17/09/2021
493
Suy niệm Chúa Nhật 25 Thường Niên - Năm B_Lm Trầm Phúc


















 

GỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA

Chúa Nhật 25 Thường Niên năm B

Lời Chúa: Mc 9,30-37

 

Chúng ta ai cũng muốn “có danh gì với núi sông”, cũng muốn làm lớn. Nhưng Chúa Giêsu lại khác. Ngài là Thiên Chúa, quyền phép vô song, nhưng Ngài đã trở nên người nhỏ nhất, nghèo khổ, trút bỏ mọi vinh quang, mang thân nô lệ…, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”. Đó là khuôn mặt của Chúa chúng ta. Chúng ta có muốn trở nên giống Ngài không?

Hôm nay, Chúa muốn dạy cho các môn đệ và cho cả chúng ta một bài học quí giá. Về đến nhà, Ngài hỏi các ông: “Dọc đường anh em đã nói với nhau những gì?” Các ông làm thinh vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Nhờ dịp này, Ngài dạy các ông một bài học căn bản là ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người. Một bài học khó nuốt. Không mấy người trong chúng ta muốn làm người rốt hết và phục vụ mọi người. Hãy nhìn Chúa chúng ta. Ngài nói và Ngài đã làm. Nơi khác Ngài cũng nói: “Ở giữa anh em, Thầy là người phục vụ”. Đối với Ngài, con người hiền lành và khiêm nhượng, thì phục vụ không phải là một sự ô nhục mà là một vinh dự. Vinh dự được phục vụ vì nếu chúng ta nhìn người anh em là con Thiên Chúa, thì phục vụ một người con Thiên Chúa chẳng phải là một vinh dự sao?

Phục vụ là một hành động yêu thương. Nếu chúng ta không yêu thương, chúng ta sẽ không thể phục vụ, tình yêu biến chúng ta thành nô lệ. Ở đời, chúng ta cũng thấy rõ điều đó. Cha mẹ lo cho con cái, phải chăng là phục vụ và phục vụ trong yêu thương? Cha mẹ sẵn sàng chịu mọi khốn khổ, mọi cực nhọc để lo cho con cái và vui mừng thấy con cái được đầy đủ những gì cần thiết và hạnh phúc. Nhũng người yêu nhau, họ không quản ngại điều gì miễn là người yêu của họ được hạnh phúc. Họ chấp nhận mọi hi sinh để phục vụ người yêu. Chúa Giêsu yêu chúng ta và không ngần ngại xuống thế làm người, sống với chúng ta, ban mạng sống làm giá chuộc chúng ta. Ngài mong ước gì? Cho chúng ta hạnh phúc.

Các thánh đã noi gương Chúa và đã làm như Ngài đã làm. Chỉ xin đan cử một ví dụ gần chúng ta nhất đó là thánh Têrêxa thành Cancutta. Mẹ đã phục vụ không phải những người bình thường mà là những người bần cùng khốn khổ nhất trong xã hội, những người bị bỏ rơi. Và mẹ đã gây nên một phong trào yêu thương trên khắp thế giới. Phương châm của Mẹ là gì? Là nhìn Chúa Giêsu trong những người khốn khổ nhất trên đời. Phục vụ họ như phuc vụ chính Chúa Giêsu.

Chúa đã nói: “Con Người đến trong trần gian không phải để được phuc vụ mà là để phục vụ và ban mạng sống cứu vớt nhiều người”. Bài học của Chúa quá rõ, chúng ta hãy dấn thân theo Ngài. Ở đời người ta không bao giờ làm gì không công cả. “Bánh ít đi thì bánh quy lại”. Chúa Giêsu hoàn toàn là nhưng không. Tình yêu là cho đi mà không đòi hỏi lại. Chúa mong ước cho chúng ta, những người theo Chúa, cũng luôn cho đi vô vị lợi. Thế gian đang khao khát tình yêu. Chúng ta hãy mang cho thế gian điều họ đang mong ước.

Sau đó Chúa còn cho chúng ta một bài học khác là tiếp đón trẻ em. Trong xã hội Do thái thời bấy giờ, trẻ em không được cưng chiều như hôm nay. Trẻ em là con người bé nhỏ, đơn sơ, không vũ khí, dễ bị tổn thương. Chúa đồng hóa mình với trẻ em, vì thế, đón tiếp một trẻ em là đón nhận chính Chúa, và tiếp đón Chúa là đón nhận Cha trên trời. Nơi khác Chúa còn xem trẻ em như gương mẫu của chúng ta. Ngài bảo phải trở nên như trẻ em thì mới vào được Nước Trời. Sống giữa một thế giới đầy hận thù, tranh chấp và dã man, con người chúng ta quen đấu tranh, chúng ta trở nên cằn cỗi. Tâm hồn chúng ta không còn trong sáng như tâm hồn trẻ em, chúng ta mất đi nét ngây thơ trong sáng của trẻ em. Hãy nhìn Chúa Giêsu. Trước mặt Cha Ngài, Ngài chỉ là một đứa con nhỏ bé, luôn tuân hành ý Cha, hoàn toàn thuộc về Cha dù phải chết treo trên thập giá. Chúng ta hãy bỏ đi những sự khôn ngoan trần thế của chúng ta để tưởng nghĩ như Chúa, trong sáng như Chúa, yêu thương như Chúa. Đó là con đường của Chúa chúng ta đã đi. Con đường trong sáng, khiêm nhường, phục vụ và yêu thương. Hằng ngày, Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, vẫn luôn có mặt nơi bàn thờ hiến tế. Ngài sẵn sàng phục vụ chúng ta bằng cách biến mình thành một của ăn, để hoàn toàn thuộc về chúng ta. Hãy tiếp đón Ngài với tất cả lòng thành, chúng ta sẽ đồng thời tiếp đón Đấng đã sai Ngài là Cha của Ngài và cũng là Cha chúng ta. Vinh dự lớn lao cho chúng ta mà nhiều người không biết. Chúng ta sẽ được che chở, yêu thương và hạnh phúc. Chúng ta còn ước mơ gì hơn nữa?

Lm Trầm Phúc

Gp. Mỹ Tho