04/11/2021
624
Suy niệm Chúa Nhật 32 Thường Niên - Năm B_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 32 Thường Niên năm B

Lời Chúa: Mc 12,38-44

 

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến hai hạng người: những ông kinh sư và một bà góa. Đây là những lời Chúa nói trong lúc giảng dạy cho dân. Ngài công khai nói về thái độ của các ông kinh sư, điều mà đám dân này quá quen thuộc vì họ chứng kiến hằng ngày. Các ông này tự mãn về sự hiểu biết của mình, lợi dụng vị thế và chức vụ của mình để hưởng thụ: thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng… vào Hội Đường thì chiếm ghế danh dự, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Không phải tất cả các kinh sư đều như thế, nhưng có lẽ đa số. Vì thế, Chúa Giêsu lên tiếng cảnh báo các ông.

Đây có lẽ cũng là bài học cho tất cả các chức sắc trong Giáo Hội hôm nay: linh mục, Hội Đồng giáo xứ, các trưởng hội đoàn… Bên Pháp người giáo dân nói có những linh mục giống như thần Giupite, thần sấm sét của Hy Lạp, phán xuống là dân chúng phải tuân hành, quyền uy tuyệt đối trong xứ đạo của mình, muốn dứt phép thông công ai thì cứ làm… Thời đại chúng ta vẫn còn những chủ chăn giống như các kinh sư xưa mà Chúa Giêsu đã cảnh báo.

Chúa Giêsu thì khiêm nhượng và hiền lành. Ngài là chủ chăn nhân lành, là Con Thiên Chúa, nhưng đã mặc lấy thân phận con người, sống như con người, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Con Người đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ và ban mạng sống làm giá chuộc cho muôn người. Đó là tấm gương sáng chói cho tất cả các “kinh sư” của thời đại chúng ta. Chúng ta đừng quên cầu nguyện cho các chủ chăn của chúng ta nên giống Đấng đã kêu gọi và cắt đặt các ngài làm chủ chăn của đàn chiên Ngài.

Chúa Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho việc thờ phượng. Những người giàu có dâng tiền thật nhiều và sau cùng có một bà góa nghèo đến dâng một vài xu nhỏ. Chúa Giêsu gọi các môn đệ và chỉ cho thấy bà góa đó. Ngài bảo cho các ông biết bà đã dâng nhiều hơn bất cứ người giàu nào, vì không phải bà dâng nhiều tiền, mà vì bà đã dâng tất cả những gì bà có. Hy sinh của bà lớn lao hơn bất cứ ai. Những người giàu có chỉ dâng một phần nào tiền bạc của họ, họ vẫn còn tiền đầy túi, còn bà góa này đã dâng tất cả. Cũng xin lưu ý rằng, đây không giống như chúng ta bỏ tiền thau trong thánh lễ. Tiền thau trong thánh lễ là của lễ chúng ta dâng cho Chúa, chứ không phải tiền dâng để lo những việc tốn kém trong vấn đề hoa đèn. Nhiều người tín hữu vẫn xem việc dâng lễ như là việc bố thí cho nhà thờ. Đó là một sai lầm lớn của nhiều người. Thời Giáo Hội sơ khai, khi đi dâng lễ, mỗi người mang đến của lễ của mình. Đến lúc dâng lễ, mỗi người đứng lên, cầm của lễ trong tay và tuần tự đến trước bàn thờ, đặt của lễ của mình trên một chiếc bàn lớn, vừa đi vừa hát. Của lễ là những gì mình có như bánh mì, gạo thóc, rượu nho vv,… (gà vịt thì mang vào nhà xứ trước). Sau đó giám mục đến mang bánh và rượu lên bàn thờ, những thứ khác thì mang vào nhà xứ để nuôi giám mục và các phó tế, phần dư phân phát cho người nghèo. Sau này, khi giáo dân quá đông, không thể làm như thế, Giáo Hội xin mọi người, thay vì lễ vật thì đổi thành tiền cho tiện. Vì thế, hôm nay, khi dâng lễ, chúng ta dâng một số tiền tùy theo khả năng để gọi là dâng của lễ cho Chúa, chứ không phải là tiền bố thí cho nhà thờ.

Nhìn gương của bà góa, chúng ta nhìn lại thái độ của chúng ta với Chúa. Chúng ta dám dâng cho Chúa những gì? Những cái thừa của chúng ta hay chúng ta dám dâng một cái gì đáng giá? Những gì chúng ta có trong tay phải chăng là những gì chúng ta đã lãnh nhận, sao chúng ta lại không dám hiến dâng? Chúa không cần chúng ta, chúng ta cần Chúa. Dâng của lễ là biểu hiện của lòng biết ơn và lòng yêu mến chứ không là bố thí.

Hãy nhìn Chúa Giêsu. Ngài hiến dâng tất cả. Ngài yêu chúng ta đến tận cùng. Ngài đã trở thành của lễ cho chúng ta và hơn thế nữa, Ngài trở nên của ăn cho chúng ta. Ngài đã cho chúng ta đến nỗi không còn gì để cho. Chúng ta tiếc gì với Ngài? Giữ đạo không phải chỉ là đi lễ, đọc kinh, giữ luật mà là yêu. Khi yêu, chúng ta không còn tiếc gì nữa cả. Yêu là cho đi, cho hết, cho đến cùng. Chúa Giêsu đã cho đi đến cùng, chúng ta thì sao?

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho