23/12/2012
745
SUY NIỆM LỄ GIÁNG SINH LÚC RẠNG ĐÔNG năm C _Linh mục Trầm Phúc

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

LỄ CHÚA GIÁNG SINH năm C

Lễ rạng đông

Lc 2,15-20

GS le rang dong _nam C 2012-2013.gif 

Chúng ta đã nghe đọc trình thuật về việc Chúa Giêsu giáng sinh trong lễ đêm, và trong lễ rạng đông này chúng ta sẽ nghe tường thuật tiếp về những diễn biến trong việc Chúa giáng sinh. Trong đoạn trước, chúng ta nghe kể lại Chúa giáng sinh trong hoàn cảnh nào. Giờ đây, chúng ta sẽ thấy phản ứng của những người được nghe biết biến cố đó: đó là những mục tử đang chăn chiên trong vùng lân cận.

Thiên Thần đã cho họ biết: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tả, nằm trong máng cỏ.”

Phản ứng của các mục tử rất nhạy bén, họ bảo nhau: “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã cho chúng ta biết.”

Họ hiểu rằng đây là một việc Chúa cho biết chứ không là một biến cố thông thường. Thánh Luca nói rõ: họ hối hả chứ không chần chừ. Đức Mẹ, sau khi nghe tin bà Êlisabet được Chúa thương cũng đã vội vã như thế. Những người thành tín bao giờ cũng hăng hái nghe theo lời Chúa, không do dự. Chúng ta có hối hả đi tìm em bé Bêlem như thế không? Chúng ta có hăng hái đến với Chúa khi Chúa kêu mời không? Lòng thành tín của chúng ta có nhạy bén không hay chúng ta chỉ chậm chạp, chần chừ đợi đến giờ chót. Chúng ta có nhanh nhẹn đi dự thánh lễ không? Hay chúng ta đi trễ về sớm, sợ mất thời giờ?

Chúa đến với chúng ta bằng với tất cả tình thương, còn chúng ta “khoan thay, dịu thay”, chậm chạp, nặng nề… Thật chúng ta đáng trách vô cùng! Lòng tin của chúng ta bị tê liệt, tâm hồn chúng ta bị băng hoại từ khi nào rồi?

Hãy hăng hái lên như các mục tử, đến tìm nguồn sống đang dâng đầy cho chúng ta. Chúa đến mang bình an cho chúng ta, những con người không mấy khi được bình an thơ thới. Hãy đến vì chúng ta đang bị cuộc sống hành hạ, và tâm hồn luôn xao động vì những lắng lo trần thế.

Các mục tử là những người sống trong đồng tháng này qua tháng kia, không mấy khi có dịp trở về để ca tụng Chúa với anh em trong Đền thờ. Họ là những người được xem như nguội đạo và lắm khi còn bị coi là hạng tội lỗi, thế mà họ lại là những người đầu tiên được biết tin mừng Chúa giáng sinh. Tại sao thế? Nhìn bên ngoài, chúng ta không thể đánh giá một con người. Tâm hồn họ lại chơn chất trong lành. Họ là những người “nghèo” theo nghĩa Do Thái, là những người thiện chí mà Thiên Chúa yêu thương hơn những người thông thái. Chúa Giêsu đã từng nói:   “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)

Họ đã đến hang Bêlem và đã nhận thấy như thiên thần đã báo: một em bé sơ sinh quấn khăn nằm trong máng cỏ.

Thánh Luca không nói thêm gì mà chỉ nói rằng họ kể lại điều họ đã nghe nói về Hài Nhi này. Những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết”. Họ là những người đầu tiên loan báo Tin Mừng về Chúa giáng sinh. Họ là những người tin. Thiên Chúa không cần sự thông thái của con người, mà chỉ yêu thích những tâm hồn chơn chất, đơn thật. Chúng ta quá khôn ngoan theo thế gian mà không còn nét trong sáng đơn thật theo ý muốn của Chúa. Chúng ta có cảm thấy vui mừng thực sự vì Chúa đã cho chúng ta biết tình yêu của Ngài không? Vì thế, chúng ta không hăng hái rao truyền những việc Chúa làm cho chúng ta và cho cả nhân loại, làm như Tin Mừng  chỉ được ban riêng chúng ta mà thôi. Như vậy, chúng ta chỉ lãnh nhận cho riêng mình chứ không cho mọi người. Chúng ta đã đánh mất khả năng ngỡ ngàng, vì thế dù Chúa có làm gì đi nữa, chúng ta chỉ xem như chuyện bình thường, không có gì lạ, cũng không đáng cho chúng ta loan truyền. Nhưng một biến cố tầm thường xảy ra, chúng ta lại hăng hái bàn tán, nói đi nói lại, ví dụ một cô ca sĩ trẻ chết đột ngột, chúng ta sẽ nhắc đi nhắc lại. Chúa đến trong trần gian để cứu vớt nhân loại đó không phải là một biến cố vô cùng quan trọng sao?

Thế nhưng chúng ta ngại nói đến, hay không dám nói đến. Chúng ta sợ, sợ gì? Sợ người ta cười chê… Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã có dịp ngồi bàn tiệc với một người tôn giáo bạn, chúng ta có thể nghe họ đọc những lời kinh mà họ thuộc lòng, một cách hết sức tự nhiên, không ngại ngùng gì cả. Những anh em Tin Lành vẫn thường đem Kinh Thánh  để minh họa một vấn đề đang tranh luận. Tại sao chúng ta không dám nói đến Chúa? Hơn nữa, chúng ta có thể dùng cuộc sống đời thường để nói với người khác rằng, cuộc sống chúng ta tràn đầy sự hiện diện của Chúa. Những cử chỉ bác ái khiêm nhường cũng là một bằng chứng cho sự hiện diện của Chúa. Nếu chúng ta ngại nói bằng lời, chúng ta hãy nói bằng việc làm. Chúng ta sợ chỉ vì chúng ta quá khôn ngoan. Chúa bảo chúng ta trở nên như trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ muốn nói gì là nói, không ngại ngùng. Nó đang thích cái gì, nó không ngại nói lên điều nó thích. Chúng ta đang vui vì Chúa đến, sao chúng ta không dám nói lên niềm vui của chúng ta cho mọi người chúng ta gặp? Khi tâm hồn chúng ta tràn đầy niềm vui, tự nhiên nét mặt chúng ta rạng ngời và tiếng nói của chúng ta nhanh nhẹn. Có đầy trong lòng mới phát ra ngoài miệng. Chúng ta ngại nói chính vì lòng chúng ta chưa tràn đầy niềm vui. Chúa đến không là một biến cố đầy tràn hạnh phúc, nhưng chúng ta không cảm thấy hạnh phúc đâu cả, vì niềm tin chúng ta chỉ còn là ngọn đèn còn khói thôi. Hãy cầu xin cho chúng ta đôi mắt trong lành để nhìn thấy được những kỳ công của Chúa đang thực hiện trong đời sống chúng ta, để chúng ta thấy rằng chúng ta là những người được yêu thương nhiều nhất.

Sau cùng, Luca nói đến một người quan trọng nhất nhưng lại âm thầm nhất, đó là Maria, Mẹ của em Bé. Ngài hoàn toàn ở trong bóng tối. Mẹ im lặng nhìn các mục tử và thánh Luca ghi lại: Mẹ ghi nhận tất cả những sự việc đó trong lòng để suy nghĩ. Mẹ im lặng nhưng Mẹ nghĩ gì? Chúng ta không thể biết nhưng chắc chắn Mẹ vẫn ngạc nhiên vì có thể Mẹ nghĩ: Con Thiên Chúa lại phải chịu một cảnh cơ hàn nghèo khổ như thế này sao? Và tại sao thế?

Chúng ta có ngạc nhiên không?

Hãy nhìn Chúa Giêsu với cái nhìn của Mẹ và chúng ta sẽ thấy từ từ rõ nét, tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu nguyên chất, chỉ biết cho mà không cần đáp trả, hoàn toàn quên mình… Chúng ta hãy nhìn Chúa Giêsu trong tấm bánh tình yêu với cái nhìn của Mẹ để thấy rằng chúng ta phải yêu như thế để đáp trả tình yêu. Đó là con đường tình yêu mà chúng ta phải nhắm đến mãi cho tới ngày tình yêu của chúng ta hòa nhập với Chúa trong ngày sau hết.

Lm Trầm Phúc