09/01/2021
650
Suy niệm Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa_Lm Trầm Phúc




















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Giêsu chịu phép rửa năm B

Lời Chúa: Mc 1,7-11

 

Gioan Tẩy Giả, từ sa mạc, xuất hiện bên bờ sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi dân ăn năn sám hối để đón chờ Đấng Cứu Thế. Và ông loan báo: “Có Đấng quyền thế hơn tôi, đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quay dép cho Ngài”. Mặc dù Gioan đã giới thiệu một người đến sau, nhưng nhiều người vẫn đến xin Gioan làm phép rửa và tỏ lòng thống hối, Ông cũng cho họ biết rằng: “Tôi chỉ rửa cho anh em bằng nước, còn Đấng đến sau tôi sẽ rửa anh em bằng Thánh Thần”.

Trong số những người đến xin làm phép rửa, có một người cũng xin chịu phép rửa nhưng lại là một nhân vật làm Gioan ngỡ ngàng: “Đúng ra, Thầy phải rửa cho tôi mới đúng”. Nhưng người ấy đã xuống dòng sông và Gioan đã làm phép rửa cho Ngài. Người ấy là chính Chúa Giêsu, con người vô tội đã nhận lấy phép rửa cùng với bao nhiêu người khác. Ngài là Đấng thánh, là hình ảnh của Chúa Cha vô hình. Ngài làm gì thế? Ngài không chịu phép rửa cho chính Ngài. Ngài cho thấy Ngài là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian. Và thực vậy. Sau đó, chính Gioan đã giới thiệu Ngài với các môn đệ của mình: “Đây là Con Chiên Thiên Chúa”.

Chịu phép rửa xong, vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra và Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người”. Đây chỉ là một cách nói quen thuộc của người Do thái, và đây cũng là một thị kiến mà chỉ một mình Chúa Giêsu thấy.

Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài tự dìm mình trong dòng nước cũng như dìm mình trong nhân loại. Ngài chấp nhận thân phận con người như chúng ta để cứu chúng ta. Ngài không phải đến như một vì sao băng. Nhờ đó, các tầng trời xé ra, nghĩa là từ nay trời với đất không còn cách biệt, Ngài đã trở thành nhịp cầu để chúng ta được vươn đến với Chúa Cha. Và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài như một chim bồ câu. Hình ảnh chim bồ câu nầy không thể xác định ý nghĩa. Có thể hiểu là Chúa Thánh Thần mang bình an xuống nơi Chúa Kitô. Lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.

Khi Chúa sinh ra, thiên thần báo cho các mục đồng: “Đấng Cứu thế đã ra đời”. Ba nhà hiền sĩ từ phương đông chỉ thấy được một ngôi sao lạ. Hôm nay, chính Cha trên trời xác nhận một cách rõ ràng đây là Con yêu dấu của Ngài. Thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa đã yêu trần gian đến nỗi ban Con Một cho trần gian” và hôm nay chúng ta biết rằng Người Con Một đó đã đến giữa chúng ta, đi vào lịch sử, sống như chúng ta và cuối cùng chết và sống lại cho chúng ta, trở thành vị trung gian duy nhất của chúng ta trước mặt Cha Ngài. Đó là kho tàng vô giá mà Cha trên trời đã ban cho chúng ta. Chúng ta có lãnh nhận Ngài không? Thánh Gioan cũng nói: “Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng những gia nhân của Ngài đã không chấp nhận Ngài. Chúng ta có đón nhận Ngài không? Đón nhận như thế nào? Với tất cả niềm hân hoan, với tất cả lòng thành và thiện chí? “Chúng ta vẫn nhận lời chứng của người phàm, thế mà lời chứng của Thiên Chúa còn cao trọng hơn… lời Thiên Chúa làm chứng về Con của Người”. Chính Thiên Chúa chứng nhận Con của Ngài. Chúng ta có tin không?

Chỉ có Chúa Giêsu là hình ảnh của Chúa Cha vô hình, là tiếng nói yêu thương của Chúa Cha, là nguồn suối mọi ơn lành, vì từ nguồn sung mãn của Ngài, chúng ta nhận hết ơn nầy đến ơn khác, vì Ngài đây ân sủng và chân lý. Ngài đã rửa chúng ta không chỉ trong nước mà trong Thánh Thần. Chúng ta đã làm gì với những hồng ân đó?

Chúng ta thường nghĩ rằng Chúa thiêng liêng và cao cả, Ngài ở xa chúng ta. Không, Ngài rất gần chúng ta, vì Ngài đã chọn sống với chúng ta trong trần gian nầy, đã mang lấy tất cả nỗi khổ của chúng ta, chết và sống lại cho chúng ta. Chúng ta không hiểu sao? Ngài muốn gần gũi với chúng ta, cảm thông những nỗi cơ cực của chúng ta, chia sẻ kiếp người của chúng ta. Đừng tìm cách xa Ngài, nhưng gắn bó với Ngài. Ngài đúng là người yêu duy nhất của chúng ta. Thánh Phaolô đã ngỡ ngàng khi nhắc đến Ngài: “Ngài đã yêu tôi và đã liều mạng cho tôi”. Nầy Ngài đang đến, Ngài đến với chúng ta trong một tấm bánh, một của ăn. Chúng ta không ngỡ ngàng sao? Ngài đến cư ngụ trong mỗi người bằng quyền phép vô song của Ngài. Chính vì Ngài quyền phép mà Ngài có thể yêu chúng ta như không ai có thể yêu. Đón tiếp Ngài là đón tiếp Con yêu dấu của Thiên Chúa. Hạnh phúc nào sánh được không?

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho