Ngài gần như là một chương trình đã được sắp sẵn và Ngài thực hiện theo từng giai đoạn. Đối với Ngài không có sự bất ngờ.

Ngài sẽ về với Cha Ngài. Đây là một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng chứng minh nguồn gốc thần thiêng của Chúa Giêsu. Ngài đến trong trần gian để chu toàn sứ mệnh Chúa Cha đã giao cho Ngài.

Và đây là khởi đầu bản tình ca của Chúa Giêsu. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở trần gian, Ngài yêu thương họ đến tận cùng. Đến tận cùng là như thế nào?

Những biến cố xảy ra sau đó sẽ cho chúng ta biết. Ngài dám chấp nhận chết cho bạn hữu. Đó là bằng chứng cụ thể nhất của tình yêu của Ngài: Ngài cũng đã nói: “Không có tình yêu nào cao cả bằng tình yêu của người dám chết cho bạn hữu”. Từ từ, từng giai đoạn, Ngài chứng tỏ tình yêu của Ngài.

Trước tiên, Ngài ban cho các môn đệ một bài học bác ái. Ngài rửa chân cho họ. Việc này dành cho người nô lệ không phải là người Do thái. Đây không phải là việc rửa chân thông thường khi một ông chủ ở ngoài về đến nhà. Đây là một bài học riêng biệt của Chúa. Khi mọi người đã vào bàn ăn, Chúa Giêsu mới đứng dậy, lấy nước rửa chân cho mọi người. Ngài biết Giuđa Itcariot là kẻ phản bội, nhưng Ngài không loại trừ anh, rửa chân cho anh. Phêrô không chấp nhận và phản đối, nhưng sau cùng phải chấp nhận.

Rửa chân xong. Đây mới là bài học, một bài học thực tế: “Anh em gọi Thầy là thầy, là Chúa (chúa ở đây có nghĩa là chủ), điều đó đúng lắm… Vậy nếu Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng hãy rửa chân cho nhau”. Đó là bài học. Rửa chân cho nhau là phục vụ lẫn nhau, làm đầy tớ cho nhau. Bài học hết sức quí báu! Nhất là trong thời đại hôm nay. Người ta không còn biết phục vụ nữa mà chỉ biết tranh chấp, đè đầu, hãm hại nhau. Tình hình thế giới hôm nay rất bi đát và nguy hiểm. Thế chiến thứ ba đang hăm dọa. Những kho bom hạt nhân đang sẵn sàng nhả đạn.

Trong giáo xứ luôn vẫn có những cuộc chiến tranh âm thầm, nhưng thê thảm. Những tranh chấp khốc liệt vẫn xảy ra giữa những người tự cho mình thuộc về Chúa. Bài học của Chúa Giêsu ở đâu? Mấy người dám rửa chân cho anh em?

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần học một cách nghiêm túc bài học phục vụ khiêm tốn của Chúa. Phải yêu thương đến tận cùng, như Thầy.

Thánh Gioan không tường thuật việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể, nhưng Chúa đã nói đến khá rõ về việc này trong những lúc khác, nhất là trong khi tranh luận với dân Do thái về bánh trường sinh: “Tôi là bánh trường sinh từ trời xuống…”. Giáo Hội trích lời của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi cho giáo dân Côrintô về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Đây là lời tường thuật đầu tiên về phép Thánh Thể.

Chúa Giêsu đã dùng một phương thế rất lạ lùng để chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta: một tấm bánh, một của ăn, một chút rượu nho, một của uống. Ngài biến những thứ của ăn đó thành mình và máu Ngài để chúng ta ăn. Ngài là Thiên Chúa, không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Thiên Chúa đã làm một việc mà trí khôn chúng ta không thể tưởng được, và đó là dấu hiệu tình yêu sâu đậm nhất, cao cả nhất của Ngài. Chúng ta cần suy nghĩ lâu dài về việc này. Hãy khám phá tình yêu lạ lùng của Chúa qua những dấu hiệu này. Thánh Gioan-Maria Vianney đã nói: “Nếu ai hiểu được phép Thánh Thể là gì, người đó chết ngay”. Tại sao? Vì người ấy hạnh phúc quá. Chúng ta có hiểu không? Chúng ta là ai mà được diễm phúc nuốt Chúa vào trong bụng mình? Vấn đề này thật lớn lao chứ không là chuyện đùa. Chúa Giêsu đã yêu chúng ta đến mức độ như thế thì chúng ta sẽ làm gì? Yêu mến Chúa. Yêu như Chúa yêu, gắn bó với Chúa liên tục không ngơi. “Không ai có thể tách tôi ra khỏi tình yêu Chúa”. Cuộc tình còn dài cho đến ngày gặp Chúa nơi Chúa đang chờ ta.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho