14/04/2017
856
Suy niệm Chúa Nhật Phục Sinh_Lm. Giuse Minh





















CHÚA NHẬT PHỤC SINH A

Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT

“Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9)

 

Hôm nay, mừng Chúa Phục Sinh. Đó là ngày thứ nhất trong tuần. Cử hành canh thức vọng Phục Sinh vừa diễn ra trong đêm, vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc thánh thiêng về ánh sáng chiến thắng bóng tối, sự sống vượt qua cái chết, ơn cứu độ đã khiến tội lỗi trở nên hồng phúc. (Thánh thi Exsultet)

Còn phụng vụ Chúa Nhật Phục sinh hôm nay là cuộc cử hành lòng tin của các tín hữu vào sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô.

1. Đức Giêsu đã sống lại thật

Kinh Thánh thuật lại chiều thứ sáu hôm ấy, Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, kêu một tiếng, rồi tắt thở. Một người môn đệ nhận thi hài, đặt vào mồ. Trước biến cố này, các môn đệ Chúa Giêsu hoàn toàn thất vọng về những dự tính tương lai của các ông hầu như tan thành mây khói, các ông còn lo sợ bị truy lùng bởi các nhà lãnh đạo Do Thái. Mọi sự tưởng như thế là hết. Thế nhưng, Phúc Âm hôm nay kể rằng: sáng hôm ấy, một buổi sáng như hôm nay, ngày thứ nhất trong tuần, khi nghe bà Maria Macdala báo tin: “Người ta đem Chúa đi khỏi mồ, và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?” thì có 3 người tất tả chạy ra mộ, bóng họ trải dài trên đường đất. Một người đàn bà là Maria Macdala và hai người đàn ông là Phêrô và Gioan. Khi họ đến mộ thì “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”, và chỉ thấy mồ trống. Ông Phêrô bước vào bên trong phần mộ và thấy khăn liệm còn đó, dây băng vải còn đây, chiếc khăn che đầu để riêng một chỗ nhưng người chết không còn đó nữa.

Vậy thì xác Chúa ở đâu? Thưa Ngài đã sống lại, các thiên thần bảo thế. Mà sự thật là thế, vì hôm ấy và trong những ngày sau đó, Ngài đã hiện ra với cô Maria Macdala và hiện ra cho nhiều người khác. Thấy thế, họ đã tin: Chúa đã sống lại. Ngài đã toàn thắng sự chết như lời Ngài đã báo trước: “Ngài phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21)

Đó là niềm tin của Phêrô và của các Tông đồ, thì tại sao chúng ta lại không tin các Ngài? Thánh Phaolô nói: “Dại gì mà rao giảng và tin theo điều không có, để rồi bị tù, bị giết?”“Nếu Đức Kitô không sống lại thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1Cr 15,17)

2. Sự kiện Đức Giêsu sống lại có liên hệ gì đến chúng ta?

Vì vậy, mầu nhiệm Phục Sinh là một mầu nhiệm căn bản của Đức tin chúng ta. Chúng ta là tín hữu có một xác tín Chúa Giêsu đã chết, nhưng Ngài đã toàn thắng sự chết và đã sống lại, thì niềm tin ấy phải được biểu lộ trong cuộc sống đời thường của chúng ta:

- Niềm tin ấy phải được minh họa trong những ánh mắt nụ cười, trong từng nghĩa cử yêu thương.

- Niềm tin ấy phải chiếu tỏa bằng những tấm gương sáng ngời: ngọn nến Phục Sinh mà người tín hữu thắp lên trong đêm cực thánh phải lung linh sáng chói như trong đêm hoa đăng ngày lễ hội.

Sự kiện Chúa Kitô Phục Sinh sẽ không có ý nghĩa nào cho chúng ta, nếu như Đức Kitô đã ra khỏi mồ, mồ trống, trong khi chúng ta vẫn còn nằm lại trong ngôi mộ đá của chúng ta. Vậy, người tín hữu sống niềm vui Phục Sinh hôm nay phải là:

- Sẵn lòng chết đi cho những đam mê xác thịt, mai táng tính ích kỷ tham lam, háo danh trong mộ đá, để được trỗi dậy phục sinh trong vinh quang với Ngài.

- Sẵn sàng trỗi dậy sau những lần sa ngã, thất bại đắng cay, những mất mát đớn đau trong cuộc đời, để sống vui tươi, an bình và yêu thương trong sự hiện diện của Chúa Giêsu Phục Sinh. Như Thánh Phaolô viết: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, bắt bớ gươm giáo?” (Rm 8,36).

- Đồng thời còn phải lên đường loan báo Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô cho mọi người, bằng đời sống chứng nhân của người Kitô hữu, trong niềm lạc quan, hy vọng, tin tưởng và hết lòng xây dựng gia đình Giáo Hội và xã hội trở thành nền văn minh tình thương và sự sống.

Trong niềm vui của ngày Chúa Phục Sinh, chúng ta xin Chúa Kitô ban cho chúng ta niềm hy vọng để biết nhìn thấy quyền năng sống lại của Chúa để xin Ngài lăn tảng đá đang che lấp hy vọng ra khỏi cuộc đời chúng ta. Để rồi mỗi người chúng ta trở nên chứng nhân hy vọng, là dấu chỉ, là ánh sáng Phục sinh chiếu tỏa cho những anh chị em đang sống trong sự thất vọng.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho