02/10/2021
505
Suy niệm Chúa Nhật 27 Thường Niên - Năm B_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 27 Thường Niên năm B

Lời Chúa: Mc 10,2-12

 

Các ông Pharisêu thường hay đặt nhiều vấn nạn cho Chúa Giêsu, để thử Ngài hay gài bẫy Ngài. Hôm nay, chúng ta nhìn lại một vấn nạn khá hiểm hóc, đặt Chúa Giêsu vào một tình thế khó khăn. Nhưng chính nhờ dịp này, Chúa mới nhắc lại một lề luật mà nhiều người đã bỏ quên hay không còn lưu ý: đó là luật bất khả phân ly trong hôn nhân.

Họ hỏi Chúa: “Chồng có được phép rẫy vợ không?” Ngài không trả lời trực tiếp mà hỏi lại: “Vậy Môsê đã dạy các ông điều gì?” Họ đáp: “Môsê cho phép viết giấy ly dị.” Chúa nói tiếp: “Vì các ông lòng chai dạ đá nên Môsê đã cho phép các ông làm điều đó, nhưng từ thuở ban đầu… Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Chúng ta cần suy nghĩ một cách nghiêm túc câu nói của Chúa. Chúa nhắc lại luật từ thuở ban đầu và đòi buộc vợ chồng phải trung thành với nhau triệt để vì họ là một xương một thịt, họ không thể tách rời nhau ra được. Vậy tại sao Môsê lại cho phép ly dị? Đây là một sự nhượng bộ trong hoàn cảnh nào đó chứ không thay đổi luật Chúa. Trong thời của Môsê, tâm thức con người còn quá thô sơ. Dân Itraen thường bị ảnh hưởng của các dân tộc chung quanh và bỏ Giao Ước của Chúa. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến lòng chai dạ đá của dân, nghĩa là họ chưa có đủ khả năng để hiểu tầm quan trọng của hôn nhân, vì thế cần phải cho phép họ ly dị để giúp họ từ từ vượt lên đến tầm mức cần thiết. Thời Chúa Giêsu, qua nhiều thế hệ, tâm thức con người đã trưởng thành, vì thế, cần ý thức hơn về trách nhiệm trong tình yêu. Việc cưới vợ lấy chồng không phải là một việc mua bán, cũng không thể là một khế ước tạm thời, mà là một sự dấn thân với nhau để xây dựng hạnh phúc cho nhau và cho con cái. Vì thế đòi hỏi phải chung thủy với nhau đến trọn đời.

Trong thời đại chúng ta, vấn đề được đặt ra càng gay gắt hơn. Chúng ta đang sống trong một nền văn minh duy khoái lạc và duy vật. Con người tiến bộ về mọi mặt, con người muốn làm chủ cả cuộc sống của mình, không muốn bị ràng buộc bởi một luật pháp nào, con người đã đánh mất những giá trị của tình yêu, của lòng chung thủy. Họ hiểu sai về tự do, vì thế, họ không còn biết yêu là gì. Vật chất đã làm lu mờ tất cả những giá trị tinh thần. Đồng tiền và khoái lạc đã lên ngôi. Chúng ta đang sống trong một xã hội mà con người chỉ biết tìm hưởng thụ hơn những giá trị căn bản của đời sống. Tình yêu bị lạm dụng một cách trắng trợn. Có thể nói, ngày nay người ta, đa số, không còn biết tình yêu là gì. Họ nói rất nhiều về tình yêu, nhưng đó chỉ là một thứ tình yêu giả hiệu, một thứ tình yêu xác thịt không còn ý nghĩa. Gần như khắp nơi, người ta cho việc ly dị là quyền của mỗi người.

Lớn lên trong một xã hội duy khoái lạc và hưởng thụ, thanh thiếu niên sẽ mất hết tâm thức về giá trị của con người, của tình yêu. Hôn nhân chỉ là một khế ước tạm thời. Vui thì ở, buồn thì kéo nhau ra tòa ly dị. Người tín hữu cũng bị lôi cuốn vào trào lưu vật chất đó.

Chúa Giêsu nhắc lại luật Chúa từ thuở tạo dựng con người. Thiên Chúa tạo nên con người có nam có nữ và cả hai sẽ nên một với nhau trong một tình yêu không sứt mẻ. Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc và tạo nên họ giống hình ảnh của Người. Tội lỗi đã phá tan hình ảnh thần linh đó và đưa con người vào vực thẳm của sự bất trung.

Chúa Giêsu đến trong trần gian này, khôi phục lại tất cả bằng tình yêu tế hiến của Ngài. Ngài đến để giúp con người biết yêu thương và tìm về nguồn cội của tình yêu là Thiên Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta đến tận cùng, đến chết cho chúng ta, trở nên mẫu mực của mọi tình yêu: Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình yêu của người dám chết cho người mình yêu. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi dám bước theo Ngài trong tình yêu. Con đường tình yêu không dễ dàng như nhiều người tưởng. Vì thế, Chúa Giêsu không để chúng ta mồ côi, Ngài đến với chúng ta và trở nên một tấm bánh, cho chúng ta ăn lấy Ngài để cùng sống với Ngài, một xương thịt với Ngài, cùng một nhịp tim với Ngài, nhờ Ngài, chúng ta biết yêu thương hơn, biết hy sinh cho anh em hơn. Chúng ta dám quên mình để giúp cho người khác hạnh phúc. Đó là ước mơ của Chúa.

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho