21/10/2016
839
Suy Niệm Chúa Nhật 30 TN năm C_Lm Giuse Minh




















CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Hc 35,12-14; 2Tm 4,6-8, 16-18; Lc 18,9-14

Người Pharisêu và Người Thu Thuế lên đền thờ cầu nguyện

“Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,14)

 

I. Dẫn vào Phụng vụ Lời Chúa

Trên đường lên Giêrusalem, sau dụ ngôn “Thẩm phán bất lương và bà goá quấy rầy”, Thánh Luca trình thuật dụ ngôn: “Người Pharisêu và Người Thu Thuế lên đền thờ cầu nguyện”. Chỉ có Thánh Luca kể lại dụ ngôn này. Có lẽ hai dụ ngôn này được liên kết với nhau vì có cùng chủ đề tương tự. Mỗi dụ ngôn đều có phần nhập đề đặc biệt. Mạch văn ghi lại những hoạt động cuối cùng trong hành trình tiến về Giêrusalem của Chúa Giêsu. Dụ ngôn này xem ra được đưa ra tại Giuđêa ít lâu sau trước khi Chúa Giêsu đi tới Giêricô lần cuối cùng. Bản văn đã giúp xác quyết các dữ kiện đó. Dụ ngôn chạm trán, không vị nể sự công chính giả hiệu của người Biệt Phái.

Bắt đầu vào câu chuyện, Chúa Giêsu kể dụ ngôn: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện”, với hai hình ảnh, hai nhân vật tương phản, hai thái cực của xã hội Do Thái thời ấy: Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề Thu Thuế.

1. Người Biệt Phái nhìn vào bản thân và so sánh

Người Pharisêu là hình mẫu của người giữ đạo tốt. Nên họ rất được kính trọng về đời sống đạo đức của họ thời Chúa Giêsu. Và vì thế, trong họ có những người tự tin cho rằng mình là công chính và khinh miệt người khác. Chúa Giêsu thường cảnh giác các môn đệ của mình:“Nếu các con không trở nên công chính hơn các người Biệt Phái thì chúng con chẳng được vào Nước Trời” và nhiều lần Chúa đã khiển trách thái độ của họ: “Làm ra bộ công chính trước mặt người đời” (Lc 16,15).

Người Pharisêu trong dụ ngôn đứng thẳng nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác; trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18,11). Lại còn ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng một phần mười hoa màu để chăm lo cho người nghèo và cho việc tế tự trong đền thờ.

Lời cầu nguyện của ông còn rất tinh tuyền, vô vị lợi, vì ông không xin điều gì, ông chỉ “cảm tạ Thiên Chúa”. Nhưng tại sao Chúa lại trách cứ người Biệt Phái này và không kể ông là người công chính. Trước hết, là ông nghĩ rằng: Việc chu toàn lề luật là một bảo đảm để được coi là người công chính, mà không cần điều chi từ Thiên Chúa nữa! Kể cả những ân sủng của Người. Hơn nữa, ông còn tách mình ra khỏi cộng đoàn đang cầu nguyện trong đền thờ, để tự so sánh mình với người khác, và cho mình thuộc giai cấp riêng, còn mọi người khác đều tham lam, bất chính, ngoại tình, và điển hình cho bọn tội nhân ấy là bọn thu thuế kia.

Lời cầu nguyện đích thực bao giờ cũng phải dâng lên Thiên Chúa và chỉ mình Chúa thôi. Nhưng ở đây, thay vì nhìn vào Thiên Chúa, ông đã nhìn vào người thu thuế. Ông đã khoe khoang chẳng những đã cho rằng mình thoát khỏi tội lỗi của kẻ khác, lại còn làm nhiều việc lành hơn. Do đó, người Biệt Phái này thực ra không lên đền thờ để cầu nguyện, ông đến để nói cho Chúa biết ông tốt như thế nào với thái độ phô trương và tự mãn. Nên lời cầu của ông không được Chúa chấp nhận, và không kể ông là người công chính vì ông đã tự tôn mình lên và hạ thấp người khác xuống.

2. Người Thu Thuế đặt mình dưới ánh mắt Thiên Chúa

Còn người Thu Thuế hình mẫu của loại tội nhân công khai, bởi làm nghề thu thuế, một hình ảnh của sự suy đồi đạo đức. Trong ngôn ngữ thường ngày, người Do Thái thường liên kết người thu thế với kẻ bội giáo, dân ngoại và gái điếm (Mt 5,45-46; 18,17).

Người Thu Thuế trong dụ ngôn này đứng đằng xa cũng tách khỏi cộng đoàn vì thấy mình bất xứng, chẳng dám ngước mắt nhìn lên trời, đấm ngực tỏ dấu ăn năn cầu nguyện trong tinh thần của Thánh Vịnh 51. Anh nói ra lời xin được thương xót và tha thứ, chứ không phải tạ ơn. Trong tình trạng bế tắc anh đọc những câu đầu tiên của Thánh Vịnh 51 và chỉ thêm vào là kẻ tội lỗi: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu thương xót con là kẻ tội lỗi” tức là dù con là kẻ tội lỗi. Nhưng ở trong thánh vịnh này cũng có câu: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giầy vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (C.9).

Việc xưng thú này đã nói lên thân phận yếu đuối của mình để cậy trông vào lòng thương xót và ân sủng của Chúa, và Chúa Giêsu cho biết chính lời cầu nguyện khiêm tốn và tấm lòng tan nát này khiến người thu thuế ra về thì được giải án tuyên công, tức là được công chính hoá, khác với người Biệt Phái kia thì không.

Câu kết luận của dụ ngôn là: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” cho chúng ta thấy rõ bài học của Tin Mừng hôm nay. Chúa không ưa kẻ tự mãn, họ không chờ ơn Người Cứu độ. Ngược lại ai khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ sẽ được Chúa nhận lời và ban ơn trở nên công chính.

II. Thiên Chúa là Đấng Công Chính và Nhân Ái

Giáo huấn của Chúa còn làm sáng tỏ bài đọc sách huấn ca (bđ1). Nhờ ánh sáng Tin Mừng của Chúa Giêsu mang đến, chúng ta hiểu biết Thiên Chúa là Đấng Công Chính và nhân ái. Người không xét theo vẻ hào nhoáng bên ngoài. Người không thể bị mua chuộc bằng những lễ vật bất chính (Hc 14,15; Đnl 10,17-18). Người lại hằng lắng nghe lời kêu cầu của những kẻ mồ côi goá bụa và lời cầu xin của kẻ khiêm nhường như người thu thuế nhận mình là kẻ tội lỗi và khẩn thiết cầu xin ơn cứu độ.

Những tâm tình như vậy, chúng ta còn gặp thấy rõ ràng trong thư thánh Phaolô gửi Timôthêô hôm nay (bđ2). Những suy nghĩ và tâm tình của Phaolô khi đang ngồi tù và biết mình sắp chết. Nhìn lại cuộc sống đã qua, Phaolô yên tâm vì thấy mình giống như một vận động viên kiên trì chạy hết đường đua và sắp về tới đích. Thánh Phaolô tâm sự với Timôthêô người học trò của mình rằng: “Cha đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, cha đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin, giờ đây cha chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người chiến thắng... Cha đã giữ vững được đức tin là có Chúa phù hộban sức mạnh cho cha. Chính Chúa cứu cha khỏi miệng sư tử, những hành vi ám muội và chỉ có Ngài mới cứu và độ cha vào Nước Trời.

Như vậy, chỉ có Chúa là lẽ sống của Phaolô. Các phấn đấu của Ngài là để được triều thiên công chính. Vì Ngài biết mình chưa là người công chính. Sự công chính nằm nơi bàn tay Chúa. Người sẽ ban cho những ai biết phấn đấu trong tâm tình khiêm cung của kẻ biết mình yếu đuối mà thành khẩn trông cậy ơn Chúa.

Do đó, để biểu lộ Thiên Chúa là Đấng công chính nhân ái, Đức Giêsu trong công cuộc rao giảng đã nói rõ đường hướng: “Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn” và niềm vui của Thiên Chúa khi tìm lại được người tội lỗi ăn năn.

III. Lời Chúa được chuyển tải vào đời sống người tín hữu

Suy nghĩ về cung cách của hai nhân vật đến đền thờ cầu nguyện, không phải để phê phán nhưng để soi gương. Ngôn sứ Hôsê đã để lại cho hậu thế một câu nói lừng danh: “Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ.

Đối với Chúa ta đừng rập khuôn ông Biệt Phái: kênh kiệu với Chúa, bất nhã với anh em. Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sính lễ và cũng chẳng cần của lễ toàn thiêu.

Ngược lại ta hãy noi gương người thu thuế: anh chẳng có lễ vật gì dâng lên Thiên Chúa mà chỉ có tình yêu, một tình yêu muộn màng của đứa con tội lỗi quay về với một tấm lòng tan nát khiêm cung, một trái tim đang kêu gọi lòng thương xót của Chúa. Đây là lễ dâng đẹp lòng Ngài, bởi vì “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.

Lời cầu nguyện khiêm nhường như lời nài van lòng thương xót của Thiên Chúa phát xuất từ đáy lòng của người thu thuế phải là lời cầu nguyện của mọi người Kitô hữu. Bởi vì lời cầu nguyện này, sách Khôn Ngoan đã nói sẽ bay thẳng tới trời, xuyên qua các đám mây, không mệt mỏi, không ngơi nghỉ cho đến khi nó đạt đến mục đích là được Chúa chấp nhận.

Nhưng tình yêu của chúng ta với Chúa vẫn còn hời hợt chưa nồng nàn thắm thiết, vì thế với niềm tin yêu tín thác vào Chúa nhân từ dịu hiền, chúng ta hãy đứng lên trở về với Ngài: “Từ vực thẳm thương đau hãy tin tưởng; “Ngài đã đánh rồi lại tha” (Hs 6,12). Từ vùng tối u mê hãy ngước trông về Ngài như vầng đông rạng ngời. Từ mảnh đất khô cằn hãy hy vọng, Ngài sẽ đến như mưa xuân tươi mát”.

Trước tôn nhan Chúa không ai là người công chính, mà là người được công chính hoá nhờ ơn tha thứ và ân sủng của Chúa. Do đó: “Ai tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” phải là giáo huấn cho mọi Kitô hữu khi xét về thái độ tự tôn kiêu ngạo, tự cho mình là công chính và khinh khi người khác.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, chúng con cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành Chúa đã ban cho chúng con. Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng con luôn biết khiêm tốn nhìn nhận sự yếu đuối và bất xứng của mình, để xứng đáng được Chúa nhân từ tha thứ và ban ơn cứu độ cho chúng con. Amen.

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

Gp. Mỹ Tho