17/04/2021
427
Suy niệm Chúa Nhật III Phục Sinh-Năm B_Lm Trầm Phúc















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 3 Phục Sinh năm B

Lời Chúa: Lc 24,35-48

 

Các môn đệ trở về từ Êmau đang thuật lại những gì xảy ra trên đường thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa các ông và chúc bình an cho họ. Mọi người đều kinh ngạc và hoảng sợ vì tưởng là thấy ma. Chúa Giêsu trấn an họ và cho họ kiểm chứng xem Ngài có thật chứ không phải ma. Ngài còn bảo họ có gì cho Ngài ăn và Ngài đã ăn một mảnh cá nướng trước mặt các ông. Tường thuật của Luca xem ra đúng với thực tế hơn các tường thuật của thánh Maccô. Ai không hoảng sợ khi thấy người vừa mới chết hiện về?

Nhưng điều quan trọng là Chúa Giêsu, khi sống lại, thân xác của Ngài mang lấy hai đặc tính: vừa là thân xác vật chất vừa là một thân xác đã được thần hóa, không còn lệ thuộc vào không gian vật chất nữa. Ngài không còn thuộc về trần gian nữa.

Sau khi cho các môn đệ kiểm chứng Ngài đã sống lại thật, Chúa Giêsu tiếp tục dùng lời Kinh thánh để chứng minh cho các ông thấy, Ngài đã thực hiện những gì Kinh Thánh đã nói trước. Chúng ta thường tưởng rằng Cựu Ước chỉ là dĩ vãng, chỉ là giai đoạn. Không, Kinh thánh là chương trình cứu độ của Chúa được thực hiện qua thời gian. Một tác giả đã nói rất đúng: “Tất cả Kinh Thánh luôn trên đường… Nó luôn là lệnh lên đường… đi từ sự hiện diện xác thịt đến sự hiện diện cuối cùng”. Đó là một hành trình dài của nhân loại từ ông Ađam đến ngày chung thẩm.

Trên đường đi Emmau, hai môn đệ đã nghe Chúa giải thích Kinh Thánh bắt đầu từ ông Môsê xuyên qua các ngôn sứlòng họ nóng sốt lên… Ai thành tâm tìm hiểu sẽ thấy rằng những trang giấy cũ xưa kia sẽ làm cho lòng chúng ta nóng sốt lên. Chính Chúa Giêsu đã thổi hơi vào những dòng chữ đó, làm cho chúng sống lại trong chúng ta, làm cho chúng ta cảm thấy như cùng đồng hành với Ngài.

Nếu chú ý, chúng ta sẽ nhìn thấy hình ảnh của Chúa Giêsu xuyên qua hình ảnh của cả một dân tộc, dân riêng của Chúa. Xuyên qua những thống khổ của những cuộc chiến, những lưu đày của dân Do Thái, chúng ta thấy hình ảnh của Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Qua cuộc Vượt Qua lịch sử tại Biển Sậy, chúng ta nhìn thấy một cuộc Vượt Qua quan trọng hơn, chính là cuộc Phục Sinh của Chúa.

Chúng ta cũng có thể nhìn thấy hình ảnh của Chúa chết và sống lại trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chúng ta phải vượt qua bao nhiêu thăng trầm thống khổ để đi đến ngày cuối cùng là sống lại với Chúa Kitô. Chúng ta phải cùng sống cùng chết với Ngài, chúng ta mới sống lại vinh hiển với Ngài. Đó là chương trình của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta. Thánh Phaolô đã từng nói: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Chúa Kitô”. Cuộc đời lao khổ nhọc nhằn của chúng ta phải chăng là một khổ nạn? Nếu chúng ta dám sống với Chúa qua những thăng trầm lao nhọc của cuộc sống, chúng ta sẽ phục sinh với Ngài. Đó không là một ước mơ mà là một sự thật. Chúng ta có can đảm đi vào cuộc tử nạn hằng ngày với Chúa không? Có như thế, chúng ta mới thi hành mệnh lệnh cuối cùng của Ngài: “Phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này”.

Nhiệm vụ đầu tiên là phải rao giảng, không phải chỉ cho một số người nào mà cho muôn dân. Giáo Hội đang sử dụng mọi phương tiện hiện nay để làm việc đó. Nhưng giáo dân, mỗi người cũng phải rao giảng theo cương vị của mình. Mỗi người chúng ta có rao giảng chưa? Bằng cách nào? Nếu chúng ta chẳng làm gì thì chúng ta không thể là môn đệ của Ngài. Chúng ta không thể thối thoát cho người khác. Chỉ vì giáo dân không làm chứng cho Chúa mà Giáo Hội không tiến triển, làn sóng vô thần tràn ngập mọi nơi, Thiên Chúa bị loại ra khỏi đời sống xã hội. Chúng ta phải là men trong bột, là muối ướp cho trần gian khỏi hư hoại, là ánh sáng. Chỉ vì chúng ta không sáng lên mà thế gian trở nên mù tối. Chỉ vì chúng ta không là muối, vì thế thế gian trở thành thối nát.

Chúng ta tưởng mình không phạm tội, vì đã giữ luật Chúa. Nhưng nếu chúng ta không làm chứng nhân cho Ngài, chúng ta không khỏi trách nhiệm. Đó là một lệnh truyền của Chúa, một sứ mệnh Chúa trao cho chúng ta. Chúng ta không thể thối thoát. “Hãy là nhân chứng cho Thầy”. Rất nhiều tín hữu không bao giờ nghĩ đến điều này, là một thiếu sót lớn.

Chúa Giêsu, Vị Chứng Nhân trung thành, là Trưởng Tử trong số những người từ cõi chết chỗi dậy, sẽ là nguồn sống cho chúng ta mãi mãi. Ngài sẽ là sức mạnh cần thiết để giúp chúng ta trở thành chứng nhân như Ngài đã muốn. Ngài đã toàn thắng sự chết, Ngài sẽ giúp chúng ta can đảm làm chứng cho Ngài, nếu chúng ta thành thật theo Ngài. Hãy đến, này bàn tiệc yêu thương của Ngài đang dọn sẵn. Ăn lấy Ngài, chúng ta sẽ mạnh mẽ và hiên ngang bước đi không sợ sệt, vì Ngài sẽ là sức mạnh của chúng ta. Ngài chứ không phải chúng ta vì Ngài trở nên một với chúng ta. Bao nhiêu lần Chúa bảo các môn đệ: “Đừng sợ”. Với Ngài, trong Ngài, chúng ta mới vững vàng chiến đấu và làm nhân chứng.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho