03/09/2022
369
Suy niệm hằng ngày_Tuần XXIII Thường Niên














 

Chúa Nhật Tuần XXIII Thường Niên



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Kn 9,13-18: Ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn.

Tv 90,1: Thân lạy Chúa, Ngài là chỗ chúng con dung thân, từ đời nọ trải qua đời kia.

Plm 9b-10.12-17: Con hãy tiếp nhận nó không phải như một người nô lệ, nhưng như một người anh em rất thân mến.

Lc 14,25-33: Ai không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta.

 

Để có thể hiểu và thấm nhuần lời dạy dứt khoát của Chúa Giêsu hôm nay ta kết nối với Tin mừng Matthêu chương 22. Matthêu cho biết mến Chúa và yêu người là điều răn trọng nhất. Để trở thành môn đệ của Chúa thì phải yêu mến Chúa hơn tất cả mọi người và mọi sự xung quanh. Đó là một đòi hỏi triệt để và tận căn.

Một môn đệ đích thực phải có lòng trung thành không phân rẽ đối với Chúa Giêsu trên hết tất cả sự trung thành khác, kể cả sự trung thành với một ai đó. Sự cam kết như vậy sẽ có lúc làm ta tách rời những người họ hàng thân thuộc của chúng ta, hay là nghịch lại với những ước vọng và những lời cầu chúc tốt đẹp. Với kinh nghiệm của một nông dân, việc xắn một mương nước trong đám ruộng có vẻ như là chia cắt, tách rời thửa đất; tuy nhiên chính sự chia cắt đó lại tạo nên một đường dẫn nước làm cho màu mỡ đất đai và tạo sức sống cho cây cối. Vậy, dòng nước kết nối hai thửa đất thế nào thì tình yêu của Chúa cũng kết nối mọi người và làm cho đời sống càng thêm phong phú. Tan rồi hợp!



 

Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên
(1Cr 5,1-8; Lc 6,6-11)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 5,1-8: Anh em hãy tẩy trừ men cũ, vì Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế.

Tv 5,9: Lạy Chúa, xin dẫn con trong đức công minh.

Lc 6,6-11: Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không.

Tin mừng cho ta thấy thái độ không tốt của những người luật sĩ và biệt phái. Họ dò xét Đức Giêsu từng cử chỉ một để tìm cớ bách hại Ngài. Việc tốt Chúa làm đâu kể ngày giờ. Còn với những người nệ luật thì phải là giờ nào ngày nào thì làm việc nào. Họ lập chương trình cho con người như cái máy. Thêm vào đó, họ lên chương trình cho cả Chúa nữa. “Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không.” Họ đâu hiểu rằng, với Thiên Chúa thì tình yêu của Ngài là nhất. Vì yêu, Chúa không câu nệ bất cứ điều gì để có thể đem lại bình an, hạnh phúc cho con người. Từng lời nói và việc làm của Chúa thật đẹp và thật đáng yêu làm sao.

Tố Hữu viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người với người sống để yêu nhau.” Có thể một lời thơ không nói lên hết vẻ đẹp và tình yêu của con người dành cho nhau. Một cách mạnh mẽ hơn nữa khi có thể nhấn mạnh rằng “Tình yêu Chúa cao vời biết bao, làm sao biết đáp đền thế nào để cho cân xứng.” Thay vì bắt bẻ từng lời nói, cử chỉ thì hãy yêu nhau đi, thương nhau đi, chăm sóc nhau đi cho đời thêm đẹp, thêm tươi, thêm vui, và vơi đi buồn đau khổ sầu.





Lm. Tôma Lê Duy Khang
 

Tin Mừng hôm nay trình bày câu chuyện Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy trong ngày Sabat, và ở đó có một người bị bại tay hữu. Những người luật sĩ và biệt phái quan sát xem Chúa Giêsu có chữa cho người này hay không để tố cáo người.

Chúng ta thấy, Chúa Giêsu biết được âm mưu của họ nhưng Người vẫn chữa, vì sao vậy?

Vì đó là sứ vụ của Chúa Giêsu: “Thánh Thần Chúa ngự trên Tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong Tôi, để Tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, Ngài sai Tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Như vậy, việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bại tay, không chỉ thuần túy là chữa lành người này, mà còn thực thi sứ mạng chữa lành cho những người luật sĩ và biệt phái nữa, nghĩa là nhân cơ hội này Chúa muốn chữa lành căn bệnh cố chấp của họ, Chúa muốn họ phải có một cái nhìn mới về việc giữ luật, nên Chúa đã hỏi họ: “Ngày Sabat được phép làm điều lành hay sự dữ, được cứu sống hay là giết chết?” Bởi vì đối với họ ngày Sabat là không được phép làm gì cả, dù lành hay dữ. Nhưng tại sao những người luật sĩ và biệt phái lại có tư tưởng cố hữu như thế, và không thể thoát ra được tư tưởng đó, và cũng muốn người khác phải mang tư tưởng đó như mình?

Tôi có đọc câu chuyện Cái Cọc Nhỏ Của Con Voi với nội dung như thế này.

Sau khi thưởng thức tiết mục xiếc thú vô cùng đặc sắc, một thanh niên đi vòng ra sau rạp để ngắm tận mắt những con thú dễ thương. Bất ngờ, anh nhìn thấy con voi to khỏe bị buộc chặt vào một cọc gỗ nhỏ. Rõ ràng là con voi đủ khỏe để nhổ bật cái cọc và trốn thoát bất cứ lúc nào một cách dễ dàng.

Anh bèn hỏi người dạy thú: “Sao ông buộc con voi to khỏe với một chiếc cọc nhỏ thế kia, không sợ nó lồng lên và chạy mất sao?”

“Nó sẽ không chạy đâu.” Người dạy thú đáp.

“Ông có chắc không, sao lại có thể như thế được?” Người thanh niên tiếp tục thắc mắc.

Lúc này thì người dạy thú mới giải thích: “Cách đây nhiều năm, lúc mới vào rạp xiếc, nó chỉ là một chú voi con. Lúc ấy, nó bị buộc bằng một sợi xích lớn vào một cọc sắt để giữ cho nó không thể bật ra. Sau một thời gian cố gắng chạy thoát nhưng không được, nó bỏ cuộc.

Dấu ấn lúc bé cùng tư tưởng “Mình không thể” đã làm yếu đi sức mạnh tinh thần và chính cái tư tưởng cố hữu mới là thứ xiềng xích nó chứ không phải cái cọc bé nhỏ kia.”

Những người biệt phái và luật sĩ này cũng như thế! Chúng ta thấy, bản thân họ cũng có đủ khả năng để thoát ra khỏi tư tưởng cố chấp đó hay không? Thưa có thể, và nhiều khi họ dư sức hiểu điều đó, nhưng có thể vì đã được đào luyện từ nhỏ, bị ảnh hưởng bởi ông bà tổ tiên, nên họ không muốn vượt qua giới hạn đó, chính vì thế mà Chúa Giêsu đã giúp cho họ khai thông tư tưởng, để họ có thể vượt qua tư tưởng cố hữu của mình.

Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng qua lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu cũng muốn chữa lành cho chúng ta, Chúa Giêsu cũng muốn khai thông tư tưởng cho chúng ta, chứ không phải chỉ riêng những người biệt phái và Pharisêu. Chúa Giêsu muốn chúng ta giữ luật vì yêu mến chứ không phải vì đó là luật, Chúa muốn chúng ta đừng lấy luật ra mà xét đoán, mà kết án anh chị em của mình, Chúa muốn chúng ta khi thấy người khác làm việc tốt lành thì đừng ganh tỵ, mà hãy cộng tác… Chúa muốn chúng ta vượt qua giới hạn của bản thân mình để thực thi lời Chúa.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết mở lòng ra đón nhận Lời Chúa, để Lời Chúa soi lòng mở trí cho chúng ta, giúp chúng ta làm được những điều mà chúng ta tưởng mình không thể làm được. Amen.




 

Thứ Ba Tuần XXIII Thường Niên
(1Cr 6,1-11; Lc 6,12-19)
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 6,1-11: Anh em có việc kiện tụng nhau, và đem đến trước mặt người ngoại.

Tv 149,4: Chúa yêu thương dân Người.

Lc 6,12-19: Suốt đêm, Người cầu nguyện, Người chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ.

 Kinh nghiệm của người đời trong việc hóa giải những bất hòa trong gia đình hay cộng đoàn là “về nhà đóng cửa bảo nhau.” Chuyện không tốt thì càng ít người biết càng tốt. Sửa sai thì âm thầm nhưng khen thưởng thì công khai mới là cách giúp cho người ta tiến bộ. Bài học ở đời cũng có nét giống với những lời dạy của Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô hôm nay. Nếu phải góp ý hay sửa lỗi cho nhau thì lựa lời mà nói chứ không phải cứ kiện tụng nhau, đưa nhau ra tòa đời để giải quyết. Công kích nhau chỉ làm tăng nỗi đau.

Ngày nay lại có một xu hướng khác gây bất hòa, đó là công kích ở không gian mạng. Các cư dân mạng tố cáo nhau hay tự bản thân người nào đó đăng tải những ý tưởng cạnh khóe người khác, và kết án như thẩm phán vô danh, kể cả nêu đích danh cũng có luôn. Những hoạt động như vậy không đem lại bình an và hạnh phúc thật sự. Noi gương Chúa Giêsu, ta dành thời giờ để trò chuyện với Chúa trước khi đưa ra những lời nói hay việc làm quan trọng. Vì khi ta nghĩ đến lợi ích và thanh danh của người khác thì ta mới có thể hy sinh cái tôi của mình. Theo Chúa, ta học tập và thực hành những điều tốt cho người khác ngay từ trong tư tưởng.






Lm. Tôma Lê Duy Khang

Hôm nay, Tin Mừng trình bày cho sự kiện Chúa Giêsu chọn 12 tông đồ, để kế thừa sứ vụ của Chúa ở trần gian này, sau khi Chúa về trời.

Và để chọn được 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha, chứ Ngài không bao giờ chọn theo sở thích hay cảm tính. Và chúng ta thấy trong suốt thời gian các môn đệ đi theo Chúa, Chúa không thiên vị riêng tư một người nào cả, nhưng đào tạo các ông như nhau, nhờ đó mà sau này, khi mà Chúa Thăng Thiên, các ông đã mạnh dạng tuyên xưng đức tin để làm chứng cho Chúa.

Thế nhưng chúng ta thấy, dù được Chúa Giêsu cầu nguyện suốt đêm để chọn lựa, dù được đào tạo như nhau, vậy tại sao lại có người phản bội Chúa, có người vẫn chối Chúa, có người vẫn bỏ Chúa để đi về quê?

Thưa vì Chúa tôn trọng tự do của con người. Chúng ta hãy nhớ lại, khi tạo dựng con người giống hình ảnh của Chúa, Thiên Chúa yêu thương con người, nên đã ban cho con người có tự do. Thế mà con người không biết cám ơn Chúa vì ơn huệ đó bằng cách dùng tự do Chúa ban để đáp lại tình thương của Ngài, nhưng ngược lại, con người đã lạm dụng tự do mà làm những điều trái với thánh ý của Chúa.

Thế thì, vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là Thiên Chúa ban cho con người tự do để làm gì, để rồi con người lạm dụng tự do, mà phản bội Thiên Chúa? Sao Thiên Chúa không lấy lại tự do của con người? Thưa vì Thiên Chúa không muốn con người trở thành Robot, đặt đâu ngồi đó, kêu gì làm đó, bởi con người là con người.

Tôi có đọc một bài viết, kể về một tình huống của một anh học giáo lý dự tòng, đã hỏi một câu hỏi cũng tương tự như thế, khi được dạy về tội nguyên tổ cùng với cây trái cấm.

Anh này là sinh viên năm 3 y khoa đã đặt câu hỏi cho linh mục phụ trách của anh: “Thưa cha, theo suy nghĩ của con, Thiên Chúa chẳng khôn ngoan tí nào khi dựng nên cây biết lành biết dữ ngay giữa vườn địa đàng...! Nếu là con thì con sẽ cho nó mọc bên kia núi, bên kia biển, hoặc tốt nhất là... đừng dựng nên... Con người sẽ không bao giờ đau khổ, tội lỗi, chết chóc vì cái cây mắc dịch này... Xin cha giải quyết thắc mắc cho con...”

Vị linh mục tự nhủ thầm: “Chúa ơi, chưa bao giờ có người có đạo nào thắc mắc như thế cả. Ai dám nói Chúa thiếu khôn ngoan, cái cây mắc dịch!”

Và ngài cũng quýnh quáng lên, quên hết cả thần học tín lý, cours Sáng thế với chú giải, nhớ lại không kịp vì đột xuất quá...

- Trước hết anh xin lỗi Chúa đi... anh kết luận vội vàng quá... Trước khi tạo dựng con người Chúa nói: Ta sẽ dựng con người giống hình ảnh Ta, có nghĩa là Ngài sẽ dựng nên con người có linh hồn, ý chí và tự do... Từ lúc đó Ngài đã dựng cây trái cấm rồi, tượng trưng linh hồn, tự do và ý chí đã hình thành ngay trong ý tưởng tạo dựng nên con người của Thiên Chúa...

Khi con người đã được dựng nên thì nhận ra ngay sự lành sự dữ ở giữa họ, ở bên họ và ở trong họ...Nói cách khác họ nhận ra mình có tự do và ý chí... Khái niệm tự do và ý chí được tác giả sách Sáng thế cụ thể hóa bằng hình ảnh cây biết lành biết dữ...Và cây có giá trị bậc nhất này chỉ ở giữa loài người chúng ta, tập thể, cá nhân, nhờ nó chúng ta nhận ra tội -phúc, đáng làm-không nên làm, lương tâm hình thành và có vai trò quan trọng giúp phán đoán và hành động cho ra con người.

Chúng ta thấy, vì Chúa cho con người có tự do, đặt để tự do ngay khi tạo dựng con người, và con người khác con vật ở chỗ con người có ý chí, lý trí, có linh hồn, có tự do, nên con người đã lạm dụng tự do mà bất phục tùng Thiên Chúa, cụ thể là Giuda, đã phản bội Chúa, Phêrô chối Chúa, các môn đệ khác thì bỏ chạy tán loạn.

Thế nhưng sau đó, cũng vì tự do mà Giuda không trở về với Chúa để đi thắt cổ đổ ruột, còn Phêrô trở lại với Chúa và Chúa đã trao phó đoàn chiên của Ngài cho ông coi sóc, các môn đệ khác đã trở về với Chúa để làm chứng cho Ngài.

Vậy Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta phải biết cám ơn Chúa, vì Chúa đã ban cho chúng ta tự do, ban cho chúng ta tự do ngay khi tạo dựng nên chúng ta và để hiện thực hóa lời cám ơn này, chúng ta hãy dùng tự do đó mà đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, để trở thành người môn đệ đích thực của Chúa, để làm chứng cho Chúa ở trần gian này, chứ đừng lạm dụng tự do của mình để làm sai ý định của Chúa, nếu có lạm dụng tự do mà sa ngã thì cũng hãy biết dùng tự do đó mà trở về với Chúa, đừng dùng tự do đó mà đi sai lạc xa Chúa như Giuda. Amen.




 

Thứ Tư Tuần XXIII Thường Niên
(1Cr 7,25-31; Lc 6,20-26)
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 7,25-31: Ngươi bị ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cách tháo gỡ. Ngươi không còn ràng buộc với vợ ư? Ngươi đừng tìm cưới vợ nữa.

Tv 44,11: Xin hãy nghe, thưa nương tử, hãy coi và hãy lắng tai.

Lc 6,20-26: Phúc cho những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là kẻ giàu có.

Thánh Phaolô trình bày những đánh đổi liên quan đến việc dấn thân vào đời sống hôn nhân và gia đình và các ơn gọi phục vụ khác. Chúng ta được sinh ra để phục vụ, và ơn gọi của ta sẽ có những trở ngại, thử thách và khó khăn. Phúc âm trình bày sự tương phản giữa các mối phúc và khốn khó. Bài giảng của Chúa Giêsu khuyến khích những người đau khổ và cảnh báo cho những người đang vui hưởng sự giàu có, đầy đủ, vui cười, và vinh phúc.

Người nghèo khó về vật chất thì rất đông, và người khổ về tinh thần cũng không ít. Người ta cũng đói khát về tình thương và công lý. Bên cạnh những người khốn khó thì có rất nhiều người sống trong tiện nghi đủ đầy và vinh quang. Nghèo hay giàu thì không phải là tội. Nhưng Chúa Giêsu muốn nhắm đến tinh thần tương trợ, san sẻ và thái độ phục vụ lẫn nhau. Nghèo thì đáng thương nhưng cũng cần biết tựa nương vào Chúa. Giàu vật chất thì cũng cần giàu nhân nghĩa trong việc sẻ chia. Vậy, nếu mọi người phục vụ nhau trong tinh thần yêu thương thì đời đẹp biết bao. Phúc cho ai nghèo mà có Chúa đồng hành và cũng phúc cho những ai giàu mà có tấm lòng quảng đại của Chúa. 






Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ 4 mối phúc và 4 mối không phúc. Nhưng theo cái nhìn của chúng ta, bốn mối phúc dường như là không phúc, còn 4 mối không phúc lại xem ra là có phúc, tại sao lại có một điều hơi nghịch lý vậy?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta sẽ dựa vào nền tảng Kinh thánh để trả lời.

Chúng ta biết, Tin Mừng theo Thánh Luca chương 10 có thuật lại sự việc Chúa Giêsu chọn thêm 72 môn đệ nữa, vì lúc trước Chúa đã chọn 12 môn đệ rồi. Vậy Chúa chọn thêm để làm gì? Thưa để đi tiền trạm cho Chúa, nghĩa là đi rao giảng Lời Chúa: “Người sai các ông cứ đi từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.”

Sau đó, Chúa đưa ra nguyên tắc: “Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường.”

Chúng ta thấy nguyên tắc Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ so với ngày nay có ngược đời không? Quá ngược đời, nhưng nếu đào sâu tìm hiểu chúng ta sẽ thấy nó hữu lý.

Bởi vì, chúng ta biết nội dung lời rao giảng là: “Vào nhà nào anh em hãy nói bình an cho nhà này,” và để có bình anh trao ban cho người khác thì chính chúng ta phải có bình an, vì không ai cho cái mà mình không có.

Chính vì thế mà Chúa đã đưa ra nguyên tắc “Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường,” vì Chúa không muốn các môn đệ của Chúa có được sự bình an dựa vào những của cải vật chất, túi tiền bao bị giày dép, vì nếu đặt bình an dựa trên những thứ đó, thì khi không còn tiền bạc của cải, thì sự bình an cũng tan biến theo, để rồi lấy gì mà trao ban cho người khác.

Chúng ta hãy nhớ lại trong thư của thánh Phaolo tông đồ gởi tín hữu Galat chương 6, thánh Phaolo đã nhắc nhở tín hữu Galat không được tìm sự hãnh diện nơi bất cứ điều gì mà thế gian dâng tặng chẳng hạn như uy quyền, danh vọng địa vị, tiền của hưởng thụ, niềm hãnh diện của người tín hữu là ở nơi thập giá của Đức Kitô, vì nhờ thập giá mà họ được rửa sạch tội lỗi và được giao hòa với Thiên Chúa, niềm xác tín này phải in sâu nơi tâm hồn của mọi tín hữu để họ đừng bị lung lay bởi bất cứ học thuyết nào hay bất cứ những cám dỗ nào của thế gian. Điều đó muốn nói với chúng ta Chúa là nguồn bình an.

Hiểu được như thế, chúng ta thấy điều Chúa dạy là điều hữu lý, bởi vì khi nghèo khó, khi phải đói, khi khóc, khi bị ngược đãi sỉ vả, thì dễ có khuynh hướng đặt Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình, nên sẽ là người có phúc, sẽ có được những điều mà Chúa ban cho.

Còn những người giàu có, những người được no nê, những người vui cười, những người được mọi người ca tụng, thì khó có khuynh hướng đặt Chúa làm trung tâm của cuộc đời, mà đã không đặt Chúa làm trung tâm của cuộc đời, thì làm sao là người được xem là có phúc.

Chúng ta hãy nhớ, nghèo khó, khóc lóc, đói khổ, bị ngược đãi, sỉ vả, thì dễ có khuynh hướng, chứ không phải là luôn luôn, còn giàu có, no thỏa, vui cười, được ca tụng, thì khó có khuynh hướng chứ không phải ai cũng vậy.

Nên lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy một điểm quan trọng nữa, đó chính là ý hướng của con người, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, mà biết đặt Chúa là trung tâm, thì chắc chắn sẽ có hạnh phúc và bình an đích thực. Còn những cái bên ngoài chỉ là điều kiện ngoại tại để làm cho chúng ta có thể dễ hay khó hướng về Chúa, chứ không phải là yếu tố quyết định cuộc đời của mình, là có phúc hay không có phúc.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như thế, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, cũng không mặc cảm vì tôi giàu có, vì tôi vui cười, vì tôi hạnh phúc là tôi vô phúc, hay kiêu ngạo vì tôi nghèo khó, vì tôi đói khổ, vì tôi khóc lóc thì tôi có phúc hơn những người khác. Nhưng điều làm nên phúc hay không phúc là ý hướng ngay lành của chúng ta biết đặt Chúa làm trung tâm của cuộc đời mình. Amen.




 

Thứ Năm Tuần XXIII Thường Niên

Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria (LK).

(Mk 5, 1-4a (hay Rm 8,28-30); Mt 1,1-16.18-23 (hay Mt 1,18-23)

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân


Mk 5,1-4a: Đến khi người nữ phải sinh, sẽ sinh con.

Tv 13: Con sẽ hớn hở vui mừng trong Chúa (Is 61,10).

Mt 1,1-16.18-23: Bà đã thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.

 Hôm nay, Giáo hội mừng ngày lễ kính Đức Mẹ với danh hiệu: “Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria”. Chúng ta không thể biết chắc Mẹ Thiên Chúa được sinh ra vào lúc nào. Tất nhiên, Sách Thánh không ghi lại sự ra đời của Mẹ. Ý nghĩa của sinh nhật Đức Maria là gì? Sinh nhật của Mẹ không chỉ là sự khởi đầu của cuộc đời Mẹ, mà còn mang đến niềm hy vọng mới về sự ra đời của Đấng sẽ cho mọi người tái sinh bằng cách trở thành con cái của Thiên Chúa. Matthêu cho biết, “Bà đã thụ thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.” Mẹ sẽ sinh hạ một con trai, tên con trẻ là Emmanuel. Đây là lý do tại sao sinh nhật của Đức Maria có vai trò quan trọng đối với các con của Mẹ trong Giáo hội.

Mẹ Maria là một người nữ của đức tin. Mẹ là hình mẫu của cuộc hành hương đức tin của chúng ta. Thánh Gioan Phaolô II bày tỏ rằng: từ Mẹ Maria, ta học cách vâng phục ý muốn của Thiên Chúa trong mọi sự và tin tưởng ngay cả khi mọi hy vọng dường như không còn. Và rồi, chúng ta học cách yêu mến Đức Kitô, Con của Mẹ và Con của Thiên Chúa. Thánh Gioan Maria Vianney tin rằng, “Phục vụ Nữ vương Thiên đàng là đã trị vì ở đó, và sống theo mệnh lệnh của Mẹ còn hơn là cai quản bản thân.” Chúc mừng sinh nhật Mẹ Maria!





 

Lm. Tôma Lê Duy Khang

Trong tuyển tập “Điển tích xưa cũ” có một tích mang tên “Thôi Nôi” được cha Giuse Maria Nhân Tài dịch như thế này:

Danh tướng Tào Bân thời Tống Thái tổ, lúc được một năm tuổi thì cha mẹ vì muốn lường trước chí hướng và tiền đồ của ông ta, nên bỏ vào trong “cái nôi một tuổi” hơn một trăm món đồ chơi, để ông ta tự do chọn lấy món mà mình thích, kết quả Tào Bân chụp lấy can qua (chiến tranh) và con dấu, sau này quả thật trở thành một võ tướng, và được phong làm quốc công của nước Lỗ.

Do việc này, mà người ta tin tưởng “tuổi thôi nôi” có thể lường trước được vận mệnh tương lai của một người, và dần dần diễn biến thành tập tục thôi nôi như sau: trẻ em sau khi sinh được một năm tuổi và sau khi tế tổ xong, thì nơi thần đàn trong phòng khách lớn chuẩn bị cái sàn gạo để làm cái dĩa thôi nôi, bên trong bỏ từ mười hai đến mười bốn loại vật phẩm, ví dụ như sách, viết, mực, tỏi, cái cân, hành, tiền bạc.v.v... để cho em bé chú ý lấy một loại, rồi bói xem tính tình sở thích và chức nghiệp tương lai của em bé.

Như vậy, theo câu chuyện trên và cũng theo chúng ta biết, để có thể ăn thôi nôi thì người ta phải có điều kiện gì? Thưa phải tròn một năm tuổi, người ta tổ chức ăn thôi nôi, và cứ như thế, mỗi năm khi đến ngày đó, tháng đó thì người ta lại tổ chức tiệc mừng nếu gia đình có điều kiện, còn không thì thôi, nhưng lần này không gọi là thôi nôi nữa, mà là mừng sinh nhật.

Đức Maria của chúng ta, không biết Mẹ có ăn thôi nôi hay không, chúng ta không biết, vì Kinh Thánh không có ghi chép lại, nhưng Giáo Hội mừng kính ngày sinh nhật Đức Maria từ thế kỷ thứ sáu.

Như vậy là từ thế kỷ thứ sáu đến nay, năm nào Đức Mẹ cũng được Giáo Hội mừng lễ sinh nhật, có phải là do Đức Mẹ có điều kiện thật, nên mới được tổ chức sinh nhật hằng năm như thế này? Chắc chắn, đó không phải là lý do chính đáng theo cách nghĩ của con người, mà lý do Giáo Hội muốn cử hành lễ sinh nhật cho Đức Mẹ là vì Giáo Hội muốn nhắc lại cho chúng ta ý thức sứ mạng của Đức Mẹ, Đức Mẹ được sinh ra, nuôi dưỡng và khôn lớn, để thi hành thánh ý Chúa trong cuộc đời của Mẹ.

Như vậy, sứ mạng của Đức Mẹ đã được Thiên Chúa chuẩn bị từ trước, chứ không phải như trong câu truyện “Thôi Nôi” ở trên, mừng thôi nôi để bắt một vật gì đó mà đoán vận mạng. Như thế, vận mạng cuộc đời của Đức Mẹ nằm trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa ngay từ đầu, chứ không phải do sự mê tín và khi Thiên Chúa cần đến Mẹ, thì Mẹ sẵn sàng cộng tác vào công trình của Chúa, qua việc Mẹ đáp lại bằng hai tiếng “Xin Vâng”.

Trong ngày lễ hôm nay, xin cho mỗi người chúng ta ý thức được sứ mạng cao cả của Đức Mẹ trong công trình cứu độ của Chúa. Thiên Chúa đã chuẩn bị cuộc đời của Mẹ. Qua đó, chúng ta cũng biết được rằng vận mạng cuộc đời của chúng ta cũng ở trong bàn tay Thiên Chúa, nên hãy phó thác cuộc đời của chúng ta trong tay Chúa, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ. Amen.




 

Thứ Sáu Tuần XXIII Thường Niên
(1Cr 9,16-19.22b-27; Lc 6,39-42)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

 

1 Cr 9,16-19.22b-27: Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi.

Tv 84,2: Ôi Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Ngài.

Lc 6,39-42: Người mù có thể dẫn người mù được chăng?

 

Phaolô cho thấy nhiệm vụ loan báo Tin mừng là một việc vĩ đại trong tinh thần mến yêu và khiêm nhường. Mỗi Kitô hữu đều có trách nhiệm rao truyền Tin mừng. Nói như Phaolô, rao giảng về Chúa thì không phải để hưởng vinh quang, mà vì đó là một nhu cầu. Phaolô tự nhận là vô phúc nếu ngài không rao giảng Tin Mừng. Phaolô nhận ra động lực thúc đẩy để làm việc cho Chúa, đó là nhằm thu hút được nhiều người đến với Chúa hơn, cho dù ngài phải làm nô lệ cho mọi người. Phaolô đã cho không, biếu không tất cả trí tuệ, tài năng, lòng nhiệt thành và yêu mến Chúa để lôi cuốn mọi người, hầu cho tất cả được ơn cứu rỗi.

Lời nói đánh động, gương lành lôi cuốn. Phaolô có cả hai yếu tố đó để làm việc cho Chúa. Nơi ngài có lòng khiêm nhường và nhiệt thành chứ không có ghen tị hoặc so đo hay là giả hình giả bộ. Học nơi Phaolô và lời dạy của thầy Giêsu, ta khiêm tốn và quyết tâm dấn thân phục vụ. Phục vụ bằng chính những khả năng Chúa ban cho. Phục vụ không vì lợi ích bản thân, mà là vì lợi ích của mọi người, hầu cho mỗi người đều nhận ra được tình yêu và phúc lành của Chúa mà sống trung thành, bình an, hạnh phúc ở đời này và cả đời sau.






Lm. Tôma Lê Duy Khang

Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu dạy đừng xét đoán, vì không ai là hoàn hảo cả, và Chúa Giêsu dùng hình ảnh cái đà trong mắt mình và cái rác trong mắt anh chị em của mình, để cho thấy sở dĩ mình thấy họ có cái rác là vì trong mắt mình có cái đà. Nghĩa là trong mắt của chúng ta phóng chiếu ra cho người khác, thật ra là họ không có gì cả, giống như cách nói của Chúa Giêsu với những người biệt phái và Pharisêu: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12,33-34).

Việc chúng ta xét đoán người khác giống như mù dắt mù vậy, vì khi chúng ta xét đoán, mà xét đoán này là xét đoán sai lầm thì sẽ kéo theo một hệ lụy sai lầm, người ta không biết việc chúng ta xét đoán đó đúng hay sai, cứ chạy theo chúng ta thì không phải sai càng thêm sai hay sao? Và ở đây không còn là người mù dắt người mù nữa, mà người mù dắt đoàn mù, bởi hiệu ứng đám đông.

Vậy vấn đề đặt ra với mỗi người chúng ta là đừng nên xét đoán, vì chúng ta chỉ thấy cái rác trong mắt người khác, còn cái đà trong mắt mình thì lại không thấy. Thế nhưng, phải chăng khi lấy cái đà ra khỏi mắt mình, thì mình có quyền xét đoán?

Khi suy niệm điều này, làm tôi nhớ đến một điều luật trong giáo luật hôn phối: “Hôn nhân được ưu đãi, vì thế khi hồ nghi, hôn nhân vẫn được coi là thành sự cho đến khi có chứng cớ ngược lại” (GL 1060), nghĩa là những đôi hôn nhân mà chúng ta nghi ngờ không thành sự, chẳng hạn như trong trường hợp không có tự do, bất lực, tuổi đời, không phải cha sở làm phép hôn phối, làm phép hôn phối mà không có ủy quyền của cha sở… nếu chúng ta không có chứng cớ để chứng minh cho điều mà hồ nghi, thì những đôi hôn phối đó được xem là thành sự, không bàn cãi gì nữa.

Bên cạnh ý nghĩa đó, giáo luật 1060 còn cho chúng ta biết thêm rằng khi có bằng cớ thì kết luận sự việc, để giải quyết sự việc đó, chứ giáo luật không kêu gọi chúng ta là khi có kết quả thì có quyền kết án, hay lên án, xét đoán người khác.

Cũng vậy, khi lấy cái đà ra khỏi mắt mình rồi, hay khi có bằng cớ về người anh em của mình phạm một điều lỗi nào đó, thì chúng ta cũng không có quyền xét đoán, nhưng hãy theo lời Chúa dạy: “Khi lấy cái đà ra khỏi mắt mình rồi, thì hãy lấy cái rác ra khỏi mắt anh em,” nghĩa là không kết án, chỉ nên kết luận thôi, và kết luận để làm gì? Để giúp anh em mình có được tiến bộ, giúp anh em mình sửa mình cho tốt hơn.

Chúng ta suy niệm thêm một điểm nữa: ai trong chúng ta cũng có lầm lỗi thiếu sót cả, vậy chẳng lẽ suốt cuộc đời mình không thể giúp lấy cái rác ra khỏi mắt anh em sao? Chúng ta hãy nhớ lời Chúa hôm nay, Chúa dạy đừng vội vã xét đoán, nhưng nếu chúng ta sửa lỗi anh em thì được thôi, nếu biết chắn chắn về người anh em mình, mặc dù mình cũng đầy tội lỗi, mặc dù trong mắt chúng ta vẫn còn cái đà. Chúng ta cũng hãy làm, và tin chắc rằng khi mình biết làm điều tốt đẹp cho anh em, thì đó cũng là cơ hội để mình nhìn lại chính mình, để sửa đổi con người của mình cho tốt hơn.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để có thể thực hiện được Lời chúa dạy hôm nay, đừng để mình bị cái đà cản mắt để rồi xét đoán anh em, đừng để cái đà cản mắt mà không học được những điều hay từ anh em của mình. Amen.




 

Thứ Bảy Tuần XXIII Thường Niên
(1Cr 10,14-22; Lc 6,43-49)

NGÀY TRUNG THU - Cầu cho thiếu nhi
(Lễ cầu cho thiếu nhi Hc 42, 15-16;43,1-2.6-10; Mc 10,13-16)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

1 Cr 10,14-22a: Chỉ có một bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ làm thành một thân xác.

Tv 116,17: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ.

Lc 6,43-49: Tại sao các con gọi Thầy ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?

Nhiều người dân Côrintô bị dụ dỗ đến các lễ hội ngoại giáo và ăn thịt đã được hiến tế cho bụt thần. Bây giờ, thần tượng không là gì cả. Và thịt cúng tế cho họ cũng chẳng là gì. Vậy, vấn đề là gì? Vấn đề là các thần nam nữ được tôn thờ là ma quỷ. Vì vậy, khi ta tham gia vào những lễ hội đó là ta thờ cúng ma quỷ. Như Thánh Phaolô nói, ta thông phần với ma quỷ. Làm thế nào ta có thể làm điều này và sau đó tham dự vào Mình và Máu của Đức Kitô?

Với niềm tin Kitô giáo, chúng ta tinh kính và tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, không có tôn thờ thần nào khác. Ta không thể đi nước đôi khi miệng thì nói ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’ mà lại thực hành những điều mê tín dị đoan. Không thể tin Chúa là Thiên Chúa của tất cả mọi loài thụ tạo, mà vẫn còn kèm thêm thờ thần tài hay ông địa để mua bán may mắn. Tin và thực hành lời Chúa như xây nhà trên nền móng vững bền, không bị mưa lũ xói mòn. Còn tin mà thực hành sai lạc thì như xây nhà trên cát. Lúc bình thường thì có vẻ an nhiên, nhưng khi có trắc trở thì sẽ sụp đổ và bị thiệt hại nặng nề.






Lm. Tôma Lê Duy Khang

Leonardo Boff, nhà thần học người Brazil, kể về cuộc trò chuyện của ông với Dalai Lama, nhân vật tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.

Ông hỏi: “Thưa ngài, tôn giáo nào là tốt nhất?”

Dalai Lama trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo giúp bạn đến gần Thiên Chúa nhất. Đó là tôn giáo làm cho bạn thành người tốt hơn.”

Khi Leonardo Boff hỏi tiếp: “Điều gì khiến tôi nên tốt hơn?” Dalai Lama nói: “Bất cứ điều gì làm cho bạn biết đồng cảm hơn, tôn trọng lẽ phải hơn, siêu thoát hơn, yêu thương hơn, nhân đạo hơn, có trách nhiệm hơn, đạo đức hơn. Tôn giáo nào mang lại những điều đó cho bạn thì đó là tôn giáo tốt nhất.”

Dalai Lama còn nói thêm: “Tôi không quan tâm đến tôn giáo của bạn hoặc bạn có tôn giáo hay không. Điều thực sự quan trọng đối với tôi là cách ứng xử của bạn với đồng nghiệp, gia đình, công việc, cộng đoàn, và thế giới.”

Chúng ta thấy, câu trả lời của Dalai Lama rất gần với giáo huấn của Chúa Giêsu: “Xem quả thì biết cây. Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả; trong bụi rặm, làm gì hái được nho” (Lc 6, 43-44).

Tôn giáo chân chính không được đánh giá dựa trên cơ sở vật chất, tiềm lực kinh tế, kể cả khối lượng tri thức, nhưng dựa trên ảnh hưởng tinh thần và đạo đức như Dalai Lama kể ra: đồng cảm, tôn trọng lẽ phải, siêu thoát, yêu thương, nhân đạo, có trách nhiệm, đạo đức.

Cũng vậy, con người của chúng ta được gọi là chân chính cũng không được đánh giá dựa vào chức vụ, quyền hành, giảng hay, nói giỏi, nhưng phải dựa vào cái bên trong là biết đồng cảm, tôn trọng lẽ phải, siêu thoát, biết yêu thương, có trách nhiệm, đạo đức.

Vậy thì bài học “xem quả biết cây” ở đây nhằm dạy ta điều gì? Thưa dạy chúng ta một điều là, mối nguy hại không phải ở bên ngoài nhưng nó nằm ở bên trong con người, vì cái bên ngoài nó chỉ là kết quả, mà kết quả tốt hay xấu, thì tùy thuộc vào cái bên trong, cái nguyên nhân làm nên kết quả đó. Nên chúng ta được mời gọi phản phản tỉnh, phải biết phân định chọn lựa cũng như thanh lọc tâm hồn của mình.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết phản tỉnh, biết phân định chọn lựa, biết thanh lọc tâm hồn, để có được đời sống trưởng thành hơn, và khi có đời sống trưởng thành rồi, thì dù cái bên ngoài có thay đổi, cũng không ảnh hưởng đến chúng ta, nói cách khác là: dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân. Amen.