21/05/2023
595
Suy niệm hằng ngày_Tuần VII Phục Sinh










 


 


 

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 1,1-11: Trước sự chứng kiến của các ông, Người lên trời.

Tv 47,6: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang.

Ep 1,17-23: Người đặt Ngài ngự bên hữu mình trên trời.

Mt 28,16-20: Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được trao cho Thầy.

Sự mừng thứ hai thì gẫm “Chúa Giêsu lên trời, ta xin hãy cho được ái mộ những sự trên trời.” Chúa Giêsu Thăng Thiên, nghĩa là Ngài về trời. Ngài về nơi mình xuất phát. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bao giờ rời xa các môn đệ của mình. Ngài tiếp tục hiện hữu với họ ở hiện tại theo một cách sâu sắc hơn. Sau khi phục sinh và trước khi thăng thiên, Chúa Giêsu xuất hiện cho những người cụ thể tại những địa điểm và thời gian cụ thể. Bây giờ, với sự thăng thiên, Chúa Giêsu hiện diện nhưng mắt người khó có thể thấy được nhưng di ngôn của Ngài thì tồn tại mãi mãi.

Chúng ta nguyện xin được ‘yêu mến những sự trên trời’, và cần thể hiện bằng hành động thay vì chỉ xin có được tình yêu của Chúa. Trước khi về trời, Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ hãy ra đi loan báo Tin mừng, làm phép rửa nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy cho người ta biết tuân giữ mọi điều Chúa đã truyền cho. Đó chính là cách chúng ta cụ thể hoá sự ái mộ bằng cách thực thi những ý muốn của Thiên Chúa. Biến yêu thương thành hành động cách hữu hiệu và loan truyền tình yêu cứu độ phải là nhiệm vụ hàng đầu của người tin yêu Chúa phục sinh.



 

Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh
(Cv 19,1-8; Ga 16,29-33)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 19,1-8: Anh em tin mà đã nhận Thánh Thần chưa?

Tv 68,33: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa.

Ga 16,29-33: Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.      

Tin Mừng hôm nay cho ta một cái nhìn với tia sáng hy vọng và bình an. Giống như các Tông đồ, ta không đơn độc. Chúa ở cùng chúng ta. Ngài ban bình an cho mọi người, nhưng không phải là bình an mà không có rắc rối, khổ đau trong cuộc sống. Vì thế, Chúa Giêsu nói với các Tông đồ rằng họ phải có lòng can đảm, tin tưởng vào Ngài, vì “Thầy đã thắng thế gian.” Những lời của Chúa Giêsu truyền cảm hứng và sự tự tin. Qua cuộc Khổ nạn, Cái chết và Sự Phục sinh của mình, Ngài đã đạt được sự sống vĩnh cửu. Cuộc sống đã vượt qua mọi giới hạn và mọi khó khăn.

Chúng ta cần sự can đảm của Chúa để vượt qua cuộc sống hàng ngày. Với ơn Chúa, ta có thể vượt qua thế giới với những rắc rối, căng thẳng, và buồn phiền. Thế giới đã rất khác trong những năm qua khi nhiều người chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, chiến tranh, thiên tai. Nhiều nỗi buồn, đớn đau và bất ổn tâm lý trong cuộc sống tiếp tục phủ bóng tối lên nhiều nơi trên thế giới. Trong tất cả bóng tối đó, ta tìm kiếm một tia sáng và hy vọng. Ta hãy làm chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa vì Người đã cùng ta “làm những điều trọng đại” và đã ban ơn giúp ta vượt qua mọi khó khăn, ngay cả cái chết vì Chúa Kitô đang ban Thánh Thần cho ta.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu nói với các môn đệ như là một lời động viên các ông: “Giữa thế gian, các con phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.”

Chúng ta nhớ trong Tin mừng Matthêu, khi sai các môn đệ ra đi thì Chúa Giêsu cũng đã nói: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói.” Nhưng Chúa nói thêm: “Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16), vậy phải khôn ngoan về điều gì?

Đọc kỹ lại Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian.” Tại sao Chúa Giêsu lại thắng được thế gian? Thưa vì có Chúa Cha đồng hành với Ngài, chính Chúa Giêsu đã nói: “Này đến giờ và đã đến giờ rồi, các con sẽ tản mác mỗi người một ngã, bỏ mặc Thầy một mình. Nhưng Thầy không ở một mình đâu, vì có Cha hằng ở với Thầy.” Chính vì Chúa Cha đã ở với Chúa Giêsu, nên Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian.

Nên chúng ta phải khôn ngoan nhận ra sự hiện diện, sự đồng hành của Chúa trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, bởi chính Chúa Giêsu đã nói: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14, 15-18).

Mở rộng ra, trong đời sống đức tin, cũng như trong đời sống thường ngày của chúng ta, Chúa cũng gởi đến những dụng cụ hữu dụng của Chúa để đồng hành với chúng ta, đó là cha mẹ chúng ta, những người dạy dỗ hướng dẫn chúng ta, những người xung quanh chúng ta, chúng ta phải nhận ra điều đó, để thấy được rằng mình không cô đơn lẻ loi trên cuộc đời này, nhưng có Chúa, có nhiều người cùng đồng hành với chúng ta. Và chúng ta hãy nhận ra điều đó để đón nhận những điều tốt đẹp mà người ta gởi đến cho chúng ta.

Bên cạnh việc nhận ra Chúa đồng hành, nhận ra anh chị em đồng hành với chúng ta, thì chính chúng ta cũng hãy để mình trở thành người đồng hành với người khác, để chúng ta cùng nâng đỡ nhau, có như thế chúng ta mới chiến thắng thế gian được. Nói như ông bà ta thường nói: “Một cây làm chẳng nên non, ba xây chụm lại nên hòn núi cao.”

Một nhà truyền giáo trên một hòn đảo nọ ngạc nhiên khi nhìn thấy một phụ nữ mang một nắm cát ướt bước vào túp lều của ông. Bà ta hỏi: “Ông biết đây là gì không?” Nhà truyền giáo trả lời: “Nó giống như cát.”

Bà ta lại hỏi: “Ông có biết tại sao tôi mang nó vào đây không?” Ông lắc đầu chịu thua: “Không, tôi không thể tưởng tượng được tại sao...”

Người phụ nữ cúi đầu buồn bã: “Đây chính là những tội lỗi tôi đã phạm. Tội lỗi của tôi không thể đếm được như cát biển. Làm thế nào tôi có thể được tha thứ tất cả cơ chứ?”

Nhà truyền giáo chậm rãi bảo: “Bây giờ bà hãy đưa chỗ cát đó ra bãi biển và vun thành một nhúm cát nho nhỏ. Rồi bà hãy ngồi đó mà nhìn xem những cơn sóng đang ập tới, chắc chắn sóng biển sẽ cuốn đi tất cả. Đó là cách Thiên Chúa thực hiện sự tha thứ của Ngài. Lòng nhân từ của Chúa còn bao la hơn cả đại dương. Hãy thành thật sám hối mọi tội lỗi và Thiên Chúa bao dung, Người sẽ tha thứ tất cả...

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta qua những dấu chỉ, qua những biến cố, qua những anh chị em chúng ta, và chính chúng ta cũng hãy để mình trở nên dụng cụ của Chúa, dấu chỉ của Chúa để đến nâng đỡ anh chị em của mình, để mỗi người chúng ta có thể chiến thắng các cơn cám dỗ của thế gian. Amen.



Thứ Ba Tuần VII Phục Sinh

(Cv 20,17-27; Ga 17,1-11a)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 20,17-27: Tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa.

Tv 68,33: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa.

Ga 17,1-11: Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha.        

Khi Phaolô ở Êphêsô, ông phải đối mặt với nước mắt, thử thách, âm mưu, tù đày và gian khổ. Ngài nói, “Nhưng tôi không sợ chi cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu và làm chứng về Tin Mừng ơn Thiên Chúa.”

Theo Phúc âm, kế hoạch của Chúa là ban sự sống đời đời qua Con Người. Cuộc sống vĩnh cửu là gì? Chúa Giêsu nói, “Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô.” Sự sống đời đời là mối liên hệ với Thiên Chúa. Ta có cuộc sống đó bây giờ. Và cuộc sống đó không kết thúc chỉ vì thân xác chết đi. Sách Giáo lý cho biết, “Thiên Chúa đặt ta trong thế giới để biết, để yêu và phục vụ Ngài, và nhờ đó ta đến với thiên đường.”

Tóm lại, cuộc sống này có niềm vui và bình an, nhưng nó cũng bao gồm cả những đau khổ và khó khăn. Trở nên người phục vụ và tuân giữ các điều răn không phải là điều mà nhiều người muốn nghe. Nếu chúng ta muốn có sự sống đời đời, hãy vững tin, nói sự thật và sống trong mối liên hệ với Thiên Chúa. Nguyện rằng, “Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm qua chúng ta chia sẻ với nhau về chủ đề phải ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của chúng ta, ý thức được những dụng cụ mà Chúa gởi đến đồng đồng hành với chúng ta. Và chính chúng ta cũng hãy để mình trở thành dụng cụ của Chúa để đồng hành với anh chị em mình.

Tin mừng hôm nay chúng ta tiếp tục chia sẻ về chủ đề Chúa Giêsu hiện diện đồng hành với chúng ta, nhưng một cách cụ thể hơn đó là qua lời cầu nguyện của Chúa. Tin mừng thuật lại Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha như thế này: “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ. Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha” (Ga 17, 9-11). Nghĩa là Chúa Giêsu cầu nguyện xin Chúa Cha cho các môn đệ của Ngài được thoát khỏi quyền lực của thế gian, xin làm cho họ được tinh tuyền thánh thiện.

Đó là sự đồng hành của Chúa dành cho chúng ta, nhưng chúng ta phải ý thức được rằng khi Chúa cầu nguyện cho chúng ta, thì chính chúng ta cũng phải cầu nguyện cho chính mình, cũng như chúng ta phải cầu nguyện cho anh chị em của mình nữa.

Chúng ta thấy: đâu phải đồng hành là làm việc này, làm việc kia để cho người khác thấy, nhưng những lời cầu nguyện âm thầm, đơn sơ nhỏ bé, cũng là cách thế mà chúng ta đang đồng hành với anh chị em của mình.

Chúng ta biết hội Legio Mariae, ngoài các hội viên khỏe mạnh đi công tác, ít nhất mỗi tuần đi công tác thăm viếng 2 giờ, còn có những hội viên khác người ta gọi là tán trợ, là những người già yếu bệnh tật không đi công tác được thì ở nhà đọc kinh cầu nguyện.

Ngày nay dường như người ta xem nhẹ điều này, xem nhẹ việc cầu nguyện cho nhau, tại sao vậy? Vì ngày nay con người sống theo văn hóa hiệu quả, nên người ta cho rằng cầu nguyện là không thực tế, không sờ chạm được, không thấy được, nhưng chúng ta biết lời cầu nguyện chính là hơi thở của đời sống đức tin, nếu không có cầu nguyện thì làm sao có thể nhận ra được thánh ý Chúa, nếu không có cầu nguyện thì làm sao có thể nài xin Chúa xuống trên cuộc đời của mình.

Chúng ta hãy nhớ lại khi dạy cầu nguyện Chúa Giêsu đã nói: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8). Nhưng Chúa Giêsu vẫn dạy chúng ta cầu nguyện để chúng ta ý thức những gì ta có đều là Chúa ban cho ta, chứ không phải của ta, không phải tự sức ta, Chúa ban cho ta không phải vì bổn phận mà là vì Chúa thương ta, để ta nhớ mà biết ơn Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta đừng xem nhẹ việc cầu nguyện, nhất là cầu nguyện cho nhau, đó là một cách thế mà chúng ta có thể đồng hành với anh chị em của mình, để xin Chúa đồng hành với chúng ta, cũng như xin Chúa đồng hành với anh chị em mình. Amen.





Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh

(Cv 20,28-38; Ga 17,11b-19)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 20,28-38: Tôi xin ký thác các ông cho Thiên Chúa, Đấng có quyền năng kiến tạo và ban cho các ông được dự phần gia nghiệp.

Tv 68,33: Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa.

Ga 17,11-19: Để chúng được nên một như Ta.   

Thánh Vịnh mời gọi: “Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa.” Lời mời gọi xuất hiện liên tục kể từ thứ hai của tuần này. Mọi người nên ngợi khen Thiên Chúa vì đó là một lời nguyện đẹp. Ta cũng học cách cầu nguyện với Chúa Giêsu. Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Con nói những điều này khi còn ở dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng”. Lưu ý rằng Chúa Giêsu muốn niềm vui của Ngài được trọn vẹn trong ta. Ngài muốn ta tràn đầy niềm vui của Ngài. Điều này không có nghĩa là ta sẽ không có thập giá, vì “thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian.” Niềm vui của Chúa Giêsu sẽ thấm nhập vào tận cốt lõi tâm hồn trong khi những tiếng ồn ào hời hợt của thế giới vô thần sẽ không xâm nhập vào ta.

Hôm nay, ta hãy sống với niềm vui của Chúa Giêsu. Làm thế nào ta có thể ngày càng nhận được niềm vui này của Chúa Giêsu? Rõ ràng là từ chính Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Đấng duy nhất mang lại cho ta niềm vui đích thực, điều mà thế giới đang thiếu. Và rồi, ta hãy dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện với những lời của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh. Lời ca ngợi tôn vinh Thiên Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc Chúa Giêsu tiếp tục cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ của Ngài. Nhưng có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, đó là tại sao Chúa Giêsu lại cầu nguyện cho các môn đệ?

Tin mừng ghi lại lời cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. khi con còn ở với chúng, Con đã giữ gìn chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị hư mất, chỉ trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn.” Đọc lại đoạn này chúng ta thấy được gì? Thưa chúng ta thấy được, sở dĩ Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ, vì các môn đệ được Chúa Cha trao phó cho Ngài, chính vì được Chúa Cha trao phó nên Chúa Giêsu rất trân trọng và xem đó là một điều quý giá, Chúa không muốn một ai phải hư mất cả. Qua đó, chúng ta cũng thấy được trách nhiệm của Chúa Giêsu, luôn trung tín với Chúa Cha.

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta còn được mời gọi hiểu thêm: không phải chỉ có trách nhiệm của Chúa Giêsu, mà đó còn là tình yêu của Chúa Giêsu dành cho con người: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9).

Bài đọc 1 trích sách Công Vụ Tông Đồ trình bày những lời gan ruột thật cảm động của Phaolô, nói với các vị lãnh đạo giáo đoàn ở Êphêsô, như các giám mục, linh mục ngày nay, hãy yêu thương đoàn chiên mà Chúa đã trao phó cho mình, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì đoàn chiên, chăm lo cho đoàn chiên, làm gương sáng cho đoàn chiên: “Các ông hãy thận trọng, và săn sóc đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt các ông làm giám quản điều khiển Hội Thánh của Chúa đã được Người cứu chuộc bằng máu.”

Nên chúng ta cùng cầu nguyện cho các mục tử biết noi gương Chúa Giêsu biết yêu thương đoàn chiên như Chúa yêu, để thi hành trách nhiệm mục tử một cách sốt sắng mà Chúa và Giáo hội đã trao phó cho mình, vì đoàn chiên này được Chúa cứu chuộc bằng máu của Chúa.

Bên cạnh đó, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi phải ý thức rằng, chúng ta là đoàn chiên mà Chúa Cha đã trao phó cho Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu là vị mục tử tốt lành yêu thương đoàn chiên, có trách nhiệm với đoàn chiên, luôn luôn cầu nguyện cho đoàn chiên, nên mỗi người chúng ta phải ý thức được mình là ai, mình cao trọng như thế nào, mình đã được Chúa yêu thương cứu chuộc bằng máu của Chúa như thế nào, để chúng ta sống xứng đáng với địa vị, sống xứng đáng với tình thương mà Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta. Amen.




Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh

(Cv 22,30;23,6-11; Ga 17,20-26)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 22,30; 23,6-11: Con phải làm chứng về Ta tại Rôma.

Tv 16,1: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa.

Ga 17,20-26: Xin cho chúng nên một.

Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu kết thúc bằng tâm tình tuyệt vời, “con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa.” Ngài nói về ước nguyện thiêng liêng với tình yêu dành cho Chúa Cha và các môn đệ trước khi chấp nhận khổ hình thập giá.

Nếu cái chết sắp xảy ra, ta sẽ cầu nguyện thế nào? Không giống như Chúa Giêsu, ta sinh ra là tội nhân. Nhưng sẽ tốt hơn nếu những lời cầu nguyện cuối cùng của ta ít nói về lỗi lầm và hối tiếc mà là khiêm nhường và ước mong sum họp với Chúa như Chúa Kitô đã dạy.

Chúa không muốn mất một ai thuộc về Ngài, dù là người theo Chúa trước hay là biết Chúa sau nhờ những chứng nhân. Làm sao để tất cả chúng ta có thể nên một như ước muốn của Chúa Giêsu? Đó là can đảm dấn thân và sử dụng quà tặng, tài năng của Chúa mà rao giảng và làm chứng nhân cho Thiên Chúa. Hành trình sống là chuỗi dài sửa chữa những thiếu sót và ước ao trở nên giống Chúa Kitô hơn trong cách ta sống yêu thương và quan tâm tới người khác. Ước gì ta có thể noi theo tâm tình cầu nguyện của Chúa Giêsu để xây dựng tình hiệp nhất trong mối tương quan với Thiên Chúa, với người khác và hoàn thiện chính bản thân mình.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha cho các môn đệ của Ngài được hợp nhất và Chúa Giêsu cũng cầu nguyện cho những người nhờ các môn đệ mà tin vào Ngài cũng được hợp nhất với nhau, nghĩa là Ngài tha thiết khát khao sự hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu ở mọi nơi qua các thế hệ.

Nhưng trước tiên chúng ta phải hiểu hợp nhất này là như thế nào? Đó là như lời Chúa Giêsu đã nói: “Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” nghĩa là ở trong tình yêu của Chúa.

Như vậy, để có thể hợp nhất phải có tình yêu, phải đặt trên nền tảng tình yêu, nếu không có tình yêu thì sự hợp nhất đó không có ý nghĩa mà nó chỉ là sự ép buộc.

Nhưng đôi khi chúng ta thấy có những điều không đương nhiên ngay ban đầu là phát xuất từ tình yêu, mà có thể là vì một lý do gì đó, nhưng theo thời gian với ơn Chúa giúp, cũng có thể là một biến cố gì đó, một lý do gì đó sẽ làm cho người ta nảy sinh tình yêu, để người ta được hiệp nhất với điều mà người ta đang hướng tới.

Chúng ta thấy mẫu gương của các thánh tông đồ, đi theo Chúa thì đi, nhưng các ông có hợp nhất với nhau hay không? Thưa không hợp nhất. Chẳng hạn như câu chuyện của hai môn đệ là hai người con của ông Dêbêđê, hai ông này nhờ bà mẹ đến xin Chúa Giêsu cho hai người con của bà một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa trong nước Chúa, nghĩa là hai môn đệ này chỉ nghĩ Chúa Giêsu như một vị vua bình thường. Khi hai môn đệ đó xin Chúa Giêsu như thế, thì Tin mừng thuật lại là mười môn đệ kia tức tối với hai ông này, có thể là cũng muốn xin Chúa Giêsu mà chưa kịp vì hai anh em nhà Dêbêđê đã phỏng tay trên. Chúng ta thấy không hiệp nhất (x. Mt 20,20-28).

Hay câu chuyện Ông Gioan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Chúa Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 38-40).

Sau đó, sau khi Chúa phục sinh, các môn đệ vẫn còn chia rẽ, người thì không tin Chúa, kẻ thì bỏ về quê, người thì đòi xem tay và cạnh sườn Chúa, nhưng khi Chúa hiện ra củng cố đức tin, các môn đệ đã thay đổi hướng đi của mình, thay đổi tâm hồn của mình để một lòng hướng về Chúa: “Thà vâng Lời Thiên Chúa, hơn là vâng lời người phàm.”

Chúng ta thấy để con người có thể hợp nhất với nhau, để con người có thể sống trong tình yêu Chúa đều là ơn của Chúa, nên dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta được mời gọi cầu nguyện với Chúa để xin ơn hiệp nhất với Chúa, hiệp nhất với anh em của mình, để chúng ta sống trong tình yêu của Chúa.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy điều mà Chúa cầu xin với Chúa Cha không phải là điều không thể, nhưng là điều có thể, nếu chúng ta tin tưởng vào Chúa, cầu nguyện với Chúa, cũng như là chúng ta biết làm gương sáng cho nhau. Amen.




Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh
(Cv 25,13b-21; Ga 21,15-19)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 25,13-21: Đức Giêsu đã chết mà Phaolô quả quyết là vẫn sống.

Tv 103,19a: Chúa thiết lập ngài vàng Người ở cõi cao xanh.

Ga 21,15-19: Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy.         

Cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Phêrô minh họa lòng thương xót của Chúa. Chúa cho thấy một tình yêu lớn lao với các môn đệ và thế giới. Cuộc nói chuyện này không thông thường. Cả hai đều nói về tình yêu theo góc nhìn của mình. Chúa Giêsu hỏi Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” ba lần. Đây cũng là câu hỏi Chúa Giêsu hỏi ta. Bằng cách trả lời: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy,” Simon dường như hiểu được ba lần thất bại của mình trong việc từ chối Chúa Giêsu. Thật vậy, hành động yêu thương vĩ đại của Chúa Giêsu đòi hỏi Phêrô đáp lại sâu sắc.

Khi Chúa Giêsu nói: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”, điều đó đòi hỏi một tình yêu phi thường, tình yêu dấn thân. Tình yêu vì sứ vụ này phải được tiếp tục. Chúa Giêsu đảm bảo đặc tính này của tình yêu để trở thành những mục tử của Ngài: Yêu Ngài trên hết mọi sự. Cuối cùng, là môn đệ của Chúa Giêsu, tất cả đều được mời gọi để yêu thương và phục vụ người khác. Tình yêu sứ vụ khuyến khích ta vượt lên chính mình! Vì vậy, ta cầu nguyện cho các mục tử trong Hội Thánh để tình yêu của họ tràn ngập trên ta. Và xin Chúa Thánh Thần tuôn đầy tình thương cho những người chăm sóc đàn chiên để họ trung kiên cho đến cùng.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy sau khi Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô có yêu mến Ngài không thì Chúa trao phó đoàn chiên cho thánh nhân coi sóc: “hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Vấn đề đặt ra: chiên của Chúa Giêsu là ai? Chúng ta có thể hiểu chiên của Chúa là một đối tượng bên ngoài, là những người tin theo Chúa, những người chịu phép rửa tội, đó là đối tượng mà các mục tử cần chăm sóc.

Ngày nay giáo luật nói linh mục chánh xứ được trao phó một cộng đoàn tín hữu cấp giáo xứ, nghĩa là mọi tín hữu có thường trú hay tạm trú trong phạm vi cấp giáo xứ (Gl 107 triệt 1), kể cả những người du cư, không có hộ khẩu, nhưng đang ngụ cư thực tế trong giáo xứ (Gl 107 triệt 2); trách nhiệm của linh mục chánh xứ bao gồm cả những người vãng lai đang trên đất của mình, nhất là khi họ có như cầu khẩn cấp (Gl 100; 91;136; 1196 triệt 1).

Nhưng chiên của Chúa còn được hiểu rộng ra là những người không công giáo (Acatholici) và những người không tin (non Credents), Giáo luật nói: “Các mục tử, nhất là các giám mục, linh mục chánh xứ ngài cũng phải lo liệu loan báo Tin Mừng cho những người vô tín ngưỡng trong khu vực của mình, bởi lẽ việc coi sóc các linh hồn bao trùm cả những người đó lẫn các tín hữu” (Gl 171 triệt 2).

Ngoài ra, chúng ta còn phải hiểu chiên của Chúa không phải là đối tượng bên ngoài, nghĩa là các mục tử phải có trách nhiệm lo cho người này lo cho người khác, nhưng chính các mục tử cũng phải lo cho chính mình nữa, bởi vì tuy mình là mục tử nhưng cũng là chiên trước mặt Chúa, nên chính mình phải lo cho mình.

Và người giáo dân cũng có bổn phận chăm lo cho các mục tử. Chúa Giêsu đã nói rất rõ, đó là: “Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10,10).

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy tất cả mọi người chúng ta đều là chiên của Chúa, cần được bảo vệ, cần được chăm sóc.

Trong sách Công vụ tông đồ có kể câu chuyện của thánh Phêrô tông đồ, khi giảng dạy cho dân chúng thì có hơn 3000 người đón nhận ơn Chúa qua phép rửa (x. Cv 2,14a.36-41).

Nhưng để có những mục tử chăm lo cho chúng ta, chúng ta phải làm thế nào? Thưa chúng ta được mời gọi hãy cầu nguyện và nâng đỡ ơn gọi thiên triệu. Các Linh mục vẫn là con người, 1 đầu 2 tay, 2 chân. Vẫn đau bệnh, đói khát như mọi người.... Như thánh Phaolo đã nói, chúng con là những bình sành chứa đựng ơn Chúa, dù cao quý nhưng dễ vỡ, nên chúng ta hãy nâng đỡ các ngài, bởi có nhiều người nói bổn phận của linh mục tu sĩ là phục vụ, đúng là như vậy, nhưng bổn phận của con chiên cũng phải lo lắng, thông cảm cho các chủ chiên của mình, nghĩa là có tương quan hai chiều qua lại.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để chúng ta cùng chăm sóc, cùng thông cảm cho nhau, cùng yêu thương nhau như ý Chúa muốn. Amen.



Thứ Bảy Tuần VII Phục Sinh
(Cv 28,16-20.30-31; Ga 21,20-25)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Cv 28,16-20.30-31: Ngài ở lại Rôma, rao giảng nước Thiên Chúa.

Tv 11,7b: Lạy Chúa, người chính trực sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa.

Ga 21,20-25: Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra.

Bài đọc đầu tiên vang vọng tiếng của Phaolô khi kết thúc sách Công vụ Tông đồ. Và Phúc âm Gioan kết thúc bằng một câu hỏi của Thánh Phêrô. Bản văn cung cấp một yếu tố liên tục cho kinh nghiệm của các Tông đồ. Ta đã thấy các Tông đồ tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu tại Giêrusalem và các vùng lân cận trong bảy tuần qua. Chẳng hạn, ta vừa nghe trường hợp của Phaolô: “Ngài ở lại Rôma, rao giảng nước Thiên Chúa.”

Chúa Phục sinh đảm bảo với chúng ta về sự hiện diện của Ngài giữa những người muốn theo Ngài. Chúa Giêsu trả lời Phêrô: Nếu Thầy muốn Gioan cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến. Câu trả lời đó có thể đề cập đến sự liên tục này. Người môn đệ yêu dấu trở thành minh chứng cho tất cả những điều đó. Ở một chừng mực, Gioan nhận ra Chúa sẽ luôn ở bên cạnh ngài. Đó là lý do tại sao ngài có thể viết ra, và lời nói của ngài rất đáng để tin tưởng. Người môn đệ yêu dấu này có thể là mỗi người trong chúng ta nếu ta để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Ta tin rằng Chúa luôn ở với chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ giúp ta khám phá niềm vui của Chúa Kitô Phục Sinh. Đặc biệt là đối với những người tìm kiếm cội nguồn của sự tốt lành. Họ sẽ nhìn thấy tôn nhan Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Đoạn cuối của trang Tin mừng hôm nay thánh Gioan viết: “Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.”

Nếu chúng ta đọc ngược lại chương 20 chúng ta sẽ thấy được mục đích của Gioan viết tin mừng để làm gì? Gioan viết: “Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20, 30-31).

Như vậy, mục đích cuối cùng của Gioan viết tin mừng là để chứng minh cho biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để cho con người tin mà có được sự sống đời đời.

Tin mừng theo thánh Gioan không có lệnh truyền truyền giáo cách cụ thể như trong Tin mừng Nhất lãm: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mc 16,15-16), nhưng qua những gì mà Gioan trình bày: “Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra,” thì đó cũng như một lời mời gọi truyền giáo, nghĩa là tuy những việc Chúa Giêsu đã làm không được viết ra sách, nhưng cuộc đời của mỗi người môn đệ Chúa phải là một cuốn sách sống động qua việc cảm nghiệm được những gì mà Chúa đã làm trên cuộc đời mình, để qua đó nhiều người được biết Chúa, tin vào Chúa và được ơn cứu độ.

Bài làm văn của một em học sinh miêu tả Chúa Giêsu với đề bài “Miêu tả chân dung người mẹ/bố của em.”

Cảm tạ Chúa đã cho em sự khôn ngoan. Bài kiểm tra 90 phút của em như một bài làm chứng dành cho giáo viên và các bạn của mình. Nội dung bài có thể bị nhiều người cho rằng lạc đề và còn một số lỗi chính tả, điểm số giáo viên cho chỉ là 5đ nhưng trong mắt Chúa, dám chắc rằng em học sinh này đã đạt điểm 10 tuyệt đối.

Nguyên văn bài làm của em thiếu niên như sau:

Tôi có một người cha, Ngài là một người rất vĩ đại, Ngài đã chịu hi sinh chết cho cả nhân loại. Tên Ngài là Jesus.

Ngài có vóc người gầy gò, mái tóc dài nâu, mũi Ngài cao, hai mắt Ngài hiền từ nhân hậu. Đôi tay Ngài đã chịu nhiều đau đớn, đôi chân Ngài đã đi rất nhiều nơi, Ngài có nước da ngâm và những chiếc răng trắng ngà. Ngài đã đi khắp nơi để rao truyền Phúc Âm, đôi chân Ngài đặt đến đâu thì nơi đó là nguồn sống cho nhiều người. Bàn tay Ngài làm những dấu kỳ lạ. Những lời Ngài nói ra đem đến sự sống cho nhiều người.