29/04/2016
859
Suy niệm Chúa Nhật 6 Phục sinh_Lm Giuse Minh






CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C

Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29

TRUNG THÀNH SỐNG LỜI CHÚA

 

“Thầy để lại bình an cho các con,

Thầy ban bình an của Thầy cho các con”

Giáo Hội qua Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy gẫm lời tâm sự của Chúa Giêsu trong diễn từ biệt ly với các tông đồ trước khi Người trở về cùng Chúa Cha. Người dạy các ông về sự quan trọng của việc sống và thực hành những lời dạy của Người. Lời của Người là Lời của Chúa Cha. Sống Lời Chúa là thước đo lòng yêu mến. Chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông hiểu và sống lời Người.

I. Sống lời Chúa là thước đo lòng yêu mến

Giữa lúc các môn đệ mất niềm hy vọng, cô đơn không biết nương tựa vào ai, thì khi nghe lời cáo biệt của Thầy, Chúa Giêsu đã thắp lên ánh lửa hy vọng bằng việc khích lệ các ông: Đã sống theo Thầy hãy vững niềm tin. Đặt hy vọng vào Ngài và đã yêu Ngài với một con tim của một môn sinh thì hãy sống lời Thầy truyền, đặc biệt là giới răn yêu thương. (x.Ga 13,34)

Sống lệnh truyền yêu thương của Thầy, các Tông đồ không còn đơn côi nữa, vì Thầy luôn hiện diện bên họ khi các ông sống di ngôn tình yêu, mà sau này Thánh Gioan đã cảm nghiệm: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Tình yêu hiện diện trong điều răn yêu thương.

Thầy ra đi, nhưng khi di ngôn Thầy được sống trọn vẹn, đó là sự hiện diện của chính Thầy. Và niềm hy vọng sẽ được sáng lên hơn nữa khi Ngài hứa gởi Thần Chân Lý-Đấng Bảo Trợ sẽ đến đồng hành với các ông trong mọi biến cố của cuộc đời. Đấng Bào Chữa sẽ dạy dỗ và làm cho các môn đệ nhớ lại mọi lời Chúa Giêsu đã dạy để làm cho giáo lý của Đức Giêsu được duy trì nguyên vẹn. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng ban bình an của Người cho các Tông đồ. Bình an của Chúa Giêsu để lại không như thứ bình an của thế gian. Thật vậy, bình an ở đây không phải là hòa bình, tình trạng không có chiến tranh, cũng không phải là tâm trạng của con người không còn bị căng thẳng về mặt tâm lý, hoặc tâm trạng khoan khoái, thoải mái, sung sướng. Đó là thứ bình an thuộc lĩnh vực tự nhiên. Còn theo ngôn ngữ của Gioan: bình an, sự thật, ánh sáng, sự sống, niềm vui… là những từ diễn tả nhiều khía cạnh khác nhau của ân huệ lớn lao mà Đức Giêsu từ Chúa Cha mang đến cho loài người. Ân huệ này là chính ơn giải thoát, ơn cứu độ…

Theo tâm lý tự nhiên của con người, khi người ta yêu quý nhau thì người ta sẽ dễ tin nhau, dễ nghe nhau để thực hiện những gì người mình yêu quý nói. Đối với Chúa Giêsu cũng vậy, Người cũng khẳng định: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy; Ai không yêu Thầy sẽ không giữ lời Thầy”. Lời Chúa đã minh nhiên cho thấy sự tương quan giữa tình yêu đối với Thiên Chúa và việc sống Lời Chúa. Cả hai không thể tách rời nhau, yêu mến Chúa thì phải thực hành lời Chúa. Càng thực thi lời Chúa càng chứng tỏ tình yêu càng lớn lao. Tình yêu đối với Thiên Chúa không hệ tại ở những cảm xúc tự nhiên mà hệ tại ở chính việc sống lời Chúa. Sống lời Chúa là thước đo lòng yêu mến Chúa. Nếu nói mến Chúa mà không thực hành lời Chúa thì đó là kẻ nói dối. Có nhiều cách thế biểu lộ tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa như sốt sắng cầu nguyện, thực thi bác ái với tha nhân, trung thành sống đức tin… tất cả đều là những việc cụ thể của việc sống lời Chúa. Vì thế, học hỏi lời Chúa và nhất là thực thi lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày là cách thức thể hiện bác ái cụ thể nhất, rõ ràng nhất. Chính vì thế, Thánh Phaolô đã kết luận: “Hãy làm mọi việc vì đức ái” (1Cr 16,14). Đó chính là diễn giải di ngôn của Thầy: “Ai yêu mến Thầy thì giữ lời Thầy”. Điều này không còn làm cho các môn đệ cảm thấy cô đơn trống rỗng như ban đầu nữa, nhưng đem đến tràn đầy niềm hy vọng nhờ di sản tình yêu.

II. Hoa trái của việc sống Lời Chúa

Qua mọi thời, kể từ hơn hai ngàn năm, lời từ biệt của Chúa Giêsu vẫn đồng hành với nhân loại như là đồng hành với các môn đệ. Ngày xưa các Tông đồ và ngày nay chúng ta đón nhận và thực thi di ngôn của Thầy Giêsu: “mệnh lệnh tình yêu”; và mở lòng mình chờ đón Đấng Bào Chữa đến trong tâm hồn để được ban nhiều hoa trái thiêng liêng khi sống lời Chúa. Mặc dù, Thầy không hiện diện hữu hình, nhưng Thầy vẫn hiện diện bằng mệnh lệnh tình yêu, và tác động của Chúa Thánh Thần-Đấng Bào Chữa. Đó là sự hiện diện ở mãi bên chúng ta cho đến tận thế. Một sự hiện diện huyền diệu hai chiều, thâm sâu và mới mẻ: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,20). Cho nên khi sống lệnh truyền yêu thương của Thầy, chúng ta cảm nghiệm được lời hứa của Ngài: “Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó thì người đó là kẻ yêu mến Thầy, mà ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14,21).

Ý của Thầy là thế, phần còn lại là ở các môn đệ và Kitô hữu có thực hiện lời di ngôn hay không, có giữ các lời Thầy, có tiếp nhận Đấng Bảo Trợ sẽ đến? Giữ các lời Thầy truyền như là làm cho tâm hồn đầy đủ “đèn dầu” và khơi lên niềm hy vọng. Đấng Bảo Trợ sẽ đến thêm sức cho chúng ta, tăng niềm tin, niềm hy vọng. Niềm hy vọng sẽ không còn mong manh như lời hứa, nhưng là mạnh mẽ, đầy sức sống. Hình ảnh đó hiện thực rõ nét nhất trong ngày lễ Ngũ Tuần (x.Cv 2,1-4). Niềm hy vọng sẽ vực dậy tất cả nơi người môn đệ theo Chúa.

Thế giới và Giáo hội ngày nay đã và đang trải qua cuộc khủng hoảng trầm trọng, giông bão đang thổi đến. Đây là lúc mọi Kitô hữu phải hiệp nhất trong yêu thương phục vụ, trung thành sống lời Chúa để mang lại bình an cho thế giới hôm nay.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho