20/11/2022
562
Suy niệm hằng ngày_Tuần XXXIV Thường Niên














 

Chúa Nhật Tuần XXXIV Thường Niên

2Sm 5,1-3; Cl 1,12-20; Lc 23,35-43


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

2 Sm 5,1-3: Họ xức dầu phong Đavít làm vua Israel.

Tv 122,1: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”.

Cl 1,12-20: Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người.

Lc 23,35-43: Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi.

Năm nay chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ với tinh thần Hiệp Hành. Lời của người trộm lành xác tín điều chúng ta cử hành. “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi.” Người trộm lành ước ao được Chúa nhớ đến, nhưng thật ra Chúa đã cho anh đi cùng với Ngài từ giây phút đó. Chúa Giêsu đã giúp người tội lỗi biết ăn năn trở lại và hứa ban một phần thưởng xứng đáng. Đáp lời thỉnh cầu, Ngài nói: “Ta bảo thật ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”. Ngài không bỏ rơi ai đến với Ngài. Chúa đã thể hiện uy quyền của Vua tình thương trong một hoàn cảnh rất cụ thể.

Nước Chúa là vương quốc của tình thương và Ngài đã cho thấy Ngài làm vua của vương quốc đó bằng một lời khẳng định và cũng là một quyết định ngay lập tức không chờ đợi thủ tục rườm rà. Vua của tình thương thấu hiểu nỗi lòng của dân Người. Điều gì mang lại hạnh phúc và bình an cho dân thì không chần chừ. Như thánh Phaolô xác tín rằng: “Người đã đem chúng ta về Nước Con yêu dấu của Người.” Hy vọng rằng mỗi công dân Nước Trời đều sống xứng đáng với bản sắc của Nước Chúa, đó là Hiệp hành trong tình yêu thương.

 




Thứ Hai Tuần 34 Thường Niên

Dcr 2,14-17; Mt 12,46-50


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Kh 14,1-3,4b-5: Tên của Đức Kitô và của Cha Người viết trên trán họ.

Tv 24,6: Đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Thiên Chúa.

Lc 21,1-4: Người thấy một bà goá nghèo khó bỏ vào đó hai đồng tiền nhỏ.

Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ tưởng nhớ việc cha mẹ ngài dâng Đức Trinh Nữ khi còn là một đứa trẻ trong Đền Thờ ở Giêrusalem. Trước khi Maria chào đời, cha mẹ ngài đã nhận được một thông điệp thiêng liêng rằng họ sẽ sinh một đứa con. Để tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho Mẹ Maria sinh ra đời, Gioakim và Anna đã dâng Mẹ vào Đền Thờ để thánh hiến người con gái duy nhất của họ cho Chúa.

Qua ngày lễ này, chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn Đức Maria không bị vấy bẩn bởi bất cứ tội lỗi nào để Chúa Giêsu có được một người mẹ hoàn hảo – và để chúng ta có được Mẹ như người mẹ yêu thương hoàn hảo của chính chúng ta. Đức Maria càng đơn sơ và dễ tiếp nhận ân sủng của Thiên Chúa càng tốt, và chính vì nhận được mọi sự từ Thiên Chúa mà Mẹ có thể tạ ơn Thiên Chúa và tuyên xưng lòng nhân lành của Người về những gì Người đã quyết định thực hiện qua Mẹ. Maria sử dụng những món quà của Chúa một cách đặc biệt và biết ơn và cho thấy rằng mọi thứ trong cuộc sống của Mẹ đều xuất phát từ tình yêu của Chúa. Với sự thấp hèn và khiêm nhường của Mẹ, Thiên Chúa dùng Mẹ để tạo nên một vương quốc gồm những người khao khát được thấy long nhan Thiên Chúa.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

 

Trong Tin Mừng nhất lãm đều có thuật lại câu chuyện nhiều người dẫn các trẻ em đến với Chúa Giêsu để xin Chúa đặt tay và chúc lành trên các em, và những người dẫn các em đến với Chúa đó là ai? Thưa đó là cha mẹ của các em.

Khi đọc lại những đoạn Tin mừng đó phần nào giúp chúng ta hiểu được việc Đức Mẹ được dâng mình trong đền thánh để làm gì và ai đã dâng Đức Mẹ trong đền thánh.

Chúng ta biết, Đức Mẹ được chính cha mẹ của mình là ông thánh Gioakim và bà thánh Anna dâng trong đền thánh, bởi theo luật Do thái, các trinh nữ được dâng mình để phục vụ Thiên Chúa tại đền thánh.

Và chúng ta hiểu việc hai ông bà dâng con trong đền thánh không chỉ là luật Do thái cho phép, mà hai ông bà dâng con trong đền thánh là muốn Mẹ thuộc về Chúa, muốn Mẹ được Chúa ban ơn và chúc lành, muốn điều tốt nhất cho Đức Mẹ.

Và chắc chắn Đức Mẹ đã được Thiên Chúa ban ơn và chúc lành.

Và hiệu quả của việc Mẹ được Thiên Chúa ban ơn và chúc lành là gì? Thưa đó là Mẹ luôn luôn vững tin vào Chúa, sống thánh ý Chúa trong cuộc đời của Mẹ, bằng chứng là khi Thiên Thần truyền tin cho Mẹ, Mẹ đã đáp lại bằng hai tiếng xin vâng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền.”

Rồi trong Tin mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có người vào báo: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,47-49).

Nghĩa là Chúa Giêsu một lần nữa xác định lại một cách gián tiếp, người thực thi thánh ý Chúa một cách tuyệt đối trong cuộc đời đó chính là Mẹ Maria, mẹ của Chúa.

Mừng lễ Đức Mẹ Dâng Mình hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy noi gương thánh Gioakim và Anna, biết dành điều tốt nhất cho con cái của mình.

Chúng ta hãy hồi tưởng lại, hãy nhớ lại, khi xưa mình còn bé nhỏ, cha mẹ, ông bà, những người thân yêu của chúng ta đã ẵm bồng chúng ta đến nhà thờ, để dâng chúng ta cho Chúa, để Chúa ban ơn và chúc lành cho chúng ta, họ muốn những điều tốt nhất cho chúng ta.

Đến phần chúng ta, chúng ta cũng hãy biết dành điều tốt nhất cho con cái của mình, đó là hãy biết dâng con cái mình cho Chúa, dâng con cái mình cho Chúa không phải chỉ qua việc chúng ta ẵm bồng nó đến nhà thờ để nó được rửa tội rồi thôi, coi như chu toàn bổn phận, mà còn phải đồng hành để giáo dục con cái của chúng ta theo luật Chúa Kitô và Hội Thánh, nghĩa là phải hướng dẫn con em của mình sống đạo, dạy nó đọc kinh, cầu nguyện, đưa đón con em mình đi lễ, đi học giáo lý…, có như thế, mới nuôi dưỡng được đức tin của con em chúng ta, có như thế, con cái của chúng ta mới có thể đón nhận được những điều tốt đẹp, những ơn lành mà Chúa hứa ban cho con em chúng ta được.

Xin Chúa ban ơn và chúc lành cho chúng ta, xin Mẹ Maria cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta. Amen.


 


 

Thứ Ba Tuần 34 Thường Niên

Kh 14,14-19; Lc 21,5-25


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Kh 14,14-19: Đã đến giờ gặt, vì lúa gặt trên đất đã chín rồi.

Tv 96,13b: Chúa ngự tới cai quản địa cầu.

Lc 21,5-11: Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào.

Dù bạo lực và chiến tranh, con người vẫn có Chúa Giêsu dẫn dắt cuộc đời. Chúa Giêsu cảnh báo về những gì sắp đến và nói thêm rằng có thể có sự cám dỗ để đi theo người khác. Bất chấp điều khủng khiếp, ta được nhắc nhở rằng Chúa Giêsu là người thầy và vị cứu tinh yêu dấu của ta. Hôm nay, ta kính nhớ Thánh Cecilia. Gia đình cô đã gả cô cho Valerius, một nhà quý tộc ngoại giáo. Cecilia hứa giữ mình đồng trinh, và cô đã thuyết phục thành công Valerius tôn trọng trinh tiết của mình trong đêm tân hôn. Thánh nữ là quan thầy của người yêu âm nhạc. Cuộc đời của Thánh Cecilia có thể là mẫu mực của một người biết sắp xếp các ưu tiên của mình và duy trì mối liên hệ mật thiết với Chúa Giêsu.

Sau đó, Valerius cùng với anh trai mình là Tiburtius đã cải đạo sang Công giáo. Hai anh em này đã tự nguyện chôn cất các vị tử vì đạo Chúa Kitô, mặc dù điều đó là bất hợp pháp. Họ bị bắt và bị kết án tử hình vì không chịu bỏ đạo. Cecilia tiếp tục cải đạo mọi người theo đạo Công Giáo và chôn cất những người theo đạo đã chết. Hàng trăm người đã được rửa tội nhờ sự làm chứng và sức mạnh đức tin của ngài. Thánh nữ Cecilia đã chết nhưng tình yêu của ngài đối với Thiên Chúa thì trường tồn mãi mãi.





Lm. Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn dạy một bài học đó là hãy biết nhìn và thấy, trong triết học người ta gọi là tầng sự kiện và tầng ý nghĩa.

Cụ thể khi có mấy người trầm trồ về đền thờ Giêrusalem, nên Chúa Giêsu phán rằng: “Những gì các con nhìn ngắm đây, sau này sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào mà chẳng bị tàn phá.”

Tại sao Chúa Giêsu lại có thể nhìn và thấy như vậy? Với cái nhìn thần linh, vì Chúa Giêsu Ngài là Con Thiên Chúa, và Ngài cũng là Thiên Chúa, nên Ngài nhìn và thấy được điều đó. Với cái nhìn tự nhiên, đó là sự khôn ngoan của Chúa, biết nhìn xa để thấy xa, thấy những điều mà người bình thường không thể thấy được.

Vì nhìn và thấy như vậy, nên Chúa đã cảnh báo các môn đệ hãy ý tứ kẻo mình bị lừa dối.

Hình ảnh của các môn đệ cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta, nhiều khi chúng ta chỉ nhìn mà không thấy, nên có nhiều lúc trong cuộc đời, chúng ta dễ bị mắc lừa, dễ nghe theo lời của người khác. Rồi trong đời sống đức tin cũng tương tự như thế, chúng ta không có tầm nhìn xa để chuẩn bị cho đời sống thiêng liêng của mình. Nên chúng ta thấy được sự khác nhau giữa người thành công và người thất bại, giữa người khôn ngoan và người dại dột đó chính là tầm nhìn, để rồi chuẩn bị cho mình những điều cần thiết.

Có thể chúng ta sẽ lý luận con người thì ai cũng có giới hạn, đâu có ai khôn ngoan toàn diện, có người khôn ngoan, nhưng cũng có người không được khôn ngoan, vì Chúa cho người này 5 nén, người kia 2 nén, người kia một nén đâu có đồng đều như nhau.

Lý luận của chúng ta đúng thôi, nhưng chúng ta biết rằng Chúa không đòi hỏi chúng ta phải khôn ngoan, phải có tầm nhìn xa như nhau, tôi có 2 nén tôi phải khôn ngoan, thì tôi phải có tầm nhìn xa như những người có năm nén.

Chúng ta không nên hiểu như thế, mà chúng ta phải hiểu theo nghĩa là: tầm nhìn của tôi theo khả năng của tôi, khả năng của tôi như thế nào thì tôi cố gắng hết khả năng của mình như vậy, nếu đòi hỏi quá thì điều đó chứng tỏ tôi đâu có tầm nhìn.

Bên cạnh đó, chúng ta cần phải biết rằng, có nhiều điều, có nhiều sự việc chúng ta không thể nào dùng lý trí, dùng sự khôn ngoan theo kiểu của con người để có thể hiểu được, mà chúng ta cần phải dựa theo Lời Chúa, cần được Chúa soi sáng và mặc khải, đó là sự công bằng mà Chúa ban cho chúng ta, chẳng hạn như Tin mừng hôm nay, Chúa báo cho chúng ta biết là phải ý tứ kẻo mình bị lừa dối, Chúa đã nhắc nhở chung, để chúng ta chuẩn bị mà chúng ta không chuẩn bị thì đó là lỗi của chúng ta chứ không phải là lỗi ở Chúa.

Nên chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa đã nói: Đầy tớ nào biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những điều đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì ai cho nhiều, thì sẽ bị đòi nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn (x. Lc 12, 47-48).

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta, biết tận dụng khả năng Chúa ban, để nhìn và thấy những sự kiện xảy ra trong cuộc đời, để chúng ta cảnh giác mà chuẩn bị cho đời sống thường ngày cũng như cho đời sống đức tin của chúng ta được mọi sự tốt đẹp như ý Chúa muốn. Amen.


 



Thứ Tư Tuần 34 Thường Niên
Kh 15,1-4; Lc 21,12-19


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Kh 15,1-4: Hãy xướng ca bài ca vãn Môsê và ca vãn Con Chiên.

Tv 98: Lạy Chúa là Thiên Chúa toàn năng, các công trình của Chúa thật là vĩ đại và lạ lùng (Kh 15,3b).

Lc 21,12-19: Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất.

Cuộc sống của Kitô hữu không hề dễ dàng, nhưng Chúa hứa sẽ có một kết thúc có hậu. Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về những khó khăn cùng cực phải đối mặt: “Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy, nhưng dù một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất”. Làm chứng cho Đức Kitô thì không đơn giản, nhưng ta được khuyến khích bởi sự đảm bảo rằng lời nói và hành động của ta sẽ được hướng dẫn một cách thiêng liêng.

Lời nói và việc làm của ta không thể đột nhiên xuất hiện. Ta cần một đời sống nuôi dưỡng bằng lời hằng sống và Thánh Thần. Ta có thể củng cố nền tảng kiến thức của mình bằng cách học Lời Chúa hàng ngày. Ta có thể thực tập yêu thương và phục vụ. Ta có thể dành thời gian cầu nguyện để ta hòa hợp với những gợi ý do Thánh Thần ban cho. Ta có thể học các tiêu chuẩn, chẳng hạn như lời ca trong bài đọc hôm nay từ sách Khải Huyền, và ta có thể sẵn sàng hát dâng Chúa một bài ca mới (Tv 98,1). Ta có thể ca ngợi những việc làm kỳ diệu của Chúa mọi lúc và đi đến bất cứ nơi nào Thánh Thần hướng dẫn ta.

 




Lm. Tôma Lê Duy Khang
 

Đọc Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy ý nghĩa cũng tương tự như câu chuyện Tin mừng về sự kiện Chúa Giêsu biến hình trên núi.

Chúng ta biết, sau khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu bắt đầu tiên báo cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn sắp tới.

Những lời tiên báo của Chúa Giêsu, các môn đệ không thể chấp nhận được, vì các ông đang say sưa với những thành công vang dội của Thầy, thì làm sao có thể chấp nhận Thầy bị bắt bớ, bị giết chết.

Nghĩa là các môn đệ chỉ muốn hạnh phúc và níu giữ hạnh phúc đó, chứ không muốn đau khổ phải xảy đến, bằng chứng khi Chúa biến hình trên núi, thánh Phêrô đã nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay, chúng con xin được dựng ba cái lều, một cái cho Thầy, một cái cho ông Môsê, một cái cho ông Êlia.

Chính vì lý do yếu đức tin của các môn đệ, cũng như Chúa Giêsu yêu thương các ông, sợ các ông sau này sẽ bị sốc về cuộc khổ nạn và cái chết của mình, nên Chúa Giêsu đã thực hiện cuộc biến hình trên núi, để chỉ cho các ông biết không phải những đau khổ Ngài sắp phải chịu là một sự tận cùng, nhưng mà những đau khổ đó sẽ dẫn đến vinh quang. Đó là sự chuẩn bị của Chúa cho các môn đệ ngày xưa, cũng như cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay.

Hôm nay, cũng là sự yêu thương của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, Chúa Giêsu cũng sợ các môn đệ của Ngài không thể đương đầu được với những cuộc bách hại khi thi hành lệnh truyền truyền giáo, nên Chúa đã báo trước cho các ông biết những gì sẽ xảy đến, cũng như kêu gọi các ông hãy tin tưởng phó thác vào Chúa, Chúa nói: “Một sợi tóc trên đầu các con cũng sẽ chẳng hư mất. Các con cứ bền đỗ các con sẽ giữ được linh hồn các con.”

Và thật sự là như thế nào? Chúa có thành công hay không? Thưa sau khi Chúa phục sinh, các ông sẵn sàng ra đi để loan báo về Đấng Phục sinh, để rồi: “Thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm” (Cv 5,29), rồi “hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15), các tông đồ đã dám tuyên xưng đức tin của mình trước mặt nhà cầm quyền, đến nỗi đã hy sinh tính mạng của mình để làm vinh danh Chúa.

Rồi các thánh tử đạo Việt Nam, cũng như những anh hùng tử đạo Việt Nam của chúng ta cũng đâu thua kém, cũng dám hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa. Chúng ta thấy Chúa rất là thành công.

Nên lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, tuy đó là lời cảnh báo, cảnh báo có nguy hiểm, nhưng Chúa cũng đưa ra giải pháp cho con người, điều này muốn nói lên tình thương của Thiên Chúa dành cho con người, Ngài luôn luôn chuẩn bị cho con người những điều tốt đẹp nhất để con người có thể đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc đời.

Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi hãy đón nhận lời cảnh báo, hãy đón nhận giải pháp Chúa đưa ra, đón nhận những gương sáng mà các thánh tông đồ, cũng như các thánh tử đạo để lại, để vững tin vào Chúa, và khi chúng ta vững tin vào Chúa chắc chắn Chúa sẽ ban ơn giúp sức cho mỗi người chúng ta. Amen.


 



Thứ Năm Tuần 34 Thường Niên

Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Kh 18,1-2,21-23;19,1-3.9a: Thành Babylon vĩ đại đã sụp đổ rồi.

Tv 145: Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên (Kh 19,9a).

Lc 21,20-28: Giêrusalem sẽ bị các dân ngoại chà đạp, cho đến thời kỳ dành cho các dân ngoại chấm dứt.

Người Công giáo sống với niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cữu trong Nước Trời. Chỉ có vương quốc tình yêu của Thiên Chúa mới có thể tồn tại theo dòng thời gian. Còn những thành trì có vẻ vững chắc trên trái đất này rồi cũng sẽ có ngày sụp đổ. Sự tàn phá đó có thể là do thiên tai hay do người ta ra tay hủy diệt với tên gọi là chiến tranh. Nói đến chiến tranh và hậu quả của nó thì nó đối nghịch với yêu thương, tha thứ và bình an. Một đàng là hòa bình và hạnh phúc, một đàng là xáo trộn, bất an và tràn ngập thống khổ đau thương.

Những người tin và bước theo Chúa có thể phải sống với sự giằng co trong tình yêu của Thiên Chúa và phải đấu tranh chống lại những thế lực thù địch của người đời cũng như là những nổi loạn vì ham muốn của bản thân. Thành Babylon sụp đổ, thành Giêrusalem cũng chẳng còn, chỉ còn một thành trì duy nhất làm Đền thờ cho Thiên Chúa là chính mỗi tâm hồn. Tâm hồn vươn tới trời cao sẽ gặp Đấng trên trời ngự xuống. Đó là cuộc gặp gỡ trong yêu thương, tin tưởng, phó thác và tràn đầy hồng phúc. Đấng quyền năng đến để cứu rỗi những ai vững lòng trông cậy. Phúc cho những ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

BÀI 1 DỰA VÀO TIN MỪNG THEO THÁNH LUCA (Lc 9,23-26)

Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe là một thách đố lớn lao đối với những ai muốn theo Chúa Giêsu để làm môn đệ của Ngài, Chúa nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày và theo Ta.” Nói một cách mạnh mẽ là khi đi theo Chúa, nếu có thể là phải chấp nhận hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa. Nhưng con người của chúng ta thì sao? Ai mà chẳng yêu mạng sống mình?

Có anh thanh niên hay thích châm chọc người khác, và anh biết được tâm trạng của con người là sợ khủng bố, nên anh đã lập một kênh You Tube, để vừa châm chọc vừa câu view kiếm tiền. Anh quyết định cải trang thành một người giống như phần tử khủng bố và anh ta cầm một cái bình, giống như cầm trái bom vậy, anh ta cứ đi ở những nơi góc khuất và thấy người ta đi qua đi lại thì thảy cái bình đó ra, rồi thậm chí vào cả xe Bus thảy vào, ngưòi ta hoảng sợ, chạy tán loạn.

Thế là có một lần đó anh ta núp ở trong lùm cây, rồi có một cặp vợ chồng mới cưới rất là hạnh phúc tay trong tay, hai vợ chồng bước xuống xe, đi vào một ngõ cụt, anh chàng này đã tính sẵn, nên đã cầm cái bình thảy vào hai người, lúc đó phản ứng của cô vợ là cô ta ôm chặt lấy người chồng, ông chồng cũng do phản ứng tự nhiên thấy một người giống phần tử khủng bố ôm bom như vậy, thì anh ta gạt tay của bà vợ ra, đạp cho cô vợ một đạp, sau đó bỏ chạy, lấy xe chạy mất, người ta quay lại cái hình ảnh, lúc mà xong rồi thì anh chàng giả làm người khủng bố chạy tới cô, vì thấy cô bị té xuống đất tội nghiệp, anh hỏi: tại sao cô khóc vậy, cô té đau lắm không? Cô nàng nói: “tôi khóc không phải vì tôi té đau, nhưng tôi khóc và đau nhất là thằng chồng của tôi, thằng chồng mới cưới nó lại xử với tôi như thế này, thằng chồng ham sống sợ chết, nó đá tôi một đá.”

Câu chuyện này muốn nói cho chúng ta thấy một điều như thế này, đó là theo bản năng tự nhiên của con người, ai cũng yêu thương bản thân của mình, ai cũng ham sống, nên chúng ta đừng bao giờ nói trước được điều gì, bởi tới lúc chết tự nhiên mình muốn sống, mình muốn níu kéo sự sống này, không ai muốn chết cả, ngay cả con kiến còn muốn sống.

Hôm nay chúng ta mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam là những vị có thể nói là đã chết một cách rất đau đớn, chứ không phải chỉ là cái chết êm dịu: nào là lăng trì, nào là tùng xẻo, nào là voi giày đạp, rồi chém đầu…..

Nhưng tại sao mạng sống quý giá mà các ngài lại dám dâng hiến để mà chết một cách đau đớn như vậy? có một vị thánh nói một câu như thế này: “Nếu như bạn muốn chết cho Chúa, thì trước hết bạn phải sống cho Chúa trước, nếu như bạn muốn sống cho Chúa thì trước hết bạn phải yêu mến Ngài, nếu bạn muốn yêu mến Chúa thì trước hết bạn phải cảm nghiệm được tình thương của Ngài.”

Nên chúng ta để ý, trước khi Chúa Giêsu trao phó đoàn chiên cho thánh Phêrô coi sóc, thì Chúa đã hỏi thánh nhân tới ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” (x. Ga 21,15-19).

Hay trong Tin mừng theo thánh Gioan chương 15 câu 9, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” Chứ Chúa không nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy, và anh em hãy yêu thương nhau.” Chỉ có ở lại trong chế độ tình yêu của Chúa, chúng ta mới có thể yêu thương nhau, chúng ta mới có thể dám sống chết vì Chúa.

Hiểu được như thế, chúng ta thấy các thánh tử đạo sở dĩ dám chịu chết, dám hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa, vì các ngài có lòng yêu mến Chúa, vì các ngài đã sống trong chế độ tình yêu của Chúa, nói như thánh Phaolo thì khi đã sống trong chế độ tình yêu thì không có gì có thể tách ra khỏi tình yêu của Chúa được, mà phải sống theo Chúa (x. Rm 8,39).

Như thế, chúng ta thấy để có thể đi theo Chúa, để có thể vác thập giá, để có thể hy sinh tính mạng để làm chứng cho Chúa không phải là vấn đề bất khả thi, nhưng mọi người chúng ta có thể thực hiện được, nếu chúng ta có lòng yêu mến Chúa, biết đón nhận tình yêu của Chúa dành cho mỗi người chúng ta.

Ngày hôm nay chúng ta đang sống trong một thế giới rất là giàu có. Nên con người thời nay ngại vác thập giá, ngại gian khổ, ngại khó khăn, ngại từ bỏ, ngại hy sinh..... đặc biệt là các bạn trẻ.

Cho nên, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm nói các bạn trẻ thời nay là “thế hệ gối bông,” tức là thế hệ chỉ biết hưởng thụ, từ đó dẫn đến một cách sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình và thu gom về mình, tạo ra một thế giới mà mọi người dửng dưng trước những đau khổ của người khác.

Mà nguyên do của thế hệ gối bông này là do cách giáo dục của cha mẹ thời nay, không cho con cái mình hiểu được nỗi lòng của cha mẹ, không biết dùng khẩu giáo, thân giáo, tâm giáo để hướng dẫn giáo dục con cái. Mở rộng ra, trong giáo xứ, do những người đứng đầu, những vị chủ chiên không khôn khéo, không tế nhị, nên đã đẩy những con chiên của mình ra xa chế độ tình yêu của Chúa.

Vậy để có thể thay đổi tình trạng thế hệ gối bông, để có thể lôi kéo người khác trở về sống trong chế độ tình yêu của Chúa, chúng ta được mời gọi phải làm gương, phải thay đổi đời sống, thay đổi cách giáo dục của mình. Bên cạnh đó là tin tưởng phó thác vào Chúa, xin Chúa uốn những tâm hồn gối bông, nguội lạnh để đưa họ về với tình yêu của Chúa.

Xin Chúa ban ơn giúp sức cho mỗi người chúng ta, xin các thánh tử đạo cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta. Amen.

 
 

BÀI 2 DỰA VÀO TIN MỪNG THÁNH GIOAN (Ga 17,11b-19)

Lời Chúa hôm nay là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Ngài cũng như cho mỗi người chúng ta, ở đây có một câu mà chúng ta cần chú ý đó là: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.” Tại sao Chúa lại không muốn cất chúng ta khỏi thế gian?

Chúng ta biết thế gian có 5 ý nghĩa:

Thứ nhất là “Thế gian vũ trụ.”

Thứ 2 là thế gian “Thế gian trái đất.”

Nghĩa thứ 3 là “Thế gian nhân loại,” nơi Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người.

Nghĩa thứ tư: “Thế gian chưa tin” là nơi các môn đệ thi hành sứ vụ Chúa Giêsu giao phó.

Nghĩa thứ 5: “Thế gian thù ghét” ám chỉ những người đã nghe giáo huấn của Chúa Giêsu, đã thấy những dấu lạ Người làm mà vẫn không tin. Chúa Giêsu cho các môn đệ biết những khó khăn thử thách khi thi hành sứ vụ. Họ có thể bị thù ghét, bị bách hại vì niềm tin.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Chúa Cha cho các môn đệ của Người nhắm đến loại người thứ 5 kể trên. “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần.” Bởi đó là sứ mạng mà các môn đệ của Chúa phải đương đầu khi thi hành lệnh truyền truyền giáo của Chúa.

Nghĩa là Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ của Ngài khi thi hành sứ vụ rao giảng, đừng bị thế gian thù ghét này lôi kéo, để có thể sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, nếu có bị thế gian thù ghét này lôi kéo, cũng xin Chúa Cha gìn giữ họ, ban ơn giúp sức cho họ, để họ có thể trở về với Chúa.

Và chúng ta thấy, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu có được Chúa Cha nhận lời hay không? Thưa được Chúa Cha nhận lời.

Bằng chứng, chúng ta thấy thánh Phêrô chối Chúa, Phaolo bắt đạo, thế nhưng sau đó đã tin tưởng phó thác vào Chúa đến nỗi hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa.

Rồi không chỉ có các thánh tông đồ, mà vô số các thánh tử đạo khác, đặc biệt là các thánh tử đạo Việt nam của chúng ta, là những bậc cha anh của chúng ta mà chúng ta mừng lễ hôm nay, các ngài cũng đã hy sinh mạng sống đế làm chứng cho Chúa.

Nói như vậy, còn trường hợp của Giuda thì sao, còn những người chết ngoài ân nghĩa của Chúa thì sao? Chẳng lẽ lời cầu xin của Chúa vừa được nhậm lời vừa không được nhậm lời?

Thưa lời cầu nguyện của Chúa vẫn có hiệu lực, vẫn có thế giá trước mặt Chúa Cha, thế nhưng quan trọng là con người có tự do, con người có chịu đáp trả, có chịu khiêm nhường, có chịu mở lòng ra để đón nhận ơn Chúa xuống trên cuộc đời của mình hay không mà thôi.

Câu chuyện Đến Chết Vẫn Hà Tiện là một minh họa cụ thể cho chúng ta:

Ngày xưa có anh nhà giàu, tính hà tiện, ăn chẳng dám ăn, mặc chẳng dám mặc, chỉ khư khư tích của làm giàu. Có người bạn rủ ra tỉnh chơi, anh nấn ná không đi vì sợ, đi với bạn phải đãi bạn. Bị người ta chê cười mãi, một hôm, anh vào buồng giắt một quan tiền vào lưng, rồi sai một người ở cùng đi lên tỉnh.

Đến tỉnh, anh trông thấy cái gì cũng muốn mua, nhưng sợ mất tiền rồi lại thôi. Trời nắng như thiêu, anh muốn vào quán uống nước, nhưng sợ phải trả tiền cho người nhà, đành đi qua.

Đến chiều trở về, khi qua đò, đến giữa dòng, anh khát quá không chịu được mới cúi xuống uống nước chẳng may lộn cổ xuống sông.

Anh người nhà vội kêu to lên

– Ai cứu chủ tôi, xin thưởng một quan tiền!

Anh keo kiệt đương loay hoay giữa dòng, nghe tiếng, cố ngoi lên nói: Một quan đắt lắm!

Anh người nhà vội chữa lại: Thôi thì năm tiền vậy

Anh keo kiệt lại cố ngoi lên một lần nữa và chỉ kịp nói: “Năm tiền còn đắt quá…!” rồi chìm nghỉm.

Chúng ta thấy, Chúa thì rất là hào phóng, có thể nói Ngài rất là phung phí tình thương dành cho con người, nhưng con người thì lại keo kiệt không chịu mở lòng ra để đón nhận thì làm sao đón nhận được ơn Chúa, và sức mạnh của Ngài, chính vì thế hậu quả đó là con người chết ngoài ân nghĩa của Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mở lòng ra đón nhận ơn Chúa ban cho chúng ta, để lời cầu xin của Chúa Giêsu được thực hiện trên cuộc đời của mỗi người chúng ta. Xin các thánh tử đạo cầu bàu cùng Chúa cho chúng ta. Amen.




Thứ Sáu Tuần 34 Thường Niên

Kh 20,1-4.11-21; Lc 21,29-33


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Kh 20,1-4.11-21,2: Những người đã chết phải chịu phán xét theo các việc họ đã làm. Tôi đã thấy Giêrusalem mới từ trời xuống.

Tv 83: Đây là nhà tạm của Thiên Chúa ở với loài người (Kh 21,3b).

Lc 21,29-33: Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến.

Sách Khải Huyền đã mang đến cho chúng ta thông điệp về hy vọng, sự an ủi và công lý cho những người đau khổ. Những người tử vì đạo sẽ được phục hồi, và tất cả sẽ bị phán xét tùy theo việc làm của họ. Cuộc sống đời sau sẽ tràn ngập tình yêu và công lý thiêng liêng. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới bất an bởi chiến tranh hủy diệt, tình trạng người tị nạn di cư, coi thường phẩm giá con người, đàn áp tôn giáo, tham nhũng, lừa dối chính trị, và biến đổi khí hậu. Đây là những dấu chỉ.

Chúa nói, “Khi các con xem thấy những sự đó xảy ra, thì hãy biết rằng nước Thiên Chúa đã gần đến.” Nước Chúa được hiểu như là một vương quốc tràn đầy tình thương, niềm vui, bình an và hạnh phúc với sự hiện diện của Thiên Chúa. Nơi đó sẽ không còn chiến tranh loạn lạc, đau khổ, tai ương và chết chóc nữa. Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu xác nhận, nước Ngài không thuộc về thế gian này. Cho nên, với những gì đang diễn ra mỗi ngày như những dấu chỉ cảnh báo thì chúng ta cũng nên chuẩn bị tâm hồn cho sự quang lâm của Chúa Giêsu, vì ơn cứu độ của chúng ta thực sự đã gần.





Lm. Tôma Lê Duy Khang 
 

Khi học giáo lý, chúng ta được dạy có nhiều cách thức để nhận biết Thiên Chúa, để biết Thiên Chúa muốn nói gì với con người: đó là Thiên Chúa nói với con người qua thiên nhiên vạn vật: “trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Ngài làm, ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia.”

Rồi Thiên Chúa nói với con người qua tiếng lương tâm.

Thiên Chúa nói với con người qua lịch sử cứu độ, qua ông bà nguyên tổ, qua tổ phụ Abraham, qua Nôe, qua Môsê, qua các tiên tri.

Sau cùng Thiên Chúa nói với con người tất cả nơi Chúa Giêsu: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta nơi Người Con” (Dt 1,1-2).

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu dùng hình ảnh đầu tiên, Ngài dùng hình ảnh thiên nhiên vạn vật để đưa ra một bài học cho con người, con người nhìn cây cối đâm chồi nảy lộc thì biết mùa hè sắp đến. Nên cũng hãy biết nhìn những biến cố, những dấu chỉ của Thiên Chúa, để chuẩn bị cho ngày gặp Chúa.

Cuối trang Tin mừng, Chúa Giêsu xác định lại một câu đó là: “Trời đất này sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu,” nghĩa là phải tin vào những gì Chúa nói, bởi Chúa không bao giờ lừa dối con cái của mình, mà muốn điều tốt đẹp cho con cái. Và khi tin cũng như thực hiện những điều Chúa tiên báo, thì chắc chắn sẽ được ơn cứu độ.

Khi suy tư về điều này tôi nhớ đến một câu chuyện, và nghĩ đó là một quy luật trong cuộc đời mà mỗi người chúng ta cần phải gi nhớ để thực hành, trong khi chờ đợi Chúa đến.

Câu chuyện mang tên: CHÂN LÝ LUÔN THUỘC VỀ LƯƠNG THIỆN

Chó yêu Hồ ly sâu nặng. Chúng thường chơi với nhau. Rồi một ngày, cả hai gặp phải Thần chết. Thần chết nói: “Trong hai ngươi, chỉ có một người được sống, hai ngươi hãy oẳn tù tì đi, ai thua sẽ phải chết.”

Chó bảo Hồ ly hãy cùng nhau ra búa, vì vậy chúng ta sẽ hòa nhau, không ai phải chết.

Cuối cùng Hồ ly đã chết. Chó khóc lóc ôm Hồ Ly đã chết nằm yên lặng trong lòng.

“Đã nói là cả hai sẽ cùng ra búa, tại sao trong khi ta ra kéo thì ngươi lại ra lá?”

Hóa ra Chó muốn thua để Hồ ly được sống, tưởng rằng Hồ ly sẽ ra búa nên Chó ra kéo, nhưng không ngờ Hồ ly lại ra lá, vì nó nghĩ Chó sẽ ra búa. Cuối cùng, tất nhiên là Chó đã thắng.

Bài viết kết luận: Thế nên, cứ tiếp tục lương thiện…rồi bạn sẽ thắng, làm người phải sống có hậu, chân lý lúc nào cũng thuộc về sự lương thiện.

Đây chỉ là một câu chuyện, nhưng nó nói với mỗi người chúng ta một ý nghĩa vô cùng sâu sắc đó là, chúng ta cứ sống tốt lành đi, thì sự tốt lành sẽ đến với chúng ta.

Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, cùng với hai tên trộm cướp, nhìn lại hình ảnh đó, có thể chúng ta sẽ nghĩ rằng cuộc đời sau quá bất công, sống tốt để làm gì, cuối cùng cũng bị đóng đinh, cũng bị vu oan cho tới chết, nhưng không, chính trong giây phút cuối cùng đó, anh trộm lành đã nhận ra được tình thương của Chúa, và đáp trả lại tình thương đó, không những thế, Tin mừng Macco kể lại trong khi Chúa Giêsu tắt thở thì viên đại đội trưởng dân ngoại đã tuyên xưng: “quả thật người này là con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

Hiểu được như thế, chúng ta được mời gọi hãy tin vào Chúa đi, cứ làm điều thiện hảo đi, tất cả mọi sự tốt lành sẽ đến với chúng ta, có thể chúng ta không đạt ngay được ở đời này, nhưng đời sau, trong ngày sau hết Chúa sẽ ban ơn và chúc lành cho những gì mà chúng ta đã thực hiện. Amen.





Thứ Bảy Tuần 34 Thường Niên

Kh 22,1-7; Lc 21,34-36


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Kh 22,1-7: Sẽ không còn đêm tối nữa, Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ.

Tv 95: Marana tha! Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến! (1 Cr 16,22b và Kh 22,20)

Lc 21,34-36: Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến.

Thứ bảy cuối cùng của năm Phụng vụ C như là một ngày chuyển tiếp vào năm Phụng vụ A được bắt đầu bằng Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng. Lời Chúa hôm nay nói lên sự chuyển giao đó. Lời khuyên của Chúa Giêsu “các con hãy tỉnh thức” có nghĩa là chúng ta phải giữ những ưu tiên của mình ngay thẳng, lòng chúng ta hướng về Nước Trời và bước theo Ngài với tư cách là “dân Ngài chăn dắt”. Đó là việc sẵn sàng gặp Người bất cứ lúc nào: “Và đây tôi vội vã tiến đến” như Gioan đã viết. Thánh vịnh đáp ca ngày nay sử dụng một trong những cách diễn đạt lâu đời nhất trong truyền thống Kitô giáo. “Marana tha!” có nghĩa là “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” Đó là lời cầu xin Chúa đến với niềm hy vọng.

Thật ra Đức Kitô đã đến, và Ngài đã ở đây rồi. Chúng ta đang chờ đợi Chúa và ở trong sự hiện diện thường hằng của Chúa. Chúng ta khao khát sự viên mãn của Vương quốc công lý và hòa bình, và chúng ta vui mừng vì Chúa Kitô đã cứu chúng ta và loan báo Vương quốc đang hiện diện ở giữa chúng ta. Marana tha: đã, đang, ngự trị trong niềm tin Mùa Vọng. Chúng ta sẽ thức tỉnh, chuẩn bị, kết hợp với Chúa và mừng vui như thế nào trong Mùa Vọng sắp đến?





Lm. Tôma Lê Duy Khang 

Tin mừng hôm qua Chúa Giêsu dạy mỗi người chúng ta hãy biết nhìn những biến cố, những sự kiện xảy ra trong đời sống để suy nghĩ và nhận ra dấu chỉ của Thiên Chúa, để chuẩn bị cho ngày được gặp Chúa.

Tin mừng hôm nay, Chúa không kêu gọi chúng ta nhìn bên ngoài nữa mà hãy trở về với nội tâm bên trong đó là tỉnh thức và cầu nguyện.

Tỉnh thức là sự cố gắng của con người, cố gắng sống đời sống đạo đức thật tốt lành: “các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, bởi chè chén say sưa, và lo lắng việc đời.”

Còn cầu nguyện đó là phải biết cậy dựa vào ơn Chúa, xin ơn Chúa nâng đỡ, để mình có thể có đủ khả năng để tự giữ mình, có đủ khả năng đừng để lòng mình ra nặng nề, đủ khả năng đừng để mình phải chè chén say sưa, đủ khả năng để có thể đừng quá lo lắng việc đời.

Nếu chúng ta chỉ biết tỉnh thức mà không biết cầu nguyện, chỉ biết cậy dựa vào sức của mình, mà không biết cậy dựa vào ơn Chúa thì cũng không thể nào làm được, vì tự sức con người không thể cứu độ con người. Chúng ta hãy nhớ lại có lần Chúa Giêsu đã nói “không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5), hay “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26).

Nhìn lại cuộc đời của Chúa Giêsu như là một mẫu gương của sự tỉnh thức và cầu nguyện cho chúng ta, trong Lc 4,38- 44 có kể về một ngày làm việc của Chúa Giêsu. Sau khi Người chữa bênh sốt cho bà nhạc gia của thánh Phêrô, dân chúng bắt đầu đem đến cho Chúa Giêsu rất nhiều bệnh nhân, và tất cả đều được Người chữa lành.

Tiếp theo, Thánh Luca đã ghi lại cách đặc biệt về phản ứng của những nguời nghe Chúa, của đông đảo những kẻ theo Chúa, đi tìm Chúa, đó là: “Họ muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.” Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không chiều theo lòng muốn của con người, vì công cuộc rao giảng Tin Mừng đang còn rất khẩn thiết ở phía trước.

Hoặc trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã cấu nguyện vời Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42).

Điều gì làm cho Chúa Giêsu có thể trung thành với Chúa Cha, không bị những tác động ngoại lực lôi kéo, để thi hành thánh ý của Chúa Cha trong cuộc đời? Thưa đó là nhờ Chúa Giêsu cầu nguyện, nhờ cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã tiếp được sức mạnh từ Chúa Cha, nhờ cầu nguyện mà Chúa Giêsu có động lực bước tiếp để thi hành thánh ý của Chúa Cha.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để một mặt biết tỉnh thức nỗ lực hết khả năng Chúa ban cho chúng ta, mặt khác luôn luôn biết cầu nguyện với Chúa, để xin ơn Chúa gìn giữ, bảo vệ để những nỗ lực, những phấn đấu của chúng ta được thành toàn theo như ý Chúa muốn. Amen.