20/10/2016
1020
Suy Niệm Chúa Nhật Truyền Giáo năm C_Lm Giuse Minh



















CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN

KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO 2016

Hãy Là Chứng Nhân Của Lòng Thương Xót

“Hãy Nhân Danh Ngài Mà Rao Giảng Cho Muôn Dân”

 

I. Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2016

Ngày 15 tháng 5 năm 2016 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố sứ điệp ngày thế giới truyền giáo năm 2016 bằng tinh thần: “Hội Thánh Truyền Giáo, Chứng Nhân Của Lòng Thương Xót”. Ngài đã nêu lên mối liên kết chặt chẽ giữa sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa để mời gọi mọi thành phần trong Giáo Hội “đi ra” loan báo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đến với mọi người, mọi dân tộc tại mọi góc cùng của thế giới. Ngài nói: “Năm Thánh Lòng Thương Xót mà Hội Thánh đang cử hành chiếu rọi vào ngày Chúa Nhật Thế Giới Truyền Giáo một ánh sáng chói ngời: nó mời gọi chúng ta nhìn vào việc truyền giáo cho muôn dân (Missio ad Gentes) như một công trình bao la, vĩ đại của Lòng Thương Xót, cả thiêng liêng và vật chất. Trong ngày Chúa Nhật thế giới Truyền Giáo này, tất cả chúng ta được mời gọi “đi ra” như những môn đệ Truyền Giáo, mỗi người quảng đại cống hiến tài năng, tính sáng tạo, sự khôn ngoan và kinh nghiệm của mình để đem sứ điệp tình thương dịu hiền của Thiên Chúa đến cho toàn thể gia đình nhân loại”.

Do mệnh mệnh Truyền Giáo, Hội Thánh phải chăm lo cho những người không biết đến Tin Mừng, vì Hội Thánh muốn mọi người được ơn cứu rỗi và trải nghiệm Tình Thương và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Mọi dân tộc và mọi nền văn hoá đều có quyền đón nhận sứ điệp cứu độ là món quà của Thiên Chúa cho mọi người”. Điều này càng cần thiết khi chúng ta nghĩ đến biết bao cảnh bất công, chiến tranh và khủng hoảng nhân đạo, vẫn còn đang cần được giải quyết”.

Trước bối cảnh của Thế Giới đầy thách đố, từ kinh nghiệm, các nhà Truyền Giáo biết rằng Tin Mừng của sự Tha Thứ và Lòng Thương Xót có thể đem lại niềm vui và sự hoà giải, công lý và hoà bình. Do đó, “mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra khỏi vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng của Tin Mừng” (số 20).

II. Kế hoạch Yêu Thương Cứu Độ các Dân Tộc của Thiên Chúa

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được biểu lộ một cách cao cả và trọn vẹn nhất nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Đức Giêsu mặc khải khuôn mặt của Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót.

Trong ba năm của đời sống công khai, Chúa Giêsu không ngồi yên một chỗ để rao giảng Tin Mừng. Ngài rảo khắp đất nước Palestine, gặp gỡ mọi hạng người. Ngài vượt cả biên giới để đến Tyr và Sidon, vùng bên kia sông Giođan, vốn là vùng đất “Galilê của dân ngoại”. Cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc hành trình liên lỉ, đến nỗi như Ngài nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Ngài huấn luyện các môn đệ bằng cách sai họ đi từng hai người một vào các thành các làng để rao giảng Nước Thiên Chúa. Mệnh lệnh Truyền Giáo của Ngài đều được 4 Thánh Sử ghi lại: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19); “Hãy đi khắp bốn phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15); “Hãy rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội (Lc 24,47); “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

Sứ mệnh đó bắt nguồn từ tấm lòng yêu thương của Chúa. Ngài “Chạnh Lòng Thương” khi nhìn thấy đám đông dân chúng bơ vơ, vất vưởng lầm than như chiên không người chăn dắt.

Mối bận tâm của Chúa Giêsu luôn canh cánh bên lòng là làm sao cho mọi người được hưởng ơn cứu độ. Và để biểu lộ nổi thao thức ấy, Ngài nhắc nhở các môn đệ hãy cầu nguyện thật nhiều để có được những thợ lành nghề, như lời Ngài nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến gặt lúa về”.

Phần chúng ta hãy có cảm thức như Chúa Giêsu khao khát cho mọi người được loan báo Tin Mừng cứu độ. Như khi bên bờ giếng Giacob, Ngài trả lời cho các môn đệ khi họ mời Ngài dùng bữa: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài. Nào anh em chẳng nói còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt. Nhưng này Thầy bảo anh em ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái” (Ga 4,35-36).

Và đây là lệnh truyền của Thầy: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20).

III. Sứ mệnh chứng nhân của Kitô hữu trong thời đại hôm nay

Trước khi về trời, Chúa Giêsu nhắc nhở các Tông Đồ về những giá trị mà Ngài đã hoàn tất, kết thúc sứ mệnh của Người chiếu theo tất cả những điều được Kinh Thánh ghi chép về Ngài. Và trong niềm tin yêu, Chúa Giêsu trao phó quyền hành và sứ vụ “Làm Chứng” cho các môn đệ: “Phải nhân danh Ngài mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,46-48). Cuộc đời công khai của Chúa Giêsu được trình bày như một hành trình tiến về Giêrusalem. Đây là nơi Chúa Giêsu hoàn tất công trình cứu độ, là nơi khởi sự cho công cuộc truyền giáo của Hội thánh nhằm đưa ơn cứu độ đến cho muôn dân.

Vì thế, ngày nay sứ mệnh “Chứng Nhân” trong thời đại chúng ta càng trở nên cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết. Người Kitô hữu được Giáo Hội mời gọi thực hiện sứ mạng truyền giáo bằng hội nhập văn hoá và đối thoại liên tôn nhằm phổ biến Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa nơi môi trường sinh hoạt của mình để qua đó mọi người thành tâm thiện chí tin vào Chúa Giêsu Kitô để được ơn cứu độ.

Nhìn vào Giáo Hội Việt Nam, tỷ lệ người biết Chúa ở nước ta hiện nay chỉ là 6, 93% (thống kê của HĐGM VN năm 2015) một tỷ lệ hết sức khiêm tốn.

Trước thực trạng đó, sự chọn lựa mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng là lời nhắn gởi cho Giáo Hội Việt Nam về mối quan tâm đến những vùng biên. Vùng biên ở đây không chỉ là về mặt địa lý mà còn phải hiểu là vùng biên hiện sinh, tức là những Giáo Hội nhỏ bé, và trong Giáo Hội đó còn có những con người bị nhận chìm trong đói nghèo và đau khổ dưới mọi hình thức.

Đối với Giáo Hội Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm 50 năm sắc lệnh truyền giáo (Ad Gentes), Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra chương trình mục vụ là “Tân phúc âm hoá đời sống các Giáo Xứ và các cộng đoàn Thánh Hiến”. Để thực thi có hiệu quả chương trình mục vụ này, các thành viên trong cộng đoàn phải cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng ngôi nhà chung là Giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng. Cụ thể trong đời sống chứng tá Tin Mừng, người tín hữu có nhiều cơ hội để giới thiệu Chúa cho những người chung quanh bằng đời sống khiêm tốn, tử tế, hiền hoà và bác ái, như an ủi những bệnh nhân, xoa dịu những nỗi khổ đau, chia sẻ cho người nghèo trong nghĩa cử yêu thương và kính trọng họ. Nhưng không chỉ là những người đồng đạo mà còn là cả những anh chị em ngoài Giáo Hội, để Giáo Hội trở nên: “Nơi chốn của lòng thương xót, ở đó mọi người cảm nhận được đón tiếp, yêu thương, tha thứ và khích lệ sống cuộc đời tốt đẹp của Phúc Âm” (Niềm vui phúc âm, số 114).

Trong sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nhắc nhở chúng ta: Năm Thánh Lòng Thương Xót này đánh dấu kỷ niệm 90 năm ngày Thế Giới Truyền Giáo, lần đầu tiên được phê chuẩn bởi Đức Giáo Hoàng Piô XI năm 1926 và được tổ chức bởi Hội Giáo Hoàng Truyền Bá Đức Tin. Vì vậy, đây là dịp thích hợp để nhớ lại những chỉ thị khôn ngoan của các vị tiền nhiệm, các Ngài đã truyền rằng phải dành cho Hội này tất cả các khoản quyên góp tại mỗi Giáo phận, Giáo xứ, Cộng đoàn dòng tu, hiệp hội và phong trào Giáo Hội trên khắp thế giới, để chăm lo cho các cộng đoàn Kitô hữu đang túng thiếu, và nâng đỡ việc rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Hôm nay cũng vậy, chúng ta tin tưởng vào dấu chỉ này của sự hiệp thông truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta đừng đóng kín lòng mình với các mối quan tâm riêng của mình nhưng hãy mở lòng chúng ta ra cho toàn thể nhân loại.

Để chúng ta hăng hái lên đường loan báo Tin Mừng, chúng ta hãy hướng nhìn lên Đức Mẹ La Vang, người Mẹ gần gũi và nhân hậu của Giáo Hội Việt Nam. Xin Mẹ giúp cộng đoàn chúng con nên nhân chứng cho tinh thần hiệp thông và phục vụ, cho Đức tin nồng cháy và quảng đại, để niềm vui tin mừng vươn tới tất cả vùng biên Giáo phận và Giáo xứ, đến với cõi lòng của muôn người như mệnh lệnh của Chúa và sứ mệnh của Giáo Hội: “Hãy ra khơi và thả lưới tình thương”. Amen.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho