26/06/2017
1185
Suy niệm Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ_Lm. Giuse Minh



















Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô Tông Đồ



I. Ơn gọi Tông đồ được trao tặng cho Phêrô và Phaolô

Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, hai vị Tông đồ cả, rường cột của Hội thánh.

Mặc dù, bài tin mừng chỉ nói đến vinh dự đặc biệt đã được trao tặng cho Phêrô: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy.” Nhưng vinh dự ấy một ngày kia cũng sẽ được trao tặng Phaolô qua lời Chúa phán với Hananya: “Hãy đi  tìm Saolô , vì nó là lợi khí Ta đã chọn để mang danh Ta ra trước mặt các dân ngoại.” Và Hananya đã ra đi làm theo lệnh Chúa, vì ông hiểu Phaolô đã được đặc cách, như Phêrô và các Tông đồ trước  đây.

Tin Mừng Thánh lễ hôm nay thuật lại, Phêrô hôm ấy cùng đi theo Chúa Giêsu và đồng bạn. Cuộc truyền giáo của Chúa ở Galilêa đã sửa soạn hoàn tất. Ngài ý thức mọi sự và mọi việc Ngài sắp phải qua Yuđê để chịu thương khó.

Để đánh dấu khúc quanh lịch sử quan trọng này, Chúa Giêsu đột xuất hỏi các tông đồ: “Người ta nói Con người là ai? Còn các con bảo Thầy là ai?” Ngài muốn biết kết quả của ba năm truyền giáo. Ngài cũng muốn biết các môn đệ đã hiểu Ngài đến mức độ nào? Để trả lời, các Tông đồ bắt đầu thuật lại những lời người ta đồn thổi về Ngài: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Elia, người khác lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Như vậy chung chung thiên hạ đã lờ mờ nghĩ rằng Ngài là một Đấng Thiên Sai Cứu Thế.

Nhưng đối với Chúa Giêsu, dư luận của bàn dân thiên hạ không quan trọng bằng ý nghĩ chính xác của các môn đệ Ngài, nên Ngài hỏi thẳng các ông: “còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Chưa ai dám lên tiếng thưa, thì Simon Phêrô đã nói: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Lời tuyên xưng này thật là chính xác, là chính sự thật vượt quá sự hiểu biết và suy tư của con người. Nói khác đi, niềm xác tín ấy không còn thuần túy là một suy diễn, một nhận định của lý lẽ, của tri thức, của hiểu biết bình thường mà là một mạc khải đến từ Thiên Chúa về Đấng Cứu Thế.

Như vậy, Phêrô đã được Cha trên trời mạc khải đặc biệt. Chúa Cha đã tỏ ra đặc cách Phêrô. Và vì thế mà Đức Giêsu không ngần ngại nói với Phêrô: “Anh thật là người có phúc”. Và đặt Phêrô là Tảng Đá xây nền Hội thánh, và đá này sẽ được củng cố để ngay sức mạnh hỏa ngục dấy lên cũng không thắng nổi. Đó là ơn nhưng không Chúa đã ban cho Phêrô vì hạnh phúc của toàn thể nhân loại.

Cũng như sau này, Phaolô xuất hiện không như một người về phe Chúa, nhưng như một kẻ đối đầu, tệ hơn như một kẻ thù. Ngài đã hung hăng phi ngựa trên con đường Đamát để tìm bắt và tiêu diệt những người mang danh Kitô hữu. Thế nhưng cũng chính từ cuộc lùng bắt những Kitô hữu này, Chúa đã chinh phục ông. Cuộc chinh phục rất đột xuất này làm cho nhiều người cảm thấy như không thể tin được. Nhưng đây lại là công việc của Chúa. Chúa đã chọn Ngài để sai đi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. (x.Tdcv-Các thư của Phaolô)

II. Đời sống tâm linh của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô

   1. Cảm nghiệm về tình trạng yếu hèn trong thân phận con người, để tín thác đi theo Chúa:

Qua những biến cố hai vị Tông đồ Phêrô-Phaolô được tuyển chọn một cách đột xuất và được trao phó những sứ mạng cao cả đặc biệt, nhiều người muốn dựa vào những lý do tâm lý, xã hội và tôn giáo để giải thích. Nhưng không có câu trả lời nào thỏa đáng ngoại trừ công nhận đó chính là mạc khải của tình yêu Thiên Chúa.

Tuy nhiên, cho dù, theo nhiều nhà chú giải, ngay khi được mạc khải để tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”, Phêrô hẳn cũng chưa hiểu hết được con đường mà Đức Giêsu phải đi để cứu chuộc nhân loại. Và có lẽ vì thế mà tuy được Đức Giêsu đặt làm người đứng đầu Hội thánh Chúa, Phêrô sau đó vẫn không ít lần chao đảo do những cách nhìn trần gian về sứ mạng của Thầy mình thậm chí trong những giây phút căng thẳng nhất, đã không ngần ngại chối bỏ Thầy mình.

Sau khi chối Chúa 3 lần, gà liền gáy, và từ trong dinh Caipha, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn Phêrô. Từ đó, có thể nói, suốt đời Phêrô sẽ không quên được ánh mắt ấy: Ánh mắt đau đớn của một tình yêu bị phản bội, nhưng ánh mắt ấy cũng mở ra một trời bao dung tha thứ. Ánh mắt ấy càng làm cho Phêrô ý thức được tội lỗi của mình vô cũng nặng nề, nhưng đồng thời cũng bộc lộ cho Ngài tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa. Tình yêu của Chúa đã đưa Ngài tiến sâu và rất dài trên hành trình tâm linh của Ngài.

Sau lần thất bại đó, Phêrô ý thức và hiểu rõ con người thực của mình, về thân phận yếu hèn của mình và khiêm nhường thẳm sâu để luôn gắn bó với Chúa và đi theo Chúa. Trong câu chuyện khi Chúa cho ông và các bạn đánh bắt được mẻ các lạ, thì Phêrô đã đến quý trước mặt Chúa và thưa với Người: “Lạy Thầy, xin tránh xa con vì con là một người tội lỗi”.

Trong đời sống của Thánh Phaolô, ta biết, Ngài luôn rất tự hào, tự tin vào dòng dõi, khả năng và đạo đức của mình. Ngài đã nói: “Nếu ai có lý do để cậy vào xác thịt, thì tôi càng có lý do hơn. Tôi là người Pharisêu nhiệt thành…còn sống công chính theo lề luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Phil 3, 4-6)

Nhưng trên đường đi Đamas, khi Phaolô bị ngã ngựa thì niềm tự hào kia cũng biến mất. Bị ánh sáng từ trời chiếu lóa mắt, Phaolô tự nhận ra rằng ánh sáng tri thức nơi mình chỉ là bóng tối. Bị mù mắt, Phaolô mới hiểu rằng không có ánh sáng của Chúa chẳng có ai nhìn ra Chân lý. Ngài chỉ còn con đường duy nhất là hạ mình xuống đáy vực thẳm yếu hèn để nhận biết sự hư vô của mình, để chỗi dậy đi theo Chúa.

Tuy nhiên, những yếu đuối, những sai lầm đó, kể cả những chống đối như trường hợp của Phaolô, vẫn không thể vùi lấp được xác tín của lòng tin, của điều Thiên Chúa đã mạc khải. Để như nội dung cả ba bài đọc được chọn cho lễ Thánh Phêrô và Phaolô về việc nhận biết Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, hai vị Tông đồ trụ cột đã không ngừng hoạt động để xây dựng Hội thánh của Chúa. Đã chấp nhận tù tội và cả hy sinh tử đạo, để trung thành với xác tín của lòng tin cho đến tận cùng. Thánh Phaolô đã mô tả trong thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô như sau: vì Chúa và vì Giáo Hội, Ngài đã “5 lần bị Người Do Thái đánh đòn 39 trượng, 3 lần bị tra tấn, 1 lần bị ngồi tù, 3 lần bị đắm tàu và đã qua một ngày một đêm chơi vơi trong lòng biển cả” (2 Cr 12, 24-25)

   2. Các Ngài đều có cảm nghiệm về lòng mến Chúa:

Bên cạnh những thiếu sót của Phêrô, chúng ta thấy nơi Thánh Phêrô nhiều đức tính trổi vượt. Những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của Ngài, để rồi qua đó Ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa khi Chúa đã đặt Ngài làm nền tảng giáo hội. Đức tính ấy là sự gắn bó với Chúa. Sau phép lạ háo bánh ra nhiều, Chúa có giảng một bài giảng về bánh hằng sống, bài giảng đó đã đánh dấu một khúc ngoặc mới trong cuộc đời công khai của Chúa. Chính lúc đó, Phêrô đã khẳng định: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống”.

Câu chuyện tại biển hồ Galilêa sau khi Chúa sống lại, Phêrô đã tuyên xưng không phải đức tin, nhưng là lòng yêu mến Chúa của ông. Chúa hỏi Phêrô ba lần: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy có, thầy biết con yêu mến Thầy”. Ba lần Phêrô công khai diễn tả lòng yêu mến Thầy, Đức Giêsu đáp lại bằng ba lần trao cho ông sứ vụ mục tử chăn dắt đoàn chiên của Chúa.

Còn Phaolô thì tình yêu Chúa thúc bách Ngài rao giảng Tin Mừng, như Ngài  đã viết những lời thật cảm động sau đây: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến của Đức Kitô. Dù là gian truân, bĩ cực, đói khát trần truồng, hiểm nguy gươm giáo…Tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay thiên phủ, dù hiện tại hay tương lai, dù quyền năng, dù chiều cao hay chiều sâu hay bất cứ tạo vật nào khác, không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa được thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (x.2Tm 4, 6-8; Rm 8, 18-19.32-33.38.39). Ngài còn khẳng định: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Có thể nói sau cuộc trở lại của Ngài, Phaolô luôn sống gắn bó và trung thành với Chúa đến suốt cuộc đời; như lời Ngài đã khẳng định: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế. Đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững được đức tin. Giờ đây, tôi chỉ còn đợi trông vòng hoa dành cho người công chính. Chúa là vị thẩm phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không chỉ cho tôi mà còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”.

Như thế, cả hai Thánh Tông đồ đã để lại cho chúng ta cảm nhận này: Tình yêu phủ lắp muôn vàn tội lỗi; và “yêu thương là chu toàn lề luật”.

Trong thánh lễ hôm nay, mừng kính Thánh Phêrô và thánh Phaolô Tông đồ, chúng ta hân hoan cảm tạ Chúa vì Chúa đã xây dựng Hội thánh trên nền tảng các Tông đồ để Hội thánh được vững bền và phát triển theo ý Chúa.

- Cùng với Thánh Phêrô, mỗi người tín hữu hãy tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, nguồn mạch của sự hiệp nhất và của sự vững bền bởi vì Giáo hội là sự hiệp thông.

- Cùng với Thánh Phaolô: Giáo hội mạnh dạn hướng về thế giới để loan báo cho mọi người một Phúc Âm không biên giới: bởi vì Giáo hội là truyền giáo.

Nhân ngày đại lễ mừng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, chúng ta hiên ngang vì được là thành phần của Giáo hội Chúa Kitô, và chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội mà các Thánh Tông đồ đã xây dựng và bảo tồn cho đến ngày nay, để chúng ta biết tiến bước theo các Ngài trên con đường đi theo Chúa.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho