14/05/2022
457
Suy niệm Chúa Nhật V Phục Sinh - năm C_Lm Trầm Phúc

















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật V Phục Sinh năm C

Lời Chúa: Ga 13,31-33a.34-35

 

Thấy Giudà nóng lòng, Chúa Giêsu đuổi khéo anh và anh đã ra đi. Sự ra đi của Giudà khởi đầu một tiến trình mà Chúa gọi là sự tôn vinh. “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người”.

Tôn vinh ở đây không như chúng ta thường hiểu là tung hô vạn tuế. Tôn vinh ở đây là chết và phục sinh, là vâng theo ý Chúa Cha trọn vẹn, thực hiện chương trình cứu độ của Chúa Cha. Tôn vinh ở đây cũng có nghĩa là sự biểu lộ quyền năng cứu chuộc của Chúa, khởi đầu bằng cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Đây là giai đoạn đau thương nhất của cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng cũng là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời Ngài. Sự tôn vinh nầy là khởi đầu cho một trang sử mới, trong đó chúng ta được hưởng nhờ lòng thương xót của Chúa Cha và được thông phần vào vinh quang của Chúa Con. Vinh quang của Chúa Giêsu chính là ơn cứu độ được thực hiện cho mỗi người chúng ta, nếu chúng ta chấp nhận theo Ngài, yêu mến Ngài.

Tôn vinh ở đây cũng có thể hiểu là tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua cái chết đau thương và sự phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu.

Chúng ta cũng có thể tôn vinh Chúa Cha bằng cách noi gương vâng phục của Chúa Giêsu, hiến dâng mọi khó khăn nhọc mệt của chúng ta trong cuộc sống cho Ngài, với tất cả tình yêu của chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta yêu mến Chúa Cha nhờ Chúa Giêsu, và vì yêu mến Chúa, chúng ta dám theo Chúa Giêsu đến cùng. Lúc đó, Thánh Thần Tình Yêu được đổ tràn xuống trên chúng ta giúp chúng ta yêu thương anh em chúng ta như Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúa Giêsu gọi “đây là điều răn mới của Thầy”. Nét mới mẻ ở đây là như Thầy đã yêu thương”. Như Thầy là như thế nào? Hãy nhìn Chúa Giêsu trên thập giá, chúng ta biết ngay ý nghĩa của từ như Thầy.

Vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chấp nhận chết đau thương như thế. Chúng ta cũng phải chết cho anh em như thế. Chúng ta làm được không? Hãy nhìn thánh Maximilian Kolbe dám chết thay cho một người bạn tù. Trong các trại giam của Đức Quốc Xã, khi có một sĩ quan người Đức chết vì bị bắn hay bị ám sát thì mười tù nhân sẽ bị xử tử, đền mạng cho người chết. Sáng hôm đó, giám đốc trại giam điểm danh các tù nhân và thông báo: “Hôm nay sẽ có mười tù nhân sẽ bị giam đói cho đến chết vì có một sĩ quan người Đức vừa bị ám sát”. Các tù nhân rùng mình. Ông cai tù đọc tên và mười người ra xếp hàng trước mặt ông. Khi đọc tên người thứ mười, tên nầy vừa bước ra vừa khóc to và nói: “Cho tôi xin, tôi còn vợ còn con!” Trong hàng ngũ tù nhân, một người bước ra. Đó là cha Kolbê, Ngài cũng bị tù. Viên cai tù ngạc nhiên vì không có tục lệ nào cho phép từ nhân bước ra khỏi hàng ngũ khi không có lệnh. Viên cai tù hỏi: “Tên kia, mầy muốn gì?” Cha Kolbê trả lời: “Tôi xin chết thay cho anh nầy”. Viên cai tù ngạc nhiên đến nỗi không nói được gì, cứ há hốc nhìn cha Kolbê. Một lúc sau anh mới nói được: “Được, mầy muốn chết cho mầy chết”. Thế là cha Kolbê bị dẫn đến phòng giam đói với chín người kia. Và ngài đã chết cho một người bạn tù.

Chúa Giêsu đã yêu chúng ta và đã chết cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải yêu thương như Chúa. Chúng ta không có dịp chết như cha Kolbê và Chúa không đòi hỏi chúng ta làm như thế, nhưng chúng ta cũng có thể chết dần chết mòn cho người anh em, khi chúng ta phục vụ anh chị em chúng ta với tất cả sức lực và khả năng của chúng ta. Cha mẹ hy sinh để nuôi con cái cũng là cách yêu thương như Chúa.

Chúng ta cũng thấy gương lành của Mẹ Têrêxa Calcutta, suốt mấy chục năm tận tụy giúp đỡ những người bần cùng nhất trong xã hội.

Chúng ta không thể nghe lời Chúa rồi bỏ qua. Hãy bắt tay vào việc và yêu thương như Thầy đã yêu thương. Chúng ta sẽ thấy cuộc đời của chúng ta có ý nghĩa hơn, tươi sáng hơn. Không cần ai biết, không cần ai hay. Cứ tận tụy yêu thương.

Chúng ta đang sống trong một xã hội mà đồng tiền trở thành chúa tể. Người ta chỉ lo thu gom cho thật nhiều, ai chết mặc ai. Khoa học kỷ thuật không đem lại tình thương mà ngược lại, càng tiến bộ về khoa học, con tim con người càng teo héo. Chúng ta là con cái của Thiên Chúa Tình Yêu, con tim chúng ta càng phải nên giống con tim của Cha chúng ta.

Chúa Giêsu ban cho chúng ta điều răn mới của Ngài, thì chính Ngài cũng không quên trợ lực cho chúng ta để chúng ta dám yêu thương như Ngài. Ngài đến với chúng ta, ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, bằng cách biến mình thành một tấm bánh nhỏ để chúng ta nuốt vào trong chúng ta, sống với chúng ta trong chính thân xác chúng ta. Chúng ta còn đợi gì mà không cố gắng hết mình để thực hiện điều Ngài mong ước?

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho