04/06/2016
1213
Suy Niệm Chúa Nhật 10 TN năm C_Lm Trầm Phúc



















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa nhật 10 thường niên năm C

Lời Chúa : Lc 7,11-17

 

Chưa bao giờ có ai đã làm cho kẻ chết sống lại. Chúa Giêsu đã làm. Câu chuyện được thánh Luca kể lại như một tin tức hằng ngày trên truyền hình, nhưng lại là một hành động uy quyền cao cả của Chúa Giêsu.

Chúa đang đi vào thành Na-in, tình cờ gặp một đám tang. Người ta đang đi chôn một thanh niên con của một bà góa. Tình cảnh của bà rất bi đát, vì thế một đám đông người đưa đám tang. Một đám rất  đông người đi theo Chúa Giêsu vào thành. Hai đám đông nhập lại thành một nhóm người thật đông. Thánh Luca chú ý đến đám đông vì việc Chúa làm sẽ có rất nhiều người chứng kiến. Chúa Giêsu chạnh lòng thương trước đau khổ của bà góa. Ngài đến gặp bà và an ủi : “ Bà đừng khóc nữa”. Nếu Chúa chỉ an ủi bà như thế mà thôi thì không có gì đáng nói, nhưng Chúa không chỉ an ủi bà mà làm một hành động bất ngờ khiến mọi người kinh ngạc. Ngài đến trước thi thể người chết (theo tục lệ Do thái thời bấy giờ, người ta không sử dụng quan tài như chúng ta ngảy nay. Họ chỉ quấn vải thi thể rồi khiêng đi chôn). Ngài bảo họ dừng lại và gọi : “Nầy thanh niên kia: hãy chỗi dậy !”Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Mọi người chứng kiến đều kinh sợ và  tôn vinh Thiên Chúa và nói : “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta ! Và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người !” Cho đến ngày nay, chưa ai có thể bằng một lệnh truyền có thể làm cho người chết sống lại.

Dân chúng không nhận ra Ngài là Đấng Thiên Sai mà chỉ nhìn Ngài như một vị tiên tri vĩ đại và xem như dấu hiệu của Thiên Chúa đến viếng thăm dân Chúa, như thời Môsê xa xưa. Có lẽ trong số người có mặt đã nhớ lại phép lạ của tiên tri Êlia, kêu cầu Chúa cho em bé, con của một người phụ nữ sống lại. Tiên tri phải nằm ấp đứa bé một lúc nó mới sống lại. Chúa Giêsu chỉ truyền lệnh và thanh niên kia sống lại. Điều nầy chứng tỏ Ngài có quyền tự Ngài cho thanh niên kia sống lại. Một ngày nào đó, Ngài còn làm một phép lạ vĩ đại hơn, đó là gọi Ladarô đã thối rữa trong mồ bốn ngày được sống lại. Và Ngài lại tuyên bố rõ ràng : “  Thầy là sự sống lại và là sự sống”.

Chúa không chỉ cho kẻ chết sống lại về phần xác mà thôi, Ngài còn cho các linh hồn  đã chết trong tội được phục sinh. Chỉ cần một lời thôi. Đó phải chăng là một phép lạ cả thể, quan trọng hơn là cho người chết sống lại. Chúng ta có nhận thấy đó là một phép lạ lớn lao không ? Đó là phép lạ của lòng thương xót mà chúng ta đều được hưởng nhờ. Chúng ta có kinh ngạc vì được sống lại trong ơn thánh không ? Chúng ta có cảm thấy tình thương của Chúa đối với chúng ta là vô bờ bến không ? Lòng thương xót Chúa luôn mời gọi chúng ta sống trong tình yêu của Ngài. Thánh Phaolô đã nói : “ Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân : đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta”. Chúa cũng đã nói : “ Ta đến không phải để lên án thế gian, nhưng là để cứu vớt… để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”.

Chúng ta đã được tái sinh trong bí tích giải tội, và cuộc sống chúng ta được ẩn giấu trong Chúa Kitô, chúng ta có bảo vệ sự sống mà Chúa đã phục hồi cho chúng ta không ? Chúa đã làm cho chúng ta mọi điều, Chúa mong mỏi triền miên thấy chúng ta vui hưởng tình yêu của Ngài, chúng ta đã làm gì để Ngài không thất vọng ? Nếu chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta sẽ thấy rằng rất nhiều lần chúng ta đã làm cho Chúa thất vọng, biết bao nhiêu lần chúng ta từ chối tình yêu của Chúa. Như Cha Maurice Zundel đã nói : “ Chỉ có một cách đền bù tội lỗi mà thôi là yêu mến, yêu mến hết lòng, gấp bội và luôn yêu mến hơn nữa”. Lòng yêu mến sẽ là sự sống luôn bùng cháy trong tim chúng ta, thúc đẩy chúng ta yêu thương theo chiều ngang, tức là yêu thương anh em chúng ta, giúp anh em chúng ta sống tình yêu trọn vẹn hơn. “Tình yêu Chúa thúc bách tôi”. Thánh Phaolô đã nghe theo tiếng gọi thôi thúc đó.  Ngài xả thân vì Tin Mừng, vì phần phúc của anh em mình, không ngơi nghỉ, không mõi mệt.

Chúng ta cũng có thể tham gia vào công cuộc cứu sống của Chúa bằng cách nhiệt thành phục vụ anh em. Mỗi lời cầu nguyện của chúng ta có thể mang lại hy vọng cho nhiều tâm hồn chán nản. Mỗi một cử chỉ bác ái của chúng ta có thể làm cho thế giới nầy sáng sủa hơn, trong lành hơn. Đó là cách chúng ta đền đáp công ơn Chúa đã cứu chúng ta khỏi thần chết và cho chúng ta sự sống tâm hồn. Ơn Chúa thông ban cho chúng ta không phải để chúng ta giữ riêng cho chính mình mà để chúng ta thông ban lại cho anh em khác.

Hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục đến với chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Ngài vẫn là Đấng ban sự sống và là sự sống. Ngài vẫn tiếp tục công trình của Ngài nơi chúng ta Chính khi chúng ta ăn lấy Chúa, chúng ta thông phần vào tình yêu cứu độ của Ngài, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài. Và như thế chúng ta trở nên sự sống cho anh em chúng ta. Chúng ta phải làm gì ?

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho