25/10/2019
524
Suy niệm Chúa Nhật 30 Thường Niên năm C_Lm Trầm Phúc



















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 30 Thường Niên năm C

Lời Chúa: Lc 18,9-14

 

Qua dụ ngôn hai người lên Đền thờ cầu nguyện, chúng ta thấy Chúa nhìn đến ai? Điều đó quá rõ. Chúng ta nghĩ sao?

Chúng ta nghĩ người Pharisêu là người thế nào? Một người đáng khinh bỉ không? Anh nầy là một người giữ đạo rất tốt mà nhiều người trong chúng ta không thể bì được. Chúng ta nghe anh kể ra những việc tốt lành anh làm không? Anh giữ luật rất chính chắn, không tham lam, không bất chính, không ngoại tình… Anh ăn chay mỗi tuần hai lần, anh đóng thuế thập phân cho Đền thờ đầy đủ… Nhưng trước mặt Chúa anh thiếu một điều kiện: lòng khiêm nhượng. Anh tưởng mình là người công chính và như thế là hơn những người khác và anh tỏ ra khinh dể người khác. Anh tự hào vì đã thi hành những việc đạo đức đúng luật. Anh cũng biết tạ ơn Chúa vì Chúa đã cho anh hơn những người khác. Như thế việc tạ ơn của anh chỉ là một hình thức để tặng mình mà thôi.

Còn người thu thuế thì sao? Anh chỉ đứng xa và không dám ngước mắt lên trời. Anh đấm ngực vì thấy mình quá hèn mạt trước mặt Chúa và nài xin Chúa thương xót đến anh vì anh là người tội lỗi. Và Chúa kết luận: “Anh thu thuế về nhà và trở nên công chính, còn anh Pharisêu thì không”.

Trước mặt Chúa, chúng ta chỉ là tro bụi. Ai biết nhìn nhận thân phận tro bụi của mình sẽ không tin cậy vào sức mình mà chỉ tin cậy vào Chúa mà thôi.

Trong dụ ngôn Chúa cho chúng ta thấy hai hạng người tín hữu. Một hạng người chỉ biết tin cậy vào sức mình, vào những việc thiện mình làm mà quên rằng tất cả đều là hồng ân. Hạng người khác, tuy tội lỗi nhưng luôn biết khiêm nhượng nhìn nhận thân phận của mình và tin cậy vào lòng thương xót Chúa. Chúa muốn chúng ta nhìn lại bản thân chúng ta để khiêm tốn hơn. Nếu chúng ta không phạm tội là vì lòng thương xót Chúa còn gìn giữ chúng ta.  Thánh Phaolô căn dặn chúng ta: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã”. Trước mặt Chúa không ai có thể tự phụ mình là công chính như tên Pharisêu kia. Và bổn phận chúng ta là những kẻ đứng vững trong đức tin, phải nâng đỡ những người yếu đuối. Đó là hình thức bác ái tuyệt hảo. Thánh Phaolô cũng dạy: “Đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho”. Thánh nhân cũng nói: “Tôi có là gì là nhờ ơn Chúa thôi”.

Người đời thường khoe khoan những gì là giàu có sang trọng, nhà cao cửa rộng, tiền bạc dư thừa. Chúng ta không thể rập theo thói thế gian, nhưng khiêm tốn biết rằng mình chẳng là gì nếu Chúa không ban cho. Thánh Phaolô luôn nhận mình là người đã bắt bớ Hội Thánh Chúa, nhưng nhờ ơn Chúa, ngài đã trở về phục vụ Chúa. Vì thế ngài bảo chúng ta: “Tôi chỉ hãnh diện vì những yếu đuối của tôi…”

“Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ mọi vinh quang, sống như người trần thế… Người vâng phục đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự” Đó là gương mẫu duy nhất của chúng ta. Ngài dạy chúng ta một bài học duy nhất: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng”. Ngài dạy chúng ta không những bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của Ngài. Bài học sống động đó luôn được bày ra trước mắt chúng ta bằng cây thập giá, nhưng chúng ta có nhìn thấy không, có làm được không? Một vị thánh đã nói: “Chúa Giêsu đã chọn chỗ rốt hết đến nỗi không ai giành được chỗ đó của Ngài”.

Mẹ Maria luôn nhận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn của Chúa. Được hồng ân vô giá là làm mẹ Thiên Chúa, Mẹ vẫn không tự mãn mà chỉ nhìn nhận rằng: “Chúa đã làm cho tôi những việc trọng đại, chứ không phải tôi”.

Chúng ta cũng thấy Chúa luôn chú ý đến những người khiêm tốn, vì họ chấp nhận tình yêu của Ngài một cách đơn thật. Ngài chữa cho đầy tớ của ông quan Rôma vì ông đã khiêm tốn không đáng cho Chúa đến nhà ông. Chúa chữa cho con gái người phụ nữ người Syrô-Phênixi khi bà nhìn nhận mình chỉ là những con chó con chỉ nhờ những mãnh vụn rơi từ bàn ăn. Chúng ta càng khiêm tốn bao nhiêu thì Chúa càng yêu thương chúng ta bấy nhiêu.

Chúa Giêsu đã hạ mình làm thân nô lệ và hôm nay, Ngài vẫn tiếp tục sống như thế, vì Ngài là Tình Yêu. Tình yêu là khiêm nhượng. Cha Varillon đã viết một tác phẩm nổi tiếng: Sự khiêm tốn của Thiên Chúa để chứng minh rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài viết: “Sự tự hủy của Chúa Kitô bắt đầu từ trong lòng Mẹ Maria của Ngài, và tròn đầy trên cây gỗ thập giá”. Hôm nay sự tự hủy yêu thương đó được tiếp nối nơi tấm bánh Tình Yêu khi Ngài bảo chúng ta ăn lấy Ngài để mang lấy thân phận nhỏ hèn của mỗi người chúng ta. Có cái gì có thể so sánh với sự khiêm hạ của Chúa Con không? Chúng ta hãy vui mừng vì Chúa đã thương chúng ta đến mức độ quên mình, tự hủy để sống với chúng ta trong cuộc sống khổ lụy nầy. Hãy đến ăn lấy Chúa chúng ta và hãy ăn lấy cả sự khiêm nhường nhỏ bé của Ngài, chúng ta sẽ lớn lên trong tình yêu của Ngài.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho