04/02/2021
1255
Suy niệm Chúa Nhật 5 Thường Niên - Năm B_Lm Trầm Phúc




















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 5 Thường Niên năm B

Lời Chúa: Mc 1,21-28

 

Chúa Giêsu khởi đầu cuộc đời công khai rao giảng của Ngài. Sau khi gọi một vài môn đệ, Ngài bắt đầu rao giảng tại Caphacnaum, một thành phố lớn, nơi đó có nhà của bà mẹ vợ của ông Simon. Có lẽ tiện dịp Chúa ghé thăm và ở lại nơi đó. Bà đang lên cơn sốt và Chúa đã cầm tay chữa lành cho bà và bà chỗi dậy phục vụ các ngài. Câu chuyện đơn giản chỉ có thế, nhưng chiều đến, người ta mang đến đủ thứ người bệnh tật và cả những người bị quỷ ám. Ngài chữa lành tất cả…

Tại sao người ta biết Ngài chữa bệnh và mang bệnh nhân đến cho Ngài? Có thể là danh tiếng của Ngài đã được đồn ra khi Ngài đuổi quỷ trong Hội đường vào mấy hôm trước, hay vì khi Ngài chữa cho bà mẹ vợ của ông Simon, có mấy bà hàng xóm đang có mặt đó để giúp bà và họ đã loan truyền cho mọi người chung quanh. Cả thành xúm lại nơi đó. Đó là kết quả đầu tiên của những ngày ra quân của Ngài.

Thánh Maccô nói đến một chi tiết là sáng sớm, Ngài đi vào một nơi thanh vắng để cầu nguyện. Đây là nét đặc trưng của Chúa Giêsu. Ngài luôn khắng khít với Cha Ngài. Chúng ta cũng nên noi gương của Ngài, luôn khắng khít với Ngài dù ở đâu.

Người ta đổ xô đi tìm Ngài. Họ muốn Ngài ở lại với họ lâu dài hơn vì thấy những việc Ngài làm. Nhưng Ngài không dừng lại ở nơi những thành công tức thời đó. Ngài còn nhiều việc phải làm đó là rao giảng Tin Mừng cho mọi người.

Hãy nhìn Chúa Giêsu. Đối với Ngài, làm phép lạ là để cứu giúp. Cầu nguyện là nhu cầu. Rao giảng là nhiệm vụ.

Thánh Phaolô, sau nầy cũng noi gương Chúa và không mệt mõi rao giảng Tin Mừng. Ngài nói: “Rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Và rao giảng không công”.

Còn chúng ta? Chúng ta có buộc phải rao giảng Tin Mừng không? Điều nầy, Giáo Hội đã nhắc đi nhắc lại cho chúng ta. Nhưng cần phải đánh tan những hiểu lầm của nhiều người.

Họ nghĩ rằng: các linh mục hay tu sĩ mới có nhiệm vụ và khả năng mới rao giảng được, còn họ thì cứ giữ đạo, đọc kinh, dự lễ là đủ rồi. Họ nghĩ rằng: phải có trình độ, phải học nhiều về Kinh Thánh mới có thể rao giảng. Họ nghĩ rằng: họ còn bao nhiêu việc phải làm – lo tiền, lo gạo, lo cho con cái gia đình, còn thì giờ nào để rao giảng Tin Mừng? Đó là những hiểu lầm đáng tiếc, làm tê liệt những khả năng của đa số người giáo dân.

Có rất nhiều và rất nhiều cách rao giảng Tin Mừng. Rao giảng bằng lời nói, bằng việc làm, bằng bác ái, bằng cách sống. Chúa đã nói: “Anh em phải là nhân chứng cho Thầy”. Đây là lệnh truyền cho mọi người chứ không cho một số người nào. Mỗi tín hữu phải là một chứng nhân của Chúa. Công Đồng Vatican II và các Đức Giáo Hoàng luôn thức giục các tín hữu tham gia tích cực vào việc truyền giáo của Giáo Hội.

Các Giám Mục, linh mục rao giảng theo trách vụ của các ngài, các giáo dân cũng phải rao giảng theo hoàn cảnh riêng của mỗi người. Giáo dân có một môi trường rộng lớn là xã hội. Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để chúng ta biết việc phải làm, để trong mọi môi trường, chúng ta dám làm chứng cho Chúa. Không ai có thể thối thoát nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng. Phải rao giảng bằng mọi cách, và mọi nơi, không ngơi nghỉ. Biến cuộc sống hằng ngày thành lời rao giảng, thành bằng chứng cho Chúa. Chúa Giêsu đã rao giảng như thế nào, chúng ta cũng đi theo Ngài và làm như Ngài trong môi trường riêng của mỗi người chúng ta. Nếu mọi tín hữu đều trở thành môn đệ, trở thành một chứng nhân thành thật, thì bộ mặt của Giáo Hội hôm nay sẽ như thế nào? Trong thực tế, trong mỗi giáo xứ, bao nhiêu người đã ý thức rằng họ là những chứng nhân cho Chúa? Mấy người biết rằng, cuộc sống của họ phải trở thành một bằng chứng cụ thể cho Chúa? “Người thời nay không tin vào những thầy dạy mà chỉ tin vào những nhân chứng. Họ tin vào những thầy dạy khi thầy dạy là những nhân chứng”, đó là một lời quí báu của Đức Phaolô VI.

Chúa Giêsu là nhân chứng tuyệt hảo của Chúa Cha. Cả cuộc sống trần thế của Ngài là một bằng chứng, Ngài yêu Chúa Cha và vì yêu, Ngài đã hiến dâng tất cả và đã lấy cái chết đau thương của Ngài trên thập giá để làm bằng chứng cho tình yêu đó. Chúng ta chỉ có thể trở thành chứng nhân khi chúng ta yêu mến Ngài. Vì chỉ có tình yêu mới đủ sức giúp chúng ta trở thành nhân chứng. Chỉ khi nào chúng ta yêu thực sự, chúng ta mới nói về người yêu của mình một cách xác tín.

Chúa Giêsu đã yêu chúng ta trước. Ngài đã đến với chúng ta trong thân phận con người của chúng ta để chứng tỏ tình yêu của Ngài. Và hôm nay, Ngài chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng một sự hiến dâng trọn vẹn khi ban cho chúng ta mình và máu Ngài làm của ăn, nhờ đó Ngài nên một với chúng ta, sống trong chúng ta, sống với chúng ta, nhờ chúng ta để đến với mọi người. Chúng ta trở thành những sứ giả của Ngài đối với anh em chúng ta. Hãy ăn lấy Ngài và lên đường.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho