05/01/2017
772
Suy niệm Lễ Chúa Hiển Linh_Lm Giuse Minh






















Lễ Chúa Hiển Linh

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Ngôi Sao Hy Vọng

“Chúng tôi nhận thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”

 

I. Ý nghĩa Lễ Chúa Hiển Linh

Lễ Chúa Hiển Linh, Lễ Trọng cuối cùng của mùa Giáng Sinh. Trước đây, chúng ta quen gọi lễ hôm nay Lễ Ba Vua. Cách gọi “Ba Vua” hay các đạo sĩ phương đông vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính của nó. Nhưng ngày nay Phụng vụ sử dụng tên gọi “Lễ Hiển Linh” để làm nổi bật ý định nhiệm mầu chung nhất của mùa Giáng Sinh. Đó là tích truyện các nhà chiêm tinh tìm đến Bêlem thờ lạy Hài Nhi Giêsu. Đây là dịp suy gẫm Thiên Chúa tỏ mình cho các dân tộc trên thế giới miễn là họ biết tìm kiếm Ngài; và là dịp nghĩ lại dân Do Thái từ bao thế kỷ mong đợi Đấng Mêsia được ví như một vì sao lạ từ nhà Giacob (Ds 24,17).

Vì thế, khi các nhà chiêm tinh nhìn thấy trên bầu trời xuất hiện vì sao lạ đã từ xa xôi lặn lội đến Giêrusalem để yết bái vị Tân Vương. Họ đã lên đường tìm kiếm, gặp gỡ, dâng lễ vật và thờ lạy Chúa “Hài Nhi Giêsu”.

II. Đức Vua dân Do Thái mới sinh ra ở đâu?

Hai bài đọc Kinh Thánh đầu tiên trong Thánh Lễ đều nói lên hạnh phúc của Dân Chúa, như Ngôn sứ Isaia đã nói: “Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi”. Isaia say sưa nhìn ngắm vinh quang của Giêrusalem. Đang khi các dân tộc chìm đắm trong u tối, một mình Giêrusalem nổi lên rực sáng: “Đứng lên, bừng sáng lên, Giêrusalem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đã đến rồi, vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi”. Nhờ ánh sáng của Chúa chiếu soi mà cả dân ngoại cũng được thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm một thân thể và chia sẻ điều Thiên Chúa hứa (bđ 2). Từ đó, các dân tộc liền châu về Giêrusalem: nào thuyền bè đại dương, nào lạc đà từ sa mạc chở muôn dân đến thờ lạy Đức Chúa.

Như thế, không phải chỉ dân Do Thái biết chờ đợi, theo các sử gia đáng tin cậy ở thế kỷ đầu, cả dân ngoại cũng tin rằng Đấng cai trị thế giới sẽ được sinh ra từ xứ Giuđêa. Đó chính là lý do các nhà chiêm tinh lên đường tìm đến để bái lạy Người. Các Ngài đã được ngôi sao đồng hành, dẫn đường, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng suông sẻ. Có khi tưởng chừng như cùng đường tắt lối, nhưng lòng khao khát gặp Người khiến họ vẫn tin vì sao không lặn mất. Có lúc ngôi sao mất hút trên bầu trời thì vẫn tin đó là tạm thời, thậm chí nằm trên lộ trình của vì sao.

Nhưng rồi, cuộc hành trình bệ kiến “Đức Vua Do Thái” đã đạt đích cuối cùng. Ba nhà chiêm tinh tận mắt chiêm ngưỡng Đức Vua. Sau đó họ mở bảo tráp ra dâng cho Đức Vua: vàng, nhũ hương và mộc dược. Được thoả lòng ước nguyện họ từ biệt Người trở về quê hương. Họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đi lối khác mà về “xứ mình”. Đức Vua vừa gặp là Hài Nhi nhỏ bé nép mình bên thân mẫu nhưng mang một sứ mạng lớn: “Cứu con người khỏi lầm lạc, cứu độ con người bằng tình yêu”.

Ánh sáng bừng lên chiếu soi cho các nhà chiêm tinh đến thờ lạy chính là Đức Giêsu Kitô, ngôi sao hy vọng của muôn dân. Kể từ khi nguyên tổ phạm tội, ánh hào quang của địa đàng vụt tắt, nhân loại dò dẫm trong bóng tối tội lỗi, mỏi mòn chờ mong ánh sáng cứu độ chiếu rọi nhân gian.

III. Loan truyền Chúa Hiển Linh cứu độ nhân loại

Phụng vụ đã gọi tên ngày lễ hôm nay là Hiển Linh, tức là Chúa vinh hiển hiện ra, tỏ mình cho nhân loại:

- Chúa đã hiển linh khi Giáng Sinh, để cho người ta thấy Người đã nhập thể làm người và ở giữa chúng ta.

- Người đã hiển linh cho các mục đồng, và Người cũng đã hiển linh trong ngày chịu cắt bì và nhận tên là Giêsu.

- Nhưng hôm nay phụng vụ nhấn mạnh đến việc Người tỏ mình ra cho lương dân, mà đại diện là ba nhà chiêm tinh.

Nếu Chúa là Ngôi Sao Hy Vọng, đã không bao giờ thất vọng về con người, cho dù con người thất trung phản bội, thì chúng ta đừng bao giờ thất vọng về chính mình, đừng bao giờ để một nỗi thất vọng nào chạm được đến anh chị em chúng ta.

Nếu Chúa là Ngôi Sao Hy Vọng, đã chiếu rọi vào cuộc đời tăm tối của chúng ta, thì Người cũng muốn chúng ta sẽ là những ánh sao luôn chiếu tỏa niềm tin yêu và hy vọng.

Nếu Chúa là Ngôi Sao Hy Vọng xuất hiện ở phương Đông đã hơn 2000 năm qua, nhưng tại Á Châu trong đó có Việt Nam, tỷ lệ những người được Ngôi Sao chiếu rọi mới chỉ có 3,2%. Đó là nỗi thao thức của Giáo hội và cũng là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu chúng ta. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bày tỏ trong Tông Huấn Giáo hội tại Á Châu như sau: “Những người tin vào Chúa Kitô vẫn là một thiểu số bé nhỏ trong lục địa mênh mông và đông dân nhất này. Nhưng không phải là một thiểu số nhút nhát, họ sống đức tin cách sống động đầy hy vọng và sức sống, mà chỉ có duy nhất tình yêu mới có thể mang lại”. Mong ước duy nhất của Giáo Hội là tiếp tục sứ mạng phục vụ và yêu thương của mình để tất cả dân Á Châu “có sự sống và sống dồi dào”.

Như thế, Chúa Giêsu mang lại ánh sáng cho con người trước hết là để con người nhận ra người anh em đồng loại của mình.

Cuộc sống xã hội hôm nay vẫn còn là đêm tối của những lỗ hổng đạo đức khi biết bao người không còn nhận ra nhau là đồng loại, đồng bào, là anh chị em của nhau, mà chỉ còn là phương tiện để bóc lột, để đọa đầy thậm chí còn là kẻ thù để loại trừ. Trong bóng đêm dày đặc của hận thù, dối trá, lừa lọc, người Kitô hữu được mời gọi để chiếu dọi ánh sáng của tình yêu, chân lý và sự sống như Thánh Phaolô nói: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).

Lạy Chúa Giêsu là Ngôi Sao Hy Vọng, Chúa muốn chúng con là những vì sao trên bầu trời:

“Làm đèn soi cho ai bước trong đêm

Đem hy vọng cho người đang bất hạnh

Báo tin vui cho những kiếp đọa đày”.

Xin ban cho chúng con niềm hy vọng, để yêu thương và phục vụ các tâm hồn, đang ở rất gần chúng con nhưng lại thật xa Chúa. Ước chi chúng con mãi mãi là những vì sao, luôn tỏa sáng niềm tin và hy vọng cho con người hôm nay. Amen.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho