12/03/2023
683
Suy niệm hằng ngày_Tuần III Mùa Chay










 


 


 

CHÚA NHẬT III MC

(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42)
 

Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Xh 17,3-7: Xin cho chúng tôi nước để chúng tôi uống.

Tv 95,8: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”

Rm 5,1-2.5-8: Lòng mến Chúa đổ xuống lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần là Ðấng đã được ban cho chúng ta.

Ga 4, 5-42: Mạch nước vọt đến sự sống đời đời.

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một câu chuyện hay và ý nghĩa về một người gặp gỡ Thiên Chúa cách cá nhân. Thông qua cuộc trò chuyện với Chúa, một cuộc đời có thể được thay đổi tích cực. Khi gặp người phụ nữ bên bờ giếng, Chúa Giêsu đưa ra một cách mới để chị nhận biết chính mình. Sau đó, chị ấy đã thay đổi cách nhìn về bản thân, danh tính và phẩm giá của mình. Chị để lại bình nước cũ của mình và quay lại mời những người dân làng khác đến “Mau hãy đến xem một ông đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.” Chúa Giêsu đã cho chị một cái nhìn mới về niềm tin vào Ngài và vào chính chị.

Chúa Giêsu bắt chuyện với chị trước và bắt đầu giúp chị nhìn lại chính mình. Sau khi gặp Chúa, chị bỏ lại chiếc bình cũ (danh tính) của mình và trở về với một “nguồn nước mới dẫn đến sự sống vĩnh cửu”. Cái “bình” cũ tượng trưng cho hình ảnh cũ của ta. Chúa Giêsu chiếu sáng trên toàn thể con người, không chỉ bóng tối của chúng ta. Hòa với tác giả Thánh vịnh, “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: “Các ngươi đừng cứng lòng!”, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành.

 



Thứ Hai
(2V 5,1-15a; Lc 4,24-30)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

2V 5,1-15a: Có nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria (Lc 4,27).

Tv 42,3: Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời?

Lc 4,24-30: Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà thôi đâu.

Lời Chúa hôm nay nói lên một sự thật đau lòng, nhưng nhắc nhở chúng ta hãy nhận ra điều kỳ diệu ngay ở điều bình thường nhất. Chúa Giêsu nhắc đến những biến cố mà các tiên tri không thể thi hành sứ mạng vì bị người ta xem thường. Elia được nêu ở trong Tin mừng như là một minh chứng cho sự khô cứng lòng tin của dân chúng. Mặc dù thiên tai, hạn hán, và đói kém, nhưng Elia chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn thôi. Cũng có nhiều người phong cùi, nhưng Elisêô chỉ chữa lành được cho Naaman, người Syria.

Chúa Giêsu đang kể những câu chuyện khi Ngài ở Nadarét. Và Ngài đang kể câu chuyện này cho chính những người đồng hương của mình, những người không chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và không công nhận quyền năng của Ngài. Mọi người muốn một cái gì đó lạ mắt và hào nhoáng, một cái gì đó khác biệt. Tuy nhiên, những điều bình thường, quen thuộc lắm khi còn tốt hơn những thứ xa lạ trông có vẻ hấp dẫn. Vậy ta mong đợi gì? “Con trông cậy Chúa, con mong đợi lời hứa của Chúa, vì nơi Chúa sẵn có lòng từ bi và chan chứa ơn cứu độ.”

 




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Bài đọc 1 trích sách các Vua quyển thứ nhất, kể về câu chuyện tướng Naaman người xứ Syri đến xin tiên tri Êlisêô chữa bệnh phong cùi. Ông đã nghĩ rằng tiên tri sẽ ra đón tiếp ông cách cung kính, cầu khẩn Thiên Chúa cho ông, đưa tay ra trên vết thương mà chữa lành ông. Nhưng ông gặp cách thức hoàn toàn khác: chỉ có anh đầy tớ của tiên tri ra bảo ông đi tắm dưới sông Giođan. Với lối suy nghĩ có sẵn và lòng kiêu hãnh của một vị tướng lừng danh Syria, ông đã bỏ về. Thế nhưng, ông được người đầy tớ khuyên nhủ: “Cha ơi, giả như ngôn sứ bảo cha làm một điều gì khó, chẳng lẽ cha lại không làm? Phương chi ngôn sứ chỉ nói: Ông hãy đi tắm, thì sẽ được sạch!” Vậy ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Gio-đan, theo lời người của Thiên Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.”

Dân thành Nadarét, quê hương của Chúa Giêsu, nơi Ngài đã từng sinh trưởng, cũng có sẵn tư tưởng như Naaman, nghĩa là họ đã có sẵn hình ảnh về người của Chúa, về Đấng Messia phải là người oai hùng, có xuất thân danh giá, nên khi Chúa Giêsu xuất hiện chỉ là anh nhà quê con bác thợ mộc, thế là họ không đón nhận Chúa Giêsu.

Nếu như Naaman có các đầy tớ nhắc để ông làm theo lời của Êlisêô, thì với những người dân Nadaret, chính Chúa đã nhắc nhở họ khi Ngài kể lại hai câu chuyện Cựu Ước là chuyện ông Naaman mà chúng ta vừa nghe ở bài đọc 1 và chuyện bà góa thành Sarepta, thế nhưng họ vẫn không tin vào Chúa, trái lại còn muốn thủ tiêu Chúa nữa.

Hình ảnh đó cho thấy thành kiến, lối mòn làm cho con người không còn nhận ra được đâu là điều đúng đâu là điều sai, và điều đó thật là nguy hiểm biết bao trong đời sống thường ngày cũng như trong đời sống đức tin của mỗi người chúng ta.

Trong đời sống thường ngày, nếu bắt người khác làm theo ý mình thì dần dần mình sẽ trở thành độc đoán, bảo thủ, dễ mắc sai lầm, còn người làm theo ý mình sẽ không thể phát huy được hết khả năng Chúa ban để làm sinh lợi cho Chúa.

Trong đời sống đức tin, khi có thành kiến, lối mòn sẽ bắt Chúa làm theo ý mình, nhưng chúng ta đâu biết được làm theo ý Chúa mới là điều tốt cho mình, vì Chúa nói: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,9-11). Còn nếu làm theo ý mình thì thay vì xin cá, chúng ta lại xin rắn, thay vì xin bánh chúng ta lại xin hòn đá, nghĩa là chúng ta không thấy được điều tốt đẹp mà Chúa đã dành sẵn cho chúng ta.

Hiểu được như thế, trong đời sống thường ngày, cũng như trong đời sống đức tin, chúng ta hãy biết dẹp bỏ thành kiến, để lắng nghe ý kiến của người khác, lắng nghe lời mời gọi của Chúa, có như thế mọi sự tốt đẹp mới đến với cuộc đời của mỗi người chúng ta, có thế chúng ta mới có thể vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Amen.





Thứ Ba
(Đn 3,25.34-43; Mt 18,21-35)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Ðn 3,25.34-43: Với tâm thần sám hối và tinh thần khiêm tốn, chúng tôi được chấp nhận.

Tv 25,6a: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài.

Mt 18,21-35: Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con.

Các sách Phúc âm đưa ra lời khuyên và hướng dẫn đúng đắn về chủ đề tha thứ. Tin Mừng Mátthêu mời gọi chúng ta suy ngẫm về mầu nhiệm tha thứ bằng cách đề xuất sự tương đồng giữa đường lối của Thiên Chúa và hành vi con người khi tha thứ cho người khác. Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, khi anh em xúc phạm con, con phải tha thứ mấy lần? Bảy lần?” Chúa Giêsu đáp, “không phải bảy lần mà là bảy mươi bảy lần.” Phêrô cảm thấy bảy lần là hơi nhiều, có lẽ là mức tối đa mà ta có thể chịu được. Tuy nhiên, cách tha thứ của Chúa là yêu thương.

Thiên Chúa tha thứ cho kẻ ăn năn và hoán cải không giới hạn. Tha thứ như Chúa Giêsu đã tha thứ là yêu thương với năng lượng mới và tham dự vào việc chữa lành. Đó là cho đi tình yêu một cách tự do và đón nhận tình yêu một cách cởi mở. Tha thứ không phải là quên. Sự tha thứ đòi hỏi một quyết định có ý thức để cho ân sủng của Chúa hoạt động trong và qua tôi và những người khác. Chúng ta hãy đến với Chúa qua Bí tích Hòa giải để được Ngài tha thứ. Đừng ngần ngại nài xin sự tha thứ để rồi ta cũng biết thứ tha cho anh chị em của mình.

 




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Mở đầu Tin mừng hôm nay là lời Phêrô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, khi anh em con phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. có phải bảy lần không?” và Chúa Giêsu trả lời không phải 7 lần nhưng là 70 lần 7, nghĩa là tha thứ không giới hạn. Và sau đó Chúa Giêsu kể dụ ngôn chủ nợ và con nợ như là một minh họa để chúng ta biết tha thứ cho anh em của mình.

Khi hiểu như vậy, thường thì lối suy tư của chúng ta là chỉ chú ý đến vấn đề mình phải tha thứ cho người khác, và chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Thế nhưng, hôm nay chúng ta chia sẻ thêm một điểm khác nữa, đó chính là người được tha thứ phải có thái độ như thế nào khi được tha thứ, điểm này chúng ta thường bỏ qua.

Vậy người được tha thứ phải có thái độ nào khi được tha thứ? Thưa phải ý thức được rằng không phải khi mình được tha thứ là đủ nhưng phải sống ơn tha thứ đó trong cuộc đời của mình, cụ thể là biết tha thứ cho người khác, nếu không ơn tha thứ mà mình lãnh nhận sẽ không trọn vẹn thậm chí sẽ bị lấy mất.

Bằng chứng là khi con nợ mắc nợ ông chủ 10 ngàn yến bạc, anh xin ông chủ tha cho mình, và ông chủ đã tha, nhưng khi anh ta ra về, anh ta gặp một người mắc nợ anh ta một trăm đồng bạc, anh ta lại không tha cho người đồng bạn này, và hậu quả cuối cùng là anh ta bị tống giam vào ngục, cho đến khi trả hết nợ.

Hình ảnh này cũng thấy trong Tin mừng theo thánh Matthêu. Gioan đến làm phép rửa cho dân chúng, thì lúc đó cũng có nhiều người thuộc phái Pharisiêu và phái Sađốc đến chịu phép rửa, nhưng Gioan tẩy Giả lại nói: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với lòng thống hối” (Mt 3,8). Nghĩa là làm sao, có phải Gioan không muốn làm phép rửa cho những người phái Sađốc và Pharisiêu? Thưa không phải Gioan muốn ngăn cản người ta chịu phép rửa, nhưng ông muốn nhắc nhở họ trước khi chịu phép rửa phải có lòng ăn năn thống hối thật sự, chứ không phải thấy người khác thực hiện nghi thức này, thì mình cũng thực hiện theo như là phong trào. Và Gioan cũng muốn họ sau khi chịu phép rửa hãy sống đức tin, hãy cố gắng làm việc lành phước đức cho xứng với lòng thống hối, chứ không phải rửa tội là xong.

Bên cạnh đó, chúng ta cần chú ý một điểm nữa, đó là làm việc lành phúc đức không thể nào ngang bằng, hay thay thế cho lòng ăn năn thống hối, không thể thay thế cho việc đi xưng tội, hay việc rửa tội.

Nhiều người nghĩ rằng tôi khỏi cần phải đi xưng tội, tôi làm việc lành phước đức coi như là đền tội được rồi, hoặc đi xưng tội chỉ lo đến việc đền tội bao nhiêu kinh, làm việc đền tội như thế nào, coi việc đền tội cao hơn việc được tha tội thì không đúng.

Nhưng chúng ta hãy nhớ lại rằng, nghi thức chính yếu của bí tích giải tội là việc tha tội, là khi linh mục đọc công thức tha tội, còn làm việc đền tội chỉ thể hiện lòng sám hối ăn năn của chúng ta, chứ không phải làm việc đền tội, đọc một vài kinh là được tha tội, là trả xong cái tội chúng ta đã phạm.

Như thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta khi đã lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, thì phải biết thay đổi đời sống của mình cho xứng đáng với ơn Chúa mà chúng ta lãnh nhận, cụ thể là biết thương xót anh chị em của mình, đó là lòng ăn năn sám hối chân thành mà Chúa muốn mỗi người chúng ta thực hiện trong cuộc đời của mình. Amen.




Thứ Tư 

(Đnl 4,1.5-9; Mt 5,17-19)



Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Ðnl 4,1.5-9: Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm.

Tv 147,12a: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa.

Mt 5,17-19: Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời.

Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta nghe cách dạy về việc giữ luật của Chúa từ Môsê và từ Chúa Giêsu. Trong sách Đệ Nhị Luật, Môsê nói: “Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm.” Không những tuân giữ Mười điều răn mà còn đem ra thực hành nữa. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”. Sau khi dạy các Mối phúc, có một số thắc mắc và nhầm lẫn về luật Chúa theo lời các tiên tri và lời Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phải giải thích và còn nói rõ: “Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Môsê là một nhà lãnh đạo vĩ đại và là nhà tiên tri tuyệt vời của dân Chúa. Chúa Giêsu còn cao trọng hơn Môsê. Bài giảng trên núi của Chúa chạm đến sự thật thiêng liêng và giá trị cốt lõi của phận người chứ không chỉ là giữ luật vì Chúa (xem GLHTCG,  số 1968). Chúa Giêsu đến để làm phong phú và soi sáng cho chúng ta tuân giữ luật yêu thương. “Mọi giới luật đều bộc lộ đầy đủ ý nghĩa của nó như là một đòi hỏi của tình yêu, và tất cả chúng đều quy tụ trong giới răn lớn nhất: yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu người lân cận như chính mình” (ĐGH Phanxicô).


 



Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu khẳng định với các môn đệ: “Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ nhưng để kiện toàn.” Tại sao Chúa lại đến để kiện toàn vì luật Chúa Giêsu nói là luật của Chúa thời ông Môsê, nếu là luật Chúa thì làm gì phải kiện toàn?

Chúng ta hãy nhớ lại lời Chúa trong thư gởi tín hữu Do thái. Khi bàn về đời sống Kitô hữu và luân lý có nói: “Về vấn đề này, chúng tôi còn có nhiều điều phải nói, nhưng khó mà cắt nghĩa, vì anh em đã trở nên uể oải không muốn nghe. Quả thật, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dữ” (Dt 5, 11-14). Nghĩa là luật của Thiên Chúa thời ông Môsê vẫn như vậy, nhưng vấn đề là ở con người, con người chưa trưởng thành, con người chỉ ở tầm mức giống như những đứa trẻ, chỉ hiểu tới mức như vậy thôi.

Tin mừng theo thánh Matthêu có thuật lại việc những người Pharisiêu đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ,” và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19, 3-8), ở đây chúng ta có thể hiểu là luật Chúa còn phải kiện toàn vì con người con lòng chay dạ đá.

Vậy Chúa kiện toàn lề luật là kiện toàn điều gì? Có phải sửa đổi lề luật hay không? Chúa không đổi lề luật vì Chúa nói: “dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phết trong lề luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành.” Như vậy, Chúa Giêsu kiện toàn lề luật là kiện toàn tinh thần của luật để con người sống tốt hơn, sống đẹp lòng Chúa và yêu thương mọi người.

Nói như vậy, không phải là con người ngày nay trưởng thành hơn, con người ngày nay hết lòng chay dạ đá, để đáng được hưởng sự kiện toàn lề luật của Chúa, nhưng nói theo thư gởi tín hữu Do thái thì: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,2), nghĩa là thời của Chúa Giêsu là thời sau cùng, mà mọi sự phải được kiện toàn, vì thời trước Thiên Chúa chỉ nói qua các tiên tri mà thôi. Và chúng ta phải hiểu là vì Chúa yêu thương con người, muốn con người sống tốt hơn, sống trưởng thành hơn mà thôi.

Hiểu được như thế, mọi người chúng ta được mời gọi sống đúng tinh thần lề luật mà Chúa đã kiện toàn cho mỗi người chúng ta, để một mặt chúng ta cám ơn Chúa vì Chúa đã yêu thương con người của chúng ta, mặt khác là để mỗi người chúng ta ngày càng được trưởng thành hơn trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường ngày, để làm vinh danh Chúa. Amen.





Thứ Năm 

(Gr 7,23-28; Lc 11,14-23)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Gr 7,23-28: Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ.

Tv 95,8: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Các bạn đừng cứng lòng.

Lc 11,14-23: Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta.

Bài đọc thứ nhất hôm nay từ Sách Giêrêmia xem xét phản ứng của dân được tuyển chọn trước những lời kêu gọi thay đổi. Mặc dù Thiên Chúa đã sai các tiên tri, nhưng người ta vẫn tiếp tục bỏ qua lời răn dạy. Đến độ Thiên Chúa sai tiên tri: “ngươi hãy nói cho họ biết: này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ.” Thánh vịnh 95 mời gọi người ta hãy để tâm mà lắng nghe tiếng Chúa, đừng giữ lòng chai dạ đá nữa. Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu chữa một người câm nói được bằng cách xua trừ ma quỷ. Tiếp theo đó là Chúa Giêsu kêu gọi sự hợp nhất.

Trở lại với bản văn các bài đọc hôm nay, ta thấy một bài học thú vị về việc kêu gọi sự đoàn kết “một lòng một ý”. Để có sự hài hòa đó thì điều cần trước tiên là phải biết lắng nghe. Lắng nghe Lời Chúa từ chính Chúa hay qua các tiên tri, các thầy dạy. Thái độ lắng nghe cũng quan trọng không kém. Cần nghe và hiểu bằng cả tâm hồn chứ không nghỉ nghe bằng tai. Một cách diễn tả gần gũi hơn đó lắng nghe bằng cả trái tim. Lắng nghe để thấu hiểu tình yêu của Thiên Chúa và thay đổi lối sống cho phù hợp với sự hy sinh của Ngài. Nghe để loan truyền sự hợp nhất như Thiên Chúa mời gọi.





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ câm ám. Thế nhưng có một số người cho rằng Chúa Giêsu dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Chi tiết này cho chúng ta thấy được trong cuộc đời này khoảng cách giữa sự thánh thiện và không thánh thiện rất mong manh, một bên là thánh thiện qua việc Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành bệnh nhân, còn một bên thì dân chúng phê phán Chúa Giêsu. Điều này không chỉ trong cuộc đời giữa cảnh này với cảnh kia, mà ngay chính trong con người của mỗi người cũng có sự phân chia giữa sự thánh thiện và không thánh thiện.

Đọc lại Tin mừng chúng ta cũng thấy được điều đó:

Chẳng hạn, Gioan Tẩy Giả khi rao giảng kêu gọi dân chúng sám hối và làm phép rửa, thì dân chúng hỏi ông có phải là Đấng Mêssia không và lúc đó ông nói không phải. Tin mừng Gioan ghi lại tiếp hôm sau ông Gioan Tẩy Giả thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, thì chính miệng ông khẳng định: “đây là Chiên Thiên Chúa, đây đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: có Đấng đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” Thế nhưng khi bị bắt vào tù thì những lý luận của ông trước đó đã bị lãng quên hết, nên ông đã sai các môn đệ của mình đến hỏi Chúa Giêsu: “Ngài có phải là Đấng phải đến không? Hay chúng tôi phải đợi Đấng nào khác?” Chúa Giêsu đã trả lời “Các ông hãy về thuật lại cho Gioan những điều các ông đã nghe và đã thấy: người mù xem thấy, người què đi được, người phong hủi được sạch, kẻ nghèo khó được rao giảng Tin Mừng” và Chúa nói thêm một câu: “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta.” Nghĩa là Chúa Giêsu muốn Gioan cũng như các môn đệ của ông nhìn thấy những việc Chúa đã làm, cách riêng là Gioan hãy nhớ lại những gì mình rao giảng để tin vào Chúa.

Hoặc khi các môn đệ đến địa hạt Cêsarê Philipphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,13-16). Thế nhưng sau đó, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất: “Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! “ Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Chúng ta thấy khoảng cách giữa sự thánh thiện và không thánh thiện rất là mong manh, và khoảng cách này, như trong hai ví dụ, bị biến động bởi điều kiện ngoại tại bên ngoài tác động, và ngoại tại bên ngoài tác động này thì chúng ta không thể thay đổi được nó, nên có người nói như thế này đó là “ngồi trên đống vàng ai cũng là hiền nhân quân tử, nhưng ngồi trên đống cát mới biết ai là quân tử hiền nhân.”

Vậy nếu điều kiện ngoại tại không thể thay đổi, thì điều có thể thay đổi chính là con người của mỗi người chúng ta, nếu chúng ta kiên định vững tin vào Chúa thì không có điều kiện ngoại tại nào có thể làm thay đổi được ý hướng bên trong của chúng ta.

Nên chúng ta hãy cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta, để dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của cuộc đời, vẫn luôn vững tin vào Chúa, để sự thánh thiện luôn ở mãi trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Amen.





Thứ Sáu
(Hs 14,2-10; Mc 12,28b-34)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
 

Hs 14,2-10: Chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra.

Tv 81,11&9a: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, hãy nghe Ta răn bảo.

Mc 12,28b-34: Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người.

Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực và yêu người thân cận như chính mình. Dành cho Chúa tất cả tấm chân tình trân quý yêu thương đòi hỏi linh hồn, trí khôn, sức lực cùng hợp tác. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại với tình yêu hoàn toàn tự hiến và không điều kiện. Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng, cứu chuộc và thánh hóa bằng tình yêu. Chúa đã yêu và mãi yêu, vậy thì lời mời gọi của Chúa dành cho nhân loại cũng là tiếng nói của tình yêu. Tình yêu đó không chỉ hồi đáp lại cho Chúa, mà còn yêu thương chính bản thân, yêu thương người có liên hệ, yêu thương những gì Chúa tác tạo cách tốt đẹp.

Áp dụng vào thực tế đời sống ngày nay những lời dạy yêu thương vẫn luôn đúng. Những xáo trộn đang diễn ra khắp nơi cũng có thể có cùng một nguyên nhân. Yêu sai đối tượng! Thay vì yêu mến Thiên Chúa, yêu người thì người ta lại yêu tiền, thích quyền; thay vì nhận ra mình là ai trong cõi đời này thì lại tự cho mình là ‘thần minh’ để thống trị người khác. Tấm lòng, linh hồn, trí khôn, sức lực mà vận dụng không đúng trình tự vốn có thì sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Hãy nghe Chúa răn bảo!





Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc một người trong nhóm luật sĩ đến hỏi Chúa Giêsu trong các giới răn, điều nào quan trọng nhất?

Theo Tin mừng Luca chương 10, nhà thông luật cũng hỏi Chúa Giêsu một vấn đề cũng liên quan đến điều răn trọng nhất, nhưng với ý hướng là muốn thử Chúa. Còn ở Tin mừng Macco chúng ta vừa nghe thì không thấy nói thử Chúa, điều này chứng tỏ nhà thông luật này là một người thành tâm thiện chí, muốn tìm hiểu sâu về luật để giữ đạo một cách sốt sắng tốt lành hơn nữa, để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

Và Chúa Giêsu đã tóm kết 10 điều răn Đức Chúa Trời thành một điều duy nhất đó là mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người như chính mình.

Căn cứ vào câu trả lời của Chúa, chúng ta thấy có ba đối tượng của tình yêu: Thiên Chúa, tha nhân và chính mình. Ba đối tượng này không thể loại trừ nhau, nhưng hiệp nhất với nhau. Nói như thánh Gioan trong thư thứ nhất đó là: Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Và không thể yêu mến anh chị em của mình nếu không yêu mến Thiên Chúa. Nghĩa là yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân, yêu thương chính mình có sự phân biệt nhưng không tách biệt, nếu tách biệt ra thì giống như lời Chúa Giêsu đã nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7, 21).

Nói đến đây, tôi nhớ lại hai hình ảnh biển sống và biển chết từ suy tư của một cha giáo Đại Chủng Viện. Tại đất thánh Palestin, có hai biển rất nổi tiếng. Biển thứ nhất là biển hồ Galilê, tràn đầy sức sống với nhiều loại cá tôm, và các loại sinh vật khác, cũng như cây cối bao quanh. Người dân cũng đến ở chung quanh biển, với nghề đánh cá và trồng trọt. Vì đây là môi trường đầy sức sống, nên người ta gọi biển Galile là biển sống.

Biển thứ hai là biển chết, nằm ở phía nam, tại vị trí thấp nhất của quả đất. Biển này nước mặn đắng đến nỗi không một sinh vật nào có thể sống nổi, cũng không có bóng dáng cây xanh và sức sống chung quanh biển.

Và có một điều kỳ lạ là cả biển sống và biển chết đều được nuôi dưỡng bởi cùng 1 nguồn nước từ sông Giođan. Tại sao lại 1 sống và 1 chết? Sự khác biệt nằm ở vị trí đặc biệt, biển chết chỉ nhận nguồn nước từ sông Giođan, mà không có lối thoát nào, nước trở nên tù đọng, mặn đắng bởi tác động của môi trường và trở nên nơi chết chóc; ngược lại, biển sống nhận nguồn nước từ sông Giođan, rồi đổ ra các thung lũng và sông lạch khác, nhờ đó mà nước luôn luân chuyển, mang lại sức sống dồi dào cho cây cối, thú vật và con người.

Tình yêu của Thiên Chúa cũng thế, nếu không đi tới tha nhân, cũng sẽ bị tù hãm giống như biển chết vậy, ý nghĩa của tình yêu sẽ bị mất đi, trở thành tình yêu giả, yêu hờ.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức được điều đó, để lòng yêu mến Chúa của chúng ta không chỉ trên môi miệng, mà được cụ thể hóa qua việc yêu mến anh chị em của mình, yêu thương chính mình, có như thế tình yêu mến này mới là tình yêu chân thật và sống động như biển sống.

Và xin cho mỗi người chúng ta cũng có được tinh thần như ông luật sĩ trên, biết kiếm tìm những giá trị cao đẹp của đạo, để áp dụng vào đời sống của mình, có như vậy chắc chắn chúng ta sẽ có được sự sống đời đời mà Chúa đã dành sẵn cho mỗi người chúng ta. Amen.



 


Thứ Bảy
(Hs 6,1-6; Lc 18,9-14)


Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân

Hs 6,1b-6: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ.

Tv 51: Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ (Hs 6,6).

Lc 18,9-14: Người thu thuế ra về được khỏi tội.

Tình yêu chính là điều Thiên Chúa muốn (x.Hs 6,6) khi ta đến với Người. Khi yêu con người sẽ biểu lộ nét đẹp của Thiên Chúa. Khi vướng vào lỗi tội, nét đẹp ấy bị phai tàn và hủy hoại. Lỗi vì yêu thì cũng phải được tha thứ bởi yêu. Yêu là một danh từ và cũng là một động từ. Thiên Chúa yêu ta bằng mối tình muôn thuở (x.Gr 31,3) và tình yêu của Người phủ lấp muôn vàn tội lỗi của nhân gian (x.1Pr 4,8).

Thái độ của người biệt phái gợi lên hình ảnh một số tín hữu. Vì cứ nghĩ là đi lễ nào, đọc bao nhiêu kinh, đọc như thế nào, dâng cúng bao nhiêu… là đủ. Nhưng điều Chúa cần nơi tâm hồn của mỗi người thì lại lắm khi thiếu. Chúa cần tâm hồn khiêm cung tràn đầy lòng mến với những tâm sự thiết tha tự đáy lòng. Do đó, chúng ta cần có thái độ của người thu thuế. Biết rõ mình là ai, có những dằn vặt nội tâm nào, thái độ khiêm hạ trước tôn nhan Chúa kết hợp với những lời khẩn cầu lòng thương xót Chúa mới là cốt lõi. Vì tự hào được cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì (x.Lc 9,25). Với tình yêu dâng hiến thì tin rằng Thiên Chúa sẽ ưng lòng, người thân cận cũng vui lòng và chính bản thân chúng ta cũng sẽ tạm an lòng trong tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa.




Lm. Tôma Lê Duy Khang

Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện nhằm nhắm tới đối tượng là những người tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ người khác.

Và Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để cho họ thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa, nghĩa là vấn đề không phải là tội lỗi của con người, hay vấn đề công chính của con người, nhưng vấn đề nằm ở chỗ lòng thương xót của Thiên Chúa, và con người có chịu chạy đến với lòng thương xót của Chúa hay không mà thôi, để Chúa đón nhận và chữa lành, để mình được công chính hoá hay không.

Chúng ta thấy, trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể có một người Biệt Phái đứng thẳng cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như những người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần 2 lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi.”

Còn người thu thuế thì đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

Và Chúa Giêsu kết luận: “Ta bảo thật các ngươi, người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không.”

Lý do mà Chúa Giêsu nói đó là: “Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.”

Hình ảnh đó cho chúng ta thấy, người biệt phái tự nâng mình lên, vì ông ta không cần đến Thiên Chúa, mặc dầu ông ta đến với Chúa nhưng không cần lòng thương xót của Chúa, mà chỉ để muốn Chúa ghi công trạng cho mình, thế là ông ta bị rơi tự do, khi ra về không trở nên công chính, không khỏi tội.

Còn người thu thuế tội lỗi thì tự hạ mình xuống, vì anh ta ý thức mình là người tội lỗi, cần đến lòng thương xót của Chúa, cần được Chúa nâng lên, và cuối cùng anh đã được Chúa nâng lên, đã được trở nên công chính, được tha thứ tội lỗi.

Mở rộng vấn đề ra thêm một chút nữa, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu nói: “Ta bảo thật các ngươi, người này ra về thì được khỏi tội còn người kia thì không”, có bản dịch dịch là: “Ta bảo thật các ngươi, người này ra về được công chính, còn người kia thì không.” Chi tiết này cho thấy chỉ có Chúa Giêsu là Đấng vô tội, còn con người chúng ta không ai là không có tội, không ai là người công chính cả, mặc dù chúng ta làm việc lành phước đức, sống tốt lành, bố thí, ăn chay, cầu nguyện… cũng chưa phải là người công chính, cũng không thể nào làm cho mình được sạch tội một cách hoàn toàn được, mà người công chính, người được thứ tha tội lỗi, chính là người biết chạy đến với Chúa, biết cậy dựa vào lòng thương xót của Chúa, đó mới là người công chính và tội lỗi của mình mới được tẩy xóa thật sự.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức chính mình là những người tội lỗi, là những người không công chính, để biết chạy đến với lòng thương xót của Chúa, để Chúa biến đổi, để Chúa nâng chúng ta từ tình trạng tội lỗi trở nên tình trạng công chính. Amen.