28/06/2021
802
Suy niệm Lễ Thánh Phêrô và thánh Phaolô, Tông Đồ -Năm B_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, Tông Đồ

Lời Chúa: Mt 16,13-19

 

Hôm nay Giáo Hội mừng kính hai vị tướng cao cả nhất và là hai cột trụ của Giáo Hội là hai thánh Phêrô và thánh Phaolô. Ai trong chúng ta cũng biết khá nhiều về hai vị thánh này và nhiều người đã chọn các ngài làm bổn mạng. Những đây là dịp tốt để chúng ta nhìn về các ngài và suy nghĩ về những gì các ngài đã kinh qua để chúng ta bước theo.

Thánh Phêrô chỉ là một tay chài lưới, trình độ học thức không bao nhiêu, nhưng đã trở thành vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội và là cột trụ của Giáo Hội. Đọc các sách Tin Mừng, chúng ta thấy rằng ngài đã bỏ mọi sự và theo Chúa, và Chúa đã đổi tên ngài thành Phêrô, tức là tảng đá, tức là chọn ngài làm môn đệ đặc biệt của Chúa. Chúng ta không biết Chúa nhìn Phêrô thế nào mà chọn ngài. Như thế ơn gọi của ngài là một hồng ân nhưng không. Ngài không được chọn vì có tài hay có trình độ, mà chỉ là Simon, một con người có tính bộc trực, nhạy bén và ngay thẳng. Phêrô phải đi ngang qua một cuộc huấn luyện đầy cam go thử thách, trong đó Phêrô đã nếm mùi thành công cũng như thất bại. Phêrô, từ một người đánh cá đã trở thành một người lưới người ta. Phêrô dám liều đi trên mặt biển đến với Thầy, nhưng đã bị chìm xuống vì kém tin. Qua tường thuật của các thánh sử, chúng ta thấy rằng Phêrô gắn bó với thầy mình một cách đặc biệt. Chính ngài đã thay mặt cho anh em tuyên xưng: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”. Dựa trên niềm tin mạnh mẽ đó, Chúa đã chọn Phêrô làm nền tảng của Giáo Hội và trao quyền tối thượng là quyền tha tội cho ngài: “Anh là Đá, trên tảng đá nầy Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy và cửa hỏa ngục không thể chuyển lay. Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Anh tha tội ai người ấy được tha, anh cầm tội ai, người ấy bị cầm”. Từ đó Phêrô trở thành người đứng đầu nhóm mười hai.

Nhắc đến Phêrô, chúng ta thường nhớ đến việc ông chối Chúa. Sự chối từ nầy có thực sự là một sự chối từ đúng nghĩa không?

Giudà mới là người đã phản bội thực sự. Phêrô chối Thầy chỉ là một phản ứng tự nhiên trước một sự bất ngờ. Ông chối quanh để thoát khỏi một nguy hiểm, nhưng thực sự trong lòng Phêrô vẫn yêu mến Thầy. Sự khác biệt giữa Giudà và Phêrô là rõ ràng. Tuy nhiên, Phêrô cũng chối Thầy một cách nào đó. Vì thế ông đã lui ra và khóc thảm thiết. Vì yêu mến Thầy, ông đã theo thầy cho đến dinh tổng trấn. Vì thế, sau khi sống lại, Chúa vẫn tín nhiệm Phêrô và trong buổi gặp gỡ ở biển hồ sau khi sống lại, Chúa đã trao cho Phêrô chăn dắt cả chiên mẹ, chiên con của Thầy: “Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Thánh Phaolô được biết là con của một gia đình đạo đức người Do thái ở Tac-xô thuộc phái Pharisêu. Lớn lên được giáo dục dưới sự chỉ dẫn của một vị thầy danh tiếng là ông Gamalien. Phaolô lúc ấy còn mang tên là Sa-un. Sống trong một môi trường đạo đức khắt khe và nhiệt thành, Phaolô là một người Do thái kiểu mẫu, hăng say phục vụ Thiên Chúa và giữ luật cha ông rất nhiệt thành.

Phaolô không biết Chúa Giêsu, chỉ nghe nói thôi và nghe những người Pharisêu nói, Phaolô xem Chúa Giêsu như một người phản đạo, một tên phạm đến Lề Luật cần phải tiêu diệt gấp. Phaolô đã tìm bắt những người theo ông Giêsu và bỏ tù. Thế nhưng một biến cố đã làm thay đổi mọi sự. Phaolô gặp Chúa trên con đường đến Đamat. Chúng ta biết câu chuyện đó. Phaolô biết mình lầm đường và đã trở thành môn đệ của Đấng ông đang tìm bắt.

Chúng ta biết được những hoạt động của Phaolô sau khi trở lại nhờ thánh Luca kể lại trong sách Tông Vụ và nhờ 14 thư của Phaolô viết cho các giáo đoàn. Sau khi biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa và được mạc khải một cách đặc biệt, Phaolô chỉ còn sống cho một mình Chúa Giêsu mà thôi. Ngài đã bôn ba khắp miền, không mỏi mệt rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu và đã trải qua không biết bao nhiêu tai nạn như ngài đã kể lại trong thư gửi giáo đoàn Côrintô. Ngài đã trở thành Giêsu như ngài đã nói: “Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là Chúa Giêsu sống trong tôi”. Chúng ta cần đọc lại các thư của ngài để thấy rõ hơn tình yêu của ngài đối với Chúa Giêsu.

Hai thánh Phêrô và Phaolô mà chúng ta mừng lễ hôm nay rất khác nhau về thân thế, về trình độ văn hóa, về tính chất cá nhân, nhưng hai đấng giống nhau, và thật giống nhau về một điểm đó là các ngài đã  yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự. Cũng vì tình yêu đó đã nung nấu các ngài, vì thế các ngài đã chu toàn sứ mệnh Chúa Giêsu đã trao cho các ngài và đã đủ sức chịu đựng mọi gian nan khổ nhọc vì yêu.

Tất cả là do tình yêu. Chúng ta nài xin các ngài giúp chúng ta yêu mến Chúa như các ngài để chúng ta dám theo Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống, để đời sống chúng ta trở thành một bằng chứng hùng hồn cho Chúa chúng ta, Đấng đã yêu thương chúng ta và đã liều mạng cho chúng ta. Chúng ta cũng được trợ lực hằng ngày nhờ một của ăn linh thiêng là mình máu Chúa. Hãy ăn lấy Ngài để sống chết cho Ngài.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho