
Chúa Nhật I Mùa Vọng - B
Is 63,16b-17.19b;64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 63,16-17; 64,1.3-8: Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống.
Tv 80,4: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống.
1 Cr 1,3-9: Chúng ta mong chờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra.
Mc 13,33-37: Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến.
Chúa Nhật đầu tiên của Mùa Vọng, Giáo hội bắt đầu năm phụng vụ mới. Ta đang bước vào một số ngày rất đặc biệt của sự mường tượng trước niềm vui Giáng Sinh, đổi mới và sẵn sàng. Các bài học trong Cựu Ước tiết lộ rất nhiều sự không chắc chắn đối với Isaia. Isaia thừa nhận Thiên Chúa là Cha và là Đấng cứu chuộc chúng ta. Nhưng ông lo lắng về cách thức hoạt động của Chúa trong lòng chúng ta. Isaia dường như đang tuyệt vọng để thiết lập lại mối quan hệ của ta với Chúa. Isaia thừa nhận chúng ta đã làm sai, và ta phải cố gắng nhiều hơn nữa, nhưng ông mạnh dạn nói rằng Chúa phải cố gắng nhiều hơn nữa để kết nối với ta.
Tác giả Thánh vịnh cũng đang kêu gọi Thiên Chúa tiếp tục chăm sóc và bảo vệ chúng ta. Và nó đã xảy ra, thực sự. Chúa đã nghe những lời cầu nguyện đó. Giờ đây, trong thư của Phaolô gửi cho người Côrintô, ta biết được món quà diễm phúc này của Chúa Giêsu Kitô, con của loài người và của Thiên Chúa. Nhờ Chúa Giêsu Kitô, ta nhận được tất cả các ân ban cần có để ở vững trong Chúa.
Thứ Hai - Tuần I Mùa Vọng
(Is 2,1-5; Mt 8,5-11)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 4,2-6: Những kẻ được giải phóng sẽ nhảy mừng.
Tv 122,1: Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: “Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa”.
Mt 8,5-11: Nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời.
Những lời đầu tiên của Isaia trong bài đọc hôm nay cho thấy rằng những người sống sót này sẽ tạo thành một nhánh của Chúa sẽ rực rỡ và vinh quang. Lời tiên báo: “dòng dõi Chúa sẽ trở nên huy hoàng vinh quang, hoa màu trên đất sẽ dồi dào” cho những người sống sót. Chúa Kitô sẽ đến từ những nhánh này. Phản ứng của họ và của chúng ta nên là: “Chúng ta hãy hân hoan tiến vào nhà Chúa.”
Matthêu cho chúng ta biết đức tin của viên đại đội trưởng La Mã, và qua những đặc điểm của ông, chúng ta cũng vui mừng với ông. Người đàn ông này chỉ huy một trăm người và có quyền lực đáng kể; tuy nhiên, ông đã tiếp cận Chúa Giêsu với lòng khiêm nhường. Ông cầu xin Chúa Giêsu chữa cho người đầy tớ của ông, người đang nằm liệt và đau đớn vô cùng ở nhà. Ông thưa: “Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì đầy tớ con sẽ được lành bệnh”. Chúa Giêsu ngạc nhiên trước đức tin và sự khiêm nhường của người đàn ông này. Chúng ta có thể học hỏi từ sự khiêm nhường này, sự tôn trọng người khác và sự hiểu biết về nguồn uy quyền đáng tin cậy của Chúa. Chúa Giêsu cứu sống cho đầy tớ, và chúng ta hy vọng Ngài cũng giúp đỡ chúng ta.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu chữa lành cho con của viên đại đội trưởng dân ngoại. Bên cạnh đó là việc Chúa Giêsu khen ngợi đức tin của ông này.
Việc Chúa Giêsu khen ngợi đức tin của ông này cho chúng ta thấy được điều gì? Thưa một mặt cho chúng ta thấy được là Chúa đang khích lệ đức tin của viên đại đội trưởng, nhưng mặc khác là Chúa cũng đang muốn khích lệ đức tin của những người mang danh là con cái Nước Trời, để họ có được đức tin như viên đại đội trưởng một người dân ngoại.
Trong đời sống, chúng ta thấy rất cần những lời khích lệ, những lời khen ngợi hơn là những lời chê bác, khích bác người khác, cha mẹ khen con cái, anh chị em chúng ta khen ngợi nhau, đó là lời khích lệ nhau. Nhưng chúng ta được mời gọi suy niệm thêm, đó là ngoài lời khen ngợi, chúng ta còn được mời gọi phải biết an ủi nhau, bởi có những nơi, có những lúc không thể nào khen ngợi được.
Trong truyện cổ tích Việt Nam có câu truyện Chàng Ngốc được kể tóm tắt như thế này:
Chàng ngốc có được người vợ thông minh, vợ anh ta dạy anh ta khi đi trên đường thấy đám tang của người ta thì khóc lóc chia buồn chắc chắn thế nào cũng có cái mà ăn, nhưng khi anh ta đi ra đường không gặp đám tang, mà gặp đám cưới thì anh ta khóc, nên bị tẩn cho một trận, anh ta về nói với vợ: tôi làm theo mình sao vẫn bị đánh hỏi ra thì mới biết là anh ta gặp đám cưới, nên vợ nói khi gặp đám cưới, khi gặp người ta tụ tập đông người thì nên chúc người ta tốt đôi, tốt đôi, chắc chắn có cái mà ăn.
Cũng vậy, lần này lên đường anh không gặp đám cưới, mà gặp lúc nhà người ta đang cháy, anh ta không cứu giúp phụ, mà đứng đó la lên tốt đôi, tốt đôi, trong đó có một người nói láy giỏi, thấy anh này nói tốt đôi nghĩa là tôi đốt, thế là anh ngốc này bị tẩn cho một trận.
Nên chúng ta thấy, không phải lúc nào cũng khen, nhưng đôi lúc phải biết an ủi, thánh Phaolo trong thư gởi tín hữu Rôma đã mời gọi: “Anh em hãy vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15).
Bên cạnh đó, đôi lúc chúng ta cần phải cứng rắn để dùng lời lẽ mà răn đe, để giúp người anh em mình nhận ra lỗi lầm mà sửa đổi, chúng ta hãy nhớ có lần Chúa Giêsu dạy đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa, nhưng trong cuộc thương khó, khi người lính vả má Chúa, thì Chúa nói: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi?”, ở đây Chúa chỉ phản ứng chứ không phản kháng, để cho người ta biết, nếu chỉ ra chỗ sai của Chúa thì cứ đánh, nếu không chỉ ra được Chúa nói sai ở chỗ nào thì không được đánh.
Hay chúng ta nhớ lại có lần Chúa Giêsu dạy sửa lỗi anh em: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18,15-17), nghĩa là đôi lúc phải cứng rắn để người anh em mình nhìn ra cái sai mà sửa đổi.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết dùng lời lẽ Chúa ban, tùy theo lúc, tùy nơi, để hướng dẫn, để khích lệ anh chị em của chúng ta trở về với Chúa. Amen.
Thứ Ba - Tuần I Mùa Vọng
(Is 11,1-10; Lc 10,21-24)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 11,1-10: Chúa lấy đức công bình mà xét xử người nghèo khó.
Tv 72,7: Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người.
Lc 10,21-24: Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần.
Chúa đã sai bảy mươi hai môn đệ đến các nơi mà Ngài định đến thăm. Và họ trở lại vui mừng. Trong khi nghe kể lại những việc làm và thành quả của họ, “Chúa Giêsu tràn đầy niềm vui của Chúa Thánh Thần và nói: ‘Lạy Cha là Chúa cả trời đất, con xin ngợi khen Cha’”. Chúa Giêsu cảm tạ Chúa Cha là hành động đầu tiên khi nghe tin vui. Người Công giáo đang chuẩn bị đón niềm vui Giáng Sinh với những tâm tình chuẩn bị trong Mùa Vọng, vậy ta có chuẩn bị sẵn sàng tâm tình cảm ơn? Chúa vẫn ở với ta mỗi ngày, ta có dâng lời cảm ơn?
Với những gì đơn sơ, Thiên Chúa sẽ tạo nên một khởi đầu mới với mọi người trong Đấng Mêsia, trong Chúa Giêsu. Ngài là chồi non mọc lên từ gốc rễ của dòng Đavít, và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trên Ngài. Ngài sẽ mang lại hòa bình cho thế giới. Ngài mang đến công lý, lòng trung thành và sự chính trực. Trong chính bản thân mình, Ngài sẽ cho thấy ta là gì và ta có thể làm gì với khả năng của mình nếu ta để Chúa hoạt động trong ta, nếu ta hành động với quyền năng của Ngài, nếu ta tôn trọng mệnh lệnh của Ngài. Đó chính là những tin vui và quà tặng mà Chúa ban cho ta mỗi ngày trong đời. Ngợi khen Chúa.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm qua chúng ta chia sẻ với nhau về chủ đề cần phải biết khích lệ nhau, nâng đỡ nhau, an ủi nhau, để đem niềm vui, niềm lạc quan cho nhau. Tin mừng hôm nay chúng ta cũng chia sẻ với nhau về chủ đề này, nhưng là chúng ta được mời gọi lạc quan tin tưởng vào Chúa, chính chúng ta phải có cái nhìn lạc quan.
Tin mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy, khi được đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu lạc quan chúc tụng Thiên Chúa. Chúng ta biết trước đó, khi đi rao giảng, lời rao giảng của Chúa không được người khác chấp nhận, đó là các thành Kho-ra-din, Bết-xai-đa, Ca-phác-na-um, không đón nhận lời rao giảng của Chúa.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa Chúa vẫn lạc quan, chính vì sự lạc quan đó, nên Chúa đã sai thêm 72 môn đệ cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Và kết quả đã thành công tốt đẹp: “Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10,17).
Trong đời sống, chúng ta được mời gọi lạc quan tin tưởng vào Chúa, vào cuộc đời, có như thế chúng ta mới có thể thăng tiến, đem niềm lạc quan tới cho người khác.
Có một câu chuyện mang tế “BÀ GIÀ HAY KHÓC” kể rằng:
Ở một khu phố cổ xưa, có một bà tuổi đã quá bảy mươi, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt già nua khổ lụy. Ngày ngày bà hay ngồi bên bậc cửa, sát cạnh vỉa hè. Điều đặc biệt ở lão bà này là người ta thấy bà luôn luôn khóc: sáng cũng khóc, chiều cũng khóc, ngày nắng cũng khóc, ngày mưa bà cũng khóc. Chẳng ai biết tên thật của bà lão là gì nhưng người ta quen gọi bà là “Bà già hay khóc”.
Một hôm có một người tu đạo tình cờ đi qua, thấy lạ bèn hỏi:
– Có chuyện gì khiến bà buồn vậy?
Bà già gạt đôi hàng lệ đục ngầu đang lăn dài trên khóe mắt già nua, than vãn:
– Tôi có hai đứa con trai, chúng nó đều đã khôn lớn hết rồi, cũng yên bề gia thất. Thằng lớn ngày ngày bán tiệm giày nơi đầu đường, còn thằng út có cửa hiệu bán dù ở cuối đường. Tụi nó đều hiếu thảo, nhưng...
Người tu Đạo hỏi tiếp, lấy làm ngạc nhiên:
– Vậy, cớ gì mà bà phải khóc?
Bà lão sụt sịt phân trần:
- Bữa nào trời mưa thì tôi khóc lo cho thằng con trai lớn vì nó không bán được giày; còn trời tạnh ráo thì tôi lo cho thằng út, vì đâu được mấy người đến mua dù.
Nghe bà già nói xong, người tu Đạo bật cười:
– Ồ, bà nên vui mới đúng! Bà nghĩ coi: hôm nào trời nắng thì người con trai lớn sẽ bán được rất nhiều giày, còn như hôm nào trời mưa thì cửa hiệu dù của chú út chẳng phải sẽ đắt khách lắm sao?
Bà lão giật mình: Phải, phải! Vậy mà…bao nhiêu năm nay già đây lại không nghĩ ra chớ!
Từ đó, những kẻ qua lại nơi phố cổ xưa thường bắt gặp một bà già ngồi bên bậc cửa với vẻ mặt rạng rỡ, bà luôn mỉm cười. Ngày nắng bà cũng cười, ngày mưa cũng lại cười. Vẫn chẳng ai biết tên thật của bà cụ là gì, nhưng người ta quen gọi bà lão kỳ lạ đó là: “Bà già hay cười”.
Nên chúng ta thấy, nếu chúng ta không có cái nhìn lạc quan tin tưởng chúng ta sẽ tự đem lại nỗi buồn cho chính mình, nhưng nếu chúng ta có được niềm lạc quan tin tưởng thì đời sống của chúng ta sẽ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp, cũng như truyền cảm hứng đó cho người khác. Amen.
Thứ Tư - Tuần I Mùa Vọng
(Is 25,6-10a; Mt 15,29-37)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 25,6-10a: Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt.
Tv 22,6cd: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.
Mt 15,29-37: Chúa Giêsu chữa nhiều người và hoá bánh ra nhiều.
Hôm nay chúng ta suy niệm về việc hóa bánh và cá ra nhiều trong Tin mừng. Nhiều người “đã đến với Ngài” (Mt 15,30): người mù, người khuyết tật, người bệnh đủ loại, cùng với những người đi cùng họ. Tất cả chúng ta đều cần Chúa Kitô vì sự dịu dàng, sự tha thứ, ánh sáng, lòng thương xót của Ngài, v.v. Nơi Ngài, người ta có thể tìm thấy sự viên mãn của tất cả những gì thuộc về con người.
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết về sự cần thiết của những người dẫn dắt người khác đến với Chúa Kitô. Những người mang Chúa Giêsu đến để chữa lành bệnh là hình ảnh của tất cả những người biết rằng hành động bác ái cao cả nhất đối với đồng loại là đưa họ đến gần Chúa Kitô, Đấng là nguồn mạch sự sống của chúng ta. Đời sống đức tin đòi hỏi sự thánh thiện và tông đồ.
Vị Thiên Chúa toàn năng này, Đấng yêu thương chúng ta một cách say mê, lại đòi hỏi chúng ta một điều gì đó: bảy chiếc bánh và một ít cá mà Ngài sẽ dùng để nuôi đám đông. Nếu chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu trông cậy vào chúng ta biết bao và giá trị của tất cả những gì chúng ta làm cho Ngài, dù nhỏ đến đâu, chúng ta sẽ cố gắng hơn nữa để tương ứng với Ngài.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay trình bày việc Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ 2 để nuôi đám đông dân chúng. Mà dân chúng này theo Tin mừng ghi lại là những người ở với Chúa. Vấn đề đặt ra là nếu không ở với Chúa, không đến nhà thờ, Chúa có thương con người hay không, Chúa có làm phép lạ hóa bánh ra nhiều hay không? Thưa Chúa vẫn thương con người, Chúa vẫn làm phép lạ, nhưng vì con người chịu ở với Chúa nên sẽ không cảm nếm được tình thương của Chúa dành cho mình.
Trong đời sống gia đình cũng thế, nhiều khi con cái giận hờn cha mẹ, nhưng cha mẹ vẫn thương con cái, có điều là con cái không đón nhận được, chỉ khi nào trở về trong vòng tay cha mẹ mới có thể hiểu và đón nhận được mà thôi.
Câu chuyện xảy ra tại nước Scotland về một cô gái quê trẻ. Cô ta cảm thấy chán chường trong cuộc sống gia đình nề nếp. Cô đến thưa với cha mẹ: “Con không muốn tin ông trời của cha mẹ. Con quyết định ra đi khỏi nhà.”
Thế là cô bỏ nhà ra đi. Tuy nhiên, chẳng bao lâu cô bị người ta chê cười và ruồng bỏ vì không tìm được việc làm, cô đã phải làm nghề đứng lề đường bán thân nuôi miệng. Thời gian trôi qua, cha cô đã qua đời trong sự buồn chán và xấu hổ vì đứa con gái hư đốn của mình. Mẹ cô ngày một già nua. Còn cô thì mỗi ngày một sa đọa trong lối sống hư đốn.
Sau đó bà mẹ cũng bặt tin con. Rồi tin đồn về cuộc sống xấu xa của con gái. Bà đã đi tìm con khắp thành phố. Bà đến từng nhóm cứu trợ với lời thỉnh cầu: “Làm ơn cho tôi treo tấm hình này.” Ðó là tấm hình của bà đang mỉm cười kèm theo dòng chữ: “Mẹ vẫn mãi yêu con. Mẹ mãi chờ con. Về nhà với mẹ đi con, con gái của mẹ”.
Vài tháng sau đó, một ngày nọ cô gái đến chỗ một toán cứu trợ nhận bữa ăn tối. Cô chẳng màng chi đến những lời khuyên răn của những người hữu trách. Lơ đễnh nhìn tờ thông báo cô chợt nhận ra tấm hình của mẹ cô với hàng chữ đầy thương mến như nài van cô hãy trở về với bà, cô vội đứng lên xem rõ bức ảnh và cô bật khóc.
Khi trời đã nhá nhem tối, cô quyết định trở về nhà nơi cô đã ra đi từ lâu. Về tới nhà thì trời cũng vừa hửng sáng. Cô sợ hãi khép mình bên cánh cửa và băn khoăn không biết phải nói lời nào với mẹ. Nhưng rồi cô quyết định khẽ gõ cửa, cô nhận ra cánh cửa chỉ khép lại chứ chưa khóa. Cô nghĩ chắc có trộm vào nhà. Lo lắng, cô chạy vội tới giường ngủ của mẹ và thấy bà vẫn đang ngủ yên. Cô đánh thức mẹ và thưa: “Mẹ ơi, con đã về.”
Bà vùng chỗi dậy như không tin ở mắt mình. Nước mắt lăn dài trên gò má đã hom hem của bà, bà vội ôm chầm lấy cô con gái như sợ cô sẽ vuột mất. Cô gái cố bình tĩnh nói với mẹ: “Mẹ ơi, con lo quá, cánh cửa không khóa, nên con tưởng ăn trộm đã mở cửa để lẻn vào nhà mình.”
Bà mẹ dịu dàng nói: “Không phải vậy đâu con. Từ ngày con đi thì cánh cửa nhà mình chẳng bao giờ khóa cả.”
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được như vậy, để biết trở về với cha mẹ của mình, trở về với Chúa để đón nhận tình yêu thương từ các ngài. Amen.
Thứ Năm đầu tháng - Tuần I Mùa Vọng
Thánh Ambrôsiô, giám mục, tiến sĩ Hội thánh.
(Is 26,1-6; Mt 7,21.24-27)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 26,1-6: Dân công chính biết giữ sự trung tín, hãy tiến vào.
Tv 118,26a: Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến!
Mt 7,21.24-27: Ai thực hiện ý Chúa Cha, sẽ được vào nước trời.
Bài đọc đầu tiên đến từ một phụ trang trong Isaia được viết vào thời kỳ sau Isaia. Đoạn này nói về sự phán xét của Thiên Chúa và sự chiến thắng của Chúa trên các ‘thành phố’ tội lỗi. Nhưng Giêrusalem, cộng đồng của Chúa, thành phố của Chúa, sẽ đứng vững. Những người trung thành với Thiên Chúa có thể trông cậy vào Ngài: Ngài thành tín và vững chắc như đá tảng.
Những ai chấp nhận lời kêu gọi và thử thách của Chúa Giêsu bằng cách sống như các môn đệ của Ngài là đang xây dựng trên nền đá vững chắc. Điều này đúng cho cá nhân người môn đệ và cho cả Giáo Hội. Đó là bài học của Phúc âm hôm nay. Chúa Giêsu đòi hỏi sự nhất quán giữa những gì ta tin và cách ta sống. Tin và sống điều mình tin là nền móng cho hành trình rao giảng Chúa Kitô.
Chúa cũng chẳng ép ta phải làm những điều vĩ đại ngay từ đầu, nhưng chỉ là từng chút một cách tốt đẹp và ý nghĩa thôi. Do đó, những giải pháp hàng ngày của ta để sống theo lời dạy của Chúa Giêsu phải là tiền đề của niềm vui và lời tạ ơn khi ta suy xét cõi lòng lúc ngày tàn. Niềm vui của việc sở đắc những chiến thắng nho nhỏ để vượt qua chính bản thân mình là một cách chuẩn bị tốt cho những thử thách mà ta sẽ phải đối mặt trong đời.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm nay Chúa nói: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”, và Chúa dùng hình ảnh một người xây nhà trên đá, và một người xây nhà trên cát, như một minh họa cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc thực hành lời Chúa, ví như người xây nhà trên đá.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy được rằng, dù rằng Chúa cho chúng ta biết về Chúa, nhưng chúng ta phải biết tự làm chủ cuộc đời mình, biết sống theo thánh ý của Chúa. Nghĩa là Chúa cho con người có tự do, không ép buộc, nhưng chúng ta phải để ý những điều Chúa muốn chúng ta thực hiện đều là tốt cho chúng ta.
Đối với Chúa là như vậy, nhưng trong cuộc sống đôi khi chúng ta ép buộc người khác phải theo chúng ta, có thể điều đó là tốt theo cái nhìn của chúng ta, nhưng đối với người khác thì không tốt đối với họ.
Tôi từng đọc được một đoạn về “Tây Du Kí”: Đường Tăng rất cẩn thận, luôn thích chăm lo cho các đồ đệ của mình. Ngày nọ, ngài phát hiện trên quần của Tôn Ngộ Không có một lỗ thủng, cho nên đã lặng lẽ vá lại lỗ thủng đó. Ngày hôm sau, ngài lại thấy chỗ vá thủng ra, cho nên, một lần nữa lại lặng lẽ vá lại. Ngày thứ ba vẫn vậy, và ngài ấy vẫn tiếp tục vá. Dù cho ngài cẩn thận như thế, nhưng Tôn Ngộ Không lại nóng giận, không chịu nổi bèn nói rằng: “Sư phụ, người đừng quản mấy chuyện không đâu nữa có được không? Người đem lỗ thủng trên quần con vá lại như thế, người nói đuôi của con biết làm thế nào?”
Trong “Người trộm bóng” cũng có một câu thế này: “Bạn không thể can thiệp vào cuộc sống của người khác, cho dù là vì muốn tốt cho đối phương”. Đúng vậy, việc can thiệp một cách mù quáng đến những chuyện không liên quan đến mình, nhiều khi sẽ khiến bạn rơi vào tình huống “có ý tốt mà không được đền đáp”. Cho nên, người đến độ tuổi trưởng thành, vẫn là nên học cách có chừng mực với người khác, không quản chuyện không liên quan đến mình, không chỉ là tôn trọng người khác, mà còn là dành một phần an tĩnh cho chính mình.
Hiểu được như vậy, chúng ta cần phải tôn trọng tự do của nhau, nhưng không được quá đáng, bởi có những điều nếu thấy tự do đó quá đáng đi ngược với điều Chúa dạy, chúng ta phải có bổn phận nhắc nhở, để người chúng ta có trách nhiệm đạt được tự do đích thực. Amen.
Thứ Sáu - Tuần I Mùa Vọng
Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân
(St 3,9-15.20; Ep 1,3-6.11-12; Lc 1,26-38)
Lm Trầm Phúc
Hôm nay, Giáo Hội mừng trọng thể Mẹ Maria Vô Nhiễm nguyên tội. Chúng ta vui mừng tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta nơi Mẹ Maria một hồng ân tuyệt vời là một thụ tạo được gìn giữ vẹn toàn, không lây nhiễm tội nguyên tổ. Đó phải chăng là một hồng ân vô giá được ban cho tất cả chúng ta? Chúng ta chào mừng Mẹ và cầu xin Mẹ gìn giữ chúng ta trong tình yêu Chúa, luôn luôn trong trắng để xứng đáng với hồng ân Chúa ban cho Mẹ.
Nhớ đến ơn Vô Nhiễm nguyên tội của Mẹ Maria, chúng ta không thể quên một nhân chứng đã được Mẹ hiện ra và cho biết Mẹ là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội, đó là cô Bênađêta, một đứa bé đơn sơ trong sáng.
Năm 1854, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã tuyên tín Đức Mẹ là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội, thì năm 1858, Đức Mẹ thân hành hiện ra tại Lộ Đức cho một em bé tên là Bênađêta Xubiru, và xác nhận rõ ràng Mẹ là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội.
Sau mười hai lần hiện ra cho Bênađêta trong 12 tháng, Mẹ Maria bảo Bênađêta: “Con hãy nói với cha sở xây cho Ta một nhà nguyện ở tại đây”. Bênađêta vâng lời đến gặp cha sở và nói y như vậy. Cha sở bảo: “Bà nào? Hãy bảo Bà đó cho ta biết Bà đó là ai, ta mới xây cho bà một nhà nguyện được chứ!” Lần hiện ra cuối cùng, Bênađêta hỏi bà: Cha sở con bảo: “Bà là ai”, cha mới có thể xây nhà nguyện cho bà”. Bênađêta thuật lại: “Bà chắp hai tay lên ngực, mỉm cười và nói: “Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội”. Bênađêta chạy ngay về nhà xứ miệng cứ lặp đi lặp lại: “Ta là Đấng vô nhiễm nguyên tội” vì lần đầu tiên Bênađêta mới nghe được một câu nói lạ lùng như vậy. Đến nhà xứ, Cha xứ mở cửa và Bênađêta nói ngay câu đã nghe: “Ta là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội”. Cảm động đến không cầm được, cha sở là cha Peyramale bỏ Bênađêta đó và vào phòng quỳ xuống và khóc vì cảm động. Ngài biết đó là Mẹ Maria. Lộ Đức hôm nay đã trở nên Đô Thành của Mẹ Maria.
Mẹ đã hiện ra và xác nhận tín điều Vô Nhiễm nguyên tội, hồng ân vô giá mà Chúa đã ban cho loài người chúng ta qua Mẹ Maria. Chúng ta cám ơn Chúa và nhờ Mẹ, chúng ta tiến xa hơn trên con đường yêu mến Chúa. Chúa đã thương chúng ta và đã cho Mẹ được hồng ân tuyệt hảo ấy là để dọn cho Con của Ngài là Chúa Giêsu một nơi ở xứng đáng, khi đến trần gian.
Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, vì thế Mẹ vượt trên mọi tạo vật, Mẹ là tạo vật đầu tiên Chúa chọn để mang ơn cứu độ cho loài người sa ngã.
Thiên thần Gabririen đến truyền tin cho Mẹ phải cung kính chào Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi người đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Mẹ là Đấng Vô Nhiễm nguyên tội vì thế Mẹ được Thiên Chúa ở cùng. Mẹ xứng đáng lãnh nhận Con Thiên Chúa đến trần gian, vì Chúa Giêsu không thể làm con của một người dưới quyền của ma quỷ được. Bà Êlisabet là người đầu tiên gọi Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Chúa đã đến với chúng ta qua trung gian của Mẹ. Mẹ cưu mang và sinh hạ chính Chúa của mình. Mẹ phải xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa.
Mẹ vẫn là con cái Ađam, nhưng Mẹ đã được Chúa tuyển chọn. Giáo Hội muốn nói rằng giữa bùn nhơ trần gian, Chúa vẫn có thể tạo nên một bông hoa quí, vẹn tuyền, trong trắng. Một bông hoa trần gian nhưng vẹn toàn, không chịu ảnh hưởng gì của bùn nhơ tội luỵ của chúng ta. Bông hoa này đã trở nên niềm hy vọng tuyệt vời cho loài người chúng ta. Vì ai trong chúng ta, không ai lại không ước mong được trong sáng như Mẹ.
Muốn như thế, hãy đi theo đường lối của Mẹ là lệ thuộc vào Chúa hoàn toàn, tin tưởng hoàn toàn vào Chúa vì “không có Ta, anh em không thể làm gì được”. Mẹ đã nhận rằng mình chỉ là “Nữ tỳ của Thiên Chúa mà thôi”, Mẹ chỉ biết “xin vâng” mà thôi. Hãy xin vâng như Mẹ, và nhờ Mẹ, chúng ta bước theo Chúa mỗi ngày. Đó là con đường hạnh phúc mà Mẹ đã đi và Mẹ sẽ giúp chúng ta đi vào con đường hạnh phúc đó.
Chúa Giêsu, Đấng đã ở trong cung lòng Mẹ để đến trong trần gian, hôm nay vẫn đến với chúng ta dưới một hình thức khiêm tốn hơn: Một tấm bánh, Ngài đến cho chúng ta, để sống với chúng ta trong xương thịt chúng ta, như xưa kia Ngài đã ở trong cung lòng Đức Mẹ. Xin Mẹ giúp chúng ta cùng sống với Chúa với tất cả tình yêu, mang Chúa cho mọi người quanh ta. Chỉ cần xin vâng như Mẹ đã xin vâng.
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
St 3,9-15.20: Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ.
Tv 98,1: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu.
Ep 1,3-6.11-12: Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Đức Kitô.
Lc 1,26-38: Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ.
Mẹ Maria dẫn đường cho tất cả mọi người đang hướng về Chúa. Lời của sứ thần: “Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ.” Tại sao Mẹ có phúc này? Vì Mẹ Maria như vườn ươm của nhân loại, nơi Thiên Chúa để hạt giống tốt đâm chồi nảy lộc. Bởi vì Mẹ là tôi tớ của Chúa và là hình ảnh của Giáo Hội, Thiên Chúa trung thành với những lời hứa của Người và qua Mẹ, Người đã ban cho ta Đấng Cứu Độ. Maria là người đầu tiên và duy nhất trong tất cả những người trần thế được giữ khỏi tội lỗi.
Đối với một thế giới đang chờ đợi, Maria đã góp phần cộng tác với Đấng Cứu Độ, bởi vì Mẹ nói CÓ với kế hoạch của Chúa. Đối với một thế giới đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và hy vọng, ta có thể theo gương Mẹ để đem hòa bình và công lý của Đức Kitô đến những ai cần, nếu chúng ta cũng sẵn sàng nói CÓ với ý định của Chúa. Vì Chúa gọi ta tiếp tục công việc Người đã bắt đầu trong Chúa Giêsu với sự cộng tác của Maria, xin cho ta đáp lại lời kêu gọi này với sự chúc phúc của Thiên Chúa toàn năng.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Mang thân phận là con người, ai trong chúng ta cũng là những con người yếu đuối, tội lỗi; không những chúng ta phải mang lấy tội nguyên tổ, mà còn đã trót phạm không biết bao nhiêu tội riêng trong suốt cả cuộc đời của mình.
Thế nhưng, với Đức Trinh Nữ Maria, dẫu rằng, Mẹ cũng là thụ tạo, là con người như chúng ta, nhưng Thiên Chúa đã ban ơn, che chở, giữ gìn để Đức Maria được không mang lấy tội nguyên tổ và bất cứ tội nào. Chúng ta sẽ tự hỏi, bởi đâu mà Thiên Chúa lại ban cho Mẹ Maria được đặc ân cao quý này? Tất cả ân phúc mà Chúa ban cho Mẹ, không phải do bởi công trạng của Mẹ, nhưng tất cả là nhờ vào công nghiệp của Chúa Giêsu Con của Mẹ là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ trần gian.
Hôm nay chúng ta mừng lễ mẹ Maria vô nhiễm, không chỉ chúng ta mừng lễ Mẹ mừng mẹ được đặc ân vô nhiễm nguyên tội, mà chúng ta cũng phải cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta một người mẹ như Mẹ Maria, để qua mẹ chúng ta cảm nhận được tình yêu của Chúa, chúng ta hãy nhớ lại trước khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã trối thánh Gioan lại cho Đức Mẹ.
Bên cạnh đó, ngoài việc Chúa ban cho chúng ta Mẹ Maria, Chúa còn ban cho chúng ta có mẹ, có cha trần gian, để qua mẹ cha của chúng ta, mà chúng ta cảm nhận được tình thương của Chúa.
Một người con trai nói với Mẹ rằng cậu ta muốn có món quà đặc biệt nhân dịp sinh nhật lần thứ 18 của mình. Thế nhưng vì một lý do nào đó người Mẹ đã không thể thực hiện. Vì cho rằng Mẹ đã bất công và không yêu thương mình nên từ ngày đó, chàng trai không thèm nói chuyện với Mẹ. Vài ngày trước ngày sinh nhật, chàng trai được chẩn đoán bệnh tim và có thể chỉ sống được vài ngày. Người bố đang làm tận hải ngoại. Người duy nhất bên chàng trai là Mẹ. Người con trai lo lắng nắm lấy tay Mẹ và hỏi: “Mẹ ơi, con sẽ chết phải không mẹ?” Người Mẹ đáp: “Ồ, không đâu con. Đừng lo lắng.” Vài ngày sau chàng trai hồi phục và được cho về nhà. Ngay khi bước chân vào nhà chàng trai cảm nhận có gì đó khác lạ. Chàng trai la to: “Mẹ ơi, con về rồi nè! Không có tiếng trả lời. Chàng trai đi vào phòng mình, thấy bên giường một tờ giấy gấp gọn. Cậu mở ra và không cầm nổi tiếng nấc. Thư Mẹ viết: “Con trai, chắc con còn nhớ lời yêu cầu về món quà đặc biệt nhân ngày con được 18 tuổi chứ? Mẹ tặng con món quà quý nhất mà Mẹ chưa từng trao cho ai. Mẹ trao cho con trái tim Mẹ. Dù mẹ không còn, nhưng mẹ biết, con của mẹ sẽ thành công và không làm mẹ thất vọng.Yêu con.” Chàng trai quỵ xuống đất và khóc lớn tiếng: “Mẹ ơi, ước gì con không xử với mẹ như thế!”
Người Ả Rập có một câu châm ngôn nói về người Mẹ như sau: “Bởi vì Thượng Đế quá bận rộn, Ngài không có thời gian để chăm sóc và lắng nghe nguyện vọng của từng người, thế nên Ngài đã tạo ra người mẹ để luôn chở che và bao dung cho những đứa con còn nhỏ dại.” Vâng! Qua người Mẹ, Thiên Chúa đã tạo ra những người con và mỗi người là một nhân vị duy nhất trên cõi đời này.
Trong một bài giảng nhân Ngày Của Mẹ, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm có chia sẻ: “Tình yêu của người mẹ có dấu ấn tình yêu của Thiên Chúa: Sự hy sinh, cho đi và hoàn toàn vô vị lợi. Do vậy, cho dù thế gian này còn đầy gian dối, lắm lọc lừa thì BAO LÂU CÒN CÓ CÁC BÀ MẸ, CHÚNG TA CÒN DÁM TIN VÀO TÌNH YÊU, NGHĨA LÀ TIN VÀO THIÊN CHÚA”.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó để cám ơn Chúa, để có lòng yêu mến Chúa, yêu mến Mẹ Maria, yêu mến ông bà cha mẹ của chúng ta, vì khi yêu mến như vậy thì chứng tỏ là chúng ta đang yêu mến Chúa. Amen.
Thứ Bảy - Tuần I Mùa Vọng
(Is 30,19-21.23-26; Mt 9,35-10,1.6-8)
Lm. Giuse Nguyễn Hồng Quân
Is 30,19-21.23-26: Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin.
Tv 147: Phúc cho tất cả những ai mong đợi Chúa (x. Is 30,18).
Mt 9,35-10,1.6-8: Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ.
Chúa từ bi. Người không thể để người dân của mình đau khổ. Lòng từ bi này của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình trong con người của Đức Giêsu Kitô.
Bản văn Cựu ước, có lẽ là sự trình bày chi tiết về suy nghĩ của Isaia của một tác giả sau này, hứa hẹn sự phục hồi cho dân của Chúa sau khi họ hoán cải. Thiên Chúa sẽ thương xót dân của Người. Người hứa giải thoát khỏi sự dữ, bệnh tật, đói kém, bạo lực, bất công, miễn là mọi người nhận ra sự nghèo khổ của chính họ và không có khả năng sống như họ cần bằng chính quyền năng của họ. Thiên Chúa sẽ làm những điều này nơi con người và với con người.
Trong Tân Ước, Chúa Giêsu sẽ gặp gỡ và giải thoát ta. Ngài sai Giáo hội của mình đi gặp gỡ mọi người trong nỗi khốn cùng của họ và để xoa dịu mọi đau khổ. Sứ mệnh mà Chúa gửi Con Người đến thế giới mời gọi ta để tiếp nối. Ngày nay, nhiều tâm hồn tuyệt vọng và mất phương hướng đang khao khát Tin mừng Cứu Rỗi mà Chúa Kitô loan báo, và chúng ta là những sứ giả Tin mừng đó. Tuy nhiên, ta vẫn còn đó những giới hạn và cần được hỗ trợ từ Chúa. Để có được sự hợp tác, ta cần cầu nguyện liên lỉ với kế hoạch cứu chuộc mà Đức Kitô đã bắt đầu.
Lm. Tôma Lê Duy Khang
Tin mừng hôm này trình bày cho chúng ta thấy một chi tiết đó là Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thiếu thợ gặt. Các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Tại sao Chúa Giêsu lại kêu gọi các môn đệ như thế? Thưa vì Chúa Giêsu thấy đám đông dân chúng lầm than vất vưởng như những con chiên không người chăn dắt. Thế nhưng có một điều lạ lùng là sau đó, chúng ta không thấy các môn đệ xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về, mà Chúa Giêsu lại triệu tập 12 môn đệ ra đi để gặt lúa về, tại sao lại có chi tiết lạ như thế?
Thưa có thể nói Chúa Giêsu là chủ mùa gặt, Chúa biết được nhu cầu của đàn chiên của Chúa, như có lần Ngài đã nói với các môn đệ: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8), nghĩa là tuy rằng Tin mừng không nói cho chúng ta biết cách trực tiếp là các ông cầu xin cho có nhiều thợ gặt mà Chúa biết được điều đó, nên đã sai các ông đi.
Bên cạnh đó, việc Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ cầu nguyện cho có nhiều thợ gặt, mà Chúa lại sai các ông đi, để cho các ông biết được rằng ngoài các ông ra, thì Chúa còn cần nhiều thợ gặt khác cộng tác vào công trình rao giảng Tin mừng của Chúa.
Chúng ta hãy nhớ lại có lần ông Gioan nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không cùng với chúng con đi theo Thầy.” Chúa Giêsu bảo ông: “Đừng ngăn cản người ta. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!” (Lc 9,49-50). Nghĩa là không chỉ Chúa cần chúng ta làm thợ gặt, mà Chúa còn cần những người khác nữa.
Hiểu được như thế nên chúng ta được mời gọi mở lòng mình ra, đừng sống theo kiểu cục bộ, mà hãy cầu nguyện cho Giáo hội ngày càng có nhiều thợ gặt lành nghề, cũng như chúng ta biết đón nhận những cái mới, đón nhận những người mới mà Chúa gởi đến, để hướng dẫn họ như là lớp kể thừa cho chúng ta.
Có người nói thế này: khi tôi đi khỏi xứ này, hay khi tôi mà đi khỏi nhà này, thì xứ này, thì nhà này sụp hết, nếu vậy thì chúng ta có thành công hay không? Thưa không thành công, vì không có ai kế thừa chúng ta.
Trong bộ phim “Reply 1988”, khá ấn tượng với một đoạn thế này. Trước khi bà mẹ phải đi về quê có việc, bà chuẩn bị sẵn hết mọi thứ trong nhà và dặn dò 3 bố con về từng thứ một. Như là thức ăn để trong ngăn tủ lạnh, khi cần ăn thì lấy cái gì và hâm lại, theo thứ tự. Như là việc than để trong lò sưởi, khi thay than thì phải làm thế nào. Như ủi áo quần thì gấρ để riêng từng loại, từng ngăn. Và dặn dò 3 bố con về việc cần phải sống khoa học, không được bừa bộn…
Nhưng khi bà mẹ vừa bước chân ra khỏi nhà, 3 bố con tưng bừng như mở hội, sống bừa bãi và không theo bất kỳ nguyên tắc nào, cảm giác sung sướng như vừa được… ra trại. Nằm kềnh ra nhà vừa ăn vừa xem tivi, áo quần vứt chỏng vó lung tung, gọi toàn đồ ăn sẵn thay vì những món bà mẹ đã cầu kỳ chuẩn bị… Và khi nghe tin bà mẹ về, họ ngay lập tức dọn dẹp mọi thứ để đối phó và căn nhà trở nên sạch sẽ, mọi thứ đúng quy trình như trước đó bà mẹ đã dặn dò.
Thế nhưng khi về, nhìn thấy mọi thứ mình dặn dò được tuân thủ, bà mẹ lại buồn và không vui một chút nào. Bà cứ thế thất thần, ủ dột. Ba bố con không hiểu vì sao họ đã “đối phó” chỉn chu đến vậy rồi mà vẫn không làm mẹ hài lòng. Sau cùng, khi 1 cậu con trai đi hỏi bạn của mình, thì nhận được lời giải đáp. Rằng các bà mẹ thực chất luôn muốn thấy mình là người quan trọng, âm thầm nghĩ mấy bố con sẽ không thể sống tốt nếu thiếu mình.
Nên xin Chúa cho mỗi người chúng ta hiểu được điều đó, để đừng tự phụ về chính mình, mà hãy ý thức chúng ta chỉ là những đầy tớ vô dụng của Chúa, chúng ta chỉ làm việc bổn phần đấy thôi, nghĩa là không có chúng ta thì cũng có người khác, vì Giáo hội là đời đời. Amen.