23/10/2020
279
Suy niệm Chúa Nhật 30 Thường Niên - Năm A_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 30 Thường Niên năm A

Lời Chúa: Mt 22,34-40

 

Đối với chúng ta, người tín hữu, chúng ta chỉ có mười điều răn Chúa và năm điều răn Hội Thánh, chúng ta có thể ngạc nhiên khi nghe một nhà thông luật Do thái hỏi về điều răn nào trọng nhất, và hỏi để thử Chúa Giêsu. Đối với người Do thái thì khác.

Trong đạo Do thái, ngoài mười điều răn còn rất nhiều điều luật phải giữ. Trong bộ luật Do thái, người ta thấy có đến sáu trăm mười ba (613)  điều luật được chia ra làm hai loại: loại thứ nhất là ba trăm sáu mươi lăm (365) điều cấm, tức là số ngày trong một năm. Loại thứ hai là hai trăm bốn mươi tám (248) giới luật tức là số chi thể trong cơ thể con người. Luật Do thái rườm rà như thế nên người ta cần biết điều nào trọng hơn.

Người thông luật muốn thử xem Chúa Giêsu có trình độ về luật pháp hay không. Người Do thái thường hay tranh luận sôi nổi về vấn đề này.

Chúa Giêsu đã trả lời thế nào?

Ngài nhắc lại cho họ nhớ luật Chúa đã được ghi trong sách Đệ Nhị Luật: “Nghe đây, hỡi Israel, Yahvê là Thiên Chúa duy nhất của chúng ta, ngươi hãy yêu mến Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức ngươi”. Bao nhiêu đó cũng chưa trọn vẹn, Ngài nối kết với một điều răn khác cũng được ghi trong sách Lê Vi ký: “Ngươi hãy yêu người thân cận như chính mình ngươi”. Chúa nối kết hai lề luật với nhau đến nỗi chúng ta có cảm tưởng là một điều răn. Tình yêu của người tín hữu có hai đối tượng: đối tượng quan trọng là Thiên Chúa, đối tượng thứ hai là người thân cận.

Câu trả lời quá đúng, và không ai thắc mắc gì hơn.

Câu trả lời đó cũng là một nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta, những môn đệ của Chúa. Đó là tất cả đạo công giáo. Mến Chúa yêu người là gồm tóm mọi lề luật.

Chúng ta có yêu mến Chúa không? Đó là câu hỏi gây nhức nhối. Nhưng chúng ta không thể tránh né. Yêu Chúa yêu người là tất cả đạo công giáo.

Chúng ta cần xác định chữ yêu cho chính xác và thi hành.

Chúng ta không cần đi sâu, chỉ cần xác định một vài đặc tính của tình yêu để xem chúng ta có yêu thật không.

Yêu chính là cảm thấy người yêu là hạnh phúc cho đời mình. Mất người yêu là mất tất cả. Các thánh đã cảm thấy được điều đó. Thánh Phanxicô Assisi đã cảm thấy Chúa là tất cả, vì thế Ngài đã bỏ mọi sự chỉ sống cho một mình Chúa. Thánh Clara cũng đi theo con đường đó. Con nhà giàu được cưng chiều, nhưng Chúa là trên hết. Các đấng đã từ bỏ mọi sự để chọn một mình Chúa. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu cũng thế, và tất cả các thánh đều như thế.

Yêu là một khi đã nhìn người yêu như hạnh phúc của đời mình thì chỉ nghĩ đến người yêu, nhớ thương liên lỉ. Lúc nào cũng nhớ, làm gì cũng nhớ. Nhớ mới thương, thương mới nhớ. Đó chính là yêu hết lòng. Lòng trí chỉ còn một hình ảnh người yêu mà thôi. Chúng ta có nhớ Chúa không? Nhớ liên tục?

Yêu là trở thành một với người yêu. Thánh Phaolô đã yêu như thế: “Sống đối với tôi là Giêsu Kitô…” “Tôi sống nhưng không phải tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.

Yêu đòi hỏi phải sống chung. Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh nhỏ, cho chúng ta nuốt Ngài vào trong chúng ta chỉ vì Ngài quá yêu chúng ta, muốn nên một với chúng ta, chia sẻ cuộc sống lao nhọc của chúng ta, sống chung với chúng ta. Ngài đã yêu chúng ta trước. Ăn lấy Chúa, chúng ta trở nên một xương một thịt với Ngài, hơn cả vợ chồng. Chúng ta có sống chung với Ngài không?

Ăn lấy Ngài, nên một với Ngài, chúng ta sẽ cùng với Ngài yêu thương anh em. Vì thế mà Ngài nối kết hai giới luật với nhau. Chúng ta có thực sự yêu thương người thân cận như chính mình không? Các thánh đã yêu thương như thế. Mẹ Têrêxa Calcutta đã yêu thương mọi người, xả thân cho những người cùng khổ nhất, dâng cả cuộc đời cho những người khốn cùng. Thánh Đamiên đã sống trọn đời cho người cùi trên đảo Môlôkai, chết vì bệnh cùi… Về điều này, chắc chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa. Thánh Gioan, trong thư thứ nhất của ngài, đã viết: “…Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em… Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật, và bằng việc làm… Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội chúng ta… Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau”. Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu chúng ta dám làm như Chúa đã dạy và thánh Gioan đã khuyên nhủ.

Lm. Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho