25/09/2022
828
Suy niệm hằng ngày_Tuần XXVI Thường Niên














 

Chúa Nhật Tuần XXVI Thường Niên

Am 6, 1a.4-7; Tv 146,1b; 1 Tm 6,11-16; Lc 16,19-31
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân


Am 6, 1a.4-7: Các ngươi đã mê đắm và ca hát, giờ đây các ngươi bị lưu đày.

Tv 146,1b: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa.

1 Tm 6,11-16: Con hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến.

Lc 16,19-31: Ngươi đã được sự lành, còn Ladarô gặp toàn sự khốn khổ.

Con người ở nhiều thời đại khác nhau vẫn có cùng một điểm chung, đó là thích hưởng thụ. Có nhiều hình thức để thụ hưởng và tận hưởng cuộc sống như là tiệc tùng ca hát, các trò chơi, thỏa mãn các thú vui, v.v. Tuy nhiên cuộc sống mong manh, cuộc đời vắn vỏi thì những cuộc vui cũng mau qua chóng tàn và dư âm của nó là trống vắng, hay tệ hơn nữa là nô lệ cho thân xác quá mức mà quên mất đi những người nghèo khó xung quanh như những nhân vật ta thấy trong các bài đọc hôm nay.

Người ta nói vui: “Thiên đàng mở cửa không ai tới, địa ngục cài then vẫn cứ vào.” Thiên đàng mở cửa cho những ai biết yêu Chúa yêu người và sống trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ông phú hộ đã không thương xót Ladarô khi còn sống, và hệ quả là ông không được ở trong vòng tay nhân lành của Chúa. Qua câu chuyện của Chúa Giêsu ta học được bài học san sẻ yêu thương. Bởi Thiên Chúa là Đấng rất quảng đại nhưng công bằng, Ngài sẽ đối xử với ta như cách ta đối xử với anh em đồng loại của ta. Do đó, ta mượn lời dạy của Phaolô mà nhắn nhủ nhau: “hãy gìn giữ huấn lệnh cho tới ngày Chúa lại đến.”




 

Thứ Hai Tuần XXVI Thường Niên
(G 1,6-22; Lc 9,46-50)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

 

G 1,6-22: Chúa ban cho, rồi Chúa lấy lại: nguyện danh Chúa được chúc tụng.

Tv 17,6: Xin Chúa ghé tai về bên con, và xin nghe rõ tiếng con.

Lc 9,46-50: Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất.

 

Chúa Giêsu quan tâm sâu sắc đến từng người bạn của Ngài. Để điều chỉnh lại cuộc thảo luận “ai là người lớn nhất” của họ, Ngài gọi một đứa trẻ đến và ra hiệu cho các môn đệ của mình. Ngài nói, hãy nhìn đứa trẻ này! Họ dừng lại và nhìn vào cậu bé. Mặc dù họ đã chú ý, nhưng Chúa Giêsu nhắc rằng cậu bé không có tiền bạc, ảnh hưởng hay bất kỳ quyền lực nào. Ngài nhẹ nhàng nói: đây là điều tôi muốn bạn trở thành. Ai chấp nhận, yêu thương và chăm sóc đứa trẻ không có khả năng tự vệ này là yêu thương, chấp nhận và chăm sóc cho Chúa. Ngài hỏi ai trong số họ là người lớn nhất? “Kẻ nào bé nhỏ nhất trong tất cả các con, đó là người cao trọng nhất.”

Phúc âm này nhắc nhở rằng tất cả chúng ta là con người như thế nào. Chúa Giêsu nói rằng đừng có nghe thế giới này, vì nó khuyến khích cạnh tranh thay vì hợp tác. Theo Chúa, hãy ngừng tranh giành của cải, quyền lực và đặc quyền cho bản thân hay phe nhóm. Điều quan trọng là quan tâm đến nhau và đặt nhu cầu của người khác lên trước nhu cầu của mình là cốt lõi của một mối quan hệ lành mạnh. Đó là cách mà niềm tin và sự quan tâm yêu thương được xây dựng cho nhau.
 




Lm. Tôma Lê Duy Khang


Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy có hai phần, phần thứ nhất nói về việc các môn đệ nghĩ thầm trong lòng ai sẽ là người cao trọng nhất, và sau đó Chúa Giêsu dạy bảo các ông qua hình ảnh một đứa bé, nghĩa là ai có tấm lòng thơ bé thì sẽ là người lớn nhất Nước Trời.

Phần thứ hai là việc thánh Gioan vì ghen tỵ nên đã báo cho Chúa biết là có người nhân danh Chúa mà trừ quỷ.

Đọc Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy dường như 2 ý tưởng đó rời rạc nhau, nhưng thật ra hai ý tưởng này không rời rạc mà được liên kết với nhau bằng sợi chỉ đỏ, và sợi chỉ đỏ đó chính là hãy trở nên thơ bé, hãy có tâm hồn bé thơ: “Hễ ai đón nhận trẻ nhỏ này vì danh Thầy, tức là đón nhận Đấng đã sai Thầy.”

Đón tiếp ở đây không chỉ hiểu là cử chỉ hiếu khách, mà là hãy để tâm hồn mình như trẻ thơ, mà trẻ thơ ở đây là trẻ thơ ngoan, trẻ thơ của tâm hồn “Nhân chi sơ tính bổn thiện”; trẻ thơ của tâm hồn “Thiện căn ở tại lòng ta” chứ không phải trẻ thơ phá phách, hư hỏng, đòi hỏi. Chúa muốn các ông hãy có tâm hồn như thế.

Tại sao đây là sợi chỉ đỏ?

Chúng ta hãy đặt câu hỏi tại sao các môn đệ lại suy nghĩ trong lòng ai là người cao trọng nhất? Thưa vì tư tưởng của các ông không còn là tư tưởng thuần khiết của cái thiện căn ngay từ thuở ban đầu, cái thiện căn ban đầu không còn ở với các ông nữa. Nên các ông muốn nắm quyền thống trị người khác bằng bạo lực, bằng quyền hành chứ không phải bằng tình thương.

Còn phần thứ hai chúng ta cũng đặt câu hỏi tương tự như vậy, là tại sao Gioan lại thưa với Chúa Giêsu là có người nhân danh Chúa mà trừ quỷ? Thưa vì ông ganh tỵ với người khác, vì ông chỉ muốn Chúa thuộc về nhóm của mình, không muốn san sẻ cho người khác, nhưng Chúa nói với ông: “Các con chớ ngăn cản, vì ai không chống lại các con, tức là đồng thuận.”

Nên hãy đón tiếp trẻ nhỏ, hãy có tâm hồn trẻ thơ chính là sợi chỉ đỏ. Chúa muốn các môn đệ của Ngài hãy trở về với cái thiện căn ban đầu, đừng kiêu ngạo, đừng ghen tỵ, bè phái. Nếu sống được tâm tình như thế, thì sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

Nhìn lại đời sống chúng ta, chúng ta cũng hãy tự đặt câu hỏi cho chính mình là tại sao tôi hay dùng quyền lực để thống trị người khác, tại sao tôi kiêu ngạo, tại sao tôi bè nhóm, tại sao tôi khó chịu khi thấy người khác hơn mình, tại sao tôi hay đòi hỏi điều này điều khác, tại sao hay nóng giận, tại sao hay nói dối? Thưa vì tôi đã đánh mất đi cái thiện căn thơ bé thuở ban đầu.

Nên chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mở lòng ra đón rước trở lại tâm hồn thơ bé, vốn thuộc về chúng ta ngay từ thuở ban đầu, khi Chúa tạo dựng nên chúng ta, mà chúng ta đã đánh mất. Chúng ta hãy tìm lại tâm hồn bé thơ đó, như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, ngài đã sống tâm tình thơ bé trong cuộc đời của mình, để rồi trong ngày sau hết ngài đã đạt được hạnh phúc Nước Trời.

Xin Chúa ban ơn và chúc lành cho mỗi người chúng ta. Amen.

 




Lm. Antôn Trần Quốc Huy 
 

Lời Chúa: “Đức Chúa ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin Chúc tung Đức Chúa.” (G 1, 21)

Suy niệm: Qua bài đọc 1 trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể thấu cảm được nỗi đau tột cùng của ông Gióp. Từ một người dường như có tất cả: gia đình, bạn bè, tài sản. Giờ đây, ông đã mất đi tất cả. Một cú sốc không hề nhỏ cho ông Gióp. Từ trên đỉnh cao ông đã rơi xuống tận vực thẳm. Thế nhưng, dù cho đau khổ đến đâu, dù cho cuộc đời có khắc nghiệt thế nào. Thì ông Gióp vẫn một lòng tín thác vào Chúa. Dường như càng gặp thử thách thì đức tin của ông Gióp càng lớn mạnh hơn. Ông không hề trách móc, chán nãn, nhưng luôn sống lạc quan và cậy trông vào Chúa. Ông luôn chúc tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Phần chúng ta thì sao. Chúng ta có đủ sức mạnh để đi theo Chúa khi chúng ta gặp thử thách, gian nan. Chúng ta có sẵn sàng đón nhận thập giá Chúa trao ban cho chúng ta cách tự nguyện và vui tươi. Hay là mỗi khi gặp sóng gió trên đường đời, chúng ta kêu trách Chúa. Tại sao Chúa để cho con phải thế này? Tại sao Chúa để cho con phải thế kia?

Hình ảnh của ông Gióp là mẫu gương cho mỗi người chúng ta noi theo. Chúng ta được mời gọi đón nhận từ Thiên Chúa cả điều thuận lợi lẫn không thuận lợi, cả vinh quang lẫn thử thách. Có như thế, chúng ta mới luôn biết sống tâm tình cậy trong và tín thác vào Chúa, dù cho chúng ta đứng trước bao sóng gió, bao khó khăn đang bủa vây cuộc đời chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết noi gương ông Gióp mà thân thưa cùng Chúa rằng: “Đức Chúa ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin Chúc tụng Đức Chúa.” (G 1, 21). Amen.

 



 

 Thứ Ba Tuần XXVI Thường Niên
Thánh Vinh Sơn Phaolô, linh mục. Lễ nhớ

 (G 3,1-3.11-17.20-23; Lc 9,51-56)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

G 3,1-3.11-17.20-23: Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực?

Tv 88,3: Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa.

Lc 9,51-56: Người cương quyết lên đường đi Giêrusalem”.

Gióp đã than van, “Tại sao ban sự sáng cho kẻ khốn cực, và ban sự sống cho những kẻ phải cay đắng trong tâm hồn?” Lời than vãn của người công chính bi thảm làm sao! Khi người ta sống trong thảm cảnh địa ngục trần gian thì có khi nghĩ là chết còn sướng hơn sống. Đó là ý nghĩ của người dường như hết đường thoái lui. Khi rơi vào cảnh cùng cực thì khó mà có thể nghĩ sáng suốt hơn. Tuy Gióp than thở nhưng ông vẫn một lòng tin tưởng vào Chúa. Ông vẫn hằng nài xin Thiên Chúa giúp sức cho ông.

Người nghèo khó thường kêu van và Thánh vịnh cũng cho ta biết họ cầu nguyện liên lỉ “ban ngày con kêu van, ban đêm con than thở trước thiên nhan Ngài. Nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng con kêu.” Người ta kêu xin và Chúa nhậm lời. Thiên Chúa có thể trả lời và giúp đỡ những người cùng khổ qua thánh Vinh Sơn. Thánh nhân là một người đã hiến dâng hết mình hết tình cho người nghèo khổ. Ngài nổi tiếng về lòng trắc ẩn, khiêm nhường, và quảng đại. Ngài đã sẵn lòng trợ giúp những ai cần giúp đỡ.

Ta nguyện rằng dù đau khổ cũng không thất vọng, vì Chúa vẫn lo liệu cho có những người tiếp tục công trình bác ái yêu thương. Ta tin chắc rằng lời khẩn cầu của người khốn khó sẽ được Chúa nhậm lời.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy một chi tiết rằng khi thấy dân chúng, thì Chúa Giêsu chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.

Nhưng vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là làm sao khi Chúa Giêsu thấy dân chúng mà Ngài lại chạnh lòng thương? Thưa đoạn đầu của trang Tin Mừng đã nói với mỗi người chúng ta, để có thể thấy được những cảnh đời đó, Chúa Giêsu đã đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong hội đường thì Ngài mới thấy được.

Như vậy, để có thể chạnh lòng thương như Chúa, chúng ta được gọi hãy đi ra ngoài, đi ra ngoài không chỉ hiểu theo nghĩa là đi theo kiểu thể lý, đương nhiên là phải đi, nhưng quan trọng hơn là cõi lòng chúng ta cũng phải đi ra, nghĩa là phải mở lòng ra đón nhận những cảnh đời bất hạnh cần đền mình. Chúng ta thấy có những người họ cũng đi ra, nhiều khi đi nhiều nữa, nhưng có thể là đi buôn chuyện, đi săn tin, đi chơi, chứ không để ý đến những cảnh đời bên cạnh mình. Cho nên, việc mở lòng ra là rất quan trọng.

Hôm nay là lễ thánh Vinhsơn Phaolo, xin kể một giai thoại liên quan đến ngài, mà có lẽ chúng ta ít ai biết. Đây là câu chuyện phía sau vị thánh này, để cho thấy, khi đi nhiều chưa chắc đã thấy được những người cần đền mình, nhưng khi cõi lòng rộng mở mới thấy được mà thôi.

Thánh nhân sinh vào khoảng thế kỷ thứ 16, trong một gia đình nghèo, bố thì đi làm nông và bởi vì nghèo nên bị người ta khinh khi, đi học hoặc là đi làm cũng bị người ta xỉa xối, thế là thánh nhân mới nghĩ trong đầu rằng “tôi muốn thoát ra khỏi cái cảnh nghèo này, tôi muốn thành danh, thành đạt và có nhiều tiền.” Và thánh nhân nghĩ con đường ngắn nhất để làm giàu, để có danh vọng là trở thành linh mục.

Và Vinhsơn đã chọn con đường đi tu là một đích điểm để đến được thành công và danh vọng. Thế là thánh nhân cố gắng học ngày học đêm để thoát khỏi cảnh nghèo, và cuối cùng với sự giỏi giang thánh nhân đã thoát khỏi cảnh nghèo ấy, trở thành một vị linh mục rất giỏi.

Vinhsơn chạy theo con đường danh vọng bằng cách chạy theo những người nhà giàu, và vì sự giỏi giang của ông, ông đã làm tuyên quý cho cả nữ hoàng, nên được rất nhiều bổng lộc và bao người kính nể. Chúng ta thấy trên mức độ thành công thì Vinhsơn đã đạt được tất cả, và đang vui hưởng sự giàu có và bổng lộc. Nhưng một ngày nọ, ngài đi giải tội, thì có một người nông dân rất nghèo bước vào trong tòa của ngài, vừa vào xưng hết tội, thì Vinhsơn chuẩn bị khuyên lơn người hối nhân, ông ta vừa nghe tiếng của Vinhsơn, thì ông ta bỏ ra. Thấy lạ, Vinhsơn mở cửa ra và nói: “Tôi chưa giải tội cho anh mà, vào.” Nhưng mà người nông dân chỉ thẳng vào mặt Vinhsơn và nói: “Tôi thà chết ở trong tội của mình, còn hơn là đi xưng tội với một người giả hình ham danh vọng như ông.” Và người đó bỏ đi.

Lúc đó giống như một gáo nước lạnh tạt vào mặt, cha Vinhsơn về nhà suy nghĩ: “Mình sống trên cuộc đời này để làm cái gì, mình đi tu để làm cái gì, để được hưởng những bổng lộc này thôi sao, những bổng lộc, địa vị này sẽ để lại cho ai khi mình qua đời?”

Điều đó, như là một cú thức tỉnh, để rồi Vinhsơn trỗi dậy, ngài bán đi hết tất cả những của cải mà cho người nghèo. Và ngài nói rằng: “Cuộc đời của tôi trước đây là chạy theo danh vọng để phục vụ cho tôi, thì giờ đây tôi bỏ lại để tôi ra đi phục vụ cho những con người nghèo khổ.” Và ngài đã dành cuộc đời còn lại, ngài sống đến 80 tuổi, để phục vụ người nghèo, bỏ đi tất cả, không những vậy, ngài còn đến với giới giàu có, là những người mê tiền, mê danh vọng,  và ngài hoán cải họ: “Các anh đi sai đường rồi, đừng sống cuộc đời chạy theo những thứ chóng qua, hãy chạy theo những điều ý nghĩa, ông chủ của các anh không phải là tiền bạc, ông chủ của các anh là những con người nghèo, và chúng ta là những người đầy tớ của họ, chúng ta yêu thương họ không phải vì mình cảm thương với họ thôi nhưng là bởi vì Chúa Kitô ở trong họ.”

Câu chuyện này cho chúng ta thấy, thánh Vinhsơn, ngài cũng đi nhiều, biết nhiều, nhưng cõi lòng của ngài chưa rộng mở nên ngài chưa thể chạnh lòng thương, sau này qua biến cố đó, ngài đã mở lòng ra đón nhận Chúa, đón nhận anh chị em của mình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết đi ra khỏi pháo đài của mình đang ở, đi ra khỏi những ích kỷ vụ lợi cá nhân của mình, để có thể chạnh lòng thương như Chúa xưa kia đã chạnh lòng thương những con người vất vưởng không người chăn dắt.

Xin Chúa ban ơn và chúc lành cho chúng con, xin thánh Vinhsơn cầu bàu cũng Chúa cho chúng con. Amen.

 

 




Thứ Tư Tuần XXVI Thường Niên

(G 9,1-12.14-16;Lc 9,57-62)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

G 9,1-12.14-16: Con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính.

Tv 88,3: Lạy Chúa, nguyện cho lời con cầu thấu đến tai Chúa.

Lc 9,57-62: Dù Thầy đi đâu, tôi cũng theo Thầy.

Gióp nói rằng “Con người so sánh với Thiên Chúa đâu đáng được kể là người công chính.” Gióp là người chính trực và tôn trọng Thiên Chúa trên hết mọi sự. Ông chấp nhận tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời, vì con người không thể biết được ý định của Thiên Chúa. “Nếu con người muốn cãi lẽ với Chúa, thì một nghìn điều, nó không thể đáp lại một,” lời ông Gióp. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu so sánh bản thân của Ngài với những con chim, con chồn mà Ngài còn không được chỗ nghỉ ngơi như chúng. Ngài hạ mình đến nỗi không so sánh với con người.

Ông Gióp thì không dám so gì với Chúa, còn Chúa chứng tỏ mình không có nơi gối đầu trong hành trình rao giảng về Nước Trời. Vấn đề không phải là ăn uống nghỉ ngơi, mà là sự cấp bách và cần thiết của việc rao truyền ơn cứu độ. Những nhu cầu cho thể xác cũng có thể là cần, nhưng điều quan trọng hơn là gặp gỡ, rao giảng cho càng nhiều người càng tốt. Với gương mẫu của Chúa Giêsu, thì người môn đệ của Ngài cũng phải có cùng một tâm thế và sứ mạng như thầy của mình. Chúa Giêsu đã cho biết những khó nhọc mà Ngài phải chịu nhưng cũng đưa ra lời mời gọi “Hãy theo Ta”. Lời của Ngài cũng có nhiều người đáp lại, và theo Chúa không ngại nguy nan.


 



Lm. Tôma Lê Duy Khang

Đọc Tin mừng hôm nay tôi lấy làm thắc mắc là tại sao khi có người đi theo Chúa, hoặc khi Chúa kêu gọi họ, Chúa lại đòi hỏi gắt gao như thế? Chúa nói: “Con chồn có hang chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tự đầu,” hay “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết, phần con hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa,” hay “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngó lại sau lưng thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa.”

Vậy những yêu cầu này dành cho những người muốn đi theo Chúa có chính đáng hay không? Thưa rất là chính đáng, bởi vì nó thể hiện một con người sống có tình. Hay nói theo thánh Gioan trong thư thứ nhất của ngài thì: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Rồi trong sách các Vua quyển thứ nhất có kể cho chúng ta câu chuyện của ngôn sứ Êlia kêu gọi Êlise làm môn đệ, ông Êlisa cũng đâu có theo ông Êlia liền, ông đã được phép về thăm gia đình của mình rồi mới theo ông Êlia. Thế tại sao trong Tin mừng hôm nay Chúa lại đòi hỏi cao như thế?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu bối cảnh của Tin mừng hôm nay. Đó là bối cảnh của hành trình đi lên Giêrusalem của Chúa Giêsu để Ngài chịu chết, nghĩa là nó nằm trong trường hợp khẩn cấp và quan trọng, vì giờ đã đến, giờ Chúa Giêsu khắp rời bỏ thế gian để về với Chúa Cha nên không thể trì hoãn được.

Nếu chúng ta xét về khía cạnh tâm lý con người, để lấy lòng chúng ta mà suy tưởng thì cũng dễ hiểu, bởi giả sử bây giờ chúng ta đang gấp gáp để hoàn thành một việc gì đó, thì khi có người đến đòi hỏi chúng ta làm một chuyện khác, thì đương nhiên chúng ta sẽ nói một chút nữa đi, để tôi làm xong rồi tôi sẽ giúp cho, hay chúng ta từ chối thẳng là tôi không có thời gian, hay là chúng ta đòi hỏi người đó phải có điều kiện gì đó cao hơn, nếu đáp ứng được chúng ta mới thực hiện.

Nếu chúng ta xét theo bối cảnh Tin Mừng, khi Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ theo Chúa phải có thái độ dứt khoát như thế, không phải để từ chối, nhưng là muốn các ông có một chọn lựa dứt khoát, để khi đứng vào hoàn cảnh của Ngài, các ông phải có một quyết định dứt khoát không được do dự, vì nếu do dự thì còn gì là giờ đã đến nữa, nói theo kiểu dân gian đó là: Đôi khi lỡ hẹn một giờ, lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm.

Hiểu được như thế, chúng ta thấy đi theo Chúa phải có một chọn lựa dứt khoát ngay từ bây giờ, chứ không phải đợi đến khi tới giờ mới có chọn lựa dứt khoát, nếu bây giờ mà không dứt khoát thì khi giờ cuộc đời của chúng ta đến thì làm sao mà dứt khoát được.

Chắc chúng ta thấy hai bức tranh chết lành và chết dữ. Bức tranh chết lành cho thấy một chọn lựa dứt khoát khi giờ đã đến, mà sở dĩ có được chọn lựa dứt khoát không phải khi giờ đã đến mà chọn lựa, mà người chết lành đã chọn lựa dứt khoát ngay từ đầu theo Chúa rồi. Còn bức tranh chêt dữ thì hoàn toàn ngược lại, trong suốt cuộc đời theo Chúa đã không có một chọn lựa dứt khoát, để rồi khi giờ đã đến vẫn cứ như vậy, vẫn không thể nào chọn lựa dứt khoát để mà theo Chúa được, mà là chọn tiền bạc, chọn theo vợ bé, cuối cùng phải sa hỏa ngục.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để ngay từ bây giờ có được chọn lựa dứt khoát để mà theo Chúa, để khi giờ đã đến chúng ta vẫn trung thành với chọn lựa đó. Amen.





 

Lm. Antôn Trần Quốc Huy 

Lời Chúa: “Ai ra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.” (Lc 9,62).

Suy niệm: Tin mừng ngày hôm nay nói đến thái độ đáp trả của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Những người trong Tin mừng hôm nay, khi được Chúa gọi thì đã đáp lại và nguyện xin theo Chúa, nhưng thái độ đáp trả ấy chưa thật sự dứt khoát và mạnh mẽ, sự đáp trả ấy còn bị chi phối bởi nhiều điều khác. Một người thì xin về chôn cất cha, một người thì xin về từ biệt gia đình.

Ở đây, Chúa không đồng ý với thái độ của những người này, không phải vì Chúa hạ thấp tình cảm gia đình, nhưng Chúa muốn cho thấy rằng khi đi theo Chúa phải chọn Chúa là ưu tiên số một. Gia đình và những điều khác phải xếp sau.

Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta nhiều lúc xếp Chúa ở vị trí thứ 2, thứ 3, hay thậm chí ở vị trí sau cùng trong các chọn lựa của mình. Nhiều lúc chúng ta ưu tiên cho công việc, cho gia đình, cho sở thích hơn là ưu tiên cho Chúa. Chúng ta đôi khi chọn công danh, sự nghiệp, của cải mà chối bỏ Chúa.

Vậy Chúa có ví trí nào trong cuộc đời của chúng ta? Vị trí cao nhất, hay vị trí trung bình, hay thậm chí chỉ là vị trí sau cùng?     

Nhìn vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nhìn vào chọn lựa hằng ngày của chúng ta, chúng ta hãy thật tâm trả lời cho câu hỏi ấy. Từ đó, chúng ta được mời gọi hãy điều chỉnh lại bậc thang giá trị trong cuộc đời. Hãy trả lại cho Chúa sự ưu tiên và vị trí tối thượng của Ngài, đừng để những điều khác làm đảo lộn bậc thang giá trị trong đời sống đạo của mỗi người chúng ta, đừng để Chúa phải xếp sau bất cứ điều gì khác trong trần gian này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết mau mắn đáp trả lời mời gọi  của Chúa, và luộn chọn Chúa là vị trí số một trong cuộc đời của con. Amen.

 

 

 



 Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên
Các Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel, Raphael. Lễ kính

 (Đn 7,9-10.13-14 (hay Kh 12,7-12a); Ga 1,47-51)
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Đn 7,9-10.13-14: Muôn muôn vàn kẻ chầu chực Người.

Tv 138,1: Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa.

Ga 1,47-51: Các ngươi sẽ thấy các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.

 

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ các tổng lãnh thiên thần. Theo sách Giáo lý, thiên thần là những đấng không có thể xác (số 328). Đôi khi họ là những người bảo vệ. Đôi khi họ vui vẻ, nhẹ nhàng và an ủi mọi người. Thường thì họ có sức mạnh vô song. Khi họ xuất hiện, điều đầu tiên họ thường nói là “đừng sợ”. Khi Chúa Giáng Sinh, các thiên thần hướng dẫn những người chăn chiên đến với Đức Kitô và hát, “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời!” Chúng ta được mời tham gia cùng họ hát trong mỗi Thánh lễ Chúa nhật và các ngày lễ kính, đặc biệt là vào ngày lễ hôm nay. Gần như lúc nào họ cũng thờ phượng và ca ngợi Thiên Chúa và Đức Kitô.

Chúng ta cùng với các ca đoàn thiên thần và các thánh hiệp thông ngợi khen Thiên Chúa mỗi khi tham gia phụng vụ Thánh Thể. “Lạy Chúa, trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa.” Hôm nay, ta suy nghĩ về cách ta có thể đi theo con đường ngợi khen của các tổng lãnh thiên thần. Làm thế nào ta có thể vượt lên trên chính mình, làm vinh danh Thiên Chúa ngay cả trong hành động của ta? Làm thế nào ta có thể cầu xin sự chữa lành của Thiên Chúa? Làm thế nào ta có thể phục tùng Thiên Chúa, để Người phủ bóng và chúc phúc cho ta suốt cả cuộc đời?






Lm. Tôma Lê Duy Khang

Có một cha trong ngày kỷ niệm đầy tháng linh mục của mình đã viết những dòng thơ như thế này:

Ôi diễm phúc,

đời con được Chúa thương yêu,

đời con được Chúa nâng niu,

Ngài nâng con lên,

nâng con lên từ chốn hư hèn,

nâng con lên từ trong bụi đất,

cho con làm Linh Mục Chúa, ôi phúc vinh!

(Hồng ân đời Linh Mục)

 

Kỉ niệm “đầy tháng” trong thiên chức Chúa thương ban.

Thế nhưng có một bình luận, mà tôi đọc được, đáng cho chúng ta suy nghĩ, đó là: Tư duy là linh mục được “Chúa nâng lên” xem ra là mầm mống của giáo sĩ trị khi coi mình “hơn” giáo dân. Đức Cha Đạo và Đức Cha Đạt đã từng chia sẻ “không có vinh phúc gì cả, chỉ là thợ làm việc bổn phận Chúa giao mà thôi.”

Hôm nay lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần, khi nghĩ đến các Thiên Thần, chúng ta thường nghĩ các ngài là cao cả, xét theo khía cạnh con người là cao sang tột bậc, dưới một người trên vạn vạn vạn, tỷ tỷ tỷ người. Nhưng thật ra Thiên Thần cũng là người phục vụ mà thôi, các ngài phục vụ Chúa, bên cạnh đó các ngài còn phục vụ con người.

Vậy các ngài phục vụ con người là phục vụ điều gì?

Trang Tin Mừng cho chúng ta câu trả lời. Khi đối thoại với ông Nathanaen, Chúa Giêsu nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các Thiên Thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên con người” (Ga 1,51). Hình ảnh này chúa muốn nói điều gì?

Chúng ta biết, hình ảnh này được dùng lại từ cách nói trong sách tiên tri Isaia chương 6 cho thấy Chúa Giêsu chính là chiếc thang nối trời và đất. Nghĩa là, Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã trở nên con người phục vụ cho ơn cứu độ của nhân loại: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” hay “Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giêsu bảo các ông: ‘Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ’” (Lc 22,24-27). Vậy, các Thiên Thần là ai? Các Thiên Thần cũng phục vụ cho ơn cứu độ con người, mà Chúa Giêsu thực hiện.

Vậy chúng ta là ai? Chúng ta cũng được mời gọi phục vụ người khác, phục vụ Chúa để làm vinh danh Chúa và mưu ích các linh hồn.

Như vậy, lễ các tổng lãnh Thiên Thần hôm nay mời gọi chúng ta nhớ đến khía cạnh phục vụ, dù là Chúa có nâng tôi lên hàng khanh tướng đi chăng nữa, nhưng Chúa nâng tôi lên cao không phải để tôi ăn trên ngồi trước, mà là để phục vụ anh chị em mình. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để cùng phục vụ nhau, khi chúng ta phục vụ nhau là chúng ta đang sống trong Thiên Đàng. Amen.



 


Thứ Sáu Tuần XXVI Thường Niên
Thánh Giêrônimô, Lm, Ts.HT. Lễ nhớ

(G 38,1.12-21; 40, 3-5; Lc 10,13-16)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

G 38,1.12-21;40,3-5: Ngươi có xuống tận đáy biển và đi bách bộ dưới vực thẳm không?

Tv 139,24: Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời.

Lc 10,13-16: Ai khinh dể Thầy là khinh dể Đấng đã sai Thầy.

 

Gióp đã dành rất nhiều thời giờ để chất vấn Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa đã trả lời cho ông. Những lời Thiên Chúa nói với Gióp thật thách thức, đầy những gợi ý và đẹp đẽ. Gióp chỉ có thể trả lời bằng một câu tương đương nhẹ nhàng là “tôi có thể nói gì đây? Tôi không thể tranh luận với Ngài, lạy Chúa. ”

Thánh vịnh đáp ca cho ta ý tưởng để trả lời các câu hỏi của Thiên Chúa. “Lạy Chúa, xin hướng dẫn con trong đường lối đời đời.” Kể từ khi Thiên Chúa “dệt chúng ta” trong lòng mẹ, ta thấy rằng chúng ta được tạo nên cách lạ lùng. Chúng ta có thể ngạc nhiên, “vì công cuộc của Ngài thật diệu huyền.” Chúng ta không thể thấu hiểu hết được mầu nhiệm của Thiên Chúa, nhưng ta có thể thông qua môi trường sống xung quanh mà cảm nghiệm những điều lạ lùng của Chúa.

Luca cho ta biết sứ điệp của Chúa Giêsu cho các môn đệ là một lời tiên báo họ sẽ đối mặt với những khó khăn khi rao giảng về Ngài. Chính Chúa Giêsu còn bị người ta khinh dể và chối từ, thì những ai theo Ngài cũng khó tránh khỏi. Tuy nhiên, người thông minh, khiêm nhường và tin Chúa như Gióp mà còn không thể hiểu được những gì Chúa làm, thì làm sao mà người khác có thể hiểu và chấp nhận được Chúa?





Lm. Tôma Lê Duy Khang

“Ai nghe các con, tức là nghe Thầy và ai khinh dễ các con, là khinh dễ Thầy. Mà ai khinh dễ Thầy là khinh dễ Đấng đã sai Thầy.”

Cách nói này của Chúa Giêsu giống như cách nói thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng, nên chúng ta thường được mời gọi hãy sống tốt lành, hãy làm chứng cho Chúa bằng lời nói, cũng như bằng những hành động cụ thể của chúng ta, vì lời nói lung lay, gương lành lôi kéo.

Và cách nói này của Chúa Giêsu đi theo thuận lý từ dưới đi lên. Tại sao Chúa Giêsu lại dùng thuận lý từ dưới lên trên như thế này, mà không đi theo chiều ngược lại đó là: Ai nghe Thầy, thì họ sẽ nghe các con, ai khinh dễ Thầy, thì họ sẽ khinh dễ các con? Sao Chúa không dùng thuận lý đó để dạy các môn đệ?

Thưa vì bối cảnh Tin Mừng lúc này là bối cảnh Chúa chọn thêm 72 môn đệ để sai các ông đi đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới, nghĩa là đi trước để tiền trạm, vậy những thành và những nơi mà 72 môn đệ tới đó, Chúa Giêsu chưa tới, vì Chúa Giêsu chưa tới nên làm sao mà những người này biết Chúa Giêsu để mà nghe theo Người, hay là khinh dễ Người. Chỉ có các môn đệ là người đi trước, nên họ biết các môn đệ như thế nào thì họ mới nghe Chúa, và đón nhận Chúa.

Nhưng chúng ta đảo ngược Lời Chúa lại được hay không? Nghĩa là theo thuận lý từ trên đi xuống, đó là ai nghe Thầy, thì sẽ nghe các con, ai khinh dễ Thầy, thì họ khinh dễ các con.

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải đọc lời Chúa trong tính tổng thể của nó, chứ không phải theo suy luận của chúng ta, đó là chúng ta hãy nhớ đến đoạn Lời Chúa trong Tin Mừng theo thánh Gioan. Trong Tin Mừng này Chúa nói: “Nếu thế gian ghét các con vì thế gian đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18). Và chúng ta biết sở dĩ thế gian ghét Chúa là vì đây là nhóm thuộc về thế gian thù ghét theo nghĩa của Tin Mừng theo thánh Gioan, chính vì họ ghét Chúa nên họ cũng ghét các môn đệ của Chúa.

Vậy, chúng ta có thể đảo ngược Lời Chúa được trong trường hợp này, vì có nền tảng Thánh kinh là dựa vào Tin Mừng theo thánh Gioan.

Bên cạnh đó chúng ta có thể đảo ngược lại, là vì bối cảnh đó như thế nào, chẳng hạn là bối cảnh của việc người ta biết Chúa rồi, mà người ta khinh dễ Chúa, người ta không nghe Chúa, thì đương nhiên người ta sẽ không nghe chúng ta và khinh dễ chúng ta, đó là điều dễ hiểu.

Chẳng hạn như các nước tự do phương Tây ngày nay, cụ thể là Pháp, được mệnh danh là trưởng nữ của Giáo hội, thế nhưng ơn gọi ngày càng sa sút, người ta cũng chẳng còn coi trọng việc đi tu, người ta coi các linh mục như những công chức, nhiều nhà thờ phải đóng cửa, lý do vì họ đã không còn nghe Lời Chúa, vì họ không còn tôn trọng Chúa, nên các linh mục, những người nói về Chúa không được người ta đón nhận.

Như vậy, để có thể hiểu lời Chúa, chúng ta được mời gọi phải đọc lời Chúa trong tính tổng thể của nó, phải biết được hoàn cảnh của Lời Chúa như thế nào.

Thánh Giêrônimô mà chúng ta mừng lễ hôm nay, ngài có nói một câu như thế này: “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô.” Chính vì thế mà ngài đã dành hết thời gian của ngài để dịch bộ kinh thánh từ tiếng Hy Lạp ra tiếng Latin, để cho có nhiều người tiếp cận Lời Chúa, để họ biết lời Chúa qua đó mà biết Chúa Kitô.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết siêng năng học hỏi nghiên cứu Lời Chúa, để chúng ta được biết Chúa Kitô và yêu mến Ngài một cách sâu sắc hơn, để khi biết Chúa và yêu mến Chúa, chúng ta cũng được mời gọi làm cho người khác, là những người đã biết Chúa mà nguội lạnh, cũng như những người chưa biết Chúa, được biết Chúa và yêu mến Chúa qua chính đời sống, qua chính lời rao giảng của chúng ta. Amen.



 


Lm. Antôn Trần Quốc Huy 

Lời Chúa: “Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom đủ mọi thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài.” (Mt 13,47-48)

Suy niệm: Có một câu chuyện kể rằng: một thiếu nữ bị viêm phổi nặng, cô ngồi cuộn mình trên giường, nhìn ra cửa sổ và đinh ninh rằng khi chiếc lá cuối cùng trên cây trường xuân bên cửa sổ kia rụng xuống, cô cũng sẽ trút hơi thở cuối cùng. Ngày qua ngày, những chiếc lá bắt đầu rơi, sinh lực cô ngày càng cạn kiệt. Nhưng chiếc lá cuối cùng còn đeo đẳng mãi ở đó, nó không chịu rơi xuống. Cô dần dần bình phục, và rồi người ta khám phá ra rằng một người bạn của cô đã sơn chiếc lá cuối cùng ấy trên cửa sổ…

Ông bà anh chị em thân mến. Thiếu nữ trong cơn bệnh nặng dường như trở nên bi quan, và hình ảnh chiếc lá xanh tươi trên cây là động lực, là niềm hy vọng của cô vào cuộc sống. Động lực ấy giúp cô vượt qua được bệnh tật và đã giúp cô thoát khỏi cái chết đang gần kề.

Mỗi người chúng ta đều có mục đích và động lực để sống. Vậy động lực của chúng ta là gì nếu không phải là Thiên Chúa, mục đích cuối cùng của chúng ta là gì nếu không phải là đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu trên Thiên đàng.

Vận mạng đời sau của chúng ta là do cách sống của chúng ta ở đời này quyết định. Trần gian này được ví như biển cả bao la, con người giống như những loài cá sống dưới biển. Trong biển trần gian này có hai loại cá, sống lẫn lộn với nhau, một loại là cá tốt, một loại là cá xấu. Chúng ta biết rằng: cá tốt và cá xấu là do bản chất của nó, không thể thay đổi. Nhưng người tốt và người xấu thì có thể thay đổi. Người xấu có thể thay đổi thành người tốt và ngược lại. Chính vì thế, mỗi người chúng ta được mời gọi hãy thay đổi mình mỗi ngày để trở nên tốt hơn, mỗi ngày nên thánh thiện hơn. Để khi chiếc lưới được thả xuống, tức là ngày chúng ta phải ra trước tòa Chúa, chúng ta là loại cá tốt, chúng ta được cho vào giỏ, nghĩa là chúng ta được vào Thiên đàng vinh phúc. Nếu được như thế, thật là niềm hạnh phúc vô bờ cho chúng ta. Ngược lại, nếu chúng ta không chịu thay đổi để trở thành người tốt, chúng ta khi ấy giống như những con cá xấu, sẽ bị vứt ra ngoài. Khi ấy thật là bất hạnh cho chúng ta. Chính vì thế, chúng ta hãy thay đổi bản thân mình ngày nào còn có thể.

Cầu nguyện: Hạnh phúc hay bất hạnh là do chọn lựa của chúng con ở trần gian này. Xin Chúa cho chúng con luôn biết khôn ngoan chọn lựa hạnh phúc Nước Trời qua việc chúng con từ bỏ con người xấu xa tội lỗi, mà biến đổi trở nên con người thánh thiện hơn. Amen.

 


 


Thứ Bảy Tuần XXVI Thường Niên
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh nữ, Ts. HT. Bổn mạng các xứ truyền giáo (LK)

(Is 66,10-14c (hay Rm 8,14-17);Mt 18,1-5)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Is 66,10-14c: Đây Ta khiến sông bình an chảy vào nó.

Tv 131: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Mt 18,1-4: Nếu không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời.

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Trinh Nữ và Tiến Sĩ Hội Thánh, với lời mời gọi trở nên giống trẻ nhỏ khi vào Nước Thiên Chúa. Con đường nhỏ của thánh Têrêsa là một cách cụ thể để đáp lại lời mời gọi đó. Trở nên như một đứa trẻ để thấy được sự vĩ đại của Chúa là một cách thể hiện tấm lòng biết ơn. Đó là một con đường yêu thương. Con đường này cần tìm được sự bình an trong tình yêu của Chúa. Chúa là nguồn bình an và sẽ lan tỏa bình an phong phú như dòng sông.

Các bài đọc dành riêng của ngày hôm nay bày tỏ một cách cụ thể để sống nên thánh và bình an. Thánh Têrêsa giữ cuộc sống của mình trong sự bình an của Chúa Kitô. Thánh nhân yêu hoa hồng và muốn cuộc sống của mình giống như một bông hồng nhỏ dâng vẻ đẹp của nó cho Chúa. Vì vậy, ngài dâng hiến cuộc đời mình trong bàn tay Chúa, tâm hồn ngài thinh lặng và thanh thản như đứa trẻ trong lòng mẫu thân. Như trẻ thơ trong lòng thân mẫu, nên lòng ngài không tự đắc, mắt cũng chẳng kiêu kỳ; cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn. Chúng ta học hỏi lời Chúa và cách sống của Têrêsa để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn bây giờ và mãi mãi.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, chắc chúng ta cũng một lần thấy tượng ảnh của thánh nữ. Khi nhìn tượng ảnh, chúng ta thấy được một thánh nữ trẻ đẹp, trên tay thì cầm hoa hồng.

Thế nhưng, nhiều khi chúng ta chỉ nhìn thấy hoa hồng, mà không thấy được làm sao để có hoa hồng? Vậy làm sao để có?

Cha giáo Stanislao Hoàng Đắc Ánh, trong một bài giảng cho các chị nhà kín dòng Cátminh Sài Gòn nhân dịp lễ thánh Têrêsa Hài đồng vào năm 1988 đã chia sẻ như sau: “Đừng thấy hình thánh nữ Têrêsa trẻ, đẹp, ôm hoa hồng mà lầm tưởng như tôi rằng đời của chị lúc nào cũng khoái lạc, nhàn nhã.”

Ngài kể: “Lúc tôi lên sáu, ba má gởi tôi đi học trường các nữ tu. Các nữ tu này xưng mình là “Mến Thánh Giá”. Các bà có “Mến Thánh Giá” không, tôi không biết nhưng rõ ràng là các bà “mến Thánh Têrêsa”. Sau bất cứ câu kinh nào, các bà cũng bắt chúng tôi thêm: “Chị thánh Têrêsa Giêsu Hài Đồng, cầu cho chúng em”. Hơn nữa, để chúng tôi nhớ, các bà đặt tượng: tượng ở ngoài cổng, tượng ở trong lớp và còn tượng ở giữa sân chơi nữa. Tượng chị thánh Têrêsa trẻ, đẹp, ôm hoa hồng, làm chúng tôi cứ tưởng là chị đứng coi tụi em chơi, rồi thưởng hoa hồng cho những đứa nào chơi mà không ăn gian, không gây lộn.

Thế rồi, một hôm, không biết tại sao, cha sở không cho con trai học chung với con gái, nên tôi phải qua trường nam học. Từ đó, tôi không được nghe nói về Thánh nữ nữa. Cũng từ đó, khi nghe nói đến thánh nữ Têrêsa là tôi hình dung một nữ tu trẻ, đẹp, ôm hoa hồng.

Lần đầu tiên, cách đây chín, mười năm, khi được Mẹ Bề trên Đan viện Cát minh này nhờ nói về thánh nữ Têrêsa, tôi đã lật sách nghiên cứu về hoa hồng để nói. Nhưng trời đất! Tôi không thấy hoa, mà chỉ thấy gai. May mà một nhà thần học chuyên môn về đời sống và tư tưởng của chị thánh Têrêsa có nói: “về đời sống thánh nữ Têrêsa thì hoa hồng là mặt ngoài mà gai nhọn là mặt trong: chính đau khổ đã biến thành nhân đức mới trổ ra hoa hồng.”

À! thì ra hoa hồng là thế. Mà lầm tưởng như vậy là tại tôi, vì trên tay chị thánh Têrêsa tôi chỉ nhìn hoa hồng mà không nhìn thấy sau hoa hồng là cây Thập giá. Mỗi lần mừng đại lễ thánh nữ Têrêsa, đan viện này đã phát ra hàng vạn hoa hồng chắc là để nhắc chúng ta hãy biến đau khổ thành nhân đức, thứ hoa hồng thiêng liêng quý giá hơn thứ hoa hồng thiên nhiên nhiều.”

Hiểu được như thế, chúng ta thấy, những ai thích nhàn nhã, không chịu cố gắng, ngại hy sinh thì chẳng bao giờ thành công được. Chúng ta sống trên cuộc đời này thì phải có thành công, không phải là thành công nhỏ mà là thành công lớn, nói như Nguyễn Công Trứ: “Đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông.” Nhưng để thành công lớn phải chịu hy sinh, chịu vất vả mới có được. Có người nói: Muốn thành công phải trải qua thất bại, trên đường đời, có dại mới có khôn.

Có một câu chuyện kể về bậc thang và bức tượng như thế này:

Cùng là một tảng đá: một nửa làm thành một bức tượng tâm linh và một nửa làm thành bậc thang.

Bậc thang không phục mới hỏi bức tượng rằng: “Chúng ta vốn dĩ cùng là đá, tại sao người ta chà đạp tôi nhưng lại sùng bái Người?”

Bức tượng mỉm cười nhẹ nhàng trả lời: “Vì ngươi chỉ chịu đựng có bốn nhát dao đã có được hình hài đó, còn ta lại trải qua trăm ngàn ngọn dao đục đẽo và đớn đau muôn vàn.”

Lúc đó bậc thang im lặng...

Mừng lễ thánh nữ Têresa Hài đồng hôm nay, chúng ta không chỉ được mời gọi nhìn thấy được sự thành công của thánh nữ, nhưng chúng ta còn được mời gọi hãy nhìn hãy học, hãy noi gương thánh nữ trong việc làm thế nào để thành công, đó mới là bài học đắt giá cho mỗi người chúng ta. Amen.